Hãy nhớ đến họ: Những nhà Quán quân vì Nhân loại

Thầy Pháp Nguyện

Trong chuyến đi hoằng pháp ở Hoa Kỳ năm 2013, vào ngày 25 tháng 10, đại chúng được đi tham quan vùng Bay Area. Suốt ngày hôm đó, đại chúng có cơ hội thăm tượng đài “Remember Them: Champions for Humanity” tại công viên Henry J. Kaiser Memorial Park, thành phố Oakland, California.  Sau đó đại chúng đi thăm Thiền Viện San Francisco.

Hôm đó có một số các vị xuất sĩ và cư sĩ khá đông được tháp tùng Thầy. Cả đoàn đều ngồi trên xe buýt. Tượng đài được làm bằng đồng và là tượng đài lớn nhất ở miền bờ biển phía Tây Hoa Kỳ và cũng là tượng đài duy nhất ở xứ Hoa Kỳ vinh danh những nhà Quán Quân tranh đấu cho dân quyền và nhân bản trên thế giới, trong đó có Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Trong số 25 người được gọi là “Champions for Humanity” (Quán Quân vì Nhân Loại) chỉ có 5 người đang còn sống, còn những người khác thì đã qua đời.

Sau đây là danh sách và tiểu sử ngắn gọn của 25 vị được gọi là “các nhà Quán Quân vì Nhân loại” (Champions for Humanity) (theo nguồn: http://oaklandwiki.org/Remember_Them%3A_Champions_For_Humanity_Monument):

    1. Ralph David Abernathy (1926-1990): Người cộng tác với Mục sư Martin Luther King trong phong trào nhân quyền.
    2. Maya Angelou (1928-2014):Nhà thơ, nhà viết kịch và cũng là một nhà tranh đấu cho nhân quyền.
    3. Susan Anthony (1820-1906): Một nhà hoạt động dân quyền đã tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ và bãi bỏ chế độ nô lệ.
    4. Ruby Bridges (1954-Hiện tại): một nhà hoạt động dân quyền và là người Mỹ gốc Phi đầu tiên học tập tại một trường tiểu học toàn người da trắng ở miền Nam nước Mỹ khi lên 6 tuổi.
    5. Cesar Chavez (1927-1993): Nhà hoạt động dân quyền và là nhà lãnh đạo của nông dân.
    6. Chief  Joseph (1846-1904): Tộc trưởng của bộ tộc Nez Perce (ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ) và là nhà hoạt động dân quyền cho người da đỏ.
    7. Winston Churchill (1874-1965): Thủ tướng Anh trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, người có công rất lớn trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít.
    8. Frederick Douglass (1817-1895): Một nhà cải cách xã hội người Mỹ gốc Phi, đã từng là nô lệ và sau đó trở thành một nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ.
    9. Shirin Ebadi (1947- Hiện tại): Nhà hoạt động nhân quyền người Iran, tranh đấu cho những vấn đề nhân quyền ở khu vực Trung Đông và đã được trao giải Nobel Hòa Bình.

10.  Mahatma Gandhi (1869-1948): Nhà hoạt động cho hòa bình, có công lãnh đạo Ấn Độ giành độc lập từ người Anh.

11.  Helen Keller (1880-1968): Nhà hoạt động xã hội luôn tranh đấu cho quyền lợi của người bị khuyết tật.

12.  Coretta Scott King (1927-2006): Nhà hoạt động nhân quyền.

13.  Martin Luther King (1929-1968): Nhà lãnh đạo dân quyền.

14.  Abraham Lincoln (1809-1865): Tổng thống Mỹ có công hủy bỏ chế độ nô lệ.

15.  Nelson Mandela (1918-2013):  Nhà hoạt động nhân quyền và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.

16.  Harvey Milk (1930-1978): Nhà chính trị hoạt động vì quyền lợi của giới đồng tính Mỹ

17.  Mother Teresa (1910-1997): Người sáng lập Hội Dòng Truyền Giáo Bác Ái và đoạt Giải Nobel Hòa Bình năm 1979

18.  Rosa Parks (1913-2005): Nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi

19.  Franklin Delano Rooselvelt (1883-1945): Tổng thống Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ II, người sáng lập ra tổ chức Liên Hiệp Quốc.

20.  Oska Schindler (1908-1974): Nhà doanh thương người Đức đã tìm cách tranh đấu với quân phát xít để cứu được hơn 1200 người Do Thái khỏi bị tiêu diệt.

21.  Thích Nhất Hạnh (1926-Hiện tại): Thầy tu Phật Giáo người Việt, nhà tranh đấu cho nhân quyền và cho hòa bình.

22.  Rigoberta Menchú Tum (1959-Hiện tại): Nhà tranh đấu nhân quyền cho dân bản xứ tại Châu Mỹ La-tinh.

23.  Unknown Rebel of Tiananmen Square (1989): Người biểu tình vô danh đã đứng chặn đoàn xe tăng đang chuẩn bị đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc đấu tranh cho dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn

24.  Elie Wiesel (1928-Hiện tại): Người sống sót sau Thảm họa diệt chủng người Do Thái và từ đó đã cống hiện cuộc đời của mình để ngăn chặn nạn diệt chủng trên thế giới

25.  Malcolm X (1925-1965): Nhà lãnh đạo Hồi giáo người Mỹ gốc Phi, theo chủ nghĩa dân tộc, và là một nhà tranh đấu cho dân quyền.

 

Trong 25 vị Quán Quân, vị nào cũng được trích một câu nói nổi tiếng của mình. Ví dụ như:

Tổng Thống Abraham Lincoln: “Whenever I hear any one arguing for slavery I feel a strong impulse to see it tried on him personally”. (Mỗi khi nghe bất kỳ ai tranh cãi để ủng hộ cho chế độ nô lệ, tôi cảm thấy thôi thúc muốn thấy chính người đó rơi vào chế độ nô lệ một lần cho biết.)

Mục Sư Martin Luther King:Injustice anywhere is a threat to justice everywhere” (Bất công ở bất cứ nơi nào đều là mối đe dọa cho công lý ở mọi nơi)

Thầy Nhất Hạnh: ” To work for peace is to be peace in every breath, every step and every action” ( Muốn xây dựng hòa bình thì trước hết ta phải có hòa bình, an lạc trong từng hơi thở, từng bước chân và từng hành động của mình)

Mahatma Gandi: You must be the change you wish to see in the world(“Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn mong muốn được nhìn thấy trên thế giới này” )


Điều vui nhất là khi Thầy tới thì thấy cái tượng của Thầy rất lớn và mình có thể so sánh hình ảnh Thầy đang còn sống với hình bức tượng của Thầy: một bên còn mềm và một bên lại rất cứng, một bên còn tươi vui có sức ấm và một bên thì có vẻ khắc khổ. Hình như nghệ sĩ Mario Chiodo nghĩ rằng là một vị thiền sư Phật giáo thì phải có vẻ khắc khổ chút đỉnh, cho nên nhà nghệ sĩ này đã tạc hình Thầy có vẻ khổ hạnh hơn.

Thành ra khi các đệ tử của Thầy tới thì thấy hai khuôn mặt thật khác nhau. Có những hình chụp rất vui như khi Thầy đưa tay rờ đầu hoặc rờ cằm bức tượng Thầy. Nhìn hai vẻ mặt rất khác nhau. Quý thầy và quý sư cô đã chụp được rất nhiều hình và hôm nay xin chia sẻ một ít để quý vị xem cho vui.

Điều buồn cười nhất là Thầy trò cứ quanh quẩn xung quanh tượng đài của Thầy để chụp hình với tượng mà không để thì giờ để đi chụp hình với những tượng khác. Vì vậy trong những bức hình sau đây mình không thấy được toàn bộ cái vĩ đại của tượng đài 25 vị.

 

 

 

Một số hình ảnh Thầy và đại chúng tại Tượng đài “Remember Them: Champions for Humanity”:

Hình được tạc có vẻ khắc khổ, trên trán có một đường gân nổi lên.


Đây là tượng của Thầy kế bên tượng của tổng thống Franklin Roosevelt ngồi xe lăn.


Thầy đang sờ cằm của Thầy- một bên rất vui còn một bên rất khắc khổ.

 

Trên tượng đài từ bên tay trái nhìn qua là Tổng thống Franklin Roosevelt, Mẹ Teresa và Thầy.

 

 

Để xem thêm hình của Thầy và đại chúng chụp tại Tượng đài “Remember Them: Champions for Humanity”, xin bấm vào đây: http://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/thay-duoc-tac-tuong-tai-my

Để tìm hiểu thêm về Tượng đài “Remember Them: Champions for Humanity”, xin xem trang này: http://www.remember-them.org/