Khi ta tụng kinh cũng như khi nghe tụng kinh, ta cần phải hợp nhất thân và tâm. Làm được như vậy, ta có niệm, có định; ta hòa vào tăng thân và trở thành một với tăng thân, như một dòng sông.
Lễ xuất gia Gia đình Hoa Chuông Vàng 17.12.2023
Vào ngày 17 tháng 12 vừa qua, tại thiền đường Voi Trắng của tu viện Vườn Ươm, Thái Lan đã diễn ra lễ xuất gia của Gia đình Hoa chuông vàng. Đại chúng Làng Mai vui mừng đón chào những vị Sa di nữ mới hoà vào dòng chảy tăng thân. Các sư cô là thế hệ tập sự nữ đầu tiên của tu viện Vườn Ươm.
Sự chân thành, vẻ quyết tâm, gương mặt ngời sáng của các sư cô trong giờ phút xuống tóc và tiếp nhận giới pháp khiến ta liên tưởng đến Ni trưởng Gotami cùng các vị khất sĩ nữ trong buổi đầu hình thành Ni chúng thời Bụt còn tại thế. Các vị đã mở ra cánh cửa tu tập cho Ni chúng bằng chính sự can đảm và lòng quyết tâm của mình. Niềm tin của các giới tử vào chánh pháp, vào con đường của Bụt hôm nay cũng sáng ngời như niềm tin của các vị Tổ sư ngày trước. Hùng lực của các vị đang được lưu giữ và tiếp nối nơi thế hệ hậu lai.
Mười ba bông hoa mới đã nở ra trong vườn hoa tăng thân. Trong đó, mỗi bông hoa tiếp tục là sự tiếp nối hạnh nguyện của Sư Ông qua những pháp tự rất đẹp của mình: Chân Cung Hạnh, Chân Chuyên Hạnh, Chân Cẩn Hạnh, Chân Chuẩn Hạnh, Chân Chỉnh Hạnh, Chân Chỉ Hạnh, Chân Chí Hạnh, Chân Cư Hạnh, Chân Chánh Hạnh, Chân Chiêu Hạnh, Chân Chung Hạnh, Chân Cần Hạnh, Chân Cát Hạnh.
Tóc đẹp nay cạo xuống
Buông bỏ hết phiền luỵ
Thảnh thơi vui bước tới
Đường vô uý thênh thang
Sư Ông luôn dành rất nhiều tình thương cho thế hệ trẻ. Tình thương ấy vẫn còn mãi, còn hoài qua những dòng Người viết: “Mới thọ giới Sa di, Sa di ni hay đã thọ giới lớn, em là người xuất gia trẻ mang theo em chí hướng của Bụt. Em là sự nối tiếp của Bụt, là bảo bối của Pháp, là tinh hoa của Tăng. Là gái hay là trai, em cũng có thể mang lý tưởng Bồ Tát đi vào đời. Nói chuyện tâm sự được với em hôm nay, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi không bi quan, không lo lắng, bởi vì tôi có đức tin nơi em. Tôi sẽ có mặt bên em mãi. Tay em trong tay tôi, tay tôi trong tay Bụt, chúng ta hãy vững chãi đi về tương lai.”
Khoác lên người chiếc áo nâu giản đơn, các vị xuất gia trẻ tái sinh lại trong một đời sống mới. Để lại sau lưng những vui buồn, những lỡ lầm, thành công hay thất bại của năm tháng qua, mỗi vị có cơ hội nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt mới, nhận thức mới. Bình an và tự do đang chờ họ chạm đến trong mỗi giây phút của đời sống. Mong các vị tinh tiến, vững bước trên con đường tâm linh để không phụ sự kì vọng, niềm tin và sự yểm trợ của gia đình huyết thống.
Hoa chuông vàng, hoa chuông vàng
Rực sáng một mảnh trời vui
Tiếng chuông vàng, tiếng chuông vàng
Ngân vang từng hồi tỉnh thức
Tăng thân gửi gắm trọn vẹn bao thương yêu và niềm tin nơi những vị xuất gia trẻ qua tên gọi Hoa chuông vàng. Từng nụ cười, niềm vui trên con đường thực tập của mỗi vị sẽ góp phần tạo nên vẻ sáng tươi, đầy hi vọng cho cuộc đời. Bằng bước chân an lành, sống trọn vẹn mỗi giây phút, sự hiện diện của các vị là những tiếng chuông chánh niệm giúp cho người người tỉnh thức, quay về có mặt với nhiệm mầu sự sống đang ngập tràn xung quanh ta.
Xem thêm hình ảnh về Lễ dẫn thỉnh và Lễ xuất gia tại đường dẫn dưới đây: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/le-xuat-gia/le-xuat-gia-cay-hoa-chuong-vang/
Lễ xuất gia cây Toyon 24.09.2023
Trong chuyến hoằng pháp tại một số tiểu bang Hoa Kỳ (US Tour), 2023. Tăng thân đã tiếp nối những bước chân của Sư Ông mở các khoá cho hàng trăm người về tu tập tại ba trung tâm Bích Nham – tiểu bang New York, Mộc Lan – bang Mississippi và Lộc Uyển – bang California.
Đại chúng càng hân hoan đón chào thêm sáu thành viên mới gia nhập vào tăng đoàn áo nâu vào ngày 24 tháng 9 vừa qua, khi phái đoàn về tới tu viện Lộc Uyển. Niềm vui lan toả cả vào núi rừng Đại Ẩn. Miền núi dốc cheo leo những ngày ấy xanh mơn mởn, hương núi rừng thơm trong gió. Bởi thế nên gia đình xuất gia này cũng được mang tên một loài cây đặc trưng của vùng Cali, gia đình xuất gia cây Toyon. Loài cây chịu được thời tiết khô cằn và khắc nghiệt của mùa hè nơi đây, mùa xuân cây khoe những đóm hoa sắc trắng nhỏ xinh và kết thành chùm trái đỏ thắm đến tận cuối năm.
Gia đình xuất gia Toyon gồm có hai sư cô và bốn sư chú, ngày các vị xuống tóc có đông đảo sự chứng minh của 140 vị xuất sĩ có mặt và hộ niệm tại tu viện Lộc Uyển. Gia đình người thân của các vị cũng về tham dự, ai cũng hân hoan và vui với niềm vui của các vị, những con người từ bỏ hết các chức danh, sự nghiệp và gia đinh riêng để đi theo con đường cao rộng, phụng sự cho đời.
Ngay sau lễ xuất gia là hai khoá tu lớn diễn ra liên tiếp cho giới khoa học gia và khoá tu tiếng Việt. Các sư cô sư chú mới được tham dự vào dòng chảy và cống hiến với đại chúng trong những khoá tu ấy.
Các sư cô sư chú mới có pháp tự:
Chân Nhất Lâm (True One Forest) 真一林
Chân Ân Hạnh (True Gratitude Action) 真恩行
Chân Thuần Hạnh (True Adaptable Action) 真淳行
Chân Nhất Thiên (True One Sky) 真一天
Chân Nhất Điền (True One Field) 真一田
Chân Nhất Sơn (True One Mountain) 真一山
Trưa hôm đó, đại chúng đã cùng ngồi quây quần bên nhau ăn cơm chánh niệm và cũng để chào đón sự biểu hiện của gia đình cây Toyon trong tăng thân. Các sư chú, sư cô mới đã có dịp trình diện đại chúng trong chiếc áo nhật bình mới của mình.
Kính mời đại chúng xem thêm hình ảnh về Lễ dẫn thỉnh và Lễ xuất gia tại đường dẫn dưới đây: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/le-xuat-gia/le-xuat-gia-cay-t0yon/
Điều con thích nhất
Con đến tu viện Bích Nham vào một ngày đầu thu. Vì trong nhóm có người bị nhiễm Covid nên con cùng bốn sư chị đi cùng chuyến phải ở phòng tách riêng với đại chúng trong một tuần. Những ngày đầu tiên chúng con chỉ loanh quanh trong phòng, thỉnh thoảng đi tới đi lui ở hành lang phía trước, nhìn các sư chị sư em qua lại và chào hỏi nhau từ xa. Có khi còn được ngắm nai nhởn nhơ dạo chơi trong vườn. Sóc thì chạy soàn soạt trên đám lá, cái miệng nhỏ gặm hạt rột rẹc hoặc đuổi nhau chạy từ cành này sang cành khác. Mỗi khi có chị em muốn ra ngoài đi bộ ngắm cảnh thì cứ bận áo ấm vào, bước ra tới cửa là mưa lại rơi. Những cơn mưa cũng rất biết cách gây sự chú ý chứ nhỉ!
Cuối cùng chúng con cũng có dịp được đi bộ trên con đường phía trước tu viện. Những con đường thi thoảng mới có xe chạy qua đã trở thành đại lộ thênh thang cho những kẻ rong chơi. Đại chúng đã có một buổi cùng nhau đến công viên Minnewaska, cùng ăn trưa trên phiến đá thật to, uống trà ngắm lá thu chuyển màu và đi bộ dưới những tán lá rực rỡ sắc màu quanh hồ nước thật to với mặt hồ xanh thẳm.
Mùa thu đầu tiên của con ở nơi này thật đẹp!
Nhận diện
Cùng với việc tận hưởng mùa thu rực rỡ ở xứ lạnh vùng Đông Bắc nước Mỹ này, con bắt đầu làm quen với môi trường, cách làm việc và sinh hoạt mới. Dù tu viện Bích Nham cũng là một trong những trung tâm thuộc Làng Mai, nhưng mỗi nơi tùy theo môi trường xã hội và con người mà có một ít khác biệt trong sinh hoạt hàng ngày hay cách thức tổ chức.
Ở mỗi nơi con tới, luôn có những điều bản thân cần thay đổi để thích nghi và học hỏi thêm những cái mới, học chấp nhận sự khác biệt từ những người khác. Môi trường tu học mà Sư Ông xây dựng đã đào luyện cho con cách chấp nhận, thay đổi và thích ứng với ý thức về vô thường. Vô thường không còn là lý thuyết xa vời mà là những điều được tiếp xúc trong sự sống hàng ngày. Sư Ông thường đem những gì mình giảng dạy vào đời sống của tu viện, biến nó thành phương pháp thực tập để rèn luyện cho đệ tử. Con đã từng là người không thích sự thay đổi, không thích ứng kịp với những gì xảy ra đột ngột mà chưa được lên kế hoạch trước. Nhưng với nếp sống đào luyện của tu viện, con đã có thể xem chuyện thay đổi là lẽ thường. Đôi lúc con cũng cho mình được phàn nàn vài câu hay thở vài hơi rồi tập thích ứng với cái mới.
Trong một dịp ngồi chơi làm quen nhau ở phòng mới, chúng con và một sư cô hỏi han nhau về những gì cần được thông cảm, yểm trợ khi ở chung. Sư chị hỏi con thích điều gì nhất khi đi tu. Con trả lời điều con thích nhất khi tu tập là hiểu mình và được làm chính mình. Bao lâu nay, cái thấy đó luôn ở trong con cho dù có nhiều điều thú vị khác trong đời sống của người xuất sĩ. Bởi vì khi cảm giác đó đi lên đã đem đến cho con niềm hạnh phúc đủ đầy, và nuôi dưỡng con lâu dài.
Sau khoảng ba năm xuất gia, nhờ thực tập chánh niệm con nhận ra mình có xu hướng không dễ dàng tiếp nhận những người bạn mới. Có một sự phản kháng âm thầm trong cách con nói chuyện, nhìn và phản ứng với người khác. Ban đầu là phản ứng theo bản năng của mình, rồi dần dần con nhận ra được cảm giác khó chịu đi cùng với phản ứng ấy, cho đến nhận ra được hoàn cảnh xảy ra phản ứng. Khả năng nhận diện ra hành động, lời nói hay phản ứng của mình, cũng như khởi điểm của sự phản ứng đó ngay khi cảm xúc bắt đầu xuất hiện trong mình, đó đã là một bước làm cho con dễ chịu hơn rồi.
Sự thực tập cũng giúp con nhận diện ra cách mình nói chuyện với mọi người. Con cứ nghĩ rằng chắc ai cũng suy nghĩ theo cách của mình và hiểu ý mình nên lời con nói ra thường ngắn và ít câu chữ. Đôi lúc lại rơi vào việc nói dài dòng kể lể. Khi tu học, con có cơ hội được học và tập làm lại như một đứa bé. Con “học ăn, học nói, học gói, học mở” để lời nói được dễ nghe và dễ hiểu hơn.
Ôm ấp và chấp nhận
Khi chưa biết tu tập, mỗi khi buồn khổ hay không hài lòng điều gì, con để đợt sóng cảm xúc đó tràn ngập và nhấn chìm mình. Con thương chính mình lắm nhưng không biết làm sao để thoát ra, mà chỉ gặm nhấm nỗi đau và lâu lâu còn tự lôi nỗi khổ cũ ra để dằn vặt mình. Một vòng luẩn quẩn mờ mịt. Con không biết rằng những nỗi khổ đó xuất phát từ quan niệm, tư duy, cách hành xử hay sự thiếu hiểu biết của con. Những hành động, ứng xử hay phản ứng đều xảy ra một cách tự phát như lẽ đương nhiên “Tôi là vậy”. Nhưng thật sự, đôi lúc con cũng không hiểu bản thân mình.
Nhờ tập ý thức từng lời nói, hành động, tâm ý, con thấy được mình có thói quen này, cách hành xử kia, hay biết đâu là ưu, khuyết điểm của bản thân. Nhờ vậy, con thấu hiểu và cảm thông được với chính mình. Từng hơi thở chánh niệm cho con dừng lại kịp lúc, để trở về trị liệu và ôm ấp cảm xúc của mình, tự khuyên nhủ bản thân không làm điều gì có thể gây đổ vỡ trong những mối liên hệ. Vì thực sự, chỉ có bản thân mình mới là người hiểu và thương mình nhất thôi.
Ngọn nguồn và thấu hiểu
Thường thì sau khi chiến đấu với những tập khí của mình, với dằn vặt đúng sai, dù thắng hay thua, thì kết quả cuối có thể thấy là một chiến trường hoang tàn và chiến binh thì rã rời. Những ngày đầu con tập ngồi thiền và chiến đấu với trạo cử hay hôn trầm cũng vậy. Dù buổi đó con có tỉnh táo hơn được một chút thì cũng không có nhiều an lạc.
Sau này, con nhận ra do thân và tâm mình mỏi mệt, thiếu ngủ cũng dẫn đến hôn trầm. Vì cả ngày thân tâm náo động nên khi ngồi yên gây trạo cử. Như cái quạt máy khi bấm nút tắt thì cánh quạt vẫn còn quay cho đến khi chậm dần rồi mới tắt hẳn, thân tâm ta cũng cần thời gian để lắng xuống. Vì vậy, mỗi khi ngồi thiền mà buồn ngủ, con cho phép mình chìm xuống và hoàn toàn buông thư sâu trong vài giây. Sau đó cơ thể lại tỉnh dậy tiếp tục ngồi trong sự tỉnh táo hơn. Khi nào cơ thể bứt rứt, đầu óc không yên thì con thực tập buông thư, sau vài hơi thở năng lượng sẽ dịu lại. Từ đó những buổi ngồi thiền của con có bình an hơn và theo thời gian thì chất lượng ngồi thiền cũng tốt hơn.
Con cũng làm vậy với những tập khí khác của mình, tiếp tục nhận diện, ôm ấp mỗi lần chúng xuất hiện. Đôi lúc con tự nhủ rằng những gì mình đang suy nghĩ, nói hay làm có thể gây khó khăn cho mình, và rồi tiếp tục thở mà không tạo thêm ra chiến trường trong mình. Giữ sự thực tập đó, dần dần tần suất xuất hiện của những phản ứng theo tập khí giảm đi lúc nào không hay. Cho đến một ngày, trong lúc thực tập cùng đại chúng con bất chợt nhận ra vì sao mình không dễ dàng khi tiếp xúc với người mới hay không thích nghi được với những thay đổi đột ngột xảy ra trong đời sống. Vì trong con có cảm giác thiếu an toàn lúc thuở nhỏ, cảm giác phải chia sẻ tình thương, cần sự chú ý hay được công nhận từ người khác. Hay việc ít bày tỏ cảm xúc, ý muốn của mình khi còn nhỏ đã ảnh hưởng đến cách con truyền đạt lời nói khi lớn hơn. Từ chỗ không chấp nhận mình có những yếu điểm đó cho đến khi nhận ra đó là gia tài mà mình góp nhặt bao lâu nay từ hoàn cảnh xuất thân cũng như môi trường sinh sống, con càng hiểu và thương mình hơn.
Tự do
Vì luôn muốn mình là một phiên bản tốt nên con luôn cố gắng, thể hiện những gì tốt nhất của mình mà che đi những cái chưa đẹp. Dù con đã thực tập để chấp nhận những khuyết điểm đó, nhưng việc phô bày những điểm chưa hay, chưa đẹp đó ra với mọi người là một chuyện khác. Tới tận bây giờ sau mười hai năm đi cùng tăng thân, con mới có thể dễ dàng nói ra những yếu kém của mình. Điều quan trọng là con được sống thật với chính mình. Với con đó là sự tự do thật sự. Tự do khỏi những tri giác về chính bản thân mình. Điều này có được khi con thấu hiểu được bản thân, chấp nhận được những điểm chưa hoàn thiện, có lòng tin vào khả năng chuyển hóa và chính mình. Năm tháng tu tập trong tăng thân đã từng bước cho con xây dựng được mối liên hệ tin tưởng vào các chị em xung quanh. Cảm giác an toàn mà tăng thân mang lại và niềm tin của Sư Ông dành cho đệ tử, đã luôn là nguồn khuyến khích chúng con tu tập để chuyển hóa.
Con rất hạnh phúc mỗi khi khám phá bản thân mình, hiểu mình, thương được mình. Cảm giác được là chính mình và mỗi ngày mình sẽ là một phiên bản tốt hơn một cách tự nhiên mà không phải đi theo những thước đo gượng ép lý thuyết. Hành trình đó vẫn còn dài phía trước, nên con nguyện giữ gìn năng lượng, nuôi lớn dũng khí, nương vào sự yểm trợ của tăng thân và của mọi loài để tiếp tục bước tới.
Những trận tuyết đầu mùa đã rơi. Vạn vật trắng xóa với nét đẹp huyền ảo. Chúng con đi bộ vào rừng ngắm tuyết, uống trà, lắng nghe dòng suối róc rách giữa hai bờ tuyết phủ trắng xóa và ăn siro đá bào từ tuyết cho Sư Ông. Con mời mọi người cùng chúng con tận hưởng và trân quý những giây phút quý giá này.
Mỗi giây phút là một sự tái sinh
(Trích từ sách Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Trước khi chúa Jesus sinh ra thì Ngài ở đâu? Tôi đã hỏi nhiều người bạn Thiên chúa giáo câu hỏi này từ nhiều năm. Nếu chúng ta muốn nhìn sâu vào câu hỏi đó, ta phải tìm hiểu về cuộc đời và cái chết của Jesus như là những biểu hiện. Chúa không sinh ra từ hư vô được. Không phải chỉ từ Bethlehem mà Jesus trở thành một con người. Ngày Chúa ra đời chỉ là một sự biểu hiện; Jesus đã hiện hữu trước giây phút mà ta gọi là Giáng sinh đó. Vậy thì ta không nên gọi đó là đản sinh. Thật sự đó không phải là sự ra đời mà đó chỉ là một sự biểu hiện. Nhìn sự biểu hiện đó với con mắt trí tuệ, ta có cơ hội nhìn sâu vào con người Chúa Jesus. Ta có thể khám phá được sự thật về tính cách bất tử của Chúa. Ta có thể khám phá được tính cách vô sinh bất tử của bản chất chân thực của chính mình.
Người Thiên chúa giáo nói rằng Thượng Đế đã gửi người con duy nhất của Ngài là Jesus xuống thế gian. Vì có Thượng Đế, vì Jesus là một phần của Thượng Đế và là con Ngài, Jesus đã hiện hữu sẵn rồi. Ngày Chúa ra đời, dịp Giáng Sinh, chỉ là ngày Ngài biểu hiện ra chứ không phải mới sinh ra. Đó chỉ là ngày có sự biểu hiện.
Jesus vẫn còn biểu hiện trong nhiều ngàn phương cách. Ngài có mặt chung quanh bạn. Chúng ta cần tỉnh thức để nhận diện ra các biểu hiện của Ngài. Nếu bạn không có chú tâm và tỉnh thức thì bạn sẽ không thấy được các biểu hiện của Ngài. Buổi sáng khi đi thiền hành bạn có thể thấy Ngài biểu hiện trong một bông hoa, một giọt sương, trong tiếng hót của một con chim hay tiếng trẻ nô đùa trên sân cỏ. Chúng ta phải rất cẩn thận để không bị thiếu những điều đó.
Theo giáo pháp và trong các lý giải Phật giáo, chúng ta đều có chung nhau bản chất vô sinh bất diệt. Không chỉ loài người mà các loài vật, cây cỏ và đất đá cũng có cùng bản thể đó. Cái lá và bông hoa có chung bản chất không sinh không diệt. Bông hoa, cái lá hay đám mây đều có sự biểu hiện. Trong mùa Đông chúng ta không thấy hoa hướng dương hay con chuồn chuồn nào xuất hiện, ta không nghe chim cúc-cu hót. Hầu như chúng không hiện hữu trong mùa Đông. Nhưng ta biết quan niệm này sai. Vào đầu mùa Xuân, tất cả các sinh vật đó lại biểu hiện ra. Mùa Đông chúng đã ở một chỗ nào đó, dưới một hình thức biểu hiện khác, đợi cho các điều kiện thuận lợi mới lại xuất hiện. Cho rằng chúng không hiện hữu vào mùa Đông là một quan niệm sai lầm.
Qua đời không có nghĩa là mất đi
Ta cũng cần hỏi: “Nếu Jesus không sinh ra thì làm sao Ngài chết đi được? Dù cho bị đóng đinh, nhưng Ngài có ngừng hiện hữu không? Và Jesus có cần phục sinh không?”
Có thể nào việc đóng đinh Chúa không phải là cái chết của Ngài? Có thể đó là một sự ẩn tàng thôi? Bản chất thật của Ngài là vô sinh bất diệt. Đó là sự thật không chỉ dành cho Jesus. Trong ý nghĩa đó, đám mây cũng vậy, hoa hướng dương và tôi hay bạn cũng có cùng bản chất đó. Chúng ta không được sinh ra mà cũng không chết đi. Vì Jesus không bị chuyện sinh diệt ảnh hưởng nên chúng ta gọi Ngài là Chúa ngàn đời.
Nhìn vào sự vật bằng quan niệm biểu hiện là một sự hiểu biết sâu xa và có thực. Nếu người thân của bạn đã qua đời mà bạn nghĩ họ không còn hiện hữu, là một lầm lỗi. Hư không không thể trở thành một thứ gì. Hư không chẳng thể sinh ra một người nào đó. Đang từ có bạn không thể thành không. Đó là chân lý. Nếu người thương không còn biểu hiện ở hình tướng bạn thường thấy, đó không phải vì người kia không còn hiện hữu. Nếu nhìn cho kỹ, bạn có thể tiếp xúc được với người kia ở các biểu hiện khác.
Một ngày tôi cầm tay người cha vừa mới chôn cất đứa con trai nhỏ của ông. Tôi mời ông đi với tôi để tìm con trong các hình tướng mới. Cậu bé đã tới Làng Mai khi còn rất nhỏ, cậu được tu học và rất ưa ăn chay. Cậu bé đã lấy tiền túi ra để nhờ tôi mua mận trồng trong Làng. Cậu muốn tham dự vào việc giúp các trẻ em đói bằng cách trồng mận. Biết rằng mỗi cây mận sẽ ra nhiều trái, cậu cũng biết rằng chúng tôi có thể bán mận và gửi tiền cho trẻ em đói ở thế giới thứ ba. Cậu bé cũng học thiền hành, thiền tọa và nghe giảng Pháp rất giỏi. Khi cậu bé bị ốm, tôi tới nhà thương ở Bordeaux thăm cậu. Bé nói: “Sư Ông, con sẽ đi thiền hành cho Sư ông.” Cậu rất yếu nhưng ráng bước xuống giường và đi mấy bước rất đẹp. Sau đó ít bữa cậu bé chết. Trong ngày hỏa thiêu cậu, tôi rảy nước thiêng và tụng Tâm kinh cho cậu ta. Một tuần sau, tôi cầm tay cha cậu, đi thiền hành và chỉ cho ông những hình tướng mới của cậu bé. Chúng tôi cùng nhau đi thăm cây mận tôi đã trồng cho bé, và khi ngồi đó trong ánh chiều tà, chúng tôi nhìn thấy cậu vẫy chào chúng tôi từ các chồi nụ trên cây.
Nhìn sâu vào thực tại, bạn có thể thấy được nhiều điều. Bạn có thể vượt thoát được nhiều khổ đau và đối diện được với nhiều nhận thức sai lầm. Nếu chúng ta bước một cách êm ả vào bản môn, chúng ta sẽ không còn bị chìm đắm vào biển trầm luân của đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng nữa.
Tái biểu hiện
Trong bản môn (bình diện tuyệt đối), chúng ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa từng bị diệt đi. Trong tích môn (bình diện tương đối), chúng ta sống trong thất niệm và hiếm khi chúng ta biết sống thật sự. Chúng ta sống như người chết.
Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ Lạ (Stranger) của Albert Camus, nhân vật chính trong cơn tuyệt vọng và giận dữ đã bắn chết một người. Anh ta bị kết án tử hình vì tội đó. Một ngày nằm trên giường trong phòng giam, anh nhìn lên ô vuông có lắp kính trên trần. Bỗng nhiên anh ta có sự tỉnh thức và tiếp xúc được một cách sâu xa với bầu trời xanh phía trên. Anh chưa bao giờ nhìn trời như thế cả. Albert Camus gọi đó là giây phút lương tri, tức là giây phút tỉnh thức, có chánh niệm. Đối với người tử tù, đó là lần đầu tiên anh ta tiếp xúc được với bầu trời và thấy rõ sự mầu nhiệm.
Từ lúc đó, anh muốn duy trì tình trạng tỉnh thức sáng láng ấy. Anh ta tin rằng đó là loại năng lượng duy nhất có thể giúp anh sống còn. Anh chỉ còn ba ngày trước khi bị hành hình. Anh ta thực tập một mình trong tù để duy trì sự tỉnh thức, giữ cho chánh niệm sinh động. Anh mong ước sẽ sống từng giây phút còn lại một cách tròn đầy và tỉnh thức. Ngày cuối cùng, một linh mục tới thăm anh để làm nghi lễ lần chót cho anh. Người tù không muốn mất thì giờ và chánh niệm vì lễ lạc. Anh từ chối nhưng sau lại mở cửa mời vị linh mục vô. Khi ông Cha đi khỏi, người tù nhận ra là ông đã sống như người chết. Ông đó không có phẩm chất chánh niệm, tỉnh thức gì cả.
Nếu bạn sống mà không tỉnh thức thì cũng như bạn chết rồi vậy. Bạn không thể gọi đó là đời sống. Nhiều người trong chúng ta sống như người chết vì thiếu tỉnh thức. Chúng ta mang cái thây chết của mình đi tới đi lui khắp nơi. Chúng ta bị lôi về quá khứ hay kéo tới tương lai, và chúng ta bị kẹt trong các dự án hay các sân hận, tuyệt vọng. Chúng ta không thực sự sống, chúng ta không tỉnh thức để được hưởng sự mầu nhiệm của sự sống. Albert Camus chưa từng học Phật pháp, nhưng trong tiểu thuyết đó, ông đã nói về trái tim của sự thực tập trong đạo Bụt, giây phút có lương tri, có tỉnh thức sâu xa, nghĩa là có chánh niệm.
Sự thực tập phục sinh hay tái biểu hiện là chuyện khả dĩ có thể xảy ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta thực tập thì có thể được phục sinh, trở về được với thân tâm nhờ những hơi thở và bước chân chánh niệm. Nó sẽ tạo ra sự hiện diện thật sự của chúng ta ngay giờ phút này và ở đây. Và chúng ta được sống lại. Giống như người chết được tái sinh. Chúng ta không còn bị quá khứ và tương lai ràng buộc, chúng ta tự do thiết lập liên hệ với hiện tại và ngay ở đây. Chúng ta hiện diện toàn phần lúc này và tại nơi này, và chúng ta sống thật sự. Đó là phép thực tập căn bản của đạo Bụt. Khi bạn ăn, uống, thở, đi hay ngồi bạn đều có thể thực tập sự phục sinh. Luôn luôn làm cho bạn được ở trong hiện tại và ngay tại đây, thiết lập sự có mặt hoàn toàn và sống động. Đó là phép thực tập phục sinh đích thật.
Lộc Uyển mùa an
(Sư cô Chân Trăng Chùa Xưa)
Bạn ơi, những đêm trăng trên vùng sa mạc núi đá ở tu viện Lộc Uyển đẹp không thể diễn tả. Đây là mùa an cư đầu tiên của mình ở xóm Trong Sáng. Mỗi buổi sớm mai, mình có cả bầu trời với ánh trăng và hàng triệu ngôi sao lấp lánh soi tỏ suốt con đường thơm từ ni xá lên tới thiền đường Thái Bình Dương. Tiếng chuông đại hồng vang vọng, đất trời tràn ngập hương hoa cam, hương lá sage, khuynh diệp và bao nhiêu loài cỏ dại…
Đã hơn mười năm rồi, vùng đất này gặp hạn hán và thiếu mưa nên mùa hè mang màu nâu còn mùa đông thì xanh thắm. Những ngày hè về, mặt đất và lá cây chuyển dần sang màu nâu, thân cành sẫm lại và khô héo tựa như nước đã bị bốc hơi hết. Vì vậy, đối với người mới đến đây, nhìn vào cứ ngỡ rằng cây đã chết. Nhưng thực ra cây đang trở về nuôi dưỡng gốc rễ; nhựa sống cô đặc ở bên trong. Sự sống trở nên khiêm tốn và nhu nhuyến. Có lẽ trong môi trường khắc nghiệt như vậy nên cây nào cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt. Nắng càng gắt thì hương hoa, hương lá cây càng đậm đà và màu hoa cũng rất riêng.
Đông sang, đất trời trở lạnh mang theo những giọt sương đêm như gọi sự sống quay về. Mầm non từ từ trỗi dậy khi mặt đất đã thấm đẫm sương mai. Bãi cỏ chuyển dần sang màu xanh non. Cành lá cũng đâm chồi nảy lộc. Cây cối như được hồi sinh trở lại.
Ngắm nhìn rừng hoa tăng thân, con thấy sư cô trụ trì và tất cả quý sư cô lớn nơi đây cũng như những gốc đại thụ, kiên trì, nhu nhuyến, dù đi qua bao khó khăn vẫn tỏa hương thiền thơm ngát.
Đàn nai đã trở về Lộc Uyển, bạn biết chưa?
Ni xá xóm Trong Sáng nằm giữa thung lũng núi đá và rừng sồi nên từ bất cứ góc cửa sổ phòng nào nhìn ra cũng thấy được núi cao và trời xanh. Nếu ai đó lần đầu tiên tới thì chắc hẳn sẽ không biết rằng ẩn giữa những ngọn núi kia có một ni xá với gần bốn mươi sư cô.
Hồi chưa có tu viện Lộc Uyển, nơi này từng là bãi bắn phạm nhân. Tiếng súng đã làm những chú nai sợ mà bỏ chạy lên tận núi cao. Những vị thường trú ở đây mấy chục năm rồi cũng không thấy nai về nữa. Bữa nọ, ni xá bỗng xôn xao tiếng cười, hóa ra vì có bốn chú nai trở về. Quý sư cô trẻ mới nhập chúng Lộc Uyển đang thích thú ngắm chúng thong thả dạo chơi trong những cánh rừng sồi dưới xóm Trong Sáng và xóm Vững Chãi. Bốn chú nai ấy cũng được tính vào số lượng thành viên tham gia trọn vẹn chín mươi ngày an cư cùng với một trăm vị xuất sĩ và cư sĩ năm nay.
Bạn thấy không, đàn nai cũng giống như mười một sư cô trẻ mới từ các trung tâm khác về Lộc Uyển nhập chúng tu học, mang theo sự trong sáng, vui tươi, năng động và thổi vào rừng núi hùng thiêng một gam màu tươi vui.
Món ăn được mong đợi nhất
Chia sẻ về hành trình đi tìm đời sống tâm linh của các anh chị em xuất sĩ vào ngày thứ Năm hằng tuần trong mùa an cư năm nay là món ăn được mong đợi nhất. Cánh cửa trái tim được mở rộng ra trong lòng mỗi sư anh, sư chị và sư em.
Lần đầu tiên, đại chúng có cơ hội được lắng nghe Sư cô trụ trì sau nhiều năm xuất gia chia sẻ về lý do vì sao sư cô quyết định rời ngôi chùa riêng để về sống và tu học chung với đại chúng. Được sống và tu học trong lòng tăng thân, sư cô cảm nhận được tình huynh đệ. Sư cô có đủ không gian, thời gian để trải nghiệm và hành trì các pháp môn được tiếp nhận từ Sư Ông. Những điều kiện ấy đã giúp sư cô tiếp xúc được với chất liệu của một người tu mà sư cô không có nhiều cơ hội được cảm nhận khi sống ở chùa riêng. Đồng thời, chí nguyện muốn tiếp nối Sư Ông để chăm sóc, thương yêu và có mặt với các sư em cũng được vun bồi và nuôi lớn thêm. Mỗi sáng tinh mơ, khi chuông thức chúng còn chưa thỉnh, sư cô đã có mặt thắp nến, dâng trầm thơm trong cốc Sư Ông và nơi thờ Bồ tát Quan Thế Âm giữa vườn ni xá. Hình ảnh ấy đã lan tỏa hơi ấm tâm linh giữa mùa đông băng giá.
Đại chúng còn được nghe câu chuyện về sư cô lớn tuổi nhất ni xá với biệt hiệu “thiên thần quét lá”. Sư cô kể khi vào chùa, sư cô mới học viết, học đọc chữ quốc ngữ. Ở tuổi chín mươi tư, tuy phải chống gậy mỗi lần di chuyển, nhưng sư cô luôn đều đặn tham gia thời khóa cùng đại chúng và tụng kinh cúng cơm cho Bụt mỗi ngày không ngơi nghỉ.
Rồi cả những câu chuyện nuôi dưỡng và đầy cảm hứng trong những buổi ngồi chơi giữa các sư em mới xuất gia với quý sư anh lớn. Những câu hỏi thú vị được đặt ra xoay quanh lý tưởng tu học và phụng sự của một người xuất sĩ cho đến những vấn đề thực tế mà một người tu trẻ có thể gặp phải trên con đường cùng đi với tăng thân. Gia đình xuất sĩ dường như xích lại gần nhau hơn và được tiếp thêm nguồn cảm hứng để cùng nhau đi trên con đường thực tập.
Dòng sông đang đi tới
An cư năm nay, tu viện Lộc Uyển đón chào gia đình xuất gia Cây Táo Nhỏ – Cây Manzanita, với sự biểu hiện của hai sư chú: Chân Nhất Ấn và Chân Nhất Hướng. Cây Manzanita là một loài cây quý hiếm của vùng đất này. Mùa an cư cũng là mùa cây nở hoa, khắp núi rừng lung linh những chùm hoa trắng, hồng như những chiếc bông tai, hay những chiếc đèn chụp nhỏ xíu khắp nơi.
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Đại chúng chào đón thêm hai vị tân giáo thọ là sư cô Nhất Nghiêm và sư cô Trăng Thủy Tiên; được sư cô Chân Không trực tiếp truyền đăng. Đồng thời, có ba sư em chuẩn bị để được về Thái Lan thọ giới lớn vào đầu năm tới. Sau chín mươi ngày an cư, trong hơn bốn mươi cư sĩ đã có sáu bạn trẻ xin được làm tập sự xuất gia. Ngoài ra, đại chúng sẽ cùng xây dựng chương trình tu học dài hạn cho những bạn có tâm muốn tu học và phụng sự dưới hình thức cư sĩ tại tu viện.
Khi nào bạn đến tu viện Lộc Uyển, mình sẽ cùng đi leo núi để ngắm bình minh lên và đón hoàng hôn về hay chỉ là tận hưởng mây trời bao la. Lộc Uyển rộng lắm và phần lớn là núi rừng. Ngóc ngách nào cũng thật đẹp! Cứ mỗi hai tuần vào thứ Tư, tứ chúng lại mang ba lô trên vai, cùng leo núi Escondido từ lúc trời còn tờ mờ sương. Cả trăm người cùng nhau ngồi thiền và cùng đón mặt trời lên. Giữa một bên là thành phố với đèn xe tấp nập, bên kia là tháp chuông, thiền đường, tăng xá, ni xá yên tĩnh ẩn náu trong chốn núi rừng trong xanh, mình đâu cần phải quán chiếu gì nhiều về cái động và cái tĩnh nữa, phải không bạn? Thi thoảng ngày làm biếng, gia đình xuất sĩ sẽ cùng leo núi với nhau. Những chiếc áo nâu ngồi yên bên nhau giữa rừng núi linh thiêng trong hương lá sage với chén trà thơm, tiếng chim hót và cùng hát cho nhau nghe.
Mùa an cư luôn có những lớp học thú vị. Quý sư cô mới lần đầu đến Mỹ được tham dự vào lớp văn hóa Mỹ do chú Kenley- giáo thọ cư sĩ người Mỹ phụ trách. Lớp Anh Văn với nhiều trình độ khác nhau do thầy Pháp Dung, thầy Pháp Lưu, sư cô Kính Nghiêm, sư cô Đẳng Nghiêm hướng dẫn. Lớp tiếng Việt do sư chị Lễ Nghiêm đảm nhận. Lớp nghi lễ được dạy bởi sư cô Khuê Nghiêm và sư cô Thần Nghiêm. Các lớp Giới từ cấp tập sự, sadi, tân tỳ kheo ni đến giáo thọ đều được mở ra bởi các giới sư nhiệt tình, với tình thương mà hết lòng dìu dắt đàn em út.
Hai tuần một lần, đại chúng lại có một buổi chấp tác chung vào thứ Bảy với sự tham gia rất đông vui của các vị cư sĩ dưới phố. Hình ảnh thầy Pháp Nhĩ – tri sự xóm Vững Chãi ra hướng dẫn công việc cho đại chúng trước mỗi buổi chấp tác bằng tiếng Anh luôn nuôi dưỡng tăng thân. Một con đường leo núi mới đã hình thành bởi sự góp sức của của thầy Pháp Lưu cùng anh chị em xuất sĩ mang lại sự thích thú cho nhiều người. Sắp tới, quý thầy sẽ xây dựng thêm sáu phòng tăng xá để có thêm chỗ ở. Một nhóm quý sư cô đã tình nguyện viết thư pháp lên đá, lên ly,… để phát hành và kêu gọi cúng dường sau mỗi ngày quán niệm Chủ nhật. Chín mươi ngày an cư vừa khép lại thật viên mãn. Đại chúng đang được làm biếng ba ngày trước khi vào khóa tu Holiday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Bạn à, khi nào đủ nhân duyên, mời bạn về Lộc Uyển nhé! Không khí tu học và phụng sự của đại chúng đang lên cao, thấm tình huynh đệ và vui tươi lắm. Nắng đã lên, hẹn gặp sư bạn trong mỗi bước chân thiền hành nhé!
– Xóm Trong Sáng, tu viện Lộc Uyển, mùa An cư 2022 –
Thầy tổ gọi con về
(Sư cô Trăng Hiền Nhân)
Sư cô Trăng Hiền Nhân, người Pháp, xuất gia năm 2018 trong gia đình Cây Dẻ Gai. Sư cô hiện đang tu học tại xóm Mới, Làng Mai. Bài viết được dịch từ tiếng Anh.
Kính bạch Thầy,
Kính thưa đại chúng,
Làng đang vào thu. Những tia nắng xuyên qua những đám mây trên nền trời hồng sẫm của buổi sớm mai. Vẻ đẹp sững sờ của những chiếc lá đang nhảy múa đầy hứng khởi với sự sống, tất cả như đang diễn bày một pháp hội cho mọi người thưởng thức. Xóm Mới càng thêm đẹp hơn bởi sắc màu rực rỡ của nhiều loại cúc khác nhau.
Một vài ngày trước, một đóa cúc vàng bỗng nhiên lọt vào mắt con, ngay khi con chuẩn bị bước vào buổi pháp đàm với đại chúng. Dường như bông hoa ấy có điều gì muốn nói riêng với con thì phải. Con liền đem chậu cúc ấy đặt vào giữa vòng tròn nơi mọi người đang chuẩn bị pháp đàm. Khi con ngồi xuống, hình ảnh bà ngoại chợt đi lên trong con. Bà con đến từ Mexico, một đất nước luôn coi trọng và nhớ tưởng đến tổ tiên của mình, coi đó là một yếu tố vô cùng quan trọng của nền văn hóa, đặc biệt là vào thời gian này trong năm.
Bà ngoại con qua đời vào mùa thu năm ngoái, lúc ấy con đang an cư cùng đại chúng ở Làng. Tới thời điểm đó, con mới nhận ra sự tương đồng giữa hai nền văn hóa Mexico và Việt Nam trong cách tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Những gì con được thấy quý sư cô người Việt thường làm trong những ngày kỵ giỗ như nấu một vài món ăn, trang trí bàn thờ, tụng một thời kinh, con chợt nhận ra mình cũng đang làm những điều đó cho bà. Con cảm thấy thật tự nhiên và thân thuộc.
Trong giờ nghỉ trưa, khi nhà bếp đã rảnh, con liền nấu món đậu nghiền chiên, một món ăn truyền thống mà bà đã nấu cho con biết bao nhiêu lần. Con không biết công thức. Con chỉ nhớ về những hình ảnh trong ký ức, khi bà đang nấu ăn và con thì đang ngồi trong bếp, học vẽ, ăn quà, nói chuyện với bà hay đang làm một bài thơ.
Buổi lễ cầu siêu cho bà diễn ra vào một buổi tối, trong thiền đường Nến Hồng. Trên bàn thờ có bức hình và bức thư mà con viết cho bà bằng tiếng Tây Ban Nha. Buổi lễ diễn ra bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ mà con thường nói chuyện với bà, ngoài tiếng Tây Ban Nha. Con mời thêm một vài quý sư cô nữa cùng tham dự. Quý sư cô rất dễ thương và hết lòng yểm trợ. Con soạn một chương trình đơn giản và chúng con tập họp lại với nhau. Đó thật là giây phút hiếm có và xúc động cho tất cả chúng con.
Bà con mất vào thời gian đại dịch đang diễn ra, con không thể cùng mẹ có mặt với bà trong bệnh viện hay dự đám tang được. Mẹ con cũng không thể nào tổ chức một tang lễ đàng hoàng trong thời gian dịch bệnh. Vì vậy, nhân dịp này, con mời mẹ cùng tham dự với chúng con qua Zoom. Mẹ con rất xúc động. Bà đã khóc trong suốt buổi lễ. Bà khóc khi con đọc lá thư mà con viết cho bà ngoại. Bà khóc khi nhìn thấy bàn thờ, bao kỷ niệm về quê hương Mexico bỗng ùa về. Bà khóc khi nhìn thấy sự có mặt của quý sư cô. Trái tim mẹ con mềm dịu hẳn. Mẹ bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về con đường mà con đã chọn. Điều này cũng bắt nguồn từ tình thương sâu sắc và vô bờ bến mà bà ngoại đã dành cho con.
Năm nay, khi thả mình trong biển hoa cúc đủ màu sắc, có cái gì đó mở ra trong con. Một buổi tối, trong Phật đường, sau khi thực tập sám pháp địa xúc trước Bụt, Bồ tát Quán Thế Âm, Thầy và các vị tổ tiên tâm linh, bỗng có điều gì đó thôi thúc con thực tập đảnh lễ trước chư vị tổ tiên huyết thống. Con hướng về tổ tiên và chí thành lạy xuống với năm vóc sát đất. Khi con mở lòng mình với chư vị tổ tiên huyết thống, niềm vui và sự nhẹ nhõm bắt đầu có mặt trong con. Năng lượng mà con đang tiếp xúc được không phải là năng lượng của khổ đau. Ngược lại, đó là nguồn năng lượng tích cực mang con đến gần với bản thân mình hơn và với sự sống. Khi con kết nối với ba, mẹ, ông bà bên nội và bên ngoại, trong giây phút đó, con tiếp xúc được với nguồn sống trong con. Nguồn sống ấy đang được biểu hiện thành sức mạnh, niềm đam mê, ý chí quyết tâm không thể lay chuyển, những tài năng, sự nhạy cảm sâu sắc, và một tình thương bao la. Khi đứng lên, con thấy mình đủ đầy, vững chãi, bình an và tự do hơn.
Niềm biết ơn đối với nếp sống của người xuất sĩ, với Thầy, với tăng thân dâng trào trong con. Con ý thức rằng nếu không có Tam Bảo, không có sự thực tập hằng ngày, không có tình thương mà tăng thân dành cho, không có đầy đủ những duyên lành thì con sẽ không thể nào trải nghiệm được những gì mà con đang đi qua ngay trong giây phút đó. Con nhận ra tổ tiên tâm linh và huyết thống của con không tách biệt. Những hạt giống mà con đã tiếp nhận từ hai dòng chảy tâm linh và huyết thống đang làm cho con được biểu hiện trong tăng thân như hôm nay. Là một người xuất sĩ, con đang học làm một cánh đồng, để cho tất cả những hạt giống tốt được nhẹ nhàng đi lên từ lòng đất và nảy mầm, đơm hoa kết trái.
Được trở thành một người xuất gia trên đất nước mà con đã sinh ra, con có nhiều cơ hội để tiếp xúc với tổ tiên đất đai của mình. Xóm Mới, nơi con đang tu học, thuộc làng Dieulivol. Ngôi làng này có một nhà thờ cổ rất đẹp nhìn ra cánh đồng, chỉ hai mươi phút đi bộ từ xóm Mới. Khi con đến nhà thờ và trở về được với không gian bình an trong tự thân, con thấy mình kết nối được với các thế hệ tổ tiên người Pháp.
Con cũng có cảm giác như vậy khi ngồi trong phòng điện thoại ở xóm Mới. Những họa tiết trang trí của căn phòng nhắc con nhớ về những tác phẩm được viết bởi Balzac, một nhà văn nổi tiếng vào thế kỷ 19 của Pháp. Đặc biệt vào những buổi sáng sớm hay chiều tối, khi đất trời yên lắng, con chỉ thích ngồi yên và cho phép mình được thấm nhuần không khí đó. Con tiếp xúc với mạch sống đang luân chuyển qua nhiều thế hệ, với những hình ảnh đầm ấm của gia đình chảy trong tâm thức con. Con không biết tại sao, có vẻ như văn hóa Pháp với sự giàu đẹp của nó, sự biện tài và những hình ảnh oanh liệt của lịch sử Pháp đi lên trong con, và con tận hưởng phút giây ngồi chơi với tất cả những điều đó. Đâu đó là sự đan xen với những kỷ niệm thời thơ ấu của những giờ học ở trường, hay những lúc một mình đắm chìm hàng giờ trong một cuốn sách nào đó. Đó là cảm giác của sự thuộc về và cắm rễ, của sự thân thuộc.
Với con, có cơ hội kết nối với tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và tổ tiên đất đai là món quà quý giá nhất của nếp sống xuất sĩ. Tổ tiên huyết thống của con đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Pháp, Canada, Mexico và Đức. Con cũng đã sống ở nhiều nơi, vì ba con là một nhà ngoại giao. Sở thích của ba là được đi du lịch cùng anh em con. Vì vậy, con được thừa hưởng sự đa dạng và phong phú cũng như sự cởi mở từ nhiều văn hóa, nhưng bên cạnh đó đôi lúc con có cảm giác không biết mình thuộc về nơi nào. Vì vậy, khi trở về tiếp xúc với những gốc rễ trong mình và cảm nhận được sự kết nối, con thấy mình được trị liệu sâu sắc.
Con được xuất gia cùng với các anh chị em khác trong gia đình cây Dẻ Gai vào ngày 25.10.2018. Đó là ngày Thầy từ Thái Lan về Việt Nam. Buổi lễ dẫn thỉnh được diễn ra vào ngày giỗ Sơ Tổ Tăng Hội. Vì vậy, năng lượng của tổ tiên tâm linh yểm trợ cho buổi lễ xuất gia rất hùng tráng.
Mặc dù được sinh ra ở phương Tây, con có cảm giác mình rất gần gũi với văn hóa Á Đông. Thỉnh thoảng, quý sư cô chọc con rằng chắc kiếp trước con được sinh ra ở Á Đông. Vào dịp Tết nguyên đán, con thường bốc Kiều, đặt niềm tin rằng tổ tiên tâm linh sẽ hướng dẫn cho con trong năm mới. Năm nay, con nhận ra chư vị đã mang con về xóm Mới khi con được chuyển về đây để tiếp tục tu học.
Vừa mới đây, con nhận được tin rằng chúng con sẽ được về Thái Lan để thọ giới lớn. Trái tim con đong đầy niềm vui và sự tin cậy. Con đã được nhận 10 giới sadi ni vào ngày mà Thầy bay từ Thái về lại quê hương, và giờ đây, con lại được về thăm Á châu, quê hương của tổ tiên tâm linh vào khoảnh khắc rất đặc biệt trong cuộc đời người xuất sĩ của mình. Đúng là tổ tiên đang gọi con về nhà!
Tưới hoa
(Trích từ sách Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu của thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Tưới hoa là một pháp môn thực tập có công năng đem lại sự nuôi dưỡng và trị liệu cho nhau. Trong đời sống hàng ngày, ta có thể thực tập tưới tẩm cho nhau những hạt giống tích cực như những hạt giống của niềm vui, hạnh phúc, thương yêu, tha thứ, tài năng v.v… chúng ta tuyệt đối không tưới tẩm cho nhau những hạt giống tiêu cực như buồn giận, khổ đau, trách móc và thù hận v.v… Đó gọi là pháp môn tưới hoa.
Trong tâm thức của mỗi người chúng ta đều có sẵn những hạt giống tốt, lành mạnh và hạt giống không lành mạnh. Vì vậy muốn cho người thương của ta được tươi mát, hạnh phúc, ta chỉ nên tưới tẩm những hạt giống tốt cho người đó để những đóa hoa nơi người đó được nở tươi. Khi ta làm cho người kia nở được nụ cười tươi mát, thì ta cũng được hưởng lây.
Phép thực tập này không tốn nhiều thì giờ, công sức, nhưng đem lại kết quả rất mau chóng. Ví dụ, ta có một người chị có tài cắm hoa, nghệ thuật cắm hóa của chị rất độc đáo. Nhưng không biết vì lý do gì mà bấy lâu nay chị mình không cắm hoa nữa, trông chị lộ vẻ buồn rầu, mất thăng bằng trong đời sống. Ý thức được tình trạng của chị, ta có thể thực tập pháp môn tưới hoa cho chị, chỉ cần vài câu nói khích lệ là có thể làm sống dậy được niềm vui nơi chị mình và giúp chị mình phục hồi lại được sự thăng bằng của tâm lý. Đôi khi ta chỉ mất vài ngày là có thể giúp chị mình phục hồi lại được toàn vẹn niềm an vui của chị. Ta có thể tới với chị của mình và nói như thế này: ”Chị ơi! Lâu quá em không thấy chị cắm hoa để chưng trên bàn thờ và trong các phòng khách, phòng ăn và nhà vệ sinh. Em nhớ mỗi lần chị cắm hoa và trang trí nơi những chổ ấy thì cả căn nhà tự dưng tươi sáng và đẹp hẳn lên; ai ai trong gia đình cũng thừa hưởng được niềm vui và hạnh phúc với tài cắm hoa của chị. Chị thật khéo tay. Nhưng không hiểu vì sao mà lâu nay em không thấy chị cắm hoa nữa. Chị ơi, sao chị nở làm như vậy! Những bình hoa chị cắm luôn luôn đem lại cho gia đình thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Xin chị cắm cho em vài bình hoa đi chị. Em thích nghệ thuật cắm hoa của chị lắm!”
Ngồi bên cạnh chị của mình, nhìn chị, mỉm cười và nói lên những lời khích lệ dễ thương và chân thật như thế, ta sẽ chạm tới được những hạt giống hạnh phúc của chị, bởi vì chị mình thật sự có tài cắm hoa và luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi cắm hoa. Trong khi tâm hồn đang buồn bã, chán nản, chị mình có thể nói rằng: ”Thôi đi, chị không cần em an ủi chị. Chị không có hứng cắm hoa.” Nhưng có thể sau khi mình đi rồi, chị sẽ đứng dậy, đi lấy kéo và ra vườn cắt hoa vào cắm. Trong lúc cắt hoa, chị có cơ hội ngắm từng nụ hoa cành lá và chất liệu xinh đẹp, tươi mát của hoa sẽ làm cho chị tươi vui ra và niềm vui trong chị được khôi phục trở lại. Sau khi cắt hoa xong, chị đem vào nhà, bỏ ra nửa giờ để cắm những bình hoa thật đẹp.
Trong thời gian cắm hoa, hạt giống của hạnh phúc trong lòng chị được tưới tẩm. Cắm hoa cho những người thương của mình là niềm vui rất lớn của chị mà bấy lâu nay bị lấp vùi. Lúc đầu quý vị tưới tẩm hạt giống của niềm vui và hạnh phúc nơi chị, sau đó chị tiếp tục tự tưới hoa cho mình bằng cách cắm hoa. Khi gặp lại chị, ta sẽ thấy chị đã thay đổi. Chị đã có thể mỉm cười và đó là nhờ sự giúp đỡ của ta. Nếu thương người nào, ta nên thực tập tưới hoa nơi người ấy mỗi ngày. Đây là phép thực tập rất dễ làm. Ta nhìn sâu (quán chiếu) vào người thương của ta và nhận diện cho được những hạt giống tốt, tích cực nơi người ấy và tìm cách khéo léo để giúp người ấy thấy và làm cho chúng phát triển, bởi vì trong chúng ta đều sẵn có những hạt giống tốt.
Pháp môn tưới hoa phải được thực tập hết lòng, chân thành và phải được căn cứ trên sự thật. Mình không nên tưới hoa một cách máy móc, sống sượng và có tính cách xả giao. Muốn thực tập pháp môn tưới hoa thành công, chúng ta phải thiết lập năng lực Niệm, Định và Tuệ vững vàng. Chúng ta chỉ có thể nói những điều mà chúng ta tin là có thực. Khi thấy người kia có những tài năng, những đức tính tốt, những hạt giống dễ thương nào, thì quý vị công nhận và tưới tẩm: ”Thưa ba, thưa mẹ, thưa anh, thưa chị… con thấy ba, mẹ, anh, chị… có những hạt giống rất đẹp, rất dễ thương. Những hạt giống ấy nếu được phát triển sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho cả gia đình và cho rất nhiều người.” Rồi mình liệt kê ra những cái hay cái đẹp ấy. Nếu không thực tập, người kia sẽ không biết rằng trong mình có những hạt giống tốt đẹp như vậy. Chúng ta có thể giúp cho người thân của mình biết cách tiếp xúc và tự tưới tẩm những hạt giống tốt trong họ. Chúng ta nhận diện hạt giống nơi người kia và nói cho người kia biết rằng những hạt giống ấy rất quý giá và cần được phát triển thường xuyên để tự nuôi dưỡng mình và những người mình thương. Khi người kia hạnh phúc thì mình cũng được hạnh phúc.
Tâm an thế giới an
(Trích sách Kết một tràng hoa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Trong đạo Bụt, ta thường hay nói tới ba năng lượng, ba chất độc (tam độc): tham dục, sân hận và si mê. Những chất độc này là những tâm hành tiêu huỷ thân tâm của ta và tiêu huỷ thế giới. Có những chất độc thuộc về phạm vi hoá học hay vật lý hiện đang làm ô nhiễm môi trường. Những chất độc hoá học đi vào trong nước, trong không khí, trong đất gây độc hại cho sự sống, đang tiêu diệt sự sống. Các nhà khoa học, các nhà chính trị đang tìm cách khử diệt chúng. Hiện giờ địa cầu bị hâm nóng là do chất khí CO2 quá nhiều trong không khí, gây nên “hiệu ứng nhà kính”, vì vậy các nhà khoa học đang tìm cách để chuyển hoá hoặc giảm bớt nó. Khoa học nói rằng ta có thể cô đọng chất CO2 lại, nhốt vào trong tảng đá lớn, rồi chôn ở trong lòng đất. Họ còn cho chúng ta biết rằng cây cối có khả năng hút chất CO2 và chuyển hoá, nhưng hiện nay chúng ta không những không có đủ cây cối, mà chúng ta còn chật thêm cây, đốn thêm rừng. Trong nông nghiệp, khi trồng trọt ta sử dụng quá nhiều chất độc hoá học làm ô nhiễm đất đai, sông hồ, làm ô nhiễm luôn cơ thể của con người. Trong công nghệ, sự sử dụng xe hơi và kỹ thuật chăn nuôi cũng tạo ra rất nhiều chất độc. Nếu khí hậu thay đổi mà ta không thể ngăn cản được thì trái đất nóng lên, băng tan thành nước, những thành phố gần bờ biển bị tràn ngập và hàng triệu người sẽ bị chết. Người ta biết trước như vậy.
Trong kinh nói tới độc tố tâm lý là tham, sân và si. Sự tàn phá của các độc tố này cũng ghê gớm không kém gì độc tố hoá học. Vì tham cho nên có chiến tranh, muốn xứ của ta có đủ năng lượng cho guồng máy khổng lồ của quốc gia nên ta đem quân đội đi xâm chiếm vùng có dầu lửa. Tham lam, sợ hãi là những chất độc tâm lý chứ không phải chất độc vật lý, Chính chất độc tâm lý đó tạo ra chiến tranh, gây nên đổ vỡ. Nếu có chiến tranh, nếu có khủng bố và có chống khủng bố, thì tất cả đều do sợ hãi và bạo động (sân tức là bạo động) mà ra. Cái sợ, cái tham và cái sân có sức tàn phá ghê gớm. Những chất độc đó do ta chế tác ra quá nhiều trong đời sống hàng ngày và sức mạnh của chất độc tâm lý đó tàn phá đời sống của ta còn nhiều hơn là chất độc hoá học.
Chứng bệnh AIDS được truyền qua con đường dâm dục bởi những người đống tính và những người dị tính. Bệnh AIDS đó tiêu diệt hàng triệu người ở châu Phi cũng như ở những nơi khác. Lưỡi hái của thần chết AIDS kết liễu sinh mạng hàng triệu người và sức tàn phá của nó còn mạnh hơn sức tàn phá của bom nguyên tử. Vì không giữ giới thứ ba nên người ta đã để cho con vi khuẩn đó được truyền đi một cách rất mau chóng qua đường dâm dục và làm cho hàng triệu người chết. Hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki giết chết khoảng 200.000 (hai trăm ngàn) người, còn bệnh AIDS đã giết hàng triệu người. Chúng ta đừng nói chỉ có chất độc hoá học mới độc hại cho sự sống, chất độc trong tâm cũng ghê gớm lắm. Tu là để nhận diện chất độc ở bên trong và tìm cách để chuyển hoá những chất độc đó.
Mỗi khi có tâm hành tham dục phát khởi, ta phải có khả năng nhận diện nó, vì nó có sức phá hoại rất lớn, nó tiêu diệt ta và những người xung quanh ta. Ta phải dùng phương tiện nào để có thể chuyển hoá nó? Đức Thế Tôn dạy rất kỹ: Nếu có niệm, định, tuệ thì ta có thể ngăn chặn và chuyển hoá được tâm hành tham. Khi khát nước, thấy một ly nước màu hồng rất đẹp, ta thấy thèm và rất muốn uống. Nhưng người ta cảnh báo ta, uống nước này vào sẽ chết, mà nếu không chết thì cũng ngất ngư. Vì khát quá, ta cũng muốn uống, nhưng nhờ có trí tuệ nên ta đã không uống, vì ta biết rằng uống vào ta sẽ chết. Khi một tâm hành bạo động và sân hận phát khởi, là một hành giả ta phải có khả năng nhận diện được nó:
- Thở vào, tôi biết đây là năng lượng của bạo động, giận hờn; năng lượng này đang tàn phá tôi và đẩy tôi tàn phá người khác, cho nên tôi phải tìm cách hoá giải nó.
Phương cách của đạo Bụt là phải có tuệ, phải có từ bi. Có hiểu được, thì có thể thương được và khi có hiểu, có thương thì cơn giận kia tan biến. Là người tu, ta phải biết cách dùng tâm hành này để chuyển hoá tâm hành kia. Những tâm hành như niệm, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả ta có thể chế tác được và khi có những tâm hành đó rồi, ta có thể chuyển hoá được tâm hành sân, si, mạn, nghi, kiêu, sợ hãi, v.v…
Ngoài đời, người ta lo đối trị với chất độc hoá học; còn trong đạo, ta chỉ lo đối trị độc tố trong tâm. Ta phải gọi được tên của từng độc tố một. Ta phải học cách để có thể nhận diện từng độc tố đó và biết phương pháp trung hoà, hoá giải chúng.
Đạo Bụt thấy khổ và vui tương tức, cũng như hoa và rác tương tức. Nếu hoa và rác đều là chất hữu cơ, thì hoa có thể trở thành rác và rác có thể trở thành hoa. Những tâm hành của ta cũng vậy, thương cũng có trở thành ghét. Ban đầu người ta thương nhau quá, nhưng nếu không biết cách thương thì sau vài năm thương biến thành ghét. Cái thương và cái ghét cũng là chất hữu cơ, cho nên cái thương có thể trở thành cái ghét và cái ghét cũng có thể trở thành cái thương. Nếu biết ủ phân, ủ rác cho khéo, ta sẽ có đủ chất bổ để nuôi hoa, ta không còn gì phải sợ. Những chất liệu tham, sân, si đó ta không cần phải đào đất chôn kỹ như người ta nghĩ tới chuyện chôn CO2, ta có thể chuyển rác thành hoa. Có tuệ, có từ, có bi, ta có thể chuyển hoá được tâm hành độc hại trong con người của ta và giúp cho xã hội cũng chuyển hoá được tâm hành độc hại đó. Đó là bổn phận của người tu.
Ở ngoài đời, người ta có phòng thí nghiệm nghiên cứu làm thế nào để chuyển hoá chất độc hoá học. Đối với người tu chúng ta, ngồi trong thiền đường nghiên cứu làm sao để chuyển hoá được độc tố ở trong lòng tiết ra. Đó là công việc của người hành giả. Khi năng lượng của tham biểu hiện và bốc cháy, thì thân thể và tâm hồn của ta cũng bị thiêu đốt. Có ngọn lửa tham dục trong lòng thì ta không thấy an, không thấy lạc, không có hạnh phúc. Con người bị lửa tham đốt cháy rất là khổ. Người đó có thể làm bất cứ cái gì có thể gây ra khổ đau cho những người chung quanh. Nhưng nếu người đó có tu, hoặc có người khác chỉ cho phương pháp tu để có được trí tuệ, có được từ bi thì tự nhiên ngọn lửa tham đó tắt đi. Khi ngọn lửa tham tắt đi, ta cảm thấy mát mẻ, thanh lương giống như có cơn mưa vừa mới rơi xuống. Lúc đó, ta có tâm hành gọi là vô tham; có tâm hành vô tham thì ta có an lạc, có hạnh phúc. Lần sau, khi ngọn lửa tham cháy lên, mình biết phải làm thế nào để cho ngọn lửa đó được dập tắt.
Nếu ngọn lửa tham bốc cháy không phải ngọn lửa tham của một người, mà là ngọn lửa tham của một đám người, thì nó cháy dữ dội lắm. Ngọn lửa sân cũng vậy, khi ngọn lửa sân hận cháy lên, ta mất hết an lạc, ta muốn đập, muốn phá, muốn tiêu diệt thế giới. Nhất là khi ngọn lửa đó là ngọn lửa sân tập thể thì không có gì có thể ngăn chặn được, rất là dễ sợ. Các nhà khoa học làm thế nào để đối phó với ngọn lửa sân tập thể? Chiến tranh là kết quả của tham và sân tập thể. Ngọn lửa sân cũng tạo ra tình trạng nóng bức như ngọn lửa tham và khi biết chế tác những giọt nước từ bi để tưới lên thì ngọn lửa đó sẽ dịu xuống:
Trừ nhiệt nhão dĩ giai đắc thanh lương, có nghĩa là trừ sự nóng bức là được mát mẻ. Người ta thường làm tượng đức Bồ tát Quan Thế Âm, tay trái cầm tịnh bình có nước của từ bi và tay phải cầm một nhành dương liễu. Bồ tát nhúng cành dương liễu vào nước từ bi mà rải thì tất cả phiền não, nóng bức trở thành thanh lương:
Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần luỵ tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây.
Đó là phép là của người tu, người tu phải có khả năng diệt trừ được ngọn lửa của tham dục, ngọn lửa của sân hận và si mê, những ngọn lửa đưa tới sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng. Tu là phải có mục đích rõ ràng, ta phải học cách biết xử lý ngọn lửa tham và sân khi nó bốc lên. Để đối phó với chất độc hoá học, người ta nghiên cứu, thí nghiệm. Trong đạo cũng vậy, để đối phó với chất độc trong lòng, ta cũng cần nghiên cứu, học hỏi và thực tập. Ta biết rằng hạnh phúc làm sao có nếu lửa tham, lửa sân, lửa ganh, lửa sợ hãi cứ tiếp tục bừng cháy? Trong bài kệ này ta học rằng: Muốn xa lìa tham dục, sân hận và si mê, ta phải có khả năng nhận diện để có thể có một cái thấy chính xác về con đường chuyển hoá.
Phải có khả năng tự luyện tập cho quen để mỗi khi thấy cái tham, cái sân, cái si bốc lên thì nhìn sâu vào trong đó để nhận diện, học hỏi và tìm thấy được phương pháp thoát ra. Ta có thể rèn luyện mình để thực hiện được đạo kiến, tức cái thấy về Tứ đế và Bát chánh đạo. Có bốn sự thật mầu nhiệm là: Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Đạo kiến có nghĩa là thấy được Tứ đế và Bát chánh đạo. Con đường Bát chánh đạo là con đường giúp cho ta đối phó, xử lý được những chất độc được chế tạo, được biểu hiện ra trong tâm thức của ta và trong tâm thức cộng đồng.
Người ta chỉ nói nhiều tới sức tàn phá của bom đạn, của chất hoá học, nhưng người ta lại không nói một cách kỹ lưỡng tới sức tàn phá của tâm hành, như sự tham đắm, giận hờn, ganh tỵ, si mê. Nó có tác dụng phá hoại rất lớn. Bây giờ, bệnh AIDS đã tàn phá hàng triệu người, hàng triệu người đang chết từ từ, vì họ không thực tập giới thứ ba. Có những em bé mới sinh ra đã mang căn bệnh đó rồi, đây là tai hoạ rất lớn.
Ở trong Bát chánh đạo có:
- Chánh kiến: là thấy đúng, cái thấy tương tức, cái thấy không kỳ thị.
- Chánh tư duy: tư duy đi theo chiều hướng của hiểu và thương.
- Chánh nghiệp: hành động cũng đi theo chiều hướng hiểu và thương.
- Chánh tinh tấn: bỏ công phu ra tu tập, luyện cho mình có được một cái thấy chính xác.
- Chánh mạng: có nghề nghiệp, có phương tiện sinh sống mà nó không đi trái với chánh kiến. Nghề nghiệp của mình không đem lại sự tàn hại cho con người, cho những loài khác và cho môi trường của sự sống.
- Chánh niệm: ý thức được những gì đang xảy ra trong mình và xung quanh mình.
- Chánh định: duy trì được cái thấy chính xác.
Tất cả đều được soi sáng bởi chánh kiến, luyện tập như thế nào để thấy được con đường Bát chánh đạo. Chánh kiến tức là tuệ, là hoa trái của sự thực tập. Ta ngồi thiền, ta tu tập để đạt tới cái thấy chính xác gọi là chánh kiến, là trí tuệ, là Bát nhã. Cái thấy đó là cái thấy không kỳ thị, không lưỡng nguyên, một khi có cái thấy đó thì không còn tham đắm, giận hờn, ganh tỵ nữa. Đó gọi là Bát Nhã Ba La Mật, tức là trí tuệ đưa tới bờ bên kia.
Có chánh kiến rồi sẽ có chánh tư duy. Tư duy trên căn bản chánh kiến thì tư duy này cũng không kỳ thị, không lưỡng nguyên, tư duy theo tuệ giác tương tức. Tư duy như vậy thì sẽ không còn tham, sân, si. Có chánh kiến sẽ có chánh ngữ, tức lời nói tạo ra sự hoà hợp, không gây chia rẽ. Có chánh kiến rồi sẽ có chánh nghiệp, tức hành động mang tính cách che chở, bảo hộ, cứu trợ, không tàn sát, không kỳ thị. Có chánh kiến thì mới có chánh tinh tấn, chánh mạng; có chánh kiến thì mới có chánh niệm và chánh định. Tóm lại, chánh kiến đưa tới bảy cái chánh kia.
Niệm, định càng hùng hậu thì tuệ giác càng lớn. Chúng ta biết trái tim của sự thực tập đạo Bụt là Tam vô lậu học, tức là niệm, định và tuệ. Niệm, định và tuệ là Tam học (the three kinds of trainings). Chánh niệm hùng hậu thì có chánh định. Chánh niệm và chánh định hùng hậu thì có chánh kiến, tức là tuệ giác, tức là có cái thấy rất sáng rõ. Có cái thấy sáng rồi thì tư duy cũng đúng, nói năng cũng đúng và hành động cũng đúng. Càng sáng thì làm càng đúng. Vì vậy, trái tim của sự thực tập đạo Bụt là niệm, định và tuệ.
Vấn đề là làm sao giải quyết được vấn nạn của xã hội, của gia đình, của trái đất? Câu trả lời là phải sử dụng Bát chánh đạo, sử dụng Bát chánh đạo một cách thông minh, có phương pháp thì tự nhiên ta đối phó được với những chất độc tiết ra từ trong tâm của ta. Trước hết là sự thèm khát, ta phải đối trị được với thèm khát. Thứ đến là sự giận hờn, si mê, bạo động, nó đốt cháy thế gian, đốt cháy con người của ta; do đó, ta phải có trí tuệ, phải có từ bi để xử lý nó. Làm sao có từ bi nếu không có trí tuệ? Tất cả đều nằm ở chỗ này: phải luyện tập thế nào để có cái thấy về Tứ diệu đế, về Bát chánh đạo.
Thu góp sao trăng
(Sư cô Chân Trăng Mai Phương)
Hô to khẩu hiệu hai năm trước Mở máy lên mà gõ nên duyên này kéo tôi lại với ban biên tập báo năm nay. Để động viên mình mỗi lần mở máy làm việc, tôi nhất định đổi khẩu hiệu cho vui tai. Lần này không dám hô to mà chỉ nhẩm nhẩm: Mở máy lên và híp mí!
Từ khi xuất gia, tôi không còn đợi xem chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm của VTV vào đêm giao thừa nữa, mà đổi thành chờ báo Làng ra lò. Cảm giác cầm tờ báo trong tay, dù là bản giấy hay bản mềm trên máy tính luôn làm tôi háo hức. Nhiều khi chẳng đợi được báo giấy, tôi lên mạng tải về cho bằng được. Mở báo là tôi lướt hết các trang để ngắm ảnh. Đôi mắt lấp lánh thì thầm: “Tăng thân mình đẹp quá! Đời sống anh chị em xuất sĩ mình vui và tự do quá!”. Rồi nhâm nhi thưởng thức từng bài, có khi ham đọc cho đến khuya. Tôi gật gù mãn nguyện: “Ngày đầu năm mới mà đã được ăn một bữa cỗ, ôi chao là no nê!”
Tôi nghe nói ngày xưa để báo Làng thêm phong phú với những bài viết đầy nuôi dưỡng về sự thực tập và chuyển hóa của tự thân, Thầy đã cho nghỉ một buổi thời khóa chiều để quý thầy quý sư cô có thời gian viết bài để nộp cho đúng hạn. Với nhiều bàn tay đóng góp, cũng như trải qua bao nhiêu năm gìn giữ và tiếp nối Thầy làm báo, Lá thư Làng Mai nay đã trở thành một sân chơi, một góc hội ngộ mỗi độ thu về đông sang. Nhận được lời mời hay đôi khi “đòi khéo” từ ban biên tập, nhiều anh chị em xuất sĩ đã có sẵn sao trăng trong túi để chuyển phát nhanh đến hộp thư của báo Làng.
Sau nhiều năm hưởng thụ, năm nay tôi bắt tay học cách “làm cỗ”. Đọc bài viết gửi tới luôn là giai đoạn vui và hoa mắt nhất. Mỗi bài viết như một thước phim sinh động và mang màu sắc, hương vị riêng. Có những bài chỉ cần đọc là hình ảnh của tác giả hiện lên rõ mồn một trong đầu. Có bài đọc đi đọc lại tôi vẫn thấy xúc động, có những bài đọc thì cười híp mắt híp mí. Nhưng có những bài phải đọc đến vài lần, có khi cần tra từ điển bác Google mới hiểu hết ý vì tác giả dùng từ riêng của vùng miền hay dùng từ Hán Việt. Nhờ học cách biên tập báo qua từng bài viết của huynh đệ, tôi mới có cơ hội chạm đến bản sắc ngôn ngữ của từng vùng miền. Tiếng nói và cách dùng từ ấy có lẽ mang theo cả tuổi thơ, cuộc đời hay truyền thống của cả gia đình, làng xã,… Có nhiều nơi trên mảnh đất quê hương tôi chưa từng được đặt chân tới, nhưng thông qua từng câu chữ tôi có cơ hội được làm quen, được chạm tới và được hiểu.
Nhờ dịp này, tôi cũng phát hiện ra mình đã làm rơi rớt vốn liếng tiếng Việt sau một thời gian sống ở Làng. Tôi quên cách dùng từ, quy chuẩn văn phạm và hành văn trong tiếng Việt do mỗi ngày tiếp xúc trong môi trường nói tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác. Ai đã từng sống xa quê hương một thời gian chắc cũng sẽ tủm tỉm cười đồng cảm. May mắn cho tôi là trong ban biên tập, mỗi bài viết luôn được đi theo dây chuyền qua từng người, để cùng nhau chỉnh sửa và đóng góp. Nhờ vậy tôi luôn có cơ hội và thời gian để vừa làm, vừa học lại. Và có lẽ tiếng quê hương, tiếng đất nước, tôi sẽ vẫn tiếp tục học suốt cả cuộc đời mình.
Vẫn chưa hết, tôi còn được học cách cắt tỉa, nêm nếm làm sao để vẫn còn giữ được văn phong và thông điệp mà người viết muốn gửi gắm. Cũng thật khó khi trong đầu tôi đã có sẵn ý niệm hành văn thế này mới hay, thế kia mới nuột. Và thế là có ngày tôi lẩm nhẩm hát: “Còn tôi phải học thuộc lòng, bài học buông ý riêng tôi. Để mỗi khi sửa bài mới tôi lại học cách buông thôi!”. Tôi tự đổi lời mấy câu trong bài Con cá dung thông, tự hát và cười trong khi làm việc. Đó cũng là một cách hóm hỉnh tôi chế ra để đồng hành, để làm bạn và làm thầy cho chính mình. Mới có chừng đó thôi, mà dường như tôi đã bắt đầu nếm được một chút những gì “các bậc tiền bối trong ban biên tập báo Làng” đã đi qua và kinh nghiệm. Nhờ kiên trì và bền bỉ trong sự thực tập dừng lại, nhận diện và buông xuống, tôi có thêm niềm tin là mình sẽ lớn, sẽ tự do và có kinh nghiệm hơn trong thực tập làm việc chung.
Ai đã từng có mặt trong ban biên tập dù chỉ trong thời gian ngắn vẫn không sao quên được những buổi trưa ấm cúng, với thật nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị từ tình thương và sự quan tâm của quý thầy, quý sư cô. Từ lúc nào, văn phòng xóm Thượng đã trở thành điểm hẹn cùng ban biên tập mỗi trưa và tối dịp cuối năm. Nhiều câu chuyện, bài hát và không thể thiếu những ly trà đã được chuyền tay nhau trong tiếng cười vang của tình huynh đệ.
Trong những ngày cùng làm việc liên tục, khi dây đàn trong tôi chùng xuống hay nốt lặng thường trấn ngự, tôi tự nhắc mình dừng lại. Tắt máy tính, tôi mở cửa bước ra ngoài. Chỉ để đứng đó thật yên, nghe tiếng chim hót. Hay đơn giản là tháo đôi kính cho đôi mắt được nghỉ ngơi, tôi tập ngắm những tia nắng mờ ảo xuyên qua tầng lá trúc đang đung đưa trong gió trước cửa văn phòng. Qua đôi mắt ấy tôi thấy những tán lá và từng chiếc lá được làm bằng hàng ngàn đốm sáng long lanh. Cảnh tượng ấy thật mầu nhiệm! Bỏ cặp kính cận xuống để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, tôi chấp nhận nhìn mọi thứ không còn rõ nét. Tôi cho đôi mắt được nhìn trong khả năng nó có thể. Tập cách chấp nhận và thưởng thức những gì đang hiện ra trước mắt như chấp nhận những mong manh, yếu đuối trong chính mình.
Tôi chợt bật cười: Đó có phải là đặc ân của người mắt kém mỗi lần bỏ kính chăng! Ai đã từng chơi máy ảnh và chụp ảnh chắc sẽ không còn thấy lạ với hiệu ứng bokeh – hiệu ứng của những đốm sáng trên nền ảnh. Nhưng đôi mắt cận không kính đã làm được công việc tinh vi của chiếc máy ảnh. Nó cho phép tôi thấy được sự vật trước mắt theo một cách rất khác so với những gì mình tưởng chừng như đã biết rất rõ. Cảnh tượng mầu nhiệm ấy nhờ hàng ngàn những đốm sáng, tương tác bởi những điều kiện và hiện tượng khác nhau mà tạo nên. Tôi chợt nhớ tới câu Nhân duyên đầy đủ thì sự vật biểu hiện. Ý niệm ấy, tôi đã được nghe nhiều lần qua những cách diễn bày khác nhau. Nhưng lần này, có điều gì đó đang thấm vào, biến chuyển và hòa quyện với những cái thấy khác chợt lóe lên trong tôi.
Nhớ lại những ngày làm việc chung với quý thầy quý sư cô, tôi rất vui và cũng đã có rất nhiều những giây phút phải thực tập quay về. Nhưng mong muốn được chơi, học hỏi, làm việc chung cùng huynh đệ và đặc biệt là với Thầy luôn đi lên trong tôi. Những giây phút đồng điệu, những khoảnh khắc chạm được niềm vui làm báo nơi Thầy trong mình, đã luôn là động lực để tôi đi tới. Thầy đã trao truyền bao nhiêu là phương tiện để tôi biết làm bạn với chính mình, được thực tập, chơi và học ngay trong khi làm việc chung với huynh đệ. Và còn bao nhiêu khoảnh khắc khác khi tôi chợt nhận ra Thầy… như hàng ngàn đốm sáng đang được ghép lại, vừa lạ vừa quá đỗi thân thương.
Đọc từng bài viết gửi tới, tôi nhận ra Thầy đang biểu hiện khắp nơi. Trong từng thầy, từng sư cô hay trong từng câu chuyện chứa đựng kinh nghiệm và tình thương mà Thầy muốn gửi gắm, trao truyền cho đệ tử. Tôi may mắn đang được cùng anh chị em thu nhặt và gom góp từng hoa trái, từng vốc sao trăng, từng hạt thương yêu đang nảy mầm trong từng bài viết, trong từng hơi thở và bước chân.