15. Cô Margaret đem tặng gia đình Tý một con dê
Ở Strasbourg, Tý đã hiểu sơ lược những điều cô giáo nói, nhưng tại trường làng ở đây, Tý chẳng hiểu được một tiếng. Sau này cô Chín cho Tý biết đó là tại thầy giáo nói giọng Nam. Giọng Nam khác với giọng Bắc khá nhiều. Thầy giáo của Tý tên là Rivière.
Chỉ ba hôm sau ngày về định cư, Tý và Miêu đã được cô Chín chở lên trường làng và xin cho hai đứa vào học. Tại trường, Tý và Miêu chỉ quen với một đứa học trò độc nhất. Ðó là thằng Baptiste, con thím Marie-Thé ở trong làng, người đã đến thăm và đem cho gia đình Tý mấy thước củi để đốt lò sưởi. Củi của mẹ Baptiste cho toàn là gốc nho rất khô, rất cứng, đốt rất đượm và rất bền.
Mấy hôm nay gia đình Tý khám phá ra được một loại áo quần mặc vào rất ấm: đó là áo quần lót mặc sát vào người như một lớp da thứ hai vậy. Người Pháp gọi thứ áo quần này là sous-vêtements. Ðầu tiên hết, cô Chín mua về tặng cho mỗi người một bộ. Tý và Miêu mỗi người cũng có một bộ nhỏ xíu. Ai mặc vào cũng thấy ấm. Mặc thứ ấy vào xong, người ta mới mặc áo thun hay áo sơ mi và thêm các loại áo len ra ngoài. Ba cười và nói rằng nếu không mặc áo lót thì có mặc bao nhiêu áo len ra ngoài cũng không thấy ấm.
Trời đã lạnh lắm, người nào cũng thở ra hơi. Da môi của chú Dũng bị nứt nẻ. Da môi của Ba thì thâm tím lại. Mẹ uống thuốc cô Chín cho đã hết đau. Ba và chú Dũng đã đưa cả gia đình, trừ Chó Con, đi thăm hết mọi ngõ ngách của vườn ruộng. Hồ nước mà chú Dũng nói hôm nọ nằm gần sát khu rừng mà Ba và chú Dũng thường tới đốn củi. Hồ nước rất sâu và rất dài. Ba cấm không cho Tý và Miêu lai vãng tới đó, nếu không có người lớn đi kèm. Chừng một tuần lễ sau khi gia đình Tý dọn về nhà, Ba tổ chức một buổi tiếp tân tại nhà để cô Chín giới thiệu với Ba những bạn hữu đã giúp đỡ cô trang bị nhà cửa để đón gia đình Tý về. Cô Chín và Mẹ đã làm được rất nhiều chả giò và chuối chiên. Chú Charles và cô Anne Marie lại đem tới một ổ bánh bông lan rất lớn. Các cô chú tới rất đông, khoảng chừng ba mươi người, phần lớn là người Pháp. Có chừng bốn đứa trẻ con người Pháp và hai đứa người Anh. Hai đứa trẻ người Anh là con của cô Margaret. Cô Margaret đã từng đem tới cho gia đình Tý bốn con gà mái. Hôm nay đến dự lễ tiếp tân cô đem thêm cho Mẹ một con dê. Cô nói con dê này sẽ cho ra đời một con dê con trong vòng mấy tuần lễ nữa. Sữa dê bổ lắm, cô nói, và ta nên lấy sữa này cho Chó Con uống để nó mau lớn. Con dê được cột vào một sợi dây xích, đầu sợi dây có một cái cọc sắt. Cô dạy cho Tý đóng cọc xuống một nơi còn cỏ xanh để cho con dê ăn cỏ.
Buổi tiếp tân rất vui. Có cả ông Xã bà Xã tới dự. Ba kể chuyện vượt biên của gia đình Tý. Ba nói rất chậm rãi. Khi Ba kể đến hồi ghe bị tàu Cap Anamur đuổi theo, không khí đầy hồi hộp. Ba nói hồi đó trên ghe chưa ai biết đó là tầu cứu trợ. Mọi người sợ đó là tàu Nga hoặc là tàu tuần tiễu của chính quyền. Mọi người sợ nó bắn chìm ghe.
Sau khi ăn bánh và uống trà, cô Chín đề nghị làm văn nghệ. Có rất nhiều người hát. Có nhiều bài hát tiếng Pháp. Có vài bài bằng tiếng Anh. Cô Chín cũng hát bài tiếngViệt. Tý cũng hát một bài. Ðó là bài Trường Làng Tôi. Tý hơi mắc cỡ bởi vì ai cũng nhìn vào Tý hết.
Mấy mẫu bắp được gặt xong, Mẹ bảo Tý và Miêu mang bao theo Mẹ ra ruộng mót bắp. Ba người mót trong bốn ngày liền và trảy được bốn bao tạ bắp đầy. Có hôm Sư Ông về chơi, Sư Ông cũng ra mót bắp chung với Miêu và Tý. Ba và chú Dũng đã làm xong máng ăn và máng uống cho chuồng gà. Mỗi buổi chiều đi học về, Tý có bổn phận lấy bắp cho gà ăn và lấy nước cho gà uống. Có hai con vịt, chú Dũng cũng thả chung trong bầy gà. Hồ nước lạnh quá, chú không dám thả vịt xuống.
Một buổi sáng chủ nhật kia, khi thức dậy, Tý thấy lạnh. Nhìn ra ngoài trời, Tý thấy trắng xoá. Tưởng là có tuyết, Tý reo lên. Chú Dũng cũng vừa dậy. Tý kéo chú Dũng tới gần cửa sổ chỉ cho chú thấy cảnh tượng bên ngoài. Cả hai chú cháu đều chưa bao giờ thấy một cảnh tượng như thế. Cả hai chú cháu đều nghĩ đó là tuyết.
– Tý mặc áo cho thật ấm và mang ủng vào. Mình đi ra ngoài xem tuyết.
Tý chạy đi mặc áo quần và mang ủng. Tý lại đội thêm cái mũ len. Chú Dũng và Tý mở cửa đi ra ngoài. Trời lạnh thật. Ủng của hai chú cháu dẫm trên những cọng cỏ nghe rất dòn. Nghe dòn như rơm khô. Bỗng Tý phát giác ra rằng nước ở trong cái bồn phía ngoài sân đã đóng lại thành nước đá. Chưa bao giờ Tý thấy nước đóng lại thành nước đá như vậy. Tý gọi chú Dũng. Chú Dũng cũng chưa từng thấy nước đá ngoài trời. Ðây là mùa đông đầu tiên của cả hai chú cháu tại Pháp. Chú Dũng đưa tay đẩy rồi nâng lên một tảng nước đá tròn như chiếc bánh tráng dày tới khoảng mười lăm ly.
Ở Việt Nam Tý chỉ biết nước đá cục uống với chanh đường, hoặc nước đá bào ăn với xi rô lạnh buốt. Nước đá phải được chế tạo bằng máy. Ở đây nước tự nhiên đóng lại thành đá. Tý nghĩ mình có thể đem nước đá này vào để làm chanh đường. Nhưng Tý bật cười. Trời này lạnh quá, ai mà thèm nước đá chanh đường. Tý đỡ tảng nước đá trên tay chú Dũng. Hai tay Tý lạnh cóng. Hai tay Tý đau buốt. Tý trao tảng nước đá lại cho chú Dũng. Hai chú cháu đem cái ”bánh tráng nước đá” vào nhà để khoe với Ba, Mẹ và Miêu. Ai cũng sáng mắt ngạc nhiên. Ba và Miêu đã mặc áo và đi ủng xong. Mọi người trừ Mẹ và Chó Con, lại đi ra ngoài để quan sát. Mặt nước hồ cũng đã đóng lại thành nước đá. Tý và Miêu lượm những viên sỏi chọi xuống mà mặt nước đá vẫn không vỡ. Mặt nước đá chỉ vỡ khi chú Dũng thọc gậy xuống. Nuớc đá đóng lại trên mặt hồ dày khoảng một phân tây.
Trưa hôm ấy, có cô Chín lại chơi. Tý thuật lại cho cô nghe câu chuyện đi chơi nước đá. Cô Chín nói cái chất trắng trên cỏ kia không phải là tuyết. Ðó là sương đóng băng. Tiếng Tây gọi là givre hay là gelée blanche. Hôm ấy cô đem biếu cho gia đình Tý một cái hàn thử biểu. Hàn thử biểu chỉ ba độ dưới không. Cô nói ở vùng này ít khi có tuyết lắm. Vài năm tuyết mới rơi một lần.