Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

32. Con ốc có ba và có má

Sâm cùng tuổi với Tý, Sâm cũng là ”con chuột” như Tý. Hai đứa chơi rất thân với nhau. Sâm nhỏ hơn Tý hai tháng nhưng Sâm lại có vẻ mạnh hơn Tý. Làm gì Tý cũng có Sâm tham dự: dọn sân khấu, đốt lửa trại, tưới cây tùng, lau phòng tắm, khiêng đá và khiêng gỗ giúp chú Sơn. Chú Sơn chơi bi rất tài; tất cả thiếu nhi Xóm Thượng chơi với chú đều thua xiểng liểng. Không đứa nào cõng nổi chú, nhưng theo nguyên tắc đứa nào thua cũng phải cõng. Cõng không nổi thì lôi chú đi xềnh xệch. Hồi còn nhỏ có lẽ chú chơi bi nhiều lắm và thắng hết mọi đứa trẻ trong xóm. Tại Xóm Thượng cũng như ở Xóm Hạ, Tý thấy có lúc thiếu nhi chơi chung giữa con gái và con trai, nhưng thường thường thì con gái rủ nhau chơi riêng, và tụi con trai cũng vậy. Người lớn không bao giờ can thiệp vào những sinh hoạt của thiếu nhi, người lớn cũng không khuyên con trai và con gái chơi riêng; nhưng nếu tụi nó hay tự động chơi riêng là vì có nhiều trò chơi con trai không thích hợp với con gái. Bọn con trai như Tý chẳng thích chơi những trò chơi như cờ gánh, cờ quang; trái lại các đồng nữ như bé Thơ, bé Ton và bé Hiếu rất mê loại cờ này. Bọn Tý ưa chơi Tarzan, đi xe đạp, bắn bi, trèo cây, thám hiểm trong rừng. Có mấy thiếu nhi vì nói tiếng Việt không thạo nên không hòa hợp được với sinh hoạt chung. Các thầy giáo và cô giáo chú trọng đặc biệt tới các thiếu nhi này. Sư Ông cũng để nhiều thì giờ nói chuyện với họ. Ba nói chỉ trong vòng mười hôm các thiếu nhi này sẽ nói tiếng Việt khá và sẽ hòa hợp được với mọi người trong các trò chơi. Cô Chín nói năm ngoái Kim Trang đã có về sinh hoạt tại Am Phương Vân nhưng hôm mới về đây, Tý thấy tiếng Việt của Trang hơi cứng. Trang đi học ở Sables d’Olonne. Tại vùng Trang ở, chẳng có thiếu nhi Việt Nam. Vì vậy Trang chỉ nói tiếng Việt với Ba Má. Vậy mà sau bốn hôm tại Làng Hồng, giọng của Trang đã mềm ra và không khác với giọng của các bạn đồng tuổi.
Sâm và Tý sáng nào cũng đi ngồi thiền. Ðối với Tý, Sâm cũng gần bằng Ngữ. Tý tự bảo rằng một ngày kia có thể Tý cũng sẽ thân với Sâm giống hệt như Tý đã thân với Ngữ, nhưng Tý chắc rằng Sâm sẽ không chiếm chỗ của Ngữ trong lòng Tý. Sâm nói với Tý là Sâm cũng có một đứa bạn rất thân còn ở Việt Nam. (Ai mà không có ít nhất là một người bạn thân còn ở Việt Nam?) Bạn của Sâm tên là Minh Nhật. Tý hỏi Sâm tại sao Sâm thân với Minh Nhật. Sâm không nói. Sâm chỉ ầm ừ cho qua. Tý buồn cười. Tý nhớ lại hôm Sư Ông hỏi Tý tại sao Tý thân với Ngữ. Tý chẳng giải thích được cho Sư Ông hiểu. Hôm nay Sâm cũng chẳng giải thích được cho Tý tại sao Sâm thân với Nhật. Chắc Sâm cho là Tý hỏi vớ vẩn. Chơi thân là tại vì chơi thân, chẳng cần lý do gì hết. Tý nghĩ nếu Tý có thể chơi thân với Sâm thì Tý cũng có thể chơi thân với Nhật. Tý hài lòng khi nghĩ rằng tại quê nhà đã có Ngữ lại có Nhật. Bọn thằng Ngữ và thằng Nhật có thể là không đông bằng bọn thằng Lực và thằng Vũ nhưng sự có mặt của những đứa như Ngữ và Nhật ở quê nhà làm Tý yên tâm hơn. Ðất nước thân yêu của mình phải có những đứa tốt gìn giữ. Tý đem ý tưởng ấy nói với Sâm. Sâm gật đầu. Tý rủ Sâm đi chơi đánh cờ Cọp.
Hôm thứ năm, dân Xóm Thượng được mời xuống Xóm Hạ ăn cơm trưa. Ni Sư Trí Hải cho dân Làng ăn cơm bì ngon quá. Ni Sư Trí Hải làm món gì cũng khéo, cũng ngon. Cô Trí Hải nói tiếng Pháp cũng rất hay. Cô và cô Christine thường rủ nhau ra ngồi im lặng rất lâu bên cạnh những cây sồi cổ thụ trốc gốc. Có lần cô nói với Tý là cô thấy hai cây sồi vẫn còn sống và theo cô, chúng sẽ còn sống mãi mãi. Cô bảo là cô từng nói chuyện được với hai cây sồi. Bé Nhung rất mê cô Trí Hải. Bé Nhung mới có bốn tuổi. Nó ở Xóm Hạ. Nó có áo dài màu tím. Nó múa bài Ngàn Cây Gió Ðùa rất hay. Múa chung với bé Bảo Khánh và bé Hiếu. Mỗi khi ba đứa lên sân khấu múa Ngàn Cây Gió Ðùa thì lại có thêm Bé Vi leo lên theo. Bé Vi luôn luôn mặc áo dài trắng. Nó chỉ mới ba tuổi. Nó tự động leo lên sân khấu không đợi ai mời. Mỗi khi nó leo lên sân khấu múa theo các chị là thính chúng vỗ tay. Nó múa dễ thương lắm. Có một hôm nó đứng trên sân khấu một mình và múa bài Thưa ba má con chừa, ai thấy cũng thương. Nó đứng thẳng, đưa một ngón tay lên và làm dấu ”đừng”. Nó hát:
– Thưa ba má con chừa
con hổng dám nô đùa
với những kẻ hư thân
mà ba má hổng ưa.
Oánh toét đít cho mà xem
–  Úi, Úi da!
Giọng của bé Vi non nớt; tiếng ”không” nó đọc là ”hông”. Vừa hát ”Úi da, Úi da”, bé Vi vừa đưa tay xoa đít như là vừa bị đánh đòn, trông rất dễ thương. Thiên hạ vỗ tay.
Trong số các thiếu nhi Làng Hồng, có nhiều đứa đã được về Am Phương Vân. Sâm kể cho Tý nghe rất nhiều chuyện về Am Phương Vân, bởi vì Sâm đã được sống một tháng ở đó. Sâm kể rằng thiếu nhi về Am Phương Vân rất được Sư Ông cưng. Mỗi buổi chiều vào lúc ba giờ, Sư Ông tiếp tất cả thiếu nhi trong phương trượng của Sư Ông, và hôm nào bọn Sâm cũng được nghe Sư Ông kể một câu chuyện về đời đức Phật hoặc một câu chuyện tiền thân của đức Phật. Hồi đó có cả một em bé gái quốc tịch Bangladesh tên là Sarala. Bé Sarala có một cặp mắt rất to và rất đen. Bé Sarala không hiểu được tiếng Việt nên chị Thanh Bình phải ngồi bên phải dịch thành tiếng Pháp cho bé.
Sâm kể có một hôm Sư Ông đưa các thiếu nhi ra thăm bọn ốc ở ngoài vườn. Sáng hôm ấy trời nắng, nhưng cây cỏ còn đẫm sương. Bọn ốc bò ra chơi nhiều lắm. Có đến hàng trăm con. Có con đã lớn; có con còn nhỏ xíu. Sư Ông ngắt một đọt lá trên đó có một con ốc con, rồi đưa cho bọn Sâm quan sát. Bọn Sâm chúi đầu vào nhìn. Cái vỏ ốc được chế tạo rất tỷ mỷ và cân xứng. Cái vỏ ốc là cái áo giáp để che chở cho ốc. Sư Ông nói rằng người Pháp dưới xóm rất ưa ăn ốc này. Nghe nói thế, Bé Na le lưỡi, tỏ vẻ kinh sợ. Sư Ông đem đọt lá trả vào chỗ cũ rồi nói với bọn Sâm:
– Mình phải trả nó lại chỗ cũ kẻo nó đi lạc ba má nó.
Bé Xí hỏi:
– Con ốc mà cũng có ba má nữa sao Sư Ông?
Chị Trang của Sâm trả lời thay Sư Ông:
– Tại sao lại không? Con vật nào cũng do ba má của nó sanh ra. Tụi mình đi lạc thì ba má tụi mình lo sợ; con ốc đi lạc thì ba má nó cũng lo sợ.
Chiều hôm ấy khi lên đồi, bọn thiếu nhi đi rất cẩn thận. Bé Xí, bé Na, bé Thơ và bé Hạnh Thuần bảo nhau nhìn kỹ dưới chân xem có con ốc hoặc con sâu nào không. Nếu thấy có con nào là các bé cẩn trọng lấy một tờ lá xúc lên và đặt vào một cành cây bên đường. Bọn thiếu nhi lớn như Danh, như Sâm cũng làm như vậy. Bọn Sâm bắt đầu thấy con sâu và con ốc như những sinh vật có cha có mẹ, có vui có buồn, có mừng có sợ. Bọn Sâm bắt đầu biết tôn trọng và bào vệ sự sống của những loài bé nhỏ. Mẹ của Sâm từng nói với Sâm: nếu các con không thương yêu được những sinh vật bé nhỏ thì sau này các con cũng không thương yêu được con người.
Ở Am Phương Vân, Sâm kể, sáng nào người lớn cũng đi thiền hành chầm chậm từ am lên cây thông Thanh Từ trên đồi. Ði khoảng bốn mươi phút thì tới. Thiếú nhi cũng đi thiền hành chung với người lớn, nhưng đi tới một phần ba lưng đồi, chỗ bắt đầu có ruộng lúa thì được phép chạy chơi. Bé Thơ luôn luôn chạy đầu. Bé Thơ leo trèo rất giỏi. Bọn thiếu nhi lên tới cây thông Thanh Từ rồi chơi đùa với nhau một hồi lâu thì người lớn mới lên tới. Lên tới đây người lớn mới nói chuyện và chơi đùa với thiếu nhi. Chừng nửa giờ sau, người lớn lại bắt đầu chậm rãi đi thiền hành trở về. Bọn Sâm còn ở lại hái hoa và chơi đùa một lát sau mới chịu về theo. Tuy vậy bọn Sâm luôn luôn về tới am trước người lớn.
Có một hôm Sư Ông đưa thiếu nhi đi vào một khu rừng rất rậm rạp và hoang vắng. Khu rừng này cách Am PhươngVân chừng hai cây số, ở vào phía bên kia quốc lộ. Khi mọi người đến cửa rừng, Sư Ông đưa một ngón tay lên môi dặn rằng trong suốt cuộc hành trình trong rừng, không ai được nói chuyện. Phải tuyệt đối tôn trọng sự yên tĩnh của rừng. Không được làm náo loạn sự sống của những sinh vật trong rừng. Nếu muốn nói gì với nhau thì phải ra dấu hiệu. Phải bước những bước cẩn trọng và không ai được chạy. Hôm đó có cả anh Danh và chị Trang. Bọn Sâm đông có tới mười mấy người. Ai cũng nghe theo lời Sư Ông. Rừng rất tịch mịch và thâm u. Bọn Sâm không thấy trời. Chỉ thấy màu xanh thẵm của lá cây. Thỉnh thoảng Sư Ông dừng lại để chỉ cho bọn Sâm thấy một màu vỏ cây hay một thứ lá cây khác thường. Ði qua một khoảng rừng có cây thông, bọn Sâm lượm được nhiều trái thông nhỏ xíu rất đẹp. Trong cảnh im lặng của rừng cây, bọn Sâm cảm thấy sự có mặt của hàng triệu sinh vật đang ẩn mình trong đất, dưới lá mục, dưới vỏ cây hoặc trên cành lá. Bọn Sâm đang tôn trọng khung cảnh thần bí và linh thiêng của rừng. Trước khi rời am, Sư Ông đã có nói là vào rừng bọn Sâm sẽ đi thăm một tòa lâu đài trong đó có một bà công chúa cư trú. Bọn Sâm không tin mấy. Nhưng sau gần một giờ đi im lặng trong rừng, bọn Sâm được Sư Ông chỉ cho thấy tòa lâu đài. Tòa lâu đài này rất tĩnh mịch, có tường đá bao bọc xung quanh. Cửa tòa lâu đài là cửa sắt. Bên trong thấp thoáng nhiều bóng cây tùng và những tòa nhà cao. Tới cửa lâu đài, Sư Ông ra hiệu cho bọn Sâm dừng lại quan sát. Một lát sau, bọn Sâm rẻ về phía bên phải tòa lâu đài và đi sang một khoảng rừng khác. Nơi đây bọn Sâm gặp được một vùng đầy hoa cúc rừng trắng xóa. Bé Thơ ngước mắt nhìn Sư Ông như muốn xin phép hái cúc. Sư Ông gật đầu.
Hái cúc xong, bọn Sâm theo Sư Ông đi một hồi lâu nữa thì ra khỏi khu rừng. Bây giờ mọi người mới bắt đầu nói chuyện. Bé Hạnh Thuần hỏi Sư Ông về bà công chúa trong lâu đài. Sư Ông nói hễ ở đâu có một tòa lâu đài là ở đó có một bà công chúa. Cũng như trên mặt trăng thì có cây đa và chú Cuội. Bé Na hỏi bà công chúa đang làm gì trong tòa lâu đài. Sư Ông nói có lẽ bà ta đang ngủ.
Tý nhớ năm ngoái đi Am Phương Vân về, Ba cũng có kể cho Tý nghe về tòa lâu đài mà Sư Ông đã đưa Ba và bác Tuệ đến thăm. Có lẽ là tòa lâu đài mà Sâm thấy cũng là tòa lâu đài mà Ba đã đi thăm.