Chương 1: Gốc rễ

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không


Phước đức, hạt giống thương yêu

Tôi sinh vào năm Cọp, 1938, tại xã An Hội tỉnh Bến Tre, người con áp út trong gia đình, bảy gái, hai trai. Gia đình bên nội tôi, di cư vào Nam từ xứ Quảng (Quảng Nam hay Quảng Ngãi chi đó), đã tám đời làm nghề nông ở làng An Định, huyện Mỏ Cày. Ruộng đồng trên châu thổ sông Cửu Long rất màu mỡ, cây trái nào trồng ở đây cũng trĩu nặng quả thật to mà không cần phân bón. Vừa rời phà Rạch Miễu, bước chân lên bờ là bạn sẽ thấy xanh mướt những dừa là dừa, những cây chuối, bụi chuối, và những vườn chuối nhiều như rừng. Cây chuối, cây dừa nào cũng mập, bụ bẫm, chứ không khẳng khiu như các thân chuối ở đèo chuối Tây Nguyên. Thôn làng nam Việt Nam thời xưa được chăm sóc bởi Ban Hội Tề gồm mười hai vị, ông nội tôi được bầu làm thủ bổn Ban Hội Tề suốt cả đời ông, vì ở xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre ông nổi tiếng là rạch ròi về tiền bạc, liêm khiết và đức hạnh. Mỗi khi có lụt lội hay hạn hán Nội tôi thường yêu cầu Ban Hội Tề cho xuất quỹ làng nộp thuế đinh cho nhà nước thay cho những người dân nghèo không đủ ăn và không đủ tiền nộp thuế. Riêng phần Nội tôi, khi có thiên tai thì đã không lấy thóc của người tá điền mướn đất làm thuê của mình, mà còn chia cho họ thêm lúa gạo của nhà khi nhà họ đói, số gạo mà chính Nội tôi và các bác tôi trồng, cấy và gặt, cũng còn là gạo thừa của các năm trước. Nội tôi thường nói với các bác, với ba tôi và với chúng tôi rằng: “Nội không nhiều ruộng vườn và tiền bạc như những nhà giàu ở An Định Mỏ Cày, Bến Tre, nhưng Nội để dành cho các con và các cháu của Nội nhiều phước đức. Các con cháu ráng mà sống cho có phước đức như Nội, ăn nhiều đời cũng không hết, ráng sống xứng đáng như Nội đối với gia đình đã đành và nhất là đối với đồng bào và đất nước mình”. Có thể vì thế mà con cháu của Nội hưởng nhiều phước đức của người. Đứa nào cũng có rất nhiều duyên may.

Gia đình bên ngoại tôi có một siêu thị lớn ở thị xã Bến Tre. Nghe má tôi nói rằng ông ngoại nhờ trí nhớ tài tình – Ngoại thuộc lòng cả cuốn tự điển Pháp Việt thời đó – nên tự biên thư sang Pháp đặt và nhập cảng những mặt hàng của Âu Châu như xoa (soie) Pháp, giày Bata, nón Tây và nhiều loại hàng hóa như một siêu thị của Pháp, nhờ thế gia đình cũng khá giả. Bà ngoại tôi chết sớm khi má tôi mới bảy tuổi và má tôi có người chị thứ sáu đảm đang, đứng ra lo chăm sóc siêu thị và dạy dỗ cậu Bảy tôi, má tôi và dì Chín. Mùa đông nào ông ngoại tôi cũng dạy các dì tôi đi mua chiếu để phát cho những người không nhà, nằm co ro ngủ trong các chợ trời hay các vỉa hè. Cậu tôi cũng đem tặng quà cho tù nhân hai lần mỗi năm.

 

Ba tôi

Ba tôi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định về ngành vẽ truyền thần – trên tường nhà chúng tôi có hình ông bà nội, ông bà ngoại thật to 1mx1,50m do ba tôi vẽ thật sống động, như là người thật vậy. Vì nghề hội họa không đủ nuôi chín đứa con nên ba tôi chuyển sang ngành vẽ nhà cửa, vẽ công sở, đường sá, trường học cho Sở Công Chánh. Mỗi khi vẽ xong một trường học cho xã nào đó, ba tôi biết tính toán giúp luôn cho chương trình. Ví dụ như muốn hoàn thành xây một trường học thì công trình cần bao nhiêu bao xi măng, bao nhiêu thước cát, thước sạn, bao nhiêu kí sắt và bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu miếng ngói. Ông kỹ sư Trưởng Ty Công Chánh, người Pháp, rất phục ba tôi vì ông thấy xây cất xong, công trình chỉ dư nửa bao xi măng và vài viên gạch bể mà thôi. Ông kỹ sư tự thú là không tính được như vậy nên rất quý mến ba tôi. Nhiều người giàu có trong tỉnh nghe tài ba tôi nên hay nhờ ba tôi vẽ giúp ngôi nhà tương lai của họ, tính toán vật liệu xây cất giúp… (thời đó ở quê tôi chưa có ông kiến trúc sư nào hết). Vẽ nhà, xây cất, làm ngoài giờ làm việc nên ba tôi cũng có dư chút tiền. Dư đồng nào ba tôi hay mua ruộng và giao cho mươi người tá điền chăm lo. Mỗi năm họ đem tới cho ba tôi tiền bán lúa phần mướn đất của ba. Khi nào lụt lội hay hạn hán, ba cho miễn luôn việc trả lúa, nhưng khi được mùa ba tôi luôn khuyên họ nên để dành tiền, đưa cho ba tôi giữ và khi trả đủ tiền mua đất, ba làm giấy sang tên để họ được làm chủ đất của mình. Hơn mười hai người tá điền nhờ sự giúp đỡ của ba tôi mà trở thành chủ đất. Họ thương ba tôi còn hơn người thân của họ, vì thế khi Việt Minh đảo chánh Nhật và Pháp, bần cố nông lên nắm chính quyền, Việt Minh đã bắt tất cả những người làm việc trong chánh quyền thuộc địa trong đó có ba tôi. Nhưng chỉ vài tuần sau là ba tôi được trả tự do với một số ít người, số còn lại gần một trăm người bị thủ tiêu nơi nào mà gia đình cũng không tìm được tung tích. Ba tôi hay căn dặn: “Đi chợ trời, nếu các con thấy những người đứng bán vài bó bông súng, rau dừa, rau muống… giữa trời, cả buổi sáng để kiếm vài đồng nuôi gia đình, các con không được quyền trả giá nghe chưa? Vài đồng đối với họ là lớn lắm, đủ mua thêm gạo nuôi con họ.” Và tôi đã đem trái tim thương người nông dân của ba đi về tương lai. Tôi đang sống điều ước mơ của Nội: ráng sống xứng đáng với đồng bào và đất nước.

Má tôi

Má tôi cũng làm ra nhiều tiền nhờ nghề dạy nữ công gia chánh cho con gái nhà nề nếp. Họ tới nhà chúng tôi ở vài ngày hay vài tuần học thêu thùa, cắt may hay nấu những món khéo léo trước khi đi lấy chồng. Tiền công dạy học, má tôi mua cho mỗi con một ít nữ trang (một loại quỹ tiết kiệm) và giúp cho những người hàng xóm nghèo gầy vốn làm ăn sinh sống. Giúp một gia đình nghèo này mở quán cơm sáng cho dân lao động, giúp một chị chồng chết một ít tiền làm vốn đi bán chè xôi… Nếu làm ra tiền họ sẽ trả lại cho má tôi, nếu vì lý do nào thua lỗ thì má tôi cho luôn, không đòi nợ họ. Và họ đều trở thành con cháu trong nhà, xem má tôi là bà ngoại bà nội của họ.

Ba má tôi giống như hai cây sồi to lớn che chở không biết bao nhiêu sinh vật quay về nương tựa. Trong đại gia đình ở xã An Định, chỉ có ba tôi là người duy nhất có nhà ở thành phố Bến Tre. Toàn tỉnh này thời đó, chỉ ở thị xã Bến Tre mới có trường tiểu học. Nhỏ nhất là lớp Năm vỡ lòng rồi đến lớp Năm biết chữ, lớp Tư, lớp Ba. Sau năm lớp Ba sẽ được thi bằng Sơ Học Certificat d’Etudes Elémentaires. Xong mới lên lớp Nhì Một (Cours Moyen Premiere Année) và lớp Nhì Hai (Cours Moyen deuxième année) rồi lớp Nhất. Cuối năm lớp Nhất sẽ được thi bằng cấp cao nhất tỉnh Bến Tre là Certificat d’Etudes Primaires. Mỗi khi tới mùa thi Certificat d’Etudes Primaires là thành phố Bến Tre bỗng vui nhộn vì rất đông học trò từ các huyện về thi Tốt Nghiệp Tiểu Học: học sinh từ Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri và Tân Thuận… đều về trường tỉnh mới được thi. Thi đậu xong mà muốn học lên Trung Học phải đi Mỹ Tho (Tiền Giang bây giờ) để dự cuộc thi tuyển, không phải người có tiền muốn đi học trung học là được. Mỗi năm Collège de Mỹ Tho chỉ chọn hai trăm học trò cho cả ba tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho và Trà Vinh. Dân Bến Tre thường nổi tiếng chiếm sáu bảy vị trí đầu tiên vào Collège de Mỹ Tho. Các nhà khá giả hơn mới cho con lên Sài Gòn thi tuyển vào Collège Petrus Ký (cho nam học sinh) hay Gia Long (cho nữ học sinh). Học trường tiểu học cho tới lớp nhất là cao nhất, vì thế nên các con của bác Hai, bác Ba, bác Tư, bác Sáu, bác Chín và cô Út đều sang nhà của ba má tôi mà ở, ăn cơm và đi học tiểu học. Khi tôi 5 tuổi thì ba má tôi nuôi đến 22 “người con” vốn là các con của bác Hai, bác Ba, bác Tư, bác Sáu, bác Chín, cô Nhứt và có khi cả các con nhà chú nhà bác anh em họ của ba tôi nữa. Hai mươi hai miệng ăn toàn là con các chú cô của tôi nhưng nhà lại có thêm một cô bé lớn hơn tôi hai tuổi, chị Bê từ Huế vào. Dì Sáu tôi có chồng người Huế, dượng tôi là ông hoàng Ưng Lê thuộc phủ An Hiệp. Mỗi khi ngoài ấy có thiên tai, dì hay nhờ má tôi nuôi giúp vài trẻ nhỏ cha mẹ nghèo nuôi không nổi sau những trận lụt lội lớn và đói kém. Ba má tôi nuôi các cháu, cho ăn học và tới 18 tuổi thì cho phép các vị đó được trở về quê làm việc nuôi gia đình. Khi tôi ba tuổi thì nhà đã có chị Bê, chị mới năm tuổi, được dì tôi gửi từ Huế vào. Má tôi cũng hứa khi được 18 tuổi sẽ cho chị về lại nuôi gia đình chị. Nuôi hai mươi hai miệng ăn không phải là chuyện dễ. Tới giờ ăn, đứa trẻ nào cũng ưa dành phần mình miếng thịt nướng hay phiến cá to và không bao giờ hài lòng với phần được chia. Vì thế chị Hai (cả) tôi phải chọn 22 miếng thịt hay 22 phiến cá, để thành vòng trên một chiếc mâm to, trước mỗi phần là một vài hạt cơm làm dấu. Chị đậy các phần lại bằng chiếc mâm thứ hai hay chiếc lồng bàn. Chị xoay mâm một vòng và dừng lại, các trẻ xúm nhau bốc một phần. Đôi khi miếng cơm làm dấu bên ngoài khá to mà miếng cá bên trong nhỏ xíu! Nhưng mà mình đã lỡ bắt thì phải chịu thôi.

 

SCCK va Gia dinh.png

Sư cô Chân Không (khi còn nhỏ) và đại gia đình

 

Thanh quản của má

Má tôi hay làm thơ và ưa hát nên mấy anh chị em chúng tôi đều hát được. Sau này hai người con của má hay ca hát cho mọi người nghe là anh Sáu tôi và tôi, mặc dù chị Năm, chị Bảy và em Mười tôi cũng hát rất hay. Ngày xưa anh Năm yêu chị Năm cũng vì anh đàn guitare và chị Năm hát, anh Bảy yêu chị Bảy vì cũng đệm đàn và cùng nhau hát. Anh Bảy cũng rất nghệ sĩ, đàn và hát hay lắm, mà vì chiến tranh nên phải vào trường Võ Bị Đà Lạt và sau này chết ở chiến trường. Em Mười tôi cũng hát rất hay trong Ðoàn Sinh Viên Phật Tử và tôi nhớ nhiều cháu con của chị Ba tôi như Gaby, Danielle, con chị Bảy tôi là Thúy đều có giọng hát rất hay. Di thể ưa hát của má đã truyền đến anh Sáu tôi, biến thành những thanh quản kỳ diệu. Ca sĩ Cao Thái là anh thứ sáu của tôi đã làm bao nhiêu khán giả từ Âu sang Á say mê. Tôi thì không cho chuyện ca hát là quan trọng mặc dù miệng tôi lúc nào cũng ưa hát. Tôi ham làm một trăm việc khác, cũng từ những di thể từ bi của ba má và nội ngoại nên không bao giờ đi hát chuyên nghiệp như anh Sáu Cao Thái của tôi. Không ngờ trong mấy mươi năm gần đây, tôi theo Thầy đi dạy thiền quán, khi dạy về Niệm thân trong thân, tôi hướng dẫn thiền sinh nằm buông thư để phục hồi sự an bình và tôi khe khẽ hát. Tôi phổ nhạc những bài thơ của thầy Nhất Hạnh như bài Những Viên Ngọc Quý, Đây Là Tịnh Độ, Con Cá Dung Thông… Tôi dựa theo các bản dân ca như Lý Con Sáo rồi tự sáng tác thêm lời thành Lý Ngồi Thiền, Cơn Giận Thành Hồ Sen để giúp người tu học. Các bài dân ca như Lý Giang Nam, Lý Đan Đệm đều được tôi viết lời mới và tự hát giúp thiên hạ nằm buông thư… Bài dân ca Qua Cầu Gió Bay được anh Chân Sinh đổi thành lời tu học cũng được tôi sử dụng để dạy cho thiền sinh Việt Nam, ai cũng thích… Une chanson Douce của Henri Salvador, nhạc Lullaby của Schwartz tặng con của Mozart, tôi đặt lời Pháp, Anh và Việt… Hàng ngàn thiền sinh Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hòa Lan và Việt Nam bỗng yêu thích giọng hát nhẹ nhàng của tôi vô cùng. Không định làm ca sĩ mà có thể đĩa hát của tôi được phổ biến hàng chục ngàn bản rồi, hơn đĩa của Ca Sĩ Cao Thái nhiều lắm. Tôi hay nói thầm: Má ơi, má có biết là những thanh quản của má lên đường đi rất xa không? Có những thanh thiếu niên Hòa Lan, Pháp, Hoa Kỳ và Đức, được mẹ đưa tới chào tôi: Vì sư cô đã ru cháu ngủ bốn năm nay rồi..! hay ba năm nay rồi..! Trước đó cháu bị chứng bệnh trầm cảm nặng, sư cô đã cứu cháu! Nhiều người Đức, Hòa Lan, Hoa Kỳ cứ tới khóa tu của Sư Ông thì đi tìm tôi để cám ơn: Nhờ sự hướng dẫn Thiền Buông Thư của sư cô mà tôi hết bệnh mất ngủ. Mới hôm tháng 9 năm 2007, có ba vị nữ Phật tử Việt Nam đến Tu Viện Lộc Uyển xin chụp một tấm hình với sư cô Chân Không, vì “nhờ nghe bài Con Cá Dung Thông sư cô hát mà chúng con ăn chay trường luôn!” Tôi về Việt Nam 2005, ghé qua miền Bắc mấy ngày, có chia sẻ thiền buông thư. Không ngờ hai năm sau trở về tôi bỗng “nổi tiếng” không chờ đợi. Hôm Trai Đàn Chẩn Tế ở Chùa Non, mỗi lần tôi đi qua đám đông (ở các chùa khác như Đình Quán hay Bồ Đề cũng vậy) thì có tiếng xì xào: Sư Cô Chân Không đấy con, ra chào sư cô đi và sau đó vị đó nói Mẹ con ngủ được nhờ sư cô dạy”, hay là “Cháu nó cứ đòi đi gặp sư cô thôi vì nó yêu tiếng hát sư cô rồi, cháu nghe đĩa của sư cô hoài!”, hay “Ô kìa, sư cô Chân Không mẹ ơi, ra xin chụp một tấm ảnh với sư cô đi mẹ. Thì ra họ đã chuyền nhau băng CD tôi dạy Thiền Buông Thư! Hàng chục nghìn băng đĩa ấy đã từ Mỹ sang Âu Châu, Á Châu, Úc Châu… và tới tận những hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam. Thanh quản của má tôi đã đưa hai mẹ con tôi đi thật xa trong sự nghiệp giúp người buông xả, hướng về đường thánh thiện. Con cám ơn má. Cám ơn thanh quản của bà ngoại và má…

 

Má ơi, con muốn đi học

Có thể tôi có được cái di thể trí nhớ dai của ông ngoại nên năm mới lên ba, tôi đã thuộc lòng hết các bài tập đọc trong ba cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà các anh chị ruột và anh chị họ đi học về hay đọc to lên. Tôi chưa biết dù là một chữ a, b, c nào hết nhưng phải mở đúng trang đó tôi mới chịu đọc bài đó. Mỗi khi khách đến chơi, người lớn trong nhà hay “khoe”: Cháu mới ba tuổi mà đã biết đọc rồi. Mời cô dạy cháu đọc bài nào đi. Người khách mở trang nào tôi cũng nhận ra hình vẽ đó là của bài văn đó nên đọc vanh vách trọn bài khiến khách rất “nể”. Tôi cũng rất ưa đi học. Mới ba tuổi rưỡi vừa tập nói thì tôi đòi đi học: “Má ơi, con dài bằng cái gối dài này rồi, sao con chưa được đi học?” Một bữa khác lượm được cái chổi lông gà để quét giường, (trong Nam gọi giường ngủ bằng gỗ là bộ ván hay bộ ngựa gồm ba hay bốn tấm gỗ to dài và dẹp. Gỗ bào rất láng, màu mun đen, kê trên hai “chân ngựa” dài ở hai đầu miếng gỗ. Có lẽ vì thế mà gọi là bộ ván vì gồm bốn tấm ván lớn, hay bộ ngựa vì kê trên hai đòn dài gọi là chân ngựa) tôi đứng so mình với cây chổi lông gà rồi phàn nàn là: “Con cao bằng cây chổi lông gà rồi mà chưa được đi học!” Trường tiểu học thời đó chỉ nhận trẻ em từ sáu tuổi. Từ khi tôi ba tuổi rưỡi đến bốn tuổi, người lớn trong nhà tôi cứ nghe tôi lải nhải đòi đi học và vì thấy tôi cũng thuộc hết cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư nên phải tìm những cô giáo mở lớp dạy học riêng tại nhà để gửi tôi đến “trường”. Lớp cô Hai Tài ở Phú Khương, cách nhà cả hơn một cây số. Thế là chị Bê được công tác vừa đi học, vừa đưa tôi tới lớp, hai chị em đi bộ. Lớp học đông và vui lắm, tôi hạnh phúc lắm. Nhưng nhìn qua nhìn lại, tôi tự thấy mình bé quá, không giống các anh chị học trò lớn ôm cặp to, áo quần lem luốc mực, trông thật “oai” như học trò thứ thiệt! Tôi cũng cẩn thận cắp sách đến trường mỗi ngày, cũng ôm bình mực tím có sợi giây đen tòng teng trên ngón tay mà chẳng ai thấy cả! Hôm ấy tôi “làm gan” cố ý tự đổ nhiều giọt mực trên áo, vài vết mực trên quần cho… giống học trò lớn! Tôi cũng biết trước là về nhà sẽ bị chị Hai khẻ tay nhưng không sao. Chị Hai tôi như một bà mẹ nhỏ, chị chăm sóc tắm rửa cắt móng tay móng chân cho chúng tôi vì mẹ tôi có đông con quá mà còn dạy nữ công cho các thiếu nữ đến học nên ít giờ chăm sóc cho con. Chiều nào chị cũng tắm và bắt chúng tôi mang guốc cho sạch sẽ, nhưng tôi thì rất thoải mái khi đi chân không! Vì thế mà chiều nào cũng bị khẻ chân. Có lẽ tôi là người “ăn đòn” của chị Hai nhiều nhất vì áo quần thốc thếch. Em Mười, em út của tôi thật xinh, da mịn mềm, có nhiều áo lụa hoa đủ màu, lúc nào cũng sạch sẽ. Riêng tôi thì ngay cả sợi dây lưng quần cũng rơi đâu mất hoài nên tôi chỉ vận quần trái ổi cho mau! Ai cũng gọi em Mười là “cưng”, tôi cũng gọi em là cưng và cũng ưa hôn vào gò má mịn và thơm của em. Em ưa chơi búp bê, còn tôi thì không cần các thứ ấy. Lúc tản cư ở nhờ nhà cô dượng Hai trong vườn dừa và chuối, tôi lượm các trái dừa con, chơi cũng đủ vui.

 

Niềm vui bé nhỏ

Sau hơn một năm di tản về quê nội, gia đình tôi về lại nhà ở Bến Tre, tôi có niềm vui chọn một góc vườn nhỏ để gieo hạt các loại hoa trồng vào dịp Tết như bông vạn thọ, bông nở ngày, bông mồng gà, bông cúc và bông móng tay… Mỗi ngày tôi tưới nước và quán sát từng thời điểm các hạt vạn thọ nứt mầm, hạt cho hai lá con, rồi ba lá rồi bốn lá… Đây rồi, hôm nay là mồng bảy tháng Chạp, những cây vạn thọ con của tôi đã cao lên mười hai phân, rồi ba mươi phân. Lá xanh bụ bẫm… Tới 23 Tết, các nụ hoa to và xanh rờn hôm tuần trước nay đã ửng vàng, hứa hẹn sẽ cho những đóa vạn thọ vàng óng ả, sẽ nở đúng ngày 28, 29 hay 30 tháng Chạp. Có thể đem bán ra chợ hay trưng bày trên các bàn thờ. Đó, “công trình” đầu tiên của cô bé 7 tuổi ưa lêu lổng, không ưa làm thiếu nữ thùy mị. Hoa nở ngày, hoa mồng gà của tôi cũng làm đẹp vườn nhà. Nhưng ít ai để ý. Đó là niềm vui thầm lặng của tôi.

Mới 4 tuổi đã được đi học, nên khi vào tiểu học, lúc nào tôi cũng đứng đầu lớp và cũng làm bài giúp cho các bạn cùng lớp và… sẵn sàng nhận quà của họ: có khi là trái ổi, có khi là chuối nướng… Bây giờ đi tu, nhìn sâu, tôi thấy giống như đó cũng là một loại… “tham nhũng”!

 

Tập khí láu ăn, ở dơ và coi thường bề ngoài

Em Mười vì là “cưng” nên có quà người này người kia cho. Tôi thuyết phục suốt buổi, em Mười mới cho tôi cắn chút xíu chiếc bánh của Mười. Vì thế nên khi có bánh, tôi nhớ lại những lúc phải năn nỉ cô bé suốt thời gian năm bảy phút – thật dài! – chờ rất lâu (nhưng “quên” giây phút được Mười, cuối cùng thì cũng chia một miếng bánh nhỏ cho tôi) nên tôi không cho em ăn bánh của tôi mà còn kể tội… lia lịa và cuối cùng cũng không cho em miếng nào! Láu ăn, ở dơ, coi thường bề ngoài là tập khí có từ khi ấu thơ và… mãi đến bây giờ. Tu chánh niệm, tập nhìn sâu và quán sát từng tập khí, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận diện được tánh láu ăn biểu hiện vi tế qua những cái sáng mắt khất thực ngay món tàu hũ chiên ưng ý (chắc sợ người khác thỉnh trước mình!). Ba mẹ tôi nuôi chín đứa con và cưu mang nhiều cháu quá nên không thể cho mỗi đứa nhiều hơn một xu làm quà sáng (khoảng năm 1943). Một xu thì chỉ mua được một củ khoai lang, khoai từ hoặc khoai môn thôi. Tôi nhìn các bạn đi học, được năm xu ăn bánh mì cặp xíu mại hay ăn tô hủ tiếu, tô bún bì mà tủi thân. Tôi phát nguyện là ngày sau lớn lên, làm việc có tiền, sẽ ăn bánh mì xíu mại và bún bì, hủ tiếu, sáng, trưa và chiều mỗi ngày, không thèm ăn cơm! Mỗi bữa đến trường, khi đến giờ ra chơi, thấy các bạn ăn bún bì, gỏi cuốn, bì cuốn… tôi cũng thèm có món gì mặn mà hơn là củ khoai lang nên nhất định gói theo thức ăn mặn vào lớp để ăn vào giờ đó. Mỗi khi nhà có ăn trứng luộc xắm nước mắm chấm bầu luộc, tôi chỉ ăn bầu chấm nước mắm và gói kỹ cái trứng luộc với chút muối tiêu, để dành đem vào trường học mà ăn vào giờ ra chơi. Tới giờ ra chơi, tôi đập chiếc trứng đã luộc, bóc vỏ trứng ra, tách từng lớp mỏng lòng trắng trứng, chấm vào muối tiêu và thưởng thức vị đậm đà của lòng trắng trứng với muối tiêu! Ôi là thiên đường! Sau năm bảy lớp lòng trắng trứng mỏng, người thưởng thức đã đi vào đến “mặt trời hồng ửng chín”, tức là lòng đỏ trứng – ôi, là ngon! Tôi tách từng phiến lòng đỏ trứng và bỏ vào miệng để cho nó tan vào lưỡi, ngon vô cùng. Sau này sang Tây Phương, tôi thấy các cháu Tây Phương không trân quý trứng, cứ tìm thịt cá mà ăn. Tôi đã dạy các cháu cách ăn trứng có ý thức, nếm chầm chậm, từng lớp rồi từng lớp trứng. Các bạn tôi gọi đùa: Này các con, hôm nay chúng ta sẽ ăn trứng theo lối cô Phượng dạy nhé! Đó chỉ là một cách ăn chánh niệm. Nhưng từ năm 2006 khi đọc những báo cáo của Liên Hiệp Quốc về những hóa chất bốc lên từ phân thú vật của những nông trại chăn nuôi khổng lồ để làm ra thịt, sữa bò và trứng gà nuôi kỹ nghệ nên Thầy dạy các đệ tử của Thầy ở các trung tâm vốn không ăn thịt cá xưa nay, giờ cũng ngưng uống sữa bò và ăn yaourt sữa bò (thay vào là sữa và yaourt đậu nành rất ngon mà thanh), ngưng luôn ăn cheese (fromage) và trứng mà ai cũng khoẻ.

 

Tết của tuổi thơ

Dù đang chiến tranh, Tết của tuổi thơ tôi cũng có những ngày thật ngọt ngào. Tôi nhớ lắm những Tết ở quê nội. Sáng sớm tinh sương ngày mồng Một, các cô bé chú bé chúng tôi chạy ra sân, dùng chiếc gáo dừa nhỏ múc nước trong bể xi măng, súc miệng và cười ríu rít. Đất quê thơm lừng mùi rơm rạ. Vườn mai đã nở rộ ngoài sân, vàng rực. Bà nội cười hả hê vì hai tuần trước Nội đã cẩn thận trảy hết lá để hôm nay, mồng một Tết, mai nở kịp ngày. Chúng tôi chải răng cho nhanh để rồi còn vào mặc áo dài mới mà đi lạy và mừng tuổi ông nội bà nội trước nhất, rồi đến phần mừng tuổi các bác các cô, rồi mới mừng tuổi ba và má. Sáng sớm ông bà nội đã ngồi uống trà bên nhau. Ông mang một xâu tiền đồng, để khi con cháu đảnh lễ lạy mừng tuổi thì ông sẽ cho. Chúng tôi chờ hai bác Hai tới. Bác Hai lên đèn trên bàn thờ Cố, chân đèn, lư hương bằng đồng sáng chói. Mấy tuần trước cả nhà đã nấu một nồi me và khế để chùi tất cả các lư hương, các chân đèn bằng đồng của năm chiếc bàn thờ trong phòng khách cho sáng choang. Chân đèn nào cũng có một chiếc đèn sáp đỏ to, tròn, cao, bóng láng, tuyệt sạch có ba chữ Phước, Lộc, Thọ. Bàn thờ nào cũng có cặp dưa hấu tròn có dán hai miếng chả đỏ có chữ Phước và Đức. Trên mỗi bàn thờ đều có chưng một cành mai sáng rực và một đĩa trái cây có đủ xoài, cam, quýt, vải, đu đủ…. Lên đèn, thắp nhang, khấn vái và lạy ông bà cố xong, hai bác Hai quay sang đảnh lễ nội. Bác Hai khóc vì thấy nội đã già, sợ không sống lâu với con cháu, nhưng khóc còn vì vui thấy hai nội còn được ăn Tết năm nay. Kế đến hai bác Ba, bác Tư gái, hai bác Sáu, cô Bảy, hai bác Chín và ba má tôi (ba tôi là chú Mười con trai út của nội), cô Nhất là con gái út và tất cả các anh chị con các bác đều thay phiên đến mừng tuổi nội, rồi mới đến chúng tôi, đứa nào cũng rất hạnh phúc được nội cho một đồng xu sáng loáng. Bác Hai, rồi bác Ba lại ngồi lên bộ ngựa giữa nhà để chờ con cháu đến đảnh lễ và mừng tuổi. Người lớn thường cho người nhỏ tiền, còn người nhỏ thì chỉ cho người nhỏ hơn mình. Tôi là con áp út của người con trai út của nội tôi, nên túi của tôi, tha hồ mà đầy ắp tiền lì xì của ông bà cô bác ba má anh chị… Tôi chỉ phải ngồi lên cho em Mười mừng tuổi và lì xì cho em tôi một ít tiền của tôi thôi. Tiếng nô đùa ngoài sân của mấy người anh chị họ cùng tuổi như tôi khiến chúng tôi vui nức lòng, họ reo hò giữa những tiếng pháo lách tách… đùng, kéo chúng tôi chạy nhanh ra cổng. Vườn mai nhà nội rực sáng một rừng hoa. Và những giàn trầu màu xanh ửng vàng óng ả, những giàn trầu nhà nội, ôi quê hương tuổi nhỏ của tôi! Bây giờ, nhìn sâu tôi mới hiểu vì sao trong thời gian chiến tranh, lúc ấy tôi đã lớn, đã đi dạy học rồi mà mỗi lần đi cứu trợ hay đi đến đâu, khi nào mà nhìn thấy một vườn trầu là trái tim tôi mềm ra, thổn thức và cảm động. Tới năm 12 tuổi tôi mới được thức khuya theo người lớn, ngồi canh nồi luộc bánh tét, bánh chưng thức đến 12 giờ khuya để chờ bánh chín và nghe người lớn kể chuyện Ma Vương và Bụt trong ngày Tết và để nghe tiếng gọi của đầu năm. Đó là tiếng gà gáy lúc mới rạng mồng một Tết hay tiếng chó sủa, tiếng nói cười… Mỗi âm thanh nghe trước nhất trong ngày đầu năm đều có ý nghĩa riêng của nó. Ví dụ người xông đất năm đầu tôi được thức khuya là chú tư Hiển. Thế là hiển vinh thế nào cũng đến với đại gia đình. Hôm qua là ngày 30 Tết, bữa cơm cúng ông bà ngày 30 Tết năm nào cũng thật thịnh soạn có dưa giá, dưa hành ăn với thịt heo kho với trứng, có nồi cá lóc kho, có canh khổ qua dồn chả, có dưa cải, dưa kiệu, dưa chua, có bánh tét, dưa món, xôi gấc, thịt luộc, chả tôm, có mắm thái, gỏi đu đủ rau thơm, dưa hấu… Tối lại còn đón ông Táo từ Trời về lại nữa, chúng tôi được ăn chè bông cau có nước dừa rất ngon của chị Nhứt con bác Hai. Còn hôm đưa ông Táo ngày 23 tháng Chạp thì ăn chè trôi nước của bác Chín gái. Về đây ăn Tết, người lớn ưa các món kể trên nhưng tôi chỉ “mê” món cơm cháy nhà nội. Khi con cháu về đông bác Sáu nấu cơm bằng chảo thật to. Xúc cơm ra còn miếng cơm cháy thật lớn, cơm cháy dòn to nguyên một lòng chảo 60 phân đường kính vừa mỏng vừa dòn. Chị Ba Đổng chế vào dầu hành và rắc chút muối, chút đường, bẻ cho mỗi đứa một miếng, ăn vừa dòn vừa thơm! Mấy ngày trước Tết về quê nội chúng tôi có không biết bao nhiêu là cơ hội để quán sát. Gạo mới ngâm một đêm, đổ lên cối đá xay cho nhuyễn để làm bột bánh ít. Nếp mới, thơm, ngâm cả đêm, đậu xanh thơm mềm, hành phi dầu nêm muối tiêu bột nêm để làm nhân bánh tét, bánh chưng. Lá chuối xanh tươi mới chọn ngoài vườn, đem vào lau sạch để gói bánh chưng, bánh tét, bánh ít. Bánh nào cũng sẽ có một lớp diệp lục tố màu xanh phơn phớt trên nếp hay bột nếp mới.

Nhưng quê nội bị dội bom, nhà bác Chín, bác Tư, bác Sáu tức là nhà của nội và nhà bác Hai cũng đều cháy tiêu tan. Các chú bác bà con đều di cư ra tỉnh thành và tìm cách sinh sống ở phố chợ. Thiên đường tuổi thơ đã mất khi nhà nội bị dội bom. Đám tang bà nội linh đình bao nhiêu (vì lúc đó chưa có chiến tranh) thì khi ông nội mất, đám tang của ông tiêu điều bấy nhiêu. Khi ấy chúng tôi đang ở tỉnh lỵ Bến Tre không về An Định làm đám tang cho nội được vì chiến tranh đang hồi kịch liệt. Các bác Hai, Ba, Sáu và Chín lúc đó còn sống tại An Định cũng lo chu đáo cho ông nội tôi. Ba tôi rất đau buồn về điều ấy.