Mừng ngày Biểu hiện của Thầy

Sáng nay, trời trong xanh, nắng dịu dàng và ấm áp. Đất trời dường như cũng chia vui với niềm vui của những người học trò, tại gia cũng như xuất gia của Thầy. Hôm nay không chỉ là một ngày đẹp trời mà còn là một ngày đáng nhớ với chúng con – ngày Thầy biểu hiện trên dòng chảy sự sống.

Trong buổi ngồi chơi sáng nay, có cơ hội ngồi lại quây quần bên nhau như một gia đình nhỏ, chúng con cùng hướng lòng biết ơn của mình về Thầy, về những nhân duyên tốt lành đã có mặt để Thầy được biểu hiện là Thầy của chúng con.

Chúng con ngồi thật yên, theo dõi hơi thở, lắng lòng mình theo những lời thiền hướng dẫn của sư cô Định Nghiêm: “Thở vào, Thầy trong con đang thở vào với con. Thở ra, Thầy trong con cũng đang thở ra với con — Thầy trong con đang thở vào/Thầy trong con đang thở ra”… “Thở vào, Thầy trong con đang mỉm cười. Thở ra, Thầy trong con đang mỉm cười. Thầy trong con đang mỉm cười…”

 Bài hát ngày xưa

Thực tập thiền hướng dẫn xong, sư cô Định Nghiêm đã mở đầu bằng những lời chia sẻ rất dễ thương:

“Con kính bạch Sư Ông, con kính thưa Sư cô, kính thưa đại chúng. Đầu tiên hết, con xin mời đại chúng cùng tập với nhau một bài hát. Sư Ông dạy cho chúng con hát bài này khi chúng con mới xuất gia. Bài hát này được Sư Ông viết lại lời. Thời gian đó, khi Làng mới thành lập, Sư Ông tự mình đặt lời, viết nhạc cũng như “ra bài tập” cho quý thầy, quý sư cô là ai cũng phải làm nhạc, ai cũng phải hát. Ngồi ở đây có Ni trưởng, sư chị Chân Đức, sư chị Bảo Nghiêm, toàn là những tác giả của rất nhiều bài hát. Hồi đó, các sư mẹ, sư chị, ai cũng phải sáng tác. Các bài hát được viết bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc tiếng Pháp.

Tối nay, đại chúng sẽ được lên xóm Thượng để dự một buổi hoà nhạc. Bây giờ, những buổi hoà nhạc của Làng rất chuyên nghiệp, có sự góp mặt của toàn những nghệ sĩ trong cả hai chúng xuất sĩ và cư sĩ với rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

Trong khi đó, ngày xưa nếu trong chúng có mười người, Sư Ông sẽ tưới tẩm hạt giống âm nhạc cho tất cả mười người. Dù cho mình không chuyên nghiệp, Sư Ông vẫn tưới tẩm hạt giống đó cho mình. Khi Sư Ông gọi tên, mời mình thì mình phải hát. Không quan trọng hát hay hay dở, miễn sao có hát là được. Nghe đến đây, sư cô Tuệ Nghiêm cười vì ngày xưa Sư Ông cũng mời sư cô hát. Lúc đó, tới Làng, mình được tưới tẩm tất cả các hạt giống. Lúc đó, mình cứ hát mà không cần đàn ghita hay nhạc cụ gì cả.

 

 

Sau này, chúng con mới biết là vào năm 1954, lúc Sư Ông còn là một giáo thọ trẻ, Sư Ông đã muốn đưa thiền ca vào các chùa và các Phật học viện. Thời bấy giờ, ở Việt Nam thầy tu không được hát. Người tu cũng được đi xe đạp. Sư Ông là người đầu tiên đi xe đạp.

Vào năm 1955 khi đất nước bị chia đôi, tất cả mọi người hoang mang, học tăng ở Phật học đường Ấn Quang (nơi Sư Ông đang giảng dạy) cũng vậy. Họ không có nên tiếp tục tu nữa hay không. Ban Giám hiệu giao trách nhiệm cho Sư Ông trấn an học tăng, đổi mới chương trình học để học tăng có thêm niềm tin vào con đường tu, cũng như có niềm tin vào tương lai. Khi được giao cho trách nhiệm đó, Sư Ông lập tức thay đổi lại nếp sống ở Phật học viện và chương trình học. Một trong những thay đổi là Sư Ông đã dạy cho học tăng hát. Bài hát mà con sắp mời đại chúng hát là một bài hát mà các học tăng ở Phật học viện Ấn Quang bắt đầu hát vào thời đó. Sư Ông có kể rằng một hôm, Hoà thượng Đôn Hậu đến Phật học viện và lần đầu tiên ngài nghe học tăng hát. Hoà thượng dừng lại và lắng tai nghe. 40 năm sau, năm 94, 95, Sư Ông lại dạy bài đó cho chúng con hát, nhưng Sư Ông đổi lời lại. Sư chị Bảo Nghiêm vẫn thường hát bài này cho đại chúng nghe. Bây giờ xin đại chúng cùng hát với nhau cho vui.”

Giây phút bài hát vang lên trong thiền đường, mọi người dường như cảm nhận được không khí ngày xưa, mấy chục năm sau kể từ lúc các sư chú ở Phật học viện ngâm nga bài hát này. Được biết câu chuyện, các vị thiền sinh Tây phương thích quá, cũng học hát tiếng Việt theo các sư cô.

“Con xin nhất tâm về nương Bụt

  Con về đây trước đài sen, xa trầm luân rũ ưu phiền

  Con xin nhất tâm về nương Bụt

  Con về vun tưới vườn tâm

  Tập từ bi tập bình an và thảnh thơi

  Con xin nhất tâm về nương Bụt…”

 

Đây là giây phút gì?

Các bạn thiền sinh tham dự cũng được mời chia sẻ về những kỉ niệm, về việc áp dụng lời Thầy dạy vào đời sống. Những lời chia sẻ chân thành của các bạn tưới tẩm thêm niềm biết ơn đối với Thầy với tăng thân. Nhờ Thầy mà chúng con thấy được con đường thực tập và có hạnh phúc trong đời sống. Nhờ tăng thân mà chúng con duy trì được sự thực tập của mình miên mật. Đi cùng với nhau, chúng con có thêm sức mạnh để tiếp nối con đường của Thầy.

 

 

Buổi ngồi chơi được khép lại bằng câu chuyện dễ thương của sư cô Trăng Diệu Viên với Thầy:

“Thời mới xuất gia, hạnh phúc lớn nhất của con là cứ mỗi 9 ngày sẽ được lên Sơn Cốc ăn cơm cùng Sư Ông. Bây giờ, khi nhớ lại những giờ phút ấy, con vẫn thấy niềm hạnh phúc chưa hề vơi. Tuy là lúc đó, vì mới xuất gia, được ở gần với người thầy mình thương kính, con run lắm nên không tận hưởng được hết sự có mặt của Sư Ông, không tận hưởng được hết những giây phút đẹp đẽ đó. Con căng thẳng và sợ mình không có đủ chánh niệm sẽ làm sai cái này, làm sai cái kia. Khi ăn cơm với Sư Ông, thầy trò sẽ ngồi quanh bàn và Sư Ông sẽ hỏi sư em nhỏ nhất là con lúc ấy: “Nào, con nói đi”. Khi ấy, con sẽ thưa lên với Sư Ông, với Sư cô và các chị em xung quanh: “Đây là giây phút hạnh phúc”. Được ngồi ăn cơm với Sư Ông, đó thật sự là một giây phút hạnh phúc.

Có một lần, con đưa Sư Ông và sư cô Chân Không ra sân bay Bordeaux để đi khoá tu. Mới xuất gia được không lâu nên con vẫn còn bộp chộp và lao xao lắm, chưa trở về với hơi thở cũng như an trú trong hiện tại được nhiều. Con nhớ là thời điểm đó có rất nhiều chuyến bay bị hoãn và cả đoàn phải ngồi đợi rất lâu. Còn con thì cứ mãi đứng ngắm Sư Ông xem lúc ra ngoài, Sư Ông như thế nào, cách nhìn, cách đi của Sư Ông ra sao. Lúc đó con ngắm Sư Ông như một em bé tò mò nhìn ngắm mọi thứ. Lúc cả đoàn sắp hàng đi vào, con thấy rõ Sư Ông đứng đằng trước với thị giả, sau đó là sư cô Chân Không nhưng không hiểu sao nháy mắt Sư Ông đã cùng đứng bên cạnh con và hỏi: “Con, đây là giây phút gì?”. Con ngẩng lên nhìn Sư Ông và bối rối cực độ. Con hoang mang không biết trả lời Sư Ông như thế nào: “Chẳng lẽ đây là giây phút hạnh phúc hay là như thế nào nhỉ?”. Trong lúc tự hỏi mình nên trả lời như thế nào, con thấy được ánh mắt của Sư Ông nhìn con, đang chờ câu trả lời của con nhưng mà lúc đó con cảm thấy không thể trả lời là giây phút hạnh phúc được. Giây phút hạnh phúc phải là lúc thầy trò ngồi dùng cơm chung, ấm áp, còn hiện tại là đang ở sân bay, chẳng lẽ trả lời là giây phút chia tay? Rất nhiều câu hỏi đi lên rất nhanh trong đầu khiến con càng bối rối hơn. Lại ngẩng lên, thấy sự chờ đợi của Sư Ông, con như một cỗ máy đáp một cách lí nhí: “Bạch Thầy, đây là giây phút hạnh phúc!”. Sau đó, Sư Ông như một cơn gió lướt đi, nhẹ nhàng như lúc đến. Con đứng trân trối ra đó 10 phút, tự trách mình sao lại trả lời một cách máy móc như vậy. “Chắc chắn đó không phải là giây phút hạnh phúc rồi, vậy đó là giây phút gì?”

 

 

Câu hỏi đó đã trở thành một công án của con. Con giữ ở trong lòng rất lâu nhưng vẫn không tìm ra được câu trả lời mà con nghĩ là phù hợp. Năm tháng trôi đi, hình như là 2 năm sau, một ngày nọ công án ấy đi lên trong con và bỗng nhiên như một ánh đèn sáng lên. Con hiểu ra rằng lúc đó trông con rất mất chánh niệm, rất lăng xăng cho nên Sư Ông đã đến bên cạnh để nhắc con trở về an trú nhưng con đã không nhận được thông điệp của Sư Ông ngay lúc đó. Hiểu ra được, con cười được với mình. Công án giờ đây đã trở thành câu thần chú của con. Con hay mời Sư Ông trong con lên, nhắc mình rằng Sư Ông đang có mặt và hỏi mình: “Đây là giây phút gì?” để xem là con có đang an trú hay không. Có khi con nghĩ nếu Sư Ông hỏi con một lần nữa, con sẽ trả lời là: “Bạch Sư Ông, đấy là một giây phút bị bắt tại trận” hoặc “Đây là một giây phút mà con đã biết rồi ạ”. Khi con nghĩ như vậy thì con thấy được Sư Ông mỉm cười với con. Đó là bài học rất quý mà con được nhận từ Sư Ông.”

Sau đó, đại chúng trở về với hơi thở, lắng nghe ba tiếng chuông. Khép lại buổi be-in, trước khi đi thiền hành, mọi người không quên chụp lại chiếc bánh sinh nhật Susi độc đáo mà sư cô Trăng Mai Điền dâng lên Sư Ông nhân ngày đặc biệt này. 

 

 

Một cánh cửa mới 

8 giờ tối, đại chúng cùng có mặt tại Thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng để dự buổi hoà nhạc mà sư cô Định Nghiêm nhắc tới lúc sáng. Buổi hoà nhạc tiếp nối tinh thần của Sư Ông và sư cô Chân Không ngày xưa – đem giáo pháp, chất liệu của đời sống tâm linh chuyền tải qua lời ca, tiếng hát.

Mở đầu, thầy Pháp Linh mời đại chúng cùng hoà âm trong giai điệu nhẹ nhàng, đầy bình an:

“We are one, one with the earth

 We are one, one with joy…”

 

 

Ngôn từ, giai điệu đơn giản nhưng năng lượng tập thể hoà lại với nhau khiến người nghe cảm nhận như đang ngồi trên mặt biển bao la, âm thanh như những tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng, quyện vào nhau trong đêm. Yên bình, thiêng liêng, tắt ngấm mọi nghĩ suy thầm thì.

Tiếp đó,  đại chúng được thưởng thức nhiều bài thơ của Sư Ông do quý thầy, quý sư cô phổ nhạc như Lời nguyện cầu tìm đất sống (A prayer for land), Ngôi sao nhỏ ( Little Star),…

Bầu không khí từ sâu lắng dần chuyển sang vui tươi khi sư cô Chân Không hát tặng đại chúng bài “Kẻ thù ta không phải là người” của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhìn nụ cười, nghe những mẩu chuyện kể kèm theo thời trường Thanh Niên Phụng Sự còn hoạt động rất tích cực để giúp cải thiện đời sống của người dân Việt dưới làn bom đạn. Ta cảm nhận phần nào tinh thần đấu tranh bất bạo động của Sư Ông, Sư cô và các thế hệ Thanh Niên Phụng Sự thời bấy giờ.

“Kẻ thù ta không phải con người

Giết người đi thì ta ở với ai….” 

 

 

Tương tự như một đợt sóng lên cao, vẫy vùng mấy rồi lại rơi xuống, trở về với bản chất mềm mại, nhu nhuyến và lắng yên của nước, niềm vui sau khi qua đi, nghe ở đáy lòng chỉ còn lại sự an lạc, sâu lắng. 

“Con mơ thấy Thầy về

Bên hiên chùa đất Tổ

Và Thầy còn ngồi đó

Cho những đàn con thơ

Con mơ Thầy lên đồi

Hái những hoa cỏ thắm

Thầy cho con ngồi ngắm

Hoa nào là hoa thơm…”

Sự chân thành, kính yêu được diễn tả qua bài hát “Con mơ thấy Thầy về” cũng như tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm sau đó đã khiến chất thiền thấm đượm cả không gian thiền đường, lan ra đến từng chiếc lá, ngọn cỏ ngoài trời. Ta thấy đâu đây lấp ló cánh cửa mới của thời đại trong việc truyền bá chánh pháp. Những giáo lý như không sinh không diệt giờ đây đi theo những nốt nhạc vào thẳng tâm thức của con người… 

 

Trên bầu trời, từng vì sao trong mỗi chòm sao sáng lấp lánh, lời chia sẻ của sư cô Định Nghiêm sáng nay, giờ phút này đã đi đến muôn phương: “Khi chúng ta đang có mặt cho nhau tại nơi này để mừng ngày Biểu hiện của Thầy thì tại những nơi khác, những trung tâm khác của Làng trên khắp thế giới, quý thầy, quý sư cô và các vị cư sĩ cũng đang làm như vậy. Tất cả chúng ta đều đang có mặt cho Thầy….”