Đất ruộng tìm về với nông dân

Thất ngồi yên, bảy giờ sáng, ngày 31 tháng 07 năm 2001

Đây là thơ Thầy viết cho các con ở ba đạo tràng Mai Thôn, Rừng Phong và Lộc Uyển. Hôm nay là ngày chót của tuần lễ thứ ba trong khóa tu mùa Hè ở Mai Thôn. Thiền sinh ở cả ba xóm đều đang có hạnh phúc. Thầy nghe nói trong các buổi pháp đàm ở xóm Thượng nhiều người đã khóc và chia sẻ hết mình về tâm tư và cuộc đời của họ. Thầy cũng nghe nói thiền sinh xóm Trung năm nay hạnh phúc nhiều hơn năm ngoái gấp bội. Tại các xóm Hạ và Mới, thiền sinh cũng biểu lộ rất nhiều hạnh phúc và thấy các thầy các sư cô Làng Mai đang lưu tâm săn sóc cho họ tận tình.

Năm nay thật nhiều trẻ em và thiếu nhi thiếu nữ ngoại quốc tới tu học, điều này làm Thầy rất vui. Hầu hết các em đều rất ngoan. Thầy có nói với một số các Thầy và các Sư cô rằng đó là những thửa ruộng tốt nhất mà trong đó mình có thể gieo trồng những hạt giống chánh pháp. Chúng ta như những người cày ruộng và gieo mạ. Thiền sinh là đất ruộng để ta gieo trồng. Đất ruộng tìm tới với nông dân. Hạnh phúc lớn của chúng ta là được tiếp tục sự nghiệp của đức Thế Tôn và tăng đoàn nguyên thỉ để gieo trồng hạt giống Phật pháp trong thế gian. Thầy biết các con của Thầy đang mỗi người trong vị thế của mình im lặng làm công việc ấy với tinh thần của tăng thân đồng đội. Phẩm chất hòa hợp của tăng thân năm nay rất cao, Thầy chưa nghe thấy có sự than phiền nào giữa các anh chị em với nhau. Ngày hôm nay tờ nhật báo Le Monde có đăng một bài dài về đạo tràng Mai Thôn của ký giả Henri Tincq viết và hàng triệu người đang đọc. Mai mốt người Pháp về Làng Mai tu học có thể rất đông, và chúng ta sẽ phải đành lòng nói “non” với rất nhiều người tri kỉ. Thật là tội nghiệp.

Năm nay cũng là một năm “thật đầy” không thua gì năm ngoái. Cuối năm nay các thầy các sư cô trẻ được truyền đăng đông lắm, làm Thầy rất vui. Mận của Làng đã chín. Và các con đã có tiến bộ rất nhiều nhất là trong lĩnh vực chăm sóc và dạy dỗ cho các sư em.

Hè năm nay có một số các Thầy lớn ở Việt Nam qua Làng Mai. Quý vị có vẻ có nhiều hạnh phúc khi thấy người Âu Mỹ tu học nghiêm chỉnh và thành công. Thầy có ý định mời quý Thầy viết cho tập kỷ yếu 20 năm Làng Mai, mỗi vị một bài, về cảm tưởng và nhận xét của các Thầy về sự tu học ở đây. Những bài ấy mình sẽ dịch thành Anh và Pháp ngữ để đăng trong tập kỷ yếu. Trong khóa tu mùa hè này Thầy cũng có dịp viết một bài về thiền để đăng trong tập Bách Khoa Y Khoa ở Hà Nội theo lời yêu cầu của một bác sĩ đang làm việc trong bộ Văn Hóa. Vị bác sĩ này nói là rất đông đọc giả tại Việt Nam đang trông chờ đọc bài của Thầy. Thầy cũng đã tìm ra được thì giờ để dịch truyện kiều ra văn xuôi cho tuổi trẻ đọc. Công việc này, Thầy nghĩ, chắc cũng phải đến cuối năm mới xong. Dịch Truyện Kiều ra văn xuôi còn khó hơn dich Kinh Tạp A Hàm.

Mùa Thu này Thầy và phái đoàn Làng Mai sẽ có dịp gặp các con ở Rừng Phong, Thanh Sơn và Lộc Uyển. Mùa Đông này sẽ có nhiều di chuyển, nhưng tất cả những di chuyển ấy chỉ tạo thêm nhiều niềm vui. Ở đâu thì cũng ở trong gia đình của Mr. Brown, ở đâu thì mình cũng có thể là bông hoa tươi mát cho cuộc đời.

Thầy lạy Bụt gia hộ cho các con của Thầy được an ổn, trong thân cũng như trong tâm, và nuôi dưỡng được niềm vui làm chỗ nương tựa cho Tăng thân và cho mọi người. Thầy thấy rất rõ các con là sự tiếp nối của Bụt của Tổ và của Thầy. Thầy thấy nơi các con, Thầy thấy Thầy bất diệt. Thầy có đức tin nơi các con, đức tin này vững chắc không ai có thể làm lung lay được.

Hạnh phúc của Thầy rất lớn, nhiều lúc lớn quá khiến Thầy có cảm tưởng là Thầy không đủ sức ôm được hết. Thầy cần các con giúp Thầy tiếp nhận và giữ gìn hạnh phúc ấy, cho mình và cho mọi người đến với mình.

Thầy ôm tất cả vào lòng với tất cả niềm thương yêu và tin cậy.

Thầy của các con

Sự tiếp nối đẹp

Thất Ngồi Yên, 02-04-2002

Khóa tu Francophone đang diễn biến tốt đẹp, các con làm việc rất giỏi, thiền sinh mới rất đông và họ rất hạnh phúc. Các con nhớ đi, đứng, nói, cười cho thật thong dong và chánh niệm, nhất là các em mới xuất gia. Đừng hấp tấp, đừng vừa đi vừa nói. Cô nào chú nào cũng là Thầy, cũng là sự tiếp nối của Thầy. Lá thư Làng Mai số tết đã tạo hạnh phúc rất nhiều, ở Việt Nam cũng như ở Đức và ở Mỹ. Ở Việt Nam lá thư ấy đã được in và phát hành thành sách, dầy tới 373 trang. Chỉ tiếc là họ không in được hình bìa của mình. Thầy đang nghĩ tới vân tập kỷ niệm Ngày Em Hai Mươi Tuổi, và mong các con, người nào cũng đóng góp được một bài. Có một số vị đã viết bài vào thời gian Thầy Pháp Niệm đã viết, những bài ấy có thể được in, nhưng nếu các con thấy có thể viết cận đại hơn và sống động hơn thì nên viết bài mới. Dài ngắn gì cũng được, miễn là có góp phần của mình. Nếu có thể tự mình đánh máy vào đĩa, hay nhờ anh chị em mình đánh máy vào đĩa rồi trao lại cho sư anh Pháp Hội hay sư em Pháp Duệ thì đỡ công cho các vị này lắm. Phải có một vài vị lấy máy thu thanh đi phỏng vấn để có bài của những ai không quen viết hay làm biếng viết. Sư em Pháp Duệ đã được Thầy nhờ chụp hình tất của tất cả các sư anh, sư chị và sư em để tập kỷ yếu có hình của tất cả mọi người, kể cả những “cố nhân”. Sư em Pháp Duệ nên nhờ các sư anh của mình bên Rừng Phong và Lộc Uyển làm giúp công việc này bên ấy. Hội Nghiêm muốn viết bài hay hơn cứ viết, in một lần hai bài cũng được. Thầy muốn các con ai cũng đóng góp trong ấy. Ai có hình đẹp của Làng thì đem cho sư anh Pháp Ấn để tìm cách in vào tập kỷ yếu. Hãy cùng làm chung như gói bánh chưng ngày Tết, cho vui. Thầy sẽ viết thêm một bài.

Thầy rất muốn mỗi buổi sáng các con uống một ly nước ấm thật lớn, hai ly càng tốt. Khi mua kem đánh răng hãy thử mua Fluocaril bi-fluore 250, thứ này rất tốt, cứ thế chận đứng caries rất mau lẹ, và rất có hiệu nghiệm. Phải mua ở tiệm thuốc tây mới có. Tháng tư ăn mặc cho đủ ấm bởi vì rất dễ bị cảm. Mai mốt mình nên tổ chức một Monastic day tại Nội viện cho vui, trước khi có khóa Tiếng Việt.

Thầy của các con.

___________________
Nhờ sư em Đẳng Nghiêm dịch thơ này ra anh ngữ giúp Thầy, cảm ơn con
.

Ý hòa đồng duyệt

Thất Ngồi Yên Xóm Thượng 25-07-02
Các con thương của Thầy,

 

Chúng ta đang ở giữa khóa hè, và tuy năm nay mình đã có mở một khóa tiếng Việt, một khóa tiếng Pháp và một khóa 21 ngày tiếng Anh rồi nhưng khóa mùa Hè vẫn đông, nhất là ở Xóm Trung. Tội nghiệp cho các Thầy và các sư cô ở xóm Trung quá, tại vì đây là xóm quá đông và đồng bào thèm nói chuyện nhiều quá thành ra sự thực tập im lặng hùng tráng khó hơn ở các xóm khác, vì vậy mà phẩm chất tu học không được cao như mình mong ước. Có lẽ mình phải xin với các bác và các anh chị trong Xóm giúp mình một tay để cho các pháp môn thực tập đem lại hiệu quả chuyển hóa tốt đẹp, gây đức tin và tạo hạnh phúc cho người về Làng.

Thầy rất vui khi thấy tăng thân làm việc với nhau hòa điệu, biết buông bỏ ý kiến mình khi ý kiến người kia hơi cứng, để duy trì sự hòa thuận và để tình huynh đệ không bị tổn thương. Thầy nhớ đến hình ảnh bàn tay cầm một chiếc đũa: nếu bàn tay bên này cầm đầu đũa quá mạnh thì bàn tay bên kia thả đuôi đũa ra để cho chiếc đũa không bao giờ bị gãy. Đó là phép thực tập mầu nhiệm, rất mầu nhiệm, gọi là tùy thuận. (Trong chúng có sư cô Thuận Nghiêm!) Buông ra như thế vài ba lần thì bên kia thấy được hạnh tùy thuận của mình và sẽ từ từ bớt đi thái độ cố thủ ý kiến. Ai cũng biết là hạnh phúc tăng thân dựa trên hòa điệu: ý hòa đồng duyệt là một quá trình thực tập lâu dài, không thể một sớm một chiều mà làm cho toàn hảo được.

Vài ngày làm biếng tuần thứ hai, các sư bé (baby monks, baby nuns) đã được về Nội viện sinh hoạt với nhau rất vui. Tuy cũng chấp tác, nấu nướng, dọn dẹp, tưới cây, v.v… nhưng các bé đã làm chung trong tinh thần hỗ trợ để giúp đỡ nhau nuôi dưỡng tâm bồ đề, điều này rất cảm động. Các bé còn chăm sóc và nấu cơm cho Thầy nữa. Thấy các bé làm việc và chơi với nhau rất hòa thuận, vui vẻ và êm đềm như thế, Thầy đã nói các bé sau buổi cơm trưa: You make me very happy. Như vậy là học trò nuôi Thầy rồi, có phải không?

Thầy cũng rất vui khi các cháu bé Tây phương chơi vui và thực tập giỏi dưới sự hướng dẫn của các Sư cô và sư chú. Các cháu rất có phước. Được tiếp xúc với giới xuất gia và với sự thực tập ngay từ hồi còn bé thơ như thế, thì chắc chắn sau này khi lớn lên các cháu sẽ cảm thấy rất thoải mái (at home) với đạo Bụt, và đạo Bụt sẽ trở thành quê hương tâm linh của các cháu. Bố mẹ các cháu tuy hâm mộ đạo Bụt và thực tập hết lòng nhưng dầu sao cũng không được bằng các cháu đâu. Thế hệ thứ hai sẽ thuần túy hơn, và nếu các cháu lớn lên và đi xuất gia thì chúng sẽ vững vàng hơn trong con đường thực tập và tỷ lệ những người xuất gia thành công sẽ cao hơn bây giờ nhiều. Vì vậy cho nên chăm sóc và hướng dẫn cho các cháu là một công việc rất đẹp đẽ. Hình ảnh người xuất gia đi đứng và hành xử trong chánh niệm và từ bi sẽ để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng các cháu.

Thiền sinh Âu Mỹ về Làng tu tập đã trở thành một tập tục rất tốt đẹp. Con cháu của họ cũng sung sướng được về Làng để tu tập với cha mẹ cũng là một điều khích lệ chúng ta rất nhiều. Các sư anh và sư chị có được nhiều sư em dễ thương và hết lòng tu tập, đó là tăng thân mình có phước lớn. Các sư em có sư anh và sư chị giỏi để nương nhờ, đó cũng là phước đức lớn. Kinh sách bằng ngọai ngữ và các khóa tu mở ra ở các nước đã đem lại cho chúng ta hàng trăm ngàn bạn đạo, mà tăng thân cống hiến. Tất cả những sự kiện này đem lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui và nuôi dưỡng ta rất nhiều. Thầy thấy rõ đây là công trình chung của tăng thân, được chư tổ nâng đỡ và hộ trì. Nếu không có sự nâng đỡ và hộ trì ấy thì chắc chắn chúng ta đã không làm được những điều đã làm – Kể cả chuyện hoằng pháp ở Trung Quốc, sự quảng bá rộng rãi trong thế gian bằng hàng chục thứ tiếng những cuốn sách có tầm vóc lớn, cho đến cả sự mở rộng vùng đồi núi của tổ đình Pháp Vân ở núi Thệ Nhật.

Trong chúng ta còn có những người chưa vượt thoát được vài khó khăn bản thân hoặc chưa chuyển hóa hoàn toàn những tập khí còn lại, nhưng sự kiện này rất bình thường chúng ta không cần lo ngại, bởi vì chúng ta biết có tu tập thì có thể chuyển hóa, dù có khi hơi lâu một chút. Mà tu tập và chuyển hóa không phải là vấn đề cá nhân. Nếu con còn có khó khăn thì Thầy và Tăng thân sẽ tu tập chung với con mà vượt thoát các khó khăn ấy: mình sẽ làm chung với nhau, con đừng lo ngại. We shall do it together. Chúng ta đừng tự đòi hỏi quá nhiều. Phải biết cho nhau thời gian và không gian, phải biết nương vào và sử dụng tăng thân để cùng tu tập và chuyển hóa. Như vậy thì sự chuyển hóa chắc chắn sẽ tới, ta không cần lo lắng hoặc có mặc cảm. Tin nhau và tu tập cùng nhau, đó là cách giải quyết tốt đẹp hơn hết.

Thầy biết vào tuần thứ ba này của khóa tu mùa Hè, trong lúc số lượng thiền sinh lên cao nhất, chúng ta phải để nhiều năng lượng và thời giờ vào công việc chăm sóc và hướng dẫn, do đó có vị sẽ cảm thấy mệt mỏi. Viết lá thư này Thầy muốn nhắc các con là các con đang có Thầy và có nhau bên cạnh. Thầy rất ý thức là các con đang dâng hiến tất cả trái tim của mình cho lý tưởng. Nụ cười và hạnh phúc của thiền sinh, của người lớn cũng như các cháu bé, là phần thưởng rất xứng đáng cho chúng ta. Chỉ còn hai tuần lễ nữa là Thầy đã lên đường đi Bắc Mỹ với một số các con rồi. Thầy rất muốn từ đây đến đó, Thầy trò mình sẽ có dịp đi thiền hành với nhau quanh ngọn núi Thệ Nhật, để ngắm những khu đồi núi mới được sát nhập vào đất chùa tổ Pháp Vân. Con đường rất đẹp, và cảnh trí ngoạn mục sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Vùng đất mới mở về phía Tây, phía Nam và phía Đông. Tất cả vào khoảng 36 mẫu Tây. Nhưng chúng ta sẽ chỉ đi chơi một vòng trên con đường đẹp nhất và chỉ cần tới khoảng sáu mươi hoặc bảy mươi phút. Hy vọng hôm ấy trời đẹp.

Thầy ôm tất cả các con vào lòng.
Thầy thương và tin cậy.

 

(Thư này Thầy cũng gởi cho các con của Thầy ở Rừng Phong và Lộc Uyển. Chỉ trong vòng mười hôm nữa là Thầy đã có mặt ở bên ấy với các con rồi.)


Hiến tặng hạnh phúc

Stone Hill College, ngày 13 tháng 8 năm 2002,
Các con rất thân yêu của Thầy!

 

Thầy mong hồi hôm các con đã ngủ được một giấc ngủ ngon. Stone Hill đẹp và dễ chịu cả Umass và Ucsd. Hôm chủ nhật vừa qua (11.08.02) ở xóm Thạch Lang trong khi các vị giáo thọ họp chuẩn bị cho khóa tu, Thầy đã ngồi ở nhà trà ngắm các sư cô sư chú chèo thuyền chơi đùa với nhau trên hồ với rất nhiều hạnh phúc. Rất tiếc mình chỉ có được một ngày như thế để chơi đùa với nhau ở Rừng Phong. Khóa tu là một cơ hội để cho anh chị em được gặp gỡ nhau sau nhiều tháng sống ở những địa phương cách biệt. Tuy chúng ta đang phải lo điều hợp cho một khóa tu đông gần 900 người nhưng đây cũng là một cơ hội để chúng ta được sống chung và làm việc bên nhau, dù mọi người đều có trách nhiệm quan trọng. Như Thầy đã nói trong buổi giảng hướng dẫn tối qua cho thiền sinh, mỗi giây phút trong ngày đều có thể là một sự hiến tặng. Tư duy từ ái, ngôn ngữ từ ái và hành động từ ái là những gì ta có thể hiến tặng cho nhau và cho thiền sinh trong khóa tu. Sự thực tập này đem tới rất nhiều hạnh phúc cho bản thân và cho rất nhiều người. Trong chúng ta có những vị tu học và hành trì rất vững chãi nhưng cũng có một vài vị còn yếu kém. Chúng ta nên nghĩ tới những vị này không phải với tâm niệm phiền trách mà với tâm niệm từ ái và tìm cách khéo léo để nâng đỡ cho các vị ấy, bằng tâm hiểu biết, bằng sự chăm sóc lân mẫn và bằng ngôn từ hòa ái. Tăng đoàn chúng ta là sự tiếp nối của Tăng đoàn Thế Tôn và nếu nhìn kỹ ta có thể thấy được Đức Thế Tôn đang có mặt với chúng ta trong khóa tu này. Thầy nhớ tới những lời này trong Bài Tụng Hạnh Phúc: “Hạnh phúc thay được sống trong Tăng đoàn Thế Tôn, được hành trì giới định, sống vững chãi thảnh thơi trong từng giây từng phút của sự sống hàng ngày, và trực tiếp tham gia vào sự nghiệp độ sinh của Bụt và Bồ tát!” Những câu kinh này là sự thực đang xảy ra bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta được nhắc nhở thường xuyên (tùy niệm) thì hạnh phúc sẽ có mặt trong từng giây phút. Lý tưởng của chúng ta rất đẹp, pháp hành trì của chúng ta rất đẹp mà công việc tạo dựng và hiến tặng hạnh phúc cho người cũng rất đẹp, có thể là đẹp hơn những gì chúng ta đã từng mong ước trong quá khứ.

Chúng con nhớ đi những bước đi thật chánh niệm, dẫm lên tịnh độ mà đi. Khi đi thì đừng vội vã, suy nghĩ và nói chuyện. Mỗi bước chân là một sự hiến tặng tuyệt vời. Mỗi hơi thở và mỗi nụ cười cũng như thế. Thầy rất hạnh phúc khi thấy các con sống và làm việc yên lặng và hòa thuận như một đàn ong, và trong tình huynh đệ. Thầy không chắc những con ong kia có ý thức về tình huynh đệ không, hay chúng chỉ có vô phân biệt trí. Thầy thì Thầy có ý thức về tình huynh đệ (maitri), từ maitri có nghĩa là tình huynh đệ, tình bằng hữu, bởi vì maitri cũng từ mitra mà ra, mà maitra có nghĩa là bạn.

Theo cái thấy của Thầy thì tổ chức và hướng dẫn một khóa tu cũng là tạo dựng và hiến tặng tịnh độ cho mọi người. Mình có tịnh độ trong trái tim thì mình làm được việc ấy. Còn có công việc nào đẹp đẽ và cao cả hơn? Thầy chúc các con của Thầy rất nhiều hạnh phúc.

Thầy

Hành trang

Lộc Uyển ngày 04 tháng 09 năm 2002,
Kính gởi các thầy, các sư cô và các sư chú có mặt tại Lộc Uyển trong khóa tu nói tiếng Việt.

 

Khóa tu này là một cơ hội để chúng ta thực tập thúc liễm thân tâm và chứng tỏ là chúng ta có khả năng sống hài hòa và hạnh phúc trong tình huynh đệ. Chúng ta làm như thế không phải là vì khóa tu, mà trái lại sử dụng khóa tu để làm như thế.

Thúc liễm là chỉnh đốn, vén khéo, đừng để cho bung thùa. Sự có mặt của một tăng thân thao thức muốn học hỏi, thực tập và có đức tin nơi chính mình là một cơ hội để mình thấy được vị trí, vai trò và sứ mạng của mình với tư cách một người xuất gia. Bước chân, hơi thở, câu nói, nụ cười, cách hành xử và cách làm việc chung với nhau phải có phẩm chất và công năng tạo niềm tin cho người và đem cho người hạnh phúc. Đó không phải là giả trang thiền tướng mà là sự thực tập bằng trái tim. Nếu ta không có hạnh phúc với nhau, nhường nhịn nhau và nói những lời thương yêu với nhau, nói tóm lại, nếu chúng ta không có đủ chất liệu của tình huynh đệ, thì chúng ta không có gì nhiều để hiến tặng.

Thầy biết tình thương và tâm bồ đề của mỗi người trong các con đều đang có mặt và ta chỉ cần mở trái tim ra là dòng suối ngọt có thể tuôn trào. Tư kiến và buồn phiền sẽ trôi đi hết một khi dòng suối ấy bắt đầu tuôn chảy. Đừng đòi hỏi hết khóa tu mới ngồi lại để bàn về chuyện này. Ta hãy dâng hiến nguồn cam lộ ấy ngay trong khóa tu. Hãy làm việc và tu tập bên nhau trong thương yêu và trong buông thả.

Thầy tin tưởng ở các con.

(sáu giờ chiều)


Lời căn dặn của Thầy trong thời gian tăng đoàn đang ở Mỹ

1.      Dù ở đâu, phi trường, thành phố, cầu thang, phòng vệ sinh… đều phải đi theo kiểu thiền hành, vững chãi và thảnh thơi, không được gấp gáp.
2.      Không nói chuyện trong khi bước. Nếu cần trả lời một câu hỏi, hay hỏi một câu hỏi, thì dừng lại. Cho người kia biết là khi đi mình phải thực tập, và khuyên họ cùng thực tập.
3.      Tại Rừng Phong, Núi Xanh và các khóa tu, thực tập uy nghi trong lúc tiếp xúc với người khác phái, giống hệt như thực tập tại Làng Mai. Người cư sĩ không hiểu thì giải thích cho họ, và mời họ thực tập.
4.      Đi đâu và tham dự vào sinh hoạt nào của tăng thân (thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v..) cũng phải có ý thức về sự có mặt của thân thứ hai của mình. Đừng đánh mất thân ấy.
5.      Chịu trách nhiệm về phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân thứ hai và nhắc nhở thân ấy trong trường hợp phẩm chất chánh niệm xuống thấp. Nếu mình không đủ sức thì nhờ đến Thầy và Tăng thân.
6.      Có chuyện gì không vừa ý thì đừng tỏ lộ sự bực tức, trong đám đông, giữa buổi họp, hay bất cứ lúc nào. Nắm cho được hơi thở, và tìm lúc thích hợp, chỗ thích hợp, nói ra điều mình cảm nghĩ với thái độ ung dung và ngôn ngữ hòa ái.
7.      Nhớ rằng hạnh phúc và hòa điệu của Tăng thân trong chuyến hoằng pháp là trên hết. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc của Tăng thân.
8.      Biết rằng đang được cùng Tăng thân làm hạnh phúc cho hàng ngàn người là một cơ hội lớn. Hãy tận hưởng từng giây phút của chuyến đi. Bước nào cũng là bước trong Tịnh Độ!

 

Thương và tin cậy

Thầy

Nắm lấy cơ hội

Nội viện Phương Khê, ngày 28 tháng 10 năm 2002
Các con thương của Thầy!

Đức Thế Tôn cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Mỗi chuyến đi là một cơ hội. Mỗi lần được ở nhà là một cơ hội. Mỗi buổi sáng là một cơ hội. Mỗi bước chân là một cơ hội. Mỗi buổi ngồi thiền là một cơ hội. Chúng ta có biết nắm lấy cơ hội hay không, hay cứ để cơ hội tuột khỏi tầm tay mỗi khi chúng đến?

Đại chúng đã cho chúng ta nhiều cơ hội. Thầy cũng đã cho chúng ta nhiều cơ hội. Các sư anh, sư chị và sư em ta cũng đã cho ta nhiều cơ hội. Vấn đề là nắm được cơ hội, biết mình có nhiều may mắn, để sau này không hối tiếc là mình đã không biết nắm lấy cơ hội.

Ngày xưa Thầy đã viết: “Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy. Để trưởng thành. Để cuộc đời nhường một bước đi lên” (trích trong bài thơ Dựng Tượng Tuổi Thơ viết vào khoảng năm 1964). Chúng ta có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm bản thân. Đã đành ta có tập khí cũ. Nhưng ta có thể luyện tập khí mới. Mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi buổi sáng hoặc mỗi chuyến đi là một cơ hội thực tập. Đây là cơ hội thứ mấy rồi? Ai mà biết được. Bởi vì ai mà đếm được. Nhiều lắm. Hạnh phúc là do ta. Hạnh phúc không do người khác ban cho ta. Khổ đau cũng vậy. Khổ đau cũng do ta. Khổ đau không phải do người khác trao cho ta. Biết như thế, ta không còn than phiền, không còn trách móc. Ta quyết tâm làm mới trong ta. Bởi vì một cơ hội nữa đang tới. Ta quyết không để cho nó vượt khỏi tầm tay ta. Mùa Thu đang đẹp. Và chúng ta đang có nhau. Tăng thân của chúng ta lớn lắm. Và chúng ta đang tiếp nối sự nghiệp của Bụt và của chư Tổ. Thầy cầu Bụt và chư Tổ ban cho các con thật nhiều năng lượng.

Thương,
Nhất Hạnh

Về Việt Nam

Nội viện, ngày 15 tháng 11 năm 2004

Đã sắp đến ngày lên đường đi Việt Nam, Thầy xin cám ơn tất cả quý vị đã ghi tên cùng đi với Thầy trong chuyến đi lịch sử này. Chuyến đi ba tháng của chúng ta sẽ là phẩm vật cúng dường của chúng ta cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải hiến tặng những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể hiến tặng.

Ngày rời Việt Nam 39 năm về trước để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh tang thương nơi đây, Thầy cũng giống như một tế bào của cơ thể Tăng thân bị lấy ra khỏi cơ thể Tăng thân. Nếu tế bào ấy đã không bị khô chết sau vài năm lưu đày, bởi vì Thầy đã thực tập mang Tăng thân đêm ngày trong trái tim mình. Trong thời gian giảng diễn và nỗ lực vận động hòa bình, thầy đã có cơ hội chia sẻ sự thực tập của mình với các bạn ở Âu, Mỹ, Úc và Á châu và khuyến khích họ cùng thực tập. Không có ngày nào mà thầy xao lãng sự xây dựng Tăng thân mà thầy đã có thể tái tạo ra được một đoàn thể Tăng thân nguyên vẹn gồm đủ bốn chúng. Bây giờ trở về quê hương, thầy không trở về như một tế bào mà là như một Tăng thân trọn vẹn. Và quý vị chính là Tăng thân của Thầy, nghĩa là một phần của chính hình hài thầy.

Việt Nam là một đất nước đẹp, một giống người đẹp. Chúng ta sẽ có cơ hội nghiên cứu những cái đẹp ấy. Chúng ta sẽ có dịp đi thiền hành bên hồ Gươm, leo núi Yên Tử nơi đã từng có một vị vua tên là Trần Nhân Tông xuất gia và thực tập, rong chơi ở Vịnh Hạ Long nổi tiếng là một trong những thắng cảnh bậc nhất Đông Nam Á… Đi đâu, chúng ta cũng sẽ thực tập an trú thảnh thơi trong từng giây từng phút hiện tại, và làm tỏa chiếu năng lượng an lạc và tin yêu quanh ta. Các vị Phật tử cư sĩ sẽ cư trú ở các khách sạn, phải lấy khách sạn làm trung tâm tu học, đi, đứng, nói cười, ăn uống trong chánh niệm. Người ta sẽ chú ý và quan sát chúng ta kỹ lắm, nhất là giới công an. Giới công an sẽ có khả năng thấy được năng lượng lành tỏa chiếu từ sự thực tập của chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp nhận được nhiều lợi lạc từ sự tiếp xúc ấy.

Năm giới mà chúng ta thực tập sẽ biểu hiện một cách cụ thể nhất pháp môn tu chánh niệm của Làng Mai. Trong chúng ta sẽ không có ai hút thuốc, ăn thịt cá, uống rượu dù là rượu vang hay rượu bia. Không tà dâm, không nói lời tà ngữ. Khi đi thì chúng ta tập trung tâm ý vào bước chân và hơi thở mà không nói chuyện. Khi cần nói thì dừng lại mà nói. Chúng ta thực tập để trở thành Tăng thân của Bụt Thích Ca và hình hài của Thầy. Những vị nào là giáo thọ hoặc giáo thọ tập sự xin chăm sóc để cho sự thực tập của Tăng thân suốt trong ba tháng được tươi mát, vững chãi và hạnh phúc. Như thế chúng ta sẽ tạo hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trong suốt chuyến đi.

Thầy sẽ được gặp quý vị trong vài ba hôm nữa.

Thầy

 

(Thư thầy viết cho các thành phần trong tăng thân đi Việt Nam gồm trên 30 quốc tịch)

Phẩm vật cúng dường

Thư Thầy viết cho các thành phần trong tăng thân đi Việt Nam, gồm trên 30 quốc tịch.
Làng Mai ngày 03 tháng 01 năm 2005

 

Đã sắp đến ngày lên đường đi Việt Nam, thầy xin cám ơn tất cả quý vị đã ghi tên cùng đi với thầy trong chuyến đi lịch sử này. Chuyến đi ba tháng của chúng ta sẽ là một phẩm vật cúng dường của chúng ta cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải hiến tặng những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể hiến tặng.

Ngày rời Việt Nam 39 năm về trước để kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt trên đất nước, thầy cũng giống như một tế bào của cơ thể tăng thân bị lấy ra khỏi cơ thể tăng thân. Tế bào ấy đã không bị khô chết sau vài năm lưu đày, bởi vì thầy đã thực tập mang tăng thân đêm ngày trong trái tim mình. Trong thời gian giảng diễn và nỗ lực vận động hòa bình, thầy đãcó cơ hội chia sẻ sự thực tập của mình với các bạn ởÂu, Mỹ, Úc và Á châu và khuyến khích họ cùng thực tập. Không có ngày nào mà thầy xao lãng sự xây dựng tăng thân trong lúc liên kết các bạn để vận động cho hòa bình. Do đó từ một tế bào của tăng thân mà thầy đã có thể tái tạo ra được một đoàn thể tăng thân nguyên vẹn gồm đủ bốn chúng. Bây giờ trở về quê hương, thầy không trở về như một tế bào mà như một tăng thân trọn vẹn. Và quý vị chính là tăng thân của thầy, nghĩa là hình hài của thầy. Việt Nam là một đất nước đẹp, một giống người đẹp. Chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cái đẹp ấy. Chúng ta sẽ có dịp đi thiền hành bên hồ Gươm, leo núi Yên Tử nơi đã từng có một vị vua tên là Trần Nhân Tông xuất gia và thực tập, rong chơi ở vịnh Hạ Long nổi tiếng là một trong những thắng cảnh bậc nhất Đông Nam Á… Đi đâu, chúng ta cũng sẽ thực tập an trú thảnh thơi trong giây phút hiện tại và làm tỏa chiếu năng lượng an lạc và tin yêu quanh ta. Các vị Phật tử cư sĩ cư trú ở các khách sạn phải lấy khách sạn làm trung tâm tu học, đi, đứng, nói, cười, ăn uống trong chánh niệm. Người ta sẽ chú ý và quan sát chúng ta kỹ lắm, nhất là giới công an. Giới công an sẽ có khả năng thấy được năng lượng lành tỏa chiếu từ sự thực tập của chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp nhận được nhiều lợi lạc từ sự tiếp xúc ấy.

 

Năm giới mà chúng ta thực tập sẽ biểu hiện được một cách cụ thể nhất pháp môn tu chánh niệm của Làng Mai. Trong chúng ta sẽ không có ai hút thuốc, ăn thịt cá, uống rượu, dù là rượu vang hay rượu bia. Không tà dâm, không nói lời tà ngữ. Khi đi thì chúng ta tập trung tâm ý vào bước chân và hơi thở mà không nói chuyện. Khi cần nói thì dừng lại mới nói. Chúng ta thực tập để trở thành tăng thân của Bụt và hình hài của thầy. Những vị nào là giáo thọ hoặc giáo thọ tập sự xin chăm sóc để cho sự thực tập của tăng thân suốt trong ba tháng được tươi mát, vững chãi và hạnh phúc. Như thế chúng ta sẽ tạo hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trong suốt chuyến đi.

Thầy sẽ được gặp quý vị trong vài ba hôm nữa.
Thầy


Thương gởi Mỹ Nghiêm

Mai Thôn, ngày 07 tháng 07 năm 2005,
Thương gởi Mỹ Nghiêm con của Thầy,

Thầy và đại chúng bên này thường cầu chư Phật và Bồ tát gia hộ cho con được mau bình phục. Con đã có cơ duyên nương tựa Tam bảo thì bất cứ những gì xảy đến cho con đều sẽ là thuận lợi cho tâm bồ đề của con. Vì vậy cho nên con đừng nên lo lắng, chỉ nên để hết thì giờ để nghe kinh, nghe pháp thoại, nghe tiếng chim tiếng suối, thở không khí trong lành ở nơi con ở và niệm Bụt, đặt hết niềm tin nơi Tam bảo. Thầy cũng đã làm như thế khi Thầy trải qua những giai đoạn khó khăn. Thầy hay tập thở nhẹ, dài và sâu, thấy được từng hơi thở nuôi dưỡng cơ thể và niềm vui sống của mình .

Thầy và đại chúng bên này tiếp tục gửi năng lượng và hộ niệm cho con.

Thầy của con
Nhất Hạnh



Sư em Mỹ Nghiêm

Nội viên Phương Khê, ngày 12 tháng 07 năm 2005.
Kính gởi các thầy, các sư cô và sư chú Làng Mai,

 

Sư em Mỹ Nghiêm một trong 19 cây Vú Sữa vừa thị tịch tại tu viện Phương Bối Bát Nhã lúc 9 giờ sáng ngày 12.07.05. Sư em đã qua đời một cách êm dịu với sự có mặt của mẹ sư em và các sư chị lớn Làng Mai. Sáng hôm nay tứ chúng đạo tràng Mai Thôn đã niệm Bụt cho sư em tại Xóm Mới, trước giờ pháp thoại của sư cô Chân Không.

Gia đình Làng Mai như vậy là đang có tang, Thầy xin đề nghị là tất cả chúng ta đều để tang cho sư em trong bảy ngày. Mỗi ngày viết nhật ký ta đều viết cho sư em một câu. Ví dụ: Sư em Mỹ Nghiêm sư chị (sư anh) biết sư em còn đó và tâm bồ đề của em rất hùng hậu. Sư chị (sư anh) sẽ thực tập cho em ngày hôm nay.

Và trong ngày hôm ấy ta hãy thực tập nhìn nhau với con mắt hiểu và thương, chăm sóc và tha thứ cho nhau, nâng đỡ nhau để cho tình huynh đệ thêm lớn. Sự thực tập này sẽ đem lại nhiều công đức và niềm vui cho sư em chúng ta. Sư em Mỹ Nghiêm sinh năm 1985, tên là Lê Thị Hồng Vân, là sư em áp út, trước Thao Nghiêm. Tại tổ đình Từ Hiếu, đại chúng đã cử thầy Pháp Khâm, sư chú Pháp Nhã (anh ruột của Mỹ Nghiêm) và sư chú Pháp Toại vào Bảo Lộc tham dự tang lễ. Chúng ta hãy thực tập và tiếp nối chí nguyện cho sư em.

Trước khi sư em thị tịch, Thầy có viết cho sư em một lá thư. Thư viết ngày 07.07.05, và sư em đã nhận và đã đọc được. Xin gởi kèm thư ấy để đại chúng cùng đọc.

Cầu Bụt và chư Tổ gia hộ cho sư em và cho tất cả chúng ta.

Thầy
Nhất Hạnh