Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

20. Tý giao đất nước cho ai

Lâu quá không viết thơ và làm bài bằng tiếng mẹ đẻ nên Tý viết cho Ngữ rất cực nhọc. Hồi còn ở nhà có khi nào Tý viết quốc văn cực nhọc như đêm nay đâu. Tý cứ cắn bút hoài. Tý biết là đứng về phương diện hành văn quốc ngữ, lâu nay Tý đã không có tiến bộ đã đành, Tý còn tệ hơn trước là khác. Tý tự nhủ từ đây mình phải trau dồi tiếng mẹ đẻ. Ðọc sách tiếng Việt thì lâu nay Tý vẫn đọc nhưng viết thơ làm văn thì từ gần một năm nay Tý chẳng có dịp. Sư Ông dặn phải viết thơ cho đều. Viết cho Ngữ đã đành, nhưng còn phải viết cho bà Ngoại, cho dì Sương và cho cậu Ứng nữa. Tý nghĩ là mình phải nghe lời Sư Ông, nếu không sau này Tý sẽ không viết được Việt văn trôi chảy. Ðiều đó sẽ làm cho Ba, Mẹ và Sư Ông buồn lắm. Tý viết cho Ngữ về cuộc vượt biển của Tý. Rồi Tý viết về đời sống ở trại Palawan ở Phi. Tới đây, Tý thấy buồn ngủ. Tý viết: “Thôi, tao buồn ngủ rồi, để thơ sau tao sẽ kể tiếp cho mày. Bạn thân của mày, Tý.”
Nhìn sang bàn Sư Ông, Tý thấy Sư Ông vẫn còn ngồi viết. Thỉnh thoảng Sư Ông ngừng lại để nhìn đầu mấy ngón tay của bàn tay cầm bút. Tý nhè nhẹ bỏ bút, rút về giường. Sư Ông đã kê một tấm nệm làm giường cho Tý ở phía tường. Giường của Tý và giường của Sư Ông châu đầu vào nhau. Tý nhè nhẹ cởi bớt áo, vén mền nằm vào giường mình. Sư Ông đã dặn nó là khi nào muốn ngủ thì cứ lẳng lặng một mình đi ngủ trước.
Tý tưởng là Tý sẽ ngủ ngay lúc đó. Ai ngờ nằm hoài mà Tý cũng chưa ngủ được. Tý nhớ tới Ngữ. Sư Ông đã làm cho Tý nhớ tới Ngữ. Tý thấy tội nghiệp cho Ngữ quá. Ba của Ngữ đi học tập ngoài Bắc, sáu năm mà chưa được về. Má của Ngữ phải tảo tần mua bán để nuôi Ngữ. Bác mở một quán cà phê nhỏ ở ngay trước nhà, trong đó bà bán sương sáo, sương sa, nước cam và các loại “cốc tay” trái cây như đu đủ, mận, chuối… Ngày xưa, hồi ba Ngữ còn ở nhà thì không đến nỗi nào. Bây giờ má Ngữ phải bán từ từ những đồ đạc trong nhà để bù vào vốn liếng thường hay thâm thủng. Má Ngữ đã bán cả tủ chè và cả bộ ván gõ. Bây giờ nhà chỉ còn cái tủ lạnh và cái máy truyền hình. Hai thứ này rất cần cho quán cà phê của bà. Tủ lạnh để làm nước đá và để cất giữ trái cây. Máy truyền hình là để cho khách hàng xem. Tại trường, Tý chơi thân với Ngữ, nhưng hai đứa cũng có chơi với bọn thằng Nghị, thằng Nguyên, thằng Thanh, thằng Nghiệp và thằng Ngân. Lạ quá, tụi nó phần lớn đều có tên bắt đầu bằng Ng. Cả Ngữ nữa. Tại sân trường, tụi Tý chơi trò rượt bắt, chơi trò năm mười, chơi trò rồng rắn. Chơi trò rồng rắn phải có ít nhất mười đứa mới vui. Ðây là một trò chơi rất nhộn. Bọn trẻ con ôm bụng nhau thành một hàng dài như con rồng, thằng đứng đầu là đầu rồng, thằng đứng cuối là đuôi rồng. Con rồng mẹ đi tìm thầy thuốc để xin thuốc về cho rồng con. Một đứa đứng riêng làm ông thầy thuốc, đối diện với đầu rồng.
Thầy thuốc hỏi  : Rồng rắn đi đâu ?
Ðầu rồng trả lời : Rồng rắn đi xin thuốc cho con
Thầy thuốc        : Con lên mấy ?
Rồng                  : Con lên một
Thầy thuốc        : Thuốc chẳng hay
Rồng                 : Con lên hai
Thầy thuốc        : Thuốc chẳng hay
Rồng                  : Con lên ba
Thầy thuốc        : Thuốc chẳng hay
Cho đến khi rồng trả lời : Con lên mười.
thì thầy thuốc nói : Thuốc hay vậy.
Và nói thêm : Xin khúc đầu
Rồng trả lời : Xương cùng xẩu
Thầy thuốc  : Xin khúc giữa
Rồng           : Máu cùng me
Thầy thuốc  : Xin khúc đuôi
Rồng           : Tha hồ mà đuổi.
Khi rồng nói xong câu “tha hồ mà đuổi” thì anh chàng làm thầy thuốc bắt đầu tìm cách rượt bắt cho được anh chàng làm đuôi rồng. Anh chàng đuôi rồng trong khi vẫn ôm bụng người đứng trước, cố chạy lùi để tránh trong khi anh chàng làm đầu rồng cố sức chặn ông thầy thuốc lại. Trong lúc đó mọi người reo hò vang dội, nhất là những người đứng xem. Nếu thầy thuốc túm được đuôi rồng thì thầy thuốc thắng. Nếu bị mình rồng cuốn chặt lại thì thua.
Nhớ lại trò chơi đó, Tý như còn nghe cả tiếng la hét nô đùa vang dội của tụi nhỏ ở sân trường. Ðã có lần Tý làm đầu rồng. Ở đây, bên Pháp, làm gì có đông con nít mà chơi trò rồng rắn. Cô Chín nói tháng bảy này có thể có hai ba chục thiếu nhi Việt Nam về. Tý tự bảo nếu có được từng đó đứa, thế nào Tý cũng đề nghị chơi trò Rồng Rắn.
Ở trường Tý, nổi tiếng nhất về nghịch ngợm là bọn thằng Lực và thằng Vũ. Tụi nó chơi nhiều trò động trời như lấy bùn trét vào ổ khóa hoặc lấy trái mắt mèo xát vào ghế ngồi của những đứa khác. Có khi chúng xát cả trái mắt mèo vào bàn thầy giáo và cô giáo. Trái mắt mèo ngứa lắm. Ðộng tới là gãi cả ngày. Hai cô giáo của Tý là cô Duyên và cô Ðào đều đã từng bị chúng phá bằng trái mắt mèo.
Tại sân trường, trước giờ vào học và trong giờ ra chơi, có người bán cà-lem đậu xanh, trái cóc, khoai luộc, chuối chiên và trái chùm ruột. Có khi người ta bán cả những con dế sống để bọn học trò mua đá với nhau. Tụi nó cho dế uống rượu để chúng đá với nhau, gẫy cả càng, sứt cả râu. Ngữ và Tý chẳng ưa trò chơi đó. Còn quà thì Tý ưa trái chùm ruột và cà rem đậu xanh. Khi có tiền, Tý mua cho mình và cho Ngữ. Khi Ngữ có tiền, Ngữ cũng mua cho Tý.
Hồi chiều, Sư Ông có hỏi Tý một câu làm cho Tý rất băn khoăn. Sau khi Tý tả cho Sư Ông nghe về Ngữ và nói rằng Ngữ là một đứa con trai hiền lành, trung thực và thông minh thì Sư Ông hỏi Tý:
– Con có mong trở về sống ở Việt Nam không?
Tý đáp:
– Dạ có.
– Vậy thì con phải suy nghĩ cho kỹ. Thằng Ngữ bạn con, nếu sang được đây thì con sẽ sung sướng rồi. Nhưng nếu những thằng dễ thương như nó mà bỏ nước đi hết thì còn ai ở lại để giữ nước Việt Nam cho nguyên vẹn đến lúc con về? Con có thể giao quê hương của con cho những thằng như thằng Hảo, thằng Lực, thằngVũ hay không? Giao đất nước cho chúng thì còn đâu đất nước mà về sau này?
Nghe Sư Ông nói như vậy, Tý rất băn khoăn. Ðúng rồi. Phần lớn tụi nó ưa gây lộn, nói láo và lừa gạt lẫn nhau. Những đứa như Ngữ hiếm lắm. Giao đất nước cho tụi lỗ mãng và du côn sao được. Nhưng nghĩ rằng nếu tình thế kéo dài rồi mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại Ngữ, Tý thấy như đau nhói trong lòng. Nó không biết trả lời ra sao lúc đó. Sư Ông nhìn nó rồi bảo: “Con không cần phải trả lời Sư Ông ngay bây giờ. Con cứ suy nghĩ kỹ đi, rồi vài tuần sau trả lời Sư Ông cũng không muộn.”
Nằm trên giường, Tý nghĩ đến Ngữ. May cho Tý là Tý không cần phải quyết định ngay bây giờ. Tý còn cả mấy tuần lễ nữa để suy nghĩ. Tý ra đi nhưng Ngữ còn ở lại thì cũng như một phần của Tý còn ở lại quê nhà. Sáng mai Tý sẽ xin Ba tem và bì thơ để gởi lá thư vừa viết cho Ngữ. Ngữ được thơ Tý chắc mừng lắm. Ngữ sẽ đem thư của Tý khoe với bác Nga, má của Ngữ. Tý thấy trong óc hình ảnh quán cà phê của bác Nga. Rồi Tý ngủ thiếp đi cho tới sáng.