Một vài kỷ niệm với ca sĩ Hà Thanh

Vài kỷ niệm với Tâm Ca Lăng Tần Già – Chân Hỷ Lạc – Hà Thanh

Sư Cô Chân Không

 

Tiểu sử của ca sĩ Hà Thanh(1):

Hà Thanh khi trẻCa sĩ Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ở Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Cô là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em mà không một người nào đi theo con đường văn nghệ, ngoài một người anh tỏ ra khuyến khích cô khi nhận thấy em mình có biệt tài ca hát. Là một người theo đạo Phật, ngày nhỏ Lục Hà theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và đã hát trong chương trình Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài phát thanh Huế.

Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, Lục Hà khi đó mới 16 tuổi tham dự. Lục Hà đạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó, trong đó có bài Dòng sông xanh, và tên bài hát đó đã trở thành nghệ danh của cô: Hà Thanh. Hà Thanh tiếp tục học và có đi hát cho Đài phát thanh Huế.

Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm. Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Cô trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó. Vào giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội… Cô rất nổi tiếng với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như Hàng hàng lớp lớp, Chiều mưa biên giới…

Năm 1965, ca sĩ Hà Thanh đã đến hát cho sinh viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của trường Đại học Vạn Hạnh nghe(2).

Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, có nhiều người yêu thích Hà Thanh. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm nhiều thơ và viết sách ca ngợi nhan sắc của cô. Nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh, Tiến Sĩ Lê Văn Hảo cũng là người rất hâm mộ Hà Thanh. Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp. Năm 1972, hai người có một con gái là Kim Huyền.

Sau năm 1975, Bùi Thế Dung phải đi cải tạo. Năm 1984 Hà Thanh cùng con gái được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ.

(1)Theo Wikipedia
(2) Lời sư cô Chân Không

(*) Hình đầu tiên: Hà Thanh lúc 16 tuổi

Cất tiếng hát đem niềm vui cho người

Tại hải ngoại, năm 1988 Hà Thanh đã ghi tên theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi hành hương 3 tuần lễ ở Ấn Độ. Khi đoàn lên núi Linh Thứu, Hà Thanh xin được quy y lại với Thiền sư và được cho pháp danh mới là Tâm Ca Lăng Tần Già, mặc dù cô đã được quy y Phật hồi bé ở Huế.

Kinh A Di Đà kể rằng ở cõi Tịnh Độ mỗi lần chim Ca Lăng Tần Già hót lên thì người nghe khởi chánh niệm, tiếp xúc ngay với Bụt, Pháp và Tăng của tự thân, và ý thức rằng mình đang ở cõi Tịnh Độ. Ca Lăng Tần Già Hà Thanh cũng vậy. Cô đã làm đúng như lời Thầy mong ước. Cô chỉ trình diễn trong những đại hội Phật Giáo, những đại nhạc hội lạc quyên giúp thuyền nhân ở các trại tị nạn, giúp cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở quê nhà, hay góp phần xây ngôi thiền đường này, hoặc ngôi bảo tự kia…

Tiếng hát của cô bây giờ là hát vì mọi người, đem niềm vui cho người, giúp người bớt khổ. Cô không còn hát cho riêng mình. Điều quan trọng là cô chỉ hát những bài nhạc đạo giúp người ta tu tập, đúng như điều thầy của cô – Thiền Sư Nhất Hạnh – khi đặt tên cho cô đã mong ước: Mỗi lần cô cất tiếng hát là thính giả lại được tiếp xúc với Bụt, Pháp, Tăng của tự thân và phát khởi chánh niệm.

Hà Thanh với Thầy và bạnNăm 1990, Hà Thanh có đến thiền đường Hoa Quỳnh của Làng Mai tại Paris, tập hát với nhạc sĩ Chí Tâm và sư cô Chân Không một số bài nhạc Phật giáo mà Thầy Làng Mai mới sáng tác. Hôm sau, tại nhà hát lớn Palais de la Mutualité,  trước 2200 người Việt, cô đã trình diễn bài Ý thức em mặt trời tỏ rạng của Thiền Sư Nhất Hạnh và bài Hải Triều Âm của nhạc sĩ Bửu Bác sáng tác. Giọng hát của Hà Thanh rất trong, rất thanh và khi cất lên cao vút thì lại thật ấm và ngọt ngào, tỏa lan… ngân xa như những tiếng chuông hay nhất xứ Huế.

Suốt trong những năm 1990 đến 2000 khi Việt Nam còn cấm đoán nhạc vàng, Phật tử hay chuyền nhau những băng cassette pháp thoại của Thầy và rất ngạc nhiên thích thú được nghe Hà Thanh hát những bài như Quay về nương tựa, Tiếng chuông chùa cổ, Ba sự quay về, Đây là Tịnh Độ, Ý thức em mặt trời tỏ rạng, Cẩn trọng, Trầm hương đốt, trước và sau các bài giảng.

Năm 1997 Tâm Ca Lăng Tần Già Trần Thị Lục Hà – Hà Thanh tiếp thọ 14 giới Tiếp Hiện với pháp hiệu là Chân Hỷ Ca

Trong một buổi pháp thoại cho đồng bào ở Hoa Kỳ,Thiền Sư Nhất Hạnh có đọc cho thính chúng nghe bài thơ do Thầy sáng tác: “Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai”. Khi nghe lần đầu câu: “Thầy đi tìm con, từ lúc non sông còn tăm tối…”, cô đã khóc và đã quyết tâm phổ nhạc bài này với những nốt nhạc rất dân tộc, rất Việt Nam và đã nhiều lần đến hát cho tăng thân Làng Mai nghe… Hôm ấy cô đã hát cho tăng thân nghe bài Bên Mé Rừng đã nở rộ hoa mai, do chính cô phổ nhạc thật tuyệt vời, nhiều thiền sinh có mặt ở khóa tu đã khóc vì cảm động và hạnh phúc.

Năm 2011, Hà Thanh báo tin cô bị bệnh dư hồng huyết cầu, nhờ trị bệnh này đã bảy tám năm nên bác sĩ đã giúp cô làm chủ được tình hình sức khoẻ. Như mọi khi, cô rất vui mừng mỗi khi nghe thầy ghé qua Miền Đông Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục sẳn sàng ngồi xe đi hơn 5 giờ đến thăm thầy ở Tu Viện Bích Nham của Làng Mai ở tiểu bang New York  Hoa Kỳ. Cô đã mang tặng thầy cái CD chót mà Hà Thanh mới đặt nhạc mới bài Sám Hối (thi kệ của Thầy Nhất Hạnh) mà cô mới viết nhạc lại (không phải nhạc của Anh Việt) trong đó Hà Thanh lại thêm đoạn Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn, rất “ăn khách”  nhất là khi Hà Thanh cất giọng lên như những tiếng chuông khánh thanh tao nhất của nhà chùa!

Mới cách đây hơn hai tháng, ngày 14 và 15.9.2013, Hà Thanh có đến tận khách sạn Boston Park Plaza Hotel, nơi Thiền sư Nhất Hạnh đang hướng dẫn một khóa tu hai ngày cho 1120 bác sĩ y khoa và tâm lý trị liệu do Đại học Harvard tổ chức để thăm Thầy và một lần nữa hát cho Thầy nghe bài Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai. Các sư em tôi không ngờ đó là lần chót Hà Thanh hát cho Thầy và tăng thân nghe. Nhưng tôi thì vẫn đang còn nghe vẳng vẳng ngay lúc này đây, cái giọng ngọt ngào ấy, trong như những giọt sương mai long lanh, đầm ấm mà từ bi như tiếng chuông ngân xa, ngân xa… thật xa biến cõi buồn phiền thành Tịnh Độ.

“Lá la là la lá…lá la là la lá…Lá la là la lá…. lá la là la lá.. la la.. là la .. Qua ngõ vắng, lá rụng đầy, tôi theo con đường nhỏ, đất hồng như môi son bé thơ… Bỗng nhiên tôi cẩn trọng, từng bước chân đi…”

Tiếng hát ấy của Hà Thanh như những giọt lưu ly đang tung tăng reo vui reo vui trong cõi tịnh độ bây giờ và ở đây với chúng ta ngay giây phút này…

Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên
Tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi…

Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh
Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm
Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi
Cho em bầu trời bao la
Mặt trời lên cao
Rừng cây ý thức
Mặt trời lên cao
Rừng cây vươn nắng chan hòa.
Em đi ngang qua đồng hoa hướng dương
Hàng vạn bông hoa ngoảnh nhìn về phương Đông chói sáng…>>

Từng bước chân thảnh thơi
Mặt trời như trái tim đỏ tươi
Từng đoá hoa mỉm cười
Ruộng đồng xanh ngát như biển khơi
Cùng gió ca lời chim
Từng bước chân thảnh thơi
Đường dài em bước như dạo chơi…>>

 

Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai

HÀ THANH phổ nhạc và trình bày

Thầy đi tìm con
Từ lúc non sông còn tăm tối
Thầy đi tìm con
Khi mọi loài còn chờ đợi ánh dương lên

Thầy đi tìm con
Khi con còn đắm chìm trong một giấc ngủ triền miên
Dù tiếng tù và đã vọng lên từng hồi giục giã
Không rời non xưa
Thầy đưa mắt về phương trời lạ và nhận ra được trên vạn nẻo đường từng dấu chân của con

Con đi đâu
Có khi sương mù đã về giăng mắc chốn cô thôn
Mà trên bước phiêu linh con vẫn còn miệt mài nơi viễn xứ
Thầy đã gọi tên con trong từng hơi thở
Tin rằng dù con đang còn lạc loài đi về bên nớ
Con cũng sẽ cuối cùng tìm ra được lối trở về bên ni…>>

Chuông ngân từng tiếng ối à ngân nga
Thở vào tâm tĩnh lặng a à í a
Thở ra ôí à mĩm cười, thở ra ối a mĩm cười
Tình tình tình thảnh thơi, tình tình tình thảnh thơi…