Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

22 Mẹ gửi quà cho trẻ em đói

Có một hôm đang cùng Tý tưới cải trong nhà mặt trời, Ba hỏi Tý:

– Con có nhớ em Du không?

Tý nhớ lắm chứ. Du là con của dì Sương. Tý đã được ẵm Du vài lần

tại nhà bà ngoại Tý. Hồi gia đình Tý cư ngụ ở Làng Báo Chí ở Thủ

Ðức, thỉnh thoảng dì Sương có đem Du lên chơi và có khi ở lại ba

hoặc bốn ngày. Ðộ ấy Du mới biết đi. Nó đi chập chững. Tý và Miêu

đều cưng Du. Tý vừa được tin từ Việt Nam cho biết là dì Sương vừa

sinh cho Du một đứa em trai, và em tên là Vi Khang. Vi Khang nhỏ

hơn Chó Con chừng hai tháng.

Tý nhớ cứ mỗi lần từ Bến Tre lên chơi là dì Sương lại mang lên cho

nào là dừa trái, nào là đường thẻ, nào là bánh ú. Có khi dì đem lên cả

gà vịt để Mẹ nuôi nữa. Tý thấy Mẹ và dì Sương thương nhau và có vẻ

thân thiết với nhau lắm. Tý cũng rất thương dì Sương và cậu Ứng.

Cậu Ứng là ba của bé Du, đáng lý Tý phải gọi cậu Ứng là dượng,

nhưng vì Tý đã quen miệng gọi cậu ấy là cậu rồi, nên Tý không còn

thay đổi được nữa. Gọi cậu Ứng là dượng thì Tý cảm thấy bớt thân

thiết đi nhiều. Cậu Ứng là một người gan dạ và vui tính. Ba cũng rất

cưng cậu Ứng. Hồi dự tính vượt biên Ba cũng đã mời cậu cùng đi;

nhưng vì gia đình cậu không đồng ý nên cậu đã không đi.

Thỉnh thoảng Mẹ có gởi cho dì Sương một bưu kiện thuốc tây để dì có

đủ thuốc men săn sóc cho bé Du và bé Khang. Tý biết rằng ở xứ Việt

Nam của Tý có rất nhiều em bé bị bệnh mà không có thuốc. Bệnh ho,

bệnh cảm, bệnh tiêu chảy, bệnh sốt xuất huyết. Trẻ em ở Việt Nam rất

dễ bị bệnh sốt xuất huyết. hễ bị bệnh này mà không có thuốc thì coi

như là chết. Ba nói theo tài liệu thống kê của tổ chức Văn Hóa Liên

Hiệp Quốc (viết tắt là UNESCO) thì trong năm vừa qua đã có tới

mười lăm triệu trẻ em chết vì đói và vì thiếu thốn thuốc men. Tý chưa

thấy rõ mười lăm triệu là nhiều chừng nào nhưng Ba nói rằng nếu căn

cứ vào con số đó thì mỗi ngày tại các nước nghèo trên thế giới có tới

trên bốn mươi ngàn đứa trẻ dưới năm tuổi bị chết đói và chết vì thiếu

thuốc men. Tý rùng mình. Bé Du và bé Khang đều là hai đứa bé dưới

năm tuổi. Hai đứa em con dì ấy của Tý là những đứa trẻ may mắn bởi

vì chúng nó có thuốc men của Mẹ gởi về. Nhưng còn hàng triệu đứa

khác ở Việt Nam, ai mà gởi về cho chúng?

Ba đã tưới xong mấy vồng cải và bắt đầu ngồi xuống để nhổ bớt cỏ

giữa những hàng hẹ. Tý cũng ngồi nhổ cỏ với Ba. Ba nói:

– Gia đình mình may mắn lắm mới có thể gởi được thuốc men về

để giúp các trẻ em bên nhà, con biết không?

Tý chưa biết tại sao gởi thuốc về giúp trẻ con bên nhà là may mắn thì

Ba đã nói tiếp:

– Hồi còn ở Việt Nam, Ba và Mẹ đã làm việc rất cực nhọc mà cũng

không đủ để lo cho gia đình mình, nói gì có thể giúp cho ai.

Thuốc men cho các con và thuốc men cho bà ngoại nữa, đều do

cô Chín gởi từ bên này về. Hồi đó Ba đã làm nhiều nghề: nào

đóng sách, nào đi buôn chuối… cuộc sống chiếm hết thì giờ của

Ba. Khi mà mình đã không có thì giờ thì mình không thể lo lắng

và giúp đỡ cho những người khác. Ở bên này, tuy cũng làm việc

cực nhọc, nhưng Ba và Mẹ cũng có được chút thì giờ để lo cho

những người thân bên nhà. Làm được điều này, Ba cảm thấy vui

trong lòng lắm. Vì vậy mà Ba nói rằng gia đình mình may mắn.

May mắn vì có thể giúp đỡ được người khác…

Tý hiểu rồi. Lâu nay Ba và Mẹ không những đã gửi thuốc men về cho

dì Sương để dì săn sóc cho em Du và em Khang mà Ba và Mẹ còn gởi

thuốc về cho nhiều trẻ em đang bị đói nữa. Hồi gia đình Tý mới dọn

về đây, cô Chín có bàn với Ba, Mẹ và chú Dũng lập một tiểu ban để

giúp đỡ việc nuôi nấng trẻ em nghèo đói bên nhà. Tiểu ban này gọi là

Tiểu Ban Giúp Trẻ Em Ðói do Mẹ và chú Dũng trông coi, còn Ba và cô

Chín thì làm cố vấn và giúp đỡ. Ba nói với Tý là đói khát và bệnh tật

luôn luôn đi đôi với nhau, bởi vì thiếu ăn thì sinh ra đau ốm, và đã

đau ốm thì không làm lụng được cho nên lại sinh ra thiếu ăn thêm. Vì

vậy mà giúp cho trẻ em có cơm ăn cũng là giúp cho trẻ em tránh được

đau ốm. Như bé Du chẳng hạn. Sở dĩ nó ít đau ốm là vì nó tạm có đủ

ăn, và thức ăn của nó có đủ chất dinh dưỡng. Khi một đứa trẻ ăn

uống thiếu thốn và không có đủ chất dinh dưỡng thì nó cứ bèo nhèo

đau ốm hoài. Mẹ và chú Dũng lâu nay đã thường trực giúp được

mười bốn thiếu nhi đói bên nhà bằng cách gửi hàng hóa từ Pháp về,

và bên nhà đã đem các thức ấy đổi thành gạo để nuôi thiếu nhi. Sở dĩ

gia đình Tý có tiền mua các thức quà có thể biến thành gạo ấy là một

phần vì Ba quyết định bớt sự chi tiêu trong gia đình, một phần nhờ ở

sự đóng góp của các bạn của Ba và cô Chín. Chú Dũng cũng hăng hái

trong công việc này lắm. Có bao nhiêu tiền phụ cấp xã hội, chú đều bỏ

vào quỹ của Ủy Ban Giúp Trẻ Em Ðói hết. Ba đi lượm những thùng

giấy cạc tông và làm thành những cái hộp thật đẹp và thật chắc có thể

đựng được khoảng một hai kí lô hàng hóa. Trong mỗi cái hộp như

thế, Mẹ và chú Dũng bỏ vào một ít thuốc bổ, thuốc cảm và thuốc ho

để dành cho thiếu nhi được giúp đỡ. Số thuốc này chỉ mới chiếm một

phần tư hộp. Chỗ còn lại trong hộp, Mẹ và chú Dũng để vào các thứ

hàng hóa thông dụng để các bạn của Mẹ có thể đổi thành gạo, sách vở

và bút mực cho thiếu nhi học. Sau khi Mẹ và chú Dũng sắp thuốc vào

hộp, Ba đậy nắp hộp lại, dán kỹ, buộc dây, đề địa chỉ và dán tem.

Những hộp thuốc này được gởi về Việt Nam bằng máy bay. Nếu

người đi lãnh quà bên nhà là một người khéo tay thì số hàng hóa bán

được sẽ có thể nuôi thiếu nhi trong vòng ba tháng. Mỗi năm người ấy

nhận bốn bưu kiện của Mẹ và chú Dũng gửi.

Thỉnh thoảng Mẹ và chú Dũng lại để ra một ngày trọn để làm bưu

kiện. Kỳ nào Ba cũng phụ vào một tay. Có khi có cả cô Chín tới giúp.

Không khí vui lắm. Những lúc đó Tý giúp Mẹ bằng cách săn sóc cho

Chó Con để Mẹ rảnh tay làm việc. Ai cũng tỏ vẻ sung sướng vì được

giúp trẻ em đói bên nhà.

Tý sẽ không bao giờ quên những ngày tháng ở quê nhà. Mẹ nói hồi

Tý còn nhỏ, chưa bao giờ trong nhà mấy mẹ con bị thiếu thốn thức gì.

Ấy vậy mà khi lớn lên, Tý đã biết được một phần nào cái thiếu thốn

khó khăn của những đứa trẻ nghèo. Có nhiều bữa Tý đâu có cơm mà

ăn. Tý phải ăn bo bo. Tý “biết điều” hơn bọn gà của Tý ở bên Pháp. Có

nhiều bữa, để thay cơm, Ba cán bột, một thứ bột gì lạ lắm, làm thành

những cái bánh tai bèo để luộc chín mà ăn. Dì Sương biết được những

khổ cực ấy. Từ Bến Tre, dì lén lút mang lên một ít gạo, nhét vào túi áo

vài nắm, nhét vào trái dừa đã móc ruột vài lon. Người ta cấm đem

gạo và thịt từ miền quê lên thành phố, dù là để bán hoặc là để ăn. Dì

kể chuyện có một bà khách đồng hành cột gạo vào bụng giả làm

người có mang. Qua trại kiểm soát, mấy người cán bộ khám phá ra

được chuyện ấy, bắt bà tháo gạo ra. Bà khóc, nói rằng bảy đứa con của

bà ở thành phố đang đói, bà phải lén về quê mua gạo đem lên cho

con. Bà năn nỉ mấy, người cán bộ cũng không cho bà đem gạo đi. Bà

bảo nếu không cho bà đem gạo về nuôi con, chắc bà phải tự tử chết.

Người cán bộ vẫn cứng rắn. Cuối cùng, thất chí quá, bà lao mình vào

một chiếc xe hơi đang chạy qua và bị xe cán chết.

Dì Sương cũng nói là trên một chuyến xe khác, dì thấy có một bà cột

thịt heo vào bụng, giả làm người có chửa, để đem thịt về thành phố

bán. Mưu mẹo của bà này cũng bị phát giác, và thịt heo của bà bị tịch

thâu._