04. Bé hồng biến thành con cá
Chính trong thời gian ở trại Palawan mà Tý được nghe những chuyện thương tâm về người vượt biển. Ba nói ở trên thế giới người ta gọi người vượt biển là thuyền nhân. Như vậy, Tý cũng là một thuyền nhân, nhưng Tý là một thuyền nhân may mắn. Ghe của Tý ra khơi vừa đúng hai ngày thì đã gặp tàu cứu trợ. Mẹ nói vì Ba làm việc xã hội suốt mười năm trời cho nên ra biển liền được tàu xã hội tiếp cứu.
Những câu chuyện thương tâm về người vượt biển nhiều lắm, nhiều lắm. Hình như ở trại tỵ nạn Palawan ai cũng đã nghe những chuyện này. Người ta đến kể cho Ba nghe. Tý cũng được nghe. Có những ghe bị sóng gió đánh chìm và mọi người trong ghe cũng chìm hết cả xuống biển. Có những ghe bị cướp biển tấn công; bao nhiêu tiền bạc, nữ trang và áo quần đều bị hải tặc (tức là cướp biển) lấy hết. Hải tặc còn tháo gỡ cả máy ghe để cho ghe lênh đênh trên biển cả, và cuối cùng tất cả mọi người trên ghe đều chết hết vì đói, vì khát và vì kiệt sức. Có khi hải tặc đánh đập và liệng người tỵ nạn xuống biển. Có khi hải tặc lại hãm hiếp đàn bà con gái và bắt cóc những người này theo thuyền của họ. Số người tỵ nạn chết trên biển nhiều, nhiều lắm. Tý không thể hiểu được tại sao người ta lại có thể độc ác như thế. Tý không thể tin được rằng trên đời lại có những người độc ác như thế. Nếu những câu chuyện đó quả có thật thì đã có hàng ngàn đứa trẻ như Tý và như Miêu bị chết đói chết khát và chết chìm dưới đáy biển rồi. Có lần Tý hỏi Ba: “Những chuyện người ta kể đó có thật không thưa Ba?” Ba ngồi trầm ngâm. Ba không trả lời Tý. Từ lâu Ba và Mẹ đã dạy Tý thương yêu mọi loài và bảo vệ sự sống của mọi loài. Cho đến một con sâu hay một con kiến Tý cũng không nỡ giết. Nếu Tý không thể giết hại và làm đau khổ các loài nhỏ bé thì làm sao Tý có thể giết hại và làm đau khổ những em bé, những bà mẹ và những người vô tội khác? Tý nghĩ rằng những người cướp biển kia, hồi nhỏ họ cũng đã từng là những em bé như Tý. Họ có đi học như Tý không, và ba má họ có dạy họ thương yêu mọi loài như ba má Tý dạy Tý không? Tại sao họ có thể làm được những chuyện độc ác như thế? Có thể vì ba má họ quá bận rộn cho nên không có thì giờ săn sóc và dạy bảo cho họ không? Tý muốn đem những thắc mắc này của mình để nói cho Ba nghe và nhờ Ba giải đáp cho Tý, nhưng thấy nét mặt trầm ngâm của Ba, Tý lại thôi. Tý có cảm tưởng nếu mình ép Ba phải trả lời những câu hỏi như thế thì Ba sẽ khổ, dù Tý biết rằng không có chuyện gì mà Ba lại không biết.
Ở trại Palawan, những khi chạy chơi vui đùa với bọn nhỏ cùng lứa tuổi, Tý cứ có cảm tưởng là mình đang ở Việt Nam. Lâu lâu Tý mới nhớ rằng mình đã ra khỏi đất nước của mình rồi. Nghĩ tới những em bé cùng tuổi Tý hoặc nhỏ hơn Tý hiện giờ đang nằm dưới đáy biển, Tý cảm thấy như có lỗi với họ. Tý may mắn quá. Còn họ thì rủi ro. Chìm xuống nước chắc là ngạt thở lắm. Người ta nói là có những con cá lớn tới rỉa thịt mình một khi mình đã chìm xuống nước. Tý rùng mình không muốn nghĩ tiếp. Tý có cảm tưởng như mình có một vết thương trong trái tim.
Có lần trên loa phóng thanh, người ta đọc truyện Hồng. Ðêm ấy, Tý còn nhớ, hàng ngàn người trong trại ra ngoài trời ngồi hóng mát và lắng tai nghe. Trong câu chuyện, có một em bé gái mười một tuổi tên là Hồng. Hồng cũng là một thuyền nhân. Hồng bị hải tặc gạt rơi tòm xuống biển. Xuống biển Hồng hóa thành một con cá có vảy màu hồng, lội đi. Tý ước ao rằng tất cả mọi em bé từng bị chìm xuống biển đều hóa thành cá bơi lội thảnh thơi dưới đó.
Mỗi tuần có một đêm phát thanh của người Phật tử. Ba của Tý được mời phụ trách buổi phát thanh hàng tuần này. Buổi phát thanh nào cũng có ca nhạc và đọc truyện. Ngày vượt biển, Tý chỉ được phép mang theo có một cuốn Văn Lang Dị Sử. Trong cuốn này có nhiều truyện tích về nước Văn Lang thuở xưa, như truyện Trầu Cau, truyện Thánh Gióng, truyện Bánh Chưng Bánh Dày. Quốc hiệu Văn Lang là quốc hiệu ngày xưa của nước Việt Nam bây giờ. Qua trại Palawan, Tý không có sách nào để đọc ngoài cuốn Văn Lang Dị Sử này. Tý đã đọc đi đọc lại các câu chuyện trong đó có đến hàng chục lần. Khoảng ba tháng sau ngày tới trại, cô Chín ở bên Pháp có gởi tới cho Ba sáu bảy cuốn sách. Những cuốn sách này Tý đâu có được đọc. Người lớn chuyền tay nhau đọc và cuối cùng không biết những cuốn sách ấy biến đi đâu mất. Cuốn Văn Lang Dị Sử, Tý giữ rất kỹ. Tý không muốn nó thất lạc. Nó là kho tàng duy nhất mà Tý đã mang theo. Hồi đó gia đình Tý đã nạp đơn xin định cư bên nước Úc. Ba ước ao sẽ tạo lập một nông trại nhỏ bên Úc, vì Ba không ưa cuộc sống đô hội ở thành thị nhiều. Như vậy Tý sẽ đem cuốn Văn Lang Dị Sử sang Úc.