17. Gà cứng đầu không chịu ăn bo bo
Cô Chín nói sang năm vào giữa tháng bảy, khi Làng Hồng mở cửa sẽ có rất đông thiếu nhi Việt Nam về làng. Cô thêm rằng có thể có hai ba chục đứa, và tụi nó sẽ ở lại làng hơn cả tháng. Tý và Miêu rất ngạc nhiên. Ðây là một miền quê hẻo lánh; Tý và Miêu chưa bao giờ nghĩ là có thể có nhiều trẻ em Việt Nam về đây như thế được. Nếu tụi nó về đây đông như vậy thì vui lắm. Cô Chín đã nói thì chắc là có thật. Nhưng mà Tý vẫn có cảm tưởng rằng điều này khó xẩy ra lắm. Mấy tháng nay ở đây, chỉ có hai anh em nó chơi chung với nhau. Có khi hai anh em chơi với thằng Chó Con. Nhưng Chó Con còn nhỏ quá, hai anh em chỉ có thể ôm nó và nựng nó. Chiều nào đi học về hai đứa cũng chạy vào thăm em. Chó Con lớn chậm quá. Chừng nào nó mới có thể chạy chơi ngoài trời với Tý và Miêu?
Nhưng Tý và Miêu cũng có những người bạn khác. Không phải là mấy đứa tây con và đầm con ở trường đâu. Học chung với tụi nó cả mấy tháng rồi mà Tý và Miêu chưa thực sự thân với đứa nào cả, trừ thằng Baptiste. Bạn đây là một con dê con và một mèo con. Tý và Miêu đã để rất nhiều thì giờ để chăm sóc hai con này.
Con dê của dì Margaret cho đã sinh ra được một chú dê nhỏ. Mới sinh ra được hai ngày con dê đã dài được năm tấc rồi! Ðó là một con dê con rất đẹp. Lông nó màu sô-cô-la rất mịn. Hai mắt nó ươn ướt. Cái mõm của nó cũng ươn ướt. Nó uống sữa của mẹ nó được chừng năm hôm thì nó bắt đầu bắt chước mẹ nó ăn cỏ. Tý đi kiếm một sợi dây buộc nó vào với sợi dây xích của mẹ nó. Như vậy khi ăn cỏ, hai mẹ con ăn gần nhau. Hai mẹ con chỉ có thể xa nhau nhiều lắm là bốn thước.
Trời càng lạnh thì cỏ càng ít. Tý phải đem bắp cho hai mẹ con con dê ăn thêm. Con dê con ăn bắp ngay trong lòng bàn tay của Tý. Ban đêm, để cho hai mẹ con con dê đỡ lạnh, Tý cột chung trong chuồng cừu. Chuồng cừu hiện không có con cừu nào.
Có hôm ăn bắp nhiều, con dê mẹ đi tiêu chảy, nằm oẹp. Ba bảo Tý nghiền nát một viên Ganidan và pha vào nước ấm cho dê mẹ uống.
Con dê con có hai cái sừng nhỏ xíu mới nhô lên trên đầu nó. Tý rất thích ôm cái đầu con dê con trong hai tay mình. Trò chơi mà Tý ưa nhất là đưa đầu gối của mình cho con dê con húc. Con dê con húc khá mạnh nhưng không đủ để làm cho đầu gối Tý đau. Buổi chiều nào, khi đi học về, Tý cũng vào thăm thằng Chó Con trước, chơi với nó một lát rồi mới chạy ra tìm con dê con và đưa đầu gối cho dê húc.
Ðã hai ba phen Tý bị Mẹ rầy vì hai mẹ con con dê đã nhổ được cọc cắm và chạy đi ăn lá cây tùng và những chiếc đọt của cây hồng dòn mà Ba mới trồng. Tý tự nhủ là mình phải đóng cọc thật sâu để cho hai mẹ con con dê không còn nhổ lên và chạy hoang được. Ba nói Ba và chú Dũng đã bỏ biết bao nhiêu công phu để trồng cây; nếu Tý không giữ được hai mẹ con con dê thì Ba sẽ bị bắt buộc phải trả chúng lại cho dì Margaret.
Tý lo sợ. Nó đã thương con dê quá mức; bây giờ nếu Ba trả dê cho dì Margaret chắc là nó buồn lắm. Nó tới vò đầu con dê con và bảo dê đừng có ráng nhổ cọc của nó. Nó cũng đến gần con dê mẹ để căn dặn như thế. Nhưng nó biết căn dặn là một chuyện mà đóng cọc cho chắc lại là một chuyện khác. Khốn nỗi, trời cứ mưa hoài; đất ở đâu cũng mềm quá. Ðóng sâu đến mấy cũng không thể gọi là hoàn toàn bảo đảm.
Bạn thứ hai của Tý và Miêu là một con mèo con. Tý bắt được con mèo này trong kho chứa rơm. Nó là một trong mấy đứa con của một con mèo hoang đã vào trốn trong kho chứa rơm để sinh đẻ. Một hôm Tý và Miêu đi chơi vẩn vơ trong kho rơm thì nghe tiếng mèo con kêu. Tý nhảy lên đống rơm tìm. Nó bắt được con mèo con. Con này có lẽ là con nhỏ nhất. Mấy con kia, mèo mẹ đã đem đi dấu ở một nơi khác. Tý và Miêu đem con mèo con vào nhà, đặt nó gần lò sưởi cho ấm. Nhưng con mèo con vẫn khóc và vẫn run. Hôm đó có Sư Ông tới chơi. Sư Ông đi lấy một cái thùng giấy, bỏ nhiều giẻ rách vào trong ấy và đặt mèo con vào. Sư Ông bảo Tý để cái thùng gần lò sưởi. Con mèo con chịu nằm yên trong ấy. Tý xin phép Mẹ lấy một muỗng bột Lacmil của Chó Con pha vào nước ấm cho mèo con uống. Mèo con uống sữa rất ngon lành.
Ngoài việc săn sóc cho dê và mèo, Tý còn việc săn sóc gà vịt nữa. Bốn bao bắp, gà đã ăn hết ba; vậy mà chúng chưa đẻ cho gia đình Tý được một cái trứng nào. Ba bảo có thể vì trời lạnh quá nên gà không đẻ trứng. Chú Dũng nói có thể là vì có hai con vịt ở chung cho nên gà ghét mà không đẻ trứng. Theo chú Dũng thì mấy con vịt dữ lắm, chúng cứ ăn hiếp gà hoài. Mà thật vậy, Tý đã từng thấy một con vịt nhảy lên lưng một con gà và cắn nó làm cho con gà rụng cả lông. Chú Dũng nói phải đợi tới mùa xuân mới có thể làm chuồng gà và chuồng vịt riêng được. Hai chuồng này sẽ làm xa nhà, gần hồ nước, để vịt có thể bơi lội.
Mấy hôm rồi Tý nghe lời Mẹ đem bo bo (sorgho) cho gà và vịt ăn. Chúng nó chê không chịu ăn. Mẹ nói: “Cứ để đó, hễ chúng đói quá thì chúng phải ăn.” Nhưng chúng không ăn. Chúng nhịn đói luôn mấy hôm. Tý định lấy bắp cho chúng, nhưng Tý không dám. Mẹ có vẻ giận. Mẹ nói: “Ở Việt Nam, người mà còn phải ăn bo bo, huống nữa là gà. Gà bên này hư thân mất nết đã quen. Phải tập cho chúng ăn bo bo.” Bọn gà vẫn không chịu ăn. Chúng nó cứng đầu quá. Mà Mẹ vẫn không chịu thua. Mẹ nghĩ tới trẻ em bên nhà, có khi không có cả bo bo mà ăn, cho nên Mẹ giận gà. Bên nào cũng không chịu thua bên nào. Bên nào cũng nhất quyết giữ vững lập trường của mình. Cho đến một hôm chú Charles tới thăm và la lên rằng gà ốm quá, rằng gia đình Tý đã bỏ đói gà. Ba thuật lại tự sự. Chú Charles cười, nói rằng ngày mai chú sẽ chở tới tặng thêm hai bao bắp nữa cho gà. Chú dặn phải kiên nhẫn. Tới mùa xuân gà mới đẻ nhiều trứng. Tý bắt đầu cho gà ăn bắp trở lại.
Chú Jean-Pierre có đem tới cho gia đình một bánh phô-mai làm bằng sữa dê. Chú nói phô-mai này ngon và bổ lắm. Chú Jean-Pierre là người chăn cừu. Phô-mai này do chính tay chú làm lấy. Ba, Mẹ và chú Dũng mỗi người cắt một miếng nhỏ để ăn thử, nhưng ai cũng không thấy ngon. Chưa ai quen với mùi sữa dê và mùi phô-mai sữa dê. Cả nhà có ý định đem tặng bác Mounet chỗ phô-mai còn lại.
Chú Jean-Pierre cao và lớn. Trước đó một tháng chú bị sưng cổ rất đau. Chú đã thử nhiều thứ thuốc nhưng không thấy bớt. Chú nói ban đêm đau quá, chú ngủ không được. Ăn cũng không được. Cô Chín cho chú một thứ trụ sinh, dặn về uống cho đều trong năm ngày. Năm hôm sau, hết bệnh, chú tới cám ơn cô Chín. Bác Mounet hỏi cô Chín để xem cô đã cho chú Jean-Pierre thứ dược thảo nào. Cô Chín cười, không trả lời. Chú Jean-Pierre cũng cười. Bác Mounet nghĩ cô Chín là người Á Ðông thì chắc là cô đã cho chú Jean-Pierre uống thuốc Á Ðông.