34. Bánh bò ngọt mua chua trả đây
Cô Trinh là người để ra nhiều thì giờ nhất để dạy thiếu nhi. Các lớp học của cô đều được tổ chức tại Xóm Hạ. Cô lại còn tập cho thiếu nhi múa, hát và đóng kịch nữa. Một hôm, trong lớp quốc văn, cô nói với Tý là cô có một bài thơ trong đó có tên của Tý. Và cô đọc bài thơ đó cho Tý chép. Bài thơ như sau:
Làm sao phổ được phiến hùng tâm
của Phật vào trong khúc Việt cầm?
cho độc huyền kia từ một sợi
mà vươn lên thành hải-triều-âm?
Cô Trinh cho biết tác giả bài thơ là Linh Thoại. Cô hỏi Tý có biết ý nghĩa của ba tiếng Hải Triều Âm không? Ðã từng được Sư Ông giải thích cho nghe về tên mình rồi nên Tý trả lời cho cô một cách trôi chảy rằng hải triều âm là tiếng của thủy triều lên. Thủy triều là nước rồng. Nước rồng là nước biển. Tiếng nói của đức Phật cũng gọi là hải triều âm bởi vì tiếng nói đó oai hùng và có năng lực thức tỉnh mọi người. Ba nói ngày xưa Sư Ông có làm một tờ báo hàng tuần lấy tên là Hải Triều Âm.
Ba đặt tên Hải Triều Âm cho Tý từ hơn mười năm về trước mà Ba chưa từng giải thích ý nghĩa của cái tên đó cho Tý. Phải đợi đến lúc vượt biển sang tới Pháp, Tý mới được Sư Ông nói cho nghe. Từ đó mỗi khi có người Pháp hỏi Tý tên của Tý có nghĩa là gì, Tý trả lời: la voix de la marée montante. Cô Trinh giải thích bài thơ cho cả lớp nghe. Cô nói phiến hùng tâm tức là tinh thần từ bi và trí tuệ và dũng cảm lớn của Phật. Khúc Việt cầm có nghĩa là bản đàn Việt, tức là đời sống và văn hóa Việt Nam. Hai câu đầu của bài thơ tỏ bày ước nguyện của tác giả là làm sao cho đời sống Việt Nam thấm nhuần tinh thần đại bi, đại trí và đại dũng của đức Phật:
Làm sao phổ được phiến hùng tâm
của Phật vào trong khúc Việt cầm?
Nếu làm được như thế, cô Trinh nói, thì cây đàn độc huyền, nhạc cụ thô sơ một dây của dân tộc ta, cũng có thể rung lên và tạo thành tiếng thủy triều của biển cả:
Cho độc huyền kia từ một sợi
mà vươn lên thành hải-triều-âm.
Sau lớp học, Tý chạy đi tìm Ba để hỏi xem Ba có biết Linh Thoại tác giả bài thơ là ai không. Tý gặp Ba ở vườn tía tô. Ba nói Ba rất quen với Linh Thoại. Ông này là thi sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Hiện ông còn sống ở quê nhà. Cái biệt hiệu Linh Thoại là một biệt hiệu mới, chưa mấy ai biết đến. Tý đọc bài thơ cho Ba nghe. Ba nói Ba đã đọc bài thơ này ở đâu một lần rồi, hồi gia đình Tý còn cư trú ở đảo Palawan.
Ba bảo Tý giờ này Quán Cây Sồi đã mở cửa và cho Tý mười đồng, bảo Tý rủ Miêu đi ăn quà. Tý trả mười đồng lại cho Ba bởi vì trong túi Tý còn nhiều tiền. Các cô các bác ở Xóm Thượng đã cho Tý và Miêu tiền ăn quà nhưng hai đứa ít dùng tới tiền này lắm. Tý và Miêu đã để dành đủ số tiền để trồng thêm cho Chó Con một cây mận. Ba cho Tý biết chiều nay quán cốc có bán bánh bò do Mẹ làm. Ba rủ Tý đi Quán Cây Sồi để xem bánh Mẹ làm có khéo không. Tới quán, Tý thấy hôm nay có cả bánh ít lá gai do cô Yến làm và bánh tiêu cùng dầu chao quảy của bác An làm. Lại có chè đậu đen nữa.
Tý gặp Sư Ông ngồi trên võng giữa hai cây sồi. Sư Ông đang ăn chè đậu đen. Tý đã được Ba mua cho một cái bánh tiêu. Tý ngồi xuống trên một tảng đá gần bên Sư Ông và đề nghị mua tặng cho Sư Ông một cái bánh tiêu khác, bởi vì Tý nhận thấy bánh tiêu rất ngon. Sư Ông bằng lòng. Khi Tý đi mua bánh trở lại thì Sư Ông đã ăn xong chén chè. Sư Ông đặt chén và muỗng xuống đất, chắp tay lại và nhận quà của Tý. Sư Ông cho Tý biết là hồi nhỏ Sư Ông rất ít được ăn quà tuy rằng Sư Ông rất ưa ăn quà. Mẹ của Sư Ông không ưa các con bà ăn vặt. Nhưng Sư Ông lại ưa thiếu nhi được ăn quà. Hồi năm 1974, Sư Ông đã chuẩn bị viết một cuốn truyện cho thiếu nhi trong đó có nhiều chuyện mạo hiểm, nhiều trò chơi và đủ các thứ hàng quà mà trẻ em thích. Sư Ông đã phỏng vấn thiếu nhi về những món quà họ thích, từ trái chùm ruột cho đến cà rem đậu xanh. Sư Ông đã thâu thanh đầy ba cuốn băng nhựa toàn là những hàng quà do trẻ em kể lại. Nhưng Sư Ông đã không viết được cuốn sách này, bởi vì năm 1975 nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn bị đóng cửa.
Cô Chín thường yêu cầu các cô bán hàng Quán Cây Sồi tập rao lên những món hàng mình bán. Cô nói tiếng rao hàng Việt Nam đặc biệt lắm. Ðó là một thứ âm nhạc thuần tuý quê hương. Có hôm bưng giúp món chè thưng của Mẹ nấu từ nhà Tý ra quán cốc, cô đã rao như sau:
Ai ăn bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát không?
Các cô các chị còn ưa mắc cỡ nên ít ai rao được như cô Chín. Quán Cây Sồi bán nhiều thứ quà lắm. Mỗi bữa có ba hoặc bốn thứ quà. Có hôm quán bán bì cuốn của cô Trí Hải. Hôm đó có dân Bordeaux xuống Làng rất đông. Bì cuốn bán hết trong vòng mười lăm phút. Rất nhiều người than phiền là không có để mua. Có hôm quán bán xôi đủ màu. Có đậu xanh, có dừa tươi nạo nhỏ, có muối mè, muối đậu phọng và cả bánh phòng mì kèm theo. Ngoài món bánh ít lá gai, cô Yến còn làm cả bún riêu và hủ tiếu nữa. Bác An thì trổ tài làm bánh tiêu và dầu chao quảy. Cô Thanh thì trổ tài làm bánh bao. Có nhiều người tới quán tỏ ý xin học nghề làm bánh tiêu và bánh bao. Sư Cô Trí Nguyện làm bánh cam rất xuất sắc. Cô Tâm Trân làm bánh bột lọc, bánh khói và chuối chưng. Cô Trinh làm ”xinh xa hột lựu” rất khéo. Ngoài ra còn nhiều thứ quà khác như chè đậu đen, chè đậu đỏ, đậu hủ hoa, hột é đười ươi, nước chanh muối, bắp non chiên… còn nhiều thứ nữa mà Tý không nhớ.
Có một buổi tối trong giờ văn nghệ, các thiếu nhi trình diễn lời rao. Bé Thơ bắt đầu: ”Mì dòn, mì thịt, mì chả; bánh cam nhân đậu nhân dừa không nào?” Bé Thơ rao bằng tiếng Bắc, bắt chước bà hàng thường đi qua nhà Thơ ở cư xá Lữ Gia mỗi buổi sáng. Câu rao này của Thơ ăn khách lắm. Khán giả vỗ tay rất lâu.
Anh chàng Miêu lên trình diễn một câu rao rất ngắn: “Mía hấp“. Anh chàng Sâm lên rao: “Răng vàng, bạc vàng giả bán không?” cũng rất thành công. Chị Thanh Trang rao ba câu khoai lang khác nhau:
“Ai ăn khoai lang không?”
“Ai ăn khoai lang bí không?”
“Ai ăn khoai lang nấu đường không?”
Chị Hoàng Trang rao:
“Ai ăn bánh dừa nhưng tôm thịt không?’
Anh Hoàng Vũ rao, theo giọng người Hoa:
“Bánh bò, bánh bò dầu chao quảy.
Chị Tri Thủy làm khán giả cười gần bể bụng:
“Hột vịt lộn vịt vữa không?”
Ðến lượt Tý được mời lên sân khấu. Tý rao theo giọng một cậu bé:
“Bánh bò đây, bánh bò đây, bánh bò Chợ Lớn đây, bánh bò ngọt mua chua trả, bánh bò Chợ Lớn đây.”
Thiên hà cười ầm và vỗ tay không ngớt. Tý chắp tay cúi đầu chào khán giả và cảm thấy hơi bẽn lẽn.