Chương 4: Khoa học và lý tưởng phụng sự người khổ

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không


Như đã nói trên, không hiểu sao mà mùa hè năm 1959, trong số hơn 1.000 thí sinh SPCN mà chỉ có năm người thi đậu và tôi đứng hạng thứ hai.

Tôi may mắn có được di thể nhớ dai của ông ngoại nên chừng non hai tháng trước khi thi, tôi bắt đầu nghĩ là nếu mà tôi thi rớt chắc là ba tôi sẽ buồn lắm! Nhớ gương mặt hớn hở của ba tôi đi báo tin từ làng trên đến xóm dưới mỗi khi tôi giựt được một mảnh bằng, nên tôi phải lên kế hoạch gấp để học bài thi. Tuần thứ nhất tôi dò khoảng 1.000 trang những bài Sinh Động Vật Học, tuần thứ hai dò cũng từng ấy trang các bài Sinh Thực Vật Học, tuần thứ ba tôi lại vùi đầu trong một ngàn trang về Địa Chất Học và tuần thứ tư về lý và hóa học. Hai môn này thường có ít bài học nhưng phải làm nhiều lý giải. Tôi đâu có giờ ngồi làm lý giải và cũng không có Khá ngồi làm bài với tôi. Tuần thứ năm tôi ôn lại vừa Sinh Thực Vật vừa Sinh Động Vật lần thứ hai, tuần thứ sáu vừa Địa Chất vừa Hóa lần thứ hai, tuần thứ bảy tôi ôn lại tất cả các môn lần thứ ba và tuần thứ tám tất cả các môn lần thứ tư. Tôi say mê thiên nhiên nhất là những tuổi đá của địa chất, cách cấu trúc của từng loại đá nên nghe nói bài của tôi về địa chất trong kỳ thi đó được 19 trên 20 điểm. Nhờ thế tôi được là người cao điểm thứ hai. Cũng nhờ thế tôi được tuyển ngay vào làm trong phòng thí nghiệm Sinh Thực Vật sau mùa hè năm đó.

Khoa học thiên nhiên và đạo Phật

Song song với hạnh phúc sống trọn trong các xóm nghèo, tôi cũng hạnh phúc khi có dịp đi nghe thuyết pháp hay được nghe giảng Phật pháp nơi này nơi kia. Được làm phụ tá phòng thí nghiệm (chế nghiệm viên) Sinh Thực Vật, tôi được theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ đi cùng với sinh viên toàn ban Sinh Vật Học đi du khảo cây cỏ vùng Suối Lồ Ô, cây cỏ vùng đèo Chuối, Bảo Lộc, Di Linh, đèo Prenn, cả vùng Đà Lạt, đèo Ngoạn Mục, Phan Rang Phan Rí, Nha Trang, Đại Lãnh, Rừng Lá, Vũng Tàu… Đi nơi nào cũng là niềm vui lớn được nhìn sâu vào cây cỏ, sự tương tức, tồn vong, sinh thái của từng vùng. Giáo sư Hộ thích đưa tôi đi theo vì nhờ có trí nhớ tốt, tôi thuộc ngay các tên La Tinh, thuộc từng gia đình thực vật cây cỏ nào mà giáo sư đọc lên phân tách. Tôi cho vào “đĩa cứng” trong đầu tôi rồi sau đó tôi giải thích lại rành rọt cho các sinh viên, rất đỡ việc cho thầy Hộ. Nhưng song song với việc được đi học về cỏ cây hoa lá tôi còn có dịp đi thăm các chùa mỗi nơi tôi đến. Tại Đà Lạt tôi được gặp vị trú trì ngôi chùa Linh Sơn trên đỉnh đồi thành phố: thầy Mãn Giác. Khi thầy Mãn Giác mà cười trông thật vui mắt, vì toàn người thầy đều cười theo! Tôi đến để hỏi đạo nhưng thầy thì rất lười trả lời theo lối thầy Thanh Từ. Tôi hỏi về tự biến cộng biến. Thầy không trả lời mà đi vào mở tủ sách đem tặng cho tôi một bài báo của thầy Nhất Hạnh viết trong nguyệt san Liên Hoa xuất bản tại Đà Lạt và bảo: “Đọc xong, con sẽ có đủ câu trả lời hết trong ấy trong đó dĩ nhiên là có bài Tự Biến Cộng Biến”. Tôi lại hỏi về những từ ngữ khác của đạo Phật mà khi đọc sách Phật pháp tôi không hiểu. Ví dụ như chánh kiến khác với chánh tư duy ra sao? Thầy Mãn Giác lại cũng không trả lời mà đi vào lấy cho tôi thêm quyển Để Hiểu Đạo Phật của Phương Bối (sau này tôi mới biết cũng là của thầy Nhất Hạnh). Tôi chia sẻ những ưu tư của tôi về Thiên chúa, Cộng sản, Phật giáo… thầy lại đi tìm cho tôi quyển sách thứ ba: Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới của Thạc Đức (sau này tôi mới biết, lại cũng là thầy Nhất Hạnh). Tôi hơi chán cái ông thầy không trả lời cho mình mà chỉ tặng sách của người khác! Thầy hỏi và được biết tôi từ Bến Tre, thầy bèn cho tôi địa chỉ chị Thu Hà cũng là người Bến Tre và học kỹ sư ở Trường Nông Lâm Bảo Lộc. Khi chào thầy ra về, tôi thấy vui vui vì sắp được làm quen với một người bạn đạo. Chị Thu Hà vốn là bạn học cùng lớp với chị Bảy tôi, hơn tôi đến sáu tuổi. Mấy chị của tôi có khi nào thích cái chuyện đi chùa tìm hiểu đạo của tôi đâu. Về Sài Gòn tôi liên lạc ngay với chị Hà và được chị báo tin là sắp có một lớp học giáo lý 10 tuần liên tiếp do thầy Nhất Hạnh dạy tại chùa Xá Lợi, dành riêng cho sinh viên các phân khoa. Chùa Xá Lợi rất gần nhà cậu Bảy của tôi mà tôi được cưu mang từ ba năm nay, vì lúc đó chị Ba của tôi giận anh Ba và đưa các cháu về Bến Tre nên tôi không thể ở một mình với anh Ba. Tượng Phật chùa Xá Lợi – hồi đó – là tượng Phật mà tôi thích nhất trong đời. Tượng đức Bổn Sư ngồi thật yên, chiếm hết cả bức tường trên chánh điện, bằng thạch cao màu da người. Không phải là những tượng Phật mặt sơn trắng, môi sơn son đỏ, áo sơn màu vàng ròng, ngồi trên hoa sen cũng bằng vàng màu mè quá sặc sỡ, không tỏa rạng sự bình an. Tới chùa Xá Lợi, tôi chỉ không thích các sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử tại đây, rất ồn ào, thổi tu huýt hoét hoét như cảnh sát la các bà bán hàng rong, nhiều người tuổi đã lớn mà nắm tay chạy quanh, quây một vòng, nhảy mà chơi. Nhưng chúng tôi cũng nhờ chùa này mà họp bạn bảo trợ các xóm nghèo, đổ gạo xin được từng bao nhỏ ra, đong lại thành bao 15 ký để phân phát học bổng cho các em đường phố có dịp cắp sách đến trường.

Bài thuyết pháp rúng động tâm can

Sáng chủ nhật ngày 15 tháng 11 năm 1959, tôi đến chùa Xá Lợi dự lớp học đầu tiên với thầy Nhất Hạnh trong giảng đường nhỏ bên hông phải giảng đường lớn chùa này. Nghe chị Thu Hà nói thầy này giỏi lắm, rất nhiều sinh viên thích đi học với thầy nên tôi rủ được hai người sinh viên bạn là Đái Thị Minh và Võ thị Cưu cùng đến nghe thầy giảng. Cưu là bạn hàng xóm cùng tỉnh Bến Tre với tôi, từ khi Cưu lên Sài Gòn học Đại Học Văn Khoa, Cưu không còn dùng tên Võ thị Cưu nữa mà lấy tên lại là Võ Thư Cưu trích từ một bài thơ cổ: Quan quan thư cưu, tại hà chi chu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu... Thầy này sẽ giảng hay hay không, đối với tôi không quan trọng, vì tôi đã có thầy hay là thầy Thanh Từ rồi. Nhưng thầy tôi ở tận Trà Vinh. Tôi muốn cho các cô bạn vô thần của tôi là Minh và Cưu có dịp yêu đạo Phật.

Suốt trọn buổi giảng của thầy Nhất Hạnh, tôi cứ bồi hồi cảm động, chưa bao giờ tôi nghe một giảng sư Phật học nào mà nói về Phật pháp một cách thâm sâu như vậy, như đi vào tận chiều sâu nhất của tâm. Tôi nghe mà rúng động cả tâm can. Trời ơi, sao Phật có thể hay như thế, những điều Phật dạy đi vào thực tế gần gũi thế sao? Vậy mà lâu nay tôi chỉ nghe giảng được một loại đạo Phật quá lý thuyết. Tôi liếc nhìn Cưu và Minh. Hai cô cũng gục gật đầu thích thú. Nhưng hình như họ không có tàng thức tu học như của tôi nên tuy gật đầu thích thú, tuần sau Minh và Cưu bận học nên chẳng bao giờ trở lại học với thầy nữa. Còn thầy giảng sư thì cứ tưởng tôi tên là Võ Thư Cưu vì sau buổi giảng thầy có dạy mỗi người sinh viên ghi tên họ và vài hàng về phân khoa mình đang theo học và trao hết để thầy biết về người đến học khóa này. Tôi quá cảm động về bài giảng của thầy, nên về nhà có ngồi viết lại từ những ghi chú của mình, thành một bài Phật pháp hẳn hoi. Tôi vẫn làm như thế mỗi khi nghe một bài giảng quá hay của thầy Thanh Từ và có khi thầy sử dụng bài tôi viết để đăng báo Từ Quang, xem như của thầy viết. Chủ nhật tuần sau, tôi đến sớm, trước giờ giảng, tôi có lên thưa với thầy Nhất Hạnh là bài thầy giảng tuần qua quá hay, con có viết lại, thành một bài giảng và nếu thầy thích con xin trình để thầy chữa lại và sử dụng tùy nghi. Thầy nhìn tôi gật đầu, và quay sang nói chuyện với anh Võ Đình Cường. Suốt buổi giảng và sau buổi giảng, không nghe thầy nói gì về bài tôi viết nên tôi nghĩ rằng thầy chẳng cần, nên bỏ qua. Sau này tôi mới biết thầy đã là nhà văn viết bao nhiêu cuốn sách rồi, quả thực là tôi như người “điếc không sợ súng”. Ba tuần sau, một hôm trong phòng giảng nhỏ bên hông giảng đường to chùa Xá Lợi, tôi đang ngồi dò bài Sinh Thực Vật trong khi chờ đến giờ thầy giảng, thầy đã đến gần tôi và nhỏ nhẹ hỏi: Bài con viết và hứa đưa cho thầy đâu? Tôi giật mình cười tươi: A, dạ thưa… để con đem trình thầy tuần sau, con tưởng thầy không thích. Sau giờ giảng thầy bảo chị Thu Hà đưa các bạn tới giới thiệu thầy. Chị Hà giới thiệu: Dạ đây là Phượng, thầy hơi ngạc nhiên, sau này thầy có nói là trong lòng thầy cứ đinh ninh tôi là Võ Thư Cưu. Tôi có một lời cầu xin: Bạch thầy, bạn con tại đại học Khoa Học, toàn là người vô thần hay đạo Thiên Chúa. Họ nhìn đạo Phật rất cạn, con mong thầy cho chúng con được gặp sau mùa thi, vì mùa này chúng con phải học thi. Con xin gặp thầy vào thứ bảy cuối tháng ba, khi chúng con đã thi xong rồi mà chưa đi nghỉ hè, tại chùa này, được không bạch thầy? Thầy gật đầu. Tôi không bỏ sót một buổi giảng nào của thầy nhưng giảng xong là tôi chạy nhanh về để học thi, để lo việc của xóm nghèo của tôi. Tôi phải thi đậu để ba tôi vui lòng và tôi phải theo dõi sự làm ăn lương thiện của các bạn có khuynh hướng cờ bạc nhậu nhẹt ở xóm nghèo Quốc Thanh, vì thế ngày nào tôi cũng ghé qua xóm, hỏi thăm các bạn buôn bán ra sao và đi thu tiền “nợ” một hay hai đồng mỗi ngày để các bà con không ỷ lại. Tiền này, tôi đã dùng cho người khác làm vốn buôn bán hàng rong nho nhỏ, hay trả lại cho họ khi họ thua lỗ. Bây giờ khi nghĩ lại tôi cũng vui, đúng là tôi đã tiếp nối sự nghiệp giúp đất cho những người tá điền của ba tôi. Tôi đã phụng sự đồng bào như nội tôi căn dặn.

Gặp vị thầy mong đợi

Cuối tháng ba 1960, thi đậu xong chứng chỉ Sinh Thực Vật, tôi đưa các bạn Duy, Tân Anh, Minh, Georgette, Đào… tới gặp thầy Nhất Hạnh ở Xá Lợi (Tôi nghĩ đơn giản, thầy thì phải ở chùa này vì mình học thầy ở đây, mới chấm dứt khóa học mười buổi chủ nhật vào đầu tháng hai dương lịch thì nay là cuối tháng ba thầy ở đây chứ đâu nữa?) Tôi tới trước hỏi thăm thì thiên hạ ở chùa cho biết thầy Nhất Hạnh đâu có ở đây. Hiện tại chỉ có thầy Thiện Châu cũng là giảng sư nổi tiếng miền Trung đang ở chùa Xá Lợi lúc này. Tôi đành lấy hẹn để đưa các bạn vào hỏi đạo. Thầy Thiện Châu giảng cũng hấp dẫn như thầy Huyền Vi, nhưng không sâu như thầy Nhất Hạnh. Thầy Thiện Châu trả lời cho các bạn của tôi cũng tàm tạm. Thôi kệ, có còn hơn không. Tháng Bảy tôi được tin thầy Thanh Từ sắp lên Sài Gòn khám bệnh, tôi vào thăm thầy ở chùa Ấn Quang. Đi ngang phòng tổ, tôi gặp được thầy Nhất Hạnh, tôi đến xá thầy và cũng để trách thầy đã không giữ lời hứa sẽ gặp tôi và các bạn tại Chùa Xá Lợi sau khi chúng tôi thi xong. Thầy giương mắt ngạc nhiên vì quên hẳn. Rồi thầy bảo tôi ghi địa chỉ thường trú của thầy là Phương Bối Am ở Bảo Lộc. Am ở trong rừng, thư không đưa tới nên phải gửi qua thầy Thanh Tuệ ở trường Bồ Đề Bảo Lộc. Thầy cũng bảo tôi cho thầy địa chỉ. Tôi giữ địa chỉ của thầy nhưng chẳng có bao nhiêu giờ để viết cho thầy. Sau khi tôi thi đậu Chứng Chỉ Sinh Thực Vật Học, giáo sư Phạm Hoàng Hộ khuyến khích tôi nên nghiên cứu ngay một công trình khảo cứu về rong nước ngọt. Trường đại học cho tôi số tiền hằng tháng, không phải để làm nhân viên sáng đi tối về mà để cho tiện việc tôi khảo cứu về khoa học. Giáo sư Hộ chuyên môn về rong biển và Việt Nam hiện nay đang thiếu chuyên môn về rong nước ngọt. Giáo sư sẵn sàng làm thầy bảo trợ và hướng dẫn cho tôi về công trình khảo cứu này. Tôi dạ dạ cho giáo sư Hộ vui nhưng tâm tôi đang ở xóm Mả Lạng Quốc Thanh và tôi cũng đang dành dụm tiền để lập một ni viện riêng cho chính mình sau khi thi xong cử nhân (cho ba tôi vui lòng). Xong cử nhân là tôi sẽ cạo đầu làm sư cô và giúp người đói khổ! Quê ơi là quê, tôi dốt nát về lễ nghi đạo Phật nên nghĩ thật đơn giản là muốn làm ni cô thì cứ tự cạo đầu là được!

Phước và Huệ hai sự thực tập cần thiết trên đường tu

Bỗng một hôm vào khoảng tháng Mười có một bức thư gửi cho tôi, nét chữ thật đặc biệt, tôi chưa từng thấy ai có nét chữ thanh tú và lạ lẫm rất đặc biệt như thế. Người gửi: Thầy, Phương Bối Am, Bảo Lộc. Tôi mở ra, trong thư chỉ có vài dòng ngắn ngủi: “Con, trời Phương Bối Am trên núi này đã trở lạnh, thầy đang bửa ci để nấu nước và nấu ăn. Đốt củi ướt có khá nhiều khói, nhưng rất dễ chịu khi bên trong am, lửa nổ lách tách và bên ngoài gió hú từng hồi.” Tôi cảm động và hối hận… Thầy đã dạy viết thư cho thầy mà tôi đã không viết gì hết, lại để cho thầy phải tự viết cho mình! Tôi bèn biên một thư thật dài trút hết ruột gan mà tôi “ấm ức” bấy lâu nay. Tôi thuật những chuyện tôi làm cho trẻ em đường phố, tôi tìm công ăn việc làm cho cô bác ở xóm Mả Lạng Quốc Thanh, tôi viết: Con thấy có cái gì bất công trong việc con có cơm ăn áo mặc, mà các đứa trẻ vô tội kia lại bị cái nghiệp quả gì mà khổ sở như kia. Giải thích về nghiệp báo cũng là một cách giải thích thôi, nhưng con phải làm ngay một việc gì cho các em đỡ khổ thì trái tim con mới bình an được. Nhiều thầy nhiều ni sư nói nếu con đi làm việc cứu kẻ sa cơ hoạn nạn là chỉ tu phước thôi. Không tu huệ, không thành Phật được. Con thì cảm thấy ngược lại, những điều kia, càng làm chuyện hữu ích nào cho ai thì con thấy mình gần Phật hơn và có bình an hơn. Con không cần tu phước tu huệ gì hết. Sự khổ đau vật chất và tinh thần của đồng bào con ở xóm lao động kia là có thật, con chỉ muốn chia sớt gánh nặng cho họ. Con không cần kiếp sau được sinh ra làm con gái nhà giàu, không cần làm công chúa giàu sang kiếp sau… Con không có thì giờ viết cho thầy chỉ để thăm hỏi. Con rất cần gặp thầy để hỏi vì sao Phật thì giỏi như vậy mà con Phật chẳng làm gì hết ?

Thầy đã trả lời thật dễ thương cho tôi, nói rằng: “Cái nhìn mà chia ra tu phước khác với tu huệ là còn nhị nguyên. Con cứ làm việc mà con ưu tư thao thức nhất. Con làm việc với tất cả tâm con trong chánh niệm, con sẽ luyện được định tâm trong từng hành động, có niệm có định rồi thì cái thấy sâu sắc sẽ xuất hiện, đó là bước đầu của tuệ giác, của giác ngộ. Ngày xưa có một vị tu sĩ chỉ phát nguyện vá lại hết những áo cũ của các bạn tu, nhưng thầy vừa vá áo vừa định tâm trong khi vá áo, không để tâm suy nghĩ thất tán trong khi vá cho tới một ngày, khi tâm định của thầy thật lớn thì thầy đã ngộ ra những công án sâu sắc mà thầy dày công tìm kiếm mà chưa tìm ra khi ngồi thiền. Và cứ thế thầy đạt được đến đại ngộ khi vá liên tiếp sáu mũi kim.’’

Ðược thầy soi sáng như thế tôi quá hạnh phúc, đây đúng là công án để tôi tu tập suy gẫm và hành trì suốt đời. Tôi suy gẫm thêm: Phước và huệ không thể tách rời, khi ta làm việc gì rất đẹp rất lành, sẽ có nhiều năng lượng lành bao trùm lấy người hành giả đó. Ta tạm gọi là làm phước, là có phước. Cái năng lượng đó tuy mắt không thấy nhưng đó là một loại năng lượng vô hình có thể che chở cho người đó trong những khi nguy biến. Nhưng nếu làm việc đó mà rất định tâm khi làm, nhờ định tâm nên nhìn sâu thấy kỹ, thật ý tứ, thấy thật rốt ráo từng hành động, làm như mình là tay mặt cần phải đến với người kia là tay trái để kéo tay trái ra khỏi tình huống khó khăn mà không cần tay trái phải cám ơn tay mặt! Vì có người khổ và mình đang ở trong thế giúp được thì cứ làm, không vì lợi, vì danh, không vì sẽ được phước báo chi hết, làm việc với tình thương, làm thật rốt ráo như làm cho chính mình, như tay mặt lo cho tay trái. Khi hành động, nhờ có định tâm nên thấy rất rõ nguyên nhân và hậu quả của hành động này, nên không để cho ai lợi dụng. Hành động có tình thương, có từ, có bi, có hỷ và có xả thì người hành giả cũng đang trau dồi huệ. Chúng ta chỉ cần làm những việc gì ta ưa thích nhất, ta có thể dần dần đi đến giác ngộ trên con đường hành động đó nếu ta luôn luôn nuôi dưỡng định trong từng hành động. Khi làm việc đó mình nên nhìn sâu để tự hỏi “hành động này có đủ từ bi không? có đủ hỷ và xả không? Hành động vì việc làm đó và vì lý tưởng làm lợi lạc cho người khác đó hay vì danh và vì lợi cho chính mình? Quán chiếu như vậy suốt ngày trong mọi công tác, mọi lời nói và mọi tư duy thì chúng ta vừa tu phước mà cũng vừa tu huệ.

Sau này tôi khám phá ra trong chúng tu học mà tôi được gần gũi, có người dù đã cạo đầu làm người xuất gia nhưng cách làm việc không có niệm và có định thì đó cũng chỉ là tu phước thôi, cũng nấu được mấy món chay đãi ba bốn trăm người đến tu học nhưng vừa nấu mà vừa trách người này làm không hay, bực người kia xắt miếng cà rốt quá dày… Tuy có thức ăn cho người ta thì chắc chắn là có phước nhưng vừa nấu vừa trách người này chê người kia thì không có tuệ. Nhưng nếu vừa nấu mà vừa chú tâm khi xắt gọt, quyết tâm đem tài khéo léo của mình học được mà làm cho món ăn ngon; vừa hạnh phúc vì được có thì giờ nấu cúng dường đại chúng, suốt buổi nấu ăn giữ tâm định trong từng hành động thì công phu của định càng lớn và cô ấy vừa tu phước mà cũng tu huệ. Vì làm xong ba nồi thức ăn to đãi khách (phước) mà cũng nuôi dưỡng được ba bốn giờ trong định tâm.

Trong nhiều tu viện Phật Giáo và ngay cả trong tu viện Làng Mai cũng có người chỉ tu phước và cũng có người vừa tu phước vừa tu huệ. Ví dụ một sư cô hay một sư chú chỉ mong làm sao cho được nhiều việc nhất cho chúng, nào nấu ăn, quét nhà, làm vườn, rửa dọn, làm thật nhanh cho mau, cho được việc nhưng khi làm không có niệm (tâm KHÔNG an trú trong phút giây làm việc ấy vì mong làm cho mau để làm tiếp việc khác…) Như thế thì dù đang ở chùa, sư cô hay sư chú ấy cũng chỉ tu phước thôi. Còn một sư chú hay một sư cô khác thì làm việc nào cũng an trú thảnh thơi định tâm trong phút giây hiện tại, tập luyện định tâm suốt ngày thì dù chỉ quét và lau nhà, lau cầu vệ sinh thì sư chú ấy, sư cô ấy cũng tu huệ.

Nhờ sự dạy dỗ của thầy ngay từ lúc mới được gặp thầy nên tôi hạnh phúc quá! Thế thì ngày nào khi đi xe máy vào xóm nghèo mà trong khi ngồi trên xe, tâm tôi định trong phút giây hiện tại, nhìn trước nhìn sau để không đụng ai, lái cho đẹp cho đúng luật, không tính toán trước. Tới xóm nghèo nếu tình trạng không như ý, nếu mọi việc trở nên khó khăn, tôi sẽ tập định tâm, nhìn sâu hơn công việc ấy, khi bực mình sắp trách móc thì tôi sẽ tập dừng lại, cho thêm vào vài giọt nước từ bi thanh lương cho lòng tôi mát lại và nhờ thế cách nói năng hành xử của tôi cũng nhẹ nhàng hơn. Có khi cần nghiêm nghị để các bạn nghèo không lợi dụng, không lờn thì tôi cũng phải làm nghiêm nhưng không làm thương tổn người ta. Làm mặt nghiêm mà trong tâm thì thương, không giận hờn, và nếu cần làm mạnh như trừng phạt thì cũng làm trong tinh thần để giúp họ gắng sửa đổi chứ không phải để trừng phạt cho họ khổ cho hả dạ mình. Tôi tập trình bày sao để cho người lầm lỡ hối hận thật tình và cố gắng sửa đổi vì thương tôi, sợ tôi buồn mà họ sửa tánh chứ không phải vì sợ tôi trừng phạt. Như vậy thì làm việc ở Xóm Nghèo, tôi vừa tu phước mà đương nhiên cũng là tu huệ.

Thầy có dạy là nhóm Phật tử lo cho các bạn nghèo của tôi không phải là nhóm Phật tử duy nhất làm chuyện này đâu. Có rất nhiều tấm lòng thương Phật, thương người khổ như chúng tôi đang âm thầm làm rải rác nơi này nơi kia. Thầy đang có một số dự án cần thực hiện nên thầy chưa giúp chúng tôi được lúc này, nhưng năm tới, khi làm xong chương trình khảo cứu tôn giáo tỷ giáo ở đại học Princeton về, thầy sẽ giúp chúng tôi làm một cuộc cách mạng xã hội theo tinh thần và những nguyên tắc Bụt dạy. Thầy sẽ đem các nhóm lại với nhau.

Tự tìm lấy câu trả lời bằng sự quán chiếu

Còn một việc mà cách thầy Nhất Hạnh dạy rất khác thầy Thanh Từ là mỗi khi tôi hỏi thầy Thanh Từ câu gì thì thầy đều trả lời thông suốt và thỏa đáng. Nhưng thầy Nhất Hạnh thì không. Thầy không bao giờ trả lời những câu hỏi của tôi cả. Thầy dạy tôi nhìn sâu hơn và quán chiếu kỹ hơn. Nếu là câu trả lời do chính tôi khám phá ra thì nó có thực chất hơn, và tôi sẽ tu tập cái khám phá đó kỹ hơn và thuyết phục được người nghe bằng cách hành xử của tôi hơn. Ví dụ thay vì nói: Phật dạy ai cũng có Phật tánh, cũng thành Phật được dù con người hay thú vật. Vì thế ta không ăn thịt thú vật vì con thú đó cũng khổ đau sợ bị giết như mình. Thì thầy Nhất Hạnh dạy tôi tự quán chiếu và nhìn sâu hơn để tự khám phá lấy xem con vật có phải do tạo hóa sinh ra cho mình ăn thịt không. Nhìn vào miếng thịt gà vừa luộc với lá chanh, thơm ngon… tôi tập nhìn sâu hơn để nhớ rõ chị người làm phải dùng chân của chị, đạp hai cẳng con gà lại, cầm cái đầu nó kéo ra, và tay kia thì cầm con dao thật bén kéo cổ con gà ra để khứa cổ nó. Nó giãy giụa thật tội nghiệp và lăn ra chết. Thương ơi là thương. Nhìn sâu và thấy được từng ấy khổ đau của con gà thì làm sao ta có can đảm ăn thịt con gà. Tôi chỉ cần mời các bạn Công giáo nhìn kỹ như tôi và phát lòng thương thì chị em đâu có cần cãi cọ chi. Chúa là tình yêu, Chúa là ánh sáng, chắc Chúa không muốn mình trói gô bốn chân con heo và cầm con dao nhọn thật dài thọc vào yết hầu con heo để máu nó phun vọt ra nhiều đến phải đem nguyên một cái thau to mà hứng, nó nằm chết chèo queo. Xác to gần bằng xác người, thấy thương đứt ruột, rồi mình xẻ thịt nó mà ăn. Ăn làm sao nổi, những bạn con của Chúa Tình Yêu ơi. Tôi chỉ cần chia sẻ như thế thì các bạn Công Giáo kia sẽ thương liền và không cãi cọ nữa.

Bánh chưng gửi từ Phương Bối Am vào dịp Tết

Mồng ba Tết năm 1961, có một sư chú độ 17 tuổi đem đến tận nhà trọ của tôi một chiếc bánh chưng, gói vuông vắn thật đẹp, sư chú Thanh Hiện. Sư chú tả cho tôi nghe Tết ở Phương Bối Am vui như thế nào, chỉ có những sư chú thân thương với thầy, thầy trò gói bánh chưng ban ngày và cùng đốt lửa giữa rừng để nấu bánh chưng và nói chuyện thi văn đêm giao thừa. Sư chú quá thương thầy nên kể đủ thứ chuyện về thầy cho tôi nghe, rằng thầy rất tài ba (thầy đậu thủ khoa tất cả những chứng chỉ ở Ðại Học Văn Khoa), thầy có tâm làm mới đạo Bụt nhưng rất là cô đơn trên con đường cải cách trình bày những điều Bụt dạy, thầy rất cô đơn trên con đường muốn tổ chức lại cơ cấu giáo hội cho đúng theo lục hòa, trên con đường muốn làm cách mạng đạo Phật. Quý vị lớn thay vì nâng đỡ thầy thì chỉ chê bai. Sư chú nói thầy là chủ bút tờ nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, cơ quan văn hóa của Tổng Hội PGVN cho Phật tử toàn quốc, hay vô cùng! Trong đó thầy lấy bút hiệu Tâm Quán để viết những kinh nghiệm tu học của một chú sa di tại chùa tổ của thầy là tu viện Từ Hiếu, thầy lấy bút hiệu Dã Thảo để phê bình văn học Tây phương dưới cái nhìn của Phật giáo, thầy lấy bút hiệu Thạc Đức để nói về thời sự, về chỗ đứng của Phật giáo trong lòng dân tộc thuộc hai miền đất nước, về vai trò hiện tại của Phật giáo, thầy lấy bút hiệu Phương Bối để viết về những bài Phật học căn bản như Bát Chánh đạo, Tứ Diệu Đế, Tứ Chánh Cần, thầy chỉ để tên Nhất Hạnh khi thầy ký tên những bài thơ như “Hãy nguyện cầu cho bóng tối thêm sâu hỡi ngàn sao lấp lánh“:

Đã không nguyện cầu cho trời êm bể lặng

Nhưng nguyện cầu cho chân cứng đá mềm.

Thầy soạn một số bài Phật học dùm cho Thượng Tọa Đốc Giáo chùa Ấn Quang trong bộ Phật Pháp Phổ Thông, thầy nhuận thơ cho một thượng tọa thi sĩ mà không ai biết và rất phục thi sĩ, thầy có nhiều mật hạnh (hạnh làm âm thầm yên lặng), và nhờ là thị giả của thầy nên sư chú thấy hết chứ thầy không nói đâu. Rất ít ai biết tất cả những hạnh mà thầy làm lắm. Thầy không nói cho các sư chú biết nhưng sư chú nào cũng thương thầy. Khi thầy đi chơi chung với các sư chú không ai biết là thầy đã là giáo thọ. Học tăng nào cũng thương thầy. Phòng thầy không có các ông bà nhà giàu đến cúng dường, nhưng lúc nào cũng đầy các chú học tăng trẻ, thương thầy như anh, như cha, như thầy. Có nhiều khi thầy sốt mà không có một đồng bạc mua thuốc, chỉ trông nhờ các sư chú cạo gió xoa bóp cho thầy thôi. Sư chú nói thầy cùng với thầy Trí Hữu lập Chùa Ứng Quang sau đổi thành Ấn Quang, thầy giúp các vị lớn như thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa lập giáo trình để thành lập Phật học đường Nam Việt. Thầy dạy các sư chú như Trí Không, Minh Cảnh, Chơn Lễ, Đức Niệm, Hồng Huệ… về Phật pháp, thầy cũng dạy các thầy giảng sư lớn về triết học Tây Phương và Phật Giáo – trong những vị này có những vị như thầy Huyền Vi, thầy Thanh Từ… nữa. Nhưng trong chùa có nhiều vị không hiểu thầy nên một hôm thầy đi dạy ở Đà Lạt về thì tên thầy bị xóa trong hộ khẩu chùa Ấn Quang. Thời này còn Pháp thuộc, nếu tên mình không có trong chùa cũng sẽ bị khó khăn lắm. Chắc là thầy có buồn nhưng những lúc như vậy thầy không bao giờ phản ứng mà chỉ rút lui về Phương Bối Am để đi rừng chơi, đọc thơ và ngồi thiền, đi thiền… Tôi ngồi lắng nghe say sưa những hạnh nguyện của thầy và từ đó tôi tìm đọc tất cả sách của thầy viết. Tôi cũng tìm cách làm quen với các thầy khác, các sư chú khác như Chơn Lễ, Trí Không, Hồng Huệ, Minh Cảnh, Thiện Tánh… có được biết thầy để nghe lại xem có thật những điều sư chú Thanh Hiện nói là đúng không, kẻo chú Thanh Hiện vì thương thầy quá nói không thật thì sao?

Những cây tùng cây bá cho ngôi nhà mới của đạo Phật

Tháng Hai năm 1961 thầy lại về Sài Gòn và đề nghị thầy Quảng Liên, thầy Thiện Châu mỗi vị giảng một chủ nhật cho sinh viên học sinh trong vòng ba tháng tại chùa Ấn Quang. Sau buổi thuyết pháp đầu của thầy tại chùa Ấn Quang, bỗng có hai nam sinh viên nói giọng hơi hơi Bắc đến mời tôi và em Cao Ngọc Thanh, em Mười của tôi, lên hầu chuyện với thầy Nhất Hạnh cùng với một số bạn sinh viên đại học Sài Gòn khác. Hôm đó chỉ có những sinh viên sau đây: anh Huỳnh Bá Dương, anh Huỳnh Bá Huệ Dương (em ruột của anh Huỳnh Bá Dương), anh Tôn Thất Chiểu, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chị Phạm Thị Ngọc Liên, chị Cao Ngọc Phượng, chị Cao Ngọc Thanh, chị Lê Kim Chi, chị Trương Thị Nhiên, anh Ðỗ Tuấn Khanh (hai chị Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Ngọc Bích và anh Đặng Ngọc Cương đến sau vài tuần). Thầy thuật cho chúng tôi nghe là thầy có niềm tin nơi đạo Bụt, vốn đã rất thành công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước và đưa đất nước vượt khỏi ách ngoại xâm suốt 300 năm trong thời Lý Trần. Giờ đây nếu ta tu học và hành đạo đúng đắn, ta cũng sẽ làm được như tổ tiên đã làm. Thầy nhớ phong trào canh tân Phật Giáo những năm 1930 – 1945 chỉ bắt đầu bằng một nhóm thanh niên theo học với đạo hữu Lê Ðình Thám. Sau khóa Phật học Ðức Dục với hai vị này (là cụ Thám và thầy Tri Do) cả phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung được hưng thịnh nhờ mỗi học viên sau đó đã trở thành những cán bộ nòng cốt, những cây tùng cây bá của phong trào. Thầy mong đào tạo các con thành những cây tùng cây bá nâng đỡ cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, làm mới lại những điều Phật dạy cho khế cơ. Thầy nói khế cơ phải đi đôi với khế lý để không được đi trật điều Phật dạy. Khi thầy giảng trên bục đã hay rồi mà khi ngồi nghe thầy chia sẻ chúng tôi như được đưa vào khung trời tâm linh của thầy thật im mát mà thật thâm sâu. Mười ba anh chị sinh viên ngồi như bị thôi miên không nói được lời nào. Chúng tôi cứ nói riêng với nhau là sao khi thầy nói chuyện với một nhóm nhỏ tụi mình thì như tất cả mọi người đều được đưa vào khung trời thân thương thâm sâu và đầy ánh sáng của lý tưởng phụng sự. Không còn gì để lý luận và bàn cãi. Thầy với mình là một, thầy với lý tưởng là một. Thầy và trò cùng đi thôi, không cần bàn cãi. Thiếu chỗ này mình thưa thì thầy làm, sai chỗ kia thầy dạy thì mình nghe và vì quá đúng ý mình nên mình làm thôi chứ không phải bị buộc làm theo vì mù quáng vâng lệnh.

Bốn chục năm sau tôi mới thấy đúng là ngay từ lúc ấy, thầy đã đưa chúng tôi đi vào dòng sông lý tưởng. Thầy trò cùng đi như một dòng sông. Mọi người có một niềm tin tuyệt đối nơi thầy. Thầy nói mỗi ba tuần thầy sẽ giảng tại Chùa Ấn Quang một lần cho đại đa số quần chúng, vì có thầy Quảng Liên và Thiện Châu sẽ giảng hai chủ nhật kế tiếp, nhưng mỗi chiều chủ nhật thầy mời các con tới đây học giáo lý với thầy cho có những hiểu biết căn bản về những điều Bụt dạy. Chúng ta tiếp tục việc làm của đạo hữu Lê Đình Thám cho nhóm Thanh Niên Phật Học Đức Dục tại Huế những năm 1930 -1940 vậy.

Chúng tôi đã không phụ lòng thầy, sau này mỗi anh chị em học trò của lớp này mỗi người đi phụng sự một cách khác nhau, nhưng cùng chung một hướng lý tưởng, trở thành những cây tùng cây bá của ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Anh Huỳnh Bá Huệ Dương trở nên cánh tay tổ chức hạ tầng cơ sở Phật tử thật tài tình để giúp thật hữu hiệu cuộc tranh đấu chống chánh quyền độc tài Ngô Ðình Diệm, sau đó anh lãnh đạo Vụ Trưởng Vụ Thanh Niên Phật Tử trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964. Anh Tôn Thất Chiểu cũng là đoàn viên xuất sắc của đoàn Sinh Viên Phật Tử sau này, chị Thu Hà (sau này là sư cô Thuần Đức) và em Cao Ngọc Thanh lập nhà xuất bản Lá Bối cùng với thầy Thanh Tuệ, chị Trương Thị Nhiên, phu quân là anh Phạm Văn Điến, chị Lê Kim Chi và phu quân là anh Nguyễn Văn Tiếng (cả hai vị bác sĩ này chăm sóc sức khỏe cho tất cả tu sĩ ở tu viện Lộc Uyển thật hết lòng).

Tôi và em Mười Cao Ngọc Thanh rất nghịch (nhưng nghịch ngầm nên chỉ có hai chị em biết). Hai chị em đặt đủ thứ tên nhỏ cho từng nhân vật trong vòng đệ tử của thầy tại Sài Gòn. Anh Huỳnh Bá Dương lúc nào cũng mang tượng Bụt bằng sợi dây nhung đen trên cổ nên chị em tôi gọi anh là “chàng sợi dây nhung đen”, anh Huỳnh Bá Huệ Dương cao lớn nhưng hơi tròn trịa nên chị em nhà này gọi “huệ Đà Lạt” vì huệ Đà Lạt (tức là bông lys đó) to hơn huệ thường cúng Phật, tròn trịa như anh Huệ Dương thì chỉ có thể là huệ Đà Lạt thôi! Chị Thu Hà là “triết gia” vì chị hay có những tư tưởng thâm trầm và sâu sắc. Có một anh trong Gia Đình Phật Tử Chùa Xá Lợi thấy hai chị em nhà này không chịu vào GĐPT mà cứ đứng nhìn cười hoài như chế giễu (vì thấy cái anh chàng đó lớn quá, già rồi mà cứ quây một vòng nhảy mà chơi, nhảy tưng tưng như trẻ con, thổi tu huýt toe toe như lấy le). Thấy chúng tôi cười, anh ấy giận lắm cứ nhìn chúng tôi vừa bậm môi vừa trợn mắt dọa dẫm. Thế là chúng tôi cho anh đó tên “chàng bậm môi trợn mắt”. Lê Kim Chi rất xinh, nũng nịu, nhõng nhẽo với đại đức Narada và với quý thầy hoài nên chúng tôi gọi là “tiểu thư”, Trương Thị Nhiên rất là im lặng và đảm đang. Trong khi chúng tôi ngồi nghe thầy giảng dạy say mê, chẳng đứa nào biết làm chi cúng dường cho thầy hết thì Nhiên lẳng lặng đi pha trà cho thầy nên chúng tôi gọi thầm là “mẹ Việt Nam”.

Con có còn chiếc áo nào đẹp hơn cái áo này không ?

Hôm đó là buổi giảng thứ hai của thầy ở chùa Ấn Quang, giảng xong thầy nhờ một sư chú gọi tôi vào phòng khách cho thầy gặp. Tôi hớn hở được thầy cho gặp riêng, ai dè vừa vào thì thầy hỏi: Con còn chiếc áo dài nào đẹp hơn chiếc áo con đang mặc này không? Tôi nhìn xuống chiếc áo dài nâu rộng thùng thình (theo lối áo các em tập sự xuất gia ở Làng Mai) và bỗng tủi thân khóc! Ở nhà ai cũng chê tôi ăn mặc lôi thôi thì kệ họ, nhưng mà chính thầy, vị thầy quý kính mà tôi nghĩ đã hiểu tôi rất nhiều, cũng chê thì không tủi thân sao được? Thầy phải tự hiểu rằng vì tôi dành tất cả thì giờ trong đời mình cho người nghèo khổ thì tôi phải ăn mặc thật nghèo cho giống họ chớ?

Thầy tỏ vẻ lúng túng khi thấy tôi khóc, nhưng rồi thầy dịu dàng nói: Cái đẹp của một người cần được thể hiện từ trong ra ngoài. Con không cần mua áo sang trọng đắt tiền để mặc. Tâm hồn đẹp của con phải được thể hiện bằng cách đi đứng nói năng và chiếc áo, dù rằng rẻ tiền nhưng trang nhã. Mai này khi đi tu con sẽ cạo đầu, con sẽ mặc chiếc áo sư cô, nhưng cũng thật trang nhã. Còn bây giờ, con còn là một cư sĩ, con phải ăn mặc bình thường nhưng trang nhã để khuyến khích các bạn muốn sống đời thánh thiện như con cũng ăn mặc như con và đi làm đẹp cuộc đời như con.

Trung học miễn phí dạy mỗi tối tại chùa Giác Ngộ

Chỉ còn một tháng nữa là thầy đi Hoa Kỳ, chúng tôi tranh thủ đi thăm thầy ở Chùa Trúc Lâm ở Bà Quẹo (thuộc tỉnh Gia Định), mỗi chiều sau giờ học. Mười mấy đứa “bè lũ” ngồi trong chiếc cốc nhỏ xíu của thầy, nghe thầy đọc thơ, bình thơ đạo, thơ Đường, dạy Phật học tối tối… Khuya 11 giờ mới chở nhau về. Anh chị em chở nhau, bảy xe máy đi hàng ngang, ngang tàng giữa đường khuya Sài Gòn rất là vui.

Sau khi thầy đi Hoa Kỳ, chúng tôi quyết định lập một trường trung học tư miễn phí cho người nghèo, những người phải đi làm thuê cả ngày chỉ có tối mới có giờ đi học. Trường lập tại chùa Giác Ngộ. Tôi dạy Hóa, anh Huệ Dương dạy Toán, anh Khanh dạy Lý, Tôn Thất Chiểu dạy Anh văn, Chị Hà dạy Văn chương, Chi và Nhiên dạy Pháp văn. Dạy xong “bè lũ” cũng về khuya và cũng đi xe máy hàng ngang ngang tàng như hồi đi Chùa Trúc Lâm ở Bà Quẹo thăm thầy tối tối. Ôi những cây tùng thân thương năm 1960 của thầy sao mà đẹp quá!