Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

19. Chú Dũng ăn cơm tây với dì Marie Thérèse

Một buổi trưa thứ bảy đi học về, Tý chạy ra thăm hai mẹ con con dê mà Tý buộc ở gần giếng nước thì không thấy chúng ở đó. Tý ngạc nhiên. Tý nghĩ là Ba, Mẹ hoặc chú Dũng đã dời chúng đi một nơi khác có cỏ ngon hơn. Cỏ độ rày hiếm lắm; trời lạnh, cỏ mọc không được. Tý thường hay buộc dê ở gần những bụi ngái (ronces), bởi vì dê ưa ăn lá và đọt cây này lắm. Cây ngái này mọc ra từng bụi, có những cọng vươn dài, đầy gai, có khi dài tới hai ba thước. Mùa đông, dây ngái vẫn lên.
Tý còn chưa tìm ra được con dê thì Miêu đã ra gọi Tý về ăn cơm trưa. Trưa nay, Me làm món bí rợ hầm với đậu xanh ngon lắm. Ðến phiên Miêu quán niệm trước bữa ăn. Miêu chắp tay. Mọi người chắp tay. Miêu chậm rãi nói: “Hôm nay, quanh bàn ăn có Ba, có Mẹ, có chú Dũng, có anh Hai, có Chó Con, con được ăn cơm có canh bí rợ rất ngon do Mẹ nấu, con nghĩ tới những bạn trẻ ở Việt Nam. Con lạy Bụt cho mọi đứa trẻ như con hôm nay cũng đều có cơm ăn như con. Con xin cám ơn Bụt.”
Hôm nay, trong khi quán niệm, Tý không được chăm chú lắm. Trí tưởng của Tý hơi chạy bông lông. Tý thấy con mèo nhỏ đang ngồi chễm chệ trên tủ chè, mắt lim dim như là nó đang nghe Miêu nói. Tý nghĩ hai con mèo và hai con dê cũng là những sinh vật thân thiết trong gia đình. Chúng làm cho đời sống hằng ngày của Tý và Miêu thêm vui. Có thể trong khi quán niệm, mình cũng có quyền nhắc tới chúng.
Giữa bữa ăn, Ba nói dì Marie Thérèse muốn mời hai anh em Tý sáng thứ tư tuần sau tới dự lễ sinh nhật của thằng Baptiste tại nhà nó, ở lại ăn cơm trưa rồi chiều dì sẽ chở về. Ba bảo Ba đã nhận lời. Ba muốn cho Tý và Miêu có dịp chơi đùa và nói chuyện với trẻ con Tây để tập nói tiếng Pháp cho mau giỏi. Tý và Miêu ít ưa tới nhà Tây để chơi lắm. Hai đứa chỉ ưa về nhà chơi với nhau mà thôi. Ở nhà có Ba, có Mẹ, có chú Dũng, có Chó Con, vui hơn nhiều. Lại có những đống cát cao lù lù phía giếng, hai anh em tha hồ chơi và moi cát làm thành những con đường hầm bí mật thông nhau. Tý và Miêu thấy mình chơi với Tây không sướng. Tuy nhiên, hai đứa phải nghe lời Ba.
Hình như chú Dũng cũng không ưa chơi với Tây. Chú kể chuyện là hồi chú mới về, cô Chín cứ ưa gởi chú tại nhà dì Marie Thérèse để chú luyện Pháp văn. Hồi đó Mẹ chưa sinh Chó Con, và Tý còn đang ở trại tạm cư Strasbourg. Một hôm cô Chín chở chú tới nhà dì Marie Thérèse rồi bỏ chú lại đó. Hồi đó tiếng Tây của chú còn yếu hơn bây giờ nhiều lắm. Một mình chú phải nói chuyện và phải trả lời bao nhiêu câu hỏi của chú Francois và của dì Marie Thérèse. Ðến bữa ăn, họ đâu có cho chú ăn cơm. Họ cho ăn một món gì lạ lắm. Lá tỏi tây (poireaux) xắt nhỏ ra, trộn với trứng gà rồi đem bỏ lò. Chú chẳng nuốt được mấy miếng cho nên bụng đói meo. Ấy vậy mà còn phải ngồi moi chữ Tây trong óc để trả lời những câu hỏi của chú Francois nữa. Chiều hôm đó, sau khi cô Chín tới chở chú về nhà thì vừa gặp lúc chú Charles và các dì Anne Marie và Marie Paule chở một xe tủ bàn tới. Chú Dũng phải khiêng rất nặng trong khi bụng chẳng có hột cơm nào. Mãi đến tối mịt khi người ta ra về hết chú mới được ăn bún thang do cô Chín nấu. Trời lạnh, bụng đói, chú ăn luôn ba tô bún thang.
Giữa bữa ăn Tý nhớ tới hai mẹ con con dê và Tý hỏi Ba xem Ba đã đem dê đi cột ở đâu. Mẹ nói Ba đã cho chú Charles hai con dê rồi. Tý tưởng Mẹ nói đùa. Nhưng Ba đã nghiêm nét mặt. Ba nói:
– Sáng hôm nay hai con dê đã nhổ cọc lên và chạy lung tung. Chúng đã ăn trụi nhiều cây Ba và chú Dũng mới trồng. Chúng ăn trụi luôn cả cây hồng dòn mà cô Nga bên Mỹ gửi tặng. Thấy hai con dê làm hại quá cho nên nhân dịp sáng nay có chú Charles và dì Anne Marie tới, Ba đã năn nỉ họ đem về nuôi giúp rồi. Ba đã cho đứt họ hai mẹ con dê.
Mọi người im lặng ăn, không ai nói lời nào. Tý nghẹn, không nuốt được miếng cơm trong cổ. Tý buông đũa xuống. Miệng Tý mếu, nhưng Tý không dám khóc thành tiếng. Nước mắt chảy cả vào cơm.
Tý không ăn được nhưng cũng không dám bỏ đũa đứng dậy. Tý biết rõ là mình đã làm cho mọi người ăn mất ngon, nhưng Tý không có cách gì khác. Nó không thể không buồn và không khóc. Tý đã thương con dê con quá rồi. Nó biết từ nay mỗi buổi chiều đi học về nó sẽ không còn chạy ra chơi với dê nữa. Nó sẽ không còn cho dê ăn trong lòng bàn tay của nó. Nó sẽ không còn ôm đầu dê vào lòng để vuốt ve. Nó sẽ không còn đưa đầu gối của nó cho con dê húc. Ðộ rày, hai cái sừng của con dê con đã mọc lên khá cao và khi nó húc, đầu gối của Tý đã hơi đau đau. Nhưng Tý rất thích cái cảm giác hơi đau đau ấy, cái cảm giác gây nên do cái đầu dễ thương của con dê nhỏ. Mẹ nói:
– Thôi, để mình đi xin lại con dê con cho nó.
Ba im lặng. Tý biết một khi Ba đã quyết định về một điều gì rồi thì khó mà làm Ba thay đổi ý kiến lắm. Mẹ không dám nói nữa. Có khi Mẹ cũng sợ Ba như Tý và Miêu sợ.
Chiều hôm ấy có Sư Ông đến chơi. Nghe chuyện Tý mất con dê, Sư Ông cũng buồn lắm. Sư Ông mời Tý lên Xóm Thượng ở lại với Sư Ông một đêm, và hứa sẽ kể cho Tý một chuyện đời xưa. Tý nói với Mẹ. Mẹ bảo Tý lên xin phép Ba. Ba bằng lòng.
Tối hôm đó ở Xóm Thượng, Sư Ông tự tay nấu cơm đãi Tý. Có món đậu hủ chà bông. Có món su le xào. Lại có món phô mai kho. Trước khi ăn cơm, Sư Ông dạy Tý một phép quán niệm mới, không cần dùng lời. Chỉ cần chắp tay, thở ra và thở vào ba lần, thật sâu và thật nhẹ, trong khi biết rõ là mình đang ngồi đó, trước mâm cơm. Quán niệm theo kiểu này tuy lâu một chút nhưng rất dễ làm, và trong khi làm, Tý cảm thấy khỏe và vui trong lòng.
Tý ngồi nói chuyện với Sư Ông trước lò sưởi. Sư Ông và Tý đã khiêng bỏ vào dưới ống khói một gốc cây thật lớn. Gốc cây này đã cháy cả đêm mà không hết. Bên gốc cây ấy còn có nhiều khúc củi nhỏ. Củi nổ lép bép. Sư Ông rót cho Tý một ly nước trà và hỏi Tý về chuyện con dê. Tý lại rơm rớm nước mắt. Sư Ông nói thứ bảy tuần sau đi thăm chú Charles, Sư Ông sẽ đưa Tý đi theo để Tý thăm con dê con của Tý. Sư Ông nói nếu Tý muốn thì lâu lâu hai ông cháu lại sẽ đi thăm con dê con một lần. Nhà chú Charles ở cách nhà Tý khoảng năm mươi cây số.
Lạ quá, nghe Sư Ông nói chuyện, Tý thấy bớt buồn rất nhiều. Sư Ông hỏi Tý tại sao Miêu đã không buồn khi nghe tin Ba đã cho chú Charles con dê con. Tý nói có lẽ vì Miêu không thương con dê con bằng Tý. Sư Ông nói Miêu có nhiều tình cảm, nhưng Miêu quan tâm đến chuyện hiện tại hơn chuyện đã qua. Tý nghĩ là Sư Ông nói đúng. Có lần cô Chín chở hai anh em Tý đi thăm một người bạn ở Miramont. Ngồi trên xe chỉ có Tý trả lời cô Chín và góp ý với cô về những chuyện có liên hệ tới ngày xưa ở Việt Nam. Miêu không có ý kiến gì cả. Trái lại, Miêu cứ hỏi cô Chín tía lia về những cái Miêu thấy hai bên đường. Ðúng là Miêu chỉ chú ý tới hiện tại.
Sư Ông hỏi thăm Tý về đời sống ở quê nhà. Tý nói cho Sư Ông nghe về quê ngoại ở xã Phú Hưng, về dì Sương, về anh Tửng con của cậu Năm. Sư Ông cũng hỏi về ngôi nhà của Tý ở Cầu Tre và ngôi nhà sau này của Tý ở Làng Báo Chí Thủ Ðức. Rồi Tý kể cho Sư Ông nghe về thằng Ngữ, đứa bạn thân nhất của Tý ở Việt Nam.
Sư Ông hỏi Tý rất nhiều về Ngữ. Sư Ông hỏi tại sao Tý lại thân với Ngữ hơn hết trong số các bạn ở trường. Tý cố tìm cách để nói cho Sư Ông hiểu nhưng khó quá. Khi người ta thương là người ta thương, nói lý do tại sao mình thương thì thật là khó quá. Nhưng Tý cũng cố gắng tìm ra vài lý do. Ví dụ tại vì Ngữ không bao giờ thất hứa với Tý. Tại vì Ngữ không thô tục như nhiều đứa khác. Tại vì Ngữ không bao giờ gây lộn với ai. Tại vì Ngữ… hạp với Tý. Sư Ông cười. Sư Ông thêm: Cũng tại vì con và Ngữ hai đứa hiểu nhau phải không? Tý gật. Tý nói với Sư Ông: một trong những mơ ước lớn của Tý là Ngữ có thể vượt biển qua đây với Tý. Sư Ông bảo Tý nên viết thơ cho Ngữ. Tý đi đã gần hai năm trời mà chưa viết thơ về cho Ngữ, đó là một điều làm cho Sư Ông ngạc nhiên. Khi người ta là bạn thân với nhau, người ta trông tin nhau. Sư Ông bảo tối nay trước khi đi ngủ, trong khi Sư Ông viết sách thì Tý đi viết thơ cho Ngữ, “viết thơ cho người bạn thân nhất của mình.” Tý dạ.
Ðêm ấy hai ông cháu lên phòng, đốt lò sưởi điện. Sư Ông trao cho Tý một cây bút và vài ba tờ giấy trắng.