Điện thư từ Liên đoàn Phật giáo Quốc tế



New Delhi – Ấn Độ

Ngày 22 tháng 01 năm 2022

Kính gửi Sư cô Chân Không

Làng Mai Pháp,

Chúng tôi bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc khi nhận được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh – người sáng lập Làng Mai tại Pháp – đã viên tịch.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đỡ đầu cho Liên Đoàn Phật Giáo Quốc Tế. Với sự ra đi của Ngài, Liên Đoàn Phật Giáo Quốc Tế chúng tôi và toàn thể cộng đồng Phật tử đã mất đi một vị lãnh đạo tâm linh mẫu mực mà cả cuộc đời của Ngài đã cống hiến không mệt mỏi cho sự phục hưng nền giáo lý của đạo Bụt.

Một lần nữa, thay mặt cho tất cả thành viên Liên Đoàn Phật Giáo Quốc Tế và chính tôi, xin được bày tỏ sự chia buồn và lời cầu nguyện đến tất cả quý thầy, quý sư cô của Làng Mai.

Nguyện cầu Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến được cõi Niết bàn an vui tuyệt đối.

Chư hạnh vô thường

Thị sinh diệt pháp

Sinh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc.

 

Với lòng tiếc thương,

(Chữ ký)

Hòa thượng Tiến sĩ Dhammapiya

Tổng thư ký Liên Đoàn Phật Giáo Quốc Tế

 

Điện thư từ Tổ chức quốc tế Geluk – Ấn Độ

Chủ nhật, ngày 23 tháng 01 năm 2022

Thư chia buồn

Tất cả chúng tôi thuộc tổ chức quốc tế Geluk cảm thấy tiếc thương sâu sắc về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chúng tôi xin được gửi lời chia buồn chân thành đến toàn thể đệ tử của Thiền sư tại Việt Nam và trên khắp thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được thế giới biết đến khi Ngài đứng lên kêu gọi hòa bình trong chiến tranh tại Việt Nam. Một sự nghiệp cống hiến phụng sự chưa từng có của Thiền sư là việc mang sự thực tập chánh niệm và lòng từ bi đến với mọi người và góp phần vào việc xây dựng sự bình an nơi tự thân. Chúng tôi thực sự có niềm tin vững chắc là Thiền sư đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và đã thắp sáng nguồn tâm linh trong toàn thể nhân loại.

Chúng tôi chân thành cầu nguyện cho gia tài quý báu của Thiền sư được tiếp tục lan rộng khắp nơi để mang lại nhiều sự bình an và hòa bình trên thế giới, và tất cả ước nguyện vĩ đại của Ngài sẽ mau chóng được thành tựu.

(Ấn ký)

JANGCHUP CHOEDEN (Shartse Khensur)

Giám đốc điều hành Tổ chức quốc tế Geluk

 

Điện thư từ trường Đại học Phật giáo Gautam – Ấn Độ

Ngày 26 tháng 01 năm 2022

Thư phân ưu

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người tiên phong mang Phật giáo đến phương Tây và được biết như là “Người khai sáng dòng tu chánh niệm”, người đã can đảm kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Trong suốt cuộc đời của Thiền sư, Ngài đã làm lớn mạnh phong trào đạo Bụt ứng dụng, kêu gọi hòa bình, giảng dạy Phật pháp khắp nơi trên thế giới. Thiền sư đã xuất bản hơn 100 đầu sách, bao gồm những quyển như Phép lạ của sự tỉnh thứcAn lạc từng bước chân. Ngài đã mang tuệ giác của đạo Bụt đi vào mọi mặt của đời sống xã hội, như giáo dục, kinh doanh, công nghệ, và các cuộc khủng hoảng về môi trường.

Là một nhà đa ngôn ngữ thành thạo bảy thứ tiếng, Thiền sư đã từng giảng dạy tại trường Đại học Princeton và Colombia vào đầu những năm 1960 tại Hoa Kỳ. Ngài đã trở về Việt Nam vào năm 1963 và tham gia vào phía kêu gọi chống lại cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang leo thang. Thiền sư đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa. Ngài đã phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam bằng những phương tiện ôn hòa, ủng hộ nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, cũng như nỗ lực hết sức để giúp cho mọi người thấy nếp sống chánh niệm và từ bi không những góp phần đem lại sự bình an nội tại cho từng cá nhân, mà còn đóng góp vào nền hòa bình cho thế giới.

Trong 40 năm xa xứ, Thiền sư đã là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt có mặt tại Âu châu qua sự sáng lập “đạo Bụt ứng dụng” và “đạo Bụt ứng dụng vào xã hội”. Sau bao nhiêu năm tháng hành đạo tại phương Tây, Thiền sư đã trở về Thành phố Huế, Việt Nam, nơi Ngài được sinh ra, sau khi bị tai biến năm 2014. Thiền sư đã trải qua những ngày tháng cuối cùng tại Việt Nam đến giữa đêm ngày 22 tháng 01 năm 2022, Ngài an nhiên viên tịch tại chùa Từ Hiếu, Thành phố Huế, Việt Nam. Thiền sư có một sức ảnh hưởng lan rộng khắp thế giới như là một người thầy, một tác gia, một nhà hoạt động, là người khai sáng phong trào đạo Bụt ứng dụng và được biết đến như là Dalai Lama của phương Tây.

Xin được đại diện cho trường Đại học Phật giáo Gautam và trường Nghiên cứu Phật học và Văn minh, tôi mong muốn được bày tỏ lời chia buồn chân thành về sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cầu mong sao Ngài có thể đến cõi an lạc Niết bàn tuyệt đối. Phẩm vật hay nhất để dâng lên Ngài đó là chúng ta sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài: xây dựng hòa bình trên khắp thế giới.

(Chữ ký)

Tiến sĩ Arvind Kumar Singh

Giám đốc Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Phật giáo Gautam, Ấn Độ

 

Điện thư từ Hội Phật Học DOON – Ấn Độ

Hướng tới một Thế giới Hạnh phúc bằng con đường Tuệ giác và Từ bi

Thư phân ưu

Thật là một mất mát to lớn khi nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người được cả thế giới vô cùng thương kính, đã nhập diệt. Nếp sống đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa của Ngài quả là một suối nguồn tâm linh vô tận cho tất cả chúng ta.

Đạo Bụt là một nếp sống và Thầy đã truyền sức sống Phật pháp đó vào trong mọi lĩnh vực của cuộc đời như xã hội, chính trị, kinh tế, môi trường,… và đã mang đạo Bụt ứng dụng lan tỏa rộng khắp vào thế giới hiện đại.

Thầy sống một nếp sống đơn giản với chủ trương bất bạo động và một chế độ ăn uống chay tịnh toàn thực vật, giảng dạy thiền tập và Phật pháp, và đã xuất bản hơn một trăm tác phẩm giá trị với một ngôn ngữ mà ai cũng có thể dễ dàng thông hiểu.

Cho đến những giây phút cuối cùng, ở tuổi 95, tuệ giác sâu sắc và tình thương yêu vô tận của Ngài đã chạm đến trái tim và tâm tư của hàng triệu người trên khắp thế giới, kể cả Phật tử và những người thuộc các tôn giáo khác.

Nguyện Thầy sớm trở lại cuộc đời để tiếp tục trao truyền suối nguồn ánh sáng và tuệ giác ấy đến muôn loài. 

Bây giờ và mãi mãi về sau, Thầy sẽ luôn biểu hiện trong từng hơi thở chánh niệm và bước chân bình an của chúng ta.

Om mane padme hung!

(Ấn ký)

Chủ tịch Khenpo Konchok Rangdol

Ngày 29 tháng 01 năm 2022

 

 

Bài đăng trên website: siddharthasintent.org

Tin tức được đăng ngày 23 tháng 01 năm 2022

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Đây thật là một sự mất mát to lớn cho cả thế giới – một nơi mà đã luôn vướng bận vào những gì thuộc về quá khứ và tương lai; một nơi mà hầu như không tự biết sống an trú trong hiện tại; một nơi mà lãng quên giá trị của nụ cười; một nơi mà không thể thật sự có mặt trong khi đang chải răng.

Đối với những người mà ham thích mong mỏi được học hỏi Phật pháp thì sự ra đi của thiền sư là một sự mất mát vô cùng to lớn. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tuệ giác đã có từ xa xưa như những giáo lý của đạo Bụt sẽ gặp nhiều chướng ngại để đến được với con người mà được sinh ra trong nhiều nền văn hoá, mà cũng không hề có khái niệm gì về những giáo lý vô thường (aniccā), khổ (duḥkha), vô ngã (anattā) và Niết Bàn (nirvana). Làm sao để giúp con người ngày nay ít nhất có thể tiếp cận hiểu được những giáo lý chân chính này, để chính họ phát sinh được niềm mong mỏi khao khát được sống theo đó?

Đạo Bụt có lẽ là một môn khoa học về duy tâm và cả duy vật đã tồn tại rất lâu đời và có hệ thống nhất. Tuy vậy nó lại đang không ngừng bị lãng quên một cách vô tâm khi đã từng là ‘một tôn giáo’, ‘một học thuyết’, hay nhất là ‘một nền tư tưởng của người châu Á thưở xưa’. Cho dù như thế, với cả một ý chí và quyết tâm để mở được cánh cửa Phật pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh chưa bao giờ chùn bước. Thiền sư đã cố gắng hết sức không nản lòng tạo một sự hứng thú tò mò cho cả thế giới nhân loại để tìm đến học hỏi giáo lý đạo Bụt.

Và Ngài đã thành công. Cả trăm ngàn người hiện nay không chỉ nghe nói về chánh niệm mà còn đang hết lòng áp dụng vào sự thực tập. Đây là một thành tựu hết sức to lớn, mà đang dần dần tiếp tục cho cả thế kỷ sau. Thiền sư đã làm được điều đó trong cuộc đời ngắn ngủi và nhiều biến động của mình. Như là một Phật tử, chúng ta đã nợ một mối ân tình lớn với Ngài.

Nhìn về phía trước, những vị nào mà có lòng kính ngưỡng thiền sư, vị nào đang hết lòng theo bước chân của Ngài, phải nhớ một điều là Ngài rất nổi tiếng khi đến được với khán thính giả, độc giả khắp nơi đặc biệt qua những quyển sách – như Being Peace (Muốn an được an), Peace is Every Step (An lạc trong từng bước chân), How to Love, The Miracle of Mindfulness (Phép lạ của sự tỉnh thức) – Ngài sẽ không bao giờ mất đi vị trí như là một nhà lãnh đạo tâm linh trong thời đại mới.

Ngay khi lần đầu thấy bức ảnh của Bụt lúc 7 hay 8 tuổi, thiền sư đã nuôi dưỡng khao khát ý chí mạnh mẽ được trở thành như Bụt. Ngài để đi xuất gia tại chùa Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam khi 16 tuổi, và đã chọn nơi đây để nhập diệt 70 năm sau đó. Nếu điều hy hữu như vậy mà không thể nói lên được pháp thân của Ngài cả hai mặt nội dung và chiều sâu tâm linh rộng lớn, thì không có gì có thể biểu đạt được. Thiền sư sẽ mãi trong chúng ta như một ngọn cờ vĩ đại của Phật pháp.

-Dzongsar Jamyang Khyentse

 

 

 

 

Thư cảm tạ quý Tôn đức, Tăng Ni

Tổ Đình Từ Hiếu – Compassionate Filial Piety Monastery

Đạo Tràng Mai Thôn – Plum Village Practice Center

THƯ CẢM TẠ

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni

Kính khải bạch chư Tôn Trưởng Lão Hoà Thượng, chư Thượng toạ Đại Đức Tăng Ni,

Chúng con vô cùng xúc động khi nhận được sự viếng thăm và phân ưu của quý Ngài trong  Lễ Tâm Tang của Bổn sư chúng con, Thiền sư đạo hiệu trước Nhất sau Hạnh. Sắc thân Thầy chúng con ẩn tàng đã để lại trong lòng chúng con những khoảng trống lớn. Những lời chia buồn, động viên, sách tấn, dạy bảo của chư Tôn Thiền đức Tăng Ni cũng như sự chia sẻ có mặt của tất cả Quý Ngài đã an ủi và hộ niệm cho chúng con rất nhiều. Nghĩa đồng môn là một gia sản quý báu mà chúng con luôn tiếp nhận được từ chư Tôn Thiền đức Tăng Ni.

Chúng con thành kính đê đầu đảnh lễ cảm niệm ân đức của chư Tôn Thiền đức Tăng Ni. Chúng con xin nguyện tiếp nối công hạnh của chư Bụt, chư Tổ, của Thầy chúng con để mang ngọn đèn chánh pháp đi về tương lai và để báo đáp ân đức của Quý Ngài đã luôn luôn yểm trợ cho chúng con.

Chúng con nguyện cầu chư Bụt và chư liệt vị Tổ sư luôn hộ trì cho chư Tôn Thiền đức Tăng Ni một Năm Mới Nhâm Dần 2022 được nhiều sức khoẻ và thành tựu được chí nguyện độ tha của chư vị.

Chúng con xin thành kính tri ân.

Phật lịch 2567, Tổ đình Từ Hiếu, ngày 08 tháng 02 năm 2022

(Nhằm ngày 08 tháng Giêng Năm Nhâm Dần)

 

Xem thêm:

Thư cảm tạ quý cư sĩ

Tổ Đình Từ Hiếu – Compassionate Filial Piety Monastery

Đạo Tràng Mai Thôn – Plum Village Practice Center

THƯ CẢM TẠ

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni

Kính thư quí vị thân hữu, thiền sinh và phật tử cư sĩ các giới khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi vô cùng xúc động khi nhận được sự viếng thăm/ đảnh lễ và phân ưu của quí vị trong Lễ Tâm Tang của Bổn Sư chúng tôi, Thiền Sư đạo hiệu trước Nhất sau Hạnh. Sắc thân Thầy chúng tôi ẩn tàng đã để lại trong lòng chúng tôi những khoảng trống rất lớn. Những lời chia buồn, động viên cũng như sự chia sẻ và có mặt của tất cả quí vị đã an ủi và nâng đỡ cho chúng tôi rất nhiều. Ân nghĩa bằng hữu của quí vị thân hữu và của các bậc thiện tri thức luôn luôn là một món quà tâm linh quý báu cho chúng tôi.

Chúng tôi thành kính cảm niệm ân đức của tất cả quí vị. Chúng tôi xin nguyện tiếp nối công hạnh của chư Bụt, chư Tổ, của Thầy chúng tôi để mang ngọn đèn chánh pháp đi về tương lai và để đáp lại ân nghĩa của tất cả quí vị đã luôn hiến tặng cho chúng tôi.

Chúng tôi nguyện cầu chư Bụt và chư liệt vị Tổ Sư luôn hộ trì cho quí vị và toàn thể gia quyến quí vị một Năm Mới Nhâm Dần 2022 được nhiều sức khoẻ và thành tựu được mọi ước nguyện của mình.

Chúng tôi xin thành kính tri ân.

Xem thêm: