Con số đẹp

Thầy Minh Hy

Nắng chiều tuy muộn nhưng thật đẹp. Cái nắng của Thâm Tâm làm cho người ta đứng lặng đi mà chiêm ngưỡng. Nắng về trên những rặng thông, vàng óng ả. Nắng đọng lại trong những hạt mưa đọng trên lá, đẹp như pha lê. Nắng phết lên tường, hiện lên những đường nét cổ kính rêu phong.

Tôi không có ý đợi em, nhưng em đã đến. Trên mặt còn dính chút bụi trần pha lẫn chút ngây ngô, khờ dại. Vai mang ba lô rón rén theo ba đi vào phòng khách. Tôi mời hai bố con ngồi chơi ở Lạc Nghĩa Đường. Cái nắng chiều dễ dàng để tôi đưa hai vị khách vào câu chuyện.

Người bố đã đến đây từ khi ông còn là một cậu bé, bây giờ ông đã ngoài ngũ tuần, ông đến đây để cào rác thông về nấu cơm. Bây giờ, cảnh chùa đã đổi khác, nhưng ông nói: “Lạ lắm, tôi thấy như là mới hôm qua, cái bình an ở núi đồi Dương Xuân nó vẫn còn đây.

Ông đến đây và đưa cậu con trai đến xin ở ít hôm. Nó có một ít vấn đề trong cuộc sống, và ông tin rằng ở đây là nơi có thể giúp đỡ cho con ông. Sau đôi lời hỏi thăm, tôi đưa hai người đến gặp sư huynh của tôi. Người rất hoan hỷ đồng ý. Đây cũng là chuyện dĩ nhiên thôi, vì chúng tôi là người tu nhưng cũng là những người bác sĩ.

Trong ngày đầu, tôi để cho em có rất nhiều không gian, tôi chỉ chia sẻ cho em cách trở về theo dõi hơi thở, lắng tai nghe và tập tiếp xúc với sự sống đang diễn ra xung quanh em. Đến ngày thứ hai, em vui hơn và dễ dàng đến với những người xung quanh. Em xuống bếp giúp đội nấu ăn, đi quét lá, đá bóng, chạy bộ, đi dạo, uống trà. Kết quả đến nhanh hơn tôi tưởng. Bởi vì đằng sau những nụ cười ấy, em có một quá khứ như một khối tơ vò không gỡ ra được.

Bước vào tuổi 15, cái tuổi của thần tiên, nhưng với em không được như vậy. Gia đình em đi kinh tế mới, cuộc sống cũng tạm đủ nhưng thiếu đi sự đùm bọc và chở che của người thân. Dù nghèo khó nhưng được sống trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” thì vẫn hơn. Lên lớp tám, em là một học sinh giỏi, dễ thương và hiền của lớp, nhưng suốt học kỳ I không có tuần nào là em không bị đánh chảy máu cam, đánh không cần lý do, chỉ vì cái tội không có tiền nộp cho tụi đầu sói. Có nhiều lần em đã phải lấy trộm tiền đi chợ của mẹ đưa cho tụi nó, những hôm ấy em mới được yên thân, nhưng em không thể lấy hoài như vậy được. Mồ hôi, sức lực của cha mẹ làm quanh năm mới chắt chiu đủ tiền sinh hoạt cho cả gia đình. Ở cái nơi “tứ xứ” này, biết đâu là người thân để mà nương tựa.

Thế rồi, em đổi kiểu suy nghĩ, đổi tốt thành xấu, em gia nhập băng đảng để thoát khỏi thân phận yếu đuối. Cuộc sống từ đây đưa em sang một hướng khác. Từ một học sinh giỏi, em rớt xuống học sinh trung bình ở học kỳ II, từ dễ thương em trở thành hung dữ, em giờ không lấy tiền của mẹ nữa mà đi lấy của người khác. Trong sâu thẳm của tâm hồn, có ai đó nói với em rằng, em có bản lĩnh, có sự trưởng thành vì bây giờ em đã biết uống rượu, hút thuốc, cờ bạc và nhất là không còn bị ai bắt nạt như trước đây. Em thỏa mãn với cuộc sống hiện tại mà không biết rằng mình đang đi vào những nẻo đường đen tối của cuộc đời. Em như một con cá, cố gắng nhảy nhưng không thể nào thoát ra khỏi chiếc lưới.

Bao lần em muốn khóc, nhưng những khối khổ đau vẫn còn nghẹn ngào, mắc kẹt ở đâu đó mà chưa chảy thành dòng. Tôi vẫn lắng nghe và cầu mong cho em được khóc một lần, lòng em sẽ nhẹ hơn.

Một ngày đó, bố nhờ em lên thị xã để mua một ít đồ, vô ý làm sao em quên khóa cổ, vậy là ai đó “mượn” mất chiếc xe Dream II. Lòng ngổn ngang trăm mối, bần thần, hồi hộp, lo lắng. Làm mất một chiếc xe là một vấn đề lớn, lớn như thế nào thì em không biết nhưng em biết chắc  có một cơn bão đang kéo đến. Về tới cổng, em ước gì có một phép lạ, có một ai đó có đủ hiểu biết để thông cảm cho em, nhưng không, cái mà em nhận được là một trận mắng. Tội cho ông bố, chiếc xe là phương tiện sinh sống, đi lại của cả gia đình, chắt chiu lắm mới có được. “Mày là cái đồ vô tích sự, mày là…”.

Nói đến đây, em bật khóc, tôi mừng quá, em được khóc rồi. Nói đời là bể khổ nhưng đâu phải chàng trai nào cũng được khóc. Tự cho mình là nam nhi, gói khổ đau lại không cho nó chắp cánh bay cao. Tôi để cho em khóc, mãi nhìn em mà quên mất đưa khăn giấy cho em, cho đến khi em đưa tay lên quẹt nước mắt, tôi mới nhớ mình có khăn giấy trong túi. Ôm cả khối khổ đau trong lòng, cái khổ đau này không phải là khổ vì mình làm mất xe, cái khổ này nó còn nặng nề hơn, đó là sự trách móc, giận hờn của người mình thương. Mình cần có sự cảm thông mà không có, mình đưa tay cố bám víu vào một cái gì đó để đứng lên nhưng không có, vậy là em quyết định bỏ nhà ra đi vào lúc đêm khuya. Em không biết sẽ đi về đâu, nhưng em cần nghỉ ngơi, em thấy ngột ngạt trong ngôi nhà ấy. Tội cho ông bố. Mất xe, bây chừ rồi mất luôn cả đứa con.

Nói đến đây, em lại òa lên khóc, tay ôm mặt và toàn thân run theo tiếng nấc. Tôi nghẹn ngào nhìn em, chưa biết làm sao thì tiếng chuông điện thoại của em reo lên. May quá! Tôi liền nắm lấy hơi thở, bình tĩnh. À! Đã có cách giải quyết rồi. Nếu cứ để em khóc hoài trong khi năng lượng chánh niệm chưa vững vàng thì chỉ làm em càng chìm đắm trong quá khứ đau thương. Thế là tôi mời em đi ra vườn, tôi bước thật chậm và vững, em cũng bắt chước tôi, thở vào… chậm, thở ra… vững vàng.

Tuần sau, tôi sắp xếp được một buổi ngồi chơi với hai bố con bên bờ hồ Sao Mai. Gió chiều thật mát, cỏ thật xanh. Buổi ngồi chơi thật dễ chịu khi ông bố bắt đầu kể về tuổi thơ của mình. Đó là một làng quê ít ruộng nhiều rừng và không gian thì bao la. Tuổi thơ của ông thật đẹp, cho đến khi 18 tuổi ông phải xa quê đi kinh tế mới.

Cuộc sống thật nhiêu khê!…

Ông mỉm cười và nhìn cậu con trai rồi nhìn tôi: “Hy sinh đời bố củng cố đời con thầy à, nhưng bây giờ tôi thấy phương châm này phải đổi mới. Hy sinh đời bố thì cũng hy sinh luôn cả đời con. Tôi đã không có đủ thương yêu để chăm lo cho cả gia đình vì mải mê công việc”. Ông nói mà lòng nghẹn ngào. “Hy sinh là mất mát nhưng chưa hẳn đã là tình thương. Có tiền thì mua được tất cả, nhưng cũng phải đánh đổi nhiều thứ để có tiền, cuối cùng vẫn là con số không”. Ông nói và hai bàn tay nắm lại thật chặt như muốn ghi sâu vào trong lòng những điều mình muốn nói ra.

Tôi lắng tai nghe ông nói mà những dòng cảm xúc cứ chạy rần rần khắp cả người, tôi hay bị như vậy khi có điều gì đó chạy tuột thẳng vào tim. Nhìn sang cậu con trai, tôi thấy hai hàng nước mắt chạy dài trên má từ hồi nào.

“Ba… xin lỗi… con trai!”

Câu nói hơi ngượng, nhưng cũng được. Vì đã bao giờ ông nói được câu ấy đâu. Đây là lần đầu tiên. Sở dĩ ông nói được như vậy vì chiều qua tôi đã kể cho ông nghe những nỗi khổ niềm đau của cậu con trai mà nó chịu đựng trong năm năm qua. Từ hồi đi học, nhập băng đảng, bỏ nhà ra đi, nỗi khổ khi học nghề ở Sài Gòn….. cho đến khi ông tìm được nó. Nhưng có lẽ cảm động nhất là bức thư nó viết cho ông tối qua. Bức thư mà nó muốn làm mới với bố. Chắc trong thư em nó cũng đã tâm sự nhiều cho ông.

Nghĩ rằng chỉ ở mấy hôm, ai dè chàng thanh niên đã ở luôn hai tuần. Đó cũng là thời gian đủ để cậu mở lòng ra làm mới với bố. Chỉ có cách đó thì vết thương trong tâm cậu mới được chữa lành và sự truyền thông giữa cậu với bố mới được nối lại. Cũng nhờ phước đức của ông bà còn lớn nên họ đã được trở về…

Tối nay trăng lên thật đẹp, trăng rằm mà. Ngắm trăng và thưởng thức một ly trà Oolong thơm, tôi thấy đời thật thảnh thơi. Hai bố con đã đi từ tuần trước, nhiều kỷ niệm vẫn đọng trong tôi. Tôi thật sự muốn nói lời cảm ơn hai bố con họ thật nhiều. Họ đến và làm cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa. Tôi thương họ vì họ đã sống cho tôi. Và tôi cũng nguyện sẽ sống cho họ, sống cho thật đẹp.

Cuộc sống lại bắt đầu…