02. Tý vượt biển
Tý nhớ tới buổi sáng lên ghe vượt biển qua Phi Luật Tân, gia đình Tý vượt biên ở bờ biển tỉnh Bà Rịa, cách đây gần hai năm. Nửa đêm đang ngủ, Tý được đánh thức dậy. Miêu cũng vậy. Mẹ Tý đưa một ngón tay lên môi, ra hiệu cho hai anh em Tý giữ im lặng. Tý và Miêu mặc áo rồi theo Ba Mẹ đi ra ngoài. Trời tối hu. Nhìn lên, Tý thấy sao nhiều thật nhiều. Ðường đi mờ mờ. Ði chừng gần một giờ len lỏi qua nhiều cánh rừng đước thì tới vàm sông. Xuống ghe, Tý và Miêu phải ngồi dưới hầm trong khi ghe rời bến để đi ra biển. Lúc ấy là vào khoảng bốn giờ sáng. Nằm dưới chân Tý, Miêu ngủ lại. Tý không muốn ngủ. Tý lắng tai nghe. Chỉ có tiếng sóng nước đập vào thân ghe. Và tiếng máy ghe nổ đều đều.
Lâu, lâu lắm, người ta mới mở cửa hầm cho bọn Tý lên. Ba nói: “Ghe đã ra tới biển rồi, bây giờ là bảy giờ sáng”. Tý theo bọn nhóc leo lên. Ánh sáng chói chang. Cảnh tượng thật lạ lùng. Xung quanh chỉ là nước và nước. Không thấy bờ bến đâu cả. Mặt trời đã lên, ánh sáng mặt trời chiếu loang loáng trên sóng nước. Biển trời cao rộng quá. Tý cảm thấy sợ. Giống hệt như sáng hôm nay Chó Con sợ trông thấy bầu trời bao la và xanh biếc. Tý sợ nhưng không biết là mình sợ gì. Sợ chết à, Tý đâu có biết chết là cái gì đâu mà sợ. Tý chỉ cảm thấy rằng trước cảnh trời cao nước rộng, cái thân hình của Tý nhỏ bé quá. Tý chỉ lớn bằng một hạt bụi chứ bao nhiêu. Cái ghe của Tý cũng chỉ lớn bằng hạt bụi. Chiếc ghe dài tám thước, rộng hai thước tư, mà chở tới ba mươi mốt người, vừa người lớn vừa trẻ em. Tý nắm tay Miêu. Nó nhìn vào mặt Mẹ. Nó thấy mặt Mẹ có nét lo âu. Nó nhìn vào mặt Ba. Mặt Ba không biểu lộ một cảm xúc nào hết. Ba là ”chủ ghe”, nghĩa là người chịu trách nhiệm tổng quát về cả chuyến đi. Ba ốm yếu như thế mà làm sao chịu được cái trách nhiệm to như thế, Tý thầm nghĩ.
Tối hôm đó ghe của Tý bị ghe đánh cá quốc doanh đuổi theo. Ghe của Tý chạy một hồi rồi tắt máy và tắt đèn. Trong đêm đen, ghe quốc doanh không nhìn thấy ghe Tý được nữa, do đó bỏ cuộc. Thấy đèn ghe quốc doanh đã khuất, Ba ra lệnh đốt đèn, nổ máy và lấy hướng cho ghe chạy lại.
Ghe chạy suốt đêm hôm ấy. Ðêm đó Tý ngủ ngon dưới hầm ghe. Tý nằm mơ thấy một miền đất xa lạ, miền đất gia đình Tý tới định cư. Ở đây cũng có cây dừa, cây chùm ruột, cây trứng cá, cây sua đũa. Ở đây cũng có một bọn nhóc con tuổi Tý, cũng nói tiếng Việt như Tý. Lạ nhất là ở đây cũng có thằng Ngữ, bạn thân nhất của Tý tại trường làng ở Thủ Ðức. Thức dậy, Tý mỉm cười. Làm sao mà ”ở bên kia” lại có đủ những thứ Tý ưa như vậy. Tý nghĩ rằng nếu có thằng Ngữ bên mình, nó sẽ có can đảm chịu đựng hết tất cả mọi sự cực nhọc của cuộc sống mới. Hai đứa chịu chung thì cái gì mà chẳng chịu nổi. Nhưng sự thực đã rõ ràng rồi: Tý đã ra đi, và Ngữ đã ở lại. Biết bao giờ Tý và Ngữ sẽ lại được chơi đùa bên nhau?
Sáng hôm đó trời vẫn còn xanh và biển vẫn không có gió. Ghe Tý đi rất bình an. Bỗng nhiên có tiếng chú Thuất hô lớn: ”Có tàu lớn đuổi theo ghe mình”. Mọi người trên ghe hốt hoảng đều nhìn về phía chú Thuất. Chú Thuất trao ống nhòm lại cho Ba, Ba đưa ống nhòm quan sát chân trời phía sau, rồi bỏ ống nhòm xuống. Ba nói: ”Tàu đuổi theo rất mau, chắc chúng ta không thể chạy thoát được.”
Thấy mọi người trên ghe nhốn nháo, Ba nói lớn:
– Xin bà con cô bác bình tĩnh. Chúng ta phải nhìn kỹ xem tàu này là nước nào. Nếu là tàu nhà nước hay tàu Nga thì chúng ta mới nên sợ.
Không hiểu vì sao Tý lại nghĩ rằng chiếc tàu này không đáng sợ. Tý nhìn kỹ chân trời phía sau. Ðúng rồi, có một chiếc tàu. Chiếc tàu nhỏ xíu nhưng chạy khá mau, bởi vì càng lúc nó càng lớn. Phút chốc nó đã ở ngay phía sau ghe của Tý. Trên ghe không có súng ống, không có phương tiện gì để tự vệ, làm sao ghe chống lại được chiếc tàu nếu chiếc tàu có ý làm hại? Tý nhìn Ba. Thật là kỳ lạ. Nét mặt Ba vẫn như thường, không có cảm xúc nào; Ba không hoảng sợ như mọi người khác. Ba nói: ”Chúng ta hãy chờ xem nó muốn gì rồi chúng ta mới phản ứng được.” Thái độ trầm tĩnh của Ba làm cho mọi người trên ghe an tâm hơn. Bỗng chú Thuất la lên: ”Tàu Cap Anamur! Tàu Cap Anamur! Tàu cứu trợ!”
Mặt Ba rạng rỡ hẳn lên. Ba cười. Ba cắt nghĩa cho cô bác trên ghe: ”Gặp chiếc tàu cứu trợ này là chúng mình thoát hiểm rồi!”
Trong lúc ấy giây thang của tàu Cap Anamur đã được buông xuống. Nhìn lên, Tý thấy bóng người lô nhô trên boong tàu. Hình như có cả người Việt Nam trên ấy nữa! Chú Thuất la lớn để nói chuyện với người trên tàu. Họ nói bằng tiếng Anh. Một lát sau, ghe Tý được cặp sát hông tàu. Người ta quăng dây từ trên tàu xuống để cột ghe lại với tàu. Có hai người ngoại quốc leo thang dây xuống ghe. Người ta bắt đầu chuyền người từ ghe lên tàu. Trước hết là các em bé nhỏ, rồi đến các em bé lớn như Tý. Người ta bỏ bọn Tý vào trong những chiếc lưới, buộc túm lại rồi kéo lên tàu. Thật là giống như lưới cá. Ðến phiên Tý, Tý ngồi chung với Miêu. Hai đứa được kéo lên tàu rất mau. Ra khỏi lưới, Tý được phép đứng vin vào lan can tàu nhìn xuống. Ba và Mẹ còn ở dưới ghe. Người ta cho phụ nữ lên trước. Ðến phiên Mẹ, Mẹ định leo bằng thang dây. Nhưng Ba bảo Mẹ cũng nên ngồi vào lưới để người ta kéo lên. Những người mạnh khỏe đều leo thang dây. Ba và chú Dũng cũng leo thang dây.
Sau đó, bọn Tý được đưa xuống hầm tàu. Tất cả đều nhảy nhót vui đùa. Ở dưới ghe hai đêm hai ngày tù túng quá. Người lớn cũng được đưa xuống hầm tàu. Rồi mấy người ngoại quốc đem nước tới cho bọn Tý uống.