Nghiệp quả

 

Download

 

Bạch Đức Thế Tôn!

Con biết rằng thế nào con cũng phải già, con không thể nào tránh thoát cái già. Con sẽ trở thành 60 tuổi, 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi, lưng con sẽ còng lại, chân con sẽ yếu đi, mắt con sẽ mờ đi. Con biết thế nào một ngày kia con cũng bệnh, nằm hấp hối trên giường, không thể nào tránh thoát cái giờ phút nằm bệnh hấp hối trên giường. Con biết thế nào con cũng chết, thở hơi thở cuối cùng, con không thể nào tránh thoát được cái chết. Con biết một ngày nào đó con sẽ từ bỏ tất cả, từ bỏ những người con thương, từ bỏ những gì con trân quý nhà cửa, ruộng nương, tước lộc, bằng cấp, địa vị trong xã hội, địa vị trong chúng. con phải từ bỏ hết.

Bạch Đức Thế Tôn! Con biết rằng con chỉ có quyền mang theo những nghiệp quả của con thôi. Tất cả những gì con đã nghĩ, con đã nói, con đã làm, tất cả những điều đó sẽ đi theo con. Bất cứ một tư tưởng nào của con đều mang chữ kí của con, bất cứ lời nói nào của con cũng mang chữ kí của con, bất cứ hành động nào của con cũng mang chữ kí của con. Con không thể từ khước, từ chối nói rằng chúng không phải là của con. Và vì vậy cho nên con cẩn trọng trong khi phát ra những tư tưởng, trong khi phát ra những lời nói, trong khi phát ra những hành động bởi vì con biết đó là cái duy nhất mà con mang theo và chúng nó là con trong tương lai.

Chánh tư duy

 

Download

 

Kính lạy Đức Thế Tôn!

Ngài dạy rằng khi nào chúng con có chánh kiến, có những cái thấy chính xác về sự thật về cuộc đời thì chúng con sẽ có cơ hội thực tập được chánh tư duy. Chúng con nguyện tư duy như thế nào để những tư tưởng của chúng con không đi ngược lại với sự thật vô thường, vô ngã và tương tức. Chúng con biết rằng tư duy là cơ bản của lời nói và của hành động cho nên chúng con quyết tâm luyện tập chánh tư duy.

Chúng con thực tập sống trong Định, trong đời sống hàng ngày để cho cái thấy vô thường, vô ngã, tương tức và không phân biệt nó được duy trì. Và nhờ đó tư duy của con mới có thể đi đúng vào con đường của chánh kiến được. Khi con nhìn lại con, con nhìn Thầy, con nhìn anh, con nhìn chị, con nhìn em, con phải thấy được vô thường, con phải thấy được vô ngã, con phải thấy được tương tức lúc đó con mới không có kì thị, con mới không có giận hờn và ganh tỵ. Và nhờ đó con mới phát khởi chánh ngữ và chánh nghiệp.

Con xin hứa với Đức Thế Tôn là trong đời sống hàng ngày, con sẽ không phóng tâm ra ngoài, luôn luôn giữ được cái tâm, nắm được cái tâm để có thể nhìn thấy và nghe trong chánh niệm, để có thể tiếp xúc được tự tánh vô thường, vô ngã và tương tức. Có như vậy thì chúng con mới thực tập được chánh tư duy.

 

Chánh kiến

Bạch Đức Thế Tôn!

Chúng con biết rằng nếu sự thực thứ nhất là khổ đau thì sự thực thứ ba là hạnh phúc. Và nếu khổ đau có những khổ đau cạn cợt và những khổ đau sâu sắc thì hạnh phúc cũng vậy, có những hạnh phúc trên bề mặt và có những hạnh phúc thật là sâu sắc. Và chúng con biết rằng sự thật thứ tư là Đạo đế, là con đường đưa tới hạnh phúc, nghĩa là con đường chấm dứt khổ đau.

Sự thực thứ tư là Đạo đế – con đường bắt đầu bằng chánh kiến nghĩa là một cái thấy phù hợp với thực tại. Cái thấy phù hợp với thực tại theo Đức Thế Tôn là cái thấy vô thường, vô ngã. Và khi chúng con có được cái thấy đó rồi thì những tư duy, ngôn ngữ, hành động của chúng con sẽ không còn gây ra những khổ đau nữa, và sẽ đem lại hạnh phúc. Những gì chúng con học, chúng con suy tư, chúng con thực tập: Văn, Tư và Tu sẽ làm cho những tư duy, những lời nói và những hành động của chúng con đi đúng vào chánh kiến. “Văn tư tu xin quyết hành trì, thân miệng ý noi về chánh kiến”.

Chúng con thực tập làm sao để cho mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày, khi nhìn khi quán sát sự vật chúng con thấy được cái tính vô thường, vô ngã của tất cả mọi sự vật. Đó là thực tập căn bản mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Chúng con thấy hình hài cũng như tâm lý của chúng con là vô thường, thế giới cũng là vô thường. Chúng con thấy chúng con không phải là một thực tại riêng biệt, mà chúng con chỉ là một giọt nước trong dòng sông, một tế bào trong cơ thể, luôn luôn chuyển biến. Và thấy được tính vô thường, vô ngã như vậy, chúng con có chánh kiến để làm kim chỉ nam cho tất cả những tư duy của chúng con. Tại vì chánh tư duy là tư duy đi theo hướng chánh kiến.

Bài học từ khổ đau

 

Download

 

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Người dạy chúng con hãy nhìn sâu vào trong nỗi khổ niềm đau và học hỏi từ những nỗi khổ niềm đau của chúng con. Nỗi khổ niềm đau của chúng con có thể là chiếc thuyền để nuôi chúng con lớn lên trong đời sống tâm linh. Hiểu được nỗi khổ niềm đau bên trong cũng như bên ngoài giúp cho chúng con thấy được đường đi. Là một cá nhân hay là một đoàn thể, là một quốc gia chúng con luôn luôn học được từ những kinh nghiệm của khổ đau.

Làm cha, làm mẹ , làm anh, làm chị hay làm thầy chúng con thường có khuynh hướng sử dụng quyền lực của mình để bắt ép con cháu, con em hay đệ tử của chúng con làm theo ý muốn của chúng con. Vì vậy chúng con gây ra những cái khổ đau. Chúng con biết rằng chỉ có sự truyền thông, chỉ có khả năng truyền đạt lắng nghe và chia sẻ mới có thể chuyển hóa được núi nhận thức trong chúng con và trong những người khác. Và chúng con biết rằng mỗi lần chúng con sử dụng quyền làm anh, làm chị, làm cha, làm mẹ, làm thầy để bắt ép những con em của chúng con thì  chúng con gây ra khổ đau trong lòng họ và trong ngay chúng con.

Trung Quốc là một cường quốc bắt ép những nước nhỏ xung quanh và gây ra khổ đau cho những nước đó cũng như chính bản thân của Trung Quốc. Nước Nga đã từng học được bài học khổ đau từ xâm chiếm Afghanistan, nước Anh cũng vậy và nước Hoa Kì hiện giờ đang khổ đau vì cuộc thế chiến Irac. Khổ đau trong chiến tranh Việt Nam rất là to lớn nhất là khổ đau của người Việt, khổ đau của người Mĩ. Chúng con mong rằng người Hoa Kì đã học được bài học khổ đau của Việt Nam để đừng lặp lại ở nơi khác.

Bạch Đức Thế Tôn giáo lí của Ngài về Tứ Diệu Đế giúp cho chúng con mở mắt và khiến cho chúng con có thể học được từ khổ đau của chúng con để chúng con đừng có lặp lại sai lầm trong quá khứ. Và chúng con có thể đóng góp một phần vào sự thức tỉnh để cho thế giới ngày mai có cơ hội hơn thế giới ngày hôm qua.

Sợi dây ràng buộc kẹt vào hình thức nghi lễ

 

Download

 

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Ngài đã chỉ cho chúng con thấy sợi dây ràng buộc thứ 10 là sợi dây giới cấm thủ  kiến. Khi mình bị ràng buộc vào nghi lễ, ràng buộc vào những sự kiên cữ cấm đoán,  nó không có chuyên chở được chánh pháp thì mình bị bó buộc bởi những hình thức đó.

Có những cái như là ông bình vôi, như là cái miếu thánh vốn không có tính cách thiêng liêng mà mình gán cho nó một tư cách thiêng liêng để mình kính sợ. Có những câu nói, có những thần chú, vốn không có tính cách thiêng liêng, không có năng lượng của Niệm, Định và Tuệ mà mình gán cho nó cái khả năng có thể làm ra phép lạ, có thể đưa mình tới giải thoát. Có những hành động như là phù phép, chú trợ mình gán cho nó cái khả năng có thể trừ tà, đem lại an lạc sức khỏe. Tất cả những hình thức nghi lễ cấm đoán đó, mình bị kẹt vào thì tức là mình đang bị bó buộc bởi sợi dây thứ 10 là giới cấm thủ kiến.

Chúng con biết rằng nếu không có năng lượng của Niệm, của Định, của Tuệ thì bất cứ một nghi lễ nào, một cấm giới nào cũng trở thành ra một sợi dây ràng buộc. Vì vậy cho nên chúng con không để chúng con bị bó buộc bởi những cái hình thái, những cái ngôn ngữ, những cái thực tập đó thì chúng con thoát khỏi ra sợi dây ràng buộc thứ 10 này.

Nhận diện nguồn gốc khổ đau

 

Download

 

 

Kính lạy Đức Thế Tôn!

Ngài đã chỉ cho chúng con hai sợi dây đầu ràng buộc là sợi dây đam mê và sợi dây hận  thù. Ngài đã chỉ cho chúng con sợi dây ràng buộc thứ 3 là sợi dây si mê. Và chúng con biết rằng đây là sợi dây vững chãi nhất, kiên cố nhất. Nó ràng buộc chúng con, nó giữ chúng con trong thế giới của khổ đau, của sinh tử.

Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã từng dạy cho chúng con si mê tức là không biết đường đi. Vì vậy cho nên cứ loanh quanh, luẩn quẩn hoài trong vòng khổ đau và sinh tử. Và thầy Xá Lợi Phất, sư anh lớn của chúng con cũng đã từng dạy chúng con về nẻo thoát để đi ra khỏi cái thế giới của khổ đau, của sinh tử. Si mê nghĩa là không thấy được hướng đi, và hướng đi đó được Đức Thế Tôn khai thị trong giáo lí của Bốn sự thật.

Nếu chúng con biết nhận diện khổ đau, những gốc rễ xa gần của khổ đau thì chúng con có thể thấy được cái nẻo thoát đưa tới an lạc và giải thoát. Chúng con thấy được con đường đưa tới an lạc và giải thoát tức là sự thật thứ 4, và thấy được Bốn diệu đế tức là thấy được con đường. Và khi thấy được con đường rồi thì mình không còn lo sợ nữa, và mình biết rằng mình đang đi ra khỏi ngục tù của khổ đau.

Thầy Xá Lợi Phất đã dạy cho chúng con nhìn sâu vào khổ đau để nhận diện được những gốc rễ của khổ đau dưới dạng các thực phẩm. Và khi nhận ra được các thực phẩm đem khổ đau tới thì chúng con có thể cắt đứt những dòng thực phẩm đó thì tự nhiên con đường thoát nó mở ra. Những loài thực phẩm đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.

Chúng con nguyện quán chiếu để thấy được tự tánh của khổ đau, chúng con không còn tìm cách trốn tránh khổ đau nữa. Con tập nhìn khổ đau một cách can đảm để nhận diện nguồn gốc của khổ đau dưới dạng thực phẩm mà chúng con đưa vào trong thân tâm hàng ngày. Ngoài đoàn thực, ngoài xúc thực, chúng con còn có tư niệm thực dưới dạng ước mong. Những cái ước muốn căn bản nhất của chúng con, chính những ước muốn đó đưa chúng con về nẻo sinh tử. Và thức thực, tâm thức cộng đồng mà chúng con đang tham dự là một loại thực phẩm có thể hoặc đưa chúng con về nẻo xấu, hoặc đưa chúng con về nẻo giải thoát. Và vì vậy cho nên trong đời sống hàng ngày chúng con nguyện quán chiếu để thấy được ánh sáng qua sự thực tập của diệu đế để cởi được sợi dây ràng buộc kiên cố nhất trong mười sợi dây ràng buộc.

Sợi dây ràng buộc hận thù bạo động

Download

Kính lạy Đức Thế Tôn!

Ngài đã chỉ cho chúng con sợi dây ràng buộc thứ nhất là sợi dây của sự đam mê, trông chờ, mong ngóng. Và Ngài cũng chỉ cho chúng con sợi dây ràng buộc thứ hai là sợi dây của hận thù, phiền giận, bực tức. Chúng con biết rằng trong chúng con có yếu tố của sự bạo động, yếu tố của sự buồn phiền, giận hờn, tủi nhục. Và còn có năng lượng muốn trừng phạt, muốn cho người kia phải khổ vì đã dám làm cho chúng con khổ, làm cho những người thương của chúng con khổ, làm cho gia đình, đất nước của chúng con khổ đau. Bạch Thế Tôn! Hận thù hiện giờ đang trấn ngự trên thế giới. Và có những người ôm bom nhảy vào trong đám người khác. Họ nghĩ đó là kẻ thù của họ, để trái bom cùng nổ và tất cả cùng chết. Và sự trừng phạt lẫn nhau tiếp diễn mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Lửa hận thù đang đốt cháy.

Chúng con biết chỉ có một chất liệu có thể dập tắt lửa hận thù đó là lòng từ bi. Và chúng con nguyện chế tác chất liệu từ bi để dập tắt hận thù trong con và trong xã hội. Chúng con quán chiếu để thấy rằng chính chúng con là nạn nhân của bạo động, của hận thù và nhiều khi chúng con đã nói, đã làm, đã nghĩ ra những cái biểu lộ ra chất liệu của giận hờn của hận thù của ước muốn trừng phạt trong chúng con. Và những lúc đó chúng con khổ.

Chúng con tập quán chiếu để thấy được năng lượng của bạo động của hận thù ở nơi những người khác. Nhất là những người đã nói, đã làm cho chúng con khổ, đã làm cho gia đình, đất nước chúng con điêu đứng. Chúng con đang thấy họ là những người đang khổ vì chất liệu của bạo động hận thù và vô minh trong họ. Họ tự làm khổ họ và khổ tất cả những người khác. Thấy được như vậy, con phát khởi tâm từ bi, con chấp nhận và con ôm được họ trong lòng, trong năng lượng từ bi của con.

Đức Thế Tôn dạy Tứ vô lượng tâm và vô lượng tâm đó là Từ, vô lượng tâm thứ hai là Bi. Chúng con không muốn họ tiếp tục khổ, chúng con muốn họ có khả năng dập tắt lửa hận thù trong họ. Và khi chúng con không nhìn họ là một kẻ thù, và khi chúng con không còn ý muốn trừng phạt, muốn cho họ khổ nữa thì tâm chúng con thanh thản và chúng con có tự do. Chúng con cởi trói được cho chúng con, cởi ra được sợi dây thứ hai đó là năng lượng của hận thù của bạo động.

Ngồi trong giờ phút hiện tại

 

Download

 

Bạch Đức Thế Tôn!

đồi Bụt

Cái chỗ mà con đang ngồi đây, hàng chục triệu năm về trước có thể đã có xuất hiện một vị hiền nhân soi sáng cho cuộc đời, hàng triệu sinh linh đã được sinh ra ngay tại chỗ con đang ngồi và hàng triệu sinh linh đã nằm chết ngay tại chỗ này.

Trong giờ phút này con đang ngồi ở chỗ này, con ý thức được con đang có mặt đích thực nơi đây vào trong giờ phút hiện tại. Tâm con bao trùm hết tất cả thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Tâm con bao trùm hết tất cả tam thiên, đại thiên thế giới. Con biết là đàn con con đang ngồi đây và thực sự có mặt.

Con đang ngồi cho tất cả những người, những sinh vật đã sinh ra tại đây và đã chết ngay tại đây. Con đang ngồi cho những người sẽ sinh ra ngay tại chỗ con ngồi đây trong những triệu năm sắp tới và cho những người sẽ nằm xuống ngay chỗ này để chết đi trong những triêu năm sắp tới.

Và con muốn năm trăm triệu năm về sau, con người cũng sẽ ngồi như con và ý thức được rằng năm trăm triệu năm về trước đã có người đang ngồi ở đây, lấy tâm của mình bao trùm hết tất cả thời gian và không gian và ngồi như một vị giác ngộ. Con đang thở với ý thức đó và con đang thu nhiếp tất cả thời gian vô cùng và không gian vô tận ở trong ý thức minh mẫn của con.

Con cũng là đại dương

 

Download

 

Bạch Đức Thế Tôn!

Con đang quán chiếu con là một đợt sóng ở trên đại dương, có lên có xuống, có sinh và có diệt. Con có thấy sở dĩ con có lên, có xuống, có sinh, có diệt, có sợ hãi, có buồn khổ là tại vì con không thấy được rằng con là đại dương, con là nước của đại dương, con chỉ là một đợt sóng. Nếu con là đại dương, con thấy được con là đại dương thì con sẽ siêu thoát được lên xuống, sinh diệt, buồn khổ, tuyệt vọng.

Mà sự thật thì con đang là nước, con đang là đại dương.Con không phải chỉ là một đợt sóng nhất thời. Con biết nếu con là Tăng thân mà không phải là một mảnh nhỏ cắt rời khỏi Tăng thân thì con sẽ buông bỏ tất cả những buồn khổ, giận hờn, ganh tị. Vì vậy cho nên con quán chiếu con thấy được rằng Tăng thân cũng là thân của con. Khi mà con thấy được như vậy thì những cái lên xuống, cái đau khổ, cái buồn giận sẽ tan biến đi hết. Con là Tăng thân, con là sự sống, đó là cái mà con có thể thấy được ngay trong giờ phút hiện tại.

Thiền duyệt vi thực

Download

Bạch Đức Thế Tôn!

Ngài dạy là thiền tập có thể đem lại sự nuôi dưỡng và hạnh phúc. Mỗi hơi thở vào có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho thân và cho tâm. Mỗi hơi thở ra có thể mang lại sự buông bỏ, thảnh thơi, nhẹ nhàng.

Khi con thở vào, có ý thức rằng đây là một hơi thở vào và con đang thật sự có mặt trong sự sống. Khi con thở ra, con biết là con đang thở ra và con nhận diện sự sống trong con và chung quanh con. Đó là một điều rất mầu nhiệm.

Khi con thở vào, con thở vào thong thả, và vì có tịnh lạc ở trong lòng nên hơi thở vào con càng ngày càng sâu. Khi con thở ra, vì con có sự thảnh thơi nên hơi thở ra con từ tốn, thong thả, không gấp gáp, càng ngày càng chậm lại. Hơi thở vào thì sâu và hơi thở ra thì chậm.

Khi con thở vào, con cảm thấy khỏe khoắn trong châu thân, từ trên xuống dưới, như được tắm trong một dòng nước trong. Và khi con thở ra, con cảm thấy nhẹ nhàng, không vướng bận. Thảnh thơi, khỏe nhẹ.

Khi con thở vào, con thấy tâm con  tĩnh lặng như thân con. Hơi thở vào đem lại sự tĩnh lặng cho cả thân tâm và khi con thở ra, vì con có hạnh phúc cho nên con mỉm cười, nụ cười nó làm buông thư đem lại hạnh phúc, tĩnh lặng.

Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười.

Khi thở vào, con thật sự an trú trong giây phút hiện tại, con làm chủ được thân tâm một cách hoàn toàn. Và khi thở ra, con biết giờ phút ngồi thiền đây có thể là giờ phút hạnh phúc nhất của đời con, con không đi tìm hạnh phúc ở chỗ khác. Được ngồi đây trong tự do, trong thảnh thơi, trong tịnh lạc. Con thấy giờ phút con thở ra là một giờ phút hạnh phúc, không có gì vượt qua được.

Vào – ra

Sâu – chậm.

Thở vào con thấy khỏe, thở ra con thấy nhẹ.

Thở vào tâm con tĩnh lặng, thở ra miệng con mỉm cười.

Thở vào con an trú trong giây phút hiện tại. Thở ra con biết giây phút tuyệt vời.