Sư em Mỹ Nghiêm

Nội viên Phương Khê, ngày 12 tháng 07 năm 2005.
Kính gởi các thầy, các sư cô và sư chú Làng Mai,

 

Sư em Mỹ Nghiêm một trong 19 cây Vú Sữa vừa thị tịch tại tu viện Phương Bối Bát Nhã lúc 9 giờ sáng ngày 12.07.05. Sư em đã qua đời một cách êm dịu với sự có mặt của mẹ sư em và các sư chị lớn Làng Mai. Sáng hôm nay tứ chúng đạo tràng Mai Thôn đã niệm Bụt cho sư em tại Xóm Mới, trước giờ pháp thoại của sư cô Chân Không.

Gia đình Làng Mai như vậy là đang có tang, Thầy xin đề nghị là tất cả chúng ta đều để tang cho sư em trong bảy ngày. Mỗi ngày viết nhật ký ta đều viết cho sư em một câu. Ví dụ: Sư em Mỹ Nghiêm sư chị (sư anh) biết sư em còn đó và tâm bồ đề của em rất hùng hậu. Sư chị (sư anh) sẽ thực tập cho em ngày hôm nay.

Và trong ngày hôm ấy ta hãy thực tập nhìn nhau với con mắt hiểu và thương, chăm sóc và tha thứ cho nhau, nâng đỡ nhau để cho tình huynh đệ thêm lớn. Sự thực tập này sẽ đem lại nhiều công đức và niềm vui cho sư em chúng ta. Sư em Mỹ Nghiêm sinh năm 1985, tên là Lê Thị Hồng Vân, là sư em áp út, trước Thao Nghiêm. Tại tổ đình Từ Hiếu, đại chúng đã cử thầy Pháp Khâm, sư chú Pháp Nhã (anh ruột của Mỹ Nghiêm) và sư chú Pháp Toại vào Bảo Lộc tham dự tang lễ. Chúng ta hãy thực tập và tiếp nối chí nguyện cho sư em.

Trước khi sư em thị tịch, Thầy có viết cho sư em một lá thư. Thư viết ngày 07.07.05, và sư em đã nhận và đã đọc được. Xin gởi kèm thư ấy để đại chúng cùng đọc.

Cầu Bụt và chư Tổ gia hộ cho sư em và cho tất cả chúng ta.

Thầy
Nhất Hạnh

Xây dựng tình huynh đệ

Nội Viện Phương Khê, ngày 12-12-2005
Thân gởi các con của Thầy ở Từ Hiếu và Bát Nhã.

Thư này Thầy gởi không chỉ cho các cây Vú Sữa, các cây Hướng Dương mà là gởi cho tất cả mọi người đang tu tập ở Từ Hiếu và Bát Nhã, không phân biệt là đệ từ của Thầy hay của Thầy Chí Mậu hay của thầy Đức Nghi, hay của các thượng tọa và ni sư đã gởi đệ tử tới học và tu tại Từ Hiếu hay Bát Nhã, không phân biệt là đã xuất gia hay đang còn tập sự. Thầy thấy đệ tử của Thầy cũng là đệ tử của thầy Chí Mậu và thầy Đức Nghi, và đệ tử của thầy Chí Mậu và thầy Đức Nghi cũng là đệ tử của Thầy. Đệ tử của các thượng tọa và ni sư gởi tới Từ Hiếu và Bát Nhã cũng thế. Tu tập theo pháp môn mà các vị đang tu tập là xây dựng tình huynh đệ mà tình huynh đệ đích thực thì không có tính kỳ thị và phân biệt. Thấy được như thế thì ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. Trong công phu tu tập, không có ngày nào mà ta không chế tác tình huynh đệ. Tình huynh đệ cũng được chế tác trong khi chúng ta chấp tác với nhau hay đi chơi với nhau. Nếu tình huynh đệ không được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày đó là vì chúng ta chưa nắm được pháp môn, chưa thật sự áp dụng được pháp môn trong đời sống tu tập hàng ngày. Hạnh phúc và tình huynh đệ ấy là năng lượng thiết yếu để ta có thể giúp đời và độ người.

Bên này tuy công việc chấp tác có nhiều nhưng Thầy và các huynh đệ vẫn giữ được sự thảnh thơi. Không bao giờ tự đánh mất mình trong công việc. Thầy thường nghĩ đến các con và gởi năng lượng của Thầy cho các con hàng ngày. Thầy thấy sự có mặt của các con tại quê hương cũng là sự có mặt của Thầy ở quê hương và Thầy thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ đến điều ấy. Thầy rất mong các sư anh và sư chị sắp đặt để tất cả các con được nghe lại những bài pháp thoại mà Thầy đã giảng ở các khóa tu cho người xuất gia tại Từ Hiếu, Hoằng Pháp và Nguyên Thiều vào đầu năm 2005 trong thời gian thăm viếng quê hương của Thầy.

Mai mốt Thầy sẽ viết tiếp cho các con.

Nhất Hạnh

Sống theo tinh thần lục hòa

Phương Khê Nội Viện, Đạo Tràng Mai Thôn, Pháp Quốc
Ngày 10 tháng 02. 2006

 

Thương gởi học chúng tại Tổ đình Từ Hiếu,

Mùa xuân đã đến tại quê hương, nhưng ở Âu châu còn phải đợi thêm gần một tháng nữa. Tôi trân trọng kính chúc các thầy, các sư chú, và các Phật tử cư sĩ của tổ đình một mùa xuân tươi vui và hạnh phúc.

Nhân tiện tôi xin nhắc lại vài điểm then chốt về nguyên tắc sinh hoạt và tu tập tại tổ đình:

 

1. Thượng tọa Chí Mậu và tôi là hai người chịu trách nhiệm trực tiếp với chư Tổ để chăm lo và duy trì cơ sở và nếp sinh hoạt tu học của tổ đình. Tổ đình là một ngôi chùa cổ nhưng cũng là một tu viện và một  Phật học viện. Tôi tin chắc tổ đình sẽ thành công như một đạo tràng gương mẫu, bởi vì tôi và Thượng tọa Chí Mậu là hai anh em bất khả phân ly, cùng một sứ mạng và một chí hướng, với lại Thượng tọa đã được đắc pháp qua tôi, vì vậy không một âm mưu, hoặc đàm tiếu nào có thể chia rẽ hai chúng tôi được.

2. Tất cả các vị xuất gia, dù là đệ tử của ai, một khi đã được chấp nhận thường trú tại tổ đình đều được đối xử bình đẳng trên cương vị thân hòa đồng trú, ý hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân.

3. Tất cả những quyết định về sinh hoạt học hỏi và tu tập đều do hội đồng tỳ kheo đưa ra trong buổi họp hằng tuần. Thượng tọa Chí Mậu chủ tọa những buổi họp ấy với sự giúp đỡ của một vị giáo thọ do Thượng tọa mời chọn. Thượng tọa Chí Mậu cũng đại diện cho tôi. Nếu cần tham khảo ý kiến của tôi về một vấn đề quan trọng, Thượng tọa có thể điện thoại hoặc fax cho tôi, và tôi sẽ cung cấp ý kiến trong vòng một giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng nếu cần, tôi cũng có mặt trong buổi họp qua đường giây internet.

4. Các Phật tử cư sĩ tu học theo tổ đình được khuyến khích có một buổi họp giữa những vị cư sĩ ít nhất mỗi tháng một lần để đạo đạt ý kiến xây dựng của mình lên hội đồng tỳ kheo. Các vị sa di cũng có buổi họp hằng tuần để thực tập kiến hòa đồng giải và góp ý cho hội đồng tỳ kheo để hội đồng này có đủ ý kiến và nguyện vọng mà đi tới những quyết định đem lại hạnh phúc và sự tiến tu trong toàn chúng.

5. Ban điều hành (ban chăm sóc) được hội đồng các vị tỳ kheo bầu ra, không phải dựa trên nguyên tắc thâm niên mà dựa trên nguyên tắc khả năng làm việc. Có thể có những thành viên sa di và cư sĩ trong ban này. Thành phần của ban có thể thay đổi hoặc bổ túc trong những buổi họp của hội đồng tỳ kheo xảy ra sau đó, để càng ngày ban điều hành càng làm việc giỏi. Yếu tố thâm niên không dính líu gì đến việc công cử thành phần của ban điều hành. Quyền lực tối cao của chúng nằm ở hội đồng tỳ kheo chứ không phải ở một cá nhân. Hội đồng tỳ kheo đi tới mọi quyết định trên nguyên tắc tác pháp yết ma – chứ không phải trên nguyên tắc thâm niên. Đây là truyền thống đích thực của tăng đoàn Phật giáo từ nguyên thỉ.

6. Ban nghi lễ (có thể đặt tên là ban ứng phú hoặc ban hóa độ) được hội đồng các vị tỳ kheo công cử. Thành phần của ban gồm có những người có khả năng ứng phú nhưng cũng có khả năng độ người. Thành phần này cũng có thể được thay đổi hay bổ túc bằng những bưổi họp tỳ kheo sau đó. Mọi cúng dường đều được trao lại cho thủ quỹ của tổ đình, trừ chi phí chuyên chở, thuốc men, ẩm thực, v.v…Tất cả các bao thơ do các thí chủ cúng dường, dù cúng dường chung hay riêng cho các vị kinh sư, đều được trao lại cho vị thủ quỹ . Thượng tọa Chí Mậu sẽ có thông báo bằng văn thư hay bằng pháp thoại cho giới Phật tử tại gia biết về vấn đề này. Các thầy trong ban nghi lễ (cũng có thể gọi là ban kinh sư) như vậy sẽ có cơ hội nuôi dưỡng chúng bằng sự thực tập của mình, và sẽ được chúng biết ơn và thương yêu.

7. Vì là một tu viện, một học viện, một tổ đình lớn, nên sự học hỏi và hành trì thường nhật là cột sống của tổ đình, do đó ai trong đại chúng cũng có nhiệm vụ tham dự vào các sinh hoạt tu học và tổ chức, nhất là các vị có hạ lạp lớn cần phải làm gương mẫu cho các sa di và tân tỳ kheo. Những buổi giảng dạy, thiền tọa, tụng kinh, tụng giới hay học hỏi mọi người đều có mặt tham dự, chỉ trừ trường hợp bệnh, chấp tác hay tăng sai. Ba lần vắng mặt không có lý do sẽ bị cảnh cáo, sám hối, và nếu không tham dự vào sự học hỏi và tu tập nhiều ngày thì sẽ không được thường trú nữa ở tổ đình, dù đó là đệ tử của Sư ông Làng Mai hay Thượng Tọa Chí Mậu. Mỗi buổi công phu có mặt của toàn thể đại chúng luôn luôn có năng lượng hùng hậu nuôi dưỡng mọi người, ta không thể để cho một số sa di le hoe đi công phu trong khi các thầy lớn vắng mặt như ở các chùa bình thường. Sự kiện Thượng tọa Chí Mậu có mặt trong tất cả các buổi thiền tọa là một sự kiện mầu nhiệm, là một tấm gương lớn cho tất cả đại chúng. Tôi rất mừng về sự kiện này.

Thưa đại chúng, tất cả những điểm tôi vừa nhắc nhở đều đã được trình bày trong khóa tu tăng ni tại tổ đình vào tháng ba năm 2005 do tôi hướng dẫn. Những điểm ấy là cột sống của truyền thống Phật giáo. Với sự bảo hộ của chư tổ, tôi sẽ có mặt tại tổ đình mỗi năm để dạy học và thực tập với đại chúng. Thượng tọa Chí Mậu và tôi đều mong ước là trong vòng một vài năm nữa số lượng các vị xuất gia thường trú tại tổ đình sẽ lên tới 150 vị, và năng lượng tu tập sẽ rất hùng hậu. Ta sẽ đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, cho giáo hội bằng sự tu học miên mật của chúng ta bằng cách tu học tinh chuyên. Tôi viết những dòng chữ này với tư cách niên trưởng của môn phái và của tổ đình. Xin anh em nắm tay nhau đi như một dòng sông để mọi người có thể xây dựng được tình huynh đệ cho vững chãi và thành tựu được ước mơ của mình, đó là bồ đề tâm của chúng ta. Thơ này nên sao ra để mỗi người có một bản để tự nhắc nhở mình.

 

Kính thư
Nhất Hạnh


Vị trụ trì giỏi của Tổ Đình

Phương Khê, ngày 12 tháng 06 năm 2006,
Thân gửi Sư thúc Chí Mậu,

Tôi nhớ hồi Sư thúc ở bên này mình đã có dịp ngồi chơi và đi chơi với nhau thật nhiều lần. Sáng nào ngồi thiền cũng có mặt Sư thúc, trưa nào ăn cơm với chúng cũng có Sư thúc, buổi thiền hành nào tại xóm Thượng, xóm Mới hay xóm Hạ cũng đều có Sư thúc đi bên cạnh tôi. Các sư em luôn muốn được gần gũi với Sư thúc. Chúng ta đã có cơ hội bàn tới tương lai và hướng đi của Tổ đình. Ngày hôm nay Sư thúc đã đưa Tổ đình ra khỏi được vòng tranh chấp, và năng lượng tu tập của đại chúng cũng như chất lượng hạnh phúc của đại chúng trong Tổ đình rất cao, điều này đang tạo ra nhiều niềm tin và hạnh phúc cho thật nhiều người. Tôi đã chứng kiến được sư tu tập và chuyển hóa của Sư thúc. Ngày xưa một mình Sư thúc lo cho Tổ đình, bây giờ Sư thúc đã buông bỏ được quyền hành và tiền bạc và để cho đại chúng trực tiếp điều hành việc chùa, đó là một sự thay đổi rất lớn. Sư thúc lại có khả năng ân cần tiếp cận và nâng đỡ các vị đệ tử để cho tình thầy trò và huynh đệ càng ngày càng bền chặt; đó là một sự thực tập hết sức quý hóa và cần thiết. Tôi nghĩ lịch sử sẽ ghi tên Sư thúc như là một trong những vị trú trì giỏi nhất của Tổ đình.

Từ Hiếu đang nổ lực để trở thành một Tổ đình gương mẫu cho thời đại mới, cung cấp những giáo lý và thực tập có khả năng giúp người trí thức và thanh niên thời đại mới chuyển hóa và đi tới. Công việc của Sư thúc cùng các thầy ở Tổ đình bây giờ là sư tiếp nối quan trọng của công việc mà các nhà chấn hưng Phật giáo tại Huế như các hòa thượng Thiền Tông, Trúc Lâm, các vị giáo thọ trẻ thời ấy như Mật Khế, Mật Thể, các vị cư sĩ giỏi thời ấy như Lê Đình Thám v.v.. đã làm trong những năm từ 1930 đến 1945. Nếu không có những người can đảm như thế thì làm sao có được hội An Nam Phật học và Tổng hội Phật Giáo Việt Nam để đi đến một giáo hội Thống Nhất các tông phái?

Cho nên tôi mong muốn Sư thúc và các vị cộng sự nhớ rằng chúng ta đang tiếp nối công trình chư tổ, đẩy bánh xe lịch sử Phật giáo đi tới, và không sờn lòng trước những trở ngại mà thời nào cũng có, nơi nào cũng có.

Thân chúc Sư thúc cùng tất cả đại chúng Tổ đình một mùa Kiết hạ nhiều hạnh phúc.

 

Kính thư
Nhất Hạnh


Kết hợp

Nội viện, ngày 06 tháng 12 năm 2006,
Thư gởi các Thầy, các Sư cô và các vị Phật tử cư sĩ, các đạo tràng Từ Hiếu và Diệu Nghiêm

Hôm thứ sáu vừa qua, không biết các Thầy đã đốt lò sưởi ở thiền đường Nước Tĩnh ở xóm Thượng bằng thứ củi nào mà làm cho thiền đường thơm quá, tôi ngồi thiền trong ấy với đại chúng chùa Pháp Vân mà thấy dễ chịu quá chừng. Ở xóm Thượng nhiều khi các Thầy cũng đốt những thứ hương rất thơm và rất ngọt, nhưng chưa hề có thứ hương nào cho ta cảm giác sảng khoái như thứ hương của loại đốt trong lò sưởi hôm ấy. Tôi biết trận bão mùa thu đã làm gãy đổ nhiều cây tùng trên xóm Thượng, và chắc chắn là thứ gỗ mà các Thầy, các sư chú bỏ vào lò hôm ấy thuộc về một loại tùng gỗ rất thơm, theo tôi thì không có thứ gỗ chiên đàn nào bì kịp.

Mùa An cư kết đông năm nay tôi rất phong lưu dù tôi không bỏ một buổi pháp thoại nào hay một buổi ngồi thiền nào hay một buổi cơm trưa nào của đại chúng. Gần như mỗi ngày tôi đều có đi thiền hành xuống chùa Sơn Hạ dưới chân núi Thệ Nhật, thường là vào buổi sáng, mỗi buổi đi thiền như thế kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Nhưng buổi đi thiền một mình như vậy rất là dễ chịu, dù rằng mỗi tuần đi thiền hành chung với đại chúng ba lần cũng đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Từ thất Ngồi Yên tôi đi xuống rừng sồi lá đỏ rồi băng qua rừng tùng để xuống Sơn Hạ. Đã tháng chạp tây rồi mà ở đây còn ấm quá, cỏ còn xanh và lá vàng mùa thu rụng trên cỏ vẫn còn tươi. Hành tinh của mình thật là quý giá; tưởng tượng đi trên mặt trăng ta không thấy một lá cỏ hay một tờ lá vàng. Thấy được như vậy mỗi bước chân đem lại rất nhiều hạnh phúc. Rừng tùng còn trẻ, hai chàng Yannick và Utam đã dọn rất sạch, thành ra con đường tùng xuống Sơn Hạ đi rất dễ chịu, có khoảng chín ngàn cây tùng trong vùng đất này, tôi đã từng đưa Thầy Chí Mậu đi trên con đường này hai lần. Ngày xưa còn là chú điệu chưa biết đi thiền hành trên đồi Dương Xuân trước cửa tam quan Từ Hiếu. Lớn lên làm vị giáo thọ có nhiều việc ưa làm thành ra không có cơ hội thưởng thức từng bước chân thảnh thơi an lạc trên ngọn đồi thông ấy. Hai năm trước được về trở lại quê hương tôi đã dẫn chúng xuất gia đi thiền hành lên đồi thông Từ Hiếu và mỗi bước chân đều tiếp xúc được rất sâu sắc với thực tại. Đúng như lời vua Trần Thái Tông nói: ‘bộ bộ đạp trước thực địa’. Hạnh phúc của từng bước chân rất lớn. Trong khóa tu người xuất gia tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu, những buổi thiền hành qua hồ Sao Mai lên đồi Dương Xuân, thật là những giờ phút mầu nhiệm. Tôi an trú trong giờ phút hiện tại không ít hơn một trăm phần trăm trong từng bước chân, không hề có một cố gắng nào. Đúng là “this is it”. Xin các vị trong tứ chúng Từ Hiếu và Diệu Nghiêm đừng bỏ lỡ cơ hội. Hãy bước những bước chân an lạc, chánh niệm cho Bụt, cho chư tổ, cho đất nước và cho thành phố Huế. Tôi tin rằng mỗi ngày quán niệm các Thầy các sư cô và các Phật tử cư sĩ đều đi thiền hành qua các hồ Sao Hôm, Sao Mai và lên đồi Từ Hiếu rồi ngồi thiền trên ấy chừng hai mươi phút rồi mới trở về.

Tôi nghe quý vị có nhiều hạnh phúc khi được tu học dưới sự che chở của Sư Bà Diệu Nghiêm và Ôn Trú trì Từ Hiếu và rất mừng cho Huế. Tôi nghĩ Từ Hiếu và Diệu Nghiêm tu học cho có hạnh phúc và mỗi ngày xây dựng cho bền vững tình huynh đệ, đó là hai tặng phẩm đẹp nhất cho Huế. Khóa tu cho người xuất gia tổ chức tại Tổ đình hai năm về trước đã lấy chủ đề là Tình huynh đệ trên hết. Có tình huynh đệ, ta sẽ không bao giờ để cho ai chia rẽ chúng ta. Mười bốn năm trước, Phật giáo bị chia rẽ trầm trọng, tại vì chúng ta còn khờ dại. Có người sợ sức mạnh của Phật giáo Huế cho nên cố tình chia rẽ chúng ta, họ muốn cho Phật giáo Huế tê liệt để đừng làm gì có hại cho họ đó là tri giác sai lầm về phần họ. Mình tu học thì duy trì được đạo đức, khiến cho những tệ nạn xã hội giảm bớt thì mình góp phần vào việc xây dựng an ninh xã hội, chứ có gì mà họ phải sợ. Họ làm cho các nhóm gia đình Phật tử ghét nhau, chống nhau. Họ làm cho các vị trưởng thượng giận nhau, chống nhau. Và chúng ta đã phải gánh chịu tình trạng tê liệt trong 12 năm. May mắn được chư Tổ gia hộ nên cách đây hai năm chúng ta đã về tụng giới với nhau được. Kỳ này chúng ta nhất định đề cao cảnh giác để họ không còn chia rẽ chúng ta. Xin các Thầy và các sư cô đọc lại các bài giảng trong khóa tu Tăng ni tại chùa Từ Hiếu. Các bài này đã được phiên tả in thành sách, với nhan đề là Dựng Xây Tình Huynh Đệ. Sống theo đúng tình thần của khóa tu ấy, chúng ta sẽ không bao giờ lặp lại lỗi lầm của 16 năm về trước. Chúng ta phải tìm cách giúp họ, cho họ thấy rằng con đường phụng sự đất nước và làm đẹp cho Huế của chúng ta là con đường tu học, không phải là con đường chính trị. Họ mà hiểu cho chúng ta thì họ sẽ không còn nghi ngờ và sợ hãi, mà chúng ta sẽ có nhiều an ổn và hạnh phúc lớn.

Vấn đề của chúng ta vốn rất nhỏ. Có một vài vị trưởng thượng có khuynh hướng thủ cụ, chưa chấp nhận được đường hướng và pháp môn tu học của chúng ta, không thấy thoải mái khi chúng ta chỉ dùng tiếng Việt mà không dùng chữ Hán, khi chúng ta tổ chức tu tập không như một đoàn thể tứ chúng, khi chúng ta đi theo hướng không còn kỳ thị người nữ. Ta chỉ cần kiên nhẫn thì một ngày nào đó các vị ấy sẽ thấy được con đường ta đi là con đường mà các thế hệ tương lai thế nào cũng phải đi. Chúng ta đang ở vào thời đại toàn cầu mà! Cho nên dù các vị có rầy la chê trách, chúng ta không nên giận hờn oán trách mà phải tìm cách lễ phép ôn hòa giúp cho các vị từ từ hiểu được mà chấp nhận chúng ta. Đừng để người ngoài lợi dụng đôi chút khác biệt về ‘cũ mới’ ấy mà chia rẽ chúng ta, làm cho chúng ta trách móc và thù nghịch nhau. Tôi đã xem Ôn như một người em trong đạo từ lúc Ôn còn hai mươi tuổi. Thầy Chí Thắng cũng là em của tôi. Thầy Thái Hòa và thầy Viên Đức cũng là cháu của tôi. Các vị có thể có vài cái thấy không giống tôi, nhưng không bao giờ tôi có thể nhìn các vị ấy là người thù nghịch được. Tôi đã khôn lớn rồi có phải không? Tuệ giác của tôi đủ để che chở cho tôi và cho các vị ấy, xin quý vị đừng lo. Tôi tin chắc là nếu chúng ta thực tập theo lối của tình huynh đệ, thì chúng ta sẽ không thấy ai là kẻ thù, và sẽ không bao giờ bước vào cái bẫy pháp nạn nào nữa.

Bên này đại chúng bắt đầu chuẩn bị cho đại giới đàn Văn Lang và mới nhận tin là có sáu vị Hòa Thượng và Thượng Tọa từ quê hương đã nhận lời qua tham dự vào hội đồng truyền giới. Các vị sẽ được mời cư trú tại tăng xá xóm Thượng để chứng kiến được tình huynh đệ trong nếp sống tu học hằng ngày. Tôi có đức tin rất mãnh liệt là các Thầy các sư cô và các Phật tử cùng các thân hữu của hai đạo tràng Từ Hiếu và Diệu Nghiêm có đủ thương yêu và tuệ giác để nuôi dưỡng được hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai. Chúng ta hãy nhớ thực tập cho im lặng và cho khiêm cung thì không có lý do gì mà chúng ta không hoàn thành được chí nguyện.

Tôi cầu chư Bụt chư Bồ tát và các vị Tổ sư ngày đêm che chở cho liệt vị.

Nhất Hạnh

Thầy thở con thở

Chùa Sùng Phúc, Hà Nội, ngày 27.4.2007

Hôm qua ngồi trên võng bên cạnh thất, thầy thấy rõ là dù đang ở đâu các con cũng đang tiếp nối thầy bằng cách này hay cách khác hoặc bằng nhiều cách khác nhau cùng một lần. Nơi nào có con ngồi thì có thầy ngồi, nơi nào có con thở thì có thầy thở, nơi nào có con đi thì có thầy đi, nơi nào có con mỉm cười thì có thầy mỉm cười. Trong chuyến đi này những vị đi với thầy đều tu tập và làm việc hết mình, thầy cũng vậy, dù có những lúc mệt, thiếu ngủ, thiếu nghỉ ngơi nhưng lúc nào ai cũng thấy được năng lượng của tăng thân bảo hộ, che chở và nâng đỡ. Các trai đàn chẩn tế nhờ quốc dân yểm trợ và cầu nguyện hết lòng đã làm cảm động cả quỷ thần và trời đất. Mấy ngày hôm nay Hà Nội rất mát mẻ nhờ những trận mưa Cam Lộ đổ xuống sau trai đàn chẩn tế Sóc Sơn. Mọi loài mát mẻ sống an vui …

Tối hôm qua thầy trù trì chùa Sùng Phúc và các sư em Bát Nhã, Từ Hiếu và Diệu Nghiêm đã được mời tới tham dự và hộ niệm cho buổi pháp thoại nói bằng Anh ngữ tại khách sạn Melia ở Hà Nội, một khung cảnh mà lần đầu tiên quý vị ấy bước tới, rất khác với khung cảnh chùa. Khách sạn Melia năm sao quá sang trọng, và người nghe toàn là người ngoại quốc. Chắc thầy trú trì và các sư em cũng lấy làm lạ là pháp môn cũng đi tới được những nơi chốn như thế này.

Thầy biết dù đang ở đâu con cũng theo dõi chuyến đi gần như mỗi ngày và ngày nào thầy cũng nhận được năng lượng yểm trợ của các con gởi tới. Chuyến đi này giống như một mũi thuốc bổ chích vào cơ thể đất nước, chất thuốc từ từ thấm vào mọi ngỏ ngách của cơ thể, mình có thể cảm nhận được hiệu lực nuôi dưỡng và chuyển hóa của chất thuốc.

Trong tuần nữa trung tâm Bích Nham ở New York sẽ bắt đầu hoạt động, thầy nghĩ là đạo tràng này sẽ đem lại rất nhiều hạnh phúc cho chúng ta và cho nhiều thiền sinh các tiểu bang miền Đông Bắc. Đạo tràng sẽ rất đẹp và rất ấm cúng, đây là một tin mừng cho tất cả chúng ta.

Chúng ta giống như một đàn gà con vừa mới mổ phá được vỏ trứng để thoát ra ngoài, có nhiều không khí và ánh sáng. Chúng ta đang chiêm chiếp gọi đàn và biết rằng không ai trong chúng ta còn muốn chun trở lại trong chiếc vỏ trứng. Có rất nhiều con gà con còn thơ dại, nhưng tất cả đều lớn lên rất mau. Ở đâu chúng ta cũng đang chiêm chiếp gọi đàn và chúng ta biết là chúng ta đang có nhau, đang có mặt khắp nơi và mỗi chúng ta đại diện cho tất cả mọi chúng ta, bởi vì chúng ta không phải là một thực tại riêng lẻ mà là một tăng thân. Thầy biết bất cứ cái gì con làm sáng nay cũng là để hồi hướng cho tăng thân, làm hạnh phúc cho tăng thân, và thầy có niềm tin nơi tất cả các con. Thầy đang đi với chân của tất cả các con và thở bằng phổi của tất cả các con, và thầy cũng biết là con đang đi cho thầy và đang thở cho thầy.

Giây phút hiện tại rất mầu nhiệm! Con đừng bỏ qua rất uổng. Thầy gởi tới tất cả các con niềm tin cậy và thương yêu của thầy.

Nhất Hạnh

Tái bút:  Sáng nay thầy đi Ninh Bình. Hy vọng có thì giờ đi thăm cố đô Hoa Lư và chùa Bích Động! Thầy sẽ ngắm cho các con.

Bảo tháp tình huynh đệ

Trong quá trình tổ chức ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại Việt Nam đầu năm 2007, các vị tôn túc cùng chư vị cư sĩ đã tới với nhau bằng trái tim thuần khiết để cùng kiến lập Trai Đàn cũng như để cầu nguyện giải trừ oan khổ cho mọi tầng lớp đồng bào tử vong trong cuộc chiến, không phân biệt Nam, Bắc, tôn giáo và khuynh hướng chính trị. Trong quá trình kiến lập trai đàn và cầu nguyện cho chư hương linh, sự chân thành của mọi giới Phật tử đã xây đắp lên một tình huynh đệ rất đẹp. Thầy Làng Mai nói đó là một bảo tháp của Tình Huynh Đệ, tuy không hình tướng, nhưng sẽ đứng mãi với thời gian. Xin đọc lá thư Thầy Làng Mai gửi cho Thượng tọa Lệ Trang, sám chủ Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại chùa Vĩnh Nghiêm.

 

Mai Thôn, 18.07.07.
Kính gửi Thượng tọa Lệ Trang.

Các Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được tổ chức tại quê hương đầu năm nay đã làm ấm lòng bao nhiêu đồng bào và giúp cho không biết bao nhiêu người bớt khổ. Tuy trở ngại khá nhiều, khó khăn cũng không ít, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, nhưng tình huynh đệ đã tạo ra được phép lạ giúp chúng ta vượt thoát những trở ngại và khó khăn kia, trong đó kể cả những kỳ thị, lo lắng, thờ ơ, sợ hãi và nghi ngờ. Trong khi thiết lập trai đàn, anh em chúng ta cũng đã xây lên được một Bảo tháp của Tình huynh đệ, một bảo tháp tuy không có hình tướng, nhưng rất hiện thực và không có một ai có khả năng phá đổ. Chúng ta, từ giới xuất gia cho đến giới tại gia, đã tìm tới với nhau để kiến lập các trai đàn với một trái tim thuần khiết, một tình thương không phân biệt không kỳ thị, không hề vướng một chút lợi hoặc một chút danh. Chúng ta ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện đóng góp mà không ai nghĩ đến chuyện được đền đáp. Chúng ta đã đến với nhau để cùng chú nguyện, cùng hộ niệm, cùng khóc thương, để giải tỏa niềm đau, nhờ đó mà những oan khổ lâu nay của những người đã chết và cả những người còn sống đã có cơ hội giải trừ và tiêu tán. Hiệu quả trị liệu được trông thấy rõ ràng, làm cảm động cả trời đất, những cơn mưa trái mùa đã đổ xuống sau mỗi đại trai đàn làm mát dịu biết bao tấm lòng. Chư vị tôn đức trong ban chứng minh và các ban kinh sư đã làm việc hết lòng mà các giới Phật tử tại gia cũng đã đem hết khả năng và tâm thành để góp sức kiến đàn và cầu nguyện. Hình ảnh ấy, tình huynh đệ ấy, tôi thấy không có gì đẹp hơn. Trong dịp kiến lập các đại trai đàn này, tôi thấy lại được tình huynh đệ của năm 1963, khi Phật tử Việt Nam tới với nhau với niềm thương cảm và một trái tim thuần khiết, vô úy và thánh thiện. Điều này làm tôi giữ được niềm tin nơi khả năng của Phật tử Việt Nam trong cuộc vận động hiện đại hóa đạo Bụt để nền đạo lý dân tộc có đủ khả năng giúp người đương thời chuyển hóa được những khó khăn và khổ đau mới của họ. Tôi xin cám ơn Thượng tọa đã gửi qua Mai thôn chiếc bình Tịnh thủy đã được sử dụng ở Đại Trai Đàn Vĩnh Nghiêm. Với lá thư này, đạo tràng Mai Thôn kính thỉnh Thượng tọa qua Mai thôn một vài tuần thăm viếng và nếu có thể, dạy dỗ thêm cho các huynh đệ bên này về lễ nhạc Phật giáo. Sự có mặt của Thượng tọa sẽ đem lại nhiều cảm hứng và niềm vui cho tứ chúng bên này.

Kính thư,
Nhất Hạnh

Ngồi giữa gió thu

 Tu viện Bích Nham, ngày 12 tháng 10 năm 2007
Thân gửi các con của Thầy ở khắp nơi,

Bích Nham vào mùa Thu rất đẹp. Rừng núi điểm tô bằng lá thu đủ cả mọi sắc màu. Ngày hôm nay, bắt đầu vào 11giờ sáng, thiền sinh khắp nơi sẽ bắt đầu có mặt cho một khóa tu với chủ đề là Ngồi Giữa Gió Thu. Số người muốn ghi tên rất đông nhưng tu viện không thể tiếp nhận được hết, phải từ chối hàng trăm người. Các thầy, các sư cô và các Phật tử cư sĩ trong ban tổ chức cảm thấy lòng áy náy, nhưng không biết làm sao. Đây là khóa tu lớn đầu tiên của Bích Nham. Ai cũng muốn đến tu tập với tăng thân, đồng thời “coi mặt” tu viện mới.

Trưa hôm 9 tháng 10 năm 2007, tạp chí Time Magazine có đến phỏng vấn Thầy về những biến cố ở Miến Điện và về vấn đề hâm nóng trái đất. Buổi phỏng vấn truyền hình sẽ được đưa lên trực tuyến. Về Miến Điện, Thầy có nói là các vị xuất gia bên ấy đã can đảm đứng dậy đưa đường chỉ lối cho toàn dân về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Các vị đã tỏ ra xứng đáng là những người lãnh đạo tâm linh của đất nước. Đất nước và dân tộc không thể không có một chiều hướng tâm linh (spiritual dimension). Đời người cũng không thể thiếu vắng một chiều hướng tâm linh. Thiếu một con đường tâm linh, ta sẽ không có khả năng đối diện với khổ đau, chuyển hóa khổ đau và hiến tặng được gì cho cuộc đời. Người không có đường đi là người đi trong bóng tối. Có đường đi rồi, ta sẽ không còn lo sợ. Các thầy ở Miến Điện đã đưa đường chỉ lối cho đất nước, cho dân tộc của họ. Tuy họ đang bị đàn áp, tù đày hoặc giết chóc, nhưng tâm của họ rất an, vì họ đã làm được việc họ phải làm: cung cấp cho đất nước và dân tộc họ vai trò lãnh đạo tâm linh (spiritual leadership). Các vị đã làm xong nhiệm vụ của họ. Các tầng lớp dân chúng trong nước mỗi khi nghĩ đến các vị ấy là thấy lòng mình xúc động: chính năng lượng của tình thương và của niềm tin ấy sẽ là động lực nuôi dưỡng hành động của họ để mang lại nhân quyền và dân chủ cho đất nước họ. Thế giới đang yểm trợ Miến Điện, như thế giới đã từng yểm trợ cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào Việt Nam trong những năm sáu mươi trong cuộc vận động tranh đấu cho dân quyền và tự do dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Không phải chỉ một Phật tử đứng lên mà toàn thể các Phật tử cùng đứng lên một lượt. Bây giờ ở Miến Điện cũng thế. Không phải chỉ một thầy đứng lên mà tất cả các thầy đều đứng lên. Đây mới thực sự là lãnh đạo tâm linh.

Thầy cũng đã nói thêm với tuần báo Time: Chúng tôi ở trên thế giới cũng đang trông chờ các nhà lãnh đạo tâm linh ở đất nước Hoa Kỳ đứng dậy để cung cấp cho dân chúng Hoa Kỳ sự lãnh đạo tâm linh ấy để tang tóc và đau thương có thể được chấm dứt sớm tại đất nước Iraq. Các vị nên cùng đứng lên một lượt với một tiếng nói rất rõ ràng để giúp cho dân chúng tỉnh thức và thấy được con đường đi. Cái thấy của dân đã tỏ, tâm ý của dân đã quyết thì chính quyền không thể không làm theo. Cuộc chiến ở Việt Nam đã được chấm dứt cũng nhờ sự thức tỉnh của toàn dân Hoa Kỳ lúc ấy.

Ngày 6 tháng 10 năm 2007 vừa qua, trong khi hướng dẫn một ngày quán niệm cho 1.800 nhà tâm lý trị liệu tại trường Đại Học California (UCLA) ở Los Angeles, các thầy và các sư cô Lộc Uyển và Làng Mai đã đắp y sau giờ pháp thoại, trì tụng bài “May The Day Be Well” và xướng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm (Namovalokitesvaraya) để gửi năng lượng cho các thầy và các Phật tử Miến Điện. Ông Thống đốc tiểu bang California cùng phu nhân cũng đã tới nghe Thầy giảng thuyết và tham dự trọn ngày chánh niệm hôm ấy. Các thầy và các sư cô trước khi tụng kinh đã nói rằng tăng thân Làng Mai và Lộc Uyển muốn tỏ tình liên đới với các đồng đạo xuất gia và tại gia của họ tại Miến Điện. Sau đó, một bản nghị quyết hai điểm đã được đọc lên. Điểm thứ nhất là đề nghị Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cấp tốc gửi một phái đoàn điều tra (U.N. Fact Finding Delegation) sang Miến Điện, một phái đoàn đại diện nhiều nước, như phái đoàn mà Liên Hiệp Quốc đã gửi về Việt Nam vào tháng 9 năm 1963. Điểm thứ hai là xin Hội Đồng Quốc Tế Thế Vận Hội vận động với Trung Quốc để Trung Quốc có thể làm áp lực trên các tướng lĩnh ở Miến Điện trong chiều hướng dân chủ hóa đất nước. Tất cả mọi thành phần tham dự trong ba ngày hội nghị Tâm lý Trị liệu tại trường UCLA trong giờ phút ấy đã đứng dậy để đồng lòng yểm trợ bản nghị quyết này, trong đó có ngài Thống Đốc Tiểu Bang California. Giới báo chí đã có mặt trong ngày sinh hoạt hôm ấy. Hội trường đã im lặng tuyệt đối trong giờ phút ấy, làm cho năng lượng tập thể của đại chúng trở nên rất hùng hậu.

Về vấn đề hâm nóng trái đất, Thầy đã kể cho tạp chí Times câu chuyện cặp vợ chồng trẻ ăn thịt đứa con trai còn bé của họ, câu chuyện mà đức Thế Tôn đã kể lại trong Kinh Tử Nhục. Cặp vợ chồng trẻ này trên đường vượt biên tỵ nạn với đứa bé trai nhỏ tuổi đã phải đi ngang qua một sa mạc. Do thiếu kiến thức địa lý, họ đã lâm vào trường hợp hết lương thực khi mới vượt được nửa đường qua sa mạc. Họ biết là cả ba sẽ chết trong sa mạc, không còn hy vọng gì qua tới nước xin tỵ nạn. Cuối cùng họ quyết giết đứa con trai, mỗi ngày mỗi người ăn một miếng thịt của đứa con để có sức tiếp tục đi. Phần còn lại họ vác trên vai để phơi khô. Mỗi lần ăn xong một miếng thịt con, hai người nhìn nhau và hỏi nhau: đứa con thân yêu của chúng ta bây giờ ở đâu? Họ chảy nước mắt, đấm ngực và than khóc. Nhưng rồi cuối cùng họ ra khỏi sa mạc và được chấp nhận làm dân tỵ nạn ở đất nước mới. Sau khi kể câu chuyện thương tâm này, đức Thế Tôn nhìn các thầy và hỏi: Quí vị có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia cảm thấy hạnh phúc khi ăn thịt đứa con mình hay không? Các thầy đáp: Bạch đức Thế Tôn, họ cảm thấy rất khổ đau khi ăn thịt con. Bụt dạy: Này liệt vị, chúng ta phải tập ăn như thế nào để có thể gìn giữ được chất liệu từ bi trong trái tim chúng ta. Ta phải ăn trong chánh niệm. Nếu không, ta có thể đang ăn thịt của đứa con của chính mình.

Tổ chức UNESCO đã từng báo cáo rằng mỗi ngày có khoảng 40.000 trẻ em chết vì thiếu ăn hoặc thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó thì bắp và lúa trồng ra ở Tây phương phần lớn là để nuôi bò nuôi lợn nuôi gà hoặc để làm rượu. Trên 80% số bắp và trên 95% số lúa mạch được sản xuất tại Hoa Kỳ là để nuôi súc vật để làm thịt. Súc vật ta nuôi để ăn thịt trên thế giới tiêu thụ số lượng thực phẩm tương đương với số thực phẩm để dành nuôi gần chín tỷ người (8.7 billion), nghĩa là nhiều hơn dân số thế giới.

Ăn thịt và uống rượu với ý thức ấy, ta sẽ thấy ta đang ăn thịt đứa con ruột của chúng ta. Để nuôi súc vật làm thịt ăn, loài người chúng ta đang sử dụng tới 70% diện tích đất nông nghiệp và 30% tổng diện tích của trái đất. Ngay ở Châu Mỹ La Tinh, 70% diện tích của các khu rừng đã phá là để làm đồng cỏ cho bò ăn. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng nuôi súc vật để ăn thịt tạo ra nhiều chất khí gây nên hiệu ứng nhà kính nhiều hơn những chất khí do tất cả xe cộ trên trái đất nhả ra( ).

Ông Henning Steinfeld, một viên chức cao cấp của Tổ Chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) cho biết là kỹ nghệ nuôi súc vật để bán thịt là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa tới cuộc khủng hoảng sinh môi hiện đại (“the meat industry is one of the most significant contributors to today’s most serious enviromental problems”). Gà, lợn và bò ở các trại chăn nuôi lớn nhả ra những khối lượng khí mê-tan (methane – CH4) vĩ đại, từ sự tiêu hóa và từ phân chúng thải ra. Các nhà khoa học cho biết là khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính hai mươi ba lần nhiều hơn khí CO2 (khí các-bon-níc). Cơ quan Bảo Hộ Môi Trường cho biết là chăn nuôi làm tiết ra khí mê-tan nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Ngoài khí mê-tan, lại còn khí đinitơ-oxít (Nitrous Oxide – N2O) mà tiềm năng gây ra hiệu ứng nhà kính còn lớn hơn chất khí CO2 tới 300 lần. Mà khí N2O, cũng theo bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, là do kỹ nghệ chăn nuôi gây ra.

Nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà, chế biến thực phẩm từ sữa và trứng chịu trách nhiệm chế tác ra khoảng 65% tổng số khối lượng chất khí N2O trên toàn thế giới. Ngành chăn nuôi ở Mỹ thải ra một khối lượng khổng lồ phân thú vật, nhiều gấp 130 lần số lượng phân người trên thế giới, nghĩa là mỗi giây thú vật thải ra tới 97.000 pound phân. Các thứ phân này chảy ra sông hồ làm ô nhiễm nước uống tạo ra không biết bao nhiêu bệnh tật cho mọi loài. Như ta đã biết phần lớn khí N2O do phân chăn nuôi mà phát xuất. Ngành chăn nuôi đã tàn phá hàng trăm triệu mẫu rừng ở khắp nơi trên thế giới. Phá rừng là để trồng bắp, trồng lúa nuôi súc vật và để có đồng cỏ cho bò gặm. Khi rừng bị phá, những khối lượng khí CO2 khổng lồ chứa trong cây cối được nhả ra không trung. Nuôi súc vật để bán thịt cũng làm hao hụt nước của thế giới. Chỉ cần 25 gallon nước là đủ tưới và sản xuất 1kg lúa. Trong khi đó muốn chế tác 1kg thịt thì phải dùng tới 2.500 gallon nước. Đúng như lời đức Thế Tôn dạy, chúng ta đang ăn thịt con cháu chúng ta, ăn thịt cha mẹ ta, ăn thịt cả hành tinh của chúng ta. Kinh Tử Nhục cần được đem ra cho cả loài người học hỏi và thực tập!

Tổ chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) khuyên ta nên hành động gấp (Urgent action is required to remedy the situation), ở cả mức độ cá nhân và cộng đồng. Nghĩa là phải giảm thiểu ít nhất là 50% công nghiệp sản xuất thịt. Và như vậy nhân loại phải bỏ ăn thịt bớt 50%.  Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng dù có giảm bớt 50% kỹ nghệ chăn nuôi thì ta cũng vẫn phải sử dụng những kỹ thuật mới để giúp cho phần kỹ nghệ còn lại ít gây ô nhiễm môi trường hơn, như chọn lựa thức ăn cho súc vật như thế nào để các thức ăn ấy không bị lên men nhiều trong đường tiêu hóa của súc vật. Chính sự lên men này tạo ra nhiều chất khí mê-tan nhất.

Phật tử chúng ta từ trên 2000 năm nay đã biết ăn chay. Chúng ta biết ăn chay là để nuôi dưỡng từ bi, từ bi đối với các loài động vật. Bây giờ ta biết thêm: ăn chay cũng là để bảo vệ trái đất, ngăn ngừa không cho hiệu ứng nhà kính gây nên thiệt hại nặng nề; trong tương lai không xa, khi hiệu ứng nhà kính trở nên trầm trọng, mọi loài sẽ chịu thiệt hại; hàng trăm triệu người sẽ chết, nước biển sẽ dâng lên tràn ngập hàng ngàn thành phố và đất đai canh tác. Nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo sẽ phát sinh và tất cả mọi loài đều sẽ phải gánh chịu.

Cả hai giới xuất gia và tại gia chúng ta đã thực tập ăn chay. Tuy số lượng các vị Phật tử cư sĩ ăn chay trường như giới xuất gia chưa nhiều bằng giới xuất gia nhưng ai cũng đã từng thực tập ăn chay hoặc 4 ngày/tháng (tứ trai) hoặc 10 ngày/tháng (thập trai). Thầy nghĩ rằng để cứu được hành tinh, bỏ ăn thịt là một hành động không khó khăn gì mấy. Giới tại gia nên dũng mãnh phát tâm ăn chay trường, ít nhất cũng ăn được 15 ngày trong mỗi tháng, đó là thập ngũ trai, theo lời khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc. Làm được như thế, ta sẽ thấy khoẻ trong người, ta sẽ có an vui và hạnh phúc ngay từ giờ phút phát nguyện. Trong các khóa tu năm nay tổ chức tại Hoa Kỳ, rất nhiều Phật tử Hoa Kỳ đã phát nguyện ngưng ăn thịt hoặc bớt ăn thịt 50%, đó là nhờ họ tỉnh thức được sau khi nghe được bài giảng về hiệu ứng nhà kính. Chúng ta hãy thương lấy đất Mẹ, thương lấy muôn loài, trong đó có con cháu chúng ta. Ta chỉ cần ăn chay là cứu được trái đất. Ăn chay ở đây cũng có nghĩa là không tiêu thụ những thực phẩm chế biến từ trứng và sữa bởi vì hai loại ấy là sản phẩm của chăn nuôi. Nếu ta ngừng tiêu thụ thì họ sẽ ngừng sản xuất. Chỉ có một sự tỉnh thức tập thể (collective awakening) mới tạo ra đủ ý chí hành động.

Tháng chạp 2007 này, tu viện Lộc Uyển sẽ có đủ 100% điện lực chế tác từ ánh sáng mặt trời sử dụng cho tu viện. Các chùa thuộc Làng Mai ở Châu Âu và Châu Mỹ của chúng ta cũng đã thực tập mỗi tuần 1 ngày không sử dụng xe hơi và hàng ngàn thân hữu của chúng ta cũng đang thực tập theo. Chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng xe hơi bớt lại, sử dụng xe điện (electric car) và xe chạy bằng dầu thực vật. Những loại này có thể giúp ta giảm bớt 50% số lượng khí CO2 . Mua một chiếc xe nửa xăng nửa điện Prius Toyota, ta giảm bớt được một tấn khí CO2 mỗi năm, nhưng ta vẫn còn phải thải ra 50% khí ấy. Viện Đại Học Chicago cho biết: mỗi người ăn chay có thể ngăn ngừa khoảng 1.5 tấn khí CO2 không cho bốc lên khí quyển nhiều hơn một người ăn thịt.

Các con thấy không? Chỉ cần ăn chay thôi là đủ cứu được trái đất. Mà ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm rằng ăn chay cũng rất ngon. Chỉ có những người chỉ quen ăn thịt mới không thấy được sự thực ấy. Chiều nay khi khóa tu khai mạc, mọi người sẽ được báo tin là trong suốt khóa tu chúng ta sẽ không dùng các thực phẩm làm bằng sữa và trứng. Và tất cả các khóa tu sau này do chúng ta tổ chức đều sẽ như thế. Cố nhiên là các trung tâm tu học của chúng ta ở Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu cũng đều thực tập như thế. Thầy tin chắc thiền sinh sẽ hiểu và sẽ yểm trợ hết lòng. Để cứu đất Mẹ và muôn loài, sự thực tập của chúng ta hiện nay là giúp cho mọi người ý thức về hiểm họa trái đất hâm nóng. Ta biết nếu không có một sự bừng tỉnh tập thể thì trái đất và mọi loài không có cơ hội được giải cứu và cách sống hàng ngày của chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta đã tỉnh thức.

Hôm 2 tháng 10 năm 2007, tại trường Đại Học San Diego (USD), Thầy có nói về đề tài lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng liên hệ tới hiểm họa trái đất bị hâm nóng. Số người vì lo sợ và tuyệt vọng mà sinh bệnh càng ngày càng nhiều. Họ thấy nếu con người cứ tiếp tục sống trong tham vọng, hận thù và mê ngủ như hiện nay thì trái đất và muôn loài không thể nào có được một cơ hội thóat khỏi hiểm nguy. Và sẽ có những người trong chúng ta chết vì tâm bệnh trước khi những hiểm họa kia đi tới. Trong buổi giảng, Thầy đã đưa ra phương pháp thực tập mà đức Thế Tôn chỉ dạy: nhìn nhận và chấp nhận sự thật mà đừng trốn tránh nó.

Các con biết là đức Thế Tôn từng dạy ta thực tập nhìn thẳng vào những hạt giống sợ hãi trong ta mà đừng tìm cách che phủ hoặc chạy trốn chúng: Tôi thế nào cũng phải già, phải chết, phải bệnh, tôi không thể nào tránh được cái già, cái chết, cái bệnh. Những gì tôi trân quý hôm nay, những người tôi trân quý hôm nay một ngày mai tôi sẽ phải buông bỏ khi thân thể này tàn hoại, tôi không mang theo được gì hết, ngoài thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của tôi. Đó là gia tài duy nhất mà tôi có thể mang theo. Thực tập chấp nhận được như thế, mình sẽ có bình an, mình sẽ có khả năng sống lành mạnh và từ bi, không còn gây đau khổ cho mình và cho người khác.

Những người từng bị ung thư hay sida khi được bác sỹ cho biết là mình có các bệnh ấy và chỉ còn có 3 tháng hay nửa năm để sống, thường bắt đầu bằng thái độ phản kháng, phẫn nộ, phủ nhận, tuyệt vọng, không muốn chấp nhận sự thật. Nhưng một khi họ đã chấp nhận được sự thật rồi thì họ bắt đầu có bình an. Có được bình an, họ sẽ có cơ hội tập sống ‘sâu sắc’ từng phút giây của đời sống hàng ngày. Do đó họ có cơ hội sống lâu, có người sống thêm cả 15 năm. Như sư thầy Đàm Nguyện ở Hà Nội. Năm ấy, sư thầy qua Làng Mai với ý muốn được sống với Thầy và tăng thân vài tháng rồi sau đó sẽ về Hà Nội để chết. Vì bác sĩ bảo sư thầy chỉ sống được chừng 3-4 tháng nữa. Khi qua tới Làng Mai, các sư cô đề nghị sư thầy đi bác sĩ, sư thầy không chịu đi. Sư thầy nói không cần. Sư thầy đã chấp nhận cái chết của mình và đã hết lòng sống với tăng thân trong ba tháng từng giây, từng phút. Khi thị thực gần hết hạn, sư thầy chào tăng thân ra về. Một sư chị đề nghị sư thầy đi bác sỹ “khám chơi” cho biết. Sư thầy chiều lòng. Bác sỹ nói những di căn ung thư của sư thầy trong toàn thân đã rút về một nơi và sư thầy hiện đang rất khỏe. Và sư thầy đã về Hà Nội trong niềm vui. Hiện sư thầy vẫn còn sống ở Hà Nội và từ ấy đến nay đã là 14 năm.

Đức Thế Tôn dạy vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta cũng thế. Trong lịch sử của Trái Đất, nhiều nền văn minh đã từng bị tiêu diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta nếu có bị tiêu diệt thì đó cũng là theo luật vô thường. Nếu loài người cứ tiếp tục sống u mê và với lòng tham vô đáy như hiện nay thì sự tiêu diệt của nền văn minh này không còn xa nữa. Ta phải chấp nhận sự thật ấy, như là chấp nhận cái chết của chính chúng ta. Chấp nhận được rồi ta sẽ không còn bị đối kháng, phẫn nộ, phủ nhận và tuyệt vọng nữa. Ta sẽ có bình an. Có bình an rồi ta mới biết cách sống như thế nào để cho trái đất có một tương lai, ta mới tới được với nhau trong tình huynh đệ và sử dụng được kỹ thuật khoa học hiện đại mà ta đang có để cứu được hành tinh xanh yêu dấu. Còn nếu không thì ta sẽ bị tâm bệnh mà chết trước khi nền văn minh chấm dứt.

Mẹ ta, Trái Đất, hành tinh xanh, đã từng bị khốn khổ nhiều lần, đã từng khổ đau vì thấy đàn con dại dột. Chúng ta tàn phá đất Mẹ như một loại vi trùng tàn phá một cơ thể con người, vì đất Mẹ cũng là một cơ thể. Nhưng có những loài vi khuẩn rất thân hữu và có ích cho cơ thể con người. Hàng tỷ con như thế đang có mặt trong ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa; chúng giúp bảo vệ cơ thể và chế tác những sinh tố mà ta cần đến. Loài người có thể là những sinh vật có khả năng bảo vệ cơ thể đất Mẹ như thế, nếu loài người tỉnh thức, biết sống có trách nhiệm và từ bi. Đạo Phật ra đời là để ta học sống có trách nhiệm và từ bi. Ta phải thấy được tính cách tương tức, đồng sinh cộng tử giữa ta với đất Mẹ.

Nhưng đất Mẹ đã từng được tái sinh nhiều lần. Sau trận hồng thủy do hiện tượng hâm nóng trái đất gây ra, có thể chỉ còn một phần rất nhỏ nhân loại sống sót. Trái đất sẽ cần trên 1 triệu năm để tái sinh và khoác lên một chiếc áo màu xanh lành lặn tươi đẹp khác, và một nền văn minh mới của loài người sẽ được bắt đầu. Nền văn minh ấy là hậu thân của nền văn minh chúng ta. Đối với con người, 1 triệu năm là lâu lắm, nhưng đối với trái đất, đối với thời gian địa chất (geological time), 1 triệu năm không có nghĩa gì; đó chỉ là một thời gian rất ngắn. Tất cả sinh diệt chỉ là bề mặt. Bất sinh bất diệt mới thật là bản chất của vạn pháp. Đây là giáo lý Trung Đạo của Bụt. Nhưng thơ đã dài, Thầy không muốn nói thêm về giáo lý này ở đây. Khóa tu sắp bắt đầu. Trong nửa giờ nữa. Thầy sẽ ra hướng dẫn với tăng thân. Thầy chúc các con an lành và thực tập giỏi. Hẹn sẽ viết tiếp cho các con trong thư sau.

Thương và tin cậy

Thầy

(Để đọc bản tiếng Anh của lá thư, xin bấm vào đây: http://plumvillage.org/letters-from-thay/sitting-in-the-autumn-breeze)

Giá trị đức dục

Ngày 18.07.2008
Thân gửi các con của Thầy ở Từ Hiếu và Bát Nhã.

Khóa tu mùa Hè ở Mai Thôn đang tiếp diễn và mỗi ngày tu cũng vui như một ngày hội. Thiếu nhi và thanh niên nam nữ tới rất đông, đủ các quốc tịch. Năm nay người Tây Ban Nha tới đông lắm, ở xóm  Thượng có cả trăm người. Thầy phải viết thư pháp tiếng Tây Ban Nha cho họ. Những buổi thiền hành lên đồi xóm Mới rất đẹp không khác gì trong cõi tịnh độ. Những buổi thiền hành đi xuống Sơn Hạ từ xóm Thượng cũng hoành tráng không kém. Thiền sinh rất hạnh phúc được ăn cơm pique –nique ở Sơn Hạ. Mỗi ngày quán niệm tại xóm Mới, thiền sinh xóm Thượng phải sử dụng tới 9 chiếc xe bus. Đó là chưa kể những chiếc bus của xóm Hạ. Năm nay trên pháp tọa thường có  một bé thiếu nhi lên ngồi với Thầy để thay thế cho bình hoa! Đẹp lắm. Các em ngồi rất yên và rất tươi. Lều cắm san sát ở các Xóm. Tuần thứ hai này xóm Thượng đông nhất! Có những gia đình tới tu một tuần thích quá thành xin ở thêm tuần thứ hai, thứ ba! Họ chỉ được phép ở lại nếu chịu cắm lều. Mùa hè này, chúng ta bắt đầu thành lập các đoàn Thanh Niên Phật Tử cho một xã hội lành mạnh và có tình thương (Young Buddhists For a Healthy and Compasionate Society). Các sư em trẻ như Pháp Linh và Hiến Nghiêm đang điều động. Đã có website cho tổ chức này, để tiện liên lạc và yểm trợ cho sự thành lập các đoàn tại mỗi quốc gia.

Trước khi Làng mở cửa cho khóa tu mùa Hè mình đã có một khóa tu cho người trẻ của các nước Âu Mỹ. Sau mười ngày tu tập miên mật, tất cả đều được chuyển hóa, có người xin ở lại cho khóa tu mùa hè. Viện Phật học Ứng dụng châu Âu đã cấp phát chứng chỉ cho mọi người tham dự. Viện cũng sẽ cấp phát chứng chỉ cho các thiền sinh về tu học trong khóa tu mùa Hè. Những chứng chỉ này được các trường trung học và đại học đánh giá cao, vì giá trị đức dục của nó. Viện cũng sẽ cấp phát chứng chỉ này cho những vị tu tập miên mật trong ba tháng an cư ở Từ Hiếu và Bát Nhã, căn cứ vào báo cáo của Hội đồng Giáo thọ địa phương.

Thầy và các anh chị lớn đang chuẩn bị để xây dựng Tu viện Phương Bối tại ba miền Nam, Trung, Bắc, có sự cho phép của chính quyền trung ương. Nếu chúng ta giữ vững nền nếp tu tập thì không có lý do gì mà những dự án ấy không thành tựu. Nghe các anh chị nói các con đang tu học nghiêm chỉnh và hết lòng, tại Từ Hiếu và Bát Nhã, Thầy rất vui lòng. Thầy có niềm tin nơi các con. Không có khó khăn nào mà chúng ta không vượt thắng, nếu ta có niềm tin và ý chí. Thầy đang đi những bước chân vững chãi cho các con, và Thầy tin rằng các con cũng đang đi những bước chân vững chãi cho Thầy.

Thầy sẽ viết tiếp cho các con.

Thầy
Nhất Hạnh

Tình huynh đệ là một cái gì có thật

Mai Thôn 3.11.08
Thân gửi các con của thầy ở tu viện Bát Nhã

Làng Mai hiện đang có khóa tu cho những người nói tiếng Pháp. Sáng nay thầy đã nói pháp thoại tại thiền đường Trăng Rằm ở Xóm Mới. Trời thu tuy có mưa nhưng vẫn đẹp. Thiền sinh sáng nay cũng đã được tham dự lễ Giỗ Tổ Tánh Thiên Nhất Định, cũng được tổ chức tại thiền đường.

Thầy cảm ơn các con đã viết thư cho thầy. Thầy rất hạnh phúc khi thấy trong một hoàn cảnh rất khó khăn các con vẫn kiên trì tu học miên mật, anh chị em biết tới gần với nhau hơn, thương yêu nhau như con một nhà và tình huynh đệ được nuôi lớn mỗi ngày.

Mặc dù có những chướng ngại, những thách thức, những khó khăn… các con vẫn không khởi ra tâm niệm trách móc, hận thù, không nói một lời nặng nề với bất cứ ai, không có một hành động nào chứng tỏ mình có hận thù và bạo động.

Đó là một thành quả lớn của sự tu học, dù đa số các con vẫn còn rất trẻ. Thầy biết làm được như thế không phải là dễ! Nếu không biết thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, nếu không biết nhận diện và ôm ấp những cảm thọ và cảm xúc của  mình thì không thể nào làm được như thế. Đây đã là một thành công lớn của thầy trò mình rồi.

Giả dụ ngày mai các con không còn chỗ ở, giả dụ ngày mai thầy trò mình có bị tản mát mỗi người một ngả, thì Bát Nhã cũng đã là một thành công của chúng ta, và lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ chắc chắn ghi lại trang sử đẹp đẽ này. Thầy là nhà viết sử, thầy biết chuyện đó. Cũng như trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Trường TNPSXH đã trở nên một huyền thoại, dù chỉ tồn tại trong mười một năm. Sự tu học và thực tập của mình chứng tỏ tình huynh đệ là một cái gì có thật, chứ không phải chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi.

Nhưng thầy không nghĩ là tình trạng sẽ xảy ra như thế đâu. Một đất nước như đất nước Việt Nam, một dân tộc như dân tộc Việt Nam, một truyền thống như truyền thống Phật giáo Việt Nam… sẽ không bao giờ để xảy ra một chuyện như thế.

Thầy thấy là hiện giờ đồng bào và Phật tử trong nước cũng như ngoài nước đều rất thương mình, Phật tử thế giới cũng rất thương mình. Thầy trò  mình đang được che chở và yểm trợ; nếu chúng ta giữ vững được lập trường không bạo động, không hận thù, không mưu mô, nếu chúng ta tiếp tục tu học cho tinh chuyên và miên mật, nếu chúng ta tiếp tục nuôi lớn tình huynh đệ… thì chúng ta không có gì cần phải sợ hãi.

Thầy biết có rất nhiều bậc quý nhân đang theo dõi và tìm cách hộ trì cho chúng ta, chúng ta phải giúp họ bằng cách tu  học cho tinh chuyên, cho thật lòng và hoàn toàn bất bạo động. Các sư anh và sư chị của các con tuy có người chưa đến tuổi 30 nhưng rất vững vàng về phương diện đó, và điều này làm thầy rất an lòng.

Các sư bé viết thư cho thầy hay lắm! Thầy rất vui khi nhận được thư của các con. Khi các con tu học có hạnh phúc như thế thì các con nuôi dưỡng thầy rất nhiều. Thầy sẽ sống lâu với các con!

Ôm tất cả vào lòng

Thầy
Nhất Hạnh