Lắng nghe đất Mẹ – Món quà ý nghĩa dâng Thầy nhân ngày tiếp nối thứ 95
Thiền là có thì giờ để nhìn sâu, nghe thấu để có thể tiếp xúc với tự tánh của mình, để được giải phóng khỏi mọi sợ hãi và kỳ thị (Sư Ông Làng Mai)
Các bạn thân mến,
Vào ngày 11 tháng 10, chúng ta sẽ mừng ngày tiếp nối thứ 95 của Sư Ông Làng Mai. Trong cuộc đời hành đạo của Người, Sư Ông đã dành nhiều tâm huyết để trao truyền, giảng dạy và nhấn mạnh về sự tương tức giữa chúng ta và đất Mẹ. Đất Mẹ là chúng ta, chúng ta là đất Mẹ. Sư Ông dạy chúng ta thương yêu đất Mẹ như chính bản thân mình, bởi vì đất Mẹ là hiện tại và cũng là tương lai của chúng ta và con cháu chúng ta. Cuốn sách Tâm tình với Đất Mẹ là một hướng dẫn cụ thể của Sư Ông về sự thực tập thương yêu, tôn trọng và bảo hộ đất Mẹ.
Từ những năm đầu của thập niên 70, Sư Ông đã tiên phong trong lĩnh vực bảo hộ môi trường sinh thái. Người đã vận động và tổ chức cho Phật tử, các nhà khoa học và các cộng đồng địa phương trong việc chăm sóc và bảo hộ đất Mẹ. Sư Ông dạy rằng bước đầu tiên trong việc chăm sóc tự thân và chăm sóc hành tinh của chúng ta chính là sự thực tập lắng nghe sâu. Đây là một hành động mang tính cách mạng trong thế giới đầy huyên náo và ồn ào của xã hội hiện đại.
Để bày tỏ tình thương và lòng biết ơn đến Sư Ông nhân ngày tiếp nối thứ 95 của Người, chúng ta hãy cùng thực tập và chia sẻ với nhau về sự chăm sóc, bảo hộ đất Mẹ của mình; cùng nhau học hỏi các phương cách hiệu quả hơn trong sự thực tập này. Trong đó, quan trọng nhất chính là cách chúng ta thực tập lắng nghe chính mình, lắng nghe người thương và lắng nghe đất Mẹ – qua một phương cách của riêng mình. Sự thực tập chánh niệm của mỗi chúng ta chính là món quà quý giá nhất mà ta có thể dâng lên Người để ăn mừng ngày tiếp nối.
Nhân dịp này, quý thầy, quý sư cô xin được gợi ý tới bạn một số bài thực tập. Khi áp dụng ba bài thực tập được giới thiệu ở phía dưới, xin hãy để ý và ghi nhận những gì đang xảy ra trong thân tâm bạn: Thân tâm bạn có nhẹ nhàng hơn không? Có sự thay đổi nào trong nhận thức và hành động không? Bạn có cái thấy sâu sắc nào đi lên không? Bạn có thể ghi tất cả chúng xuống dưới hình thức một bài thơ, bài văn; hay miêu tả chúng dưới dạng một bức tranh, bức hình chụp chính bản thân hay tăng thân của mình, hoặc có khi chỉ là vài dòng vắn tắt… Xin hãy gồm thâu tất cả lại và gửi về cho BBT qua hộp thư: banbientap@langmai.org. Quý thầy, quý sư cô sẽ thay bạn dâng lên Sư Ông cũng như chia sẻ niềm hạnh phúc, hoa trái tu học đó của bạn tới với tăng thân khắp nơi, để ai cũng được thừa hưởng niềm vui chung.
Hạn cuối để gửi bài là 8/10/2021.
1. Bài thực tập thứ nhất: Lắng nghe đất Mẹ
Dành thì giờ đi ra ngoài trời và thật sự có mặt với đất Mẹ. Bạn hãy ngồi hoặc đứng cạnh một cội cây, một tảng đá hay trước một bông hoa. Trở về với hơi thở chánh niệm, buông thư các căng thẳng trong thân và cho phép năm giác quan tiếp xúc với những nhiệm mầu của đất Mẹ. Khi tất cả các tư duy của bạn đã tự động dừng lại. Bạn sẽ nhận ra phép lạ là bạn đang còn sống, đang hiện hữu trên hành tinh quý báu nhưng lại rất mong manh này. Trong sự tĩnh lặng của nội tâm, bạn có nghe đất Mẹ đang nói gì với bạn không?
Vẻ đẹp của đất Mẹ chính là một tiếng chuông chánh niệm. Nếu ta không thể thấy được vẻ đẹp ấy, ta nên tự hỏi mình tại sao? Đang có một cái gì ngăn trở ta chăng? Hoặc ta đang quá bận rộn tìm kiếm một cái gì đó nên ta không thể nghe được tiếng gọi của đất Mẹ. Đất Mẹ đang nói với ta: “Mẹ đang có mặt cho con đây. Mẹ đang hiến tặng tất cả vẻ đẹp của mẹ cho con đây.” Thật thế. Từng tia nắng ấm, từng tiếng chim hót líu lo, những dòng suối trong, những cánh hoa đào mùa xuân và vẻ đẹp của bốn mùa – tất cả đều đang có mặt đó cho bạn. Và, nếu bạn không nghe, không thấy những hiện hữu nhiệm mầu đó, thì có nghĩa là tâm bạn đang quá bận rộn, lăng xăng.
(Trích trong sách “Zen and the Art of Saving the Planet” của Sư Ông Làng Mai)
2. Bài thực tập thứ hai: Lắng nghe chính mình
Dành một vài phút để ngồi yên, thật buông thư và thưởng thức một tách trà, lắng nghe những gì đang diễn ra trong thân và trong tâm mình. Thở những hơi thở vào ra trong chánh niệm, trở về có mặt thật sự cho hình hài, chăm sóc cho những cảm xúc mình đang có bằng tình thương và sự hiểu biết. Lắng nghe chính mình là điều kiện tiên quyết để có thể lắng nghe người khác. Khả năng lắng nghe chính là một món quà tuyệt vời để dâng lên Sư Ông và cống hiến cho thế giới. Bạn đã phát hiện ra điều gì khi dành thời gian lắng nghe chính bản thân mình?
Một điều kiện thiết yếu để nghe thấy và đáp lại tiếng gọi của đất Mẹ là sự tĩnh lặng trong tâm. Nếu bạn không có sự tĩnh lặng ấy thì bạn sẽ không nghe được tiếng gọi ấy của mẹ: cũng là tiếng gọi của sự sống. Trái tim của bạn đang gọi bạn, nhưng bạn không nghe thấy. Bạn không có thì giờ để lắng nghe chính lòng mình. Chánh niệm giúp chúng ta dừng lại sự phân tâm đó và quay lại với hơi thở. Đem tất cả sự chú ý của bạn đến hơi thở vào ra, các suy tư của bạn sẽ được dừng lại, và chỉ trong vòng một vài giây, bạn sẽ thức tỉnh và sẽ nhận ra là bạn đang còn sống, bạn đang được thở vào, bạn đang có mặt.
Ta đang có mặt. Ta đâu phải là không tồn tại. Bất giác ta nhận ra: “Mình đang có mặt đây, mình đang còn sống đây.” Ta sẽ không cần nghĩ đến quá khứ, sẽ không còn phải lo lắng cho tương lai nữa. Ta chỉ cần toàn tâm toàn ý tập trung vào một sự thật là ta đang còn thở. Nhờ thở trong chánh niệm như vậy mà ta tự giải phóng cho mình. Ta sẽ được tự do để có mặt ngay ở đây và bây giờ – giải phóng khỏi sự tư duy, lo lắng, sợ hãi và sự tranh đấu cật lực.
(Trích trong sách “Zen and the Art of Saving the Planet” của Sư Ông Làng Mai)
3. Bài thực tập thứ ba: Lắng nghe người thương
Một khi bạn có thể lắng nghe chính tự thân, với hơi thở ý thức, bạn đã có thể phục hồi sự tươi mát và bình an. Khi đó, sự có mặt của bạn sẽ có phẩm chất. Ta có thể hiến tặng sự có mặt đó cho người ta thương. Ta sẽ có khả năng lắng nghe và thấu hiểu những gì người thương nói và cả những điều không nói. Sự có mặt đích thực của ta làm người ta thương cảm thấy thật sự được lắng nghe và nhờ đó mà vơi bớt khổ đau.
Cũng tương tự như ai đó đến ngồi cạnh một gốc cây. Cây chẳng làm gì cả, nhưng cây tươi mát và đầy sức sống. Khi ta giống như cây ấy, gửi ra những làn sóng của sự tươi mát, ta sẽ giúp lắng dịu sự khổ đau của người khác.
(Sư Ông Làng Mai)