Đi gặp những mùa hoa
Từ Hiếu – Diệu Trạm, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Sư Ông kính thương,
Mấy hôm nay, Tăng thân Làng Mai từ khắp nơi đang trở về đất Tổ để cùng có mặt trong dịp Giỗ đầu của Sư Ông. Trời đông xứ Huế lành lạnh, có những cơn mưa tầm tã và cũng có cả những ngày tạnh phảng phất chút nắng vàng. Có bếp lửa tí tách, có ly trà thơm ấm, có những buổi chấp tác hăng say, có niềm háo hức mong chờ sự biểu hiện mới tinh của các sư em tương lai, có những tiếng cười hội ngộ, có tình huynh đệ bao la,… Tất cả chúng con một lần nữa được sum vầy nơi đây, để ghi nhớ ơn Sư Ông và tiếp xúc cho sâu sắc với cội nguồn của mình.
Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp
Trong một bài phỏng vấn, sư cha Pháp Dung từng chia sẻ rằng: “Học và tìm hiểu cuộc đời của Thầy và của các vị Tổ sư, chúng ta đem lịch sử soi chiếu vào hiện tại. Đó không phải là những gì xưa cũ chỉ thuộc về quá khứ. Bởi vì những điều đó có ảnh hưởng lớn lao đến hiện tại và định hướng tương lai của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần tự hỏi mình rằng cuộc đời của liệt vị vẫn tiếp tục liên quan đến thế hệ của chúng ta như thế nào. Đó là một câu hỏi rất quan trọng”.
Chúng con là những sư bé có may mắn được sinh ra và lớn lên giữa lòng đất Tổ, nơi ngọn đèn tâm linh thiêng liêng đã thắp sáng và sưởi ấm cho cuộc đời. Vẻ đẹp uy nghiêm, hùng tráng của Từ Hiếu cùng với nét bình yên, nhẹ nhàng, dễ thương của Diệu Trạm đã nuôi dưỡng những bước chân đầu tiên trong cuộc đời tu học của chúng con. Qua được mấy mùa nắng mưa ở đây, chúng con càng thấy thương vùng đất này, thương nếp chùa nơi gốc rễ mà Sư Ông dành trọn cả đời để bồi đắp.
Chúng con ý thức rất rõ chỉ khi nào gốc rễ được bồi đắp thì chúng con mới có thể làm sáng tỏ thêm con đường tâm linh này và bước đi càng lúc càng vững vàng hơn. Đó cũng chính là sự trở về để nhận lại gia tài, trở về để thấy rằng mình có gốc gác, có Sư Ông, có chư Tổ, có nơi nương tựa. Chúng con được là chính mình và thích ý rong chơi mà không còn lang thang như người cùng tử. Cũng như vậy, khi được tiếp xúc với những người anh lớn đã và đang tiếp nối con đường của chư vị, chúng con có dịp được học hỏi, mở rộng và làm giàu thêm đời sống tu học của mình. Và đối với quý thầy được sinh ra và lớn lên ở Từ Hiếu thì nếp chùa xưa, văn hóa xuất sĩ và sự kết nối với cuộc đời của các vị Tổ sư là những gì mà quý thầy được tiếp nối và gìn giữ rất trọn vẹn bằng cả tấm lòng. Vì vậy, chúng con đã rất háo hức để có thể xin quý sư cha chùa Tổ kể cho chúng con nghe những niềm hạnh phúc khi được sống giữa lòng đất Tổ cũng như những phát nguyện hành trì mà quý sư cha đã sống với để có thể giữ gìn mạch nguồn gốc rễ này.
Tiếp nhận gia tài
Một buổi sáng mùa đông, chúng con đã che dù sang tăng xá Từ Hiếu cho chuyến thu thập thông tin, góp nhặt những câu chuyện của quý sư cha. Trong dịp này, chúng con được lắng nghe câu chuyện từ sư cha Từ Tế, sư cha Từ Hải và sư cha Mãn Thành.
Ở Diệu Trạm, mỗi buổi chiều sau ngày Quán niệm, quý sư cha thường ở lại ngồi chơi và cùng ăn chiều ở đây. Mấy chị em con vậy là tha hồ có những góc ấm cúng để đến chơi. Sư cha Từ Tế là một góc nhỏ ấm cúng thường luôn có mặt nhất. Sư cha không những đến vào những ngày Quán niệm mà còn có những lớp học ngoài giờ hàng tuần cho chị em con, như lớp kinh Kết một tràng hoa, lớp Thái cực quyền, và rất nhiều lúc sẵn sàng có mặt để ngồi lắng nghe những câu chuyện và thắc mắc tu học của các sư bé Diệu Trạm. Lúc nào sư cha qua dạy học chúng con đều tranh thủ mời sư cha ở lại dùng chiều rồi nhân cơ hội để được ngồi chơi với sư cha luôn. Sự kiên nhẫn và bao dung của sư cha dành cho chúng con vô cùng lớn. Có khi chúng con vì chấp tác mà tới trễ hoặc không đến lớp được sư cha cũng không bao giờ la trách. Chúng con cảm nhận được rất rõ việc dạy dỗ, có mặt với các sư em là niềm vui và đời sống của sư cha.
Một người luôn mang đến nhiều niềm vui cho chúng con là sư cha Từ Hải, ngay bây giờ con cũng có thể hình dung được nụ cười tươi mát của sư cha rất rõ ràng. Sư cha rất vui vẻ và hòa đồng với mọi người, không hề có khoảng cách với bất kỳ ai. Giọng ca tươi sáng và tiếng trống nhịp nhàng của sư cha trong các buổi thiền ca đã mang lại năng lượng ấm áp, vui tươi cho đại chúng. Đặc biệt, sư cha có sự gắn bó sâu sắc với các bạn nhỏ, những mầm non tương lai. Trong 25 năm qua, gia đình Thiện Tài Đồng Tử là nơi sư cha đặt rất nhiều tình thương và sự dạy dỗ cho các em khi tới chùa. Chính rất nhiều thầy và sư cô đã từng lớn lên trong sự đùm bọc đó để rồi nuôi dưỡng được chí nguyện xuất gia của mình. Có sư cha, chúng con được tắm mát trong biển tình thương mênh mông.
Sư cha Mãn Thành là một trong những sư cha trẻ nhất ở Từ Hiếu. Trong mùa thu đông vừa qua, sư cha là thầy giáo thọ đứng lớp Trái tim của Bụt ở Diệu Trạm. Có lần sư cha nói rằng, cứ mỗi sáng thứ Tư qua đây với lớp học là sư cha thấy mình “đàng hoàng” hơn hẳn bình thường. Đặt từng bước chân, làm từng hành động, sư cha đặt rất nhiều chánh niệm vì để tâm đến những gì mình sẽ trao truyền cho những mầm non tương lai này. Mỗi lần đến lớp, chúng con được tiếp xúc với cuộc đời tu học của sư cha. Những bông hoa đẹp đẽ đã đâm chồi, hé nụ cùng với kinh nghiệm sống chân thật mà sư cha từng trải là những gì rất quý giá mà chúng con được lắng nghe và tưới tẩm nơi chiều sâu tâm thức của mình. Có khi chúng con đã nhìn thấy mình trong câu chuyện của sư cha. Có khi chúng con nhìn thấy ngọn lửa tâm Bồ đề của mình được sưởi ấm qua những thực tập căn bản mà sư cha nhắn nhủ như là “về nhớ nghe pháp thoại của Sư Ông”, “luôn nhớ nhận diện những điều kiện hạnh phúc của mình”, “học pháp cho cẩn trọng để sống với nó”. Niềm thao thức để các sư em có thể lớn lên và sống trọn vẹn nếp sống tươi đẹp của sư cha đã thực sự nuôi dưỡng được chúng con.
Chúng con đã đến, làm rộn ràng một góc tăng xá – sự rộn ràng của những đứa “choai choai” luôn được quý sư cha kiên nhẫn mỉm cười đón nhận. Sau một vài ly trà để mở đầu câu chuyện, chúng con trở về với dòng chảy tâm linh nơi núi đồi Dương Xuân gần 200 năm trước.
Đi gặp mùa xuân
Sư cha Mãn Thành:
“Từ Hiếu mình có nhiều mùa hoa đẹp, như Sư Ông thường dùng “đi gặp mùa xuân” và thế hệ nào cũng có mùa xuân, có những vị danh tăng ra đời. Mùa xuân đầu tiên là mùa xuân của Tổ Khai Sơn Tánh Thiên Nhất Định, khi Ngài lên đây dựng gậy trúc và khơi nguồn mạch thiền:
Thúy trúc hoàng hoa triêm pháp vũ
Trường tùng tế thảo ấm từ vân.
Dịch nghĩa:
Trúc biếc hoa vàng đều thấm nhuần mưa pháp
Tùng cao cỏ thấp được che bóng mây từ.
(Câu đối ở tháp Tổ Khai sơn)
Sau một thời gian dài chia cắt, đất nước thống nhất dưới triều nhà Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong có nhiều chuyển biến so với thời kỳ trước và Từ Hiếu đã đóng một vai trò rất lớn lúc bấy giờ. Chính từ mùa xuân ấy, nguồn mạch thiền đã được tiếp nối qua các thế hệ, hơn 40 vị đệ tử của Ngài là những bông hoa, những hạt giống đẹp được trồng lại khắp cõi Thừa Thiên. Mùa hoa thứ hai là mùa hoa đệ tử của Ngài Khai Sơn. Ngài Hải Thuận, Ngài Hải Thiệu, Ngài Hải Toàn,… là những vị cao tăng làm rường cột cho nền Phật giáo Việt Nam cận đại được mở mang và xán lạn. Mỗi mùa hoa kế tiếp là sự nối tiếp không ngừng nghỉ, từ Ngài Tâm Tịnh, Ngài Huệ Minh, Ngài Huệ Pháp, Sư cố Thanh Quý,… cho đến các vị thầy đời sau, như Sư Ông, Sư Thúc mình là những hạt giống tiếp tục phát triển, tô đẹp cho núi rừng, gốc tích của mình.
Cứ như vậy, dòng chảy tâm linh của Từ Hiếu không ngừng được giữ gìn và phát triển, tạo thành một chuỗi liên tiếp những mùa hoa đẹp, vững vàng như gốc rễ của cây tâm linh”.
Ơn tái sinh nhờ lượng đức Từ Bi
Sư Ông kính thương, ngày hôm nay núi đồi Dương Xuân vẫn đang có những mùa hoa. Sự bình an, vững chãi của quý sư cha, sư mẹ nơi đây đã tiếp nối sự nghiệp của chư Tổ, của Sư Ông, làm nở rộ những bông hoa trong lòng chúng con. Mỗi mùa hoa là một lần tái sinh. Mỗi lần được tái sinh, chúng con được tươi mới, sáng trong và vui như những bông hoa giữa đất trời. Đối với chúng con, quý sư cha cũng là những mùa hoa. Đời sống của quý sư cha thể hiện niềm biết ơn thâm sâu đối với chư Tổ, như sư cha Từ Tế và sư cha Từ Hải đã chia sẻ:
“Quý thầy sinh ra và lớn lên ở đây đều thấy biết ơn khi được nuôi dưỡng từ những hạt giống phước báu, những từ trường, năng lượng rất quý mà những vị Tổ sư đi trước đã gieo trồng. Mỗi một vị Tổ trong từng thời kỳ đều có đức hạnh lớn lao để chúng ta học hỏi và áp dụng vào sự thực tập. Bên cạnh đó, đời sống của chùa vẫn luôn nuôi dưỡng tinh thần tu học và những giá trị đạo đức thực sự mà không phải là nơi chỉ chú trọng vào tri thức, kiến thức hay lý thuyết.
Trong số quý thầy, có vị thì học giỏi, có vị thì không học rộng nhưng ai cũng có nét rất đặc biệt, đó là tâm biết giúp đỡ, biết thương yêu chung, có tình thương ôm ấp nhau trong đời sống của huynh đệ. Chúng ta biết rằng sở dĩ quý thầy vẫn ở đây là nhờ đức độ của chư Tổ để lại, gần nhất là Sư Ông. Là con cháu được nuôi dưỡng và lớn lên trong sự hùng tráng đó, chúng ta phải cố gắng làm sao để tiếp tục cho được tinh thần này. Chư Tổ đã từng làm được như vậy, thế hệ Sư Ông cũng làm được như vậy thì hiện tại chúng ta cũng cần làm được như vậy. Chúng ta phải biết ơn cái đức của Tổ ở đây. Nếu ai chưa từng tới chùa Tổ, khi tới được rồi, họ cũng cảm nhận được năng lượng của yêu thương, năng lượng được thương và che chở. Đó là điều mình thấy rõ nhất.
Một điểm chúng ta thấy biết ơn nữa đó là mạch nguồn truyền thừa không gián đoạn của một ngôi chùa gần 200 năm dù trải qua nhiều biến động của lịch sử. Sư Tổ Khai Sơn là một ngọn đuốc sáng trao truyền và bao thế hệ con cháu đã tiếp nối, sự tiếp nối ấy rất rộng lớn. Cho đến bây giờ, con cháu của Ngài có mặt khắp nơi, ở miền Trung, miền Nam, miền Bắc của Việt Nam và cả ở các nước khác của châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc”.
Và sư cha Mãn Thành cũng đã tiếp lời về nét linh thiêng của dòng chảy nơi đây:
“Ở chùa Tổ có cảm giác lạ kỳ lắm. Ai lớn lên ở núi rừng và ai còn lại với núi rừng này? Chư vị Tổ sư là những bậc thầy có lòng đối với cái chung, buông bỏ hết lợi danh mà người đời cố khoác thêm vào để về sống hồn nhiên với núi rừng. Khi mình hiểu thấu được thề nguyện, tấm lòng của quý Ngài rồi thì tự động mình được dẫn dắt theo dòng chảy của những mùa hoa đó. Tùy theo thời cuộc, những lúc thăng hoa thì mình thăng hoa, còn khi có biến động, mình dừng lại. Mình sắp xếp sao cho ổn thỏa nhất, hợp tình, hợp lý nhất. Mình sống như một cái cây, tùy theo thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khó khăn thì cây sẽ cúi xuống một xíu, thời tiết thuận lợi thì cây sẽ trổ hoa, góp cho đời một chút hương hoa”.
Kính bạch Sư Ông, Từ Hiếu không chỉ có những mùa hoa của quá khứ mà còn là nơi những mùa hoa đức hạnh tương lai được ươm mầm, tưới tẩm và tiếp nối dòng chảy tâm linh chưa từng đứt đoạn. Mỗi lần hoa nở là mỗi lần sự biết ơn nguồn cội, “ơn tái sinh” lại được sáng tỏ. Chúng con nguyện sẽ làm đóa hoa chánh niệm kết thành trong mỗi suy nghĩ, hành động cũng như lời nói để làm mới bản thân mỗi ngày. Đó chính là những tràng hoa ngát hương mà chúng con đang kính cẩn dâng lên Bụt, chư Tổ và Sư Ông.
Hướng về Sư Ông với tấm lòng hiếu thảo và kính thương,
Chúng con, các sư bé Diệu Trạm của Sư Ông.