Câu chuyện của Chanh

“Cái chết của một con mèo thường thì đâu có gì quan trọng. Tuy nhiên đối với bé, đó chính là một sự nhắc nhở về một cái gì vừa có đó, lại ngay lập tức không có đó. Thỉnh thoảng bé nhớ đến nó, vẫn không tin là Xóm Mới bây giờ lại không có con Chanh. Nó quá sống động, quá linh hoạt nên bé không thể hình dung được là bây giờ nó không còn biểu hiện dưới hình thức đó nữa…” – Bé In

Trước ngày khai mạc khóa tu mùa hè chừng một hay hai ngày, sau khi ăn sáng, bé nghe nói con Chanh đã chết. Bé ngạc nhiên quá, nếu không nói là bị “sốc”. Chanh là tên của một con mèo trắng đốm đen, là dân thường trú của chùa Từ Nghiêm, xóm Mới. Thường thì chùa không nuôi thú. Nhưng ở đây lâu lâu lại có một con mèo hoang, hay là mèo lang thang, không biết có phải là chúng đã bỏ nhà đi hay không, tìm tới và ở lại. Chùa không thể đuổi chúng đi, thế là tự nhiên chúng trở thành “dân thường trú”. Nói cho đúng ra, mới đầu các sư cô cũng cố tìm người để họ nhận chúng về nuôi, nhưng khi không tìm được ai thì đành phải chịu.

Bé biết có những con mèo, khi chủ dời nhà, chúng nó không chịu đi theo mà cứ quyến luyến mãi nhà cũ, có khi ở lại với chủ mới, có khi bỏ đi lang lang. Trong trường hợp của con Chanh, không biết nó đến từ đâu. Chỉ biết là năm ngoái, vào một ngày Xuân, xóm Mới đến phiên tổ chức ngày tu quán niệm, quý thầy, thiền sinh xóm Thượng và quý sư cô cùng thiền sinh Xóm Hạ tới rất đông. Sau khi mọi người ra về, đến chiều thì xóm Mới phát hiện ra sự hiện diện của con Chanh. Dĩ nhiên là lúc đó nó chưa có tên, hay là có một cái tên nhưng nó đâu thể nói cho mình biết.

Nó là một con mèo kháu khỉnh, còn rất trẻ, nếu tính theo tuổi của bé thì chắc là nó hơn bé chừng 8 hay 10 tuổi (bé năm nay lên 8). Vậy là nó chừng 16-18 tuổi thôi. Lông nó trắng muốt, có những đốm đen, bụng hơi xệ xuống một chút, vì vậy lưng nó cũng hơi võng xuống dưới sức nặng của cái bụng, giống như một con heo mọi vậy. Mặt nó có vài đốm đen nho nhỏ gần miệng, trông hơi giống như những cái mụt ruồi, nhưng to hơn nhiều.

Mới đầu bé không thích nó, dù là nó trông rất xinh xắn. Bé không thích bởi vì nó trông gian gian làm sao ấy. Nó lại hành xử như đây là nhà của nó, nó nhảy lên bàn ăn, kê mũi vào dĩa thức ăn mà người ta đang ăn, rõ ràng là nó rất đói. Tuy vậy không ai được khuyến khích cho nó ăn vì sợ nó quen, vả lại chưa chắc những gì mình ăn đã tốt cho nó.

Bé không thích nó một phần vì bé đã quen với cách hành xử của mấy con mèo khác đã ở chùa lâu. Mấy con mèo kia, có tên là Muni, Tigre và con Grey cũng từ đâu tới rồi ở lại, nhưng khi bé tới đây thì chúng nó đã ra vẻ “thiền” lắm rồi, đi đứng khoan thai, chậm rãi, ngồi ra dáng có “oai nghi”, ăn uống thì tới giờ cho ăn mới vào ăn nhỏ nhẻ. Ngoài những cái ấy ra, còn lại thì chúng đều hành xử giống mèo, đó là cũng còn thích leo lên lòng mình ngồi, và lâu lâu thì đến cọ cọ vào chân mình một chút để đòi được vuốt ve, lâu lâu cũng rình bắt chuột, bắt chim, leo trèo… Mỗi lần bắt gặp chúng bắt chuột, bắt chim thì các sư cô đều phải tìm cách để dừng chúng lại. Tuy vậy những con mèo này so với con Chanh đều là những con mèo rất là hiền và lặng lẽ.

Con Chanh đã gây ra xáo trộn, nếu không nói là nhiều xáo trộn cho các cư dân mèo và cư dân chim chóc của Xóm Mới, một chút xáo trộn cho các cư dân khác, trong đó có các sư cô. Cả mấy con nhái dưới hai cái hồ sen cũng không yên với nó. Nó hành xử như đây là xóm của nó, chùa của nó, nó đi đi lại lại, nhảy nhót lung tung. Có hôm quý sư cô đi tham gia ngày quán niệm từ xóm khác trở về đã thấy chén bát vỡ tung tóe, miểng văng đầy dưới sàn nhà. Ở nhà nó đã nhảy lên bàn để chén bát có phủ vải và làm không biết bao nhiêu chén rơi xuống đất. Nó “huých” mấy con mèo kia ra ngoài, không màng đến việc con Tigre đã đánh dấu vào tất cả mọi nơi, bất cứ khi nào có thể để cho biết đâu là lãnh thổ mà nó có chủ quyền. Mấy cái đó có vẻ không có một chút ý nghĩa nào đối với con mèo mới tới. Nó muốn đi đâu thì đi, muốn nằm ở đâu thì nằm, bất kể mấy con mèo khác. Con Tigre bực lắm, nó là con mèo đực duy nhất ở đây nên nó cho là mọi nơi đều là lãnh thổ của nó. Vậy mà con mèo này lại lơ tuốt nó đi.

Sau một vài ngày kình nhau, con Muni đã “đơn phương giải giáp” và “rút lui có trật tự” qua bên nhà Giếng Thơm cách xóm Mới một cái nhà của hàng xóm, để cho con Chanh được hoàn toàn tự do.

Con Chanh tiếp tục là một trong các đề tài trong những buổi họp của các sư cô Xóm Mới. Ai cũng nghi là nó sắp có em bé vì cái bụng ỏng của nó. Thế là nó đã được mang đi khám thú y. Sau khi xác định là nó không có em bé, trong một thời gian khá lâu nó cũng không được khẳng định là được cho ở hay cho đi.

Nó không biết tất cả những chuyện ấy nên cứ tự nhiên tiếp tục coi đây là nhà nó. Nó lựa những chỗ êm ấm nhất để nằm, nhất là những chiếc áo ấm hay khăn quàng cổ để quên trên bàn, nó tiếp tục leo lên bàn ăn, tiếp tục kê mũi vào đĩa thức ăn của người ta. Nhưng vì nó có bề ngoài dễ thương và khá có cá tính nên mọi người hay đến chơi với nó, chọc ghẹo và đùa giỡn. Nó luôn đáp ứng lại mọi sự chú ý của bất cứ ai. Sự đáp ứng đó có khi rất là “nanh vuốt”. Khi đưa tay ra vuốt ve nó, nó thường quay người lại táp một cái, hoặc đưa hai chân trước ra chụp, quào hay quặp chặt. Vì vậy bao giờ cuộc thăm viếng cũng kết thúc bằng việc người thăm nó ôm tay, nhăn nhó, còn nó thì cong đuôi phóng đi chỗ khác. Bé đã một vài lần đến chơi với nó và bị nó quào. Bé để ý thấy hình như nó rất không thích bị tiếp cận từ phía sau lưng.

Nếu bạn lấy một cái que, một sợi dây, một nhánh lá hay một cái gì dài dài (để bạn được an toàn) và nhử nhử nó thì nó sẽ nhảy lên, chụp lấy và ngoạm ngay vào cái đó. Và nó cứ làm như thế hoài mà không chán. Nó lại thích chơi với cái bóng. Bất cứ là bóng của cái gì, cử động hay không cử động, nó mê mải đứng chụp. Sau khi phát hiện ra nó thích chơi với bóng, các sư cô hay cử động bàn tay và cánh tay để cho bóng in trên tường cho nó chụp. Vì vậy các sư cô cũng gọi nó là Shadow (Bóng).

Nó đến xóm Mới vào mùa xuân, mùa chim chóc làm tổ khắp nơi và ếch nhái kêu nhau inh ỏi tìm bạn dưới các hồ sen. Thỉnh thoảng các sư cô lại thấy lông chim bê bết máu nằm rải rác trong sân vườn, thấy con Chanh leo trèo lên trên mái nhà. Các sư cô bắt gặp nó rình rập các tổ chim. Rồi từ từ lại thấy các tổ chim biến mất hay bị rơi xuống đất. Còn mấy con ếch nhái thì từ từ im bặt, không thấy kêu nhau nữa. Nhiều người thấy nó rình rập quanh hồ sen nên ai cũng nghi là nó đã “xơi tái” hết mấy con nhái trong hồ. Đề tài bàn tán thường xuyên của mọi người dạo đó là về con Chanh. Nó có vẻ hay sát sanh quá. Có sư cô đề nghị là mình đừng gọi nó là Chanh, mình nên đổi tên cho nó là “Tu Đi” để kêu nó nên tu tâm dưỡng tánh lại, nên tu đi. Nhưng dĩ nhiên nó chẳng tu gì cả, nó tiếp tục làm những gì nó cần làm, theo bản năng. Bé cứ tưởng như thế, ấy vậy mà nó lại đang tu đó bạn ạ.

Những lúc nó không làm những việc sát sanh, hay rượt đánh mấy con mèo kia thì trông nó như là một thiên thần, rất là dễ thương, kháu khỉnh. Nhất là khi nó nằm yên một chỗ, để hai tay dưới cằm và bắt đầu thè lưỡi nút tay như một em bé đang bú tay. Ai thấy nó lúc ấy cũng rất là thương. Bé nghe nói mấy con mèo con, khi còn quá nhỏ mà bị mẹ bỏ thì chúng nó sẽ có thói quen đó.

Thời gian trôi đi, chẳng mấy chốc mà con Chanh đã ở xóm Mới được hơn một năm. Không thấy ai nói đến chuyện cho nó đi nữa. Nó mặc nhiên được chấp nhận vào xóm Mới. Cảm tình của mọi người đối với nó cũng tăng lên, ai đi ngang nó cũng phải chọc ghẹo nó một chút. Có người nhẹ nhàng, nhưng cũng có người chơi bạo. Từ từ nó bớt hung hăng, bởi nó thấy hễ nó hung hăng lên thì người ta hoặc bỏ đi, hoặc trợn mắt lên để cho nó bỏ chạy. Không khí yên tĩnh trong chùa cũng làm nó yên tâm, bớt cảnh giác hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn nó đã không có thói quen kê mũi vào đĩa thức ăn của người khác nữa. Nó đã làm quen với thức ăn khô của mèo mà mỗi ngày nó được cho ăn một lần cùng với mấy con mèo khác. Chỉ có thói quen rình rập, bắt chuột, bắt nhái là nó không bỏ được. Càng ngày nó càng mập ra, ai cũng nói chắc “tại nó ăn mặn”, và lại càng hay răn đe, dặn dò, khuyên bảo nó.

Có một cái gì đó ở con Chanh làm cho hạt giống chọc ghẹo trong bé hay trổi dậy. Hễ thấy nó là thế nào bé cũng phải lại chọc nó hay nói chuyện với nó một chút. Nhưng bé cẩn thận, ít khi nào để cho nó cào cấu hay lên cơn tức giận. Bé chỉ chơi với nó bằng cái que, nhánh lá, làm bóng cho nó vồ, có khi vuốt ve nó một chút, thấy nó hơi nổi cơn cào cấu là bé bỏ ra ngay. Hình như từ từ nó nhận ra người ta không chơi với nó khi nó hung lên nên bắt đầu thay đổi.

Nó hay bị các sư cô rượt theo để cứu các con chuột mà nó bắt được, hay đuổi nó chạy khỏi khu vực rình rập tổ chim. Về phương diện này thì sự chuyển hóa của nó có hơi chậm một chút.

Bé hay nói với các sư cô là con Chanh chuyển hóa nhanh hơn bé rất nhiều. Khoảng hơn một tháng trước khi chết, con Chanh trở nên rất dễ thương, nó vào khóa tu 21 ngày một cách rất dễ dàng. Không thấy nó sợ hãi gì cả dù người rất là đông. Nó thường nằm ngủ trong khu trồng hoa, chỗ mấy sư cô khoanh lại bằng mấy khúc gỗ để trồng Tulip, ngủ ngay dưới đất. Mỗi lần đi ngang nó bé cứ sợ nó bị bệnh phong thấp vì hay ngủ dưới đất. Mẹ hay nói với bé như vậy. Có khi nó nằm ngay giữa đường đi, mọi người qua lại đông đúc mà nó vẫn tỉnh khô. Ai đến vuốt ve nó cũng không phản ứng gì cả, chỉ ngửng mặt lên nhìn thôi.

Một vài hôm trước đó, bé thấy nó đứng nhìn cái gì đó không biết, tính nghịch ngợm nổi lên, bé bèn đến đứng sát bên mình nó. Nó bước đi, bé bước đi theo bên cạnh, hễ nó dừng thì bé dừng, hễ nó đi thì bé đi. Có một lúc, nó dừng lại và ngửng lên nhìn bé. Chắc nó ngạc nhiên. Đi một khoảng khá dài như vậy, nó có vẻ như không biết làm gì. Rồi nó quyết định bước đến tô đựng thức ăn của nó và ăn. Lúc đó, bé mới buông tha cho nó. Bé thật là nghịch quá. Không biết làm như thế có ảnh hưởng đến trái tim bé nhỏ của nó hay không. Bây giờ nghĩ lại bé thấy có hơi ân hận.

Ngày hôm sau, bé thấy nó nằm ngoài sân nên đến chào bằng cách đưa tay ra kê sát dưới cằm nó. Nó ngửng mặt lên nhìn bé và không hề cử động gì cả, bé biết nó đáp ứng lại là vì nó hơi nghiêng mặt để cho tay bé sát vào mặt nó hơn thôi. Bé bèn nói với nó:“’You’” bây giờ giỏi quá, ‘you’ chuyển hóa còn nhiều hơn ‘me’ nữa đó.”

Vậy mà hai ngày sau, bé nghe tin nó chết. Nó nằm trong vườn hoa Glayeul đang nở trong một tư thế “rất là Chanh”. Nằm nghiêng nhưng một chân sau lại đưa lên, cứng đơ. Ai cũng thắc mắc, không biết nó chết kiểu gì mà lại như vậy. Chắc là nó bị một cú sốc, hay đột quỵ tim, đến nỗi cứ như vậy mà đi thôi, không kịp điều chỉnh lại tư thế gì cả. Mọi người đến để hoa lên mình nó, và khi ấy, bé nhận ra rằng thường ngày nó là một con mèo “lộn xộn” nhất của xóm Mới nhưng lại chiếm cảm tình của người khác nhất. Mọi người tìm cách xác định nguyên nhân cái chết của nó, có vẻ thuyết phục nhất là nguyên nhân phát xuất từ nguồn gốc lai giữa mèo nhà và mèo hoang của nó. Nghe nói những con mèo như thế thường có một trái tim rất yếu.

Con Chanh không tu nhưng có lẽ vì nó ở trong chùa, nơi mọi người đến tập hiều tập thương và tạo ra một năng lượng chánh niệm hùng hậu. Ở đây không có gì nguy hiểm cho nó, chắc bằng bản năng nó đã nhận ra được điều đó. Có lẽ những hạt giống bình an, thương yêu trong nó đã được tưới tẩm cho nên từ từ nó không cần phải cảnh giác nữa, nó đã trở nên rất ngọt ngào và thân thiện. Sự thay đổi của con Chanh là một sự thay đổi rất tự nhiên.

Cái chết của một con mèo thường thì đâu có gì quan trọng. Tuy nhiên đối với bé, đó chính là một sự nhắc nhở về một cái gì vừa có đó, lại ngay lập tức không có đó. Thỉnh thoảng bé nhớ đến nó, vẫn không tin là Xóm Mới bây giờ lại không có con Chanh. Nó quá sống động, quá linh hoạt nên bé không thể hình dung được là bây giờ nó không còn biểu hiện dưới hình thức đó nữa.

Trong khóa tu 21 ngày năm nay, Sư Ông dạy về “Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn chết”. Câu đó cũng có nghĩa là “Chuyện gì xảy ra khi bạn đang còn sống”. “Khi bạn chết, bạn không chết.” Cũng giống như đám mây kia, tối qua nó ở trên trời, cao ơi là cao, xa ơi là xa, bé muốn đến thăm đám mây đó thì chắc là phải mượn một chiếc phi thuyền không gian mới lên tới đó được. Vậy mà sáng nay, bé đã có thể đưa tay ra đụng vào đám mây ấy rồi. Bạn có biết tại sao không? Tại vì tối qua trời mưa, và đám mây đó đã biến thành một vũng nước nằm ở ven đường. Hôm nay bé đi thiền hành, bé đã đi ngang đó và đã tiếp xúc với đám mây trong hình thức của vũng nước được rồi. Như vậy thì đám mây đâu có chết phải không bạn. Nó bây giờ sống dưới một hình thức khác, đó là hình thức của nước. Bạn có thấy đó là một sự nhiệm mầu không?

Vậy thì khi con Chanh chết, con Chanh không chết. Đó là câu kết luận của bé dựa theo Sư Ông. Bé thấy con Chanh đã có một cuộc sống trong hình thức mèo thật là ngắn ngủi, nhưng nó đã biết tu, biết chuyển hóa. Nó đã hoàn tất những gì nó cần làm trong thời gian ngắn ngủi đó, trong biểu hiện mèo đó. Bây giờ, nó đang biểu hiện trong hình thức khác. Nó không chết. Nhưng bé phải biết cách nhận diện nó trong hình thức mới. Giống như bé đã nhận ra đám mây tối qua trong vũng nước bây giờ vậy. Thỉnh thoảng bé nhận ra con Chanh trong những cơn gió nghịch ngợm qua tán lá và cả trong sự nghịch ngợm của chính bé. Và bạn biết không, bé vẫn đang tiếp tục học cách để nhận ra những hình thức khác của con Chanh. Mời bạn cùng làm với bé cho vui.