33. Tý dự thiền trà
Chiều hôm ấy, Tý nhận được một lá thơ mời dự thiền trà tại Tham Vấn Ðường vào lúc năm giờ chiều ngày mai. Lá thơ do Ba ký. Tý mừng lắm. Mỗi buổi thiền trà như thế, chỉ có mười bốn người được mời tham dự. Trong số các thiếu nhi về Làng chỉ mới có bốn đứa được dự thiền trà. Ðó là Hạnh Ðoan, Hoàng Nhã, Sâm và Miêu. Thường thường thì trong mỗi buổi thiền trà có hai thiếu nhi được tham dự. Tý nghe cô Tâm Trân nói là Miêu đã ngồi rất đẹp trong buổi thiền trà do Ni Sư Linh Phong chủ tọa và do cô pha trà. Miêu đã ngồi rất thẳng và đã theo đúng phần nghi lễ trang trọng của buổi thiền trà. Nghe cô Tâm nói, Tý muốn bật cười. Anh chàng Miêu mà được cô Tâm Trân khen như thế thì quả thật là anh ta đã cố gắng hết sức mình. Cô lại nói rằng Hạnh Ðoan ngồi cũng rất đẹp và phong thái rất đoan trang, thật xứng với cái tên Hạnh Ðoan của mình. Tý hy vọng ngày mai mình cũng sẽ ngồi uống trà đẹp được như Hạnh Ðoan. Ít nhất cũng phải bằng anh chàng Miêu, Tý nghĩ.
Sáng hôm sau, Tý được biết là Thanh Tuyền, tức là bé Thơ, cũng được mời dự thiền trà một ngày với Tý. Bé Thơ nhận được thơ mời cũng tỏ vẻ sung sướng lắm. Các bé như Bảo Khánh, Bảo Tịnh, Hoàng Hiếu, vân vân… chưa được mời dự thiền trà lần nào, đã tỏ ra rất nóng ruột. Bé Hiếu cứ theo sát cô Chín để xin cô vận động cho mình được mời dự thiền trà. Cô Chín nói thiếu nhi nào cũng sẽ được giấy mời; có thể muộn một chút, nhưng chắc chắn là thế nào cũng được mời. Tý thấy cả người lớn cũng tỏ vẻ hân hoan khi nhận được giấy mời đi dự thiền trà.
Vào lúc tám giờ rưỡi sáng, Tý và bé Thơ được cô Tâm Trân đưa xuống Xóm Hạ bằng xe hơi. Bé Thơ mặc áo dài màu đỏ tươi mhư một cái bông hồng. Tý cũng mặc áo sơ mi trắng rất sạch. Xuống tới Xóm Hạ, Tý và Thơ được đưa vào sân Tham Vấn Dường, ngồi trên những tảng đá sắp thành vòng tròn chen giữa những khóm trúc. Những người lớn được mời dự thiền trà sáng nay đều có mặt tại đó. Trong số những người có mặt, Tý thấy có sư cô Trí Hải, chú Thư, chú Thanh, chú Tính, cô Liên, cô Lai và chị Bích. Có cả chú Nico và anh Jens nữa. Hai người này là người Hòa Lan. Tý nghe nói hôm nay bác Huệ Ðạo làm chủ tọa thiền trà, còn chị Diễm Thanh ngồi pha trà.
Ba không có dự thiền trà sáng nay nhưng Ba cũng có mặt ở Tham Vấn Ðường. Ngồi trên một phiến đá, Ba nói chuyện về nghi lễ thiền trà cho những người sắp dự. Ba nói có hai phần, phần đầu yên lặng và phần thứ hai có trao đổi chuyện trò. Trong phần đầu, mọi người ngồi thoải mái, theo dõi hơi thở của mình và tất cả những động tác của mình một cách chăm chú và có ý thức. Trong phần thứ hai, tuy mọi người có chuyện trò, mọi người vẫn theo dõi hơi thở và biết mình đang nghe hay nói điều gì. Ba nói:
– Trong đời sống hàng ngày, vì áp lực của sự sống và của xã hội, chúng ta thường phải vội vã. Chúng ta thường phải đối phó với tương lai. Ít khi chúng ta được thảnh thơi mà sống trong giây phút hiện tại. Thiền trà là một dịp để chúng ta ngừng lại và nắm lấy quyền tự chủ của ta. Ta ngồi ngay ngắn nhưng thoải mái. Ta thở những hơi dài, nhẹ và có ý thức. Ta chủ động lấy ta trong mọi cử chỉ, như khi nâng tách trà lên, hoặc uống một hớp trà. Ta phải làm cho giờ phút hiện tại có mặt, bởi vì chỉ có giờ phút hiện tại mới là sự sống.
Ba còn nói nhiều nữa, nhưng Tý không hiểu hết. Có vài người đặt câu hỏi về cách ngồi trong lúc thiền trà. Ba vừa trả lời xong thì có tiếng một hồi bảng vọng lên từ Tham Vấn Ðường. Chị Diễm Thanh đã chuẩn bị xong. Bác Huệ Ðạo trong chiếc áo tràng màu khói hương đứng dậy và đưa mọi người đến trước Tham Vấn Ðường. Cửa Tham Vấn Ðường được mở rộng. Mọi người nối theo nhau vào, và để giầy giép trước bực đá. Tý nhận thấy ai cũng ăn mặc chỉnh tề. Chú Thư cũng có áo tràng. Các cô và các chị đều mặc áo dài.
Mọi người chia nhau đứng thành hai hàng sau bác Huệ Ðạo, hướng về phía bàn thờ thiền tổ. Bàn thờ này nhỏ và thấp. Trên bàn thờ có một bình hoa nhỏ và một cây đèn nến. Bình hoa này chắc đã được chị Diễm Thanh cắm. Phía sau bàn tổ có buông một bức họa lớn. Trên bức họa có hai hàng chữ viết tay. Nét bút vừa mạnh khỏe vừa uyển chuyển: Respire, tu est vivant. Tý đã từng nghe Ba dịch câu ấy ra tiếng mẹ đẻ. Ba dịch là thở đi, ngươi là một sinh thể. Ba còn nói Sư Ông chưa bằng lòng với lời dịch. Tuy vậy Sư Ông chưa thấy lời dịch nào khá hơn. Bên phải bàn thờ là một chiếc ché màu nâu trong đó có cắm ba bông hướng dương thật lớn, màu vàng rực nổi bật trên những tờ lá lớn thẫm mầu. Mùa này ở Xóm Hạ hoa hướng dương đã mãn khai. Chú Dũng nói có tới khoảng năm triệu bông cả thảy. Tý thấy trên Xóm Thượng, chú Minh Hải cũng chưng bông hoa hướng dương. Sư Ông đã rủ thiếu nhi đi thăm đồng hướng dương mấy lần. Có một hôm chú Lễ hái một bông hướng dương thật lớn và thật đẹp đem về sân Tham Vấn Ðường. Hôm đó hầu hết dân hai xóm đều có mặt tại Xóm Hạ. Ba đề nghị chụp hình cho từng người, tay cầm bông hướng dương, giống như trong truyện Tố. Tất cả mọi người, kể cả bé Vi nhỏ nhất, đều đã chụp hình. Chú Lễ làm nghề nhiếp ảnh. Chú đã chụp hết ba cuộn phim màu.
Chú Thư thắp một cây hương, bước nhè nhẹ và trịnh trọng tới gần bác Huệ Ðạo, rồi đưa cây hương lên bằng hai tay một cách kính cẩn. Bác Huệ Ðạo đỡ lấy cây hương đưa lên trước trán, cũng bằng hai tay. Bác thầm niệm bài kệ dâng hương. Một lát sau bác cúi đầu trước bàn thờ thiền tổ rồi trao cây hương cho chú Thư. Chú Thư nhận lấy cây hương, bằng hai tay, rồi lại chầm chậm bước lên gần bàn thờ. Chú quỳ xuống và cắm hương rất thông thả, rất nhẹ nhàng. Cây hương đứng rất thẳng. Một làn khói màu lam nhỏ bằng cây hương đi lên cũng rất thẳng: giống như cây hương đã trở thành một sợi dây dài trên một thước.
Sau khi chú Thư đã trở về chỗ đứng của mình ở hàng trên thì bác Huệ Ðạo chắp tay lên trán và lạy xuống trước bàn thờ thiền tổ. Tất cả mọi người cùng lạy xuống. Tý đứng ở hàng sau nên thấy được anh Jens và chú Nico lạy. Họ lạy rất giỏi. Khi mọi người lạy xong ba lạy thì bác Huệ Ðạo quay lại chắp tay hướng về mọi người. Bác trang trọng nói: ”Xin kính chào đại chúng”, rồi lạy xuống một lạy. Mọi người đều lạy xuống đáp lễ.
Bác Huệ Ðạo đưa tay mời mọi người ngồi trên những chiếc tọa cụ bày thành vòng tròn. Tý ngồi xuống trong tư thế hoa sen. Bên trái Tý là anh Jens. Bên phải là cô Nga. Bé Thơ ngồi phía trước mặt Tý, giữa cô Trí Hải và chú Tính. Thơ ngồi rất ngay ngắn và rất tự nhiên. Tý cố gắng ngồi cho thẳng và thở nhẹ như lời Ba dặn. Mọi người ai nấy đều lặng lẽ và nghiêm trang. Từ chỗ ngồi của mình, Tý có thể trông thấy chị Diễm Thanh. Chị ngồi bên phải bác Huệ Ðạo; phía trước và phía sau đều có những dụng cụ pha trà. Chị đang pha trà một cách chăm chú. Cử động của chị thong thả và ung dung. Chắc là chị vừa pha trà vừa chú ý tới hơi thở.
Tý đã từng được nói chuyện với chị Diễm Thanh. Chị Thanh đang học nghề chữa răng ở Paris. Năm nay chị ấy đã hai mươi mốt tuổi. Bọn Tý đã từng theo chị đi hái lê ở Xóm Thượng nhiều lần. Chị dạy cho bọn Tý nhiều trò chơi. Chị ăn mặc rất đơn giản; Tý chưa bao giờ thấy chị trang điểm phấn son lần nào.
Chị Diễm Thanh vừa pha trà xong chén trà đầu tiên. Chị đặt chén trà lên một chiếc khay nhỏ và nâng khay trà lên ngang trán bằng cả hai tay. Bé Thơ từ từ đứng dậy và đi từng bước thong thả đến trước mặt chị. Sau khi chắp tay thành búp sen trước ngực, Thơ đón lấy chiếc khay trà, xoay mình sang phải và bước tới nâng khay trà trước mặt bác Huệ Ðạo. Bác Huệ Ðạo từ từ đứng dậy. Bác chắp tay trước mặt bé Thơ, nhận lấy khay trà và quay lại dâng trà trên bàn thiền tổ. Bé Thơ chắp tay. Mọi người cùng chắp tay trong khi bác Huệ Ðạo dâng trà.
Sau khi dâng trà, bác Huệ Ðạo quay trở ra xá và từ từ ngồi xuống. Bé Thơ cũng xá và quay trở ra đi chầm chậm về chỗ cũ của mình, ngồi xuống. Chén trà đầu tiên đã được dâng lên thiền tổ.
Chị Diễm Thanh nâng khay bánh lên, và tiếp đó chuyển khay về phía bác Huệ Ðạo. Bác chắp tay lại thành búp sen, nhận một chiếc khăn giấy và một cái bánh tròn rồi đỡ lấy khay chuyển về phía cô Trinh. Cô Trinh cũng chắp tay như bác Huệ Ðạo trước khi nhận khăn và bánh. Cô chuyển khay về phía cô Trí Hải. Sau cô Trí Hải là Tý. Tý chắp tay nhận bánh. Chuyển khay về phía anh Jens xong, Tý mới nhớ là trong lúc làm những cử động ấy, Tý quên theo dõi hơi thở như ba dặn.
Khay bánh vừa chuyền đến bé Thơ thì khay trà được chuyền tới Tý. Tý chắp tay. Lần này Tý nhớ theo dõi hơi thở. Tý nhận chén trà của mình, đặt chén trà ấy xuống trước mặt mình một cách nhẹ nhàng, rồi tiếp lấy chiếc khay trà để chuyển về phía anh Jens. Khay trà nặng hơn khay bánh nhiều. Chị Diễm Thanh phải dâng tới hai khay trà mới đủ cho tất cả mọi người. Tý đếm được cả thảy mười sáu người, trong đó kể cả bác Huệ Ðạo và chị Diễm Thanh.
Sau khi mọi người đã có trà và bánh đầy đủ, bác Huệ Ðạo chắp tay và nói:
– Xin mời đại chúng dùng trà.
Mọi người chắp tay thành búp sen để đáp lễ.
Bác Huệ Ðạo nâng chén trà lên bằng hai tay, trân trọng như là nâng một cái chén bằng ngọc. Mọi người đều làm như bác. Tý cũng nâng trà lên bằng hai tay. Tý ngửi thấy hơi trà rất thơm. Tý uống một ngụm rồi đặt chén trà xuống. Mọi người ăn bánh và uống trà trong yên lặng. Tý nhìn sang chị Diễm Thanh thì gặp cái nhìn của chị ấy. Chị ấy lại mỉm cười với Tý. Bác Huệ Ðạo rất trang nghiêm. Bác không cười. Bé Thơ cũng ngồi trang nghiêm. Bé là người nhỏ tuổi nhất trong số những người dự thiền trà. Bác Huệ Ðạo là người lớn tuổi nhất. Ba nói bác đã sáu mươi mấy tuổi rồi.
Chị Diễm Thanh lên tiếng nhỏ nhẹ:
– Quý bác và anh chị nếu muốn có thêm trà trong chén thì xin chắp tay. Cái khay sẽ được tự nhiên chuyền đến.
Chú Thư lên tiếng nói về không khí thanh tịnh của một buổi thiền trà. Chú nói người đầu tiên tìm ra được lá chè tàu là một vị thiền sư Trung Hoa. Các thiền sư là những người đầu tiên nấu thứ này để uống. Thấy uống thì tỉnh táo hơn khi ngồi thiền nên họ đã tìm cách bào chế ra trà. Từ đó trà từ từ được năm châu biết đến. Chú nói trà với thiền có lịch sử chung gần hai ngàn năm. Mọi người góp ý với chú Thư về liên hệ giữa thiền và trà. Thỉnh thoảng cô Giao Trinh tóm lược câu chuyện bằng tiếng Anh cho hai người Hòa Lan nghe. Chú Nico cũng phát biểu bằng tiếng Anh. Nhờ cô Giao Trinh dịch, Tý mới hiểu được chú nói gì. Chú nói là chú đã từng được dự trà lễ Nhật Bổn nhiều lần, nhưng không lần nào chú có được cảm giác thanh thoát và an lạc như trong buổi trà lễ Việt Nam này. Chú nói là chú sẽ về tổ chức thiền trà theo lối này tại Amsterdam. Chú Nico ngồi theo tư thế kiết già đẹp lắm.
Ni Sư Trí Hải nhắc đến bài ca dao Ðêm qua ra đứng bờ ao. Cô nói trong bài này có một danh từ thiền. Ðó là danh từ Tào Khê. ”Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.” Cô nói Tào Khê là đất của thiền tổ Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của thiền tông bên Tàu. Mọi người góp ý với cô về bài ca dao. Bài này Tý cũng thuộc. Ni Sư Trí Hải đề nghị cô Trinh trình diễn một bài đàn tranh. Tý hiểu là cô Trinh đã chuẩn bị, bởi vì hồi nãy, lúc dâng hương, Tý thấy có một chiếc đàn tranh để ở góc Tham Vấn Ðường.
Ngồi trang nghiêm trước cây đàn, cô Giao Trinh chắp tay giới thiệu bản đàn. Cô nói cô sẽ đàn bản Ngũ đối hạ.
Tiếng đàn như rót vào tai Tý. Tiếng đàn thanh tao và thánh thót. Trong cảnh trang nghiêm phảng phất khói hương trầm, giữa lúc mọi người ngồi trầm tĩnh và yên lặng, tiếng đàn vọng lên có khi như những hạt ngọc lăn tròn, có khi như những lọn tuyết rơi phơi phới. Bản đàn của cô Giao Trinh đã kết thúc buổi thiền trà. Những cái khay được chuyền đi để thu lượm chén trà và khăn đựng bánh. Mọi người vẫn ngồi thanh thản, và cử chỉ của họ vẫn chậm rãi nhẹ nhàng. Cuối cùng bác Huệ Ðạo chắp tay. Mọi người chắp tay đáp lễ và cùng đứng dậy hướng về bàn thờ để xá trước khi ra khỏi Tham Vấn Ðường.
Tý được cô Giao Trinh cho biết là trong buổi thiền trà kỳ trước, bé Hạnh Ðoan đã đọc bài ca dao Sáng Ngày Em Ði Hái Dâu, chú Lễ đã đọc thơ Vua Trần Nhân Tông và cô Nga đã hát bài Lời Ru Của Mẹ.
Vào lúc đó, cô Tâm Trân đã tới và cho Tý và Thơ biết rằng cô đã sẵn sàng để chở hai người về Xóm Thượng.