31. Tiếng Tây đầy bụng
Buổi pháp đàm vừa chấm dứt thì ngoài kia dưới gốc cây sồi, Quán Cây Sồi đã mở cửa. Hôm nay người bán quán là chị Ngọc Hương và chị Diễm Thanh. Có cả bé Hạnh Ðoan đứng phía trong quầy hàng để làm phụ tá. Hạnh Ðoan còn nhỏ nên phải đứng trên một viên gạch để có thể nhìn thấy được khách hàng. Hôm nay là hôm quán cốc được khai trương nên khách hàng đông lắm. Có tới bốn thứ quà: bánh cam, dầu chao quảy, chè bông cau và sương sa hột lựu. Ngoài ra còn có nước chanh muối miễn phí. Mẹ đã cung cấp cho Quán Cây Sồi hai tảng nước đá lớn mà Mẹ đã làm được bằng cái tủ đá lạnh của gia đình. Mẹ chỉ cần đổ nước trong vào bao ni lông, buộc túm bao lại và đặt bao vào tủ đá. Chừng bốn giờ đồng hồ sau, những bao nước trong đã biến thành những bao nước đá. Chị Hương chỉ cần lấy đập vỡ những tảng nước này và bỏ vô chậu.
Mọi người phải đứng sắp hàng trước quán cốc để đợi đến phiên mình. Hai cô bán quán làm việc không hở tay. Hạnh Ðoan cũng làm việc rất hăng. Hạnh Ðoan là một cô gái bán quán rất bặt thiệp và tươi cười. Cô bán quán này mới có chín tuổi nhưng ăn nói rất lịch sự và lễ phép.
Tý đứng quan sát sinh hoạt của quán cốc. Tý không có ý ăn quà vì Tý không đói. Cô Giao Trinh đã ra tới và đang chụp hình các cô bán quán trong khi họ làm việc. Bọn thiếu nhi đều có mặt ở sân quán. Sư Ông và Ba cũng vừa ra tới. Thấy Tý, Sư Ông gọi Tý lại và mời Tý cùng vào quán với Sư Ông và Ba. Ba người đứng vào trong hàng. Ðến phiên Ba, Ba mua biếu Sư Ông và Tý mỗi người một chén chè bông cau. Những hàng ghế dài trước quán đều đã có người ngồi, nên Sư Ông, Ba và Tý đứng ăn chè với nhau gần Tham Vấn Ðường.
Chị Diễm Thanh cho khách hàng biết là bao nhiêu tiền lời của Quán Cây Sồi đều sẽ được bỏ vào ngân quỹ của Ủy Ban Giúp Trẻ Em Ðói. Chị nói, tuy các thứ quà ở quán cốc đều rẻ tiền (một quan hoặc hai quan mỗi thứ) nhưng quán cốc cũng sẽ thâu vào khá nhiều lợi tức, bởi vì vốn liếng, công nấu và công bán hàng đều được tặng không. Ba cho Tý biết là trong số những người về Làng có rất nhiều người làm việc để giúp trẻ em đói. Bác Huệ Ðạo, cô Giao Trinh, cô Kirsten, cô Mười, chú Lễ, cô Hà, chú Sơn, chú Nghĩa, chị Diễm Thanh, chị Ngọc Hương, cô Như Liên, chị Bích Nga, chị Ngọc Thúy, chị Tịnh Tâm, chú Vũ, chị Tri Thủy, chị Hoàng Oanh, Chị Hoàng Thủy và cô Yến… đều là những người có trách nhiệm trong các Ủy Ban Giúp Trẻ Em Ðói. Tý nghĩ kỹ thì thấy Quán Cây Sồi là một thứ quán cốc rất đặc biệt. Quán này có tới hàng chục cô bán quán mà cô nào cũng tình nguyện làm không có lương. Lại có những cô phụ tá bán quán dưới mười tuổi. Những cô này được ăn quà khỏi tốn tiền. Tý nghĩ rằng họ xin phụ tá bán quán không phải là để được ăn quà mà vì muốn được đứng bán cho vui, cho oai và cho giống các chị. Khách hàng tới mua rất đông, vì vui cũng có mà vì muốn giúp trẻ em đói cũng có. Tý nhớ tới Ngữ. Nếu có Ngữ ở đây thì Tý đã mua cho Ngữ một chén chè bông cau rồi.
Bác Mounet, chú Thomas, cô Kirsten, cô Christine và tất cả những người ngoại quốc khác cũng có mặt trong số các khách hàng của quán cốc hôm nay. Bác Mounet cứ tấm tắc khen các món quà Việt Nam. “Món nào cũng ngon và cũng lạ”, bác nói. Cô Christine thử hết cả bốn thứ quà. Chị Ngọc Hương nói thứ ba tới, người bán quán sẽ là cô Giao Trinh và chị Thu Hương. Cô Chín nói chị Thu Hương nói tiếng Anh rất giỏi còn cô Giao Trinh viết văn và chơi đàn tranh hay lắm.
Tối nay tại Xóm Hạ có văn nghệ thiếu nhi. Nhà văn nghệ đang còn bề bộn lắm nhưng bọn Tý đã kê được sân khấu và bắt vào được hai ngọn đèn điện. Cô Duyên và chị Trinh đã tập cho thiếu nhi một vài vũ điệu dân ca. Bọn con trai cũng đã tập dượt với nhau nhiều bản hát và nhiều vở kịch với sự hướng dẫn của chú Thư và chú Vinh. Sâm và Tý ôn lại mấy vở kịch ngắn mà Sâm đã trình diễn năm ngoái tại Am Phương Vân. Trong Nhà Văn Nghệ, bọn Tý đã kê lên nhiều dãy ghế dài cho khán giả. Hầu hết mọi người đều đã tập hợp. Chị Thanh Trang được bọn Tý cử làm xướng ngôn viên. Màn vũ đầu tiên là màn Trèo Lên Quan Dốc do tám đồng nữ trình diễn. Bốn người mặc áo dài và cầm nón làm thôn nữ và bốn người mặc áo bà ba giả làm trai làng. Họ múa theo tiéng nhạc đệm và tiếng hát từ bên hậu trường đưa ra :
“Trèo lên quan Dốc
ngồi gốc cây Ða
ai xui cho đôi mình gặp,
xem hội cái đêm trăng Rằm… “
Hồi chiều đi ngang qua dưới cây sồi Tý đã thoáng thấy những thiếu nhi này tập múa theo lời chỉ dẫn của cô Duyên. Bây giờ đây, thấy họ mặc áo dài, mang nón và múa trên sân khấu, Tý thấy rất đẹp và hay hơn nhiều. Màn múa kết thúc, tiếng vỗ tay vang dội. Ai cũng khen. Cô Chín yêu cầu họ múa lại lần thứ hai. Lần thứ hai họ múa lại càng đẹp hơn. Lần này, vì họ dạn dĩ hơn nên những điệu múa đan nón và may áo của họ trở thành đều đặn hơn :
“Chẻ tre đan nón ba tầm
cho cô nàng đội xem hội đêm Rằm
vải nâu may áo năm tà
cho anh chàng mặc xem hội đêm Rằm… “
Tiếng vỗ tay kỳ này còn vang dội hơn cả kỳ trước. Màn vũ vừa kết thúc thì Hạnh Ðoan và Kim Trang ra trình diễn các cách chào mới. Hạnh Ðoan và Kim Trang ra chắp tay thành búp sen để chào khán giả rồi đứng xa nhau mỗi người một góc sân khấu. Cô Trinh giới thiệu: “Ðây là hai người Tây Phương chào nhau khi gặp nhau.” Tức thì Ðoan và Trang bước tới đưa tay bắt tay nhau và nói “Comment allez vous?”, dáng điệu rất Tây. Khán giả phì cười. Ðoan và Trang mỗi người lùi lại góc sân khấu của mình. Cô Trinh lại giới thiệu: “Ðây là hai thiếu nữ Phật tử chào nhau.” Ðoan và Trang khoan thai đi tới chắp tay thành búp sen và cúi đầu chào nhau. Chào xong hai người lại trở về góc sân khấu.
Cô Trinh lại nói: “Ðây là cách một người Tây Phương và một người Phật tử chào nhau.” Ðoan và Trang lại đi tới gần nhau. Ðoan đưa bàn tay phải ra cho Trang, nhưng bàn tay trái lại đưa lên ngực để làm thành một nửa búp sen. Trang cũng đưa bàn tay phải ra nắm bàn tay phải của Ðoan, và bàn tay trái của Trang cũng đưa lên ngực để làm thành nửa búp sen.
Cử tọa cười vang.
Cô Trinh lại nói: “Năm ngoái tại Am Phương Vân, cô Quỳnh Hoa đã đề nghị cách chào tổng hợp giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Ðông Phương mà quý vị vừa thấy. Nhưng bé Sâm và bé Thơ đã đề nghị cách chào Làng Hồng thì búp sen trở thành nguyên vẹn chứ không còn bị chia đôi thành nửa búp như trước.”
Ðoan và Trang lại đi tới; lần này trong khi hai bàn tay phải nắm lấy nhau thì hai bàn tay trái cũng đưa ra trước và úp vào nhau thành một búp sen trọn vẹn.
Kỳ này khán giả vỗ tay và cười vang. Mấy người ngoại quốc cũng cười vang; bởi vì mỗi khi cô Giao Trinh nói một câu giới thiệu tiếng Việt thì chị Thu Hương lại dịch câu ấy ra tiếng Anh và chị Diễm Thanh dịch ra tiếng Pháp.
Chị Thanh Trang đứng ra giới thiệu Sâm và Tý. Sâm và Tý ra trước sân khấu chắp tay búp sen để chào khán giả, rồi mỗi người cũng lui ra đứng ở một góc sân khấu như Hạnh Ðoan và Kim Trang. Chị Thanh Trang lên tiếng: “Ðây là hai người Việt Nam gặp nhau ở giữa thành phố Paris, một người đã quen nói tiếng Tây, còn một người thì không muốn nói tiếng Tây mỗi khi gặp người đồng hương.”
Tý đống vai người ưa nói tiếng Tây. Tý tiếng tới giữa sân khấu đưa tay bắt tay Sâm rồi nói bằng tiếng Tây:
– Bông jua, còm măng xa va (Bonjour, comment ca va?)
Sâm đáp lại:
–Va cái gì mà va? Tôi đi đứng đàng hoàng, đâu có va vào anh hồi nào mà nói rằng tôi va?
Tức quá, Tý hỏi gặn lại:
– Két xơ cờ tuy đi? (Qu’est que tu dis?)
Sâm thản nhiên:
– Ði đâu mà đi? Tôi đứng đây chơi để ngắm phố phường Paris chớ không muốn đi đâu hết.
Tý giả bộ “xì” một cái rồi nhún vai:
– Jơ nơ còm pờ răng riếng đuy tu! (Je ne comprends rien du tout!)
Sâm cười:
– Tu cái gì mà tu? Mình còn nhỏ chưa muốn đi tu. Ðể thong thả rồi tính chuyện tu sau.
Thấy anh chàng này nhất định không nói tiếng Tây với mình, Tý phải chịu thua. Tý nói với Sâm, lần này bằng tiếng Việt.
– Bộ bồ không biết nói tiếng Tây hả?
Sâm nói:
– Tiếng Tây thì mình cũng biết chớ; chữ nghĩa cũng đầy bụng đây, nhưng mình chỉ nói tiếng Tây khi gặp người Tây mà thôi. Còn khi gặp người đồng hương, mình nhất định chỉ nói tiếng Việt.
Nói xong câu ấy Sâm xoay mặt vế phía khán giả chắp tay chào. Tý cũng làm như Sâm; thiên hạ vỗ tay vang dậy.