23. Tý và Miêu trồng cho con chó một cây mận
Tý nhớ hồi ấy Miêu còn nhỏ quá; Miêu không thể thấy và hiểu được những điều đó. Hoặc có thấy thì Miêu thấy rất lờ mờ. Qua đất Pháp vài ba năm chắc Miêu sẽ quên. Nhưng Tý nghĩ rằng Tý không quên. Tý không muốn quên. Ðó là một điều làm cho Tý khác với Miêu, làm cho Tý khác với những trẻ con Tây cùng lứa tuổi với Tý. Bọn thằng Baptiste, thằng Justin và con Agathe, không thể nào hiểu được tình cảnh của các thiếu nhi bên xứ Tý. Tụi nó chưa hiểu được thế nào là đói khổ, thế nào là bệnh tật mà không có thuốc men. Khi tụi nó nghe nói mỗi ngày có tới hơn bốn mươi ngàn đứa trẻ chết vì đói lạnh và vì tật bệnh, không biết tụi nó có thấy được gì không. Tý thì Tý thấy. Cô Chín có nói rằng cái thấy của Tý làm cho Tý khác hẳn bọn trẻ con Tây phương, và vì vậy Tý hiểu được những điều mà cô Chín nói nhiều hơn tụi nó hiểu.
Ba nói sở dĩ Ba đưa gia đình vượt biên là vì hồi đó Ba ở vào một tình trạng nguy hiểm. Họ đã biết rằng Ba ngày xưa làm Trường Xã Hội. Công an đã đòi Ba tới tra hỏi nhiều lần. Ba nói bất đắc dĩ lắm Ba mới đưa gia đình vượt biển. Vượt biển nguy hiểm lắm. Với lại Ba không muốn sống xa quê hương, Ba không muốn Mẹ và các con của Ba sống xa quê hương, thất thểu trên đất khách quê người. Ba nói nghèo khổ Ba có thể chịu đựng được, nhưng nếu đi “học tập” và để Mẹ và các con của Ba bơ vơ bên ngoài thì Ba không thể chịu đựng được. Vì vậy mà Ba đã quyết định ra đi. Ra đi mà còn giúp được người ở nhà, điều này làm cho Ba vui. Ngày xưa ở Việt Nam, Ba đã làm việc xã hội trên mười năm. Ba nói hồi đó Ba cũng đã giúp khá nhiều trẻ em mồ côi, phần lớn là nạn nhân của chiến tranh. Với sự yểm trợ của cô Chín và các bạn của cô ở nhiều nước Tây phương, trường Xã Hội của Ba đã bảo trợ được gần mười ngàn trẻ em mồ côi dưới mười bốn tuổi. Các chú và các cô ở Trường Xã Hội đã giúp Ba làm công việc này. Ba nói hồi còn đi học, cô Chín cũng đã làm việc để giúp trẻ em đói rồi. Hồi đó cô mới chừng mười tám tuổi, và Tý còn chưa ra đời. Cô rủ các bạn cô đi xin gạo của nhiều nhà trong thành phố để nuôi các em đói ở những khu xóm lao động tồi tàn như Xóm Mả sau rạp Quốc Thanh, Xóm Bàn Cờ. Cô Chín cũng đã làm việc lâu năm với Ba trong Trường Xã Hội. Khi cô ra tới nước ngoài, cô đã tiếp tục vận động để yểm trợ cho Ba làm việc. Khi Trường Xã Hội bị đóng cửa, cô vẫn tiếp tục công việc giúp đỡ trẻ em, trong khi vì lý do an ninh, Ba phải bỏ Trường Xã Hội, đem gia đình về ẩn cư ở Thủ Ðức. Từ năm 1976, cô Chín đã thành lập một Ban Giúp Trẻ Em Ðói để tiếp tục gửi thuốc men và thực phẩm về giúp cho cả hàng trăm thiếu nhi. Cô còn tìm ra được những người trẻ tuổi và có lòng thương, rồi khuyến khích và hướng dẫn những người này lập nên những Tiểu Ban Giúp Trẻ Em Ðói khác. Hiện nay Ba nói, ngoài tiểu ban do Mẹ và chú Dũng phụ trách, còn mười bảy tiểu ban khác. Tiểu ban nào cũng làm việc theo phương pháp của Mẹ và chú Dũng. Ba lại cho Tý biết rằng đến mùa Hè này sẽ có nhiều người của các tiểu ban ấy về Làng Hồng để có dịp gặp gỡ nhau.
Ðiều làm cho Tý vui sướng lâu bền nhất là những cây mận mà Tý và Miêu đã trồng được ở Làng Hồng. Hôm lễ Giáng Sinh các cô các chú có cho Tý và Miêu nhiều đồ chơi và cả tiền ăn quà nữa. Hai anh em đã để dành tiền để trồng mận. Ba nói những cây mận này sẽ sống được cả một trăm năm. Chỉ trong vòng năm năm nữa là mận đã có trái. Những trái mận sẽ được sấy khô để xuất khẩu. Tiền mận bán được sẽ dùng để nuôi thiếu nhi đói ở quê nhà. Tý và Miêu mỗi đứa góp tiền trồng được hai cây mận. Tý và Miêu cũng góp tiền để trồng cho Chó Con một cây mận. Như vậy, ba anh em Tý tuy còn nhỏ mà đã đóng góp được vào công trình nuôi thiếu nhi đói ở quê nhà rồi. Ba và cô Chín cho biết là có rất nhiều đứa như Tý và Miêu rải rác ở Âu Châu và Mỹ Châu cũng đã để dành tiền túi gửi về nhờ trồng mận. Tại Xóm Hạ đã có gần ba trăm cây mận được trồng bằng tiền đóng góp của thiếu nhi Làng Hồng rồi. Ðất trồng mận đã do chú Dũng cày. Trước khi cày phải thuê người vỡ đất. Cây mận của thiếu nhi nào thì mang tên của thiếu nhi ấy, được in trên một tấm thẻ và buộc bằng một sợi thép treo ở thân cây. Tý và Miêu thường ra chăm sóc cho năm cây mận của ba anh em. Hai cây mang tên là Lê Hải Triều Âm, hai cây mang tên là Lê Thiều Quang và một cây mang tên Lê Nhật Tâm. Cô Chín nói đến mùa Hè khi làng mở cửa, thiếu nhi sẽ về chăm sóc các cây của họ. Ðứa nào không về được thì phải viết thư cho Ba hay cho chú Dũng nhờ săn sóc giùm cây mận của mình. Ngoài những cây mận do thiếu nhi đóng góp mà trồng lên, Ba và chú Dũng còn trồng thêm mấy trăm cây mận khác để sau này làm quỹ tự túc của Làng Hồng. Như vậy là tại làng sẽ có cả ngàn cây mận. Sư Ông nói đến mùa Xuân, mận sẽ nở hoa trắng xóa cả làng, đẹp lắm. Ba nói cũng bởi vì Làng Hồng trồng nhiều mận cho nên đối với người ngoại quốc, làng sẽ được đặt tên là Village des Pruniers.
Tý mong chờ đến ngày mận có trái để các bạn thiếu nhi đói ở Việt Nam chóng được nhờ. Năm năm thì lâu quá. Nhưng Ba nói năm năm đi qua rất mau. Tý không thấy thời gian đi mau như Ba. Mỗi khi ăn Tết xong, Tý đợi cả mấy thế kỷ mà Tết vẫn chưa thấy tới. Bây giờ là tháng hai tây. Tháng bảy thì làng mở cửa và bọn con nít Việt Nam sẽ về làng. Chỉ cần đợi có năm tháng mà thôi. Nhưng năm tháng cũng đã lâu, huống hồ là năm năm. Tý đem ý tưởng đó ra nói với Ba. Ba bảo: “Con đừng đợi chờ thì năm năm sẽ qua một cái rụp.” Tý hé thấy sự thật nơi Ba nói. Bởi vì mỗi khi mình chờ đợi một cái gì, thì thời gian chờ đợi lại tự nhiên kéo dài thêm lên.