Làm mới đạo Bụt – những cành lá mới trên cây đại thụ
Qua nhiều năm thực tập hơi thở chánh niệm, thiền hành và an trú trong hiện tại, Thầy đã ôm ấp và trị liệu nỗi đau khi không được trở về quê hương. “Chính nhờ sự thực tập mà tôi đã có thể trở về với quê hương đích thực của mình ngay bây giờ và ở đây,” Thầy giải thích. “Quê hương đích thực của chúng ta không phải là một ý niệm trừu tượng mà là một thực tại chắc thật mà ta có thể tiếp xúc bằng đôi chân, đôi tay và bằng ý thức. Nó có mặt ngay bây giờ và ở đây, và không ai có thể lấy nó đi được. Người ta có thể chiếm đóng đất nước bạn. Họ có thể bỏ bạn vào tù. Nhưng họ không thể tước đoạt quê hương đích thực và sự tự do của bạn.”
Thầy nói “Đã về, đã tới” chính là cốt tủy của sự thực tập và là “bài pháp thoại ngắn nhất” của Thầy. Bốn chữ đó cũng đã trở thành giáo lý quan trọng nhất khi Thầy hướng dẫn thiền sinh tu tập ở Làng Mai để họ thật sự trở về với tự thân, để thấy đó chính là ngôi nhà đích thực của họ trong giây phút hiện tại. Bốn chữ đó đã trở thành pháp ấn đầu tiên trong Bốn Pháp ấn của Làng Mai[i]:
Sự thực tập đã về đã tới thể hiện được cái hiểu của tôi về giáo pháp của Bụt… Từ khi tìm được quê hương đích thực của mình, tôi không còn đau khổ nữa. Quá khứ hay tương lai không còn là ngục tù giam hãm tôi nữa. Tôi có khả năng sống ngay bây giờ và ở đây. Tôi có thể tiếp xúc với quê hương đích thực của mình.
Tương lai có mặt nơi hiện tại. Đây là điều mà tôi đã nhận ra được. Và khi tiếp xúc với hiện tại một cách sâu sắc, ta có thể tiếp xúc với quá khứ. Nếu ta biết cách xử lý hiện tại một cách rốt ráo, ta có thể chữa lành quá khứ. Nhiều người nghĩ là quá khứ đã đi qua, mình không thể làm gì được nữa, mình không thể quay lại quá khứ, sửa chữa những gì đã xảy ra. Nhưng theo giáo lý của Bụt, quá khứ vẫn còn đó với tất cả những nỗi khổ niềm đau. Và nếu ta biết cách trở về với ngôi nhà của giây phút hiện tại và tiếp xúc với hiện tại thật sâu sắc thì ta sẽ tiếp xúc được với quá khứ, và ta có thể chữa lành quá khứ. Một khi chữa lành được cho chính mình nghĩa là ta cũng đồng thời chữa lành cho tổ tiên của ta. Điều này là điều ta có thể làm được. Tổ tiên trong tôi đang đau khổ thì chính tôi cũng đang đau khổ. Và vì tôi có thể tiếp xúc với giây phút hiện tại thật sâu sắc, tôi chữa trị cho chính mình, và tôi cũng chữa trị cho tổ tiên tôi, trong đó có cha, mẹ, anh, chị, ông bà của tôi”[ii].
Đi sâu nghiên cứu đạo Bụt với tư cách một học giả
Tại Làng Mai Pháp, Thầy tiếp tục công việc nghiên cứu, xuất bản sách mới, dịch kinh, thực hiện ước mơ hiện đại hóa các giáo lý căn bản của đạo Bụt và đem một sức sống mới cho các bản kinh nguyên thủy. Tác phẩm Đường xưa mây trắng, một cuốn sách viết về cuộc đời của Bụt, được xuất bản năm 1988 và đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng. Qua tác phẩm này, Thầy đã giúp cho chúng ta khám phá lại Bụt như một con người mà không phải là một vị thần linh, dẫn dắt người có tâm cầu đạo thoát ra khỏi hình ảnh một vị Bụt của truyền thuyết và huyền thoại để tiếp xúc với Bụt như một vị thầy giản dị. Thầy đã rất hạnh phúc đem quyển Đường xưa mây trắng được dịch ra tiếng Hindi trong chuyến hành hương về Ấn Độ năm 1997. Quyển sách đã phục hồi tính nhân bản cho một trong những hình tượng nổi bật nhất của đất nước này[iii]. Từ đó đến nay, nó đã trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất ở Ấn Độ[iv].
Bản dịch mới những kinh căn bản của Phật giáo như Bát Nhã Tâm Kinh (được xuất bản thành sách Trái tim của hiểu biết), Kinh An ban thủ ý (sách Kinh Quán niệm hơi thở), Kinh Tứ niệm xứ (sách Con đường chuyển hóa) được Thầy chú giải dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm mà Thầy tiếp nhận từ truyền thống, kết hợp với nguồn cảm hứng từ thiền sư Khương Tăng Hội.
Thầy đã đi sâu nghiên cứu kinh An ban thủ ý (Quán niệm hơi thở – Ānāpānasati Sutta) và phát hiện ra ba bản kinh tương tự trong Hán tạng mà các học giả Tây phương đương thời ít biết đến (các kinh số 803, 810 và 815 của bộ Tạp A Hàm). Thầy đã so sánh các bản kinh trong Hán tạng với bản kinh trong tạng Pali, nhờ đó đã có thể bổ sung cho bản Pali và giúp các hành giả có thể áp dụng vào sự thực tập. Thầy nhấn mạnh rằng “đây là lúc chúng ta đem kinh An ban thủ ý trở lại vị trí đúng đắn trong truyền thống thiền tập”[v]. Thầy phát hiện ra Thiền sư Tăng Hội đã sử dụng các kinh nguyên thủy với một cái nhìn phóng khoáng của đạo Bụt Đại thừa. Tại Làng Mai, Thầy đã kết hợp truyền thống Nam tông với truyền thống Bắc tông, và các kinh căn bản được sử dụng tại Làng được lấy từ tất cả các truyền thống khác nhau – từ các tạng Pali, Hán tạng, Sanskrit, Cao Ly (Hàn Quốc) và Tây Tạng[vi]. Suốt hai thập niên giảng dạy tại Làng Mai, Thầy đã cho các bài pháp thoại và chú giải kinh điển từ tạng Hán và tạng Pali, kết hợp những kiến thức Thầy đã được học hỏi nghiên cứu từ truyền thống với kinh nghiệm thực chứng của chính Thầy. Thầy đã dạy các khóa học về Tâm lý học và triết học Phật giáo (trong đó có Ba mươi bài tụng Duy thức của ngài Thế Thân, Nhiếp đại thừa luận của ngài Vô Trước, Trung quán luận của ngài Long Thọ), về Lâm Tế Ngữ Lục, các kinh điển Đại thừa chính yếu[vii], Kinh Nghĩa Túc và Kinh Pháp Cú Hán tạng.
Thành lập tăng thân xuất sĩ
Năm 1988, sau 35 năm giảng dạy, cuối cùng Thầy đã bắt đầu nhận đệ tử xuất gia và xây dựng tăng đoàn xuất sĩ. Thầy thấy được giá trị của liên hệ thầy trò qua sự cam kết cùng nhau học hỏi và tu tập miên mật trong môi trường của một tăng thân thường trú. Tại đỉnh Linh Thứu, Ấn Độ, vào tháng 11 năm 1988, Thầy đã làm lễ xuất gia cho chị Cao Ngọc Phượng (sư cô Chân Không) – một đệ tử và cũng là một cộng sự lâu năm của Thầy, cùng với chị Annabel Laity (sư cô Chân Đức) – đệ tử xuất gia người Tây phương đầu tiên của Thầy và chị Thanh Minh (sư cô Chân Vị). Trong một thời gian ngắn sau lễ xuất gia này còn có nhiều lễ xuất gia nữa. Đến giữa thập niên 90, đã có khoảng 30 sư cô, sư chú và các vị tập sự từ ít nhất là 6 nước khác nhau sống và tu tập tại Làng Mai dưới sự giáo dưỡng của Thầy.
Khi tăng thân mỗi ngày mỗi lớn, Thầy đã phát triển những phương pháp thực tập để xây dựng tăng thân[viii]. Thầy luôn thúc đẩy tinh thần bình đẳng, cộng tác và tình huynh đệ giữa các thầy và các sư cô, nhấn mạnh đến phương pháp làm quyết định dựa trên sự đồng thuận mà không dựa trên uy quyền của một cá nhân. Thầy là một trong những vị đạo sư đầu tiên trong thời hiện đại đã tân tu giới bản Tỳ kheo và Tỳ kheo ni (Pratimokṣa)[ix]. Thầy là vị thầy đầu tiên của Phật giáo đương đại nhận ra rằng chánh niệm và giới phải đi đôi với nhau và xác quyết rằng trong Tam học, giới (śīla ) và niệm (smṛti) là một: nếu ta hành trì chánh niệm nghĩa là ta đang hành trì giới; và giới giúp ta thực tập chánh niệm[x]. Quyển cẩm nang cho sadi, sadini Bước tới thảnh thơi (1996) và quyển giáo khoa Trái tim của Bụt (1997) của Thầy ngày nay được sử dụng rộng rãi tại các viện Phật học trên toàn thế giới.
Thầy đã cô đọng những nguyên tắc nền tảng cho tất cả giáo lý và pháp môn thực tập của Thầy trong 40 định đề của truyền thống Làng Mai[xi].
Một cách hành trì mới
Nhằm huấn luyện tăng thân xuất sĩ còn non trẻ, Thầy bắt đầu cụ thể hóa những nguyên tắc của đạo Bụt ứng dụng mà Thầy khởi xướng. Điểm nhấn trong các pháp môn của Làng Mai là tính thực tiễn. Mục tiêu của sự thực tập không phải là để tìm cầu niết bàn, để được tái sinh vào cõi Tịnh độ, đạt tới sự giác ngộ cao tột, hay tích phước. Thay vào đó, Thầy dạy các đệ tử của mình cách làm lắng dịu và thư giãn thân tâm; hiểu rõ tâm ý, nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào nỗi khổ niềm đau để hiểu và thương, chuyển hóa cơn giận, thực tập ái ngữ lắng nghe để tái lập lại truyền thông và hòa giải. Thầy dạy đệ tử rằng sự thực tập chánh niệm hay sự tu học nói chung không phải là lao tác cực nhọc; không nên chạy theo hình thức và thực tập một cách máy móc, mà phải bằng sự có mặt thật sự nhờ nương vào hơi thở ý thức và các bài thi kệ.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chế tác năng lượng chánh niệm theo tinh thần các kinh An ban thủ ý và kinh Tứ niệm xứ, Thầy có chủ ý không đi theo các lối thiền công án hay thiền mặc chiếu. Thậm chí có nhiều nghi lễ truyền thống mà Thầy đã từng duy trì, giờ đây Thầy nhận thấy không còn hiệu quả và nuôi dưỡng sự thực tập tâm linh trong thế kỷ 21 như trước đây nữa. Thầy dạy các đệ tử không tìm cầu bất cứ điều gì ở tương lai – ngay cả tìm cầu sự giác ngộ – mà trở về với hiện tại để tiếp xúc với hạnh phúc, sự trị liệu, bình an, và Tịnh độ đang có sẵn. Thầy giải thích rằng thực tập chánh niệm không phải là để trốn chạy khổ đau, hoặc để đạt tới giác ngộ, mà là để chữa trị và chuyển hóa khổ đau ngay trong giây phút hiện tại. Thầy khai triển pháp môn Thiền lạy (Sám pháp địa xúc) để giúp hành giả tiếp xúc với tổ tiên tâm linh và huyết thống. Đây là một trong rất nhiều phương pháp áp dụng giáo lý tương tức một cách cụ thể. Khai thác những nét đẹp trong văn hóa Việt nam, Thầy đã giới thiệu cho các đệ tử quốc tế của mình cách thiết lập một bàn thờ tổ tiên, giúp họ thực tập nối kết và hòa giải với tổ tiên tâm linh và huyết thống trong chính tự thân, và biết nương tựa tổ tiên trên con đường tâm linh.
Những giáo lý này của Thầy nghe qua thì có vẻ rất đơn giản, nhưng thực ra những giáo lý ấy tiêu biểu cho một đường hướng cực kỳ cấp tiến trong thiền tập. Tất cả các phương pháp cụ thể về thực tập chánh niệm do Thầy phát triển – từ phương pháp thở chánh niệm đến thiền hành, rửa bát, đánh răng, nấu ăn, làm việc, dừng lại và thở khi nghe chuông …- đã làm Thầy trở thành một trong những thiền sư đầu tiên trong thời hiện đại gỡ bỏ sự huyền bí của Thiền, làm cho sự thực tập trở về với tự thân và tiếp xúc với giây phút hiện tại trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn.
Khi nhu yếu tham dự các khoá tu do Thầy hướng dẫn ngày càng tăng, vào cuối những năm 1990, Thầy mở thêm một số trung tâm tu học tại Hoa kỳ: tu viện Thanh Sơn tại Vermont năm 1998, tu viện Lộc Uyển tại California năm 2000. Thầy cũng đã truyền đăng phú pháp cho vài chục đệ tử cư sĩ – những người đã có nhiều kinh nghiệm tu học – trở thành Giáo thọ, tiếp tục công trình hoằng pháp của Thầy trên thế giới. Trong số đó, có rất nhiều vị đã thành lập các cộng đồng sống chánh niệm tại châu Âu, châu Mỹ cũng như châu Úc, và trở thành những vị thầy dạy chánh niệm được nhiều người biết đến.
Thầy luôn nhấn mạnh đến sức mạnh của thiền tập cộng đồng trong việc trị liệu và chuyển hóa, cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng các cộng đồng thực tập chánh niệm tại địa phương (hay còn gọi là tăng thân). Thầy mong muốn mọi người có một nơi để cùng tu tập, nuôi dưỡng niềm vui, sự gắn kết nhằm đối trị với sự cô đơn, biệt lập và chủ nghĩa cá nhân đang chiếm ưu thế trong thế giới hiện đại. Ngày nay, những đệ tử cư sĩ của Thầy đã xây dựng được một mạng lưới gồm hơn 1500 tăng thân thực tập chánh niệm tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Các trung tâm thiền tập (có tăng thân xuất sĩ thường trú) do Thầy thành lập cũng dần mở rộng thêm tám trung tâm nữa, đó là: tu viện Bích Nham (New York); Thiền đường Hơi thở Nhẹ (Paris); Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB, Đức); Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan (Khao Yai, Thái Lan); tu viện Mộc Lan (Mississippi); Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB, Hồng Kông); tu viện Nhập Lưu (bang Victoria, Úc); và tu viện Suối Tuệ (Verdelot, Pháp).
[i] Trong pháp thoại ngày 10.5.2012, Thầy đã nói về Bốn pháp ấn của Làng Mai (nghĩa là bất kỳ giáo lý nào của Làng Mai cũng bao gồm bốn yếu tố này, nếu không thì đó không phải là giáo lý đích thực của Làng Mai). Bốn pháp ấn đó là: 1. Đã về, đã tới; 2. Đi như một dòng sông; 3. Đế thời tương tức; 4. Sát na dị thục.
[ii] Pháp thoại của Thầy ngày 25 tháng 3 năm 2004.
[iii] Quyển sách do Tiến sĩ Ramchandra Tiwari dịch ra tiếng Hindi và được công ty sách Hind Pocket Books xuất bản năm 1997. Thầy đã dâng quyển sách cúng dường Bụt tại cội bồ đề ở Bodhagaya trong chuyến hành hương Ấn độ năm 1997.
[iv] Quyển sách được công nhận là tác phẩm về cuộc đời của Bụt được yêu chuộng nhất bằng tiếng Hindi. Đến này nó đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng ở Ấn Độ.
[v] Trích từ tác phẩm Breathe! You are Alive: Sutra on the Full Awareness of Breathing (Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Thích Nhất Hạnh chú giải), tr.18. Rất nhiều truyền thống Đại thừa khác tập trung vào các kinh điển như kinh Hoa Nghiêm hoặc kinh Pháp Hoa… thay vì kinh Quán niệm hơi thở.
[vi] Giải thích của Thầy trong pháp thoại tại Đà Nẵng vào ngày 10 tháng 4 năm 2007, đã được dịch ra tiếng Anh và in trong báo Mindfulness Bell, số 46, mùa thu 2007 dưới tựa đề “The Three Spiritual Powers” (Tam đức: đoạn đức, ân đức và trí đức – Ba nguồn sức mạnh tâm linh)
[vii] Các kinh điển Đại thừa chính yếu, bao gồm: Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra), Phật mẫu bảo đức tạng bát nhã ba la mật kinh (Prajñāpāramitā Ratnaguṇasaṁcayagāthā), kinh Đại Bảo tích (the Ratnakūṭa Sūtra collection), kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrti Sūtra), kinh Pháp Hoa (Saddharma Puṇḍarīka Sūtra), kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka Sūtra), và kinh Kim Cương (Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra).
[viii] Xem tác phẩm Sống chung an lạc: Phương cách xây dựng tăng thân (NXB Văn hóa Sài Gòn).
[ix] Giới bản tân tu cho nam và nữ khất sĩ đã được Thầy công bố lần đầu ngày 31 tháng 3 năm 2003 tại Viện Đại Học Tăng Già Trung Ương (Choong Ang Sangha University ) ở Seoul, Hàn Quốc.
[x] Theo truyền thống, có hai phiên bản của Tam học. Đó là Giới, Định, Tuệ và Niệm, Định, Tuệ. Thầy là người đầu tiên khẳng định rằng Giới và Niệm là một.
[xi] Được Thầy giảng dạy trong các bài pháp thoại tại Làng Mai từ năm 2005 đến 2007 và in thành sách Làng Mai Nhìn Núi Thứu (2014)