Buổi Họp Mặt Giữa Thiền Sư Nhất Hạnh

278

Ngày 10 tháng 11, vào lúc 7:30 tối, Thiền Sư Nhất Hạnh được mời tham dự buổi nói chuyện cùng các thân hào nhân sĩ tại Trường Đại Học Hong Kong (Hong Kong University) ở Pokfulam. Buổi họp mặt gồm có 30 thân hào nhân sĩ và 11 thầy cô phái đoàn Làng Mai. Trong số 30 thân hào nhân sĩ, có hai nhân vật khá quan trọng trong buổi họp mặt tối nay, đó là ông Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng (Vice Chancellor and President) của Trường Đại Học Hong Kong và thầy Jin Ying (Tịnh Nhân), Giám Đốc Trung Tâm Phật Học Hong Kong.

 

Được biết ông Lap-Chee Tsui cũng là một nhà bác học. Trước khi là viện trưởng của Trường Đại Học Hong Kong, ông Tsui đã từng là Tổng Giám Đốc của Chương Trình Di Truyền Học và Sinh Vật Học (Genetics and Genomic Biology Program of the Research Institute at the Hospital for Sick Children in Toronto) tại Viện Nghiên Cứu của Bệnh Viện Nhi Đồng ở Toronto, Canada.

 

Thiền Sư Nhất Hạnh đã đến nơi vào lúc 7 giờ tối và được thầy Tịnh Nhân cùng ông Viện Trưởng Lap-Chee Tsui tiếp đón nồng hậu tại một phòng khách riêng trước khi bước vào buổi họp mặt với các thân hào nhân sĩ. Trong khi đó thì ở ngoài phòng tiếp tân các thầy cô Làng Mai chia sẻ và làm quen với các thân hào nhân sĩ trong không khí thân thiện. Những đồ ăn nhẹ và nước rau quả đã được chuẩn bị sẵn trong căn phòng này. Ông Viện Trưởng cho biết hôm qua ông đã lên mạng tìm tài liệu để hiểu thêm về Thiền Sư và đã được nghe pháp thoại của Thiền Sư. Ông cười tươi và nói rằng ông đã học được cách phát âm tên của Thiền Sư rõ ràng hơn từ mạng lưới internet. Rồi ông phát âm tên của Thiền Sư với giọng điệu của người Trung Hoa.

 

Ông Viện Trưởng cũng cho biết cách đây hai hôm ông đã hướng dẫn một phái đoàn Hồng Quân Trung Quốc (Red Army) đến từ Lục Địa vào thăm khu triển lãm thư pháp thiền quán của Thiền Sư Nhất Hạnh. Phái đoàn Hồng Quân gồm có tổng cộng 60 người. Họ thưởng thức trong sự trầm lặng, cảm thấy nhẹ nhàng khi ngắm những nét chữ đầy thiền vị của Thiền Sư. Một phái đoàn Hồng Quân, đặc biệt đến từ Lục Địa, đã dành thời gian và lòng kiên nhẫn để vào thăm khu triển lãm thư pháp thiền quán không phải là một chuyện thường xuyên xảy ra. Đó cũng cho thấy được sự thu hút của nghệ thuật thư pháp thiền quán và tầm quan trọng của  giáo pháp mà Thiền Sư cống hiến đến nhân loại.

 

392

 

Buổi họp mặt được bắt đầu vào lúc 7:30 tối. Ông Viện Trưởng giới thiệu sơ lược về Thiền Sư. Khung cảnh được tổ chức trong không khí của buổi thiền trà. Trong căn phòng không lớn lắm được đặt hai bàn dài và một bàn ngắn: mỗi bàn dài có 15 người và một bàn ngắn ở phía trên dành cho Thiền Sư. Trên mỗi bàn đều có một ly trà nóng và một cái bánh ngọt đặt sẵn trong chiếc khay nhỏ trang trí rất thanh nhã. Thiền Sư mở lời bằng cách mời quan khách thưởng thức trà nóng trong chánh niệm.

 

Tối nay Thiền Sư đã gửi đến một thông điệp rất cụ thể, ngắn gọn và rõ ràng đến các thân hào nhân sĩ. “Chúng ta sống trong giai đoạn mà hoàn cảnh rất khó khăn nếu không có đường hướng tâm linh. Hiện tại thế giới có rất nhiều bạo động, khổ đau, hận thù và hờn giận. Có rất nhiều người tự tử và có rất nhiều gia đình bị đổ nát. Nếu chúng ta không biết trở về với cuộc sống tâm linh thì rất khó cho chúng ta đối diện và vượt qua những khó khăn và chướng ngại trong cuộc sống hàng ngày.”

 

Ở Pháp cũng như ở Mỹ hay Nhật Bản, hàng ngày có biết bao nhiêu người trẻ tự tử bởi vì họ không biết  chăm sóc cảm xúc của mình. Thiền Sư cho biết số thống kê người tự tử ở Pháp cũng như ở Nhật Bản hàng năm khoảng 35,000 và con số này có thể cao hơn ở những nơi khác như là Anh Quốc hay Mỹ Quốc. Có biết bao nhiêu gia đình, con cái, anh chị em có những khổ đau mà không thể truyền thông được với nhau. Có những bức xúc đã tạo ra sự đau nhức trong thân và sự căng thẳng trong tâm mà con người phải đối diện.

 

Tổng thống Pháp muốn đưa đạo đức học (luân lý) trở lại trường học. Có nhiều giáo chức không biết mình sẽ dạy gì trong những giờ ấy. Theo Thiền Sư, giờ đạo đức học là cơ hội trao truyền cho học sinh những phương pháp thực tập buông thư, xử lý những cảm giác và cảm xúc khổ đau, lắng nghe khổ đau của chính mình và của người khác, tái lập truyền thông với kẻ khác và thực hiện hòa giải.

 

Thiền Sư nói rằng trong đạo Phật có những phương pháp thực tập chánh niệm rất thực tiễn giúp được con người nhận diện những khổ đau và căng thẳng trong thân và tâm để có thể buông bỏ, ôm ấp và trị liệu. Lại có những phương pháp nhận diện các điều kiện hạnh phúc mà mình đang có và thực tập như thế nào để chế tác hỷ và lạc, và những phép thực tập như ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông, đưa tới hòa giải.

 

Thiền Sư chỉ điểm cho chúng ta thấy làm thế nào để có thể đưa nền giáo dục tâm linh vào hệ thống giáo dục. Các thầy cô giáo cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn của người trẻ hiện nay và tạo cho họ có được cơ hội và một môi trường lành mạnh để họ có thể thực tập chánh niệm và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

 

Thiền Sư kết thúc bằng cách đề nghị ngành giáo dục nên cung cấp những lớp học thực tập chánh niệm căn bản vào lớp học và các cơ sở giáo dục. Thầy giáo, cô giáo phải có khả năng thực tập mới có thể giảng dạy và trao truyền. Thiền Sư nhấn mạnh rằng chúng ta không cần phải là Phật tử mới thực tập chánh niệm. Sự thực tập chánh niệm vượt thoát mọi tôn giáo—đó là cách sống và ai ai cũng cảm thấy thoải mái để thực tập. Chúng ta có thể cống hiến những yếu tố không phải là Phật giáo cho mọi người. Chúng ta nên làm mới lại đạo Bụt để có thể đáp ứng lại những khổ đau và nhu cầu cần thiết trong xã hội ngày nay cho thế hệ con em.

 

343

Sau khi Thiền Sư kết thúc buổi chia sẻ, Ban Tổ Chức xin phép Thiền Sư cho các thân hào nhân sĩ được đặt câu hỏi với Ngài:

 

Thân hào nhân sĩ: Con là một nhà bác học và con cảm thấy mình rất may mắn được sống trong môi trường thích hợp, gặp được đúng người và đúng lúc.Con có tiền và con có thể giúp được những người khác. Trong khi ngồi đây một cách rất thoải mái,con cũng đồng thời nghĩ tới những người thiếu kém may mắn hơn mình, đang thiếu thốn và sống không có hạnh phúc. Ví dụ, con là một người kém may mắn, đối khác, không có tiền thì làm sao con có thể giúp được người khác sống hạnh phúc?


Thiền Sư: Dĩ nhiên là mình cần phải có phương tiện tối thiểu để sống, như có mái nhà để che mưa gió, có chén cơm để ăn mỗi ngày. Có những người trong chúng ta, như công tác viên xã hội muốn giúp những người kém may mắn này. Thật ra nếu mình không có sự bình an trong lòng thì mình không thể nào đi xa được–mình sẽ sớm bị kiệt sức. Trước tiên, mình cần có sự thực tập. Sự thực tập giúp nuôi dưỡng thân tâm mình và một khi mình được nuôi dưỡng, vững chãi và có bình an thì mình có thể đi xa hơn trên con đường phụng sự. Ví dụ như thân thể của mình, khi mình tiêm  một mũi thuốc vào một phần nào đó của cơ thể thì tất cả các phần khác của cơ thể cũng được lợi lạc theo. Cũng như nếu mình làm điều thiện trong một phần nào của nhân loại thì việc thiện đó sẽ lan tràn ra những phần khác của nhân loại. Chúng tôi đã từng hướng dẫn những khóa tu cho những nhà doanh nhân và giúp được cho họ thực tập giảm bớt khổ đau. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm cũng như tuệ giác của chúng tôi với họ; mình nên đầu tư nhiều vào giá trị đời sống của nhân loại hơn là lợi nhuận. Đó không chỉ giúp được cho họ mà còn giúp luôn cả cho xã hội. Khi chúng tôi hướng dẫn khóa tu cho giới cảnh sát thì không những người cảnh sát được lợi lạc mà đồng thời những người khác trong xã hội cũng được lợi lạc theo. Dĩ nhiên trong chúng ta ai cũng muốn có công bằng xã hội, muốn giúp người, nhưng có rất nhiều cách để giúp đỡ và đường hướng tâm linh là một trong những cách cụ thể có thể giúp đỡ.

 

Thân hào nhân sĩ: Thế giới hiện đang có rất nhiều tôn giáo. Chúng con rất muốn đến gần với những tôn giáo khác, nhưng họ không muốn đến gần với chúng con. Thiền Sư đã nói về chánh niệm và từ bi, vậy làm thế nào để chúng con có thể dùng chánh niệm và lòng từ bi đến gần với họ?


Thiền Sư: Trong khóa tu của chúng tôi, chúng tôi không có nói về chánh niệm và từ bi nhưng chúng tôi thực hành chánh niệm và từ bi. Chúng tôi học để thực hành. Đa số những thiền sinh tham dự khóa tu không phải là Phật tử. Phần nhiều là người Tây phương. Nhưng họ rất thoải mái về pháp môn thực tập chánh niệm, bởi vì họ tiếp xúc được với những gì rất là ‘con người’, rất là phổ biến. Khi chúng tôi truyền 5 giới, chúng tôi có niềm tin là nếu bạn thực tập theo 5 giới thì bạn sẽ giảm bớt được khổ đau và bạn có thể giúp cho mình và cho người khác có được hạnh phúc. Có rất nhiều người đã từng thọ 5 giới và họ không phải là Phật tử, trong đó có những Ông Cha trong đạo Cơ Đốc Giáo và Tin Lành, bởi vì họ nghĩ rằng 5 giới này rất phổ biến. Chúng tôi luôn luôn kêu gọi họ nên giữ truyền thống của họ. Chúng tôi biết được nếu một người mất gốc rễ thì họ sẽ không có hạnh phúc. Chúng tôi khuyên họ nên giữ truyền thống của họ và họ có thể dùng phương pháp thực tập của đạo Bụt để giúp họ ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau của họ. Khi họ tiếp xúc được với phương pháp thực tập của đạo Bụt, thì nó giúp họ tiếp xúc được với truyền thống của họ một cách sâu sắc hơn. Chúng tôi không nghĩ rằng chỉ có đạo Bụt là tôn giáo tìm ra được chân lý. Chúng tôi cố gắng học hỏi và tìm hiểu thêm về những truyền thống tôn giáo khác. Khi mình có cơ hội quan sát về truyền thống khác, nó giúp mình nhìn lại và nhìn sâu vào truyền thống của chính mình. Và mình sẽ khám phá ra được những điều rất sâu sắc mà mình không biết khi xưa. Điều này rất đúng với tất cả những truyền thống khác. Cuộc đối thoại là những gì rất cần thiết để kêu gọi cho hòa bình. Thế giới có nhiều chiến tranh và có những chiến tranh liên quan đến chiến tranh tôn giáo. Làm thế nào để sự hiểu biết lẫn nhau có thể làm được. Đối với đạo Bụt điều này không khó lắm, bởi vì đạo Bụt có sự khoan dung rất cao và không bị kẹt vào những kiến chấp. Không bị kẹt vào những kiến chấp là một điều rất chủ yếu và quan trọng. Nếu mình có kiến chấp và nghĩ rằng mình đã tìm ra được chân lý thì mình không thể nào có cơ hội bước cao hơn. Vậy thì mình nên sẵn sàng học buông bỏ cái kiến chấp của mình. Đó là những gì rất khoa học mà có thể giúp mình đến gần với chân lý hơn. Chúng tôi nghĩ mình có thể đề xướng những cuộc đối thoại giữa những tôn giáo khác nhau và chúng ta có thể cùng nhau làm việc để xây dựng hòa bình.

 

Kết thúc buổi họp mặt, ông Viện Trưởng đại diện cho Trường Đại Học Hong Kong tặng quà lưu niệm cho Thiền Sư. Ông Viện Trưởng nói rằng, “Thường thường tôi đi dự buổi họp mặt đều được dùng ‘cocktail’, nhưng tối nay tôi chỉ có uống trà mà cảm thấy rất no.” Câu nói đó có thể cho thấy ông Viện Trưởng đã được mưa pháp cảm hóa. Buổi họp mặt này là lần đầu tiên mà ông Viện Trưởng có dịp tiếp xúc với Thiền Sư Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai một cách gần gũi và sâu sắc.

 

246

Dấu ấn trên đất Thái

tungktl1

 

Ngày 11/10 Thầy và phái đoàn rời Jakarta đi Thái Lan. Tại phi trường Bangkok, Thầy và một số các vị trong đoàn được chư tôn túc Thái Lan đón tiếp tại phòng VIP rất thân tình. Sau đó phái đoàn về Pak Chong, cách Bangkok khoảng 2 giờ rưỡi lái xe. Tại đây, bên xóm quý thầy đã dựng cho Sư Ông một cái thất bằng cây xinh xắn, ngoài ban công treo đầy hoa lan rất nên thơ. Gần đó là thiền đường Trời Phương Ngoại, cũng bằng cây và lá, đủ sức chứa cho khoảng 500 người. Thầy và phái đoàn được nghỉ ngơi một ngày rồi bắt đầu vào khóa tu cho người xuất sĩ. Ngoài số lượng các vị xuất sĩ đang thường trú tại Thái,  mới từ Việt Nam qua, và trong phái đoàn đi với Thầy,  khóa tu còn có gần 40 vị xuất sĩ theo truyền thống Theravada ở Thái, một số các sư cô người Hoa đến từ Singapore và các vị nữ tu mặc áo trắng thọ 8 giới. Tổng số các vị xuất sĩ có mặt trong khóa tu là 450 người.

 

thienhanhtl2

 

Một số các thầy và sư cô trẻ tới từ Pháp rất hạnh phúc được biết mặt các anh chị em xuất gia chung gia đình của mình. Buổi ăn chiều nào mọi người cũng ngồi riêng theo gia đình để chia sẻ, nhất là từ khi biến cố Bát Nhã xảy ra nhiều người tưởng chừng không bao giờ có dịp gặp lại. Không khí hội ngộ và tình huynh đệ rất vui khiến nhiều thầy Theravada không ăn chiều nhưng cũng không về, ở lại ngồi chơi. Mỗi ngày các sư cô đi bộ từ xóm mình qua xóm quý thầy khoảng 25 phút, cứ như ở xóm Hạ đi bộ lên Xóm Thượng vậy. Vì số người quá đông nên phía các sư cô phải dựng lều và mượn resort để ở thêm. Phía xóm các thầy cũng vậy, một số thầy phải ra resort khác để ở, số còn lại thì nằm chật thiền đường Tình Huynh Đệ, chật luôn cả lan can. Các thầy Theravada thì ở một chùa gần đó. Còn nhiều vị xuất sĩ muốn tham dự khóa tu gọi điện thoại ghi danh nhưng vì ‘quá tải’ nên ban tổ chức đành phải từ chối. Vào khóa tu được một hôm thì bị ảnh hưởng bão nên trời mưa tầm tã, và mưa suốt luôn 4 ngày khiến đất nhão ra như bùn. Dù vậy, Sư Ông cũng che dù đội mưa ra giảng pháp thoại mỗi ngày nên đại chúng rất hạnh phúc và trân quý những giây phút quý giá bên nhau, bên Thầy trong khóa tu. Tội nghiệp nhất là những cư sĩ Thái Lan tình nguyện để hỗ trợ cho khóa tu, vì mưa nên mỗi ngày phải thức dậy rất sớm, lái xe đưa đón mọi người tới nơi sinh hoạt rất nhiều lần mới xong.

 

cungduongthay3

 

Ngày 17/10, buổi trưa bế mạc khóa tu thì buổi chiều có lễ xuất gia cho 13 người, mang tên gia đình xuất gia “Trúc Vàng”. Thiền đường đơn giản nhưng y áo vàng rực và lời kinh vang lên rất hùng tráng khiến những người tham dự đều xúc động. Mười ba cây trúc vàng có tên rất dễ thương: Trăng Chùa Xưa, Trăng Huyền Diệu, Trăng Nguyền Ước, Trăng Bích Nham, Trăng Lộc Uyển, Trăng Từ Ái, Trăng Tuổi Thơ, Trăng Huyền Không, Trăng Xóm Mới, Trăng An Vui, Trời Kỳ Ngộ, Trời Tinh Khôi, Trời Tĩnh Lặng. Sáng hôm sau Thầy truyền đăng cho một số giáo thọ, trong đó có nhiều người trẻ đã chứng tỏ sự trưởng thành của mình trong hoàn cảnh tu tập khó khăn.

 

danthinhtrucvang4

Ngày 18/10 Thầy và phái đoàn lên Bangkok cho một buổi thuyết giảng công cộng gần 3000 người tại trường đại học Thammasat. Đêm đó Thầy và thị giả nghỉ ở khách sạn, còn phái đoàn 80 người đi theo về nghỉ tại nhà một thiền sinh ở ngoại ô Bangkok. Vị này vốn có một bịnh viện tư và xây dựng nhà dưỡng lão nên đủ sức chứa cả đoàn một cách thoải mái. Khu dưỡng lão đất rộng cây nhiều, lại có con sông êm đềm chảy qua ngay dưới cửa sổ nhà ở nên một số các thầy quá hạnh phúc nhảy xuống tắm sông như thuở nhỏ. Phái đoàn được nghỉ ngơi buổi sáng, buổi chiều chia làm nhiều nhóm khác nhau: nhóm đi đảnh lễ đức Tăng Thống tại bịnh viện, nhóm đi đảnh lễ nhà vua, nhóm về resort Phu Khao Ngam. Resort này ở vùng Nakhon Nayok, rất rộng và đẹp, lần trước tăng thân Thái Lan đã từng dùng cho khóa tu Doanh Nhân (Business Retreat). Lần này khóa tu tổ chức chỉ hai ngày, dành cho giới lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “The Art of Power” (Quyền Lực Đích Thực), không phổ biến rộng rãi và ghi danh tự do mà chỉ bằng thư mời. Có khoảng 400 người tham dự, toàn là những người nhạy bén và thông minh nên tiếp thu giáo pháp rất nhanh. Nhìn họ trong y phục đơn giản, chăm chú tu tập và hành thiền thật khó lòng hình dung ra vị trí của họ trong xã hội.

 

ptdn6

 

Khóa tu chấm dứt, phái đoàn lại di chuyển đến địa điểm hoằng pháp kế tiếp là trường đại học Phật giáo quốc tế MCU (Mahachulalongkornrajavidyalaya University) ở Wang Noi, vùng Ayutthaya. Đây là trường đại học Phật Giáo nổi tiếng vẫn thường tổ chức lễ Vesak Quốc Tế hàng năm. Trường thật đồ sộ và có nhiều khu vực (campus), kể cả một khách sạn dành cho khách mà phái đoàn được cư ngụ. Sư Ông đã tới trước từ sáng, buổi tối phái đoàn mới tới. Sáng hôm sau đoàn đi đảnh lễ ở tháp xá lợi và dự lễ tưởng niệm vị vua Thái sáng lập ra trường đại học MCU. Buổi trưa, cùng với 150 thầy và sư cô tới từ Pak Chong, phái đoàn tham dự buổi nói chuyện của Hòa Thượng viện trưởng và sau đó là buổi thuyết pháp công cộng của Sư Ông với chủ đề “The Art of Awakening” (Nghệ thuật tỉnh thức). Có khoảng 2,000 người trong buổi pháp thoại này.

 

ptcctl5

 

Sáng hôm sau, ngày 24/10, phái đoàn từ giã quý thầy, đi đến resort Wangree ở Nakhon Nayok cho khóa tu gia đình với chủ đề “Peaceful Mind, Open Heart” (Tâm bình an, trái tim mở rộng). Đây là một khóa tu lớn (1,600 người) với ba thứ tiếng được sử dụng: tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Việt. Resort Wangree có hai hội trường và ba phòng ăn lớn, nhưng không đủ chỗ ngủ cho tất cả 1.600 người nên ban tổ chức phải mướn thêm các nhà nghỉ và resort gần đó: một chỗ chứa 70 người (Koom Luang), chỗ khác chứa được 120 người (Baan Banana), resort Ing-Doi chứa được 170 người và 350 vị từ Việt Nam tới tập trung ở Pink-Violet. Đa số các vị tới từ Việt Nam là thân nhân các thầy và sư cô nên không khí đoàn tụ rất ấm cúng. Có vị chưa từng rời khỏi lũy tre làng, nay thương con nên có dịp… xuất ngoại, ăn cơm Thái, nghe pháp thoại tiếng Anh (dịch ra tiếng Việt). Resort Wangree trồng nhiều tre, nhiều dừa, có con đường thiền hành rộng rãi và xanh mát nên mỗi buổi sáng Sư Ông dẫn mọi người đi thiền hành rất hạnh phúc. Người Thái và người Tây phương (có một phái đoàn gần 40 người đi theo Sư Ông và một số người ở Thái) nghe Sư Ông giảng trực tiếp ở hội trường lớn, người Việt Nam nghe dịch ra tiếng Việt và nhìn Sư Ông qua màn ảnh rộng ở hội trường nhỏ. Các sinh hoạt khác thì người Việt được hướng dẫn trực tiếp bằng tiếng Việt còn người Thái nghe giảng bằng tiếng Anh dịch ra tiếng Thái. Có 150 vị xuất sĩ tham dự và phụ tá cho Sư Ông trong khóa tu này. Ngoài ra ban tổ chức có khoảng 80 vị cư sĩ tình nguyện trong mọi lãnh vực nên dù đông đảo nhưng khóa tu diễn ra rất thanh tịnh và thành công. Chiều ngày 26/10, bà chủ resort mời Sư Ông trồng ba cây Sa-la  để kỷ niệm trong khu vườn của resort.

 

chiasevoipt7

 

Ngày 28/10, có lễ truyền Năm giới cho khoảng 400 người Thái và 120 người Việt.

 

Khóa tu hoàn tất, một số người Việt theo các thầy cô về lại Pak Chong để thăm các thầy cô và tham dự buổi lễ tẩy tịnh ở đất mới vào ngày 30/10.

Thầy Về

thay-o-phi-truong

 

Hai tháng rưỡi đã trôi qua, kết thúc chuyến hoằng pháp tại Đông Nam Á của Thầy. Mấy ngày nay chúng tôi háo hức chờ đợi ngày Thầy về. Từ tuần trước, các thầy, các sư cô của các xóm đã tới Sơn Cốc để quét tước, dọn dẹp, người cắt cỏ, cào cỏ, tưới cây, tỉa cành, lau nhà, lau cửa kính… không khí thân thương đến lạ.

 

Ngày 15.11 thầy về, đón thầy tại sân bay ai cũng mừng vì chuyến đi này Thầy khỏe và vui. Xuống sân bay, thầy trò ngồi chơi bên nhau dăm phút, thầy kể chút ít chuyện về khóa tu cho đại chúng ở nhà nghe. Đóa hoa thiền tông Việt Nam đã tỏa hương ở khắp phương trời Tây, nay lại tiếp tục bung ở trên mảnh trời Châu Á. Năm nước thầy qua, người dân địa phương cũng như các giới chức, chính quyền đều hết lòng yểm trợ nên khóa tu diễn ra rất tốt đẹp, có lẽ vì thế mà thầy vui và tăng lên được 2 kg.

 

24 giờ ngày 15.10 Thầy về tới Sơn Cốc, vừa bước xuống xe, đã có một số sư cô chờ sẵn ở cửa đón đợi. Thầy cười thật tười đưa mắt ngắm nhìn các học trò của mình rồi dịu dàng xoa đầu từng người một, khẽ hỏi: “ở nhà vui không con?”, “có nhớ thầy không con?” khiến cho ai cũng cảm nhận được tình thương đủ đầy của Thầy. Các sư cô âm thầm chia nhau công việc: người dọn thức ăn, người khiêng đồ, người hút bụi những căn phòng mà khi đi khóa tu Thầy đã cẩn thận khóa lại. Còn Thầy lặng lẽ bước vào phòng làm việc của mình, tới bên bàn thờ Bụt Người lạy xuống ba lạy, trang nghiêm và cung kính.

 

Sáng hôm nay nắng vàng đổ ngập cả đất trời, thời tiết thật lý tưởng cho một buổi thiền hành. Đại chúng vừa xếp lại những cuốn thiền ca chuẩn bị cất bước thì nghe thấy tiếng xe, ai cũng đưa mắt nhìn ra và vui mừng khẽ reo: “Thầy tới”. Từ trên xe, Thầy bước xuống, những ánh mắt mừng vui hướng về phía Thầy. Thầy cười và đưa tay vẫy : “lại đi chơi với thầy, các con”. Buổi thiền hành chợt biến thành buổi đi chơi với Thầy. Thầy trò tới bên ba bức tượng Bụt mới được thỉnh về từ Indonesia. Từ đêm qua, khi vừa về tới nhà, thầy đã nói: “ngày mai thầy sẽ qua Xóm Mới xem tượng Bụt và tìm chỗ đặt tượng”. Ngắm nghía những bức tượng, thầy giải thích thế ngồi của các vị Bụt: “đây là Bụt chuyển pháp luân, đây là Bụt địa xúc, đây là Bụt thiền định.” Thầy trò đi tới bên vườn Bụt, Thầy quan sát và nói nhỏ: “Mình sẽ đặt ba bức tượng ngồi bằng nhau, các con nhé. Bụt chuyển pháp luân sẽ ngồi giữa, hai Bụt ngồi hai  bên. Nhưng Bụt ngồi giữa sẽ ngồi lùi lại một chút theo hình chữ V chứ không ngồi thẳng hàng. Các con thấy được không?” – Thầy quay ra hỏi ý kiến mọi người. Rồi tiếp: “Các con muốn Bụt ngồi giữa ngồi lùi lại sau hai Bụt bên cạnh hay Bụt ở giữa ngồi trước và hai Bụt bên cạnh ngồi lùi lại phía sau? Cho thầy ý kiến đi”. Các sư cô người thì nương tựa hoàn toàn vào cái thấy của Thầy, người thì tiếp thu câu hỏi và đang quán chiếu xem cách nào thì hợp lý hơn cả. Thấy mọi người im lặng, thầy nói: “Thầy thì Thầy thấy Bụt ở giữa ngồi sau hai Bụt bên cạnh thì hay hơn. Mình cứ thử nhé, nếu không thích thì sau này mình thay đổi lại, có sao đâu”. Các sư cô mỉm cười, có người cất tiếng nói: “Con kính bạch Sư Ông chúng con nương theo Sư Ông”.

 

ngồi chơi bên thầy

 

Lúc này Thầy mới quay lại nhìn kỹ khuôn mặt từng sư cô và thăm hỏi mọi người, với mỗi người Thầy đều tới bên xoa đầu và nói với vị ấy điều gì đó:

– Biểu Nghiêm, con có nhớ thầy không? – Sư cô Biểu Nghiêm đỏ mặt gãi đầu

– Lĩnh Nghiêm, thầy có gặp bố mẹ con đấy. Bố mẹ con viết thư cho thầy và khoe là lần đầu tiên được xuất ngoại.

– Tại Nghiêm, con dịch bài hay lắm, thầy đọc bài của con rồi.

Biết sư cô Sinh Nghiêm mới từ Úc về, thầy hỏi: “Ở Úc con có nhớ thầy không?”
Sư cô Sinh Nghiêm trả lời:

– Bạch Thầy, dù ở Úc nhưng con luôn cảm nhận rất rõ rằng Thầy như đang có mặt tại đấy.

– Ừ, có chứ, thầy có ở Úc mà. Lúc con ở Úc thầy nhớ con lắm.

Mỗi khi thầy nói rằng “nhớ con” chúng tôi luôn hiểu câu nói ấy là “thầy thương con lắm”. Tình thương của thầy luôn sâu rộng và công bằng. Ai thầy cũng thương như nhau. Thầy trò dạo bước tới tháp chuông và ngồi xuống. Thầy nói: Tôn Nghiêm, Sĩ Nghiêm, Hành Nghiêm đã kể chuyện về chuyến đi cho các con nghe chưa?

– Dạ chưa – một người cất tiếng.

– Chưa à? Phải kể chứ, có nhiều chuyện để kể lắm.

Rồi thầy như hồi tưởng lại những chuyện đặc biệt diễn ra trong khóa tu, nhớ gì thầy kể cái đó. Ngưng một lát thầy ngắm nhìn những chiếc lá dâu chín vàng. Lá trên cây đã rụng xuống phân nửa, những chiếc lá to bản màu váng óng nằm sát bên nhau trên nền đất thành một tấm thảm lá vàng ươm. Nhìn những chiếc lá thầy nói: “Có một ông thi sĩ người Pháp nói rằng, vào mùa thu mỗi chiếc lá đều trở thành một bông hoa. Nói hay con nhỉ?” Có cảm hứng, sư cô Văn Nghiêm xin đọc cúng dường Sư Ông một bài thơ của sư cô. Sư cô Sinh Nghiêm cũng hát cho Sư Ông nghe một bài mà khi ở bên Úc sư cô được sư cô Thuần Tiến dạy. Thầy trò ngồi bên nhau, khi thì lặng yên, khi thì nhỏ to kể chuyện, khi thì có nhạc, có thơ. Phút giây ấy là những phút giây ngập tràn hạnh phúc của cả thầy lẫn trò. Buổi trưa, Thầy cùng quý sư cô dùng cơm tại nhà ăn của Xóm Mới, sau đó Người mới trở lại Sơn Cốc.

Thầy về lại sau những ngày xa cách, không khí bỗng ấm cúng hẳn lên và mọi thứ cũng ngăn nắp một cách rất tự nhiên. Xóm nào cũng vui, thiền sinh cũng vui. Chỉ cần sự có mặt của Thầy ở đâu là ở đó năng lượng của đại chúng bỗng hùng hậu khác thường. Nhờ ơn chư Bụt, chư Tổ gia hộ nên thầy vẫn khỏe. Chúng con cảm ơn thầy, cảm ơn cuộc đời vì thầy vẫn còn đó cho chúng con.

 

Ngày đông tuyết phủ

hang cay mua dong

 

Mùa Đông năm nay tuyết phủ trắng núi đồi, tuyết trắng xóa cành cây, tuyết rải trên mọi nẻo đường làm cho Làng như mới lạ. Ngày tuyết rơi đầu tiên ở Làng đã làm cho mọi người cảm nhận không khí Noel đang về… Đúng vào hôm Quán Niệm thì tuyết rơi, cả tăng thân tham gia ngày Quán Niệm như một lễ hội. Trong khí trời giá lạnh, mọi người nhắc nhở nhau mặc áo đủ ấm chưa? Nét mặt ai cũng hớn hở khi gặp lại bà Chúa Tuyết sau một năm ngủ vùi. Tuyết cười cùng mọi người, mọi người cười cùng vui với tuyết. Đoàn xe Xóm Mới từ từ lăn bánh chầm chậm trên con đường tuyết phủ như đang đi thiền hành.

 

Quang cảnh hai bên đường đẹp như một bức tranh. Đang “enjoy” sự chăm sóc ân cần của bà chúa tuyết thì đoàn xe phải dừng lại vì đường trơn trợt. Mọi người xuống xe mới nhận ra đi trên tuyết thật là khó! “Oạch”, một sư chị, sư em đã chụp ếch rồi! Các sư em nhỏ được gặp tuyết lần đầu thì tha hồ phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của màu tuyết trắng. Trong giây phút đó thì hai sư cô lớn hội ý rồi quyết định nên trở về xóm cho an toàn. Vậy là mọi người đi bộ về nhà, một đoàn áo nâu thiền hành giữa cánh đồng tuyết phủ, mỗi bước chân đặt lên nền tuyết trắng cẩn trọng như dấu ấn của một vị quốc vương, lúc này hơi thở và bước chân hợp nhất để trở thành đôi bạn thân dìu dắt thân thể trong khí trời rét buốt.

 

Không lâu sau đó, sư cô Tùng Nghiêm đã quay đầu được một chiếc xe và cẩn thận đón từng tốp nhỏ về nhà. Về đến nhà, ai cũng thở phào và vẫn muốn tiếp tục tham dự Ngày Quán Niệm nên liền nối mạng trực tuyến để được tiếp tục nghe pháp thoại Sư Ông. Trong thoáng chốc, mọi thứ đã sẵn sàng cho mọi người cùng nhau nghe pháp thọai tại văn phòng, ngoài kia tuyết vẫn đang rơi, những bông tuyết nhảy dù thiệt duyên dáng.

 

Kết thúc giờ pháp thoại, mỗi người một tay chuẩn bị buổi cơm trưa, chỉ một giờ đồng hồ sau, cơm canh đã lên bàn. Ngoài kia tuyết vẫn rơi đều, trong nhà ăn, bên bếp lửa, đại chúng ngồi quây quần ăn cơm thật đầm ấm. Nhiều vị cư sĩ biểu lộ niềm vui khi cảm nhận không khí gia đình đến thật bất ngờ. Những tấm ảnh kỉ niệm ghi lại cái khoảnh khắc đáng nhớ của mùa đông trong ngôi nhà tăng thân kì diệu. Chúng tôi thấy như đang cùng ba xóm bốn chùa ăn cơm chung và dự ngày Quán Niệm chung mà không thấy riêng lẻ tí nào. Và thật sự cảm nhận có lẽ giờ phút này, tăng thân khắp nơi cũng đang có một ngày Quán Niệm như thế. Thật sự vui mừng khi đầu mùa An cư, sư cô Mai Nghiêm, sư cô Đào Nghiêm cùng một số giáo thọ cư sĩ và tập sự giáo thọ cư sĩ đã có dịp ngồi lại để tổ chức chương trình An cư liên mạng. Mỗi tuần, mọi người cùng gặp nhau một lần tại các tăng thân địa phương, cùng chia sẻ về một đề tài pháp đàm thực tế trong đời sống hằng ngày, như thực tập thi kệ mở cửa, thi kệ thức dậy .v.v.. Khi tham dự chương trình này, các thiền sinh ý thức là mình đang An cư nên sắp xếp thời gian để nghe được tất cả các bài pháp thoại của Thầy trong suốt ba tháng mùa Đông, họ còn khuyến khích nhau không xem ti vi, không đi chơi nhiều, thường liên lạc với tăng thân… Qua những tuần đầu đã có khoảng 400 thiền sinh ở 40 tăng thân khắp nơi (đa phần là người nói tiếng Pháp, ngoài ra còn có một số thiền sinh Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Canada và châu Phi nói được tiếng Pháp cũng cùng tham gia). Sau bốn tuần cùng thực tập chung, mọi người cảm thấy rất lợi lạc, họ thiết lập được mối liên hệ gần gũi và hưởng được năng lượng thực tập của một tăng thân. Niềm vui được nhân lên khi mạng lưới thông tin đã đóng góp thành tựu của công nghệ hiện đại và tình thương của ngôi nhà tâm linh đã giúp mọi người có cơ hội ngồi lại bên nhau cùng xây dựng và chia sẻ cho nhau niềm tin có một con đường vui qua mạng. Lúc này lời dạy của Thầy lại về: “Noel là dịp để chúng ta trở về nhà” đã thật sự đến trong lòng mỗi đứa con.

 

dsc cung choi

 

Mùa An Cư còn là một mùa đặc biệt dành cho gia đình xuất gia, các sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị về Làng cùng sinh hoạt với các sư em, cùng nhau học những kinh rất hay, chia sẻ những kinh nghiệm tu học và có một ngày Monastic Day vào thứ ba hàng tuần. Hai chúng tăng ni lại quây quần trong một ngôi nhà nhỏ, cùng nghe pháp thọai của Thầy, nghe Thầy chia sẻ những niềm vui từ những “bức thư tình” của những người trò nhỏ trên con đường học đạo, nghe Thầy dạy những kinh nghiệm trong chúng và dạy cách nuôi dưỡng con đường lý tưởng mà mình đang theo đuổi.

 

Bài pháp thoại “Ngày tôi biết thở”, Thầy đã hỏi các sư con của mình: “ Mình có còn nhớ hơi thở đầu tiên Thầy mình trao cho mình hay không? Hơi thở đầu trong đời sống tâm linh là ngày nào? Ai đã dạy cho mình cách thở? Mình đi tu là mình được tái sinh. Và mầu nhiệm là khi mình tái sinh thì thầy tổ, ông bà, cha mẹ đều được tái sinh“: “Tái sinh trần tạ ân người từ bi”. Cho nên mình đừng chết trong thất niệm, bởi vì sự thực tập của mình có tính chất rất là hệ thống. Lời dạy của Thầy cùng những buổi pháp đàm của gia đình xuất sĩ đã làm cho mùa Đông năm nay thật đầm ấm.

 

Sau ba tuần chia sẻ về ba đề tài lớn: hạnh nguyện của người tu, vấn đề sức khỏe và thực tập sử dụng máy móc điện tử như thế nào trong đời sống tâm linh? đã đúc kết lại những lời gửi gắm sau:

 

1. Hạnh nguyện của người tu là có được tình huynh đệ, thực tập làm lắng dịu cảm thọ, nuôi dưỡng hỷ lạc để sống có hạnh phúc thì sẽ tạo được cảm hứng cho người khác thực tập theo (mình phải là người có sự thực tập trước khi hướng dẫn cho người khác thực tập). Đừng quên hạnh nguyện của mình trước khi mình đi xuất gia và nhớ làm mới chí nguyện đó mỗi ngày, nhớ đừng đánh mất mình trong công việc, nhớ cân bằng thời gian thực tập, làm việc, học và chơi trong đời sống hằng ngày…

 

2. Vấn đề sức khỏe: tập thể dục và an tịnh tâm hành mỗi ngày để có đủ sức khỏe theo cùng tăng thân. Ăn chay có lợi cho sức khỏe, nhớ đừng ăn quá no và cùng một số gợi ý chi tiết khác… Còn “ai cần thuốc chánh niệm” thì xin được gặp Thầy (mọi người bất ngờ trước gợi ý của Thầy Pháp Dung nên cười …“Ồ!” )

 

3. Sử dụng máy móc điện tử:  Theo thông lệ ở Làng, mỗi năm cứ bắt đầu mùa An cư là đại chúng mỗi xóm đều có một buổi thực tập buông bỏ và phát lộ. Vị nào đang sử dụng laptop, điện thọai, email, tài khoản… riêng đều xin phát lộ cho chúng biết và nêu lý do mình sử dụng máy đó vào việc gì cho đại chúng. Nếu lý do không chính đáng thì tăng thân đề nghị buông bỏ để đại chúng cùng dùng chung. Điều này giúp cho mọi thành viên trong tăng thân có cơ hội “thả bò” và ý thức hơn khi sử dụng máy móc.

 

Qua ba tuần thảo luận, những kinh nghiệm thực tiễn đã được trao đổi để bảo hộ thêm cho các sư anh, sư chị, sư em của mình trong đời sống tăng thân như: Nhớ thực tập trong chừng mực của chúng cho phép, khi sử dụng máy, nên cam kết giờ giấc cho tăng thân biết, có thể sử dụng câu kệ hay tiếng chuông (máy tính) để có cơ hội dừng lại mà không bị tập khí lôi kéo, nhớ thở và buông thư nhé! Không nên lưu trữ những tài liệu không nuôi dưỡng đời sống xuất gia… Có niềm vui trong khi sử dụng máy và cũng có niềm vui khi làm những công việc khác. Có thời khóa “check email”, đừng để tập khí không mở email là ngủ không được quấy rối… và nhớ theo thời khóa đầy đủ.

 

Lời đóng góp chân thành đó đã giúp chúng tôi thấy mình thật là may mắn khi ở trong vòng tay bảo hộ của tăng thân. Và tin rằng sau ba tuần pháp đàm sôi nổi sẽ giúp cho mỗi chúng tôi có cơ hội nhìn lại sự thực tập của mình.

 

Buổi chiều hôm tổng kết, chúng tôi lại có một buổi quây quần đố vui để học với những câu hỏi gần gũi, thiết thực về lịch sử Làng Mai, đời sống xuất gia, kinh văn cùng với những câu hỏi rất ư là nhí nhỏm.

 

Lễ Noel đi qua, Lễ Mừng Năm Mới đang đến, tuyết vẫn phủ trắng mọi lối đi. Ngày hôm qua ánh nắng lại về xuyên qua những cành cây trụi lá lấp lánh như những tia bạc trên nền tuyết trắng huyền diệu. Đây đó từng nhóm nhỏ nô đùa cùng tuyết hồn nhiên và tinh nghịch làm cho quang cảnh Làng thêm sinh động. Đây đó khắc ghi lại những bước chân tĩnh lặng rồi mỉm cười khi nghe tiếng sột soạt của tuyết dưới chân mình. Những bước chân ấy dừng lại bên một bức tượng Bụt bằng tuyết khá lớn được các thiền sinh nam xóm Thượng đắp nên. Bụt ngồi đó giữa trời tuyết phủ đã một tuần nay, bình an và thanh thản đến lạ. Sự hiện diện của bức tượng Bụt bằng tuyết làm cho mùa Đông năm nay thêm ý vị thì phải! Ngoài kia vẫn còn tuyết phủ, trong thiền đường, lời Thầy càng ấm áp như nhen lên trong lòng mỗi người một ngọn lửa thiêng (ngọn lửa tâm linh) sưởi ấm cho mùa đông giá lạnh.

but bang tuyet

Khai mạc khóa An Cư Kiết Đông tại Làng Mai

21. Tu chung trong thien duong Nuoc Tinh

Ngày 26.11.2010, đại chúng Đạo Tràng Mai Thôn đã làm lễ đối thủ An Cư Kiết Đông. Năm nay, số người An Cư gồm có 176 vị xuất sĩ và 49 vị cư sĩ, tổng cộng là 225 vị. Sự kiện chúng cư sĩ được an cư chung với các vị xuất sĩ là một nét đặc thù của Đạo Tràng Mai Thôn. Theo truyền thống, An Cư chỉ dành riêng cho người xuất gia, còn người tại gia chỉ đứng bên ngoài để yểm trợ mà thôi. Điều này cho thấy, tu viện không chỉ là nơi dành riêng cho các vị xuất gia, nơi đây cũng có thể trở thành ngôi nhà chung cho tất cả những ai có mong muốn tiến xa hơn trên con đường tu tập.

 

Vào thời Bụt còn tại thế, mỗi năm vào ba tháng hè các vị khất sĩ dù hành đạo ở bất cứ phương nào cũng phải tập trung về một đạo tràng thực hiện ba tháng An Cư, nên gọi là An Cư Kiết Hạ. Thứ nhất là để có dịp tĩnh tu, chuyên tâm đào sâu vào sự thực tập; Thứ hai là vì mùa hè ở Ấn Độ mưa nhiều, côn trùng sinh nở, nếu tiếp tục đi khất thực hoằng hóa chúng sinh chư vị khất sĩ khó tránh được sự dẫm đạp lên các loài nhỏ bé. Trong ba tháng đó các vị khất sĩ chỉ ở yên trong đạo tràng mà không đi đâu hết. Chuyện thực phẩm đã có giới cư sĩ đem tới cúng dường.

 

Làng Mai được thành lập ở phương Tây thuộc vùng khí hậu ôn đới, mùa đông rất khắc nghiệt, không tiện cho việc tổ chức các khóa tu công cộng ở nhiều nơi, nên thay vì An cư vào mùa hạ, Sư Ông đã phương tiện khuyên Đại chúng nên tập hợp An cư vào mùa Đông. Để dành mùa Xuân, mùa Hạ, và mùa Thu cho việc hoằng hóa khắp nơi. Hơn nữa mùa hè cũng là mùa nghỉ phép thường niên của mọi giới, là dịp rất tốt cho sự nghiệp hóa độ của giới xuất sĩ.

 

13. Su Ong va 4 vi tru tri danh le nhau 2

Sư Ông và bốn vị trụ trì lạy nhau

Trước hôm đối thú an cư, vào ngày 24.11.2010, tại Sơn Cốc có một buổi quán niệm dành riêng cho chúng xuất gia, gọi là ngày xuất sĩ. Cuối buổi pháp thoại Sư Ông có nhắn nhủ đôi lời đối với chúng xuất sĩ trước khi bước vào An Cư, Người nhắc nhở: “Đã là người thợ mộc thì phải biết đóng bàn ghế, là người thợ hồ thì phải biết xây cất. Mình là người tu thì phải làm công việc của một người tu đó là thực hiện cho được bốn việc : Buông bỏ căng thẳng, chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc và thiết lập truyền thông. Khi mình làm được bốn việc ấy rồi thì mình phải hướng dẫn cho người khác cũng làm được như vậy. Đó là bổn phận của một người tu.

 

Thứ năm ngày 25.11.2010, có ngày quán niệm tại Xóm Hạ, cuối buổi pháp thoại Sư Ông cũng dặn dò tứ chúng phải thực tập ba tháng An Cư cho miên mật, phải trân quý cơ hội được tu tập chung với đại chúng. Người còn nói thêm: “Thầy rất biết ơn Đức Thế Tôn đã chế ra ba tháng an cư, nhờ vậy mà trong suốt ba tháng thầy được ở yên với các con của thầy, mà không phải đi giảng ở những nơi khác.”

 

An Cư là một cơ hội lớn dành cho các vị xuất sĩ cũng như cư sĩ có điều kiện chuyên tâm đào sâu vào sự thực tập, củng cố thêm năng lượng để sau đó tiếp tục bước ra đem giáo pháp của Đức Thế Tôn đi vào cuộc đời.

 

dsc04065

 

dsc04076

 

dsc04091

 

dsc04103

 

Sinh hoạt năm 2010

Ngày quán niệm sau chuyến US tour

 

 

Thầy đã về Làng

Sau chuyến du hóa dài ngày tại USA, Thầy đã về Làng vào trưa ngày 11.11.2011. Sáng hôm ấy quý thầy, quý sư cô đã lên phi trường Bordeaux đón Thầy cùng quý thầy quý sư cô tháp tùng chuyến đi với Thầy. Mùa thu vẫn còn sót lại những tán lá đỏ bên đường, lá dâu ở Làng chờ thầy cùng tăng thân hay sao mà chín muộn thế! Nắng ấm lại về sau mấy ngày mưa. Hôm Chủ Nhật, 13.11.2011, tại xóm Mới đã có ngày Quán Niệm đầu tiên chỉ sau hai ngày Thầy về lại Pháp. Buổi pháp thoại bằng tiếng Việt trực tuyến hôm ấy như mang theo niềm vui mà Thầy muốn hiến tặng cho đại chúng.

 

Đừng đánh mất sự sống

Thầy kể cho đại chúng nghe sự sống đã có mặt như thế nào nhờ những khám phá của khoa học. Nhưng có ai biết “Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường đánh mất mình, có khi chúng ta chúi đầu vào trong sách hay chúi đầu vào trong máy tính, mỗi ngày hơn mười giờ, chúng ta bị tâm hành lo lắng, sợ hãi kéo đi. Chúng ta không có mặt. Chúng ta quên rằng chúng ta có một hình hài mẹ ban cho. Chúng ta đánh mất sự sống. Có người họ quên rằng họ có một ngày mai, họ sống trong một thế giới rất là ảo. Thế giới của máy tính là một thế giới ảo, thế giới của lo lắng là thế giới ảo, trong khi đó hình hài của mình là một cái gì rất là thật. Cái tâm của mình bỏ cái thân mà đi cho nên mình lao đao, mình trở thành bệnh hoạn. Cho nên mình thở như thể nào để đem tâm trở về tiếp xúc với thân. Mỗi bước chân cũng vậy, mình tiếp xúc với thân, với tâm, với đất mẹ… và quá trình nuôi dưỡng trị liệu bắt đầu lập tức. Cho nên thiền ngồi, thiền thở, thiền đi là những pháp môn thực tập rất là cần thiết cho tất cả chúng ta.”

 

Niềm vui sống

Thầy còn kể lại những gì Thầy đã chia sẻ tại hảng Google hay tại Thư viện Liên Hiệp Quốc. Bài hát thiền ca: Thở vào Thở ra mở đầu buổi thiền tập là để họ ý thức rằng họ đang có một hình hài, và giúp họ đem tâm trở về với thân. Sau đó mình hướng dẫn thiền hành và mình khuyên họ khi uống trà thì chỉ nên uống trà thôi, khi ăn trưa thì chỉ nên ăn trưa thôi, khi đi thì chỉ nên thở, đi thôi. Mỗi lúc chỉ một việc thôi. Cái hay là mình không cần để thì giờ riêng ra để thực tập thiền, quý vị đi tắm, ăn cơm hay ngồi chờ máy bay thì quý vị sử dụng thời gian đó để thở, để buông thư. Khi tiếp xúc cái mầu nhiệm trong hình hài của mình thì chúng ta có được niềm vui sống, chúng ta được trị liệu rất nhiều. Ở đây chúng ta rất may mắn sống trong một đoàn thể mà người nào cũng biết phương pháp thực tập. Bằng hơi thở, bằng bước chân chúng ta bắt đầu tiếp xúc với đất mẹ và những tình trạng lao đao phóng thể đánh mất mình có thể chấm dứt và chúng ta có thể trị liệu và chuyển hóa.

 

Hành tinh xanh

Lời chia sẻ của Thầy gửi theo niềm tin bằng nụ cười và chất trầm tĩnh. Niềm tin đó hiển hiện trong những lời chia sẻ về những khám phá nét đẹp của đất trời vậy mà con người có khuynh hướng coi mình là cao hơn hết. “Nếu mặt trời là một vị Bồ tát thì hành tinh của chúng ta cũng là một vị Bồ tát. Đất mẹ là một vị bồ tát xinh đẹp. Các nhà khoa học đã công nhận chưa có một hành tinh nào đẹp bằng hành tinh này. Nếu nhìn cho kỹ thì có bao nhiêu điều mầu nhiệm biểu hiện trên mặt đất. Con người tự hào là giỏi về toán học nhưng khi nhìn một cánh hoa anh đào hay khi nhìn về một cành cúc thì con người phải cúi đầu khâm phục. Nếu nói về toán học thì phải giỏi toán lắm mới làm ra một cánh hoa anh đào như vậy… Chúng ta có thể xây một cái cầu hay một cái nhà vững chãi nhưng đất mẹ cũng là một nhà toán học tài tình, đất mẹ có thể tạo ra những cái rất mầu nhiệm. Con người có những người là nhạc sĩ, có thể tạo ra những bản nhạc rất là hào hùng nhưng mà nếu chúng ta lắng nghe tiếng hải triều, tiếng gió, tiếng chim, tiếng thông reo thì chúng ta thấy trái đất là một nhạc sĩ rất tài tình. Không có bản nhạc nào hào hùng bằng bản nhạc của đất trời, mỗi khi có mưa, có gió, có hải triều… Con người có những nhà họa sĩ sáng tạo ra những bức tranh rất là tuyệt vời, nhưng có nhà họa sĩ nào sáng tạo ra những bức tranh tuyệt vời như là đất mẹ. Mỗi sáng khi mặt trời lên, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy bức tranh của trái đất nó đẹp hơn những bức tranh khác rất nhiều. Con người tự hào là những chiến sĩ dũng cảm, nhưng mà trái đất cũng vậy. Nó trải qua 4 tỷ năm cho đến khi sự sống hào hùng bắt đầu xuất hiện. Và nói về tình thương thì đất mẹ cho ra đời bao nhiêu là chủng loại và đã nuôi dưỡng những chủng loại đó. Cho mình ra đời rồi cho mình không khí để thở, cho mình nước để uống, thức ăn để mình ăn. Đất mẹ đã đưa chúng ta ra đời và khi chúng ta trở về thì đất mẹ đưa hai tay ôm lấy…

 

 

Cho nên đất mẹ dạy cho chúng ta những bài học rất là sâu sắc. Đất mẹ là một vị Bồ tát lớn, một vị Phật rất là xinh đẹp. Đây là Tịnh Độ, chúng ta đừng nghe lời bàn tán thiên hạ, phát tâm nhàm chán cõi này để cầu sang một cõi mơ hồ nào đó trong tương lai. Chỗ này là Tịnh Độ cho nên chúng ta mới cùng tăng thân xin nguyền ở lại giữ gìn đất mẹ và giúp đất mẹ tạo ra những vị Phật và Bồ tát để làm cho thế giới này càng ngày càng xinh đẹp, càng tốt tươi. Hôm nay chúng ta đi thiền hành và tiếp xúc với đất mẹ trong ta và dưới mỗi bước chân ta. Chúng ta có một vị Bồ tát lớn là nền tảng của tất cả sự sống trên trái đất và chúng ta sẽ có bình an, khỏe nhẹ.

Chúng ta đi thiền hành mùa thu, những chiếc lá rất là đẹp. Những chiếc lá xuất hiện vào khoảng tháng ba, tháng tư, những chiếc lá ở trên cành vào khoảng tám tháng, chín tháng, cho đến khi nó tàn, nó rụng nó phân tán thì nó vẫn không sợ hãi. Nó trở về với đất mẹ và đến mùa xuân thì nó biểu hiện trở lại. Đất mẹ luôn có đó và đón chúng ta trở về với hai bàn tay từ mẫu để rồi lại đưa ta ra đời trở lại. Chúng ta có một bà mẹ tuyệt vời như thế mà chúng ta không biết, mà chúng ta cứ đi tìm những bà mẹ khác ở trong đầu óc tưởng tượng của chúng ta.”

 

Vậy thì hôm nay chúng ta đi thiền hành nên nhớ mình đừng cho đất là vật chất. Không phải vật chất đâu. Nó cũng là tâm. Vật và tâm là hai mặt của một thực tại, và cái này nương vào cái kia mà có mặt. Nếu mà đi thiền hành như vậy thì chúng ta có rất nhiều hạnh phúc, chúng ta chế tác năng lượng bình an và niềm vui. Chúng ta đi cho mình và đi cho cả thế giới. Đi như vậy sẽ làm cho trái đất an lành.

Quốc hội và sự tu tập

Trong thời gian tăng đoàn Làng Mai hoằng pháp tại Hoa Thịnh Đốn năm nay (2011) đã có ba buổi thuyết giảng của Sư Ông cho các nhà dân biểu thượng nghị sĩ và nhân viên của các vị này. Buổi đầu được tổ chức tại Thính Phòng của Thư Viện Quốc Hội (The Library of Congress) trong trụ sở Quốc Hội (Capitol Hill).  Hai buổi sau là hai buổi thuyết giảng tại một khóa tu dành riêng cho các dân biểu và nhân  viên của họ tại Trung Tâm Bolger Center. Ngoài ra các dân biểu, thượng nghị sĩ và nhân viên văn phòng của các vị ấy cũng được nghe những bài thuyết giảng và chỉ dẫn về thiền ngồi, thiền đi, thiền thở và buông thư do các vị giáo thọ của phái đoàn phụ trách. Các buổi thuyết giảng tại Capitol Hill và khóa tu hai ngày đều do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (The United States Institute of Peace) và Viện Đức Tin và Chính Trị (Faith and Politics Institute) phối hợp tổ chức. Đề tài của cả ba ngày là “Làm sao để chế tác được năng lượng Sáng Tỏ, Từ Bi và Dũng Cảm trong đời sống chính trị” (Cultivating Clarity, Compassion and Courage in Political Life).

Buổi thuyết giảng tại trụ sở Quốc Hội được diễn ra vào ngày 26 tháng 10 năm 2011. Từ lúc 4.30 chiều đại chúng đã có mặt ở Thư Viện Quốc Hội. Năm giờ chiều đại chúng cùng thọ thực với thức ăn chay do tăng thân  Washington Mindfulness Committee cúng dường.  Sáu giờ có buổi tiếp tân tại Phòng Tiếp Tân  lớn của Capitol Hill và 6 giờ 30 mọi người đã có mặt đông đủ ở Thính Đường. Thầy Pháp Khôi hướng dẫn thiền tầp độ 25 phút, sau đó Ông Mark Farr, Chủ Tịch Viện Faith and Politics đứng lên chào mừng thính chúng. Sau đó các dân biểu Joanne Emerson và Lois Capps lên giới thiệu Sư Ông, Sư Ông đã thuyết giảng đến 8 giờ 30 và sau đó đã để cho các vị dân biểu đặt câu hỏi.

Tánh tương tức và trí đức, ân đức và đoạn đức

Trong buổi giảng Sư Ông đã nói đến tánh tương tức giữa Bụt và chúng sinh, giữa Chúa Ki Tô và con người,giữa cha và con, giữa người dân biểu với những người bỏ phiếu cho họ, và đề nghị những biện pháp tu tập để làm lớn sự bình an cũng như ba loại năng lượng là trí đức, ân đức và đoạn đức để tự nuôi dưỡng mình, nuôi dưỡng nhân viên và gia đình của mình và cuối cùng nuôi dưỡng được tổ chức chính trị của mình  cũng như nhân dân và đất nước của mình.

Bình an, tỏ tường,yêu thương và quyết tâm tu để thực hiện được ý nguyện giúp dân và giúp nước

Thầy dạy nếu không chế tác được những năng lượng bình an, tỏ tường,yêu thương và quyết tâm để tự nuôi dưỡng mình thì mình không  có thể thực hiện được ý nguyện giúp dân và giúp nước. Phải thấy được, tiếp xúc được và lắng nghe được những nỗi khổ niềm đau của chính mình để làm phát sinh cái hiểu và cái thương, những năng lượng có khả năng đem lại sự trị liệu, nuôi dưỡng và chuyển hóa cho tự thân mình. Có những phương pháp thực tập cụ thể để làm công việc này. Cũng không  cần phải để thì giờ riêng cho sự thực tập, mà chỉ cần biết sử dụng thì giờ trong khi lái xe, ngồi chờ máy bay, hay đi bộ từ văn phòng ra bãi đậu xe, để thực tập những pháp môn ấy. Cả những lúc uống trà, ăn cơm, đánh răng, súc miệng, đi cầu, đi tắm…v..v.. cũng có thể được sử dụng để thực tập. Một khi làm được như thế thì có thể nhận diện được những khó khăn và khổ đau của những người trong gia đình ta, trong tổ chức chính trị của mình, trong Quốc Hội và cả trong quần chúng đang yễm trợ và bỏ phiếu cho mình.

Thực tập lắng nghe và ái ngữ để thực tập truyền thông đích thực

Phải có khả năng thực tập lắng nghe và ái ngữ để thực tập truyền thông đích thực với họ . Phải cho họ biết mình sống như thế nào, mình đau khổ như thế nào, và mình thực tập để vượt thắng những khó khăn của mình, và mời họ cùng làm như mình, và yễm trợ  cho mình. Như vậy mới duy trì được niềm tin nơi nhau và mới có cơ hội tiếp tục lâu dài được sứ mạng. Phải có can đảm nói ra sự thật và nói với người ủng hộ mình phải cùng tu tập và soi sáng cho mình bằng tuệ giác của họ chứ không thể chỉ tin tưởng vào những lời hứa hẹn của mình và giao phó hết công việc cho mình. Ví dụ mình có thực tập năm giới thì mình nói mình đang thực tập năm giới, và mời những người thân những người cọng sự và cả những người bỏ phiếu cho mình cùng thực tập với mình, và chia sẻ với họ tất cả những ước  mơ những thành đạt và những khó khăn của mình mà không cần dấu diếm. Như thế mới có niềm tin lâu dài nơi nhau được. Trong thời gian tranh cữ mình chỉ nên nói cái thấy của mình về thực tại, những kinh nghiệm của mình đã có, và những gì mình quyết tâm thực hiện, và mời mọi người góp ý,

Không cần phải chê bay nói xấu  những người đang tranh cử với mình

Không cần phải chê bay nói xấu hay chê bay những người đang tranh cử với mình, trái lại, nên thiết lập đối thoại với họ và hỏi họ trong cái thấy và chủ trương của mình , có cái gì họ cho là non nớt và sai lầm không ? Như vậy không những mình có cơ hội giúp cho dân chúng thấy được tuệ giác, từ bi, kinh nghiệm, đức độ và khả năng của mình, mà mình còn có thể giúp cho mọi người, kể cả đối phương và đảng đối lập học hỏi và thay đổi. Quốc Hội là nơi mà  mọi dân biểu phải lắng nghe nhau, trao đổi tuệ giác cho nhau và đi tới những quyết định có lợi ích cho dân, cho nước. Nếu Quốc Hội bị nghi ngờ, giận hờn và tri giác sai lầm làm chia rẻ trầm trọng, thì Quốc Hội sẽ bị tê liệt, chỉ làm việc một cách hình thức máy móc thì rất tội cho dân và cho nước. Cho nên phải tu tập để mọi thành phần của Quốc Hội có cơ hội lắng nghe và hiểu được những thành phần khác, dù là những người trong đảng đối lập. Sư Ông  nhấn mạnh đến sự thực tập : Muốn có những đức tỏ tường (cái thấy sáng suốt, là trí đức) lòng từ bi (ân đức) và đức dũng cảm (đoạn đức)” thì phải thực tập chứ không thể nói suông mà được . Và Thầy đưa ra một số những phương pháp thực tập cụ thể và nói nếu ai muốn đi sâu hơn nữa về phương diện thực tập thì nên bỏ thì giờ ra tham dự hai ngày tu sắp tới.

Sư Ông đã nói tới pháp tu “hiện pháp lạc trú”, có mặt trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút ấy để được nuôi dưỡng và trị liệu. Thầy nói thiên quốc (Ky tô và Do Thái Giáo )cũng như tịnh độ (Phật tử) đang có mặt trong giây phút hiện tại, nếu có chút năng lượng của niệm và định là mình có thể tiếp xúc với thiên quốc hay tịnh độ và được nuôi dưỡng và trị liệu. Sư Ông giảng dạy tường tận về phép tương tức: ta, cũng như Bụt hay Chúa đều có tự tánh vô ngã, tương tức. Nếu không thấy được tính không của vạn pháp, cũng như của ta, của Bụt và của Chúa, thì không thể nào có thông cảm thực sự được. Điều đó cũng đúng với cha con, các bạn đồng liêu, và cả những người bỏ phiếu cho mình hay không bỏ phiếu cho mình. Sư Ông cũng nói rằng một nếp sống tâm linh trong đời sống chính trị rất là cần thiết bởi sự thực tập này có thể giúp ta vượt thắng được khó khăn, xử lý được những niềm đau và đem lại an bình cho tự thân.

Những câu hỏi và những câu trả lời đã giúp làm sáng tỏ thêm các đề tài đã nói và cho Thầy cơ hội nói về năm giới như một nền đạo đức toàn cầu mà bất cứ ai Phật tử hay không Phật tử đều có thể thực tập, bởi vì năm giới này biểu lộ cái thấy tương tức vượt thắng mọi kỳ thị, chia cách và chuyển hóa được tri giác sai lầm, nền tảng của bạo động, hận thù và sợ hãi.

Khóa tu cho các dân biểu bắt đầu ngày 27/10/2011. Hai giờ trưa, tăng thân đã có mặt tại Bolger Center.  Lúc 5 giờ15 chiều, các dân biểu và nhân viên của họ được hướng dẫn ăn cơm chiều trong chánh niệm và phương pháp đi từng bước trong chánh niệm. Lúc bảy giờ, các thầy và các sư cô xướng tụng bài May The Day Be Well.

Tiếp sau đó là bài pháp thoại của Sư Ông.

Bài tiếp nối bằng một thời vấn đáp.

Sư Ông bắt đầu bài pháp thoại bằng cách chỉ dẫn mọi người trở về với hải đảo tự thân. Trong cuộc sống bận rộn, phải thường xuyên đáp ứng lại với những gì đang liên tiếp xảy ra, mình có thể đánh mất mình dễ dàng, nên mình phải tìm cách thỉnh thoảng trở về nơi hải đảo tự thân để  thiết lập lại sự  bình an, cái thấy tỏ tường để phục hồi khả năng thương yêu và khả năng buông bỏ cũng như chọn lựa dứt khoát. Phải biết cách ngồi lại, trở về hải đảo tự thân, đóng hết các cánh cửa của sáu giác quan, theo dõi hơi thở , làm thư giản thân tâm, làm lắng dịu các cảm thọ và cảm xúc và thiết lập lại sự bình an. Phải có ý thức về sự có mặt của hình hài mình và làm cho hình hài lắng dịu trước khi có thể làm lắng dịu cảm xúc. Sư Ông nhấn mạnh đến sự thực tập chấm dứt suy tư, đóng lại cánh cửa ý căn, để thực sự có mặt.

Trong những lúc đi bộ, lên xuống cầu thang, lái xe, chờ đợi máy bay, phải biết thực tập chấm dứt tư duy và tiếp xúc với sự sống trong giây phút hiện tại. Tư duy thường thường kéo ta đi xa, làm ta đánh mất ta, làm ta sa vào các trạng thái lo lắng, buồn phiền bực bội, sợ hãi v..v…Tư duy như thế không có lợi ích. Sống an trú trong chánh niệm, sâu sắc trong từng giây phút, ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút ấy, không những mình được nuôi dưỡng mà đến khi ta cần suy tư thì tư duy sẽ đem tới những cái thấy có khả năng giúp cho mình đi đến những quyết định chính xác. Đó gọi là chánh tư duy, là productive thinking.

Người dân biểu phải có cái thấy chính xác về hạnh phúc chân thật và phải chia sẻ cái thấy ấy cho những người bỏ phiếu cho mình. Hạnh phúc không phải chỉ là tiền bạc, công ăn việc làm, danh vọng, quyền hành và sự hưởng thụ. Nếu không có bình an, nếu không có thương yêu và hiểu biết thì dù có dư dật những thứ như trên mình cũng không thể có hạnh phúc. Vì vậy, mình không muốn chỉ được bỏ phiếu tính nhiệm khi mình đưa ra những lới hứa hẹn sẽ tranh đấu để có công ăn việc làm , để có một đường hướng kinh tế có tương lai. Bao nhiêu người đã hứa hẹn như thế nhưng rốt cuộc kết quả không thấy đâu, và không còn được đắc cử sau một nhiệm kỳ.

Khóa tu này có các dân biểu và những người cộng tác của họ. Trong số những người tham dự, có Đại Sứ Andrew Young, ông đã từng phụng sự với tư cách dân biểu trong ba khóa, đại diện Quận Năm của tiểu bang Georgia. Năm 1997, ông được Tổng Thống Jimmy Carter công cử làm đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Ông đã từng làm Thị Trưởng của thành phố Atlanta hai lần và cũng đã làm đồng chủ tịch của Centennial Olympic Games năm 1996. Đạo sứ Andrew Young cũng đã từng làm phụ tá số một cho Mục Sư Martin Luther KingII.

Tại khóa tu này cũng có mặt Martin Luther King III con trai đầu của Mục Sư King II. Ông nầy đang tiếp tục nối sự nghiệp của cha.  Tham dự những ngày tu học này cũng có ông Martin O’Malley, thống đốc tiểu bang Maryland. Vị thống đốc này đã có một buổi họp mặt riêng với Sư Ông để  bàn về chuyện đem đạo đức học vào học đường. Trước đây ông cũng đã làm Thị Trưởng thành phố Baltimore. Tham dự những ngày tu cũng có mặt John Lewis, một người được xem là người lãnh tụ hàng đầu của phong trào nhân quyền tại Mỹ. Dân biểu Tim Ryan là dân biểu của tiểu bang Ohio, là một hành giả rất tinh chuyên về thiền tập. Tammy Baldwin là dân biểu của tiểu bang Wisconsin. Meizie Hirono, đại diện tiểu bang Hawai, Jo Ann Emerson, đại diện tiểu bang Missouri, Lois Capps tiểu bang California. Đây là những nhân vật trong số những người tích cực nhất trong sự tổ chức và tham dự khóa tu.

Ngày hôm sau lúc 5g 30 sáng có buổi thiền tọa đầu ngày. Sau đó đại chúng đi thiền hành và về ăn sáng trong chánh niệm. Vào lúc 8 giờ, mọi người vào pháp đường nghe bài pháp thoại thứ hai của thầy. Trong buổi pháp thoại này, Sư Ông đi thẳng vào vấn đề làm sao phục hồi lại khả năng phục vụ của Quốc Hội, làm sao chuyển hóa được tình trạng chia rẻ trầm trọng trong Quốc Hội, làm sao thiết lập lại  truyền thông chuyển hóa những tri giác sai lầm để Quốc Hội khôi phục được chức năng của mình. Mỗi thành viên của Quốc Hội phải thực tập chế tác năng lượng hiểu biết, thương yêu và dũng  cảm để tự nuôi mình để trở nên một tế bào lành mạnh của cơ thể Quốc Hội, và có khả năng nuôi dưỡng Quốc Hội và giúp cho những tế bào khác có khả năng làm được như mình. Các vị dân biểu  đã phát biểu rất thẳng  thắng sau buổi pháp thoại và hy vọng những dân biểu có mặt trong khóa tu có khả năng tiến tới với nhau để tìm cách đem lại cho sự sống Quốc Hội một chiều hướng tâm linh đạo đức để Quốc Hội có thể  trở nên một cơ chế lành mạnh có khả năng phối hợp trí tuệ, tình thương và đức dũng cảm và đóng được vai trò lãnh đạo chính trị của mình. Đại sứ Andrew Young đã nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa Thầy và Mục Sư Martin Luther King II năm 1966. Ông nói cuộc gặp gỡ đó đã thay đổi cái thấy của nhà lãnh đạo Phong Trào Nhân Quyền này và do đó thay đổi cả cục diện thế giới. Trước đây tổ chức Southern Christian Leadership Conference chỉ chuyên hoạt động về nhân quyền, nhưng sau khi gặp Thầy lần đầu ở Chicago, mục sư King đã chuyển hướng đứng lên hô hào chóng nghèo đói, chiến tranh, bất công xã hội và trong buổi họp báo tại Chicago sau buổi gặp gỡ với Thầy đã tỏ rõ lập trường chống đối chiến tranh và kêu gọi Hoa Kỳ tìm ngay giải pháp đem lại hòa bình cho Việt Nam. Dù bị ngay những người trong tổ chức của mình chống đối, lấy lý do là không nên trộn lẫn mục tiêu nhân quyền với mục tiêu hòa bình, mục sư King vẫn cương quyết đi về hướng mới. Nhân cơ hội này, Thầy cũng nhắc lại mối giao tình giữa thầy và mục sư King, nói rằng cả hai bên đã thỏa thuận vói nhau về công tác xây dựng tăng thân (mục sư gọi tăng thân là the beloved community) để đi đến sự thực hiện hòa bình và tình huynh đệ của một thế giới đại đồng. Thầy nói trong buổi gặp gỡ cuối cùng giữa Thầy và mục sư King, hai người đã ăn sáng với nhau và thầy đã có dịp nói với mục sư King  là ở Việt Nam giới trẻ rất hâm mộ  mục sư và xem mục sư như một vị bồ tát. Rủi thay, mục sư King đã bị ám sát sau đó không lâu và ngày 4/4/1968 tại Memphis, không tiếp tục được công tác xây dựng tăng thân của mình. Thầy nói từ ấy đến nay, thầy đã tiếp tục công tác xây dựng tăng thân, thay thế cho mục sư King, và tăng thân hiện đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Theo thầy thì Tổng Thống Obama cũng là một thành phần trẻ của tăng thân và nếu Barack Obama không thực hiện được ước mơ của ông thì đó là vì tăng thân của mục sư King chưa đủ vững mạnh.

Sau buổi pháp thoại đại chúng đã cùng đi thiền hành một giờ trước khi vào thọ trai, và sau đó sư cô Chân Không hướng dẫn Thiền buông thư.

Thầy đã gặp dân biểu Tim Ryan của tiểu bang Ohio vào buổi chiểu để đàm luận về công tác tiếp nối. Khóa tu chấm dứt trong niềm hân hoan của tất cả mọi người.

___________________________________

I Am Made Only of Non-Me Elements: Library of Congress Talk >>

­Thầy viếng thăm trụ sở Google

 

 

Ngày 14.09.2011, tăng đoàn được mời tới hướng dẫn cho nhân viên của hãng Google tại trụ sở trung ương của hãng này tại Mountain View về phương pháp thực tập chánh niệm để giảm bớt sự căng thẳng trong đời sống chuyên nghiệp của họ.

Khoảng trên 600 người đã đến để được hướng dẫn thiền ngồi, thiền đi, nghe pháp thoại, ăn cơm yên lặng trong chánh niệm và Thiền Buông Thư. Mọi người rất phấn chấn, nhiều nhân viên tiết lộ: “Ui chao! Chuyện xảy ra chỉ một lần trong đời, ai mà không tham dự là dại lắm. Thiền Sư Nhất Hạnh tới đây và ở luôn với chúng ta đến 5 tiếng đồng hồ! Các bạn tin được không? Và rồi mọi người đã ở lại cho đến cuối ngày, không ai bỏ cuộc nửa chừng. Hãng nầy có trên 30 000 nhân viên, nhưng chỉ có trên 600 người được tham dự trực tiếp ngày thực tập, tại vì họ đang cư trú và làm việc trong những vùng có trụ sở trung ương của họ và cũng vì chỗ lớn nhất tại đây chỉ chứa được từng ấy người. Danh sách chờ đợi (waiting list) hơn 500 mà ban tổ chức không biết phải làm cách gì hơn là cho thêm một phòng riêng có 200 chỗ nữa (ở xa hơn) và tham dự trực tuyến qua màn ảnh. Niềm an ủi của họ là sẽ được thấy và nghe những lời dạy dỗ và những sinh hoạt của Thầy để nguyên không cắt xén trên YouTube để phổ biến toàn cầu, ít nhất 3 giờ 30 phút, những gì  mà ban lãnh đạo cho là quan trọng nhất cho nhân viên của họ.

 

Tại trụ sở Trung Ương Google ở Mountain View, Ban Quản Trị đã bỏ ra những số tiền khổng lồ trang bị những tiện nghi tối đa cho nhân viên làm việc để họ có thể tiếp tục khảo cứu, sáng tạo và sản xuất tới mức tối đa tài năng của những nhân viên ưu tú của mình. Nhân  viên của Google, gọi cho vui là Googlers,  có nhu yếu lớn là làm sao thiết lập được quân bình  giữa những đòi hỏi của chức nghiệp và đời sống cá nhân của họ. Phần lớn đều là còn trẻ, tuổi từ 30 đến 40, phần lớn đều đã tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ như Havard, MIT, Yale và Standford. Rất nhiều vị đã được Google thu dụng ngay sau khi tốt nghiệp các trường đó. Họ là  những người trí thức được đặt vào trong một môi trường đòi hỏi phải làm việc thật nhiều, thật nhanh để có thể tranh đua mà vượt thắng các hãng khác, và không có thì giờ để lo cho bản thân họ. Cách sống và làm việc của họ là dùng hầu hết thì giờ và năng lượng để khai thác suy tư của mình, phải luôn luôn vượt thắng chính mình, phải tự phán xét mình và phán xét người khác trên căn bản khả năng làm cho hay hơn và sản xuất cho nhiều hơn. Do đó họ phải để ra rất nhiều thì giờ và năng lượng cho các dự án sáng tạo và sản xuất, không cho phép mình được ngừng lại. Mặc dù tại trụ sở trung ương luôn luôn có những phòng xoa bóp, nhiều cafeterias lớn nhỏ với thực phẩm cống hiến cho nhân viên rất lành mạnh, rất ngon, bổ dưỡng, ăn uống bao nhiêu cũng được và không phải trả xu nào. Mặc dù những chỗ nghỉ ngơi và giải trí thì có đủ loại để làm vui lòng nhân viên, nhưng  tất cả những tiện nghi vật chất đó không đủ để giảm bớt sự căng thẵng và những áp lực của sự trông chờ. Nhân viên nào cũng làm việc vượt xa mức tối đa của sức người nên kết quả là họ dễ trở thành nạn nhân của trầm cảm, lo lắng, mất ngủ và… mập ra. Rất nhiều người trong họ phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày tại trụ sở. Làm sao để có sự thăng bằng giữa đời sống và công ăn việc làm, đó là vấn đề?

 

Ngày thực tập bắt đầu bằng những bài hát chánh niệm do các sư cô Đàn Nghiêm, Hiến Nghiêm  và các thầy Pháp Linh và Pháp Khôi hướng dẫn. Sau đó sư cô Tuệ Nghiêm hướng dẫn thiền tọa với sự tham dự của cả tăng đoàn. Sau khi các cô Olivia và Lilian  giới thiệu, Sư Ông bắt đầu nói về pháp môn thực tập. Tiếp đó là phần vấn đáp. Sau đó đại chúng thực tập thiền hành, ăn cơm chánh niệm và sư cô Chân Không hướng dẫn Thiền Buông Thư. Phần đầu của buổi thực tập đã dược Google đưa lên YouTube, xin mời các vị thân hữu lên xem cho biết. Đề tài thuyết giảng của Sư Ông là Mindfulness as a foundation for Health (Chánh niệm là nền tảng của sức khỏe). Trên mạng, Google đã giới thiệu như sau: (Dịch từ YouTube):

 

 

“Thầy Thích Nhất Hạnh đã đến hướng dẫn nửa ngày tu tập tại Google về phép chánh niệm để xây dựng sức khỏe. Đây là một dịp viếng thăm hiếm có. Thầy là một trong những thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, một tác giả sách bán chạy nhất, một nhà thơ, một nhà vận động hòa bình, đã từng được Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình. Thầy là người tiên phong áp dụng tuệ giác thiền quán vào việc giải quyết những vấn nạn xã hội, kinh tế và sinh môi. Tác phẩm mới nhất của thầy là Savor, dạy về sự thực tập ăn uống và sống đời chánh niệm, viết chung với Giáo Sư Lilian Cheung của trường đại học Havard. Tuổi đã 85 nhưng thầy còn đi giảng dạy, sau khi giảng dạy tại Hoa Kỳ, thầy sẽ trở về tu viện ở Pháp.

 

Đời sống ở Google thì vừa hăng say vừa vui nhộn nhưng cách sống này có thể đem lại nhiều tổn thất cho bản thân và cho gia đình. Buổi thực tập hướng đẫn rất khéo léo này của Thầy sẽ giúp cho bạn làm dịu bớt căng thẳng, chỉ cho bạn ăn uống thế nào cho có thêm sức khỏe, ngủ được ngon giấc hơn, xử lý được  những cảm xúc dễ dàng hơn, giữ cho tâm ý được tập trung lâu dài hơn và để thành công nhiều hơn trong việc thi thố tài năng của mình.”

Muốn lên mạng để nghe xin đánh : Mindfulness as a Foundation for Health: Thich Nhat Hanh.

 

(Thị giả trong chuyến đi US tour 2011 ghi lại)

Lễ hội Halloween


Vào Ngày Quán Niệm Chủ Nhật tuần vừa rồi, tại Làng đã có một buổi ngồi chơi chung và cùng có mặt với các bạn thiền sinh trong buổi lễ Halloween diễn ra vào ngày 31.10.2011. Các tiết mục được đưa vào yếu tố thiền tập nên buổi ngồi chơi cảm thấy rất bình an mà không gieo thêm hạt giống sợ hãi, lang thang…. Một tiết mục văn nghệ do một nhóm quý sư cô trẻ hóa trang  thành các loài ma cùng những lời thoại để gởi đến các bạn thông điệp: hiện tại cũng có những con ma đang cùng sống với chúng ta hằng ngày, những con ma ấy thường quấy rối chúng ta và đã có rất nhiều người đã chết tức tưởi vì nó. Mời bạn theo dõi buổi văn nghệ cây nhà lá vườn diễn ra tại thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng, Làng Mai.
Đầu tiên, con ma Thất Tình đi ra than thở:
“Ôi tình yêu, hỡi thế gian tình là gì, vì sao tình khiến ta đau đớn, tình ơi tình đâu, trả tình cho ta tình ơi, tình ơi…”

Rồi con ma Tham Tiền gào thét:
“ Ôi, tiền, tiền của ta đâu, đầu tiên là tiền đâu, đô la, euro, kim cương hột xoàn…đâu rồi, tiền đâu…tiền của ta đâu???

Con ma Tham Ăn càm ràm
A…. a …..a….
“ No mà chết, chết rồi vẫn chưa no, ăn…ăn…ăn…ta phải ăn phải ăn sơn hào hải vị, phải ăn….”

Con ma Trầm Cảm, Tuyệt Vọng thất thểu bước tới và than phiền:
Hờ ….hờ …..hơ …

“ Chán, chán, chán, ta chán tất cả, với ta tất cả đều vô nghĩa
Ôi chẳng cần gì, ta chẳng cần gì, chán… chán… chán quá đi thôi!”

Trong khi đó con ma Nghiện lãng đãng bước như người say và lẩm nhẩm:
“Ôi Âm phủ, trần gian mờ mịt, bao giờ thì ta mới  PHÊ, cho ta một liều nữa, chích cho ta thêm đi, ôi nàng tiên nâu nàng ở đâu, ở đâu ở đâu?”

Con ma Đói thì cứ than:
“Đói, đói, ta đói, sống đói mà chết cũng đói, ta thèm ăn, thèm ăn, cho ta ăn đi, cho ta ăn….ta đói …”

Và kìa, một con ma chết vì Hận Thù, Bạo Động hét toáng lên:
“Hừ…hừ… tức quá tức quá, ta điên rồi đây, ta phải đánh, ta phải đập, phải phá tung phá nát phá nát tất cả…”

Và con ma Trộm Cướp thừa nước đục thả câu cũng la lên:
Cướp…cướp…cướp, ta sẽ cướp, sẽ lấy hết, thiên đường địa ngục, tất cả đều là của ta…ha ha ha…

Bỗng xuất hiện tiếng vỗ tay bốp… bốp… bốp… của con ma Đại ca
Tất cả các ma ngạc nhiên chạy lại hỏi
Cái gì vậy Đại ca
– Các đệ không biết hôm nay là ngày gì sao?
Ủa ngày gì vậy Đại ca?
Con ma Đai ca hỏi:
Lịch âm phủ của ta đâu ?
Dạ đây.
Ha …ha ..ha, hôm nay la Haloween các đệ không nhớ sao, ngày đại hỷ của chúng ta, phải bắt hết, bắt hết bọn con nít về đây cho ta. Ha… ha …ha…
Oan tình, thù hận, thèm khát, nghiện ngập, tất cả sẽ phải tan nát hết ngày hôm nay.. ha…ha..ha
Nào đi thôi đi thôi nhanh lên!
Hoan hô Đại ca, Đại ca muôn năm….


Bọn chúng bàn nhau, chuẩn bị ra tay, thì chúng giật mình khi thoáng trông thấy hình bóng một vị xuất sĩ đi đến, chúng im lặng và quan sát.
Vị xuất sĩ đó là Thầy Pháp Hoa đang thong dong đi đến, mắt thầy chăm chú vào những chiếc lá rực rỡ với sắc thu. Cuối xuống nhặt một chiếc lá đỏ tươi, thầy khẻ thốt:
Lá mùa thu thật là đẹp!
Các em nhỏ thấy Thầy thì dừng lại chắp tay xá chào. Thầy đến bên các em ôn tồn hỏi:
–         Hôm nay là Halloween, các em không chuẩn bị hóa trang gì sao?
–         Dạ không ạ! Thưa thầy.
–         Ủa sao vậy, các em không sợ bị ma bắt đi sao ?

–         Dạ không ạ, chúng con đã được Sư Ông truyền cho Hai Lời Hứa, nguyện sẽ thương yêu tất cả mọi người và mọi loài, khi đã yêu thương tất cả mọi loài thì đâu còn sợ ma nữa. Mình thương yêu họ thương họ thì họ đâu có bắt mình ăn thịt, phải không thầy ?
–   Ồ! các em giỏi quá! Các em còn nhỏ mà đã hiểu lời dạy của Sư Ông thật là sâu sắc.
–         Bạch Thầy, chúng con nghe chiều nay chùa mình có tổ chức lễ gì đó, hình như gọi là Cúng Thí; để làm gì vậy thưa Thầy ?
–         À, các em hỏi hay lắm, nếu các em muốn biết thì hãy ngồi xuống  đây, Thầy sẽ chia sẻ cho mà nghe.
Cúng Thí, gọi cho đủ là Cúng Thí Thực. Đó là một nghi lễ truyền thống trong Đạo Bụt, vẫn thường được diễn ra ở các chùa vào mỗi buổi chiều dành cho các loài ma đói. Các loài ma là kết quả của những ai đã phải chết uổng trong đau khổ bởi nhiều nguyên nhân: tình ái, thèm khát, bạo động, hận thù, nghèo túng, đói kém, … Chúng ta ai rồi cũng phải già, rồi cũng phải chết, nhưng họ thì chết không đúng thời, chưa đến lúc đáng phải chết mà lại chết. Cho nên họ rất đau khổ, họ cảm thấy rất cô đơn, họ lang thang đây đó để tìm những người thấu hiểu họ, chia sẻ với họ, nhưng họ lại không thể tìm ra, do vậy chúng ta gọi họ là cô hồn. Tùy theo mỗi nguyên nhân làm họ chết mà ý thức, suy nghĩ của họ bị vướng mắc vào cảm xúc đó. Chỉ khi nào họ ý thức được các cảm xúc đó vốn không tồn tại dài lâu, xác thân cũng bị chi phối bởi quy luật vận động và biến đổi thì họ mới có thể chuyển hóa, giải phóng những vướng mắc đó và tái sinh ở những cõi tốt đẹp. Chúng ta làm lễ là mang sự hiểu biết đúng đắn và tình thương đích thực xuất phát từ sự tụng đọc những lời kinh tiếng kệ, nhờ lực gia trì của Bụt Tổ và Chư Tăng để giúp cho họ hiểu biết, chuyển hóa và giải phóng những vướng mắc đó, hướng họ đến con đường lành, biết tu tập và hộ trì Tam Bảo. Thêm nữa, nhờ năng lượng thương yêu mà chư Tăng chú tâm chú nguyện cho thức ăn, nước uống được bày biện chuyển thành những dạng thức ăn làm no lòng tâm đói khát của họ. Hôm nay là lễ Halloween, chúng ta làm một buổi lễ để giúp cho họ chuyện đó. Đây là một việc làm rất đẹp, các con có muốn cùng thực tập với quý thầy cô không ?
–         Dạ chúng con muốn lắm.
–         Được rồi, vậy thì chúng ta đứng dậy và cùng nhau đi thiền hành vào chỗ làm lễ nhé. Chúng con nhớ đi từng bước trong chánh niệm gửi tình thương và bình an vào mỗi bước chân, để mỗi bước chân có thể đem lại sự trị liệu và chuyển hóa cho họ.
Trong khi Thầy giảng cho các em về ý nghĩa của việc cúng thí thực và hướng dẫn cho các em đi thiền hành, thì các loài ma chăm chú lắng nghe và xúc động trào dâng.
Trong lúc Thầy dẫn các em thiền hành vào trong làm lễ thì các loài ma ngậm ngùi nói than thở với nhau:
–         Tại sao, tại sao ta cứ tự cột mình trôi lăn trong đam mê nghiện ngập. Từ nay… hu hu hu… ta không muốn làm Đại ca nữa. Ta sẽ “letting go everything”. Ta muốn làm người tỉnh thức, làm người tỉnh thức.
–         Tiền là gì, tại sao ta phải chạy theo tiền, chết vì tiền và danh vọng. Ta không cần tiền, đô la, euro hột xoàn kim cương gì nữa hết. Ta cần tình thương và sự hiểu biết. Ta cần chánh pháp nuôi ta.
–         Hận thù đốt cháy, tham dục đốt cháy ta, ta cần giọt nước từ bi rưới mát hồn ta. Ta phải về, phải quay về ngay bây giờ. Nam mô Bụt A Di Đà.
–         Thôi các huynh đệ đừng than khóc nữa, đây là dịp lành để chúng ta chuyển hóa. Hãy cùng nhau thực tập đi thiền hành, theo Thầy vào nghe kinh, nghe kinh để Bụt Tổ cứu độ chúng ta. Đi thôi…