18. Ba té xuống hồ nước
Mấy tuần lễ đầu, sau khi dọn về nhà mới, Mẹ chỉ nấu ăn bằng lò củi. “Nấu bằng lò củi vừa ấm vừa đỡ tốn gaz,” Mẹ nói. Giá tiền một bình gaz là sáu mươi tám quan; Mẹ không muốn xài phí như thế. Nhờ vậy mà trong những giờ nấu ăn, nhà bếp rất ấm. Nhưng lò củi đốt rất tốn củi. Muốn cho lò đủ nóng để sôi cơm sôi canh, Mẹ phải đốt lò nóng đến mức tối đa. Mỗi thước củi người ta bán tới hai trăm đồng, gần bằng giá ba thùng gaz. Vào những ngày nghỉ học, Tý và Miêu hay đi kiếm củi giúp Mẹ. Nhưng củi của hai đứa kiếm được chỉ là những cành khô và mục, đốt mau tàn lắm. Vì vậy Ba và chú Dũng quyết định đi mua một cái cưa máy, gọi là cưa sên. Gọi như vậy là vì cưa có một sợi dây sên tương tợ như sợi sên xe đạp. Người Pháp gọi thứ cưa này là troconneuse. Cưa này được dùng chuyên môn để đốn cây làm củi. Cái cưa sên của Ba và chú Dũng mua tốt lắm. Với cây cưa ấy, Ba và chú Dũng đã cưa được năm sáu thước củi để cho Mẹ đốt lò và nấu ăn. Vào những ngày mưa không cày bừa gì được, Ba và chú Dũng mặc áo thật ấm đi ra ngoài cưa củi. Trước hết, hai người cưa củi ở khu rừng xa gần hồ nước lớn. Sau đó, Ba và chú bắt đầu hạ những cành nhỏ của hai cây sồi cổ thụ. Mỗi lần đi học về, Tý và Miêu thường nghe tiếng cưa sên kêu vang ngoài hồ nước. Hai đứa rất ưa tới xem Ba và chú Dũng cưa củi. Cái cưa sên cưa ngon lành quá. Một khúc cây đường kính rộng tới hai tấc mà chú Dũng có thể cưa đứt ngang trong vòng không đầy nửa phút. Nhưng Ba không muốn hai đứa lại gần. Ba sợ những mảnh gỗ bay vào mắt hai đứa.
Những thân sồi lớn như những thân voi; hai đứa ưa leo lên để đi chơi trên ấy. Ði cho tới khi gặp những cành gồ ghề không thể đi tiếp được nữa. Tại nách của một cành sồi lớn, Tý có thể nằm gọn lỏn như nằm trong một cái giường. Bác Mounet nói những thân sồi này rất đáng giá. Người ta sẽ xẻ những thân sồi này ra thành từng tấm ván lớn. Những thứ bàn ghế làm bằng gỗ sồi rất cao giá. Ba ước ao làm được một bộ ván sồi thật dày, thật bóng theo kiểu những bộ ván gỗ ở quê nhà.
Có một hôm Miêu bị cảm sốt không đi học được. Tý đến trường một mình. Tại trường, Tý nhận thấy có nhiều đứa vắng mặt. Chiều hôm ấy về nhà, Tý được Mẹ cho hay là Chó Con lên cơn sốt.
Sáng hôm sau, Ba không dậy nổi. Ba cũng bị sốt. Mẹ cũng kêu là nhức mỏi trong mình. Chỉ có chú Dũng và Tý là không sao. Ba lấy thuốc Calgluquine ra cho mọi người uống. Chú Dũng và Tý không uống. Hôm ấy chú Dũng đi làm việc ngoài hồ một mình, không có Ba đi theo. Tý lại đi học một mình. Chiều đi học về, Tý ngửi thấy mùi dầu Cù Là nồng nặc cả nhà. Chắc mọi người đã được cạo gió. Mẹ cố gắng nấu cơm, nhưng không ai thiết ăn uống gì. Tý và được có mấy miếng rồi buông đũa. Thấy Mẹ nhìn, Tý cố gắng ăn hết chén cơm. Chú Dũng cũng ăn rất lơ là. Mọi người đi ngủ sớm. Sáng hôm sau, Tý lên cơn sốt. Nó bắt đầu ho. Chú Dũng cũng ho. Cả nhà ngã bệnh. Tý nghỉ học.
Bác Mounet qua thăm thấy tình trạng này liền gọi giây nói cho bác sĩ. Bác sĩ tới cho thuốc cảm và thuốc ho. Bác Mounet nói hơn phân nửa dân làng đều đã bị cúm, kể cả ông Xã. Uống thuốc bác sĩ cho, chỉ có Mẹ và Chó Con là thấy tình trạng phần thuyên giảm. Ba và chú Dũng càng uống thuốc ho thì càng ho thêm. Tình trạng ấy kéo dài tới bốn hôm. Hôm sau, cô Chín tới. Cô đề nghị Ba và chú Dũng đổi thuốc khác. Cô cũng đề nghị đổi thuốc cho Miêu. Cô lại bắt cả nhà uống thêm sinh tố C mỗi ngày. Cô nói chính anh chàng Miêu đem bệnh cúm ở trường về truyền cho Chó Con, rồi sau đó truyền cho mọi người.
Bệnh cúm của cả nhà dây dưa đến cả tuần sau mới dứt. Ba với chú Dũng không quen ở không nên cảm thấy khó chịu trong thời gian phải ở trong nhà. Vừa thấy tình trạng sức khỏe khá hơn, Ba đã rủ chú Dũng ra hồ để cưa gỗ tiếp. Hôm đó trời còn lạnh lắm. Ba lỡ chân té xuống hồ. Ở chỗ Ba té nước hồ cạn lắm. Nhưng nước hồ lạnh buốt. Nước hồ thấm vào mấy làn áo ấm làm Ba cóng quá, không cử động được. May quá, lúc đó có chú Dũng đứng bên. Chú nhảy xuống, xốc Ba dậy rồi cõng Ba vào nhà. Từ hồ về tới nhà, con đường dài gần trăm thước. Mẹ vội vàng cởi áo cho Ba, thay áo cho Ba. Mẹ đi làm một ly nước trà đường rất nóng để Ba uống, và xoa bóp cho Ba ấm. Tuy vậy, Ba vẫn bị cảm sốt trở lại, và phải mất hơn một tuần sau mới hết.
Một buổi sáng đang chơi ở sân trường, Tý nhận thấy có gì như bột đang rơi trên tóc Miêu. Ngửng nhìn lên, Tý thấy thứ bột ấy đầy trời. Còn đang ngẩn ngơ, Tý bỗng nghe bọn thằng Baptiste kêu lên: “La neige! la neige!” Tý chợt hiểu. Ðây là tuyết! Tuyết đang rơi! Ðây là lần đầu tiên trong đời, Tý thấy tuyết rơi. Bọn học trò đứa nào cũng mừng. Có đứa đưa hai tay lên đón tuyết. Có đứa há miệng ra cho tuyết rơi vào lưỡi. Tuyết rơi đẹp quá. Tý không biết ở nhà, Ba có biết là tuyết đang rơi không. Không biết là Mẹ và chú Dũng có biết tuyết đang rơi không. Nếu có Tý ở nhà thế nào Tý cũng vào nhà kéo Mẹ ra xem.
Tuyết rơi đều. Ngồi trong lớp, thỉnh thoảng Tý nhìn ra ngoài, hy vọng rằng tuyết còn rơi mãi. Trời đã chiều theo ý Tý. Tuyết rơi cho tới giờ tan học. Ngồi trên xe trường, Tý nhìn ra đồi nương giờ đây đã trắng xóa dưới một lớp tuyết trắng. Chiều hôm ấy khi đi học về, Tý và Miêu biết là có Sư Ông đến chơi với Ba nhưng Tý và Miêu ham chơi tuyết quá nên đã rủ nhau ra trước Tham Vấn Ðường chơi tuyết, cho tới tối, quên cả mọi thứ, quên cả chào Sư Ông. Ðêm hôm ấy, Miêu bị sổ mũi trở lại.
Những chuyện rủi cứ nối đuôi nhau mà tới. Chủ nhật hôm sau, có gia đình anh Paul, con của bác Mounet về thăm. Bác Mounet đưa họ qua chào gia đình Tý. Trong khi mọi người nói chuyện ở nhà bếp, con chó lông xù của anh Paul tới cắn vào đầu con mèo con của Tý. Con mèo con la lên một tiếng rồi nằm quỵ. Hoảng kinh, Tý tới nâng mèo lên. Tay nó dính máu. Miệng Tý bắt đầu mếu. Bác Mounet xô ghế đứng dậy. Bác đỡ lấy con mèo trên tay Tý. Răng chó cắn thủng vào đầu mèo và còn làm bể mũi của mèo. Bác bảo anh Paul choàng áo tơi lên cho bác, và lái xe đưa bác đi thú-y-sĩ ở Eymet.
Con mèo nằm tại bệnh viện thú y hai ngày mới được đem về. Trong thời gian ấy, Tý lo cho nó quá. Ði học Tý cũng lo cho nó. Về tới nhà, Tý cũng lo cho nó. Hôm bác Mounet chở con mèo về, Tý mừng quá. Nó ôm lấy con mèo. Con mèo còn có vẻ yếu quá. Tý xin Mẹ cho nó uống sữa Lacmil. Ba nói: “Mạng sống con người ở Việt Nam không được quý bằng mạng sống của một con mèo.”
Mấy hôm sau, tình cờ Tý tìm được một con mèo con thứ hai. Nó lớn bằng hai con mèo của Tý vừa bị chó cắn. Có lẽ nó là chị của con mèo này. Tý cho hai chị em ở chung. Hai con mèo ưa nhảy lên bàn ăn và lên cả tủ chè để phá, nhưng vì cưng Tý nên Mẹ làm ngơ. “Hai đứa ở với nhau chắc là vui hơn,” Tý nghĩ. Ừ nhỉ. Nếu Tý không có Miêu thì chắc là Tý buồn lắm. Nhưng mà Tý có phước hơn hai con mèo. Không những Tý có Miêu mà Tý còn có Ba, Mẹ, chú Dũng và có Chó Con. Tý còn có cả con dê con nữa. Con mèo không biết cha nó là ai, và cũng không biết mẹ nó ở đâu. So sánh với Tý thì Tý là người sung sướng nhất trên đời rồi.