Chương 12: Rời Việt Nam

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không



Một đoạn nhật ký của thầy Nhất Hạnh:

Thích Nhất Hạnh 1966Chuyến đi kéo dài bốn hôm. Bốn người đi bằng xe hơi: Alfred, Dorothy, Donald và Nhất Hạnh. Các tiểu bang miền Bắc còn lạnh lắm, tuyết vẫn còn nhiều. Hôm 11 tháng 04 năm 1968 đi qua State Park ở RockLand, thầy thấy tới 16 con nai rừng ra gần vệ đường ăn cỏ. Những bụi cây forsythia đã nở hoa vàng rực rỡ cả núi đồi. Về tới Shadow Cliff, ở Nyack, trụ sở F. O. R., thầy thấy các cây magnolia đã nở hoa.

Linda Forest đưa cho thầy những lá thư từ nhà gửi qua. Có một lá thư của Phạm Đăng Phú, tác viên Trường Xã Hội, cho biết về ngày giờ cùng một vài chi tiết khác về sự viên tịch của Sư Ông chùa Từ Hiếu và tình trạng các tác viên của trường đang hoạt động tại Huế. Lá thư viết hôm 30 tháng 03 năm 1968 tại Sài Gòn:

Thưa Thầy,

Đáng lẽ con viết thư này hồi hôm, nhưng vì họ đánh nhau ở trước chợ Tân Phú, súng lớn, súng nhỏ và lựu đạn thi nhau nổ và dội vào trường nghe rõ quá, nên con đành tắt đèn và đợi đến sáng nay mới viết thư gởi Thầy được.

Chuyện ở nhà thì buồn quá Thầy ơi, trung tâm Huế (của TNPSXH) bây giờ kể như tan rã, Sanh và Thông đã bị chánh quyền bắt bỏ tù sau lúc quân đội Việt Nam Cộng Hòa làm chủ tình hình ở vùng đất Cố Đô. Trong những ngày còn giao tranh giữa đôi bên, vì nhà của Thông – quản nhiệm Trung Tâm Huế – ở tại bến đò Phường Đúc, lúc ấy đang bị lực lượng Mặt Trận (MTGP Miền Nam) tràn ngập, nên Thông đã bị bắt buộc làm y tá để băng bó vết thương cho các chiến sĩ của họ. Thế rồi khi ngưng tiếng súng, Thông bị chính quyền bắt giữ cho đến nay. Trường hợp Sanh lại còn bi đát hơn. Nhà cửa và tài sản bị cháy rụi. Nhà Sanh ở ngay cây số 3 trên đường Thống Nhất, Phú Thạnh. Lúc quân đội Mặt Trận về, họ bắt ba của Sanh lái chiếc xe lam ba bánh của ông để đưa họ đi tuyên truyền trong thành phố. Vì thế, sau này cả hai cha con đều bị bắt. Cả chị Minh Nguyện ở Kim Long cũng bị bắt luôn, nhưng vì là con gái nên chỉ bị bắt trong một tuần rồi thả cho về. Hiện tại, hai tác viên khác của trung tâm Huế đã bị bắt đi lính là Viễn và Quảng, hai người khác là Tri và Hạt thì lưu lạc vào Quảng Ngãi và mới tìm phương tiện trở về Trường cách đây hai ngày. Huế bây giờ thì thật là không còn chi nữa rồi, không có một con đường nào trong thành phố là không mang nặng vết tích chiến tranh. Các chùa Báo Quốc và Linh Quang là thiệt hại nặng nề nhất. Thầy Mật Nguyện bị gãy chân, các thầy và các chú khác đang sống trong sự thiếu thốn vô kể, có người chỉ còn độc nhất một chiếc áo mặc trong mình.

Con cũng tin thêm để Thầy rõ, Sư Ông Từ Hiếu đã mất ngày 08 tháng 2 âm lịch. Ôn mất vì bệnh chớ không phải vì bom đạn, mặc dầu một quả đạn – hình như đại bác – đã rớt ngay cạnh Ôn – cách chừng vài thước và nổ tung, nhưng Ôn không làm sao cả, không bị thương dù là một vết nhỏ. Sau đó Sư Ông đau rồi mất. Con cũng loan một tin rất dè dặt là, chiều hôm qua, ở Sài Gòn người ta được tin thượng tọa Đôn Hậu bị ám sát chết ở Huế rồi. Thầy Trí Thủ và chư Tăng khóc ghê quá. Con cầu mong cho tin nói trên không chính xác. Ở Huế từ Tết Mậu Thân đến giờ người ta đã và đang tiếp tục thanh toán nhau đẫm máu lắm Thầy ơi. Thanh niên khó sống lắm. Cả những người trước đây đã từng là anh em tham gia tích cực vào cuộc vận động của Phật Giáo năm 1963 – mà đã có lần Thầy nói là Cuộc Tranh Đấu Thần Thánh – và những vụ tranh đấu kế tiếp, giờ đây cũng đã đang quay mũi súng vào nhau vì những bất đồng chính kiến và nghi kỵ lẫn nhau. Mối nghi ngờ đang là sức mạnh thúc đẩy người ta tàn sát nhau một cách dã man hơn bao giờ hết. Những hố chôn sống người ở đồi Từ Hiếu, ở Lăng Tự Đức là những tố cáo hùng hồn nhất cho cảnh tàn sát nói trên. Nói tóm lại trong tình thế hiện tại, nếu không kịp thời dập tắt được mối nghi ngờ nhau do khung cảnh chính trị tạo ra, thì tương lai của dân tộc và Giáo Hội chỉ còn là “một chuỗi dài rối loạn”. Không biết rồi đây, số phận con người Việt Nam sẽ đi về đâu? Có ở trong nỗi lo âu, chua xót của Phật tử và đồng bào Việt Nam mới biết được cái hiện trạng thê thảm và viễn ảnh đen tối của tương lai là dường nào, con không đủ sức để diễn tả bằng lời được.

Tại Sài Gòn, trường Xã Hội của mình cũng đang phập phồng bởi những cuộc lục soát của quân đội chính phủ, mỗi lần vào khám xét Trường thì y như là họ sắp đương đầu với toàn quân Giải Phóng vậy. Mặt họ đằng đằng sát khí, ai nấy như ở trong thế tấn công, họ nắm sẵn lựu đạn ở tay, miệng ngậm “khoen” mở chốt, có người lăm lăm cò súng và chực chờ nhả đạn, bất cứ gặp người nào trong Trường họ cũng chĩa súng, hỏi giấy tờ xong, dù là hợp lệ, họ cũng bắt tất cả sắp hàng hai rồi dẫn một đoàn ra đi, đến bộ chỉ huy cuộc hành quân ở vùng Phú Thọ Hòa, vị chỉ huy xét giấy tờ chúng con một lần nữa rồi thả về. Họ chỉ giữ lại hai người thuộc lứa 19 tuổi chở về tiểu khu một đêm, áp dụng đường lối khai thác cổ điển, rồi vì các bạn này chưa đến hạn trình diện nên buộc lòng họ phải thả về. Con quên nói để Thầy biết trong cuộc “khám xét” Trường và chùa Pháp Vân vì thầy trú trì sơ ý để quên một cái máy quẹt lửa ở trên bàn sau hậu liêu, mà chưa kịp cất kỹ vào túi thì bị anh lính nào thể hiện “tình quân dân gắn bó” bèn “chiếu cố” vật ấy ngay, có lẽ họ xem đó là một chiến lợi phẩm cũng nên. Quê hương mình đang chịu cái cảnh ấy đó Thầy ơi.

Thầy đừng lo gì cho bọn con ở nhà cả, chúng con đều đã có giấy tờ hợp lệ cả rồi, chỉ có vài người đến tuổi lính thì cũng ra đi trình diện nhập ngũ thôi. Dù lâu lâu, gặp một vài khó khăn, nhưng bọn con vẫn được bình an trên công việc làm. Chúng con vẫn tiếp tục. Chúng con tin tưởng sắt đá rằng nếu thực sự làm việc cho đồng bào thì chúng con sẽ không thể nào chết vì những viên đạn vô tình trong thời tao loạn được. Thầy cứ an tâm để tiếp tục công việc trọng đại của Thầy ở hải ngoại. Chúng con sẽ sống và chờ đợi ngày về của Thầy, ngày đó con hy vọng rằng bình minh cũng sẽ đến cho dân tộc khổ đau của mình.

Con xin hẹn Thầy thư sau.
Con, Phạm Đăng Phú.


Có một lá thư khác đề nghị thầy về Hồng Kông để gặp thầy Thanh Văn, giám đốc Trường TNPSXH. Thầy Thanh Văn thấy tình trạng bế tắc và muốn được gặp Nhất Hạnh để bàn cho rõ về đường hướng hoạt động của Trường Xã Hội. Thầy Thanh Văn có thể ghi tên trong danh sách những người xin đi hành hương tại các nước Đông Á như Thái Lan, Hương Cảng, Đài Loan và Nhật Bản và có thể sắp đặt để gặp thầy ở Hương Cảng hay ở Đài Loan. Những người giàu vẫn có thể xuất ngoại bằng đường lối ấy và tổ chức hành hương kia đã thành công được mấy chuyến rồi. Lá thư này làm thầy suy nghĩ. Có thể sau chuyến đi vận động thuyết giảng vào tháng 5 và tháng 6 tại các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, thầy sẽ đi Đông Nam Á và sẽ tìm cách liên lạc với các bạn ở nhà.

Đêm thứ sáu 12 tháng 4 năm 1968 là đêm trăng tròn. Trăng sáng vằng vặc ở Skyview Acres. Thầy viết về cho chú Phú và các bạn trẻ ở Trường Xã Hội.

Cuối thư thầy cho biết vào khoảng tháng 7 thầy sẽ về tới Hương Cảng.

Chuyến đi miền Tây có cả Jim và Linda Forest đi phụ tá. Người tổ chức cho thầy tại Portland, tiểu bang Oregan là Eric và Margaret Robinson. Tại Eugene, cùng một tiểu bang có ông bà giáo sư Steve và Beth Deutsch. Tại Seattle, tiểu bang Washington, người tổ chức là bà Milton Karr. Thầy tới Seattle vào buổi trưa 13 tháng 05, nghỉ ngơi, rồi đến 9 giờ tới gặp gỡ ban tổ chức và một số sinh viên nòng cốt tại Wesley House. Sáng hôm 14 tháng 05 năm 1968 thầy gặp gỡ báo chí, các vị lãnh đạo tôn giáo và các giáo sư ở trường Đại học. Buổi chiều thầy diễn thuyết công cộng tại nhà thờ Methodist ở trong khuôn viên Đại Học. Chiều hôm sau thầy đọc thơ và nói chuyện trong một buổi hội họp khác cũng trong khuôn viên trường. Ngày 16 tháng 05 thầy tới Eugene ở tiểu bang Portland. Chiều hôm ấy thầy gặp đại diện giáo chức và sinh viên trường Đại Học Oregon và tối hôm ấy có buổi diễn thuyết công cộng tại trường. Ngày 17 tháng 05 thầy đi Portland. Buổi chiều có cuộc phỏng vấn của đài truyền hình, tối dự một bữa tiệc tại nhà thờ Methodist trong Rose City Park và diễn thuyết về đề tài Việt Nam, Hoa Sen Trong Biển Lửa. Báo chí và truyền hình được mời tới tham dự. Ngày 18 tháng 05 năm 1968 thầy đi Salem. Ngày 20 tháng 05 năm 1968 thầy đi San Jose ở tiểu bang California. Sáng ngày 22 tháng 05 năm 1968 thầy diễn thuyết tại thính đường Morris Dailey Auditorium. Thầy nói về tính cách vô ích và vô vọng của cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đang theo đuổi tại Việt Nam và đề nghị Hoa Kỳ sử dụng biện pháp ngưng bắn, ngoại giao và chính trị để đi đến một giải pháp chấm dứt cuộc chiến và tự tháo gỡ ra khỏi guồng máy của sự tàn phá giết chóc.

Ngày 24 tháng 05 năm 1968 thầy ngồi viết thơ cho Alfred, Võ Đình ở Mỹ, thầy Thanh Văn, Phượng, Uyên, Thanh, Phúc ở Việt Nam, Ái ở Paris và Hương ở Hiroshima. Thầy gọi điện thoại cho thầy Giác Đức ở New York. Thầy Giác Đức cho biết thầy Tâm Châu đã xuất ngoại. Tối hôm ấy thầy diễn thuyết tại Trường Đại Học Berkeley. Sau cuộc diễn thuyết và nghỉ ngơi thầy có gặp một số thiền sinh tới từ thiền viện Tassajara. Họ đem cho thầy xem một tờ bướm về thiền viện này. Thiền viện nằm trên núi cao, cảnh vật rất ngoạn mục. Họ tham vấn thầy về thiền tập, về thế ngồi kiết già, gọi là thế ngồi hoa sen. Thầy hỏi họ có biết thế ngồi hoa cúc không? Họ nói không, và họ hỏi thầy về thế ngồi đó. Thầy mỉm cười và nói: chưa đến lúc tôi nói về thế ngồi này.

Từ hôm 06 tháng 05 năm 1968 thầy đã nghe có cuộc tấn công thứ hai của Mặt Trận Giải Phóng vào thành phố Sài Gòn. Hôm 11 tháng 05 năm 1968 thầy lại nghe tin những vùng ven đô thành phố bị các tiểu đoàn xâm nhập kể cả vùng Phú Thọ Hòa ở mặt Tây đô thành, nơi ấy có Trường TNPSXH. Thầy chưa nhận được tin tức trực tiếp từ bên nhà. Trong suốt chuyến đi miền Tây để vận động dư luận, thầy vẫn lo lắng vì tình hình bên nhà và cho các bạn. Trưa ngày 25 tháng 05 năm 1968 vào lúc 1 giờ 15, thầy rời phi trường San Francisco bay về Đông Nam Á. Tại Hương Cảng, thầy sẽ tìm cách liên lạc về nhà. Có thể thầy sẽ tìm cách trở lại Việt Nam. Có thể thầy sẽ nhờ ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền hiện đang làm Quốc Vụ Khanh vận động. Và đồng thời thầy cũng nhờ các bạn trong giới tôn giáo và nhân bản quốc tế làm áp lực giúp thầy.

Máy bay bay đường Bắc cực. Trên máy bay không có bao nhiêu hành khách. Thầy tìm một nơi có ba chiếc ghế trống nằm xuống ngả lưng. Đầu thầy nhức và người thầy đang bị sốt nhẹ.

Nhất Hạnh ý thức là mình đang đi về phía Đông Nam Châu Á. Thầy rời quê hương hai năm về trước cũng vào hồi tháng Năm. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên quê nhà và hải ngoại trong hai năm qua. Hôm ra đi thầy nghĩ là chỉ vắng mặt ở quê nhà chừng vài ba tháng, nhưng hai năm đã trôi qua và thầy đã không về được. Hồi tháng 11 năm 1966, nghĩa là nửa năm sau khi ra đi, trong chuyến đi Úc và Nhật thầy đã có dịp ghé Phi Luật Tân với Raphael, và đó là trạm ghé gần quê hương nhất của thầy. Raphael đã thay thầy về nước đem thư từ cho các bạn. Thầy nhớ hôm ấy thầy nằm sốt ở nhà của mục sư Richard Deats ở thủ đô Phi Luật Tân.

Hương Cảng cũng là một trạm đường rất gần gũi quê hương, thầy có thể nói chuyện điện thoại về nhà và thăm dò cách thức vận động để có thể về nước. Trong khi chờ đợi, thầy sẽ cố gắng làm được những gì có thể làm để giúp các bạn ở nhà trong giai đoạn khó khăn và tao loạn hiện thời.

Tại phi trường Hương Cảng, Nhất Hạnh xin được ghé lại hai tuần lễ. Thầy tìm được một quán trọ đơn giản và sạch sẽ ở lầu thứ 12, số 80 đường Nathan ở Cửu Long để tạm trú. Tại đây, thầy dùng điện thoại để báo cho văn phòng của Hội Phật Tử Việt Kiều ở Paris biết địa chỉ hiện tại của thầy và yêu cầu anh Nguyên Ân trưởng phòng gởi trực tiếp cho thầy những tin tức mới nhất và những tài liệu cần thiết có liên hệ tới hội nghị Hòa Đàm tại Paris. Thầy cũng báo tin cho các bạn ở Sài Gòn biết là thầy đang ở Hương Cảng và chờ để được gặp thầy Thanh Văn ở đây. Thầy đã đánh một điện tín cho cô Phượng hôm 27 tháng 05. Sáng hôm 30.05.68 cô gọi điện thoại cho thầy. Nói chuyện với cô Phượng, thầy biết tại khuôn viên của Trường trong những ngày tao loạn đã có tới trên mười ngàn đồng bào chạy vào tỵ nạn. Hiện thời Trường rất cần thuốc men để giúp đỡ cho đồng bào. Thầy dặn trong khi thầy Thanh Văn hoặc cô Phượng vận động giấy tờ xuất ngoại, Trường có thể cho bà Ethelwyn Best hoặc cô Masako Yamanouchi qua Hương Cảng gặp thầy để báo cáo chi tiết về tình trạng của Truờng, và có thể cùng thầy tính chuyện mua thuốc men để cấp tốc gởi về. Bà Best là người Anh, Masako là người Nhật, hai người này có thể đi lúc nào cũng được, họ không cần xin phép xuất ngoại như thầy Thanh Văn hay cô Phượng. Thầy cũng cho Alfred ở trụ sở F.O.R. bên Hoa Kỳ biết chỗ ở của thầy để các bạn bên kia có thể gởi cho thầy tất cả mọi thư từ và tin tức. Ngày 01 tháng 06 năm 1968, thầy gọi điện thoại cho Andrew Roy, một trong những người bạn Tây phương của Alfred đang cư trú tại Hương Cảng, những người bạn mà Alfred muốn giới thiệu với thầy. Họ cũng là những người hoạt động trong các lãnh vực tôn giáo và nhân bản. Sáng ngày 03 tháng 06 năm 1968, thầy đi thăm nhà xuất bản và phát hành các kinh sách Phật giáo gọi là Hương Cảng Phật Giáo Kinh Lưu Thông Xứ và ở lại cả ngày ở đó để xem xét. Ngày hôm sau nữa thầy đi thăm chùa Bảo Liên ở đảo Lantao.

Bảo Liên là một ngôi chùa thuộc phái Thiền, gọi là Bảo Liên Thiền Tự. Muốn đi Bảo Liên thầy phải xuống bến Silvermine Bay đợi đò máy. Đò đi khoảng 40 phút thì tới đảo Lantao. Tới đảo, lên bến, phải lên ngồi xe đò leo núi khoảng 40 phút nữa mới lên tới chùa. Nhất Hạnh rất thích phong cảnh ở đây. Thầy rất ưa đi thiền hành vòng ra phía sau lưng chùa. Sau lưng chùa có một chóp núi thường ẩn trong sương mù. Chùa có cửa vào đề ba chữ Bất Nhị Môn và có biển đề Vân Thâm Xứ. Vách trước nhà khách có đề bốn câu thơ:

Hữu độ tức phi tịnh
Ngôn thuyên hà sở vi
Phật thuyết nguyên vô ngã
Thiền sư vấn thị thùy?

Thầy lẩm nhẩm dịch:

Có độ làm sao tịnh?
Ngôn ngữ vướng bận hoài
Phật đã bảo vô ngã
Vậy thiền sư là ai?

Thiền đường rất êm mát, có bục gỗ cao bằng ghế ngồi sát bốn vách, hành giả bỏ dép phía dưới và ngồi kiết già quay mặt vào phía giữa. Đi thiền hành và ngồi thiền ở chùa rất thoải mái nên Nhất Hạnh xin ở lại đây ba hôm.

Buổi sáng Nhất Hạnh hay ngồi nói chuyện và uống trà với bác thư ký của chùa ở phòng khách. Phòng khách có treo một bức vẽ sen và những nét chữ của thầy Thái Hư: Khả đăng bỉ ngạn sơn. Khay trà có nhiều chén trà, người nào uống trà xong có thể tráng chén và úp ngay lại.

Ngày 05 tháng 06 năm 1968 Nhất Hạnh nhận được thư của cô Phượng viết từ hôm 23 tháng 05 năm 1968 do văn phòng F.O.R. ở Nyack chuyển về. Trong thư cô cho biết các vùng chung quanh Trường TNPSXH đã bị oanh tạc dữ dội, các xí nghiệp từ Cầu Tre về đến Phú Thọ Hòa đều bị tan nát hết. Hơn một vạn đồng bào đã tới tỵ nạn trong khuôn viên Trường. Các tác viên phải lo lắng cho họ trong bảy ngày trời không có viện trợ. Trong những ngày đầu thấy đồng bào đói quá thầy Thanh Văn đem gạo dự trữ của Trường ra nấu cơm cho đồng bào ăn. Ba ngày sau kho gạo cạn sạch. Cả tác viên, cả đồng bào phải nhịn đói sau đó. Nhịn tới ngày thứ tư gạo tiếp viện của các bạn ở Sài Gòn mới tới được, vì trước đó những cuộc giao tranh giữa hai bên không cho phép. Trong thời gian một tuần lễ, các tác viên của Trường phải làm đủ mọi thứ công việc để giúp đỡ cho đồng bào tỵ nạn, trong đó có việc băng bó thương tích do bom đạn gây ra và việc đỡ đẻ, vì có hai phụ nữ lâm bồn ngay trong thời gian tỵ nạn tại Trường. Có 41 người bị thương rất nặng cần được băng bó và có bốn người phải được chở về các bệnh viện ở Sài Gòn rất gấp. Một tác viên đã chạy băng đường ruộng về tới Sài Gòn để xin xe Hồng Thập Tự lên chở 41 người này. Cô báo cáo là trong số 41 người được chở về Sài Gòn chỉ có 1 người chết, còn 40 người kia được cứu sống. Số người bị thương nhẹ có đến hàng trăm. Họ được băng bó và chích serum anti-tetanique. Dược phẩm thiếu thốn, vải băng không còn, các nữ tác viên phải xé áo dài của họ ra để làm băng mà băng bó. May mắn là số thuốc men của tổ chức Direct Relief Service ở California đã tới được Trường trước khi cuộc tấn công xảy ra, nếu không thì không biết các tác viên sẽ làm sao trước tình trạng ấy. Anh bác sĩ Quyền đã chỉ dẫn cặn kẽ cho các tác viên cách sử dụng những loại thuốc men này. Cho tới ngày 23 tháng 05 năm 1968 gần mười ngàn đồng bào vẫn còn tỵ nạn tại Trường. Cô Phượng cùng các bạn đã liên lạc với Bộ Xã Hội để có thể cung cấp mỗi ngày 30 tạ gạo làm thức ăn cho đồng bào. Sinh viên Sài Gòn cũng đang về Trường Xã Hội cất tạm 5 dãy nhà cho đồng bào tạm trú. Trường đã nhường cho đồng bào giảng đường, thư viện, văn phòng, cư xá mà cũng chỉ cung cấp được chỗ ở cho chưa tới một ngàn người. Ban giám đốc và các tác viên ngủ tạm trong chánh điện chùa Pháp Vân. Đồng bào dựng lều liên tiếp chung quanh hành lang chánh điện để tạm trú. Tác viên của Trường đang điều động xây cất 30 căn nhà tạm tại các khu bị cháy để làm nơi cư trú cho 30 gia đình nghèo nhất và đông con nhất. Các bạn dự tính sẽ nhờ Bộ Xã Hội yểm trợ sau đó để có thể tiếp tục dựng lên hàng trăm căn nhà khác.

Cô Phượng cũng cho biết là các thầy Trí Quang, Hộ Giác, Liễu Minh và Pháp Siêu đang bị công an bắt giữ. Tiểu luận “Đối Thoại, cánh cửa hòa bình” đã được in và phát hành tới mười ngàn bản. Bên Mặt Trận rất muốn dụ cô, giáo sư Châu Tâm Luân và cha Nguyễn Ngọc Lan theo họ, vì họ biết ba người rất được những người trẻ có lòng nghe theo. Họ đã gửi một ông bác sĩ lớn tuổi từ Pháp về, nói năng rất chững chạc, mời ba người đi vào chiến khu chơi. Cô Phượng thì sợ gì mà không vào chiến khu thử dù có hiểm nguy, nhưng cô nói cần phải nhìn sâu hơn mới quyết định được. Vì thế chỉ có cha Lan và giáo sư Châu Tâm Luân đi suốt một ngày. Sáng hôm sau vừa vào trường Đại Học, giáo sư Luân đã gặp ba bốn chú sinh viên mỉm cười hỏi: “Thầy! Sao “đi chơi“ vui không thầy?”, khiến giáo sư Luân hết hồn luôn. Nếu cần cho giáo sư vào tù thì họ (bên Mặt Trận Giải Phóng) chỉ cần cho thoát một ít tin tức cho công an đô thành Sài Gòn, là anh Châu Tâm Luân sẽ đi tù và bị tra tấn. Cô Phượng mừng là đã biết dừng lại và nhìn sâu trước khi quyết định. Và cô cũng thấy đó là phương cách mà Mặt Trận hay dùng: Lấy gậy ông đập lưng ông bằng cách cho thoát một ít tin tức. Vì thế khi sinh viên TNPSXH đi làm công tác ở Bình Phước, bên du kích nói với các TNPSXH là các anh vào đây sao không có giấy phép của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam? Muốn chúng tôi để yên thì các anh phải xin giấy phép hoạt động (đêm đó họ tới, năm người du kích tới chĩa súng vào anh em nhưng họ rất sợ tiếng động, e bên đồn lính Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa biết). Cô ấy thưa với thầy Thanh Văn là tuyệt đối không xin phép bên Mặt Trận, họ sẽ làm như với giáo sư Châu Tâm Luân.

Ngày 09 tháng 06 năm 1968, bà Ethelwyn Best qua tới Hương Cảng. Ethelwyn thuộc tổ chức F.O.R. bên Anh, đã từng làm sứ giả cho thầy để mang tin tức về cho thầy Trí Quang và các thầy khác, và cho các bạn bên Trường Xã Hội nữa. Sau đó bà đã tình nguyện sang làm việc với Trường để giúp đỡ về mặt liên lạc đối ngoại. Bà đã báo cáo cho thầy biết về tình trạng của Trường, những nhu yếu cấp thiết nhất của Trường và của các bạn. Nhất Hạnh sắp đặt để bà và các bạn của thầy có mặt ở Hương Cảng như Chris Sevink mua các thứ thuốc men và dụng cụ cần thiết gửi gấp về Trường. Bà đem theo thư của thầy Thanh Văn và của cô Phượng. Cả hai đều yêu cầu thầy suy nghĩ thật chín chắn về việc thầy định về nước. Thầy Thanh Văn thì nhất định không muốn thầy về nước ngay trong lúc này.

Trước đây Nhất Hạnh đã viết cho hai người về việc vận động cho thầy về nước và đã hỏi ý kiến hai người. Ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền hiện đang làm Quốc Vụ Khanh trong chính phủ. Ông Truyền có thể nói chuyện hơn thiệt với thủ tướng Trần Văn Hương, và nếu ông Hương hứa với ông Truyền là sẽ làm lơ để cho thầy về thì thầy sẽ về. Hội nghị Hòa Bình ở Paris đang họp và theo thầy nhận xét thì Hoa Kỳ đã có chủ ý muốn đi tìm một giải pháp chính trị. Thời thế đang biến chuyển và thầy nghĩ có thể thầy sẽ được về trong một vài tháng tới.

Thầy Thanh Văn viết: “Thầy không nên về, thầy về thì sẽ khổ vì con đường của thầy vạch ra tuy đúng nhưng quá sớm. Người ta chưa theo kịp. Con đường thứ ba đúng là con đường mà chúng ta đang cần tới, nhưng những người quyết tâm đi trên con đường ấy không có nhiều. Phải để cho người ta ê chề cả hai phía, thấy được bộ mặt thật của cả hai phía thì người ta mới biết quý con đường thứ ba. Những cuộc thảm sát tại Huế trong đó hàng ngàn người bị chôn tập thể là những tiếng chuông cảnh tỉnh. Con thấy người ta chỉ chịu mở mắt khi thấy được những điều như thế. Con nghĩ thầy không nên về bây giờ, mà nếu có hòa bình, thầy cũng không nên về vội. Phải đợi cho nước bùn lắng đọng cái đã.”

Cô Phượng viết: “Nếu thầy về mà ngồi trong tù thì thật là khỏe cho thầy, và điều đó sẽ làm cho lời nói của thầy có thêm sức mạnh sau này để ngăn cản không cho người ta lôi kéo đất nước vào những guồng máy vô nhân. Nhưng con sợ họ sẽ không bỏ tù thầy mà sẽ tìm cách thủ tiêu thầy. Chắc chắn là cả hai bên sẽ tìm cách dụ thầy theo họ. Và nếu không dụ được họ sẽ tìm cách giết thầy bởi vì uy tín của thầy rất lớn và khi thầy nói sẽ có không biết bao nhiêu người nghe. Con biết thầy có nhu yếu về để cùng chia sẻ những khổ đau thiết thực của người dân, nhưng con biết rằng nếu thầy về, thầy cũng chỉ tiếp xúc được rất ít, vì thầy sẽ bị họ cô lập hóa. Nếu thầy về, chúng con cũng phải tìm cách bảo vệ thầy, bởi vì an ninh của thầy sẽ không có. Nếu thầy nhất định về thì xin thầy sắp đặt trước với các bạn của thầy ở hải ngoại để có thể có dư luận quốc tế yểm trợ và để người ta không dám động tới thầy một cách quá dễ dàng.”

Ethelwyn về lại Sàigon hôm 17 tháng 06 năm 1968. Mai Sa từ Sài Gòn qua. Mai Sa là tên của cô Masako Yamanouchi, một thiếu nữ Nhật Bản làm việc thiện nguyện cho Hội American Friends Service Committee (AFSC) của người Quakers, đã qua Việt Nam tình nguyện công tác ở Trường TNPSXH, giúp đỡ về mặt liên lạc quốc tế. Thầy Nhất Hạnh đi đón cô ở phi trường. Mai Sa mặc áo dài Việt Nam màu vàng, nói tiếng Việt đã khá. Tiếng Anh của cô rất giỏi. Cô cho biết có thể cả thầy Thanh Văn, cả cô Phượng đều sẽ không qua được Hương Cảng gặp thầy vì giấy tờ khó khăn lắm.

Mai Sa kể cho thầy nghe rất nhiều về tình trạng ở Trường TNPSXH trong những ngày binh biến. Thầy Thanh Văn đã chứng tỏ rất xuất sắc trong thời gian đó. An ninh của hơn một vạn người tỵ nạn trong khuôn viên Trường là vấn đề lớn lao nhất. Thầy đã dùng loa phát âm để nói chuyện với đồng bào và yêu cầu bất cứ ai có bất cứ một loại vũ khí nào đều đem tới nộp hết cho văn phòng để văn phòng khóa vào tủ và niêm phong lại. Người bị thương được khiêng vào Trường càng lúc càng đông. Tác viên được phân phối điều động đồng bào dựng lều tạm trú và tổ chức cứu thương. Trong giới đồng bào ai có khả năng tổ chức và cứu thương đều được mời tới văn phòng để cộng sự. Một đêm nọ thầy Thanh Văn được báo cáo rằng quân Mặt Trận đã tới đặt súng bắn máy bay gần sát khuôn viên Trường, chỉ cách khuôn viên Trường chừng một trăm năm mươi thước. Mọi người xôn xao. Nếu súng phòng không được bắn lên, quân lực Hoa Kỳ có thể cho rằng súng này phát xuất từ khuôn viên Trường TNPSXH và có thể sẽ oanh tạc Trường, và đồng bào sẽ chết như rạ. Một buổi họp được triệu tập cấp tốc tại văn phòng. Có một tác viên tình nguyện xin đi tới địa điểm các ổ súng phòng không để giải thích cho các binh sĩ Mặt Trận rõ và yêu cầu họ dời súng đi nơi khác. Thầy Thanh Văn không cho, thầy nói có thể là anh tác viên ấy không đủ sức thuyết phục những người đang lắp súng. Thầy bảo là thầy sẽ đích thân đi thuyết phục. Đây là một việc làm khá nguy hiểm, vì từ góc khuôn viên Trường sang tới bên kia, người đó có thể bị một bên hoặc cả hai bên bắn. Nếu đi thì phải bò sát đất. Và thầy Thanh Văn đã đích thân làm việc ấy, dù bị các bạn ngăn cản. Thầy đợi trời tối mới đi. Không biết nhờ vào phước đức nào, thầy đã bò sang bên kia và trở về an toàn. Điều đáng kể nhất là thầy đã thuyết phục được những người lính Mặt Trận dời súng phòng không đi nơi khác.

Có một buổi sáng, không biết từ đâu có tin đồn là không lực Mỹ sẽ dội bom xuống khuôn viên Trường. Toàn trại nhốn nháo cả lên. Có những người tom góp vài ba thứ có thể tom góp được và bắt đầu rời khỏi khuôn viên Trường. Thấy thế thầy Thanh Văn muốn ngăn họ lại. Thầy mở máy ghi âm định lên tiếng yêu cầu đồng bào đừng chộn rộn và đừng bỏ ra đi, vì tin đồn chỉ là tin đồn. Cầm ống nói lên trên tay, thầy suy nghĩ rồi đắn đo. “Mình yêu cầu đồng bào ở lại thì đồng bào sẽ ở lại. Nhưng nếu Trường bị oanh tạc thật thì sao?”, thầy nghĩ. Thầy Thanh Văn mới suýt soát 30 tuổi đầu mà phải gánh những trách nhiệm quá lớn lao và phải làm những quyết định quá quan trọng. Ngần ngừ một lát, thầy buông máy nói xuống, và thừ người ra. Thầy đã không dám quyết định yêu cầu đồng bào ở lại. Ngày hôm ấy không lực Hoa Kỳ không dội bom xuống khuôn viên Trường, và một số đồng bào bỏ ra đi từ hồi sáng đã lục tục kéo về, trong số đó có những người bị thương.

Ngày 08 tháng 07 năm 1968 Nhất Hạnh đi với Mai Sa tìm mua cho Trường một máy ảnh sao (photocopieur) và mấy ngàn tờ giấy cùng đi theo với máy này. Đọc thơ của cô Phượng, và nói chuyện với Mai Sa, thầy hiểu rằng ban đầu tới với Trường cô rất có cảm tình với bên Mặt Trận Giải Phóng và cũng như nhiều người trẻ ở Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, cô muốn Mặt Trận thắng Mỹ ngay về phía quân sự. Tuy nhiên, làm việc lâu ngày với các bạn ở Trường, cô từ từ thấy được lập trường không phe phái của các bạn: họ làm việc để làm vơi nhẹ bớt nỗi khổ của người dân chứ không phải để yểm trợ một phe phái nào, và như vậy họ không tham dự vào cuộc chiến. Họ chỉ ao ước chấm dứt chiến tranh bằng phương pháp hòa giải. Họ không muốn sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam, nhưng họ cũng không muốn một cuộc chiến tranh tương tàn tương sát giữa những người Việt. Cùng sang Việt Nam với Mai Sa còn có một người trai trẻ nữa cũng phát xuất từ AFSC, đó là Carl. Anh chàng này không làm cho Trường nhưng đã quyết định ủng hộ cho Mặt Trận Giải Phóng. Anh là người Mỹ và anh ta nói rằng ủng hộ Mặt Trận là chống lại tổ quốc anh, nhưng anh ta vẫn phải làm như thế.

Nhất Hạnh thấy rằng hồi thầy mới sang Hoa Kỳ để vận động hòa bình, các giới tôn giáo, trí thức và tuổi trẻ bên ấy đã đáp ứng với một thái độ rất nhân bản, phong trào hòa bình dậy lên đã không mang nặng tính chính trị như bây giờ. Sau một thời gian hoạt động, vận động, đòi hỏi mà không thấy chiến tranh chấm dứt, nhiều người tỏ ra sốt ruột. Từ sốt ruột nhiều người sinh ra nóng nảy, giận dữ. Từ nóng nảy và giận dữ nhiều người mất niềm tin nơi khả năng nhân bản và bất bạo động. Họ cảm thấy bất lực. Họ nghĩ chỉ có bạo lực mới nói chuyện được với bạo lực. Và vì vậy họ muốn quân đội miền Bắc và Mặt Trận chiến thắng quân đội Hoa Kỳ để quân đội Hoa Kỳ bắt buộc phải triệt thoái khỏi Việt Nam. Và từ sự ủng hộ giải pháp thương thuyết hòa giải mà thầy gọi là con đường thứ ba (the third way) họ chuyển sang sự ủng hộ Miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng.

(Sẽ viết về vấn đề cực hóa trong giới chống chiến tranh. Viết thêm về Bertil Swarstrom, Peggy Duff, Ronald Young, David Mc Reynold, Stewart Meachum,…)

Hơn bốn năm nay, tập hồi ký này không được viết tiếp vì thì giờ đã được sử dụng nhiều cho việc giảng dạy và biên tập những cuốn sách có công năng hướng dẫn thiền tập. Nay vì sự thúc đẩy ân cần của một số các vị đệ tử đã từng được đọc mấy trăm trang đầu tập hồi ký, tôi mới quyết định viết tiếp, nhưng tôi chỉ sẽ viết vắn tắt thôi, không thể đưa vào nhiều chi tiết như phần trước đây được. Nếu có dịp sẽ tìm cách bổ túc sau.

Sơn Cốc, Làng Mai 12.01.1996

 

Chiếu khán lưu lại Hương Cảng chỉ còn mười ngày thì hết hạn, Nhất Hạnh đã nghĩ sẽ không có cơ hội được gặp thầy Thanh Văn và cô Phượng để đàm luận về tình trạng và công việc tại đây, thì bất thần buổi chiều ngày 24 tháng 07 năm 1968 có tiếng gõ cửa phòng, và bà quản gia mở cửa ló đầu vào nói: Thầy có khách! Thầy mới đứng dậy để đi lấy chiếc áo tràng thì cửa đã mở rộng và cô Phượng xuất hiện một cách đột ngột trong chiếc áo dài màu trắng. Thầy ngạc nhiên kêu lên “trời đất” và ra đón lấy chiếc valy nhỏ trong tay bà quản gia. Thì ra cô Phượng đã xin được chiếu khán xuất ngoại nhưng không báo tin trước cho thầy biết ngày giờ cô tới. Cô chắp hai tay xá thầy rồi nói: “Thầy ốm quá” và cho biết cô chỉ xin được xuất ngoại có bảy ngày đi Hương Cảng vì cô là công chức và trường Đại Học Khoa Học đang chuẩn bị mùa thi. Cô nói “thầy ốm quá” nhưng cô cũng vừa ốm vừa xanh.

 

Phải chọn một trong hai con đường?

Hồi đó thầy chưa dạy thiền ôm nên con kính cẩn chắp tay chào thầy và thốt lên: Thầy ốm quá! Nhưng thật tình con chỉ muốn oà lên khóc trong vòng tay của thầy. Thầy ơi, đường con đi sao mà chông gai quá! Con thấy rất rõ là không thể nào làm công tác xã hội mà không kêu gọi hòa bình. Bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, chúng con tới một nơi nghèo đói vô tổ chức, không có trường học, không có chút kiến thức tối thiểu về bệnh hoạn. Chúng con, tác viên xã hội đã bỏ hết công sức, tình thương và trí thông minh để chinh phục lòng dân, rồi cùng những người dân lam lũ đó, đứng lên xây dựng trường học đầu tiên cho con em họ, cùng xây dựng trạm y tế, cùng lập tổ hợp trồng trọt chung, nuôi gia súc có chủng dịch. Làng xã vừa khang trang thì bom đạn tới, oanh tạc tơi bời, không còn căn nhà dân nào còn nguyên vẹn, trường học xây dựng với bao tình thương và công sức đã nát tan. Thế mà mỗi lần con đi họp sinh viên Đại Học để kêu gọi hòa bình, mỗi lần con suýt vào tù vì đã ký tên với 70 giáo sư Đại Học đòi ngưng chiến thì thầy Thanh Văn và anh em không vui. Trong khi thầy nghe những tin ấy thì thầy cảm động khuyến khích con, nâng đỡ con. Thầy Thanh Văn cứ tìm dịp nói riêng với con hay nói trước chúng là: Làm sao để chúng tôi thưa với thầy là thầy phải chọn lựa một trong hai con đường: một là kêu gọi hòa bình, hai là làm công tác xã hội. Nếu con không là người có khả năng nhất trong các anh chị em Tiếp Hiện thì chắc thầy Thanh Văn sẽ không muốn con dính đến Trường TNPSXH nữa. Con cũng hiểu, thầy Thanh Văn là người rất mong manh, thầy đã cực khổ nhiều rồi và không muốn khó khăn thêm khi con làm chuyện kêu gọi hòa bình (in lậu sách cho thầy như Hoa Sen Trong Biển Lửa, Đừng Quên Xin Đừng Vội Quên, Nhìn Kỹ Quê Hương, Đối Thoại: Cánh Cửa Hòa Bình… hay ký tên kêu gọi hòa bình và sẵn sàng đi vào tù như hôm Tết Mậu Thân) mặc dù con không hề đem bất cứ một tài liệu kêu gọi hòa bình nào về Trường TNPSXH, mặc dù con không hề mời một em TNPSXH nào phổ biến tài liệu phản chiến của con. Dĩ nhiên, khi nghe cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa in đẹp lắm thì thầy Thanh Văn xin và con có tặng thầy một cuốn đọc chơi. Còn thầy Trí Quang nữa. Một lần gặp con thầy Trí Quang chê thầy Nhất Hạnh kêu gọi hòa bình sớm quá. Con chán chẳng thèm đi thăm thầy ấy nữa, nhưng khi cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa ra đời, Phật tử xuýt xoa khen hay, thầy biết là con in nên gọi con vào bảo mang cho thầy một thùng vài chục cuốn để thầy tặng cho Phật tử đến thăm!

Và nếu không nghĩ tới thầy (Nhất Hạnh) thì con cũng có con đường đi của con thôi. Ví dụ như năm 1967, nghe tin có những trận đánh lớn ở Bình Long, chiến sĩ hai bên và dân thường chết vô số kể. Con không ăn, không ngủ được, con chạy vào rủ một số em Tác Viên Xã hội đi cứu trợ với con. Tiền bạc, sữa, thuốc, con tự lạc quyên lấy, đã có đủ. Nhưng thầy Thanh Văn và ban điều hành không đồng ý. Quý vị đó nói: “Chúng ta là một tổ chức phát triển cộng đồng, không phải là đoàn từ thiện đi cứu trợ. Tôi nghĩ chị không nên đi”. Con im lặng ra về mặt buồn xo. Nhưng Mai Sa chạy ra xin, nếu chị đi cứu trợ thì cho em đi với. Thế là hai chị em ngày hôm sau đem theo tiền bạc, thuốc men và đến thăm từng nơi tan nát. Tới nơi thì họ đã dẹp rồi, con chỉ có thể mang tiền tới trường học, nơi đồng bào có nhà cửa đã bị cháy rụi hoặc nát tan đang tạm trú, để cúng mỗi người một bao thơ tiền và đến bệnh viện thăm từng người bị thương. Đi như vậy lòng con mới thấy có chút nào bình an. Như hôm Tết Mậu Thân, thây người chết khắp cùng thành phố. Xác thường dân và xác của binh sĩ cả hai bên. Xe Chữ Thập Đỏ đi hốt xác chết cũng bị du kích chiến bắn. Con thấy tất cả sinh viên học sinh Sài Gòn, xưa nay chẳng bao giờ đi cứu trợ, nay đều lập những Ủy Ban Cứu Trợ của từng Trường Đại Học. Nhưng khi Sở Vệ Sinh Đô Thành xin tình nguyện viên đi lượm và chôn xác chết nằm lềnh khênh bốn bề đầy các đường phố, sắp có nguy cơ sinh bệnh dịch thì không ai tình nguyện hết. Con đề nghị Trường cho thêm một ngành đi phụ công tác từ bi và vệ sinh đó của Sở Vệ Sinh. Thầy Thanh Văn im lặng không trả lời. Sau đó thầy nói với chị Uyên: Mình mời các em vào đây để làm công tác phát triển cộng đồng chứ đâu phải để đi chôn xác chết. Thế là con tự làm một mình thôi. May mắn là cũng có vài em chịu đi theo phụ con với tư cách tình nguyện cá nhân. Sáng hôm sau, ba chị em họp nhau tại Sở Vệ Sinh đô thành, leo lên xe Hồng Thập Tự và đi đến khu có nhiều trận xáp lá cà và nhiều người chết nhất. Con vừa làm mà vừa khóc. Con nghe nói xác chết sình thối hôi lắm. Những người chôn xác chết ở các nghĩa địa phải thoa dầu phọng trên mũi và trên mặt để mùi hôi không bám vào. Thì con cũng thoa dầu phọng! Hồi này chiến tranh đang căng lắm, không ai bán găng tay, không mua đâu được eau de Javel để báng mùi hôi. Khi vào việc con mới biết: Từ cái thấy về lòng từ bi của mình – tình nguyện đi chôn xác chết – đến cái thực tại đứng trước xác chết sình thối, mùi tanh hôi chịu không cưỡng được sự nôn oẹ, nó thật khác xa. Ngồi trên xe Hồng Thập Tự con sẵn sàng xuống phụ khiêng xác chết bên đường lên xe. Khiêng xong một xác thì con thoa lia lịa trên mũi con dầu Nhị Thiên Đường vì dầu phọng đâu có báng mùi hôi. Thoa riết mũi con nóng muốn cháy da mà cứ nôn oẹ. Về tới Nghĩa Trang Đô Thành, đưa xác chết xuống ngay những hầm tập thể đã được xe xúc đất (bulldozer) móc đất lên và sắp ủi các xác chết xuống hầm. Con xin họ đừng ủi, tội quá. Con và em Phú (Phạm Đăng Phú) khiêng từng xác đã cứng đơ đặt nhẹ nhàng ngay thẳng xuống hầm như cá hộp. Con nhìn nhiều xác chết quá nên vừa ra khỏi nghĩa trang hễ thấy mặt người nào đang đi ngang qua thì ngay trong đầu con có liền một hình ảnh người đó nằm cứng đơ, ngoẻo đầu sang bên, hay trợn mắt, hay lim dim đôi mắt. Về tới nhà con tắm rửa và nhìn vào kiếng: A mặt mình như vầy đây, nhưng nếu chết sẽ tái mét như mặt bà đó, cô gái đó, mắt sẽ trợn trừng lên. Suốt mấy tháng con không ăn được món ăn nào, dù là món chay. Bởi vì mùi nào cũng có vẻ mùi xác chết hết, mùi chao cũng giống, mùi tương cũng giống, mùi đậu kho sao cũng giống. Con chỉ ăn cơm với muối chứ cũng không ăn được với xì dầu.

Thầy ơi, trước khi con đi, con hỏi thầy Thanh Văn đã xin được đi hành hương Thái Lan, Ấn Độ, Hương Cảng theo như địa chỉ con cho thầy chưa thì thầy trả lời là chưa. Con hỏi thầy có căn dặn con thưa với thầy Nhất Hạnh việc gì không thì thầy nói: Chị biết rồi. Thanh Văn thưa với thầy là Thanh Văn chịu hết nổi cách làm việc không có giấy phép như vậy nữa. Thầy Minh Châu đã tách Trường TNPSXH ra khỏi Vạn Hạnh rồi. Trường không có một giấy tờ pháp lý nào hết, gửi tác viên đi chỗ nào họ cũng hỏi giấy phép! Xin thầy Nhất Hạnh xét lại. Thôi mình ngưng kêu gọi hòa bình đi để có cơ hội mà giúp đồng bào nông thôn.” Nhưng con ngưng không được thầy ơi. Cái hôm mà con nghe Vòng Đai DMZ bị bỏ rất nhiều chất độc (hồi đó con chưa biết là có chất độc da cam), con chỉ biết qua báo chí là những chất hóa học này sẽ làm cho cây không mọc hằng chục năm, người chết đã đành mà cây cỏ và ngay cả đất đá cũng chết. Hàng chục năm sau chưa chắc đất được lành mạnh lại như lúc ban đầu. Con đã định bay đến Huế rồi lấy xe đò đi Quảng Trị để tự thiêu vì con là một sinh học gia, con muốn thức tỉnh lương tâm nhân loại về việc người ta đã giết con người rồi mà còn giết cây cỏ và đất nữa. Nghe đến đây thầy giật mình (trời ơi nếu để cô này trở về Việt Nam, hôm nào bức bách quá với hoàn cảnh chắc cô đi tự thiêu thì mình mất đi cánh tay đắc lực). Những nỗi tuyệt vọng của con khi ôm một em bé máu me be bét trong chuyến cứu trợ trên sông Thu Bồn mà không cứu được cháu, những điều đau khổ của con, thầy cũng đau như con, thầy cũng đồng ý như con là không thể tách rời công tác xây dựng xã hội với công tác kêu gọi hòa bình.

 

Những trở ngại phải vượt qua khi rời một nước thuộc khối tự do

Ngày 27 tháng 05 năm 1968 tôi nhận được điện tín thầy dạy trình thầy Thanh Văn để thầy Thanh Văn và tôi đi sang Hồng Kông gấp gặp thầy dù chỉ vài ngày, nhưng ít nhất thì cũng phải có một người. Nhưng trước khi đi thì thầy Thanh Văn cũng như tôi phải đi thỉnh ý những vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và hỏi Giáo Hội có cần thầy ở hải ngoại không hay thầy nên về lo việc chung. Tôi đã đi gặp quý thầy tôn đức trong và ngoài Giáo Hội như thầy Trí Quang (ngoài Giáo Hội), thầy Thiện Hoa, thầy Thiện Hòa, thầy Quảng Liên (trong Giáo Hội) và thầy Quảng Độ (ngoài Giáo Hội). Thượng Tọa Quảng Liên thì bảo tôi nhân chuyến đi này nên lạc quyên luôn cho nạn nhân chiến cuộc mà Giáo Hội đã giao cho tôi làm chức phó chủ tịch Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc từ hôm Tết Mậu Thân đến nay và thầy Quảng Liên là chủ tịch. Quý tôn đức như thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa – đương kim Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN – bảo rằng thời tranh đấu chống ông Ngô Đình Diệm, thầy Nhất Hạnh đã rất xuất sắc mời được Liên Hiệp Quốc tới điều tra, nhờ lúc đó thầy đang ở Hoa Kỳ. Không ai có thể thay thế được thầy nếu thầy về Việt Nam. Vậy thì thầy Nhất Hạnh nên tiếp tục ở hải ngoại để làm tiếng nói cho Giáo Hội bớt bị ép uổng ở nhà. Thầy Trí Quang thì chỉ nói:

– Nhất Hạnh về đây sẽ chẳng làm gì được đâu. “Nó” sẽ giết thầy như giết tụi bây.

Tôi hỏi:

– Bạch thầy “nó” là ai?

Thầy nói:

– Thì nhóm Cần Lao chứ ai?

Cần Lao là đảng của ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu lập nên, gồm những người Công Giáo quá khích rất thân tín của họ.

Có hai người tin tưởng bên kia (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) hơn là tin bên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là anh Võ Đình Cường và thượng tọa Quảng Độ. Tôi vốn rất thán phục thầy Quảng Độ trong cuộc đấu tranh chống ông Ngô Đình Diệm, nên đến cầu xin:

– Thầy nên vào Giáo Hội (lúc này thượng tọa không giữ chức vụ gì trong Giáo Hội PGVNTN cả) để ủng hộ lời kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh và chúng con, giáo chức và sinh viên học sinh Sài Gòn chống chiến tranh. Chúng con tha thiết đề nghị Giáo Hội PGVNTN nên kêu gọi hòa bình thẳng thắn đi.

Thầy cười ngạo nghễ nói:

– Con đừng có tin mấy cái ông trong Giáo Hội PGVNTN, mấy ông ấy không làm gì được đâu.

Giọng thầy khinh bạc lắm. Nhưng tôi thưa:

– Bạch thầy chính vì các vị không chịu làm nên chúng con mới cầu mong thầy.

Thầy lắc đầu và nói giọng y chang như anh Võ Đình Cường:

– Quý vị chỉ nên tin những người có thực lực thôi! GHPGVNTN không làm gì được hết đâu!

Tôi biết thầy Quảng Độ muốn nói gì nhưng tôi thôi không hỏi tiếp và xin chào ra về.

Ngày xưa  hồi năm 1963, tôi đi Pháp sử dụng hộ chiếu công vụ (nhân viên Bộ Giáo Dục đi tu nghiệp) nên không qua Sở Ngoại Kiều và Bộ Nội Vụ. Bây giờ 1968, chuyến đi này thật nhiều khó khăn. Tôi đến Phòng Ngoại Kiều ở Tổng Nha Cảnh Sát để xin hộ chiếu xuất ngoại. Luật lệ thường là của những ông bà nhà giàu thôi. Họ điền đơn xong, nộp hồ sơ – biết cách nộp hồ sơ – ba tuần sau là có hộ chiếu. Nhưng dân thường – không biết cách – thì chờ sáu tháng sau cũng không biết có thể được đi hay không. Hồ sơ phải đi qua tám phòng: điều tra lý lịch, chứng minh nhân dân xem là giấy thật hay giả, có phạm pháp không, có thiếu thuế không, v.v… Xong xuôi thì mới quay về phòng ngoại kiều trở lại. Phòng này sẽ gửi lên Bộ Nội Vụ để ký giấy cho phép cấp hộ chiếu xuất ngoại. Giấy phép của Bộ Nội Vụ sẽ quay lại về Phòng Ngoại Kiều và hộ chiếu sẽ được cấp.

Khi tôi đem tờ điện tín: Anh Cao Thái Nghiệp đau nặng ở Hồng Kông, cần em qua gấp (lúc đó anh Sáu tôi, ca sĩ Cao Thái đang đi hát ở Hương Cảng, Bangkok và Đài Bắc nên cũng dễ làm điện tín như thế). Ông Trưởng Phòng vui vẻ mời tôi vào phòng làm việc riêng, mãi sau này tôi mới biết đó là lúc tôi nên cho một bì thư bỏ tiền “trà nước” vào thì chắc công việc cũng nhanh thôi. Tôi xưa nay đâu có biết chuyện này nên cứ tha thiết năn nỉ ông lo dùm sớm. Cùng lúc lo hồ sơ, mỗi ngày tôi vẫn phải đi Bộ Xã Hội hay USAID xin gạo, xin dầu cho đồng bào, vẫn phải đi dạy, vẫn làm việc in chui tài liệu chống chiến tranh, vẫn phải khuyên nhủ em sinh viên này, giúp đỡ em sinh viên kia. Một tháng sau tôi trở lại, hồ sơ tôi vẫn nằm tại chỗ, ông ta nói ỡm ờ: Nếu cô biết điều với tôi thì tôi mới biết điều với cô được. Hồ sơ cô vẫn nằm đây! Tôi buồn quá, đang ra về thất vọng bỗng chợt nhớ là anh Bửu Luân con dì Sáu của tôi vốn là anh họ của đại tá Thanh Tra Cảnh Sát ở Tổng Nha. Tôi ra Nha Thanh Tra Cảnh Sát Đô Thành xin gặp anh Sắt. Tôi xưng là em con bạn dì vời anh Bửu Luân và Công Tôn Nữ Diệu Minh, tôi dạy Đại Học Khoa Học, anh tôi bị bệnh ở Hương Cảng cần đi gấp mà ông Trưởng Phòng Ngoại Kiều nói cái gì mà “cô biết điều tôi, tôi biết điều cô” là sao? Ông Thanh Tra Sắt cầm điện thoại lên và nói với Phòng Ngoại Kiều: Cô này là em út tôi, nó cần đi gấp, anh lo giúp hộ chiếu cho nó. Thế là khi tôi trở về Phòng Ngoại Kiều, ông ấy gửi hồ sơ tôi đi ngay. Nhưng đã trễ cả tháng rồi nên ông ấy căn dặn: nếu muốn nhanh thì phải chịu khó đi theo hồ sơ của tôi qua từng phòng, suốt tám phòng thì họ mới chuyển nhanh cho cô được. Cám ơn ông Trưởng Phòng tôi ra về, điện thoại báo tin cho thầy rằng có hy vọng 50% rồi. Nhưng ba ngày sau tôi trở vào thì phòng thứ hai, thứ ba đã chuyển đi, phòng số 4 số 5 cũng thương tôi mà chuyển đi khá nhanh. Đến phòng số 7 là phòng điều tra lý lịch. Tôi xin gặp ông Trưởng Phòng và trình bày lý do xin đi. Ông ấy bảo thư ký đi soạn hồ sơ của tôi để ông duyệt và nhìn tôi hỏi:

– A cô là bà con của đại tá Thanh Tra Sắt, sao cô người Bến Tre mà ông Sắt người Huế lại có bà con?

Tôi thưa là vì dì thứ sáu tôi lấy chồng Huế, ông Ưng Lê và ông Sắt là cháu ông Ưng Lê.

– À ra thế.

Lúc đó cô thư ký cũng đem đến chỗ ông Trưởng Phòng trọn bộ hồ sơ của tôi, ông nhìn hồ sơ và hơi đổi sắc mặt:

– Cô… cô dạy Đại Học Khoa Học mà cũng là Chủ  Tịch Tổng Hội Sinh Viện Vạn Hạnh phải không?

Tôi thưa:

– Dạ thưa đúng.

Ông mỉm cười và nói thôi cô về đi, để tôi tính. Nhưng một tuần, hai tuần, ba tuần hồ sơ tôi vẫn nằm nguyên một chỗ. Hôm nào cũng vậy, hễ tôi vào xin gặp ông Trưởng Phòng thì nhân viên đều bảo là Trưởng Phòng bận hoặc Trưởng Phòng đi họp. Có một hôm, một nhân viên phòng này nói nhỏ với tôi: Thôi cô đừng hỏi nữa, tôi nghe nói hồ sơ cô sẽ không được xét đâu vì cô có tên mật mã cộng sản là “Đáng” nằm trong sổ đen. Tôi nghe thế biết là họ nhất định “ghìm” tôi nên rất tức và thắc mắc. Làm gì mà tôi có tên mật mã Đáng? Hoàn toàn bịa đặt! Tôi có làm gì phạm pháp đâu. Chỉ có là từ hôm Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh kêu gọi hòa bình và bị thầy Minh Châu giải tán thì thầy có đưa danh sách chúng tôi ra Tổng Nha Cảnh Sát, tôi vẫn không hề bị bắt vì gia đình tôi không phải là Cộng Sản. Trong khi đó, sau khi giải tán chúng tôi, thầy Minh Châu đề cử mấy người thân tín của thầy lên làm Ban Điều Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh thay chúng tôi thì mới ba tháng sau họ bị Tổng Nha Cảnh Sát bắt hết năm người vì họ là người ”nằm vùng” thứ thiệt của bên kia! Chỉ có thế, tôi không là Cộng Sản, tôi không có tên mật mã là Đáng nào hết. Tôi nhất định đi “kiện” với ông Trưởng Phòng Lý Lịch về việc này cho ra lẽ. Ông vẫn không cho gặp, tôi viết thư tay đưa vào: Thưa ông, tôi không là Cộng Sản, tôi không có tên mật mã nào là Đáng cả, tôi cần gặp ông để nói cho ra lẽ. Sau khi đọc giấy của tôi ông vẫn không tiếp tôi, nhưng bảo nhân viên ra báo tin là ông gửi hồ sơ của tôi lên Bộ Nội Vụ hôm nay. Sau đó người nhân viên – người đã rỉ tai cho tôi nghe hôm trước – cho biết: Hồ sơ của cô, Sếp gửi đi nhưng gửi chung một cọc dày cộm, nào là cô làm chủ tịch Sinh Viên Vạn Hạnh kêu gọi hòa bình, cô là bạn thân của Nhất Chi Mai tự thiêu đòi hòa bình, hình cô hiện lên trên New York Times ngày 17 tháng 05 năm 1967 một ngày sau khi cô Mai tự thiêu, cô vận động 71 giáo sư Đại Học kêu gọi ngưng chiến, cô bị bắt ở Huế vì có mang tài liệu phản chiến của ông sư Nhất Hạnh, v.v… Nghe thế tôi biết là đường đi Hương Cảng của tôi không còn chút hy vọng nào. Hôm đó tôi đã điện thoại cho thầy ở Hồng Kông hay là hy vọng đi gặp thầy của tôi chỉ còn 0%. Thầy lại năn nỉ: “Con ráng đi, thầy đang chờ con”. Vì thế tôi đành kiên nhẫn đi theo hồ sơ của tôi lên Bộ Nội Vụ. Nhưng theo bằng cách nào?

Hôm đó nhà có giỗ, tôi than thở nước mình là nước tự do mà sao muốn xin hộ chiếu đi Hồng Kông khó như xin đi Thiên Đàng vậy. Nghe vậy anh rể thứ ba của tôi, anh Nguyễn Văn Giỏi nói: Em dại lắm, dễ ợt, muốn đi các nước Á Châu, một hộ chiếu là 20 ngàn, đi Pháp hay Hoa Kỳ là 100 ngàn đồng. Lương tháng tôi lúc đó chỉ có 7.000 đồng, còn lương thư ký thì 2.000 thôi. Anh Ba nói tiếp: Em biết không, nếu anh gửi gắm thì không tốn đồng nào cả, tụi đó bồ với anh lắm vì anh dạy tennis cho họ mỗi ngày, không lấy xu nào. Anh Ba tôi là vô địch quần vợt toàn quốc trong nhiều năm, đã được gửi đi Pháp tranh giải Tennis nên ai được anh dạy quần vợt sẽ giỏi nhanh lắm. Thế là anh Ba lo cho tôi và dặn:

– Ngày mai em vào Bộ Nội Vụ lấy giấy sự vụ lệnh mà đi làm hộ chiếu, thị thực của em xong rồi.

Khi tôi vào Bộ Nội Vụ, Phòng Hộ Chiếu thì không ai cho phép tôi vào cả. Cảnh sát hai ba lớp, không có giấy mời không được vào. Tôi tức quá, chỉ còn có 10 ngày nữa là tôi hết phép đi Hương Cảng vì đã tới ngày thi và chấm thi cho sinh viên Thực Vật mà làm sao có giấy mời mới vào được? Tôi đứng đấy mà khóc ròng. Bỗng có một ông lớn (tôi quên tên) ngừng lại hỏi vì sao cô khóc. Tôi nói đầu đuôi. Ông ta hỏi tên tôi và bảo đứng đó chờ nếu được ông sẽ lấy cho tôi. Mười phút sau ông trở ra nói: Hồ sơ của cô đang nằm chỗ chờ ký ngày hôm nay. Chắc là ngày mai cô tới thì có. Ngày hôm sau tôi phải nhờ anh Ba đi lấy hồ sơ và đem xuống Phòng Ngoại Kiều ở Tổng Nha Cảnh Sát với tôi. Anh Ba nói:

– Chàng này cũng là bạn của anh, sao em không nói?

Thế là trong ngày ấy tôi có ngay hộ chiếu để đi lấy thị thực đi Hương Cảng. Tôi đến Sứ Quán Hồng Kông. Nhân viên bảo rằng cô chờ 48 giờ là sớm nhất. Trời ơi, tôi chỉ còn có 8 ngày là hết hạn phép rời Việt Nam mà chờ hai ngày thì còn gì mà đi được. Tôi bình tĩnh niệm Bồ Tát Quan Âm, bỗng nhiên tôi nhớ ra là hôm Hội OXFAM tới thăm Trường TNPSXH, có ông bí thư thứ nhất cùng đi. Ông ấy rất quý tôi và có cho tôi danh thiếp. Tôi xin gặp ông ấy và trình bày với ông về chuyến đi Hương Cảng. Hai mươi phút sau tôi có thị thực đi Hương Cảng. Tôi còn phải xin giấy chủng dịch, mua vé máy bay, đổi ngoại tệ v.v… Tôi được phép đi Hương Cảng bảy ngày. Tôi mua được vé đi Hương Cảng ngày 24 tháng 07 năm 1968 lúc năm giờ chiều.

 

Năm trăm con gà con trên xe mobylette
Cả xe cả người cuộn vào giây kẽm gai

Bây giờ mới là bốn giờ chiều ngày 23 tháng 07 năm 1968. Tôi về nhà xin phép má đi Hương Cảng bảy ngày, thì được giấy của cha Lan nhắn là các cha dòng Chúa Cứu Thế ở Đà Lạt có tặng cho Trường TNPSXH 500 con gà con, gà giống tốt. Tôi nên lên chỗ của cha ở mà đem về trường kẻo đem trễ gà con sẽ chết. Xe hơi tôi đang nằm garage. Tôi chỉ còn chiếc mobylette cũ. Chắc chỉ có mình tôi là đi lấy gà được thôi. Tới nhà cha Lan, chất gà thành năm hộp, mỗi hộp 100 con lên sau ba-ga xe mobylette, tôi cứ tưởng tượng là nếu xe tôi bị vấp đá, nhảy tung lên nghiêng xe thì 500 con gà con sẽ rớt chạy tứ tung, chắc tôi “chết” luôn quá. Lúc đó sáu giờ chiều. May quá tôi chở 500 con gà con tới nơi bình yên lúc bảy giờ tối. Tôi giao gà xong lên tìm thầy Thanh Văn và báo tin, tôi sắp đi vài ngày, thầy có thưa chi với thầy Nhất Hạnh thì dặn tôi thưa. Thầy cúi gầm mặt xuống nói:

– Chị biết rồi, chị thưa với thầy là xin thầy chọn một trong hai việc, một là kêu gọi hòa bình thì không làm xã hội, hai là làm xã hội thì không kêu gọi hòa bình. Giáo Hội đã bỏ, Đại Học Vạn Hạnh đẩy mình ra, anh em TNPSXH đi tới đâu ai cũng đòi giấy phép mà hai năm rồi mình hoạt động không có giấy phép, rất khó khăn.

Tôi im lặng lắng nghe thầy Thanh Văn, rất thương nhưng tôi biết không thể nào tách rời hai thứ đó ra. Tôi biết chỉ có mình thầy Nhất Hạnh mới đủ sức mà giải thích cho thầy Thanh Văn hiểu mà thôi. Tôi chào thầy ra về. Lúc này đồng bào vẫn tị nạn hàng ngàn người tại khuôn viên trường. Một thiếu phụ đang ẵm một cháu bé trai gầy còm nhìn tôi ái ngại: Cô về bây giờ sao? Trời tối quá, cô không sợ ma sao? Dọc đường ra Cầu Tre có hai nghĩa địa, có nhiều mồ mả bị bom, bật cả quan tài. Tôi vuốt đầu cháu bé nói:

– Không, tôi không sợ ma đâu chị ạ. Tôi thương những cháu như cháu con chị nè, nó ốm như ma ấy. Và các cháu như cháu này nhiều lắm trên đất nước mình. Cứ đánh giặc hoài như vầy thì làm sao có điều kiện mà nuôi cháu mạnh khỏe ra.

Tôi bắt đầu mở máy xe mobylette mới nhớ ra là xe máy của tôi bị hư đèn đã lâu, chưa sửa kịp. Đêm nay không trăng, trời lại u ám, không có cả sao. Nhưng tôi không ngại vì con đường từ Chùa Lá Pháp Vân về tới Cầu Tre tôi thuộc làu từ những chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu. Tôi biết đoạn này, bên phải là vườn khoai mì, xa xa bên trái đoạn kia là những bụi tre bụ bẫm mọc che cả nghĩa địa Triều Châu. Những ngôi nhà vách gạch ngói đỏ này với rất nhiều giàn hoa giấy tím, đỏ, vàng duyên dáng, những nhà ở góc kia với giàn hoa vàng anh xoè những cánh vàng trong nắng. Tôi cũng biết bom đạn đã cày xới tất cả rồi, không còn những ngôi nhà nóc đỏ, không còn những ngôi vườn nhỏ xinh xinh. Nhưng hồi chiều chở 500 chú gà con về tôi đã ghi rõ chỗ nào có những lỗ hổng mới, chỗ nào đoạn đường gần như bị cắt ngang vì một hố bom. Thế là tôi vẫy tay chào mọi người, hứa tuần tới trở về sẽ kể bao nhiêu chuyện nóng hổi khi gặp được thầy. Lúc này du kích chiến có thể còn sót lại trà trộn trong dân nên thành phố Sài Gòn có lệnh giới nghiêm (cấm ra khỏi nhà) sau 9 giờ tối. Bây giờ mới 8 giờ 30 tôi còn nửa giờ để về kịp nhà ở cư xá Lữ Gia. Tôi lái xe máy đi chầm chậm, thong thả trong bóng tối. Xe đi 10 phút, 15 phút trong đêm đen, không đèn mà vẫn bình yên, tôi không vấp phải hầm hố nào cả. Sắp đến Cầu Tre rồi, tôi thuộc làu từng chỗ hủng bên phải, lách qua chỗ có phiến đá to bên trái. Nhưng ô hay cái gì thế? Tôi té nhào, tôi và xe máy của tôi bị cuốn vào những sợi dây rối nùi. Xe tự tắt máy và tôi té trên những sợi kẽm gai, xước áo xước tay. Có tiếng lên cò súng lách tách và tiếng đàn ông hô to: Giơ tay lên! Tôi đã giơ tay lên trong bóng đêm nhưng tôi sợ nhỡ họ chưa thấy mình giơ tay và họ bắn thì nguy quá. Tôi la to:

– Tôi là người đi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc ở khu Chùa Lá Tân Phú mới về.

Vùng này hồi này vẫn là vùng “xôi đậu”, nghĩa là có thể Quốc Gia kiểm soát ban ngày và bên Mặt Trận kiểm soát ban đêm. Tôi nhanh trí lựa những câu mà nếu bên nào kiểm soát cũng không nỡ bắn người giúp nạn nhân chiến cuộc. Họ bật đèn pile sáng chóa vào mặt tôi và thấy quả thật tôi tay không, vô tội. Họ đòi xem giấy tờ, tôi cho xem giấy nhân viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, dù liếc nhìn thấy họ là quân đội quốc gia tôi cũng chưa chắc lắm. Giấy làm xã hội thì ai cũng thương chớ nếu đưa giấy làm giảng viên Đại Học của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa e bên du kích quân ghét. Vì vùng này còn du kích trà trộn nên giờ thiết quân luật (giới nghiêm) là 8 giờ chứ không phải 9 giờ như ở thành phố. Xem giấy xong, họ giúp tôi gỡ những sợi kẽm gai quấn chằng chịt quanh xe tôi và cho phép tôi đi. Nhưng than ôi xe tôi bị xì luôn cả hai bánh, làm sao mà lái về? Từ đây về nhà chị Bảy của tôi là bốn cây số giữa đêm khuya khoắt trong giờ thiết quân luật. Tôi đành dắt xe vào nhà bên đường năn nỉ cho gửi nhờ xe mobylette đã xẹp hai bánh và hẹn hôm sau trở lại lấy. Giờ này không còn bất cứ taxi hay xích lô nào để đưa tôi về nhà hết vì đã quá giờ giới nghiêm từ lâu. Tôi đi bộ chừng 100 bước trong đêm đen thì đến ngã tư, thấy có một binh sĩ đi xe scooter chạy ngang, tôi giơ tay xin quá giang. Ông đi về hướng khác, tôi đi hướng khác, nhưng ông cũng cho đi nhờ được hai cây số. Leo xuống xe ông này, tôi may mắn và đón được một xe khác đi về hướng trường đua Phú Thọ. Đi thêm hai cây số là tới cư xá Lữ Gia, tôi xuống xe cám ơn ông rối rít rồi đi bộ về nhà trong đêm tối, mừng ơi là mừng, thế là vừa thoát chết tại Cầu Tre. Tới trước nhà chị Bảy tôi, nhà đã kéo cửa sắt khóa kỹ bên trong. Không có chuông, tôi đi vòng ra sau, may quá, cửa sổ còn đèn, tôi thấy cháu Bùi Thanh Vũ, khoảng 12 tuổi, con trai chị Bảy tôi còn thức, ngồi làm bài tập. Tôi mừng quá gọi:

– Vũ! Vũ!

Cháu ngẩng đầu lên, thấy tôi, liền lễ phép khoanh tay lại:

– Dạ thưa dì Chín gọi con có việc chi?

Mặt cháu ngớ ngẩn như tôi đang ở chốn bình an trong phòng ngủ mới bước ra để gọi cháu hầu chuyện vậy. Tôi phá ra cười nói:

– Con làm ơn ra mở cửa cho Chín vào nhà, Chín thoát chết, cuối cùng rồi cũng về được tới nhà, nhà đã khóa hết cửa vào!

Ngày hôm sau, ôm má vào lòng từ giã, tôi hẹn gặp lại má tuần sau rồi ra phi trường. Lúc năm giờ chiều ngày 24 tháng 07 năm 1968, chiếc phi cơ Air France cất cánh đưa tôi đi Hương Cảng gặp thầy. Tôi không ngờ có thể đây là lần chót tôi nhìn quê hương Việt Nam thân yêu.

 

Được mời làm phụ tá cho thầy Nhất Hạnh.

Tới Hương Cảng lúc 8 giờ chiều. Cảnh Sát Hương Cảng vô cùng ngạc nhiên thấy trong hộ chiếu của tôi, con dấu thị thực của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ cho phép tôi ở bảy ngày và dấu thị thực chính quyền Hồng Kông thì chỉ cho năm ngày vì luật Hương Cảng là đương sự phải về nước hai ngày trước khi thị thực Việt Nam hết hạn. Hương Cảng lúc này là ngã tư thương mại nên công dân bất cứ nước nào thuộc khối tự do cũng được vào Hương Cảng chơi bảy ngày không cần giấy phép. Vậy cô này là ai? Hộ chiếu của cô thuộc Việt Nam Cộng Hòa chứ đâu phải Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa? Vì sao mà chỉ được vào Hương Cảng có năm ngày thôi? Anh cảnh sát này gọi anh cảnh sát kia đến xem và nhìn tôi, rồi nhìn hộ chiếu. Tôi thở ba hơi mỉm cười thật tươi và nói:

– Có gì đâu, tôi chỉ xin đi từng đó ngày vì tôi phải trở lại Việt Nam gấp để lo hàng trăm công việc.

Nhìn mái tóc học trò và chiếc áo dài trắng của tôi ông ta hỏi:

– Cô mà có hàng trăm việc gấp à?

Tôi mỉm cười:

– Tôi về chấm thi. Tôi có hàng trăm bài thi để chấm!

Thế là tôi thoát nạn! Ý thức rằng đi gặp thầy Nhất Hạnh là việc làm có thể bị theo dõi nên tôi từ chối hết tất cả những tài xế taxi mời tôi lên xe của họ chực sẵn ở phi trường. Tôi đi bộ ra xa, nhìn quanh, thấy không ai theo dõi, tôi gọi một chiếc taxi, leo lên đưa địa chỉ của thầy số 80 đường Nathan Road, Guest House, Phòng số 8. Bà A Má già mở cửa và đưa tôi lên tận phòng của thầy. Bà gõ cửa. Thầy mở nhẹ cửa phòng thì bỗng thấy tôi, thầy tròn mắt và chỉ nói được: Ô ô trời đất!.. rồi không nói gì hết. Thầy kéo ghế bảo tôi ngồi xuống, nhưng tôi đã sà xuống đất ngồi dưới chân thầy và khóc thút thít. Mới tuần trước đây tôi báo tin cho thầy là tôi chỉ còn 0% hy vọng được sang gặp thầy ba ngày ở Hương Cảng vì ông trưởng phòng lý lịch đã gửi lên Bộ Nội Vụ trọn bộ hồ sơ dày cộm với một số dữ kiện lý lịch của tôi như là bạn thân của Nhất Chi Mai, tự thiêu cho hòa bình, đệ tử ông sư Nhất Hạnh phản chiến ở Hoa Kỳ v.v… và rất nhiều điều không thật về tôi như tôi là Cộng Sản có tên mật mã là “Đáng”, thì chắc hy vọng được gặp thầy chỉ là một giấc mơ. Bây giờ tôi ngồi đây, dưới chân thầy! Mơ hay thật? Tôi nhìn thầy chăm chăm. Trời ơi, thầy mới xa Việt Nam có hai năm mà mặt thầy già hơn chừng mười tuổi. Thầy cũng nhìn tôi chăm chăm và sờ đầu tôi nhè nhẹ và hỏi: Có phải thật là Phượng đây không? Con ốm quá! Thầy chê tôi ốm nhưng thầy vừa ốm vừa già. Tôi ngồi im, lặng lẽ khóc chừng mươi phút rồi mới bắt đầu kể cho thầy nghe những lời dặn dò của chư tôn đức ở nhà.

Khi tôi mở miệng nói chuyện công việc thì thầy bảo chờ đó, thầy tới bật radio lên để nếu có máy thu thanh của CIA thì không nghe được tôi thuật gì. Thầy nói thầy biết họ có theo dõi thầy từ khi thầy về Hương Cảng. Thư tôi viết cho thầy gửi qua Masako và qua bà Ethelwyn Best, dù khá nhiều cũng không nói hết những khó khăn của phong trào ở Việt Nam. Thầy đi pha một ấm trà ô long, rót ra hai chén và cho tôi một. Hồi này tôi chưa hề biết uống trà, vị trà khá đắng, nhưng tình thương và ánh mắt của thầy khiến chén trà thật là ngon. Thầy lắng nghe kỹ, hỏi thêm thái độ của từng tôn đức, từng thầy, từng tác viên và kết luận:

– Nếu tình trạng như thế, nếu Hòa Thượng viện trưởng có ý muốn thầy ở lại lo Phật sự là kêu gọi hòa bình thì thầy cần một người phụ tá như Phượng. Con phải ở lại giúp thầy. Con đã từng đi qua vùng lửa đạn ở Khương Bình, đã từng ôm một em bé bê bết máu tuyệt vọng vì không cứu được nó, con đã từng đi chôn hàng trăm xác chết giữa chốn đô thành, con phải là nhân chứng của những người mà con cứu, những người chết oan ức giữa đường phố mà con đem chôn. Con không ăn nói văn hoa lý thuyết như những người theo phe bên này hay bên kia. Con chỉ nói lời phát xuất từ trái tim của người chạy dưới đạn bom, thốt lên những tiếng kêu oan ức thống thiết. Thầy mà để cho con trở về Việt Nam là thầy dại lắm. Rất khó mà tìm ra được một nhân chứng như con. Con phải ở lại!

Tôi nhìn thầy sửng sốt. Tôi? Ở lại hải ngoại luôn để phụ tá cho thầy? Nước mắt chảy dài trên má tôi, tôi không tưởng tượng nổi Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội sống một tuần mà thiếu tôi! Ai đi chạy xin gạo, dầu, đường muối, sữa cho hàng ngàn đồng bào còn lưu lại ở khuôn viên TNPSXH đây? Ai phổ biến những tài liệu phản chiến, ai sách tấn các em sinh viên các trường Đại Học cần tham vấn riêng với tôi bao nhiêu điều khó xử? Ai an ủi các tác viên xã hội như Trần Minh Tâm, như Phạm Đăng Phú, như Nguyễn Văn Ân lạc lõng trong cơn giông binh lửa, ai an ủi sinh viên các đại học bơ vơ chỉ nương tựa vào tôi? Tôi nhìn thầy thật buồn, lạy tạ tình thương của thầy nhưng lắc đầu từ chối. Được gần thầy, được là một trong nhiều đứa học trò thân cận của thầy đã là điều tôi mơ ước nhưng tôi không thể ở lại. Thầy ơi, con không thể ở lại! Tôi nấc lên, khóc lớn và chạy về phòng mà khi nãy thầy nhờ bà A Má dọn cho tôi, phòng số 13, nhà khách số 80 Nathan Road Kowloon. Suốt cả đêm tôi ngồi thiền, lòng tạm bình an nhưng tôi biết không thể nào ở lại với thầy được.

Sáu giờ sáng tôi nằm xuống chợp mắt được nửa giờ thì thầy gõ cửa mời tôi dậy để thầy đưa lên Bảo Liên Thiền Tự trên núi ở hải đảo Lan Tao. Phải đi đò máy nửa giờ mới đến một bến Lan Tao. Leo lên bờ thì có xe buýt đi Bảo Liên Thiền Tự. Xe leo núi thật cao, bò trên đường tráng nhựa cheo leo giữa hai bên vực sâu. Chùa trên núi thật yên tĩnh, có rừng chung quanh và rừng đưa tận lên đỉnh núi. Nơi này suốt ngày đều dày đặc sương và mây mù. Thầy trò đi thiền hành nhiều giờ mà không đả động đến chuyện đi theo thầy hay về lại quê hương. Ngồi xuống một bậc đá, thầy mới nhấn mạnh buộc tôi phải ở lại. Vì chỉ có cách đó, cùng làm việc với thầy, tôi mới thỏa chí vừa phụng sự người khổ, vừa kêu gọi người ta ngưng chém giết nhau như tôi đã làm hôm Tết Mậu Thân và đã lãnh đủ bao truân chuyên với ông bộ trưởng, với cảnh sát công an. Thầy cười chỉ cho tôi xem những đóa hoa kèn tím như vành tai bên vách núi để nghe thầy nói và khuyên tôi nên nghe lời thầy! Tối hôm đó thầy trò xin ngủ lại chùa.

Tôi được ngủ chung với các nữ cư sĩ trên cái phản cây có căng cái mùng thật dài. Buổi sáng chùa trên núi thật yên tĩnh, tâm trí tôi sáng sủa hơn, người tôi khỏe ra. Tôi nhớ lại lời nhắn nhủ duy nhất của thầy Thanh Văn: Chị thưa với thầy nên chọn một trong hai việc “kêu gọi hòa bình thì không làm xã hội, làm xã hội thì không kêu gọi hòa bình”. Câu nói đó cũng là câu mà tôi biết thầy muốn nhắn tôi. Tôi biết từ lâu, từ khi thầy Nhất Hạnh rời Việt Nam, thầy Thanh Văn im lặng không đồng ý khi nghe tôi kêu gọi hòa bình, không đồng ý khi biết tôi đang in ấn và phân phối tài liệu phản chiến mặc dù tôi không hề đem tài liệu này về trường cũng như không nhờ các em TNPSXH phổ biến. Tôi biết khi thầy Thanh Văn đề nghị như thế thì không có nghĩa là thầy không tha thiết hòa bình, nhưng đối với thầy Thanh Văn làm công tác phát triển cộng đồng đã là trách nhiệm quá lớn đối với thầy. Làm hai việc một lần, thầy làm không xuể. Nhưng với con người tôi thì hai thứ đó như hai mặt của một bàn tay, không thể tách rời ra được. Khi tôi hỏi thầy Thanh Văn là nếu không có hòa bình thì làm sao phát triển được cộng đồng? Thầy nói thầy không biết và điều đó không quan trọng với thầy. Vì những không đồng ý ngầm ấy mà thỉnh thoảng thầy Thanh Văn hay thốt ra những câu khiến tôi rất tổn thương. Thầy không đồng ý chút nào khi tôi đi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc mà muốn rủ vài em TNPSXH theo, thầy cũng chống đối khi tôi đi lượm xác chết. Rồi một hôm nọ, khi nghe quý vị trụ trì trong Giáo Hội PGVNTN quá yếu về hành chánh (Hiến pháp của GHPGVNTN là chỉ tu sĩ mới được làm các chức lãnh đạo như Chánh Đại Diện Tỉnh Giáo Hội, Huyện Giáo Hội chứ cư sĩ không được làm, mà vì quý vị tu sĩ thì quá yếu về hành chánh nên xảy ra nhiều lủng củng), tôi bàn với thầy Thanh Văn là trường TNPSXH nên cống hiến những khóa huấn luyện ngắn hạn về hành chánh cho quý vị lãnh đạo trên. Như thế chúng ta có thể chứng minh là Trường rất thành thạo về việc đào tạo cán bộ và để quý thầy nể mà đưa TNPSXH vào thành phần chánh thức của Giáo Hội để TNPSXH được “hợp pháp” bởi vì TNPSXH đã bị thầy Minh Châu loại trừ khỏi Đại Học Vạn Hạnh từ khi thầy Nhất Hạnh kêu gọi hòa bình. Thầy Thanh Văn chợt nói rất mạnh:

– Không! Chúng ta không dính líu gì hết với các ông trong Giáo Hội PGVNTN đó cả. Tôi rất ngạc nhiên là chị muốn làm việc đó. Nếu chị muốn thế thì tôi cũng nghi chị luôn.

Câu này làm cho tôi thật tổn thương. Thầy Thanh Văn nghĩ là tôi lợi dụng trường để gây ảnh hưởng lên các vị lãnh đạo Giáo Hội nhằm tạo uy tín cho tôi ư? Những vết thương như vầy giữa hai người có tính khí khác nhau như tôi và thầy Thanh Văn cứ chồng chất lên nhau. Hai mươi năm sau tôi được thầy Nhất Hạnh dạy pháp môn làm mới để gỡ rối, để hàn gắn lại những đổ vỡ và giúp đỡ biết bao nhiêu cặp bạn bè, vợ chồng, cha con được truyền thông. Nhưng lúc đó chúng tôi hoàn toàn không biết pháp môn này nên sáng hôm đó ở Bảo Liên Thiền Tự tôi cảm thấy không hứng thú làm việc sát cánh với thầy Thanh Văn như xưa nay nữa. Con đường của tôi thật sáng ra, rõ ràng hơn. Nếu ở bên thầy Nhất Hạnh tôi sẽ có dịp đi lạc quyên tiền cứu trợ xã hội của nhiều đoàn thể không phải của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy rằng TNPSXH không hề lấy một xu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không nhận một xu của chính quyền Mỹ, nhưng khi có 11 ngàn người nát tan nhà cửa cần cơm ăn, cần thực phẩm dụng cụ sinh sống, chúng tôi vẫn phải nhận dùm cho họ tiền của USAID. Bom đạn của chính phủ Hoa Kỳ bỏ lên tan nát nhà họ, rồi mình tới Ban Xã Hội của chính phủ Hoa Kỳ để lấy tiền nuôi họ ăn. Có cái gì thật sai, thật khó nuốt trong công tác này. Tôi mong ở hải ngoại, tôi sẽ có dịp xin tiền các cơ quan tư nhân không dính líu gì đến bom đạn đang dội lên đầu đồng bào tôi. Ở hải ngoại bên thầy Nhất Hạnh, tôi tha hồ lạc quyên nhân danh nạn nhân chiến cuộc rồi gửi tiền trực tiếp cho 42 ủy ban cứu trợ xã hội của 42 Tỉnh Giáo Hội PGVNTN mà không cần xin phép thầy Thanh Văn. Tôi tha hồ lạc quyên giúp trường TNPSXH vì tôi biết rất rõ những công tác xứng đáng của anh em trong Trường. Tôi sẽ năn nỉ thầy Nhất Hạnh, bằng những bức thư ân cần có thể giúp từng em TNPSXH với những khó khăn của em, giúp thầy Thanh Văn với những khó khăn của thầy, giúp ban Điều Hành sửa sai những yếu kém của họ mà không sợ làm họ tổn thương, vì thầy Nhất Hạnh rất sâu sắc nên nói đúng chỗ, đúng lúc và có kết quả liền. Và trên hết là được ở kề bên thầy để giúp thầy như tôi đã giúp thầy mấy năm 1964, 1965, 1966 ở Việt Nam, hạnh phúc biết bao nhiêu. Thế là sáng hôm đó tại Thiền Tự Bảo Liên tôi quỳ xuống xin Đức Bổn Sư Thích Ca cho tôi được phụ tá vị thầy quý kính của tôi trên đường phụng sự lý tưởng từ bi của Người.

Tôi xin được gia hạn thị thực ở Hương Cảng thêm hai tuần. Sau đó tôi đi Nhật với thị thực du khách. Tại nơi đây trong khi chờ đợi thị thực được đi Pháp ở dài hạn, tôi làm việc tại một nhà in để học về quadrichromie, tập lọc và in hình màu trong khi chờ đợi Sứ Quán Pháp chấp thuận.