Tý – Cây tre triệu đốt – Chiếc lá ổi non

07. Miêu đạp thằng tây con

Máy bay của Tý ghé Vọng Các, Tân Ðề Ly và La Mã trước khi đáp xuống phi trường Charles De Gaulle phía Ðông Bắc thành phố Ba Lê. Làm thủ tục quan thuế và lấy hành lý xong, Tý đưa mắt nhìn xung quanh xem có thấy cô Chín và bác Tuệ không. Nhưng Tý không thấy. “Ba ơi Ba, cô Chín và bác Tuệ có đi đón mình không, thưa Ba”, Tý hỏi. Ba trả lời: “Không đâu con; Ba không có đánh điện báo trước giờ máy bay tới; cô Chín và bác Tuệ đâu có biết mà đi đón.” Tý thấy thất vọng. Người đi đón gia đình Tý là một người Pháp mà Ba không quen. Ông ta đại diện cho ban quản trị trung tâm tạm cư Herblay. Gia đình Tý sẽ tạm cư tại trung tâm này. Từ phi trường về trung tâm Herblay phải mất chừng một tiếng rưỡi đồng hồ. Ðường sá bên Pháp rất tốt, cột đèn rất nhiều, giây điện giăng chằng chịt. Khí trời ấm áp, cây cối xanh tươi. Tại trại Herblay, gia đình Tý được đưa vào tạm trú trong một căn phòng khá rộng trên lầu hai của một chung cư. Thức ăn do trại nấu nướng và cung cấp. Gia đình Tý lại phải ăn cơm tây, nghĩa là cơm mà không có cơm, chỉ có bánh mì, thịt và rau. Rau ở đây không giống rau bên nhà. Họ để sống, hoặc luộc rất chín. Mấy bữa đầu Tý còn ăn được. Sau đó ớn quá, Tý nuốt không trôi. Miêu cũng nuốt không trôi. Anh em Tý thèm cơm quá. Ba cũng thèm cơm. Mẹ cũng thèm cơm. Chú Dũng cũng thèm cơm. Tý nhớ tới một câu hát mà ngày trước Tý thường nghe Ba hát và thấy rất thấm thía:

”Quê hương là mưa nắng
Quê huơng là khoai sắn

Quê hương là cơm ngon.”

” …Quê hương là cơm ngon”, Tý vừa nhớ quê hương vừa nhớ tới cơm. Mẹ nói: “Các con ráng đi, chừng nào có nhà riêng, mình sẽ nấu cơm ăn mỗi ngày.” Tý cảm thấy lòng tràn đầy hy vọng. Tại trại Herblay có nhiều gia đình tỵ nạn khác. Có người Việt nhưng cũng có người Miên và người Lào. Ra vào Tý gặp những đứa trẻ bằng tuổi Miêu và tuổi Tý. Tý chưa kịp làm quen với đứa nào thì người ta đưa gia đình Tý dời về trung tâm tạm cư Strasbourg. Ba hỏi thăm thì biết rằng thành phố Strasbourg ở về phía Ðông Bắc nước Pháp, không xa biên giới Ðức bao nhiêu. Ba, Mẹ, Tý và Miêu sẽ về đó tạm cư cho đến khi Ba tìm được nơi định cư và công ăn việc làm. Riêng chú Dũng vì còn là thanh niên độc thân nên họ khuyên nên chuyển về trại tạm cư Toulouse miền Nam nước Pháp để theo một trong những khóa huấn nghệ (nghĩa là học nghề) do trại tổ chức. Ba dặn chú Dũng phải thường xuyên liên lạc với Ba. Sau này chú Dũng học nghề xong, gia đình sẽ lại được đoàn tụ. Còn hai hôm nữa chú Dũng mới đi Toulouse. Ba, Mẹ Tý và Miêu được chuyển đi Strasbourg trước. Chú Dũng xuống sân đưa tiễn. Chú ôm Tý và Miêu thật chặt trước khi Tý và Miêu leo lên xe buýt.

Ngồi trên xe buýt, Tý lại nhìn ra hai bên đường để quan sát. Ði qua các thành phố, Tý thấy toàn là các ông Tây bà Ðầm. Ở Việt Nam ít khi mà thấy có một ông Tây hay một bà Ðầm lắm. Ở miền quê hễ có mặt một người ngoại quốc thì bọn con nít kéo nhau ra xem. Ở đây thì ngược lại. Toàn là Tây và Ðầm. Nhìn mãi không thấy được một người Á  Ðông. Ba nói đúng. Ðây là xứ lạ quê người. Tý bỗng thấy nhớ nhà quá. Nó nhớ ngôi nhà của nó ở  Làng Báo Chí, Thủ Ðức. Nó nhớ cây bông giấy trước sân nhà. Nó nhớ cây mận bên hông nhà. Nó nhớ khoảnh đất bên hông nhà nơi đó Mẹ trồng lá dứa, cần tàu và rau quế. Nó nhớ trường học của nó. Nó nhớ thằng Ngữ. Rồi trí nhớ của Tý bay về quê ngoại. Nó nhớ ao cá, nó nhớ những cây dừa, nó nhớ anh Tửng. Anh Tửng leo dừa giỏi nhất xóm. Nó nhớ bà ngoại. Nó nhớ Dì Sương. Nó nhớ em Du. Nước mắt nó rơi xuống từng giọt.

Tại trung tâm tạm cư Strasbourg, gia đình Tý được đưa vào cư trú trong một gian phòng sạch sẽ ở lầu hai trong một tòa chung cư. Thức ăn cũng là thức ăn Tây phương do trung tâm nấu nướng và cung cấp. Trong suốt bốn tháng trời gia đình Tý phải ăn cơm Tây. Thường thường ngồi vào bàn ăn là Tý không muốn ăn. Miêu cũng vậy. Thịt bò nhiều quá. Từng miếng thịt rất to và dai nhách. Tý và Miêu không bao giờ cắt nổi miếng thịt bằng dao và nĩa. Tý ăn các thứ khác: rau xà lách, khoai tây tán, đậu que luộc, vân vân. Có một bữa Ba đi đâu về mua được một chai nước chấm Maggi. Cả nhà mừng quýnh. Cả nhà bẻ bánh mì nhúng nước Maggi mà ăn. Ngon quá. “Nếu có thêm trái ớt nữa thì tuyệt”, Ba nói. Hồi ở Việt Nam, thỉnh thoảng Tý cũng được ăn bánh mì chấm Maggi.

Tý và Miêu được đi học. Ði học thì phải băng qua nhiều đường phố; xe cộ chạy như bay, rất là nguy hiểm. Vì vậy sáng nào Ba cũng phải đưa Tý và Miêu đi. Cô giáo của Tý rất dịu dàng. Ba nói cô ấy đẹp lắm. Mẹ nói: “Hèn gì mà sáng nào anh cũng phải đưa tụi nó đến trường.”

Ngay trong tuần lễ đầu tiên tại trường, Miêu đã chạm trán với mấy đứa Tây con rồi. Có một thằng Tây con, tuổi bằng Miêu, đến khiêu khích Miêu. Nó giật cục gôm mà Miêu đang cầm trên tay và bẻ đôi cục gôm thành hai rồi đôi xuống đất. Tức quá, Miêu phản ứng liền. Nó phóng chân đạp thằng Tây con một đạp ngay trước ngực. Thằng kia té nhào, khóc lóc và chửi rủa om sòm. Tý và nhiều đứa khác chứng kiến việc ấy. Cô giáo tới. Tiếng Pháp của Tý còn non quá; Tý không thể nói cho cô giáo nghe những gì vừa xảy ra. May thay, có một đứa con gái đã thay Tý làm việc đó. Nghe xong, cô giáo phạt cả hai đương sự: thằng Tây con bị phạt vì đã bẻ cục gôm của Miêu, và Miêu bị phạt vì đạp vào ngực nó. Cô giáo nói với Miêu rằng thay vì đạp thằng kia đáng lý Miêu phải tới mách cô giáo.

Cô giáo vừa nói vừa làm dấu hiệu bằng tay nên Tý và Miêu hiểu được. Tý nghĩ rằng nếu Miêu cầm hai nửa cục gôm tới mách cô giáo, dù là mách bằng tiếng Việt, thì cô giáo cũng có thể hiểu được Miêu muốn nói gì, miễn là Miêu cũng biết làm dấu hiệu bằng tay như cô giáo. Tý cảm thấy mình khác với Miêu. Tý hay nhường nhịn. Ðối với chuyện nhỏ nhặt, Tý thường bỏ qua không thèm phản ứng. Khi nào thấy tức quá, Tý mới đến thưa với người lớn. Tý không ưa phản ứng thô bạo, và Tý tránh những lối phản ứng thô bạo. Tuy nhiên có một lần Tý đã phản ứng thô bạo bằng cách liệng vào đối phương một cục gạch. Không may cho Tý, cục gạch đã trúng vào trán đối phương và làm cho đối phương chảy máu.

Việc đó xảy ra hồi Tý còn ở Thủ Ðức. Một hôm đi học về giữa đường, Tý bị thằng Hào ngăn không cho về. Thằng Hào lớn hơn Tý. Nó cầm một cái sào dài. Tý tìm mọi cách để chạy thoát nó, nhưng không đuợc. Nó lại còn cầm cái sào đập vào đầu Tý một cái đốp. Tý không sao chạy thoát khỏi thằng Hào. Tụi bạn Tý cũng đã về hết rồi. Tý không kêu cứu với ai được, cũng không có cách nào mách cho người lớn. Tý lúng túng lắm. Thằng Hào càng lúc càng làm già. Cuối cùng, Tý thật sự nổi khùng. Tý lượm một cục gạch bên đường, lớn bằng ngón chân cái của Tý và ném vào trán Hào. Bị chảy máu trên trán, Hào bỏ Tý chạy về nhà. Tý thoát khỏi tay Hào. Tối hôm ấy, má của Hào là bà Thụy đem Hào tới nhà Tý để mắng vốn.

Chiều hôm ấy khi nghe xong câu chuyện cục gôm của Miêu, Ba phá lên cười. Rồi Ba nói với Miêu: “Lần sau nếu có chuyện như vậy xảy ra, con nên mách cô giáo.”

Cũng chiều hôm ấy, Ba cho Tý biết là cô Chín có điện thoại tới cho Ba. Ba kể sở dĩ lâu nay cô Chín chưa tiếp xúc được với Ba bởi vì cô Chín không có mặt trong nước Pháp. Cô Chín có chuyện phải đi ra nước ngoài. Mới về tới và nghe tin gia đình Tý đã đến Pháp, cô Chín liền tìm cách điện thoại cho Ba ngay. Hiện cô đang ở tận miền Nam nước Pháp, cho nên cô chưa lên thăm gia đình Tý được. Cô cho biết là cô sẽ gửi ngay cho gia đình Tý những thứ thuốc men cần thiết và một số sách bằng tiếng Việt. Tý mừng quá. “Còn Sư Ông ở đâu?” Tý hỏi. Ba nói theo lời cô Chín thì Sư Ông đi dạy học ở nước Hòa Lan mới về. Thơ của Ba gởi cho Sư Ông hơn tháng nay, Sư Ông mới đọc ngày hôm qua. Hiện Sư Ông đang ở tại Am Phương Vân ở miền Trung nước Pháp. Mùa học thiền đã tới, cho nên người ta bắt đầu quy tụ về Am Phương Vân để tu. Vì vậy Sư Ông cũng chưa đi thăm gia đình Tý ngay được. Sư Ông gởi lời mời gia đình Tý về chơi Am Phương Vân, và nói rằng Sư Ông muốn mua vé xe lửa cho tất cả bốn người. Cô Chín đã nói với Ba là trong một tuần lễ nữa cô cũng sẽ về Am Phương Vân và cô mong sẽ gặp gia đình Tý ở đó. Ðêm hôm ấy, gia đình Tý bàn luận sôi nổi lắm về chuyện đi Am Phương Vân. Ba nói Am Phương Vân ở về phía Tây cách thành phố Strasbourg khoảng gần bốn tiếng đồng hồ. Ba nói đây sẽ là lần đầu tiên Mẹ, Tý và Miêu được gặp Sư Ông. Lần cuối cùng mà Ba gặp Sư Ông là cách đây mười sáu năm.

Chiều hôm sau, khi Tý và Miêu đi học về, Ba cho biết là sẽ chỉ có một mình Ba đi Am Phương Vân thôi, bởi vì bác sĩ không cho Mẹ đi. Mẹ đang có mang em bé và chỉ trong vài tháng nữa em bé đã ra đời rồi. Mẹ có mang em bé từ khoảng đầu năm, tại trại tỵ nạn Palawan. Nếu Mẹ ở nhà thì anh em Tý cũng phải ở nhà. Tý phải ở nhà để chăm sóc và giúp đỡ cho Mẹ. Ba sẽ vắng mặt trong suốt một tuần lễ. Ba nói là Ba sẽ điện thoại về. Tý hứa với Ba là trong suốt thời gian Ba vắng mặt, Tý sẽ coi chừng Miêu rất cẩn thận mỗi khi băng qua đường phố để đi đến trường. Tý sẽ nắm cánh tay Miêu và đợi cho tới khi có đèn xanh mới đưa Miêu băng qua con lộ.