Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

11. Ba đi miền nam xem nhà

Bác sĩ nói với Ba rằng vào khoảng một tháng nữa thì em bé ra đời. Bác sĩ lại nói thêm em bé là con trai. Lâu nay Tý cứ âm thầm mong rằng em bé sẽ là con gái. Tý đã có một em trai rồi; nếu có thêm một em gái nữa thì vui quá. Nhưng khi nghe Ba kể lại lời bác sĩ, Tý không cảm thấy buồn. Có thêm một em trai nữa cũng vui lắm. Tý lớn hơn Miêu ba tuổi. Hai anh em chơi với nhau vui lắm. Em trai thứ hai của Tý sẽ nhỏ hơn Tý mười tuổi. Nó sẽ không thể chạy chơi với Tý ngoài sân ngay được, nhưng Tý sẽ cưng nó lắm. Tý sẽ ẵm nó. Hồi Miêu mới sinh, Tý còn nhỏ quá, không ẵm Miêu được. Giờ đây Tý sẽ tha hồ ẵm em bé mới. Tý sẽ thọc lét cho nó cười. Tý sẽ dạy cho nó nói tiếng nói đầu tiên như: Ba, Mẹ, Tý, Miêu, Việt Nam. Tiếng Ba và tiếng Mẹ là dễ nói nhất. TiếngViệt thì hơi khó đối với một em quá trẻ. Ba đã có tên cho bé rồi. Ba đặt tên cho nó là Chó Con, bởi vì năm nó sinh là năm Tuất. Tuổi Tuất là tuổi con chó. Còn tên khai sinh của nó là Lê Nhật Tâm. Nhật Tâm, Ba nói, là trái tim mặt trời. Hồi Mẹ bắt đầu mang thai nó (hồi đó gia đình Tý còn ở đảo Palawan) thì Ba đọc cuốn Trái Tim Mặt Trời mà cô Chín đã gởi sang cho Ba. Ba đọc cuốn sách đó trong nhiều ngày và nhiều đêm. Tý cũng đã thử đọc cuốn đó, nhưng Tý không thấy thích bằng đọc cuốn Văn Lang Dị Sử. Tý chỉ đọc chừng mươi trang rồi bỏ.

Trưa thứ bảy sau đó, gia đình Tý được một gia đình người Lào mời đi ăn đám giỗ. Gia đình này trước đây ba năm cũng đã từng cư trú trong trại tạm cư Strasbourg. Bây giờ họ đã định cư tại thành phố Strasbourg. Ba có quen với gia đình này. Hôm ấy Tý được ăn một bữa ăn Lào. Trên bàn có xôi và có thịt vịt. Mọi người rửa tay sạch và ăn bằng tay chứ không dùng đũa. Chiều hôm đó, cô Chín điện thoại cho Ba. Cô mời Ba xuống miền Nam có chuyện cần. Biết em bé sắp sinh và Ba cần có mặt thường trực bên Mẹ, cô chỉ mời Ba đi có bốn hôm. Cô nói về miền Nam Ba sẽ gặp cả Sư Ông và chú Dũng. Sáng ngày hôm sau, Ba ra ga đáp xe lửa về miền Nam. Trước khi ra đi, Ba căn dặn Mẹ nhiều điều. Ba nói là Ba sẽ gọi điện thoại cho Mẹ.

Tại trường, Tý đã bắt đầu hiểu được một ít những điều cô giáo nói trong lớp. Mỗi khi nói gì với Tý, cô nói rất chậm rãi. Giọng cô rất trong trẻo. Hình như cô có chú ý nhiều tới Miêu và Tý. Miêu độ rày không còn gây hấn với ai nữa. Nó nghe lời Ba căn dặn. Tuy nhiên nó có cách trả đũa của nó đối với những đứa ưa chọc ghẹo và bắt nạt nó. Nó làm bộ thua chạy để cho đối phương đuổi. Ðối phương đang đuổi hăng thì nó đứng lại một cách đột ngột. Anh chàng kia liền tông vào nó và té xuống. Ðã chuẩn bị rồi nên Miêu không té, cũng không bị đau. Nếu anh chàng kia té, đó là tại lỗi anh chàng chạy theo Miêu, chớ không phải là vì Miêu xô nó té. Trên nguyên tắc, Miêu không có lỗi gì.

Nhiều lúc Tý có cảm tưởng là Miêu khôn hơn nó. Vì khôn cho nên nhiều lần Miêu đã lôi kéo Tý vào những tình trạng khó xử. Tý nhớ hồi thằng Ngữ bệnh không đi học, có lần Miêu đã rủ Tý bỏ học để đến chơi với Ngữ và luôn dịp xem vô tuyến truyền hình. Nhà Ngữ có một máy ti-vi cũ, nhưng còn coi được. Tý và Miêu rất thích những phim giễu. Lại có những phim đánh kiếm, những phim về người da đỏ và những phim rượt bắt rất sôi động. Tý nói với Miêu: “Coi ti-vi thì thích rồi, nhưng làm sao mình nói dối với bác Nga (bác Nga là mẹ Ngữ) là hôm nay trường nghỉ học? Mình ôm tập vở sờ sờ ra đây mà!” Miêu chỉ cho Tý cách mở nút áo và dấu cuốn tập và cây bút trong ngực rồi gài nút lại. Trời xui đất khiến gì mà Tý đã nghe Miêu. Sáng hôm ấy coi truyền hình thì thích thật, nhưng chiều hôm đó, Tý cứ ăn năn hối hận mãi. Tý nhớ hối hận là đã đánh lừa Ba, đánh lừa Mẹ, đánh lừa bác Nga và đánh lừa cả cô giáo Duyên. Tý biết là bọn học trò trong lớp Tý đứa nào cũng đã từng có lần trốn học đi chơi và chuyện Tý bỏ học một buổi để đi coi phim cũng là chuyện thường xẩy ra cho những đứa trẻ còn vào tuổi Tý, nhưng Tý không hiểu sao mình lại thấy thắc mắc nhiều hơn những đứa khác. Tý cảm thấy không yên tâm. Miêu hồi đó chưa đầy sáu tuổi. Tý nghĩ rằng Miêu chưa biết về trách nhiệm. Tý là anh Hai, trách nhiệm là ở nơi Tý.

Ba đi miền Nam về vui lắm. Ba báo tin là mình đã có nhà rồi, và có thể định cư bất cứ lúc nào mình muốn. Ba nói nhà nằm ở Xóm Hạ trong Làng Hồng. Nhà có phòng ngủ, phòng khách, phòng chú Dũng, phòng Tý và Miêu, nhà bếp, nhà tắm và cầu tiêu riêng nữa. Ba nói nhà bếp khá rộng, có lò sưởi đốt củi, và vào mùa đông cả gia đình có thể ngồi quây quần trước lò sưởi. Hiện chưa có bàn ghế và giường tủ gì hết, nhưng cô Chín nói là các bạn cô sẽ mang những thức ấy tới trong vài hôm nữa. Ba lại cho biết rằng xung quanh nhà có rất nhiều đất để trồng rau. Muốn trồng bao nhiêu rau cũng có đất. Nhà đã có nước máy. Trong vài hôm nữa, điện sẽ được bắt vào. Cả nhà nghe tin rất mừng. Ba lại lấy cả bản đồ của Làng Hồng đưa ra cho cả nhà xem và chỉ cho mọi người thấy đâu là ngôi nhà tương lai của mình, đâu là giếng nước, đâu là vườn nho.

– Nhà mình có vườn nho nữa hả Ba? Miêu hỏi.

Ba trả lời:

– Có một vườn nho trái ăn ngọt lắm. Nho này có thể làm rượu được. Sang năm vào khoảng đầu tháng mười các con tha hồ mà đi hái nho.

Ba cũng cho biết là trường học của Tý và Miêu cách nhà chừng ba cây số, và buổi sáng sẽ có xe trường ghé qua nhà để rước hai đứa. Buổi trưa Tý và Miêu sẽ ăn cơm tại trường. Buổi chiều, xe chở hai đứa về tận nhà.

Thôi, vậy là hai đứa phải ăn cơm Tây mỗi ngày một lần rồi. Ba nói buổi cơm chiều mới là quan trọng. Mẹ hứa là chiều nào cả gia đình cũng sẽ ăn cơm Việt Nam đàng hoàng. Tý biết Mẹ mà hứa thì chắc chắn có rồi. Tý và Miêu đâu cần phải lo lắng nữa.

Ba kể là ba đã gặp chú Dũng. Chú Dũng đã mua được xe gắn máy rất tốt. Ba và chú Dũng đã cùng Sư Ông và cô Chín đi thăm khắp cả đất đai của Làng Hồng, và bốn người đã dự tính mùa Xuân năm sau sẽ trồng những thứ hoa màu nào. Chú Dũng dự định trồng đủ thứ: nào khoai tây, nào củ hành, nào đậu que, nào bắp cải, nào bí rợ… Tý cảm thấy nhớ chú Dũng quá. Nhớ đến muốn phát khóc. Chú Dũng mới xa Tý và Miêu có ba tháng chứ có lâu đâu. Vậy mà coi như đã mấy năm. Chừng nào đi định cư, Tý và Miêu sẽ lại được sống chung với chú. Tý và Miêu rất thích được chơi đùa với chú Dũng. Bên trại Palawan, hai đứa thường chạy để chú rượt theo. Chú rượt rất giỏi. Bắt được Tý, chú ôm Tý thật chặt. Chừng nào Tý phải kêu lên và thú nhận là chịu thua thì chú mới buông Tý ra. Có khi Tý và Miêu hợp tác với nhau ôm chặt chú lại và đố chú chạy thoát. Nhưng dù Tý và Miêu có cố gắng hết sức để ôm thì cũng chỉ trong một chốc lát chú đã vùng ra được.

– Chừng nào mình dọn về nhà mình hả Ba? Tý hỏi.

– Sau ngày Chó Con ra đời chừng vài ba tuần lễ. Mình phải đợi cho em bé cứng cáp rồi mới lên đường được. Mẹ các con cũng phải được tĩnh dưỡng ít ra là trong vài tuần.

Rồi Ba kể cho cả nhà nghe là ở Xóm Hạ có hai cây sồi lớn và đẹp lắm. Cây nào cũng trên ba trăm tuổi. Sư Ông, cô Chín, chú Dũng và Ba đã ngồi dưới bóng hai cây sồi ấy để ăn trưa một lần. Trong cành lá có cả ngàn con chim trú ẩn. Ngồi dưới bóng sồi mát lắm. Hai cây sồi chỉ cách nhà chừng bảy mươi thước. Ba nói Sư Ông rất thích hai cây cổ thụ này. Ba định là sau này vào những ngày hè mình sẽ treo võng trong bóng cây để nằm nghỉ trưa.

Tối hôm ấy, Tý đã nằm mơ thấy hai cây sồi. Tý thấy hai cây sồi có tàn lá lẩn khuất trong mây. Có một đàn chim trắng bay liệng trên đó. Tý chưa biết cây sồi là gì. Tý chỉ biết đó là hai cây thật lớn, lớn còn hơn những cây vú sữa ở quê ngoại.