Đời sống xuất gia: Gốc rễ truyền thống
Lúc bấy giờ Việt Nam đang bị Nhật chiếm đóng (1940-1945), bên ngoài khuôn viên chùa tình hình rất căng thẳng. Lương thực, thực phẩm hết sức khan hiếm và đỉnh điểm là nạn đói năm Ất Dậu (1945). Thế nhưng không khí bên trong chùa thì bình an và ấm áp tình huynh đệ. Thầy vẫn thường hay nhắc đến những năm làm sa di như là một thời kỳ hạnh phúc[i]. Sư chú Phùng Xuân có liên hệ gần gũi với thầy bổn sư và được Người thương yêu rất mực. Cuộc sống của sư chú ở chùa Từ Hiếu rất đơn sơ[ii]. Trong chùa không có điện, không có nước máy. Nhiệm vụ hàng ngày của sư chú là đốn củi, gánh nước giếng, quét sân chùa, làm vườn và chăn bò. Đến mùa thì giúp gặt, đập và xay lúa. Khi được làm thị giả cho thầy, mỗi sáng sư chú dậy từ rất sớm, đốt lửa nấu nước pha trà dâng lên thầy. Chùa theo truyền thống “bất tác bất thực“ nên tất cả mọi người trong chùa, từ vị lớn nhất đến người mới vào chùa đều tôn trọng quy tắc này.
Sư chú được dạy phải hoàn toàn có mặt và chú tâm vào công việc, dù đó là việc rửa bát, đóng cửa, thỉnh chuông đại hồng, hay thắp hương. Sư chú học thuộc lòng quyển Tỳ Ni Nhật Tụng Thiết Yếu bằng chữ Hán, do thiền sư Độc Thể biên tập. Trong đó có khoảng 45 bài kệ để mỗi khi làm bất cứ việc gì trong cuộc sống hàng ngày, sư chú cũng có sẵn một bài kệ thích hợp để thầm đọc và nhắc nhở mình giữ gìn sự chú tâm[iii]. Sư chú học cách một vị xuất gia ngồi, đi, ăn, và tụng kinh với lòng từ bi và sự bình an. Sư chú tham gia hai thời công phu sáng tối và cúng ngọ bằng chữ Hán. Sư chú cảm thấy tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh rất hùng hậu, làm tinh thần phấn chấn và khỏe khoắn. Có một lần sư chú được đi theo Sư Ông đến viếng chùa Hải Đức ở Huế. Sư chú nhìn thấy một vị thiền sư đang ngồi. “Ngài không phải đang ngồi thiền trong thiền đường mà chỉ đơn giản là đang ngồi trên một cái sập gỗ (bộ ván gỗ). Ngài ngồi rất đẹp, rất thẳng, mềm mại và tự nhiên lắm. Thầy rất ấn tượng trước hình ảnh ấy. Ngài trông thật an nhiên và thư thái. Tự nhiên, trong trái tim của chú sa di phát sinh một lời nguyện, một sự ưa thích là làm sao mình có thể ngồi được như vậy. Ngồi được như vậy là hạnh phúc rồi, không cần nói gì hết, không cần làm gì hết, chỉ cần ngồi thôi.“[iv]
Trong chùa, Thầy tiếp nhận sự dạy dỗ và rèn luyện theo cách thức của các chùa truyền thống. Kiến thức về Hán văn của Thầy ngày càng tiến bộ. Thầy tranh thủ cả những lúc đi chăn bò để học thêm và là người duy nhất trong chùa biết nói tiếng Pháp. Những bài viết của Thiền sư Mật Thể (1912-1961) và nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) đã gây cảm hứng rất lớn cho Thầy[v]. Hai vị này đã thấy được bề dày lịch sử của Thiền tông Việt Nam và khả năng đạo Bụt có thể đem lại một “mùa xuân mới“ cho đất nước, một đạo Bụt mới mà vào thời điểm đó đang được khởi xướng bởi nhiều nhà cải cách hiện đại ở nhiều nước[vi]. Ở nửa thế kỷ đầu của thế kỷ XX, có những người Việt Nam đã nhận thấy rằng đạo Bụt đã trở nên lỗi thời và già cỗi, không còn phù hợp để đáp ứng lại những thử thách của thời hiện đại và ảnh hưởng của những thế lực đô hộ đang thống trị. Dưới sự đô hộ của người Pháp, Thiên Chúa giáo chiếm ưu thế và được xiểng dương, trong khi đó thầy tu Phật giáo thì lại bị cho là lỗi thời, mê tín, dốt nát và thất học.
Thầy đã chứng kiến cảnh quân Nhật chiếm đóng Việt Nam và nạn đói khủng khiếp năm 1945. Bước chân ra khỏi cổng chùa, Thầy có thể thấy xác người chết đói trên đường và cảnh những chiếc xe tải chở xác đem đi. Thầy và các huynh đệ đồng tu rất nóng lòng muốn hành động để thay đổi tình trạng. “Tình trạng đất nước, xã hội, và những khổ đau đã thúc đẩy những người con trai, con gái lên đường. Là một người thanh niên trong hoàn cảnh ấy thì phải nên làm một cái gì đó cho đất nước.
Thực tại kêu gào cách mạng
Trái ý thức chín rồi
Cánh cửa
Không thể nào còn khép lại” [vii].
Mặc dù rất nhiều người xuất gia trẻ muốn làm cách mạng theo lời kêu gọi trong truyền đơn của Việt Minh, Thầy vẫn tin rằng nếu đạo Bụt có sự đổi mới và phục hồi lại những giáo lý cũng như những thực tập cốt tủy thì có thể thực sự giúp làm vơi bớt khổ đau trong xã hội, góp phần vào việc khôi phục hòa bình, thịnh vượng và độc lập cho dân tộc, như ông cha ta đã từng làm trong các thời đại Lý Trần[viii].
Năm 1947, không lâu sau khi được thọ mười giới sa di, Sư Ông – bổn sư của Thầy – đã gởi Thầy đến Phật học đường Báo Quốc tại Huế để theo học chương trình Phật học truyền thống[ix]. Thầy đã nghiên cứu và học hỏi các kinh Bát đại nhân giác, kinh Vô thường, kinh Tứ thập nhị chương, kinh Di giáo và Tâm lý học Phật giáo (trong đó có 51 tâm hành). Trong năm thứ hai, Thầy được học về giới luật, luận lý Nhân Minh học (hetu vidya), Kinh A Di Đà và nghiên cứu những tài liệu chính của Duy Thức Tông (Yogācāra School), bao gồm Ba Mươi Bài tụng Duy Thức và Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận của Ngài Thế Thân[x]. Trong số này, có nhiều văn bản Thầy đã học thuộc lòng bằng chữ Hán. Chương trình học còn bao gồm cả văn chương đạo Khổng như Tứ thư và Ngũ kinh. Thầy tiếp tục nghiên cứu thêm về luận lý học Phật giáo, Kinh Thủ Lăng Nghiêm và giáo lý của Tông Thiên Thai, trong đó có tác phẩm Tiểu Chỉ Quán của Đại Sư Trí Giả.
Có một phong trào thi phú rất mạnh tại chùa Báo Quốc. Giáo viên và học tăng thường xuyên trao đổi, đàm đạo thi phú với nhau. Mười hai tuổi, Thầy đã bắt đầu làm thơ, và khi vào chùa Từ Hiếu, Thầy vẫn tiếp tục sáng tác. Sau này Thầy nói rằng những giây phút thật đẹp ở chùa Từ Hiếu đã khiến cho “Chú Phùng Xuân không thể không trở thành thi sĩ“. Chính tại chùa Báo Quốc tài năng về thơ của Thầy đã được khuyến khích và nuôi dưỡng[xi].
Việc học hành của Thầy diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954). Sau khi Nhật rút quân, Việt Minh tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại quân đội Pháp nhằm chấm dứt sự đô hộ của Pháp tại Việt Nam[xii]. Hơn 50 nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến này. Đối với người dân Việt Nam lúc bấy giờ, đây là một cuộc tranh đấu giành độc lập dân tộc, một nền độc lập mà Ấn Độ đã giành được từ Anh vào năm 1947. Trong bối cảnh đầy bạo động và xung đột, các ngôi chùa đã trở thành nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng trong những lúc nguy nan[xiii]. Mặc dù không có vũ khí và bất bạo động nhưng có nhiều vị xuất gia, trong đó có cả những người bạn thân thiết của Thầy đã bị bắn chết[xiv]. Lính Pháp thường xuyên bố ráp các chùa để tìm bắt quân kháng chiến hoặc tịch thu lương thực. Thầy nhớ rất rõ có một cuộc bố ráp mà lính Pháp buộc các thầy phải giao cho họ số thóc còn sót lại trong chùa. Trong thời gian bất ổn này, Thầy đã tình cờ làm bạn với một người lính Pháp đóng quân tại nhà máy nước gần chùa Từ Hiếu[xv]. Sau này Thầy nói rằng giống như rất nhiều thanh niên và người tu trẻ cùng tuổi, Thầy bị thu hút bởi chủ nghĩa Cộng sản và sự hứa hẹn là hành động cách mạng sẽ mang lại một sự thay đổi cho hoàn cảnh[xvi]. Nhưng Thầy lại có niềm tin là con đường của đạo Bụt cũng có thể cống hiến một giải pháp trong tinh thần bất bạo động.
Tại Phật học đường Báo Quốc, Thầy và các huynh đệ học tăng tại chùa Báo quốc đã thành lập tờ nội san có tên là Hoa Sen. Sau một vài số, nhận thấy nội dung của tờ báo hơi mang tính lý thuyết, Thầy đã lập một tờ báo khác lấy tên là Tiếng Sóng. Nhưng tờ báo này đã bị đình bản vì những tư tưởng quá cấp tiến mà nó chuyển tải[xvii]. Thầy tiếp tục đọc các tạp chí Phật giáo cấp tiến như tờ Tiến Hóa. Tờ báo khai thác ý tưởng về một đạo Bụt không chỉ chú trọng đến việc chuyển hóa tâm thức, mà còn chuyển hóa môi trường và các điều kiện xã hội trên một bình diện rộng lớn hơn, bao gồm những nguyên nhân kinh tế, chính trị sâu xa đưa đến nghèo đói, áp bức và chiến tranh[xviii]. Báo Tiến Hóa đăng các bài viết nói về sự quan trọng của việc nghiên cứu khoa học và kinh tế để hiểu gốc rễ thật sự của khổ đau mà không chỉ tụng niệm và cầu nguyện. Lấy cảm hứng từ tinh thần này, Thầy và các huynh đệ rất hăng hái muốn mở rộng chân trời của mình, khao khát được đọc sách khoa học, triết học và văn chương nước ngoài vừa mới bắt đầu được in ấn ở Việt Nam. Trong khi đó, các môn học được dạy tại Phật học đường Báo Quốc vẫn mang đậm tính truyền thống, nhấn mạnh đến nghi lễ và tụng niệm mà không trực tiếp giúp giải quyết những vấn đề đang xảy ra xung quanh.
Khi học đến năm thứ hai, Thầy và các học tăng vận động ban giảng huấn thay đổi nội dung chương trình học để thích hợp hơn với hoàn cảnh đương đại. Những học tăng cảm thấy cách dạy và học cũ không đáp ứng được nhu cầu của chính họ, hay nhu cầu của một đất nước đang tranh đấu chống chế độ đô hộ để giành độc lập. Mặc dù ban giám hiệu của trường đã lắng nghe và hiểu được những nhu yếu của học tăng, nhưng có những giáo viên của trường chưa sẵn sàng cho sự thay đổi, vì vậy cuộc vận động đã bị thất bại[xix].
[i] Thầy đã viết về những tháng ngày hạnh phúc ấy trong “Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời” – trong tập thơ “Thử tìm dấu chân trên cát“– NXB Lá Bối. Điều này cũng đã được chia sẻ trong phần trả lời vấn đáp ngày 24.7.2012 tại Làng Mai (câu hỏi số 4).
[ii] Được kể lại trong tác phẩm “Tình người” – NXB Lá Bối
[iii] Thầy đã học Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu (của thiền sư Độc Thể), Sa Di Luật Nghi Yếu Lược (của thiền sư Châu Hoằng) và Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách (của thiền sư Quy Sơn).
[iv] Pháp thoại ngày 4.12.2011.
[v] Bây giờ mới thấy (NXB Phương Đông – 2014), tr.27
[vi] Chẳng hạn như Đại sư Thái Hư (1890-1947) và Đại sư Tinh Nghiêm ở Trung Quốc. Thiền sư Mật Thể đã theo học và tiếp nhận những tư tưởng đổi mới của Đại sư Tinh Nghiêm.
[vii] Thầy bình thơ đêm giao thừa – ngày 11.02.2002
[viii] Trích tác phẩm “Tình người” của Thầy – truyện “Trả về”
[ix] Không may là những tài liệu lưu trữ tại Phật học đường Báo Quốc đã bị đốt vào năm 1975 và những tài liệu còn sót lại cũng bị cháy rụi trong một vụ hỏa hoạn xảy ra sau đó.
[x] Pháp thoại ngày 15.2.2009 và tài liệu cá nhân chưa công bố của Thầy
[xi] Pháp thoại ngày 9.6.2013 và trích từ hồi ký của Thầy
[xii] Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kéo dài tám năm (1946 – 1954). Sau khi Nhật rút quân khỏi Việt Nam, Pháp đưa quân trở lại nhằm tái chiếm và đưa Việt Nam trở lại chế độ thuộc địa, nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người dân Việt Nam.
[xiii] Trong lá thư ngày 13.10.2009, với tựa đề “Âm thanh huyền diệu của chiếc hồ cầm” gửi các đệ tử xuất gia ở Bát Nhã, Thầy đã viết rằng: “Ngày xưa khi còn là một người xuất gia trẻ, trong thời gian cách mạng chống Pháp, Thầy đã từng tìm cách che chở cho những chiến sĩ cách mạng gặp bước nguy nan tìm cách tỵ nạn trong chùa. ”
[xiv] Trong số những vị xuất gia bị Pháp bắn chết có thầy Tâm Thường, một người bạn rất thân của Thầy. Điều này đã được ghi lại trong tác phẩm Bây giờ mới thấy (NXB Phương Đông – 2014), trang 32.
[xv] Xem tác phẩm “Tình người” – NXB Lá Bối
[xvi] Mindfulness Bell, issue #34, Autumn 2003; pháp thoại ngày 23.01.2001 và ngày 11.2.2002
[xvii] Pháp thoại ngày 17.4.2014 tại xóm Mới, Làng Mai trong khóa tu mùa xuân
[xviii] Những tài liệu cá nhân chưa được công bố của Thầy
[xix] Trích từ tài liệu cá nhân chưa được công bố của Thầy. Giám viện của Phật học đường Báo Quốc lúc bấy giờ là Hòa thượng Trí Thủ.