Theo Dấu Chân Chim

Hành trình về Đông Nam Á

Pakchong, Thái Lan

 

Ngày 21.03.2011, Sư Ông cùng quý thầy quý sư cô  lên đường đi Đông Nam Á. Phái Đoàn đi theo Sư Ông năm nay gồm có Sư Ông và  ba mươi qúy  thầy và qúy  sư cô. Mọi người đã rời Làng, rời tu viện Bích Nham, Mộc Lan, Lộc Uyển và Việt Nam… để đến phi trường Bangkok  hôm 22.03.2011. Cả phái đoàn cùng đi với Sư Ông tới Bangkok vào lúc 13h30 chiều. Vừa đến cổng đã có tăng thân ở Thái Lan chào đón. Sư Ông cùng bốn thầy và ba sư cô được tiếp đón tại phòng VIP của phi trường để gặp các vị tôn đức có chức sắc lớn tại Thái Lan. Quý tôn đức Viện trưởng của Viện Đại Học Phật Giáo Thái, Mahachulalomghkorn, các vị trú trì các chùa lớn ở Thái có ngồi đàm đạo với Sư Ông về “làm mới đạo Bụt”. Sau đó thầy trò cùng lên xe về Làng  Pakchong tại Đông Bắc Bangkok. Có gần hai trăm quý thầy và quý sư cô ở Pakchong đứng xếp thành hai hàng bên ngoài cổng chào đón Sư Ông và phái đoàn, trên gương mặt của tất cả quý thầy cô đều biểu lộ sự hân hoan vui mừng như những đứa con trông đợi cha đi xa mới về. Trước khi Sư Ông đến, khí hậu ở Pakchong thật oi bức khó chịu, nhưng đêm đến thì khí trời bỗng nhiên mát mẻ và đổ cơn mưa. Mọi người đều cho rằng trời đất Pakchong cũng vui mừng khi Sư Ông đến. Mùa này là mùa xoài. Đi thiền hành chậm rãi qua những hàng xoài đầy trái, lủng lẳng đong đưa ngang đầu, ngang tầm mắt không biết bao nhiêu  trái xoài, dày cả vườn thật rất cảm động. Làm người người nhớ lại vườn xoài mà nữ sĩ Ambapali cúng dường cho Bụt và tăng đoàn vườn xoài sai trái ngày xưa…

 

Gia Đình Trúc Xanh ra đời

 

Ngày 23.03.2011, vào lúc 11h30 đại chúng ăn cơm quá đường tại thiền đường Trời Phương Ngoại và có lễ Dẫn Thỉnh xin cho mười ba sư em cận sự nam và nữ được thọ giới sa di. 14h30, Sư Ông làm Lễ Xuất Gia cho gia đình cây Trúc Xanh gồm mười ba vị, có sáu em nam và bảy em nữ. Buổi Lễ Xuất Gia được tổ chức tại thiền đường trong không khí thật trang nghiêm và thiền vị. Thiền đường được làm bằng  tranh nên gió thổi rất mát vì không có tường che. Nhiều quý thầy, quý sư cô đến  từ xa, chỉ nghỉ ngơi có một ngày nhưng không thấy mệt và năng lượng hộ niệm vẫn rất hùng hậu.

 

 

Sư Ông đặt tên cho các sư chú, sư cô rất đẹp: Trời Bao Dung (Bao Dung Thiên), Trăng Ngoại Phương (Ngoại Phương Nguyệt), Trời Tuệ Chiếu (Tuệ Chiếu Thiên), Trăng Huyền Thoại, Trời Tỉnh Thức (Ngộ Tỉnh Thiên), Trời Rạng Đông, Trời Năm Sắc, Trăng Tuyết Hoa, Trăng Tuyết Sơn, Trăng Một Phương, Trăng Đầu Non.

Buổi chiều có thiền trà mừng 13 sư em mới ra đời, mọi người thật hạnh phúc. Các sư em vừa “sơ sinh” mà  đã có một bản nhạc mới về Gia Đình Trúc Xanh và đã hát cúng dường đại chúng. Đến phần trình diện, từng em vừa “sơ sinh”  đứng lên tự giới thiệu thật vui và hào hứng. Có em tới từ Phú Thọ, có em từ Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, có em từ Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và có em lại ở tận Bến Tre. Hôm đó có 30 Phật tử từ Việt Nam sang để ủng hộ cho con em mình được Sư Ông xuống tóc. Ai ai cũng đều hạnh phúc. Lại có thêm ba em trẻ phát nguyện xin xuất gia đợt tới  nên xin phép được ở lại Pak Chong tập sự. Tin vui từ Thái Lan còn tiếp, mời quý đạo hữu đón xem…

Khóa tu bảy ngày tại Viện Đại Học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan

 

tangthantaiThai.JPG

 

Khóa tu  Để Hiểu rõ sự vận hành của Tâm (Understanding our Mind) đã được tổ chức tại Viện Đại Học Mahachulalongkornrajavidyalaya từ ngày 25 đến 31 tháng 3 năm 2011 trong tình thân hữu giữa Làng Mai, Viện Phật Học Âu Châu và Đại Học này. Riêng năm nay, số người tham dự ít hơn khóa tu năm 2010, một phần trở ngại là do việc đồng ý chọn ngày giờ cho khóa tu cần có sự thông qua nhiều ban ngành trong Viện Đại Học Mahachulalongkorn. Vì thế tin chính xác về khóa tu được thông báo muộn nên thiền sinh đã không sắp xếp kịp để đến tham dự trọn vẹn cho khóa tu 7 ngày. Hơn nữa, giá thuê khách sạn gần Viện Đại Học khá cao, lại phải di chuyển nửa giờ mới đến được Giảng Đường, Thiền Đường, Trai Đường. Tuy vậy trên 700 thiền sinh đã ghi danh tham dự, cùng với gần 200 quý thầy quý sư cô gồm những vị đang ở Thái cũng như từ nhiều trung tâm khác cũng đã về tham gia,  khóa tu đã lên đến cả 1000 người.

 

Lễ khánh thành trung tâm Buddhadasa tại Thái Lan

Cùng ngày khai mạc khóa tu 7 ngày của Tăng thân Làng Mai tại Thái, 25.03.2011, công chúa Somdej Phrathep Sirithorn đã đến dự Lễ khánh thành trung tâm Buddhadasa. Trung tâm này vừa được trùng tu và đặt thêm Bảo Tàng Viện của vị tổ sư Thái Lan cận đại. Công chúa đã tặng quà cho những người có công đối với sự phát triển của trung tâm. Hôm đó sư cô Linh Nghiêm, đại diện cho Làng Mai tại Thái Lan đã được Công Chúa trao quà để tỏ lòng biết ơn Sư cô đã đều đặn hướng dẫn một ngày chánh niệm hằng tháng tại trung tâm này cho 100 đến 200 thiền sinh cư sĩ ở Bangkok. Cùng đi với sư cô còn có sư cô Chân Không, sư cô Diệu Nghiêm và thầy Pháp Đệ, thầy Pháp Lưu.

 

thiensinh1.JPGKhóa Tu “Understanding our Mind”  từ ngày 25 đến 31 tháng 3 năm 2011 là khóa tu nói tiếng Anh, sư cô Linh Nghiêm đã dịch sang tiếng Thái và sư cô Đẳng Nghiêm dịch ra tiếng Việt do Tăng Thân Làng Mai kết hợp với Tăng Thân cư sĩ Thái Lan đứng ra tổ chức. Các thầy, các sư cô trẻ ở Pakchong có mặt khắp mọi nơi trong khóa tu để điều hành, tổ chức, làm tri khách, phụ nấu ăn, rửa dọn v.v.. Tuy  làm việc nhiều nhưng những người tu trẻ này vẫn giữ nụ cười  tươi mát trên môi.

19g 30 tối ngày 25.04.2011. Buổi lễ khai mạc khóa tu mở đầu bằng tiếng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm của 160 tị xuất sĩ  hòa cùng tiếng vĩ cầm và đại hồ cầm thật hùng tráng. Trong khóa tu này, Sư Ông trình bày những phần rất căn bản  về Tâm Lý Học Phật Giáo dựa trên  Duy Thức Tam Thập Tụng của Ngài Vasubandhu (30 mười bài tụng Duy Thức của Ngài Thế Thân). Thầy Pháp Lưu và sư cô Đẳng Nghiêm hướng dẫn thiền sinh những thực tập căn bản sau đó.

Vào năm giờ sáng mỗi ngày, thiền sinh đi bộ trong chánh niệm từ thiền phòng đến Thiền đường MVK Auditorium mất khoảng hơn mười phút. Khi đến nơi, mọi người đã thấy Sư Ông ngồi yên, hùng tráng và thảnh thơi, sau đó thầy Pháp Khôi hô canh bằng tiếng Anh và sư chú Pháp Thi bằng tiếng Thái.

Sau giờ ngồi thiền, Sư Ông hướng dẫn mọi người thiền hành dọc bờ hồ. Đi được nửa đường quanh bờ hồ, Sư Ông dừng lại và ngồi trên bãi cỏ xanh. Trời Thái Lan vào tháng ba mát rượi. Gió thổi vi vu, nước hồ in bóng mây và bóng những hàng cây dọc ven bờ hồ, đại chúng có cơ hội được ngồi yên nghe tiếng chim hót líu lo như ứng với lời Sư Ông đã chia sẻ: “Có chánh niệm chúng ta sẽ tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống đang xảy ra trong ta, quanh ta, ngay bây giờ và ở đây.”

Sáng nay Sư Ông bắt đầu bài pháp thoại về nghe chuông, thỉnh chuông và thiền hành trong chánh niệm. Sư Ông dạy chúng ta tập sống cho chánh niệm, đem thân về với tâm. Thực tập chánh niệm để lúc nào mình cũng có mặt. Khi mình có mặt rồi, mình mới thực sự có mặt cho mẹ mình, bố mình, con mình và những người mình thương. “Con có mặt cho mẹ đây. Mẹ có mặt cho con của mẹ đây”, (Đó là thần chú thứ nhất). Thực tập với một tăng thân có thể giúp chúng ta lúc nào cũng dễ dàng có mặt, dễ giữ chánh niệm. Bởi khi mình quên thì người trước mặt mình, xung quanh mình cũng đang thực tập và sẽ là chuông chánh niệm cho mình giúp mình có nhiều cơ hôi trở về, đem thân về với tâm để ý thức được người thương đang hiện diện bên mình. Sư Ông đã hướng dẫn thực tập hai bài thần chú thứ nhất bằng tiếng Thái, tiếng Anh  hay tiếng Việt.

Lúc 19:45

Đại chúng tập trung trong hội trường để nghe thầy Pháp Lưu chia sẻ về tình thương và cách bảo vệ trái đất, thầy nói: “Chúng ta nên khắc ghi trong tim những gì đã diễn ra ở Fukushima, Nhật Bản,cũng như những trận động đất, sóng thần, những thiên tai đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Đó là tiếng chuông chánh niệm lớn của đất mẹ nhắc chúng nên dừng lại, đừng tàn phá thêm địa cầu này… Đêm nay chúng ta sẽ thiền hành im lặng bên nhau không có đèn trong một tiếng đồng hồ để yểm trợ Trái Đất.” Đại chúng thiền hành quanh hồ dọc theo những ngọn đèn nhỏ được làm bằng những cái đèn tea light. Sự im lặng hùng tráng nói lên sức mạnh của năng lượng Tăng Thân.

Chuyển hóa và trị liệu.

Hầu như mỗi ngày đều có gió lớn và thỉnh thoảng có mưa phùn, nhưng những giờ thiền hành, thiền tọa, pháp thoại, thiền sinh có mặt mỗi ngày một đông. Nhiều thiền sinh tham dự một hai ngày đầu của khóa tu và đã cảm nhận được nhiều lợi lạc cũng như có sự chuyển hóa nên đã báo tin cho người thân mình tới tham dự để hưởng được năng lượng thực tập hùng hậu của Sư Ông và quý thầy, quý sư cô. Quý sư Nam Tông cũng cùng đến tham dự từ 15 đến 20 vị .

Pháp Thoại của Sư Ông trong khóa tu rất căn bản và thâm sâu. Nội dung có tính chất công phá và trị liệu những khổ đau nằm trong chiều sâu tâm thức. Đồng thời Sư Ông đã hé mở cánh cửa Duy Thức qua các bài thi kệ “Tam Thập Tụng” của Ngài Thế Thân. Chia sẻ rõ ràng sự vận hành của thân tâm một cách đơn giản và dễ hiểu. Để đi sâu hơn vào “Tam Thập Tụng” thì 7 ngày có lẽ là không đủ. Chúng ta cần phải ít nhất là 21 ngày hoặc 3 tháng mới đi qua hết ba mươi bài tụng Duy Thức của Ngài Thế Thân.

Khóa tu diễn ra trong bảy ngày, nên các thiền sinh có cơ hội thực tập thật sâu những pháp môn của Làng Mai như: Sám Pháp Địa Xúc, Làm Mới, thiền  Buông Thư, thiền lạy về ba gốc rễ, về vượt thoát sợ hãi sinh tử, trình bày Năm phép tu tập chánh niệm (Năm Giới), 14 Giới Tiếp Hiện (Bồ Tát Giới),… Trong đó Pháp Đàm là pháp môn mà nhiều thiền sinh ưa thích vì họ có dịp nói ra những ưu tư của mình, những thực tập thành công hay chưa làm được của mình và được nghe kinh nghiệm thực tập của mọi người. Có những buổi pháp đàm rất hào hứng và sôi nổi với tiếng cười vui vẻ, nhưng cũng có những buổi pháp đàm nhiều người đã khóc vì xúc động. Đây là cơ hội để người tham dự được chia sẻ những hạnh phúc, tháo gỡ những khó khăn trong đời sống hàng ngày, và chia sẻ được những sâu kín trong trái tim mình.

Sau khi nghe bài pháp thoại của Sư Ông về 4 câu thần chú, một anh thiền sinh đã chia sẻ trong buổi pháp đàm rằng: “Trước khi đi khóa tu, anh là một người rất cô đơn, anh không đến được với bất cứ một ai, ngay cả với chính mẹ của mình. Có người khuyên anh nên tham dự khóa tu này. Anh từ giã mẹ trước khi đi. Và mẹ anh bảo với anh là: bà cần có tiền trong thời gian anh vắng mặt ở nhà. Anh đã nghĩ, mình sẽ gửi tiền vào trương mục ngân hàng của mẹ, nhưng anh lại quá tức tối không thể kiềm hãm được sự bực bội và buột miệng: “Mẹ thì lúc nào cũng chỉ biết có tiền với tiền thôi.” Mẹ anh đã khóc khi nghe anh than phiền. Nhưng sau hai ngày thì anh bắt đầu hối hận, và trong buổi pháp đàm đầu tiên, anh chia sẻ rằng: Khi nghe Sư Ông giảng, anh cảm thấy hối hận, và anh đã gọi điện thoại về để xin lỗi mẹ. Sau đó anh đã xin thọ Năm Giới… Có những trường hợp thiền sinh là nạn nhân bị lạm dụng trong thời ấu thơ. Họ học được rằng đứa trẻ bị thương thời ấu thơ vẫn còn sống mãi trong mình và thúc đẩy mình hành xử không đẹp khi vết thương ngày xưa bị chạm vào. Và phương pháp trở về với giây phút hiện tại giúp mình thoát khỏi cái ám ảnh của quá khứ vốn luôn nằm đó trong một góc sâu của tàng thức. Sư Ông đã nhấn mạnh: “Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của thực tại. Hãy chế tạo hạnh phúc từ khổ đau.” Sư Ông đã giúp phá bỏ cái nhìn của nhị nguyên trong mỗi người.

 

Wake Up và chương trình đào tạo năm năm.

thiensinh2.JPGThầy Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Linh, Pháp Hữu và sư cô Mai Nghiêm đã trình bày về chương trình Wake Up và chương trình đào tạo năm năm làm tu sĩ. Có khoảng 100 người trẻ ở lứa tuổi từ 35 trở xuống và quý thầy, quý sư cô trẻ từ Pakchong cũng cùng có mặt.

Mở đầu, Thầy Pháp Dung đã giới thiệu về chương trình 5 năm làm tu sĩ giành cho những người muốn tham gia có lứa tuổi từ 35 trở xuống. Nếu bạn có trương mục trong ngân hàng, bạn hãy làm thủ tục với ngân hàng để khóa trương mục và không sử dụng trương mục trong vòng năm năm, để cho nó ngủ yên đó. Nếu bạn đang có người yêu, bạn cũng để cho tình yêu đó ngủ yên trong năm năm đó.” Nói tới đây thầy mỉm cười và tiếp: “Mình có thể nói với người yêu: “Hẹn em năm năm sau, khi gặp lại, em sẽ thấy anh tốt hơn.” Mọi người đều cười ồ lên! Chương trình năm năm là chương trình Sư Ông muốn đầu tư Đạo Pháp cho người trẻ…Có thể sau năm năm thực tập, bạn trẻ nào thích con đường này thì bạn đó sẽ xin được tu tập suốt đời. Hoặc có thể sau năm năm, bạn thấy mình cần phải lập gia đình và chỉ muốn áp dụng chánh niệm đã học được vào đời sống gia đình thì bạn cũng có thể ra lập gia đình mà không mặc cảm tội lỗi và không làm tổn thương các bạn đồng tu khác.

Sáng ngày thứ sáu và thứ bảy trong khóa tu, thay vì ngồi thiền, Sư Ông truyền giới Tiếp Hiện cho 13 vị và truyền Năm Giới cho hơn 200 thiền sinh.

 

Khóa tu chấm dứt nhưng nhiều người vẫn còn lưu luyến chưa muốn rời. Trong buổi sinh hoạt chia tay, có nhiều người có niềm tin là mình có thể liên hệ tốt hơn với những người mình đang có khó khăn và sẽ làm mới được tình thương với những người mà mình đang chung sống. Một thầy Nam Tông chia sẻ: “Thầy rất hạnh phúc đã tham dự khóa tu này. Thầy đã hiểu sâu hơn về kinh điển của truyền thống Nam Tông và nhất là được học thêm Duy Thức. Bởi trước đây, khi thầy càng đào sâu vào Abhidhamma thì thấy càng rối ren, nhưng Sư Ông đã giảng dạy 30 bài tụng Duy Thức rất đơn giản và dễ hiểu. Thầy hứa sẽ đem pháp môn Làng Mai về áp dụng tại chùa của mình. Một anh thiền sinh Tây Phương đang ở tại Thái Lan chia sẻ: trong Thánh Kinh có nói: “Khi Chúa Jesus đi với các đệ tử trong sa mạc, và các đệ tử của Ngài cảm thấy như có ngọn lửa được thắp sáng trong tâm, đó là ngọn lửa của niềm tin. Anh cũng cảm thấy như vậy, “Khi đi với Sư Ông, ngọn lửa trong anh được nhóm lên cháy sáng, ngọn lửa của tình thương, ngọn lửa của hạnh phúc.”

Thỏa thuận hợp tác giữa Làng Mai và Viện Đại Học Hoàng Gia MahaChulalongkornrajavidyalaya

 

Lễ ký thỏa thuận Hợp Tác giữa Làng Mai và Viện Đại Học Hoàng Gia MahaChulalongkornrajavidyalaya (MCU)

Vào lúc 16 giờ chiều, ngày 26.03.2011 đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận Hợp Tác giữa Làng Mai và Viện Đại Học Hoàng Gia MahaChulalongkornrajavidyalaya (MCU),Thái Lan. Trên khán đài, bên phải hội trường có chư vị tôn túc và những vị trong Ban Lãnh Đạo của MCU, bên trái hội trường có tất cả quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Sư Ông và Ngài Viện Trưởng trường MCU (MahaChulalongkorn University) ngồi ngay giữa hai bên, tất cả đều đắp y thật trang nghiêm, những vị cư sĩ ngồi dưới khán đài. Mở đầu chương trình là phần giới thiệu hình ảnh và sinh hoạt giữa Làng Mai và MCU. Trường đại học Mahachulalonkorn là trường Đại Học do vua Rama Thái Lan Thứ V thành lập vào năm 1887 và đã lấy tên vị vua này để đặt tên cho trường. Trường được sự bảo trợ của chính phủ Hoàng Gia nhằm nâng cao kiến thức Phật học cho các tu sĩ và cư sĩ có nhu cầu nghiên cứu và tìm hiểu về Phật Giáo. Chương trình đào tạo gồm 3 ngành chính:  Pali, Phật học và Triết học và những phân khoa khác như Xã Hội học, Nhân Văn Học.v.v..

Khai mạc buổi lễ, chư vị Tôn Túc trường Đại Học và các vị giảng sư tụng kinh tiếng Pali, sau đó Tăng Thân Làng Mai tụng kinh bằng tiếng Anh, buổi lễ rất trang nghiêm, thanh thoát và hùng hồn.

Ngài Viện Trưởng đại diện cho toàn Viện chia sẻ: Ngài đã học được rằng “Thiền không thể tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường nghĩ, thiền chỉ có trong chùa hay thiền đường, chứ không có trong rửa chén, nấu cơm…Chúng tôi thán phục Thiền Sư vì Thiền Sư đã đi ngang qua chiến tranh Việt Nam với nhiều khổ đau, bạo động mà vẫn giữ được lòng từ bi. Chúng tôi rất ấn tượng khi thấy pháp môn Làng Mai thích hợp với tuổi trẻ. Hiện nay nhóm người trẻ “Wake up” (Thức dậy đi thôi hỡi các bạn trẻ!)” đã được thành lập khắp nơi trên thế giới, ở các nước phương Tây cũng như các nước ở Đông Nam Á và đã giúp tuổi trẻ biết được hướng đi. Vì thế, toàn thể Viện Đại Học Hoàng Gia xin được hiến tặng văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự cho Thiền Sư. Và tôi xin Đại Diện Viện Đại Học để ký thỏa thuận hợp tác với Làng Mai, cùng Viện Phật Học Viện Ứng Dụng Âu Châu. ”

 

TS Nhất Hạnh và Viện Trưởng trườngMahaChulalongkorn - kí hợp tác

 

Sư Ông đáp lời: “Chúng tôi cám ơn rất nhiều tình thương của quý vị. Chúng tôi nguyện thực tập để không phản bội tình thương ấy… Chúng tôi đã đem Đạo Phật đi vào cuộc đời. Trong thời gian qua chúng tôi cũng đã đào tạo được nhiều giáo thọ giỏi trong giới tu sĩ cũng như cư sĩ và họ đã áp dụng khoa học, toán học, vật lý học trong sự thực tập của Đạo Bụt…”  Sư Ông chia sẻ  thêm về kinh nghiệm đào tạo:

1- Làm sao để những gì học ở trường Phật Học có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày.

2- Đào tạo những người tu sĩ và cư sĩ có thể làm việc chung với nhau như một Tăng Thân, và có khả năng phát triển tình huynh đệ. Không tạo ra một chỗ đứng nổi bật cho một cá nhân mà luôn luôn phải đi với nhau như một Tăng Thân. Đó là năng lượng của tập thể.

3- Quán chiếu những kiến thức khoa học mới để thấy tuệ giác của Bụt vẫn đáp ứng được với những khám phá đương thời và đề nghị các khoa học gia nên thực tập nghiên cứu trong tinh thần bất nhị để có thể đi xa hơn trong công trình khảo cứu.

Hôm đó, Hòa Thượng Phó Viện Trưởng đã đọc tiểu sử của Sư Ông với nhiều thành quả mà Sư Ông đã làm cùng nhiều văn bằng tiến sĩ danh dự khác.  Và Sư Ông  đã chia sẻ lại“ Một trong những biệt hiệu mà Sư Ông thích là: “Ông Thầy làm biếng”, rồi Sư Ông giới thiệu về ngày làm biếng ở Làng để mọi người thấy công hiệu của sự thảnh thơi khi bớt việc lại, làm từng việc trong chánh niệm và có được cái thấy thâm sâu”. Cuối cùng là phần ký tên, trao quà và chụp hình lưu niệm. Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và cảm động, một sự kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Bắc Tông (Mahayana) và Nam Tông (Theravada).

 

ts Nhất Hạnh và Viện Trưởng trường MahaChulalongkorn - Thái Lan 2011 ts Nhất Hạnh và Viện Trưởng trường MahaChulalongkorn - Thái Lan 2011

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khai mạc triển lãm thư pháp tại Pháp Cổ Sơn, Đài Loan

 

phapcotu2.JPGNgày 08.04.2011 đã đánh dấu một sự kiện đặc biệt đối với Phật tử Đài Loan. Thiền sư nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh, người sáng lập Đạo tràng Mai Thôn, Pháp quốc viếng thăm Pháp Cổ Sơn (Dharma Drum Mountain). Đây là lần đầu tiên thiền sư đến thăm Pháp Cổ Sơn – Trung tâm Giáo dục Phật giáo Thế giới tại Kim Sơn Khu (Jinshan), thành phố Đài Bắc. Trước đây, năm 1995, thiền sư Nhất Hạnh đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cố Hòa thượng Thánh Nghiêm tại tu viện Nung Chan.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị thiền sư được tôn kính nhất thế giới hiện nay. Người còn là một nhà thơ, nhà tranh đấu cho nhân quyền và hòa bình trên thế giới. Sinh ra tại miền Trung, Việt Nam năm 1926, và xuất gia năm 16 tuổi.

Khi chiến tranh ở Việt Nam bùng nổ, Thiền sư phải đối mặt với tình thế khó khăn. Thiền sư buộc phải lựa chọn giữa hai con đường, hoặc làm vị tu sĩ ẩn cư hoặc dấn thân vào công tác cứu giúp những người dân nghèo đang chịu khổ đau vì chiến tranh. Cuối cùng, Người đã quyết định làm cả hai bằng cách sáng lập ra phong trào “Đạo Bụt Dấn Thân” (Engaged Buddhism). Kể từ đó, thiền sư đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp tu tập và chuyển hóa nội tâm vì lợi ích của các cá nhân và xã hội.

Năm 1982, Thiền sư sáng lập ra Đạo tràng Mai thôn, một tăng thân tu tập theo truyền thống đạo Bụt tại nước Pháp. Tại đây, thiền sư tiếp tục công việc cứu giúp những người tỵ nạn, tù nhân chính trị và những gia đình nghèo đói tại Việt Nam. Thiền sư đã được hai lần đề cử giải Nobel Hòa Bình vì những đóng góp to lớn và lâu dài của Thiền sư đối với phong trào hòa bình trên thế giới.

Phapcotu1.JPGLần này đến thăm Pháp Cổ Sơn, thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ đến viếng cố Hòa Thượng Thánh Nghiêm – người bạn cố tri của mình mà còn chia sẻ một bài pháp thoại thiết yếu tại Đại Hùng Bảo Điện. Ngoài ra, Thiền sư còn chủ trì Lễ Khai Mạc Triển Lãm chung các tác phẩm thư pháp tiếng Hán của Thiền sư và của cố Hòa Thượng Thánh Nghiêm. Triển lãm này được mở cửa miễn phí cho công chúng từ 10h sáng đến 4h chiều, kéo dài đến ngày 23.04.2011. Hơn 100 tác phẩm thư pháp đã được trưng bày tại triển lãm này.

Giám đốc Phật Học Viện, Hòa Thượng Guo Dong đã nồng nhiệt chào đón thiền sư Nhất Hạnh viếng thăm Pháp Cổ Sơn. Hòa thượng đã bày tỏ lòng biết ơn của mình khi tổ chức được một cuộc triển lãm chung các tác phẩm thư pháp của hai vị thiền sư nổi tiếng tại Pháp Cổ Sơn. Hòa thượng tin rằng vẻ đẹp và lòng từ bi được thể hiện qua nét thư pháp của hai vị thiền sư cao đức sẽ tạo cảm hứng và mang lại lợi lạc cho nhiều người.

Trong bài pháp thoại của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chia sẻ: cuộc sống ngày nay chứa đầy những khổ đau và lo lắng, nhiều người luôn sống trong giận hờn, ganh ghét và trầm uất. Điều không may là hầu hết mọi người thường tìm đến những thú vui vật chất với hy vọng làm vơi nhẹ những khổ đau trong lòng. Tuy nhiên, theo lời Thiền sư, “điều này thực ra chỉ làm hại cho thân tâm ta mà thôi”. Và Thiền sư nhấn mạnh: “chỉ khi nào ta chịu dừng lại và lắng nghe những khổ đau của chính mình thì lúc đó ta mới có thể làm vơi bớt khổ đau và phát khởi lòng từ bi trong ta”. Mặc khác, Thiền sư còn nhắn gửi: Phật Pháp có mặt khắp mọi nơi, không phải chỉ giới hạn trong các tu viện, và ta cũng có thể nếm được pháp lạc dễ dàng chỉ với một hơi thở nhẹ, một bước chân đi.

phapcotu3.JPGBài pháp thoại sống động của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Đại Hùng Bảo Điện đã thu hút hơn 500 người đến tham dự. Trước khi kết thúc chuyến thăm Pháp Cổ Sơn, Thiền sư đã đồng ý về việc thúc đẩy hợp tác trong tương lai giữa Làng Mai và Pháp Cổ Sơn với mục đích giúp cho nhiều người chuyển hóa thân tâm, mang lại lợi ích cho xã hội.

Trong thời gian tại Pháp Cổ Sơn, Thiền sư cũng đã đi thăm Phòng Trưng Bày về lịch sử hình thành và phát triển Pháp Cổ Sơn và thăm Quán Âm Đường để tưởng nhớ người bạn quá cố, Hòa thượng Thánh Nghiêm.

 

 

thuphap1.JPG_thuphap2.JPG_thuphap4.JPG_thuphap3.JPG_thuphap5.JPG_thuphap6.JPG_thuphap7.JPG

(Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữ từ: http://www.dharmadrum.org/content/printpage.aspx?type=news&sn=917 )

Sư ông Làng Mai khai sinh VIỆN PHẬT HỌC ỨNG DỤNG CHÂU Á

Cơ hội cho người trẻ Hong Kong và khu vực Đông Nam Á

 

—-Thầy Chân Pháp Nguyện—

Chuyến bay Cathay Pacific Đài Bắc – Hong Kong từ từ hạ cánh. Từ trên cao nhìn xuống, Hong Kong là một thành phố có vô số tòa nhà cao tầng chen chúc mọc. Đồng hồ phi cảng chỉ đúng 11:30 sáng ngày 25 tháng 4. Đoàn xuất sĩ Làng Mai gồm 30 người được Tăng thân Hong Kong đón đưa về tu viện mới ở đảo Lantau. Tổng cộng có một chiếc xe hơi nhỏ và ba chiếc xe buýt 20 chỗ ngồi: một chiếc cho quý thầy, một chiếc cho quý sư cô và một chiếc chở hành lý, còn chiếc xe hơi thì chở Sư Ông (Sư Ông Làng Mai) và thị giả. Ba chiếc xe buýt nối đuôi nhau chạy theo xe Sư Ông hướng về chùa Liên Trì, làng Ngong Ping, đảo Lantau, Hong Kong.

chuaBaoLienHK.jpg
Tượng Bụt chùa Bảo Liên (Po Lin) Hong Kong

 

Xe chạy khoảng nửa đoạn đường lên núi, trước mắt chúng tôi là một tượng Bụt khổng lồ bằng đồng ngồi uy nghiêm trên đỉnh. Con đường lên núi thật đẹp. Hai bên đường cây lá xanh tươi; một bên là núi và một bên là biển, lên xuống, uốn lượn quanh co, ngoằn ngoèo làm tăng thêm nét ngoạn mục cho phong cảnh hai bên đường. Chỉ mất khoảng hơn nửa giờ là Đoàn chúng tôi đã lên đến đỉnh núi. Khách hành hương du lịch rất đông, họ đến đây để viếng thăm và cầu nguyện trước tôn tượng của đấng Giác ngộ. Đỉnh núi có tượng Bụt vĩ đại nay cũng là một trong những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Hong Kong.

ngoichoiHK.jpg

Phía trước là cổng tam quan của chùa Bảo Liên (Po Lin temple), xây bằng đá trắng rất to lớn và hùng vĩ. Khung cảnh rất nhộn nhịp và đông người. Nhưng ai có ngờ được trước cổng tam quan của khu du lịch to lớn như thế lại có một con đường nhựa nhỏ rẽ trái, dài khoảng 150 mét dẫn vào ngôi chùa Liên Trì ẩn náu phía bên trong. Không khí trong đây thật yên lặng và đầy thiền vị – một thế giới hoàn toàn khác biệt với bên ngoài. Chúng tôi nhẹ bước xuống xe đã thấy Sư Ông đang ngồi chơi, uống trà dưới bóng cây đa cổ thụ. Chúng tôi đến gần, xá Sư Ông. Sư Ông chỉ vào cây đa, bảo, “Đây là người bạn cũ của Thầy.”

chuaLienTriHK.jpg

Được biết cách đây hơn 40 năm Sư Ông đã từng dừng chân tại nơi này. Ai nghe chuyện mà chẳng cảm thấy xuyến xao vì cảnh cũ còn và người xưa cũng còn có cơ hội trở lại. Hạnh phúc thay Sư Ông vẫn còn đó, có mặt và đang làm cây đa cổ thụ cho đàn con cháu nương tựa. Sư Ông dạy, “Thầy trò mình bây giờ lên chánh điện lạy Bụt trước, rồi mới ăn cơm, phải lạy Bụt trước rồi mới được ăn cơm!” Khuôn mặt Sư Ông hiền từ, vừa nói vừa cười. Chúng tôi cảm động. Đúng là lời nhắc nhở của người Cha lành.

Những hạt giống đầu tiên

Từ chuyến hoằng pháp đầu tiên vào năm 2001 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai, hạt giống đã được gieo trồng nơi xứ này. Làng Mai Hong Kong được thành lập vào tháng Năm năm 2007, trong chuyến đi Hong Kong lần thứ ba của Sư Ông. Sau chuyến đi năm 2007, thầy Pháp Khâm cùng các thầy cô Làng Mai đang tu học tại Việt Nam và Thái Lan thường trở lại Hong Kong mỗi ba tháng một lần để tổ chức khóa tu và hướng dẫn thiền sinh tu học. Hai năm sau, vào tháng Hai năm 2009, một trung tâm thực tập chánh niệm đã được thiết lập tại khu phố du lịch và thương mại Tsim Sha Tsui, Kowloon. Quý thầy Pháp Khâm, Pháp Chung, Pháp Chứng và Pháp Dũng là chúng thường trú của trung tâm. Tuy lọt thỏm vào giữa phố xá đông người, nhưng quý thầy vẫn tu tập tinh chuyên. Hằng ngày quý thầy vẫn duy trì được thời khóa như các trung tâm Làng Mai khác: thiền tọa, thiền hành, thiền làm việc. Một vài thiền sinh đến ngồi thiền buổi sáng với quý thầy. Tuy nhiên, đa số là đến sinh hoạt vào sau giờ làm việc, để tham dự buổi thiền hành ngoài công viên với quý thầy vào buổi chiều và thiền tọa vào buổi tối. Họ thấy được tầm quan trọng của sự thực tập. Nó giúp họ giảm bớt được căng thẳng và đem lại nhiều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Có những bữa trời mưa không đi thiền hành ngoài trời được, quý thầy hướng dẫn thiền sinh đi thiền hành ở dưới đường xe điện ngầm (subway). Không biết quý vị có dịp ghé thăm Hong Kong bao giờ chưa, đặc biệt là khu Tsim Sha Tsui, Kowloon? Nơi đây là một biển người. Hong Kong là một vùng lãnh thổ nhỏ, đất hẹp người đông, và người dân phải sống trong những khu chung cư cao tầng nhỏ hẹp. Giữa phố xá nhộn nhịp đông người tấp nập như thế, lại có những bước chân thiền hành thanh thản, nhẹ nhàng. Đó là một điều rất lạ làm người đi qua lại trông thấy rất ngạc nhiên.

Chuyến hoằng pháp năm 2010 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai tại Hong Kong vừa qua đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho người dân Hong Kong. Một khóa tu do Sư Ông và Tăng thân Làng Mai hướng dẫn tại trung tâm Young Men Christian Association (YMCA) có hơn 1400 người tham dự. Cuối khoá tu có hơn 300 người xin thọ Tam Quy Ngũ Giới để hành trì. Trong số thiền sinh tham dự khóa tu và xin thọ nhận Năm Giới, có một thượng tọa đến từ Đại Lục. Thượng tọa cũng xin thọ nhận Năm Giới. Khi nhận được đơn thọ nhận Năm Giới của thượng tọa, ban tổ chức đã khước từ, bởi vì thượng tọa là người xuất sĩ và dĩ nhiên là thượng tọa đã thọ Năm Giới rồi. Nhưng Thượng Tọa nói, “Năm Giới Tân Tu của Làng Mai hay quá. Tôi xin được thọ lại, để mai này về trao truyền lại cho đệ tử của tôi.” Cũng có một buổi lễ cho 25 người trong tăng thân Hong Kong được thọ nhận giới Tiếp Hiện để tiếp tục con đường phụng sự. Không khí rất vui và đầm ấm.

Cũng trong chuyến hoằng pháp này, Sư Ông đã cho một buổi pháp thoại công cộng tại Hong Kong Convention Center, có hơn 8000 người tham dự. Có một thượng tọa người Hong Kong cho biết rằng, “Chỉ có thiền sư Nhất Hạnh mới có khả năng giảng dạy thu hút được một số người đông đảo như thế. Ở đây, mỗi tuần nếu chúng tôi có được 80 người đến nghe thuyết giảng là hạnh phúc lắm rồi.” Chuyến hoằng pháp của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai đã đánh động đến tới giới trí thức và doanh nhân rất nhiều, đặc biệt là báo chí Hong Kong. Có rất nhiều bài viết đã nói về Sư Ông và Tăng thân Làng Mai cũng như những buổi giảng dạy trong chuyến đi này.

Đặc biệt có một doanh nhân xin được tham vấn Thầy, ông có hỏi một câu như thế này: Nếu mai này Sư Ông tịch thì Sư Ông muốn đi về cõi nào? Sư Ông nhìn ông với đôi mắt từ bi rồi nhẹ nhàng mỉm cười trả lời: “Về đâu cũng được! Nếu sống cho sâu sắc và vững chãi trong phút giây hiện tại và có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây thì dù đi đâu cũng có hạnh phúc.” Ông vô cùng ngạc nhiên với câu trả lời này. Thông thường người ta nghĩ rằng: 1) Sư Ông muốn vào Niết Bàn, 2) Sư Ông muốn đi về cõi Tây Phương Cực Lạc, 3) Sư Ông muốn lên cõi trời Đâu Suất để giúp đức Di Lạc chuẩn bị giáng sinh và 4) Sư Ông muốn trở lại cõi Ta Bà tiếp tục làm việc độ sinh. Câu trả lời quá là thực tế và hoàn toàn khác hẳn với bốn điểm trên.

Chia sẻ cho một tương lai đạo Bụt ở Hong Kong

Sau khi tham vấn, ông có chia sẻ về tình trạng Phật giáo ở Hong Kong cũng như những khó khăn mà thế hệ đương thời đang đối diện. Người trẻ không còn muốn đến chùa nữa. Người xuất gia thì càng ngày càng ít. Ông cũng xin chia sẻ về những ước mơ của ông như làm thế nào để đề xướng Phật giáo ở Hong Kong mà có thể giúp đỡ được người dân cũng như xã hội được an lạc và hạnh phúc hơn? Ông biết rất rõ tiền tài, quyền lực và danh vọng không đem đến cho con người an lạc và hạnh phúc thật sự.

Sư Ông nói rằng: Chỉ có một cách là làm mới lại đạo Bụt ở đây. Một thứ đạo Bụt có thể đáp ứng được nhu cầu cho con người và xã hội thời đại. Phải có một pháp môn thực tập giúp đỡ được con người buông thư, bớt căng thẳng, làm lắng dịu được thân tâm, tháo gỡ được những khó khăn và khổ đau, đem đến sự hòa giải giữa ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô, cộng sự và bạn bè, và chế tác được an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể thành lập một môi trường lành mạnh mà người trẻ có thể cảm thấy thoải mái khi tham dự. Nếu không như thế, thì người trẻ sẽ không đến chùa nữa và đạo Bụt sẽ càng ngày càng suy đồi trầm trọng. Chuyện này đã xảy ra, đang xảy ra, không những cho đạo Bụt mà đạo Cơ Đốc cũng thế, không những ở Hong Kong mà ở các nước khác trên thế giới cũng thế và sẽ tiếp tục xảy ra nếu chúng ta không làm mới lại đạo Bụt của mình.

Sư Ông tiếp tục chia sẻ về đường lối và cách tu tập của các thầy cô thực tập theo pháp môn Làng Mai hiện nay ở các trung tâm như: Làng Mai (Pháp), Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan (Mỹ), Nhập Lưu (Út), Từ Hiếu (Việt Nam), Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (Đức). Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu là một cửa ngõ mới để đưa pháp môn thực tập của đạo Bụt vào cuộc đời một cách gần gũi và thực tiễn nhất với con người thời đại. Người đến thực tập không cần phải là Phật tử mà bất cứ ai cũng có thể đến tham dự và thừa hưởng được kho tàng tuệ giác của Bụt.

Không như những trường đại học Phật giáo trên thế giới, tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu có chúng thường trú hơn 50 quý thầy cô đang thực tập và giảng dạy. Họ sống, tu tập và giảng dạy ngay tại đó, có mặt 24 giờ một ngày. Học viện có những lớp học với những chủ đề khác nhau (ví dụ như: bí quyết sống chung an lạc, làm thế nào để điều phục được cơn giận và cảm xúc, độ người hấp hối, v.v.) những khóa tu ngắn hạn và dài hạn (xin đến với trang nhà www.eiab.eu để biết thêm chi tiết về những lớp học và khóa tu). Thiền sinh có thể chọn lớp học, ghi danh và về tu tập với chúng xuất sĩ thường trú tại đây. Những gì thiền sinh học được từ trong lớp học do các thầy cô hướng dẫn, thì họ có thể đem ra thực tập ngay sau khi giờ học và thời gian tạm trú tại đó. Nếu có gì thắc mắc về sự thực tập, thì có thể tham vấn với các thầy cô ngay. Thiền sinh sẽ cảm được năng lượng của sự tu học. Mỗi Chủ Nhật hằng tuần Học Viện có ngày quán niệm công cộng. Bất cứ ai cũng có thể đến tham dự. Quý thầy cô thường trú là nền tảng của Học Viện. Với một số lượng xuất sĩ thường trú đông đảo như thế giúp tạo được năng lượng hùng hậu và đưa phẩm chất tu học lên rất cao.

Sư Ông nói chúng ta cũng có thể thành lập một Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á tại Hong Kong. Hong Kong là một trong những bốn con rồng vàng của Châu Á, một đất nước tự do – tự do nhân quyền, tự do tôn giáo. Nếu Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á được thành lập tại đây, thì không những giúp được cho người trẻ và đất nước Hong Kong mà còn giúp được cho biết bao nhiêu người trẻ ở trong vùng Đông Nam Á.

Nghe tới đây vị doanh nhân rất hào hứng. Ông nói ông có một ngôi chùa khá rộng ở vùng đảo Lantau, cách trung tâm Hong Kong khoảng 1:30 giờ bằng xe ô-tô. Nếu Sư Ông hoan hỷ, ông xin để cho Tăng thân Làng Mai làm cơ sở tu học. Trong buổi họp mặt này cũng có một số thầy cô lớn, đệ tử của Sư Ông. Quý thầy cô Làng Mai trao đổi một vài ý kiến với ông. Ông hẹn ngày mai sẽ đem xe đến đưa Sư Ông và quý thầy cô Làng Mai đi xem chùa. Sư Ông và quý thầy cô Làng Mai hoan hỷ nhận lời.

Về nhà mới

Các sư cô đã dọn vào ngôi chùa mới tên là Liên Trì, gần được một tháng trước khi chúng tôi đến. Chùa khá khang trang và rộng rãi, xây cất theo kiểu truyền thống Trung Quốc. Chùa có ba tầng: tầng trên là chánh điện, chứa được khoảng 150 người, tầng giữa là nơi dành cho các sư cô tá túc và tầng dưới được chia ra thành hai, phần trước là tổ đường và phần sau là trai đường. Phía bên tay trái của chùa là cốc của Sư Ông và kế bên có con đường dẫn đến chùa Trúc Lâm. Đó là chùa của quý thầy. Chùa Trúc Lâm tuy không đồ sộ như chùa Liên Trì, nhưng rất thoải mái và ấm cúng cho các thầy sinh hoạt.

sautunggioHK.jpg

Chuyến đi năm nay Thầy trò ghé qua Hong Kong là chuyện không sắp xếp trước. Trong lịch trình hoằng pháp Đông Nam Á năm nay chỉ gồm có ba nước: Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản. Nhưng vì nhân duyên chưa đầy đủ nên chuyến hoằng pháp ở Nhật Bản cuối cùng phải hủy bỏ. Nhờ thế Thầy trò chúng tôi được có cơ hội đi sang Hong Kong thăm tu viện mới. Sư Ông nói, “Chắc có lẽ chư tổ đã sắp đặt sẵn để cho Thầy trò mình có hai tuần nghỉ ngơi.”

doithadieuHK.jpg

Trong mấy ngày ở đây, Sư Ông có dẫn chúng tôi đi thăm một số chùa trên hòn đảo Lantau. Phần nhiều chùa nào chúng tôi đến không có người ở. Nếu có, thì chỉ có một hoặc hai, ba người mà thôi. Thật chạnh lòng khi nhìn thấy chùa chiền, am cốc bị bỏ hoang, không có người tu học. Theo quý thầy địa phương cho biết, hiện nay ở Hong Kong, tính hết tất cả các chùa chỉ có khoảng hơn 200 người xuất sĩ. Có một sư cô chia sẻ là có lần sư cô đi vòng vòng tham quan các chùa lân cận. Sư cô thấy xa xa có một ngôi chùa khá to trên núi – xây cất thật đẹp. Sư cô trong lòng hớn hở tính lên đó thăm chùa và tìm người đàm đạo. Khi sư cô lên đến chùa thì tất cả cửa ngõ xung quanh đều được khóa lại. Sư cô đi tới cổng chánh rồi bấm chuông. Chuông reo một hồi thì có một người đàn ông bước ra mở cửa. Ông ta nói, “What do you want? (Sư cô muốn gì?)” Câu nói ấy đã làm cho sư cô vỡ mộng. Chùa nhưng không có người tu, chỉ có người quản lý và chăm sóc chùa.

Sư Ông khai sinh Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á

Ngày 28 tháng 4, 2011 Sư Ông cho buổi pháp thoại đầu tiên tại chùa Liên Trì. Sư Ông thông báo cho mọi người biết chùa Liên Trì là nền tảng của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á, Asian Institute of Applied Buddhism (AIAB). Mục đích của Viện là để tổ chức những khóa tu cho người trẻ ở Hong Kong và các nước trong vùng Đông Nam Á, cho gia đình, cho các tác viên phụng sự xã hội, cho những viên chức, cho các thầy cô giáo trong ngành giáo dục, cho những doanh nhân, cho những nhà tâm lý trị liệu, v.v… đến tu học. Viện  cũng là nơi đào tạo giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ cho Hong Kong và những nước lân cận trong vùng. Hơn nữa, Viện sẽ tiến hành mở các khóa học và thực tập cho học trình thạc sĩ Phật học Ứng Dụng – Master of Applied Buddhism (MAB) trong chương trình Hợp tác Giáo dục giữa viện đại học Hoàng gia Thái Lan Mahachulalongkornrajavidyalaya và Làng Mai. Đây là học trình hai năm. Thiền sinh phải ở thường trú tại học viện trong suốt thời gian tu học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.

Ngoài ra, cứ mỗi Chủ Nhật hằng tuần học viện đều có ngày quán niệm mở cửa cho tất cả mọi người. Thời khóa của ngày quán niệm vào Chủ Nhật hằng tuần như sau:

09:30 Thiền hành

10:30 Pháp thoại

12:30 Ăn trưa trong chánh niệm

14:00 Thiền buông thư

15:00 Pháp đàm

17:00 Chia tay

Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á sẽ có tối thiểu 30 thầy cô làm xuất sĩ thường trú. Chúng ta cần con số tối thiểu như thế mới đủ để yểm trợ và hướng dẫn việc tu học tại đây. Sư Ông tin tưởng rằng trong thời gian Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á hoạt động tại đây, người trẻ địa phương cũng như người trẻ ở các nước lân cận sẽ đến xin xuất gia tu học. Con số xuất sĩ thường trú sẽ dần dần tăng lên đến số ấn định là 125 vị và trong số 125 vị xuất gia này, Sư Ông mong muốn rằng 1/3 sẽ là người địa phương Hong Kong. Đại chúng hào hứng nở hoa (vỗ tay) tứ phía.

Ngày quán niệm Chủ Nhật đầu tiên được tổ chức tại chùa Liên Trì gồm có hơn 200 người. Phần nhiều là những thành viên được mời của Tăng thân Hong Kong. Ngày quán niệm có một buổi lễ cúng dường Tăng thân Làng Mai để thông báo sự thành lập Viện Phật học Ứng Dụng Châu Á, được tổ chức đơn giản theo phương pháp của vua Bimbisara đã làm trước đây. Theo tục lệ ở Ấn Độ ngày xưa, nếu ai muốn cúng dường một vật gì thì phải dâng lên tận tay của người nhận. Còn nếu như vật cúng dường to lớn quá hoặc một vật gì đó không thể sờ mó hoặc thấy được thì người ta đổ nước lên bàn tay của người nhận cúng dường. Khi cúng dường tu viện Trúc Lâm cho Bụt, vua Bimbisara đem một bình nước trong đến quỳ bên cạnh Bụt, sau khi tỏ bày tấm lòng kính ngưỡng và ước muốn được cúng dường tu viện Trúc Lâm lên cho Bụt, nhà vua đổ nước lên bàn tay của Bụt. Trong buổi lễ cúng dường tại chùa Liên Trì, vị doanh nhân cũng làm như thế. Ông thỉnh cầu cúng dường và chế nước lên bàn tay của Sư Ông. Buổi lễ là phương tiện hình thức chấp nhận sự cúng dường chùa Liên Trì làm cơ sở tu học của Làng Mai tại Hong Kong và đánh dấu việc thành lập Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á.

 

tangthuphapHK.jpg

Sau buổi lễ cúng dường, thiền sinh cư sĩ tưng bừng vui mừng. Một cô thiền sinh cư sĩ cho biết cô rất thích và mong muốn được đến đây sinh hoạt với quý thầy cô hằng tuần. Vì muốn được về chùa sinh hoạt ngày Chủ Nhật hằng tuần nên cô phải bỏ việc đang làm để kiếm việc khác, với giờ giấc làm việc thích hợp hơn. Cô cho biết là đã tìm ra được việc làm mới, và ông chủ mới cũng cho cô nghỉ việc cuối tuần để lên đây tu học.

Ngày quán niệm Chủ Nhật lần thứ hai tại chùa Liên Trì có hơn 350 thiền sinh tham dự (tăng thêm 150 người so với tuần trước). Ngày quán niệm được bắt đầu bằng buổi thiền hành vào 9:30 giờ sáng do Sư Ông hướng dẫn. Ngày hôm nay, quý thầy cô cũng tổ chức một buổi lễ Phật Đản sau buổi pháp thoại của Sư Ông. Các em thiếu nhi đã giúp các thầy cô trang trí tượng Bụt sơ sinh ở ngoài khu vườn trước sân chùa để chuẩn bị cho buổi lễ tắm Bụt. Trong buổi lễ này, các em là những người được ưu tiên tắm Bụt trước hơn tất cả những người khác. Các em vô cùng hạnh phúc! Có em đã được tắm Bụt rồi vậy mà còn trở lại sắp hàng để được tắm Bụt thêm lần nữa. Buổi Lễ tuy đơn giản về hình thức nhưng rất sâu sắc về nội dung, làm cho người tham dự cảm thấy thoải mái và được nuôi dưỡng.

dithienhanhHK.jpg

Sau lễ Phật Đản, đại chúng được dùng cơm trưa trong chánh niệm với Sư Ông. Tất cả mọi người được ngồi theo kiểu vòng tròn được sắp xếp sẵn trong khu vườn mát rượi trước sân chùa. Trong đó có Cha Thomas Kwong. Cha Thomas Kwong là người Hong Kong thuộc Cơ Đốc Giáo. Cha đã từng về Làng tu tập và thọ nhận Năm Giới. Hình ảnh Thầy trò ngồi ăn cơm trong im lặng dưới những gốc cây trong khu vườn, làm cho người ta nhớ đến lúc Bụt còn tại thế cùng với Tăng đoàn nguyên thủy của Ngài. Có một anh thiền sinh cho biết: “Ngồi ăn cơm trong im lặng với Sư Ông và Tăng thân như thế, quả thật như là được ngồi ăn cơm với Bụt.”

Còn một cô thiền sinh khác người Hong Kong gốc Việt hớn hở nói, “Bây giờ mình có chùa ở đây, chúng con như có nhà ngoại để trở về.”

Ngày hội gia đình xuất sĩ

Giữ Gìn Ngọn Lửa

 

Về bên nhau

Mỗi năm thường có khóa tu xuất sĩ Làng Mai. Đó là một ngày hội cho chúng con được quây quần bên Thầy, bên quý sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị và sư em để cùng nghe lời người cha già chỉ dạy hết lòng về những điều thiết yếu trong gia đình xuất sĩ. Lời Thầy gần gũi và rộng lượng khi cả bốn xóm hội về EIAB cùng sống và sinh hoạt chung với Thầy. Mỗi sớm nhìn Thầy dạo chơi trong bước thiền hành, mỉm cười nhìn đàn con trẻ chơi thể thao. Đây nhóm cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, đá cầu, bóng bàn, quần vợt, đi bộ, khí công, tài chí… Một Học viện nội trú sống động trong nắng mai  hòa trong tiếng chim đầu ngày thật dễ thương.

 

Qua hai khóa tu, Thầy vẫn nuôi chúng con bằng thời khóa công phu ngồi thiền đều đặn mỗi sáng. Sau thời ngồi thiền, chúng con tập tụng kinh bài Tán Dương Bụt bằng tiếng Anh, Thầy vẫn ở cạnh khuyến kích, động viên. Lúc đầu, đại chúng còn buồn ngủ nhưng những ngày sau thì lời nhạc nhẹ nhàng cùng sự hết lòng hướng dẫn của thầy Pháp Linh đã dần thức tỉnh hình ảnh Bụt hiển hiện buổi ban mai tinh khôi thật đẹp trong lòng chúng con. Để rồi mỗi sáng, Thầy lại tạo thêm cảm hứng cho chúng con bằng cách Thầy đến pháp đường sớm để ngồi chơi và tập chúng con bài Tán Dương Bụt bằng tiếng Việt. Giọng Thầy ấm áp, truyền cảm và truyền cho chúng con một niềm tin mỗi khi chúng con xướng theo Thầy. Một sư em con nói: “những giây phút đó là vĩnh cửu…”

 

Tình Thầy

Thầy chia sẻ Pháp thoại mỗi ngày… và những bước chân bình an mỗi khi Thầy xuất hiện như một tiếng chuông giúp chúng con dừng lại trong cái tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Bài giảng về mối liên hệ giữa thầy và trò, gia đình và nhà trường  trong hai khóa tu vừa qua trở nên sống động khi chúng con chứng thực được tình thương của Thầy và cảm nhận được sự chăm nom của quý sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị sư em dưới một gia đình tâm linh.

 

Lúc nào Thầy cũng tạo cơ hội cho chúng con ngồi lại bên nhau, nói cho chúng con nghe những điều Thầy đang làm, Thầy sẵn sàng cho chúng con tuệ giác mà Thầy mới vừa có được.  Những gợi ý về nhận diện điều kiện hạnh phúc luôn được Thầy nhắc nhở khi Thầy trò ngồi quây quần bên hành lang Học viện, Thầy nói: “ngồi đây giống như ngồi trên một chiếc máy bay thiệt!”, nhìn nụ cười, ánh mắt của Thầy ngời lên niềm hạnh phúc. Cái niềm hạnh phúc đơn sơ đó cho chúng con ý thức  về giây phút mà Thầy ngồi ghế hạng nhất trong chuyến bay vừa rồi…

 

Gia đình xuất sĩ

Khóa tu gia đình cho chúng con cơ hội mở lòng chia sẻ những băng khoăng, thao thức trên bước đường thực tập, cơ hội kể cho nhau nghe những chướng ngại vật trên bước đường hành trình cùng tăng thân và cả những tình huống khó khăn mà sư em đang rất cần sự yểm trợ của tăng thân trong vấn đề học hỏi nội điển, ngoại ngữ, chăm sóc sức khỏe, chơi với nhau như thế nào… để giúp nhau cùng đi trên con đường tu học. Buổi vấn đáp với quý sư anh, sư chị lớn thật sự là một cơ hội quý báu. Làm sao mà không vui cho được khi nghe sư anh, sư chị chia sẻ những kinh nghiệm thật trong chúng, những áp lực mà mình đã đi qua từ việc sống trong một tăng thân lớn đa phần là người Việt, những mặc cảm về ngôn ngữ, văn hóa, đến việc hòa nhập vào dòng chảy của tăng thân trong những sinh hoạt hằng ngày, như khi họp, khi học, khi làm, khi chơi .v.v..

 

Khóa tu xuất sĩ là khóa tu gia đình thật thụ. Bởi vì sau hai khóa tu lớn, có nhiều việc phải làm nhưng không vì thế mà nhà mình không vui. Làm thì làm thôi, vào giờ chấp tác mỗi ngày của khóa tu xuất sĩ, chúng con đã chung tay thu xếp lều, dọn dẹp ghế, để trả lại quang cảnh và không gian thoáng đãng cho Học viện. Đặc biệt gia đình luân phiên năm nay tự chọn theo miền. Ngày mở đầu khóa tu là ngày nhóm miền Trung khai trương cúng dường đại chúng món bún hến và bánh bột lọc trần. Giây phút cả nhóm gần ba chục thành viên xúm xít bên dãy bàn làm bột, bắt bánh gợi nhớ những ngày về Tổ Đình kị Tổ. Ngày mai, nhóm miền Nam ra tay với món bánh cuốn, cơm tấm và canh chua, mùi vị canh chua như đưa miền Nam về EIAB trong thoáng chốc. Rồi lại ra Bắc với những lát đậu hủ chiên thơm ngon. Tiếp theo là nhóm anh chị em Tây phương với món barbecue và nhiều khay bánh ngọt cho buổi chiều của ngày hội gia đình xuất sĩ. Và ngày cuối quý sư cha, sư mẹ cũng vào bếp với những món lâu rồi không thấy… Vui từ nhà bếp vui ra mái hiên, bởi gia đình rửa dọn có bốn đội cũng tự phát theo cây, đã có hai đội tình nguyện lưu trú lại sau hai khóa tu và thêm Hướng Dương, Hồng Dòn nữa vị chi là đủ số. Cắt gọt đã có gia đình Trầm Hương rồi. Thật vui khi gia đình chuẩn bị thức ăn sáng có hai nhóm luân phiên, gia đình Bình Thuận và một gia đình nữa cũng tình nguyện ở lại sau hai khóa tu làm việc có hạnh phúc.

 

Ngày hội xây dựng tình huynh đệ.

Ngày hội xây dựng tình huynh đệ. Lâu rồi không gặp, chuyến về EIAB lần này như thấy Bát Nhã sống lại trên một vùng đất mới. Cũng gương mặt đó, tà áo đó dưới sự dìu dắt của Thầy và quý sư cha, sư mẹ đã từng sống với chúng con tại Bát Nhã. Một niềm vui bất ngờ đến trong nụ cười, ánh mắt hồn nhiên lẳng lặng trao cho nhau hòa lên lời nói vô ngôn: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang có mặt đây!”

Nhóm Angulimala
“Ta đã đứng lại từ lâu rồi…”

Nhóm Vô Tranh
“chơi không cần tranh thắng bại”

Nhóm Tick
“bị Tick cắn thì vẫn nhớ giữ chánh niệm nha!”

Nhóm Thích vui
“Thích vui thôi!”

Nhóm Mèo Ngao
“Ngao….ao…oo có mặt đây!”

và nhóm Hướng Dương
“…cùng góp sức xây dựng tình huynh đệ…”

 

Chiều nay vào lúc 3h30, gia đình Hướng Dương đã có mặt trên đồi táo với những chứng ngại vật được bài binh bố trận cho 10 gia đình pháp đàm họp lại thành 5 nhóm. Đầu tiên là mục hóa trang và đặt tên cho mỗi nhóm. 4h chiều, các nhóm trình diện, khi nhóm Angulimala xuất hiện, chắc sẽ nhắc bạn nhớ cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Angulimala và Bụt, Angulimala đã đuổi theo Bụt hoài mà không bắt kịp nên vừa chạy vừa hét lớn trong giận dữ: “Đứng lại!” Bụt vẫn bước thanh thản, rồi dừng lại và đáp:  “Ta đã đứng lại từ lâu rồi…”  Nhóm Vô Tranh thì biểu hiện trong lời nhắc nhủ của sư cô Chân Không “chơi không cần tranh thắng bại”, với biểu tượng trăng sao trên gương mặt tươi vui của quý thầy quý sư cô. Nhóm Tick có mặt, bởi đồi táo của Học viện là nơi Tick ở, nó nhỏ tí tẹo và hay sống dưới da… nhưng chơi mà bị Tick cắn thì vẫn nhớ giữ chánh niệm nha! Chiều nay nhóm Thích Vui đến sớm nhất với trang phục rất chi là trẻ, bởi vì muốn tham gia hội chơi sớm ..  Và  cuối cùng là nhóm Mèo Ngao cũng đã đến dự cuộc họp mặt khóa tu xuất sĩ Tân Mão, năm 2011.

Sẵn sàng

giữ gìn từng giọt nước

thiền chạy dẫn banh

khi cúi xuống ta biết là ta đang cúi xuống!

đất đưa ta ra đời… rồi đất ôm ấp ta!

qua cầu chánh niệm

Bằng chánh niệm các nhóm cùng nhau chuyền nước vào chai, dẫn banh qua rào, nhảy và luồng dây, dẫm sình rồi qua cầu, đập bóng, đi xe lăn, vẽ tranh đồng đội, đi trên 3 viên gạch, đi xe đạp cắm cờ và nấu cơm (bát cơm tình huynh đệ – cử 2 thành viên nấu cơm chánh niệm, một bịt mắt, một trói tay và các thành viên còn lại gắp củi bằng cách cò một chân).

Điều gì sẽ xảy ra nhỉ ?

sư cha ơi  cố lên!

mỗi người góp một nét vẽ

dấu ấn của sư cha

Hành và Giải song song

đã tới

bát cơm huynh đệ

sư chị ơi, cơm chín chưa?

thầy Viện trưởng trao giải

 

Giải thưởng qua ba lần tổng hợp: Vẽ tranh hoàn chỉnh có thuyết trình ý nghĩa của tranh với số cờ cả đội cắm được và cơm chín trong thời gian cho phép. Niềm vui khi các sư cha, sư mẹ cũng cùng chơi chung. Nhìn cách chơi của các sư em và sự có mặt của các sư anh, sư chị lớn mà thấy ấm lòng… Tổng kết trao giải hôm đó mỗi nhóm đều có thưởng, đặc biệt có một tấm thiệp chúc mừng đính kèm theo một việc như: có nhóm phụ dọn dẹp bếp, rửa nồi, chùi những nồi vừa rồi thi nấu cơm bằng củi, dọn dẹp hiện trường sau khi chơi… Mọi người ngạc nhiên vì phát kiến của phần thưởng mới lạ…

Nhưng cuộc chơi đã đến hồi kết thúc, chúng con lại quây vòng tròn trong bài ca:

“Đây tay anh tay em nối liền

Đây tay chị tay anh tay em

Tay chúng mình nối lớn

Mình mở rộng vòng tay

Cho yêu thương khắp trên địa cầu

Ở trong một vòng tay

Ở trong một vòng tay.”

Bây giờ Thầy trò chúng con cùng ăn chiều và dạo quanh các nhóm, mua quà của nhau như trò chơi bán hàng thuở ấu thời, chỉ là một ly cooktai một mẩu bánh tráng, một chén trà… đã cho chúng con một vé về với tuổi thơ. Tạm biệt những giây phút là thế và hẹn khóa tu xuất sĩ năm tới.

 

 

Khóa tu chung tay cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến EIAB năm 2011
Chương trình hoằng pháp của Sư Ông Làng Mai tại viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu năm 2011
Thời gian: 16.05.2011 đến 29.05.2011

khoatutiengduc.JPG

 

16.05.2011 – 20.05.2011

Tham dự Khóa tu Gia đình, nhà trường, sở làm và xã hội chung tay cho một thế giới tốt đẹp hơn.davedatoi.JPG

Để sống an lạc, hòa bình trong một xã hội hiện đại, chúng ta cần phải học hỏi cách sử dụng khoa học kỹ thuật một cách có ý nghĩa để không bị chúng chi phối. Đây  là yếu tố rất quan trọng để xây dựng  kết cấu nền tảng gia đình thành nơi mà con cái và cha mẹ có thể cảm được không khí gia đình thật sự. Và chúng ta cần một môi trường thuận lợi, nuôi dưỡng, đặc biệt là ở trường học và nơi làm việc. Chúng ta phải học cách nghĩ và hành động như một tập thể. Để làm được điều này, chúng ta cần có chiều hướng tâm linh trong đời sống – một đời sống tinh thần không mang tính giáo điều hay kỳ thị phân biệt.

Trong khóa tu này, chúng ta sẽ được học nghệ thuật truyền thông có chánh niệm và nghệ thuật hòa giải. Chúng ta sẽ được hướng dẫn thực tập phương pháp lắng nghe sâu và ái ngữ. Đó là những công cụ rất quan trọng giúp chữa trị những vết thương trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc, cộng đồng và xã hội.

Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính được sử dụng cho khóa tu, và sẽ được dịch sang tiếng Đức hoặc tiếng Việt.

 

16.05.2011. Ngày bạn đến trường

becungmedentruong.JPG

 

Hôm nay các bạn thiền sinh ghi danh tham dự khóa tu 5 ngày tại EIAB đã về đã tới. Trời trở lạnh và có mưa nhưng các bạn vẫn không bỏ lỡ cuộc hẹn, các bạn rảo bước về hai hàng lều dành cho việc hướng dẫn ghi danh, chỗ nghỉ,… công việc này được một nhóm staff người Đức hỗ trợ nên việc trao đổi ngôn ngữ khá thuận lợi. Sự đồng hành của các bạn staff thật hết lòng khi các bạn đã đến trước một ngày hoặc vài ngày trước khi khóa tu bắt đầu để giúp quý thầy, quý sư cô một tay. Nhóm Tri Khách cùng một số bạn tự nguyện tham dự việc tổ chức hướng dẫn các bạn mới  về phòng hoặc lều theo từng khu vực nam nữ riêng biệt. Là một khóa tu học đường nên không khí khá yên và đặc biệt còn có những bé con cũng cùng theo bố mẹ đến trường.

 

 

 

Hướng Dẫn Tổng Quát

ngoithien.JPG

Bài thiền hướng dẫn “Dừng Lại” đã có công năng giúp các bạn buông thư khi nghe chuông, thực tập dừng lại những suy nghĩ trong từng bước chân, hơi thở, lời nói, hành động, bạn có thể an trú với năng lượng an lạc tập thể đang có để chế tác sự bình lặng và làm phát sinh một loại năng lượng duy trì sự định tâm. Lời chia sẻ mộc mạc của Thầy: Nếu bạn có mười phút để thực tập thiền hành, để thở là bạn đã có mười phút tự do… Đây là một cơ hội giúp các bạn thực tập chế tác năng lượng an lạc dự trữ cho mình và có khả năng xử lý khổ đau, chế tác hạnh phúc, từ đó bạn dễ dàng kết nối với mọi người xung quanh. Khi lòng từ bi trong trái tim được tạo tác thì khổ đau của bạn sẽ giảm… Nếu bạn biết hạnh phúc là một loại năng lượng thì khổ đau cũng là một loại năng lượng, và bạn nhìn sâu để biết nó từ đâu đến? Làng Mai là một phòng thí nghiệm, EIAB, Thái, và các trung tâm khác cũng vậy. Làm sao để Đạo đức ứng dụng (Apply Ethis) trong học đường trở thành một môn học hấp dẫn, và giáo viên, học sinh là một tăng thân thực hành.

Buổi Hướng Dẫn Tổng Quát tối hôm đó mở đầu bằng bài tụng Quán Thế Âm đã gây một chấn động lớn khi quả địa cầu hiện diện chứng minh cho giọt nước cam lồ đang từ từ thấm vào lòng người…

 

17.05.2011. Đi chơi trong bản môn

dichoitrongban...JPG“Đi chơi trong bản môn

Tay ta nắm tay người

Ngàn xưa và ngàn sau

Cùng về chung một lối.”

Bài kệ thong dong và nụ cười điềm nhiên của Thầy hiến tặng các bạn niềm tin: có một nơi thật đẹp, đó là những gì đang hiện diện xung quanh bạn. Thầy còn chỉ cho các bạn con đường thoát khổ bằng bài giảng về Tứ Đế, về sự thực tập nhìn sâu vào khổ đau thì bạn sẽ nhận được nhiều thông tin hướng dẫn bạn đến với con đường thoát khổ…

 

 

19.05.2011. Câu hỏi và trả lời

  • vandap2.JPG Làm sao để con có thể tạo nên một cộng đồng Tỉnh Thức?
  • Làm sao để thiết lập được mối quan hệ vui vẻ với người không thích mình?
  • Thấy ai làm điều gì không bằng lòng thì con phản ứng ngầm, nói thầm những điều không nên nói. Vậy làm sao để con có thể thay đổi tập khí đó?

… còn nhiều câu hỏi khác khá hấp dẫn khi bạn được ngồi nghe và học hỏi trực tiếp.

 

 

 

20.05.2011. Trình bày tương tức trong Bát Chánh Đạo

Sáng nay có Lễ Truyền Năm Giới cho hơn 40 thiền sinh, đa phần là người Đức. Sự thực tập, rèn luyện Năm Giới đang dần trở nên cần thiết trong đời sống hằng ngày.

Sau hôm câu hỏi trả lời, Thầy như hiểu thêm bạn trẻ và các bạn khác. Sáng nay bài pháp thoại của Thầy thật sống động từ cử chỉ, lời nói và cách diễn bày. Thầy dùng những vật đang có mặt trong giảng đường để làm ví dụ, từ một tách trà, một bông hoa, một bà mẹ và một em bé đang ngồi đó. Thầy còn nhắn: mình có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của mình từ những vật quen thuộc như cái máy tính, cây viết, tờ giấy… để mỗi lời nói, hành động của mình trong đời sống hằng ngày sẽ cùng mình đi về tương lai. Nếu bạn có thể làm với thân tâm nhất như thì bạn có thể tiếp xúc được với hành động chân chánh, và hành động đó thoát khỏi sự kỳ thị và bạo động.

empty.JPGmaytras1.JPGhoavakhonghoa3.JPG traiphai3.JPG

Kết thúc bài pháp thoại Thầy mời quý thầy quý sư cô và các bạn staff lên hát bài Không Đến Không Đi. Thầy đứng giữa các bạn thiền sinh và cũng cùng hát. Chiếc lều như cất cánh bay vào hành tinh xanh. Tạm biệt các bạn để ngày 24.05.2011 EIAB lại có khóa tu cho các bạn Hòa Lan.

Khóa tu Cùng nhau tạo dựng một tương lai

Thích sư Thích Nhất Hạnh đến EIAB năm 2011
Chương trình hoằng pháp của Sư ông Làng Mai tại viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu năm 2011
Thời gian: 16.05.2011 đến 29.05.2011

lamlangdieucamtho.JPG

24.05 – 29.05.2011

Tham dự Khóa tu Cùng nhau tạo dựng một tương lai.

Chúng ta có thể sống trong giây phút hiện tại, nhưng đồng thời cũng tạo dựng một tương lai hay không? Câu trả lời rất rõ ràng: Giây phút hiện tại chính giây phút tốt nhất để xây dựng tương lai. Nếu chúng ta biết sống thương yêu và có ý thức ngay bây giờ, chúng ta sẽ làm lớn mạnh thêm khả năng thương yêu và chánh niệm của chúng ta trong tương lai. Tương lai được làm từ chất liệu của giây phút hiện tại.

Chúng ta không những thực tập chánh niệm, ái ngữ và hành động yêu thương cho chính bản thân chúng ta mà còn mang chúng vào trong đời sống. Những thực tập cụ thể của chính chúng ta trong gia đình, nơi trường học, nơi làm việc và xã hội sẽ giúp tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính được dụng trong khóa tu này, và sẽ được dịch ra tiếng Hòa Lan.

 

chaocacban.JPGcopy_of_davedatoi.JPG

24.05.2011 Chào các bạn

 

thaypxa.JPG

Buổi Hướng Dẫn Tổng Quát hôm nay, sau khi Thầy chia sẻ vài lời, hướng dẫn các bạn lắng lòng trong tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm và cảm nhận Bây giờ ở đây, Thầy nhường lời cho Thầy Pháp Xả, người Hòa Lan chia sẻ bằng ngôn ngữ bản xứ.

Tăng thân Hòa Lan về dự khóa tu như về nhà, về một nơi thân thương. Các bạn mang theo rất nhiều hoa cúng dường và trang trí khắp Học viện, đặt biệt là nhiều gia đình pháp đàm còn thiết một bàn thờ nhỏ hay một bình hoa. Những di ảnh của thành viên tăng thân cũng được các bạn xin đặt cạnh bục giảng rất thành kính.

Bên cạnh đó, một quầy sách của Thầy bằng tiếng Hòa Lan đã có mặt trong tòa nhà Học viện rất trang nhã và kịp thời cung cấp tài liệu tu học cho các bạn cùng những vấn đề các bạn muốn tham khảo thêm.

 

 

25.05.2011. Không bùn không sen

baygiooday.JPGBài Pháp thoại đầu tiên cho khóa tu Hòa Lan, Thầy tóm gọn những vấn đề trọng yếu của khóa tu trước, đi sâu vào thực tập Bát Chánh Đạo trong đời sống hằng ngày và gợi ý làm quen với các bạn mới đến bằng cách làm lắng dịu cảm thọ, giúp các bạn an trú với Bây giờ, Ở đây. Thầy như đồng hành với những khó khăn mà các bạn đang gặp phải rồi từ từ hé mở niềm tin bằng cách giới thiệu một cái nhìn mới: khi bạn biết cách nhìn sâu vào khổ đau để hiểu về những khó khăn và gốc rễ của nó thì bạn sẽ nhận ra khổ đau và hạnh phúc luôn đi với nhau. Khổ đau là một cơ hội cho ta học cách nhận diện hạnh phúc… Đừng nói với trẻ nhỏ có một nơi… không có khổ đau. Mọi người khá quen thuộc với đề tài này, nhưng nếu bạn ngồi yên, buông thư, và theo dõi hơi thở. Bạn sẽ có một cơ hội.

Thầy như đã cảm được sự lắng dịu, sự sẵn sàng thì lời chia sẻ của Thầy càng sâu và linh hoạt. Cũng vậy, sáng nay Thầy giới thiệu Kinh Quán Niệm Hơi Thở bằng bốn bài tập 5,6,7,8.

– Cảm thấy mừng vui.

– Cảm thấy an lạc.

– Ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta.

– Làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh.

 

copy_of__DSC0200.JPGLời chia sẻ của Thầy với những từ khóa “key word” giúp người nghe tiếp nhận một năng lượng mới mẻ từ Thầy. Bằng kỹ năng thực hành, bạn có thể từng bước tiếp cận với khổ đau của chính mình. Đây là lúc để Thầy trao cho bạn chìa khóa Tứ Đế và 4 hơi thở căn bản: 1,2,3,4

– Ý thức hơi thở.

– Theo dõi hơi thở.

– Ý thức toàn thân.

– An tịnh toàn thân.

Lời Thầy trở nên kiên định: Đừng chạy trốn khổ đau nữa, đừng vứt bỏ khổ đau, đừng chạy về tương lai, đừng chạy về quá khứ. Hãy an trú ngay bây giờ và học những tập khí mới bằng cách đi thiền hành, thưởng thức từng bước chân, từng tia nắng… thì bạn sẽ làm ra hạnh phúc liền.

Sau những buổi chia sẻ pháp, Thầy dẫn đại chúng đi thiền hành, bước chân bình an của Thầy và của các bạn như bắt nhịp cầu niềm tin cho nhau. Chỉ cần đi bên nhau như thế cuộc sống của bạn đã bắt đầu thay đổi…

 

26 – 27.05.2011. Mừng ngày tiếp nối

bieuhien2.JPG

Làm sao để bạn có khả năng nhận diện, xử lý những cảm xúc mạnh và ôm ấp nỗi khổ niềm đau trong bạn. Thầy giới thiệu tám chi phần của Bát Chánh Đạo từ cái nhìn chánh kiến khơi mở tuệ giác tương tức và giúp làm sáng tỏ cách nhìn nhận về: sinh – tử, có – không, còn – mất.. qua những ví dụ rất gần gũi: giây phút mà đứa con ra đời thì đồng thời giây phút ấy có người cha, hay que diêm, hộp diêm và hành động đánh diêm vào hộp quẹt là ngọn lửa biểu hiện… Cho nên Happy Birth Day nên gọi là Happy Continuation.

Ngoài ra chúng ta có trách nhiệm nhìn sâu vào khổ đau nhưng nên không than phiền, chỉ trích… Bởi vì khi bạn nói bằng sự chỉ trích thì người khác không có khả năng lắng nghe bạn. Cách lắng nghe với lòng từ bi sẽ giúp người nói giảm bớt khổ đau. Khả năng hiểu sẽ giúp người nói cảm nhận được sự cảm thông của người nghe và lời nói, ánh mắt cảm thông đó có thể làm giảm khổ liền… Thực tập chánh nghiệp bằng cách nói, nghĩ và làm với chất liệu của hiểu biết và thương yêu, điều đó sẽ nuôi dưỡng, trị liệu và là cách chuẩn bị cho một tương lai.

 

28.05.2011 Câu hỏi và trả lời

embehoi.JPG


 

– Mở đầu buổi vấn đáp là câu hỏi của một em bé: “Thưa Sư Ông, Thích Nhất Hạnh có nghĩa là gì?” Thầy đã cười và khen đây là một câu hỏi hấp dẫn… Và Thầy nói, Thầy chỉ làm một việc: sống bình an và giúp người khác có bình an.

– Một bạn trẻ khác đang xúc động, đã khóc và hỏi: “…Làm thế nào để con có thể giúp người trẻ giảm bớt khổ đau?” Thầy gợi ý một số cách như chuyển hóa không khí học đường, gia đình… xây dựng tình huynh đệ trong trường, lớp và ở nhà…

Còn nhiều câu hỏi khác liên quan đến bài giảng, về thực tập pháp môn như ngày làm biếng và những khó khăn khác cũng đã được Thầy chỉ dẫn tại chỗ. Buổi vấn đáp thật vui và cảm hứng với những đề tài nóng bỏng thường gặp. Để mỗi lần đi sang một câu hỏi là cả Thầy, người hỏi, và người nghe đều được thưởng thức một tiếng chuông.

 

29.05.2011

Lễ truyền Năm Giới

6h30 sáng nay, các bạn thiền sinh về thiền đường đông đủ để tham dự Lễ truyền Năm Giới, Sau đó lúc 9h sáng có Lễ truyền Hai Lời Hứa cho các em thiếu nhi. Khóa tu này, có một nhóm các em có cơ hội tham gia làm cho không khí khóa tu càng trở nên gần gũi như một gia đình có các bà, các mẹ, các ba, các con và các cháu. Một bài học tương tức sống động không lời…

 


giaithoat.JPG

Tiếp xúc với em bé

Buổi pháp thoại cuối của khóa tu thường không có tụng kinh trước khi Thầy chia sẻ, cho nên Thầy trực tiếp hướng dẫn thính chúng một vài câu thiền hướng dẫn. Tiếp theo ba tiếng chuông lắng đọng, Thầy chia sẻ tiếp bài giảng về các bài tập cuối trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Thầy chia sẻ hết lòng về tuệ giác tương tức giúp người nghe tiếp xúc với bản chất của sinh diệt, đến đi, của khổ đau và hạnh phúc. Thầy còn giới thiệu về cuộc đời của trưởng giả Cấp Cô Độc và sự thực tập buông bỏ trước lúc lâm chung. Bởi vì Trưởng giả thường cúng dường tăng thân, gần gũi Bụt và pháp nên giờ phút lâm chung mình dễ giúp tưới lại những hạt giống đó. Thầy mời các bạn đọc thêm kinh Độ Người Hấp Hối, và nhắc rằng: đây là một chuyện thật. Sư cô Chân Không đã hát bằng hai thứ tiếng Anh và Việt bài:

“Thân này không phải là tôi,

Tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy,

Tôi là sự sống thênh thang

Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt…”

Mình thực tập buông bỏ cái ngã trong đời sống hằng ngày, khi xá chào, khi lạy… Và trong khóa tu này nhiều người đã rất ấn tượng khi thực tập Sám Pháp Địa Xúc do sư cô Chân Không hướng dẫn

Hẹn bạn khóa tu tới

Thay cho lời kết, lời Thầy còn đọng lại: Những gì chúng ta tìm kiếm đã có ở đây, an lạc và hạnh phúc có sẵn đó hãy tiếp xúc, hãy tỉnh dậy… và thưởng thức cuộc sống hằng ngày. Có hai điều Thầy muốn nói: Chánh niệm trong từng hơi thở vào, hơi thở ra, trong khi lái xe, nấu ăn, giặt giũ, làm thức ăn sáng, hay chăm sóc con cái… và nhớ thưởng thức từng bước chân.

Nếu có khóa tu tới ở đây, các bạn đến thì sẽ yểm trợ cho các bạn mới đến bằng sự thực tập chánh niệm và năng lượng từ bi, nó có thể ôm ấp và làm lắng dịu các bạn đang có khổ đau. Hãy sống hài hòa chung một thế giới và luôn luôn đi với nhau như một tăng thân.

 

tangthan.JPG

Cùng một chuyến bay

 

 

ThayveHocvien.JPG

Sáng ngày 12.05.2011, Thầy đến Học Viện, nắng ấm và tin Thầy về khiến các sư con quanh quẩn bên thềm Học Viện đón Thầy, người quét lá, người tỉa cành, dọn dẹp… quang cảnh này gửi trao sự gần gũi và ấm áp của một gia đình sum họp…. Thầy bước xuống xe và mỉm cười hiền hậu chào các sư con, ánh mắt Thầy trải dài trao cho các con tình thương và sự triều mến. Giây phút ấy thật ngắn ngủi mà nuôi dưỡng làm sao!

 

Ngày hôm sau 13.05.2011, Thầy trò chúng tôi có cơ hội ngồi lại trong tòa nhà Học Viện, Thầy chọn một chỗ ngồi có thể nhìn rõ mặt từng sư con. Sau những phút ăn cơm im lặng, Thầy mời các sư con ngồi chơi và hát cho nhau nghe. Rồi Thầy cười và nói, mình đang ngồi trên cùng một chuyến bay hạnh phúc. Cơ hội mình ngồi được như vầy rất là quý. Mình ngồi làm sao cho mình có hạnh phúc và những người trong cùng chuyến bay này cũng có hạnh phúc. Một nhóm quý thầy, quý sư cô đã hát tặng Thầy và đại chúng bài hát: Peacefully Free do sư cô Triêu Nghiêm sáng tác, quà cây nhà lá vườn lúc nào cũng có vị ngọt đặc biệt của tình thương. Sau khi nghe bài hát này Thầy nói, Thầy có cái thấy về câu: I’m so free because I can be me, I can be myself. Tôi có tự do khi tôi dược là chính tôi, nhưng  chúng ta có thể thấy sâu hơn tôi cũng là tôi và tôi cũng mong anh được là anh, tôi chấp nhận anh và chấp nhận luôn cả những khó khăn của anh nữa, mình tự do mà không làm cản trở tự do của người khác.

 

Thầy kể, trong chuyến bay vừa rồi, Thầy được mời ngồi vé hạng nhất, Thầy từ chối hoài không được nên Thầy đành chịu, nhưng Thầy không hạnh phúc, bởi vì Thầy chỉ ngồi một mình và quý thầy, quý sư cô ngồi chỗ khác, chỉ được qua thăm Thầy một chút là họ mời quay về chỗ, không cho ở lại ghế hạng nhất chơi với Thầy. Thầy thì muốn chơi với cá sư con nên Thầy đã đến chỗ các sư con chơi… Nhìn nét mặt tươi vui và sự diễn tả dí dỏm của Thầy làm chúng tôi có cảm tưởng mình đang trong cùng một chuyến bay thật sự. Thầy còn nhắc chúng tôi thắt dây an toàn (giữ gìn sự thực tập) cho khóa tu.

 

Năm nay về lại Học Viện, quý thầy, quý sư cô đều cảm nhận năng lượng nhẹ nhàng, an vui hơn những lần trước. Không khí tu học của quý thầy, quý sư cô thường trú ở Học Viện và của Làng đã hiến tặng cho mọi người rất nhiều niềm vui. Ngày mốt, Chủ Nhật, 15.05.2011 Thầy có một buổi chia sẻ thân tình trước khi khóa tu tiếng Đức bắt đầu vào thứ hai, 16.05.2011.

ancomchung.JPG