Bạch Đức Thế Tôn!
Ngài đã mở cho chúng con ba cánh cửa để chúng con có thể vượt thoát tình trạng của đau buồn, của sợ hãi và của tuyệt vọng. Và ba cánh cửa đó được gọi là ba cánh cửa giải thoát. Cánh cửa giải thoát đầu tiên gọi là “Không”.
Bạch Đức Thế Tôn, chúng con hiểu “Không” nghĩa là không thường và không ngã chứ không phải là không có mặt ở đó. Có sự có mặt của hiện tượng, nhưng nhìn sâu vào hiện tượng đó thì không có cái gì là thường, không có cái gì là có cốt lõi có ngã. Cũng như khi chúng con lột củ hành ra, từ lớp này sang lớp khác, chúng con không tìm thấy một cái gì cứng chắc ở bên trong. Ngoài những lớp hành ra thì không còn một có cái gì khác nữa, củ hành tuy là có mặt và đó là sự có mặt của những lớp hành mà thôi, không có cái gì chắc thật.
Và Thầy Long Thọ có dạy chúng con rằng:
Cái “Không” đó không phải là một cái tiêu cực, bởi vì nếu vạn vật mà không có cái Không đó thì vạn vật không thể nào biểu hiện được. “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành”.
Vì vậy cho nên cái mà chúng con gọi là “Không” tức là nền tảng của sự biểu hiện của tất cả mọi hiện tượng. Và khi chúng con đặt câu hỏi cái “Không” đó nó có hay là không? Thì chúng con không thể nói được rằng cái “Không” đó nó có hay là không được. Tại cái “Không” đó nó thoát ra khỏi ý niệm có và không. Và như vậy chúng con biết chỉ có Chân Không mới thật là “Không” mà thôi, và “Không” không phải là sự đối lập của có. Và nếu con thấu hiểu được tự tánh “Không” thì chúng con cũng sẽ không còn đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng nữa.