29. Bác Mounet ăn cà ri cay
Trong những ngày kế tiếp, thiên hạ về Làng càng lúc càng đông. Ðúng như lời Ba đã nói năm ngoái, phần lớn là người Việt, nhưng thỉnh thoảng cũng có người Pháp, người Thụy Sĩ, người Mỹ, người Anh và người Hòa Lan. Có cả một bà sơ Công Giáo người Hòa Lan nữa. Các cư xá ở Làng Hồng đầy người. Chiều hôm mười bốn tây, Sư Ông xuống đón hai anh em Tý. Mẹ đã làm sẵn những bọc hành trang cho hai đứa, trong đó có áo quần, khăn lông và bàn chải đánh răng. Lên tới Xóm Thượng, Tý và Miêu được đưa lên phòng Sư Ông. Sư Ông đã làm sẵn giường cho hai dứa. Trong phòng, ngoài ba cái giường, chỉ có một cái bàn viết thấp và dài trên đó có một ít giấy tờ, sách vỡ và một cây đèn cầy nhỏ. Tý có mượn được một cuốn Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam trong thư viện Xóm Hạ đem theo. Tý đặt cuốn sách ấy lên bàn Sư Ông.
Các thiếu nhi nào viết chữ đẹp và sạch sẽ đều được giao cho chép nhũng tờ thời dụng biểu của nếp sinh hoạt hàng ngày để dán trong mỗi phòng. Tý chép được hai tờ trên giấy vàng, và Tý có vẽ thêm một ít hoa và bướm trên đó.
Buổi sáng, giờ ngồi thiền bắt đầu từ bảy giờ, nhưng người lớn thường dậy vào lúc sáu giờ để đi thiền hành trong sương mai và để uống trà. Tại Xóm Thượng có những thiếu nhi xin được ngồi thiền buổi sáng. Tý, Sâm và chị Thanh Trang sáng nào cũng đi ngồi thiền. Miêu chỉ tập ngồi buổi tối vào lúc mười giờ. Mỗi buổi sáng, Tý được Sư Ông thức dậy trước giờ ngồi thiền chừng ba phút, đủ để Tý rửa mặt và thay áo. Uống trà xong, Sư Ông mới lên phòng đánh thức Tý. Sư Ông đánh thức Tý bằng cách bắt chước tiếng chim cu. Tý không ngủ say như Miêu nên thường thường chỉ sau vài tiếng chim ”cúc cu” là Tý choàng dậy. Tý sắp đặt lại giường và mền cho ngay ngắn trước khi đi ra khỏi phòng. Miêu đang ngủ. Có khi Miêu lăn ra khỏi giường của Miêu và nằm xoay ngang lại mà ngủ. May cho Miêu, giường chỉ là một cái nệm có trải ”túi ngủ” cho nên mỗi khi lăn ra khỏi giường Miêu không bị té. Sư Ông thường nói đùa là có nhiều đêm, ở trên thuyền Miêu rơi tòm xuống biển.
Buổi sáng ngồi thiền ba mươi phút và đi kinh hành mười phút. Sau đó mọi người tụng tâm kinh bằng tiếng Việt. Trong khi ngồi Tý cố theo dõi hơi thở như Sư Ông dạy, nhưng thỉnh thoảng Tý vẫn còn quên. Có khi Tý buồn ngủ. Biết là Sâm đang ngồi bên cạnh, Tý ngồi ngay ngắn trở lại và cố giữ cho tỉnh táo, Tý ngồi kiết già rất dễ dàng. Cũng như chị Thanh Trang, cũng như Sâm, cũng như bé Thơ. Cô Chín khen bé Thơ ngồi thiền đẹp. Có một hôm chỉ dẫn cách ngồi thiền cho một nhóm các cô chú từ Lyon tới, Sư Ông đã cho bé Thơ ra ngồi làm kiểu mẫu. Chỗ ngồi của bé Thơ trong thiền đường là ở ngay trước mặt chỗ Sư Ông ngồi. Tý được kể trong số những thiếu nhi ngồi thiền đẹp. Chị Thanh Trang nói với Tý là năm ngoái bé Thơ đã được tập ngồi thiền tại Am PhươngVân trong mấy tuần lễ rồi. Thơ bằng tuổi Miêu, hơi rụt rè nhưng rất dễ thương. Có hôm Sư Ông hỏi Tý xem Tý có muốn Mẹ sinh ra cho Tý một đứa em gái như Thơ không thì Tý thưa là có.
Buổi sáng sau khi ăn cháo sáng xong là có lớp học cho thiếu nhi tại Xóm Hạ. Có lớp học lịch sử và địa lý Việt Nam, có lớp học văn hóa Việt Nam cho những thiếu nhi đã biết đọc và biết viết tiếng mẹ đẻ, lại có lớp học vần cho những thiếu nhi chưa biết đọc biết viết tiếng Việt. Có nhiều thầy giáo và cô giáo. Chú Lễ, chú Thư, chú Sơn, chú Vũ, cô Giao Trinh, cô Hà, cô Hương, cô Thanh. Tý rất vui khi được học trở lại lịch sử và địa lý nước nhà. Chú Lễ dạy sử địa vui lắm. Lại có những lớp dạy múa dạy hát và diễn kịch. Sáng nào cũng có nhiều chiếc xe đưa thiếu nhi xuống Xóm Hạ học. Thỉnh thoảng Tý lại rủ Miêu chạy tắt về nhà thăm Chó Con và chơi với nó vài phút. Trưa, hai anh em lại trở về ăn cơm trên Xóm Thượng.
Các lớp học nhiều khi được tổ chức ngoài trời, dưới cây sồi hay trên bãi cỏ. Mỗi tuần vào trưa thứ ba dân hai xóm tụ họp ở Pháp Thân Tạng và ăn cơm trưa chung ở đó. Ngày đó có lẽ là ngày vui nhất trong tuần. Thiếu nhi được chạy nhảy, leo cây và đu cây thỏa thích ở Pháp Thân Tạng trong khi người lớn đưa võng hoặc ngồi với nhau từng nhóm trên các tảng đá hoặc gốc cây để chuyện trò, ngâm thơ hay ca hát. Cố nhiên là hôm đó Ba, Mẹ và Chó Con cũng đều có mặt tại Pháp Thân Tạng. Ai cũng muốn ẵm Chó Con hết, thành ra Mẹ được rảnh tay để có thể tham dự vào những sinh hoạt của các nhóm.
Pháp Thân Tạng mát lắm. Có những buổi trưa nóng đến kinh người, ai cũng kéo nhau xuống trốn nắng ở Pháp Thân Tạng. Cô Chín cho biết là có một hôm nắng gắt quá đến nỗi dân chúng ở thành phố kế cận than phiền rằng trong đời họ chưa bao giờ thấy trời nóng như thế. Họ nói họ thiếu điều chịu không nổi. May thay, hôm đó là ngày thứ ba và dân hai xóm đều có mặt dưới Pháp Thân Tạng. Mọi người không ai biết rằng đó là ngày dân địa phương đau khổ nhất về cái nắng nung người.
Tại Pháp Thân Tạng, trước giờ ăn mọi người đứng thành một vòng tròn và chắp tay quán niệm. Tại đây không có bàn ghế: mỗi người tự tìm một tảng đá hay một cây rễ để ngồi. Hai bác Mounet thứ ba nào cũng được mời ăn cơm ở Pháp Thân Tạng. Có một hôm dân Làng Hồng ăn cà ri nấu với đậu hũ ky, đậu hũ chiên, khoai tay, nấm và mì căng. Cà ri khá cay, mọi người ăn xuýt xoa có vẻ ngon lành lắm. Tý tới gần hai bác Mounet đem cho bác và bác gái mỗi người một ly nước đá và hỏi thử xem hai bác có thấy cà ri hơi cay không. Bác trai nhìn Tý, cười và nói: ”Cay cho đến nỗi tóc của bác dựng đứng trên đầu. Nhưng cay mà ngon.” Nói xong bác lại cười. Hôm nay ăn cơm xong, Ba nói chuyện về công việc của Ba làm hồi còn ở Việt Nam tại trường Xã Hội cho mọi người nghe. Tý không đi theo nô đùa với các thiếu nhi khác. Tý muốn ngồi lại để nghe kể chuyện về công việc Ba làm.
Những người lớn đều ngồi lại nghe Ba: người nào cũng tìm ra một chỗ ngồi có lưng dựa để có thể ngồi lâu. Ba nói chuyện vào khoảng hơn một giờ. Sau đó Ba trả lời các câu hỏi. Rồi Ba cho biết thứ ba tuần sau chú Lễ sẽ nói về nguyên tắc trị bệnh của Y Học Ðông Phương.
Trừ bữa thứ ba, hôm nào dân Xóm Thượng cũng ăn cơm trưa dưới bóng cây hồ đào bên hông cư xá chanh. Mọi người thay phiên nhau nấu cơm, dọn cơm và rửa chén. Ni Sư Diệu Nhựt gọi công việc bày bàn và dọn bàn là hành đường. Tý không có tên trong sổ những người nấu ăn nhưng Tý có tên trong sổ những người hành đường. Sư Ông cũng có tên trong sổ những người hành đường. Sư Ông được sắp xếp cùng rửa chén bát với hai thiếu nhi, mỗi tuần hai lần, và Sư Ông rất bằng lòng. Bữa cơm nào cũng được bắt đầu bằng quán niệm. Thường thường người quán niệm là một thiếu nhi. Lâu lâu mới có một người lớn quán niệm. Vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mọi người ăn cơm trong sự yên lặng, ở Xóm Thượng cũng như ở Xóm Hạ. Tục lệ này lúc đầu là để cho người lớn. Thiếu nhi thì ăn riêng để có thể nói chuyện với nhau. Thiếu nhi nào muốn tham dự vào bữa cơm yên lặng thì phải ngỏ ý xin phép. Nhưng sau đó tất cả các thiếu nhi hai xóm đều từ từ xin phép được tham dự vào những bữa cơm yên lặng, thành ra tục lệ này đã được áp dụng cho tất cả mọi người.
Buổi chiều lại có những lớp học hoặc những cuộc du ngoạn. Phần lớn các thiếu nhi tới Làng Hồng đều có mang theo ủng. Phải mang ủng để phòng ngừa gai góc và rắn rít những hôm đi du ngoạn. Bọn Tý học hỏi được nhiều điều trong những buổi đi chơi này. Sư Ông cũng rất ưa tham dự vào những cuộc du ngoạn của thiếu nhi.
Quán Cây Sồi được mở cửa dưới Xóm Hạ mỗi tuần bốn lần, từ hai giờ đến năm giờ chiều. Trên Xóm Thượng, quán Cây Ðề được mở cửa một lần vào trưa thứ ba. Tối thứ ba nào cũng có văn nghệ thiếu nhi ở Xóm Thượng. Ở Xóm Thượng không có nhà Văn Nghệ như ở Xóm Hạ nên bọn Tý làm văn nghệ ngoài trời. Nhiều khi bọn Tý đốt lửa trại để làm văn nghệ. Ở Xóm Hạ văn nghệ thiếu nhi được tổ chúc mỗi tuần tới ba lần. Khán giả lúc nào cũng đông.