Khóa tu bảy ngày tại Viện Đại Học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan

 

tangthantaiThai.JPG

 

Khóa tu  Để Hiểu rõ sự vận hành của Tâm (Understanding our Mind) đã được tổ chức tại Viện Đại Học Mahachulalongkornrajavidyalaya từ ngày 25 đến 31 tháng 3 năm 2011 trong tình thân hữu giữa Làng Mai, Viện Phật Học Âu Châu và Đại Học này. Riêng năm nay, số người tham dự ít hơn khóa tu năm 2010, một phần trở ngại là do việc đồng ý chọn ngày giờ cho khóa tu cần có sự thông qua nhiều ban ngành trong Viện Đại Học Mahachulalongkorn. Vì thế tin chính xác về khóa tu được thông báo muộn nên thiền sinh đã không sắp xếp kịp để đến tham dự trọn vẹn cho khóa tu 7 ngày. Hơn nữa, giá thuê khách sạn gần Viện Đại Học khá cao, lại phải di chuyển nửa giờ mới đến được Giảng Đường, Thiền Đường, Trai Đường. Tuy vậy trên 700 thiền sinh đã ghi danh tham dự, cùng với gần 200 quý thầy quý sư cô gồm những vị đang ở Thái cũng như từ nhiều trung tâm khác cũng đã về tham gia,  khóa tu đã lên đến cả 1000 người.

 

Lễ khánh thành trung tâm Buddhadasa tại Thái Lan

Cùng ngày khai mạc khóa tu 7 ngày của Tăng thân Làng Mai tại Thái, 25.03.2011, công chúa Somdej Phrathep Sirithorn đã đến dự Lễ khánh thành trung tâm Buddhadasa. Trung tâm này vừa được trùng tu và đặt thêm Bảo Tàng Viện của vị tổ sư Thái Lan cận đại. Công chúa đã tặng quà cho những người có công đối với sự phát triển của trung tâm. Hôm đó sư cô Linh Nghiêm, đại diện cho Làng Mai tại Thái Lan đã được Công Chúa trao quà để tỏ lòng biết ơn Sư cô đã đều đặn hướng dẫn một ngày chánh niệm hằng tháng tại trung tâm này cho 100 đến 200 thiền sinh cư sĩ ở Bangkok. Cùng đi với sư cô còn có sư cô Chân Không, sư cô Diệu Nghiêm và thầy Pháp Đệ, thầy Pháp Lưu.

 

thiensinh1.JPGKhóa Tu “Understanding our Mind”  từ ngày 25 đến 31 tháng 3 năm 2011 là khóa tu nói tiếng Anh, sư cô Linh Nghiêm đã dịch sang tiếng Thái và sư cô Đẳng Nghiêm dịch ra tiếng Việt do Tăng Thân Làng Mai kết hợp với Tăng Thân cư sĩ Thái Lan đứng ra tổ chức. Các thầy, các sư cô trẻ ở Pakchong có mặt khắp mọi nơi trong khóa tu để điều hành, tổ chức, làm tri khách, phụ nấu ăn, rửa dọn v.v.. Tuy  làm việc nhiều nhưng những người tu trẻ này vẫn giữ nụ cười  tươi mát trên môi.

19g 30 tối ngày 25.04.2011. Buổi lễ khai mạc khóa tu mở đầu bằng tiếng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm của 160 tị xuất sĩ  hòa cùng tiếng vĩ cầm và đại hồ cầm thật hùng tráng. Trong khóa tu này, Sư Ông trình bày những phần rất căn bản  về Tâm Lý Học Phật Giáo dựa trên  Duy Thức Tam Thập Tụng của Ngài Vasubandhu (30 mười bài tụng Duy Thức của Ngài Thế Thân). Thầy Pháp Lưu và sư cô Đẳng Nghiêm hướng dẫn thiền sinh những thực tập căn bản sau đó.

Vào năm giờ sáng mỗi ngày, thiền sinh đi bộ trong chánh niệm từ thiền phòng đến Thiền đường MVK Auditorium mất khoảng hơn mười phút. Khi đến nơi, mọi người đã thấy Sư Ông ngồi yên, hùng tráng và thảnh thơi, sau đó thầy Pháp Khôi hô canh bằng tiếng Anh và sư chú Pháp Thi bằng tiếng Thái.

Sau giờ ngồi thiền, Sư Ông hướng dẫn mọi người thiền hành dọc bờ hồ. Đi được nửa đường quanh bờ hồ, Sư Ông dừng lại và ngồi trên bãi cỏ xanh. Trời Thái Lan vào tháng ba mát rượi. Gió thổi vi vu, nước hồ in bóng mây và bóng những hàng cây dọc ven bờ hồ, đại chúng có cơ hội được ngồi yên nghe tiếng chim hót líu lo như ứng với lời Sư Ông đã chia sẻ: “Có chánh niệm chúng ta sẽ tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống đang xảy ra trong ta, quanh ta, ngay bây giờ và ở đây.”

Sáng nay Sư Ông bắt đầu bài pháp thoại về nghe chuông, thỉnh chuông và thiền hành trong chánh niệm. Sư Ông dạy chúng ta tập sống cho chánh niệm, đem thân về với tâm. Thực tập chánh niệm để lúc nào mình cũng có mặt. Khi mình có mặt rồi, mình mới thực sự có mặt cho mẹ mình, bố mình, con mình và những người mình thương. “Con có mặt cho mẹ đây. Mẹ có mặt cho con của mẹ đây”, (Đó là thần chú thứ nhất). Thực tập với một tăng thân có thể giúp chúng ta lúc nào cũng dễ dàng có mặt, dễ giữ chánh niệm. Bởi khi mình quên thì người trước mặt mình, xung quanh mình cũng đang thực tập và sẽ là chuông chánh niệm cho mình giúp mình có nhiều cơ hôi trở về, đem thân về với tâm để ý thức được người thương đang hiện diện bên mình. Sư Ông đã hướng dẫn thực tập hai bài thần chú thứ nhất bằng tiếng Thái, tiếng Anh  hay tiếng Việt.

Lúc 19:45

Đại chúng tập trung trong hội trường để nghe thầy Pháp Lưu chia sẻ về tình thương và cách bảo vệ trái đất, thầy nói: “Chúng ta nên khắc ghi trong tim những gì đã diễn ra ở Fukushima, Nhật Bản,cũng như những trận động đất, sóng thần, những thiên tai đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Đó là tiếng chuông chánh niệm lớn của đất mẹ nhắc chúng nên dừng lại, đừng tàn phá thêm địa cầu này… Đêm nay chúng ta sẽ thiền hành im lặng bên nhau không có đèn trong một tiếng đồng hồ để yểm trợ Trái Đất.” Đại chúng thiền hành quanh hồ dọc theo những ngọn đèn nhỏ được làm bằng những cái đèn tea light. Sự im lặng hùng tráng nói lên sức mạnh của năng lượng Tăng Thân.

Chuyển hóa và trị liệu.

Hầu như mỗi ngày đều có gió lớn và thỉnh thoảng có mưa phùn, nhưng những giờ thiền hành, thiền tọa, pháp thoại, thiền sinh có mặt mỗi ngày một đông. Nhiều thiền sinh tham dự một hai ngày đầu của khóa tu và đã cảm nhận được nhiều lợi lạc cũng như có sự chuyển hóa nên đã báo tin cho người thân mình tới tham dự để hưởng được năng lượng thực tập hùng hậu của Sư Ông và quý thầy, quý sư cô. Quý sư Nam Tông cũng cùng đến tham dự từ 15 đến 20 vị .

Pháp Thoại của Sư Ông trong khóa tu rất căn bản và thâm sâu. Nội dung có tính chất công phá và trị liệu những khổ đau nằm trong chiều sâu tâm thức. Đồng thời Sư Ông đã hé mở cánh cửa Duy Thức qua các bài thi kệ “Tam Thập Tụng” của Ngài Thế Thân. Chia sẻ rõ ràng sự vận hành của thân tâm một cách đơn giản và dễ hiểu. Để đi sâu hơn vào “Tam Thập Tụng” thì 7 ngày có lẽ là không đủ. Chúng ta cần phải ít nhất là 21 ngày hoặc 3 tháng mới đi qua hết ba mươi bài tụng Duy Thức của Ngài Thế Thân.

Khóa tu diễn ra trong bảy ngày, nên các thiền sinh có cơ hội thực tập thật sâu những pháp môn của Làng Mai như: Sám Pháp Địa Xúc, Làm Mới, thiền  Buông Thư, thiền lạy về ba gốc rễ, về vượt thoát sợ hãi sinh tử, trình bày Năm phép tu tập chánh niệm (Năm Giới), 14 Giới Tiếp Hiện (Bồ Tát Giới),… Trong đó Pháp Đàm là pháp môn mà nhiều thiền sinh ưa thích vì họ có dịp nói ra những ưu tư của mình, những thực tập thành công hay chưa làm được của mình và được nghe kinh nghiệm thực tập của mọi người. Có những buổi pháp đàm rất hào hứng và sôi nổi với tiếng cười vui vẻ, nhưng cũng có những buổi pháp đàm nhiều người đã khóc vì xúc động. Đây là cơ hội để người tham dự được chia sẻ những hạnh phúc, tháo gỡ những khó khăn trong đời sống hàng ngày, và chia sẻ được những sâu kín trong trái tim mình.

Sau khi nghe bài pháp thoại của Sư Ông về 4 câu thần chú, một anh thiền sinh đã chia sẻ trong buổi pháp đàm rằng: “Trước khi đi khóa tu, anh là một người rất cô đơn, anh không đến được với bất cứ một ai, ngay cả với chính mẹ của mình. Có người khuyên anh nên tham dự khóa tu này. Anh từ giã mẹ trước khi đi. Và mẹ anh bảo với anh là: bà cần có tiền trong thời gian anh vắng mặt ở nhà. Anh đã nghĩ, mình sẽ gửi tiền vào trương mục ngân hàng của mẹ, nhưng anh lại quá tức tối không thể kiềm hãm được sự bực bội và buột miệng: “Mẹ thì lúc nào cũng chỉ biết có tiền với tiền thôi.” Mẹ anh đã khóc khi nghe anh than phiền. Nhưng sau hai ngày thì anh bắt đầu hối hận, và trong buổi pháp đàm đầu tiên, anh chia sẻ rằng: Khi nghe Sư Ông giảng, anh cảm thấy hối hận, và anh đã gọi điện thoại về để xin lỗi mẹ. Sau đó anh đã xin thọ Năm Giới… Có những trường hợp thiền sinh là nạn nhân bị lạm dụng trong thời ấu thơ. Họ học được rằng đứa trẻ bị thương thời ấu thơ vẫn còn sống mãi trong mình và thúc đẩy mình hành xử không đẹp khi vết thương ngày xưa bị chạm vào. Và phương pháp trở về với giây phút hiện tại giúp mình thoát khỏi cái ám ảnh của quá khứ vốn luôn nằm đó trong một góc sâu của tàng thức. Sư Ông đã nhấn mạnh: “Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của thực tại. Hãy chế tạo hạnh phúc từ khổ đau.” Sư Ông đã giúp phá bỏ cái nhìn của nhị nguyên trong mỗi người.

 

Wake Up và chương trình đào tạo năm năm.

thiensinh2.JPGThầy Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Linh, Pháp Hữu và sư cô Mai Nghiêm đã trình bày về chương trình Wake Up và chương trình đào tạo năm năm làm tu sĩ. Có khoảng 100 người trẻ ở lứa tuổi từ 35 trở xuống và quý thầy, quý sư cô trẻ từ Pakchong cũng cùng có mặt.

Mở đầu, Thầy Pháp Dung đã giới thiệu về chương trình 5 năm làm tu sĩ giành cho những người muốn tham gia có lứa tuổi từ 35 trở xuống. Nếu bạn có trương mục trong ngân hàng, bạn hãy làm thủ tục với ngân hàng để khóa trương mục và không sử dụng trương mục trong vòng năm năm, để cho nó ngủ yên đó. Nếu bạn đang có người yêu, bạn cũng để cho tình yêu đó ngủ yên trong năm năm đó.” Nói tới đây thầy mỉm cười và tiếp: “Mình có thể nói với người yêu: “Hẹn em năm năm sau, khi gặp lại, em sẽ thấy anh tốt hơn.” Mọi người đều cười ồ lên! Chương trình năm năm là chương trình Sư Ông muốn đầu tư Đạo Pháp cho người trẻ…Có thể sau năm năm thực tập, bạn trẻ nào thích con đường này thì bạn đó sẽ xin được tu tập suốt đời. Hoặc có thể sau năm năm, bạn thấy mình cần phải lập gia đình và chỉ muốn áp dụng chánh niệm đã học được vào đời sống gia đình thì bạn cũng có thể ra lập gia đình mà không mặc cảm tội lỗi và không làm tổn thương các bạn đồng tu khác.

Sáng ngày thứ sáu và thứ bảy trong khóa tu, thay vì ngồi thiền, Sư Ông truyền giới Tiếp Hiện cho 13 vị và truyền Năm Giới cho hơn 200 thiền sinh.

 

Khóa tu chấm dứt nhưng nhiều người vẫn còn lưu luyến chưa muốn rời. Trong buổi sinh hoạt chia tay, có nhiều người có niềm tin là mình có thể liên hệ tốt hơn với những người mình đang có khó khăn và sẽ làm mới được tình thương với những người mà mình đang chung sống. Một thầy Nam Tông chia sẻ: “Thầy rất hạnh phúc đã tham dự khóa tu này. Thầy đã hiểu sâu hơn về kinh điển của truyền thống Nam Tông và nhất là được học thêm Duy Thức. Bởi trước đây, khi thầy càng đào sâu vào Abhidhamma thì thấy càng rối ren, nhưng Sư Ông đã giảng dạy 30 bài tụng Duy Thức rất đơn giản và dễ hiểu. Thầy hứa sẽ đem pháp môn Làng Mai về áp dụng tại chùa của mình. Một anh thiền sinh Tây Phương đang ở tại Thái Lan chia sẻ: trong Thánh Kinh có nói: “Khi Chúa Jesus đi với các đệ tử trong sa mạc, và các đệ tử của Ngài cảm thấy như có ngọn lửa được thắp sáng trong tâm, đó là ngọn lửa của niềm tin. Anh cũng cảm thấy như vậy, “Khi đi với Sư Ông, ngọn lửa trong anh được nhóm lên cháy sáng, ngọn lửa của tình thương, ngọn lửa của hạnh phúc.”