37. Ðám mây và trái mận
Cây lê ở Xóm Thượng có không biết bao nhiêu là trái. Trái tuy nhỏ nhưng dòn và ngọt. Trái nhiều cho đến nỗi cả xóm ăn hoài cũng không hết. Cô Tâm Trân tìm được một cây sào khá dài để hái lê. Sau mỗi lần hái, cô đem về cả một nón lê đầy. Những cây mận ở Xóm Thượng tuy đã có trái nhưng chưa được chín. Tại Xóm Hạ lê chín cũng nhiều. Lê ở Xóm Hạ toàn là thứ lê trái lớn. Thiếu nhi Xóm Hạ ưa mận hơn. Mận dưới Xóm Hạ đã chín và rất ngon. Có hai loại mận. Một thứ màu xanh, một thư màu tím. Các thiếu nhi nhỏ tuổi thường được các anh chị hái mận cho đầy túi. Có khi quên rằng có mận trong túi, các em nô đùa khiến mận bị nghiền nát tèm lem cả túi áo túi quần.
Một hôm vào giờ học thiền của thiếu nhi, Cô Chín đem ra một rổ mận. Cô phát cho mỗi đứa một trái và dạy cho bọn Tý phép quán niệm về trái mận. Mỗi người đặt một trái mận trong lòng bàn tay và quán sát trái mận một cách trang trọng và chăm chú. Cô nói: “Mỗi khi ăn một trái mận, ta thường không có thì giờ để nhìn rõ trái mận. Ta hấp tấp bỏ trái mận vào miệng và cắn. Bây giờ đây, ta phải học ăn trái mận theo tinh thần thiền quán. Nâng trái mận lên, nhìn vào trái mận, thấy được trái mận trong suốt thời gian sinh ra và lớn lên của nó. Nhìn trái mận, ta phải thấy được cây mận.” Cô hỏi Bảo Khánh:
– Nhìn trái mận trên tay, con có thể thấy được cây mận không?
Bảo Khánh đáp :
– Thưa có. Nếu không có cây mận thì không thể có trái mận.
Cô Chín nói :
– Câu trả lời của Bảo Khánh chỉ mới là một câu trả lời bằng lý luận. Cô muốn hỏi là khi nhìn vào trái mận, Bảo Khánh có thấy được hình dáng cây mận hiện ra trong trí hay không ?
Lập tức trong óc Tý, cây mận hiện ra. Tý biết luôn trái mận mà Tý cầm trong lòng bàn tay đã được sinh ra từ cây mận nào. Nó mỉm cười một mình.
Bé Bảo Khánh chắc chắn cũng thấy dược như Tý, bởi vì bé đã từng hái mận ở cây mận ấy nhiều lần. Mà hình như ai cũng thấy được cây mận, nên khi cô Chín hỏi, mọi người đều đưa tay lên.
Bây giờ đây, cô Chín hỏi bé Hoàng Hiếu :
– Nhìn trái mận, con có thể thấy cái bông hoa mận đã kết thành trái mận không ?
Hoàng Hiếu nhắm mắt lại để thấy cái hoa mận. Tý thấy nhiều người cũng nhắm mắt như Hiếu. Tý không nhắm mắt mà cũng thấy được bông mận. Không những Tý thấy một bông mà Tý thấy cả ngàn vạn bông mận trắng xóa trên cây mận. Hình ảnh này Tý đã ghi nhận vào ký ức vào đầu mùa Xuân năm nay.
Sau khi giúp cho mọi người thấy được bông mận, có Chín quay sang hỏi anh Hoàng Vũ :
– Con có thấy đám mây trong trái mận không ?
Tý giật mình. Làm gì mà có đám mây trong trái mận. Phần lớn bọn thiếu nhi trong lớp đều tỏ vẻ ngơ ngác. Chợt anh Danh đưa tay lên :
– Con có thấy.
– Con thấy như thế nào, nói cho mọi người nghe đi.
– Con thấy đám mây biến thành mưa. Mưa thấm xuống đất. Rễ cây mận hút nước ấy trong lòng đất để nuôi trái mận. Nếu đất thiếu nước thì trái mận không lớn lên được. Vì vậy con thấy được đám mây.
Tất cả các thiếu nhi vỗ tay tán thưởng. Tý thấy trong óc mình một đám mây lơ lửng trên trời xanh. Cô Chín hết lời khen ngợi anh Danh. Nhưng anh Danh nói rằng điều đó không phải do một mình anh tìm thấy. Mùa hè năm ngoái, tại Am Phương Vân, các thiếu nhi đã được Sư Ông chỉ cho.
Anh Danh kể rằng một hôm ngồi bên bờ giếng trước sân am, bé Bảo Tịnh trong khi nhìn trời nhìn đất hỏi Sư Ông cái gì làm ra tất cả, ai làm ra tất cả. Sư Ông im lặng một hồi, rồi lượm lên một chiếc lá mận đã vàng và hỏi các thiếu nhi đang ngồi xung quanh cái gì đã làm ra chiếc lá. Hôm đó các thiếu nhi tìm ra được rằng vạn vật nương vào nhau mà có. Trong chiếc lá có đất, vì nếu không có đất thì cây không mọc được và do đó không có lá. Trong chiếc lá có nước, vì vậy đám mây cũng có mặt. Mặt trời cũng có mặt trong chiếc lá, bởi vì không có mặt trời thì cũng không có sự sống trên trái đất.
Chị Thanh Trang thưa :
– Năm ngoái con cũng có mặt tại Am Phương Vân. Con còn nhớ bé Bảo Tịnh đã gạn hỏi: nhưng cái gì làm ra tất cả vạn vật? Sư Ông đã nói là vạn vật làm ra nhau, nên không có gì làm ra tất cả vạn vật cả.
Cô Chín nói :
– Ðúng rồi, riêng một vật thì không làm ra được gì hết. Phải nhiều, rất nhiều vật hợp tác với nhau mới làm ra được một vật. Ví dụ trái mận mà chúng ta đang có trong lòng bàn tay đây. Phải có hột mận mới có cây mận. Phải có đất, nước, không khí, ánh sáng, sức nóng, thời gian, không gian, gió, con ong…vân vân… Tất cả mọi vật như cái nhà, cái bàn, bóng đèn điện… đều do sự phối hợp của nhiều điều kiện mà có. Những điều kiện ấy trong đạo Phật người ta gọi là nhân duyên. Nhân duyên tụ họp đầy đủ thì ta gọi là có, nhân duyên tan rã thiếu thốn thì ta gọi là không.
Cô đưa bàn tay lên, nhìn vào trái mận trong lòng bàn tay và tiếp:
– Nhìn vào trái mận, chùng ta thấy bao nhiêu điều kiện đã tụ họp lại với nhau: mặt trời cũng góp phần vào trong sự có mặt của trái mận. Cây mận đã để ra hơn ba tháng trời để làm ra trái mận, từ khi bông mận nở cho đến khi ta tới hái nó và cầm nó trong lòng bàn tay ta. Ðêm ngày, trái mận lớn lên, nhờ vào biết bao nhiêu điều kiện. Từ chát đến ngọt, lòng mận chuyển đổi từng giây từng phút. Ăn một trái mận mà thấy được những điều đó thì trái mận trở nên một sự mầu nhiệm mà người ăn cũng trở nên một sự mầu nhiệm.
Cô Chín đưa trái mận lên cắn. Tý cũng đưa trái mận lên cắn. Mọi người đều cắn vào trái mận của mình. Chất ngọt tan ra trên lưỡi Tý. Tý cắn vào trái mận như cắn vào mùa Hạ, có đám mây, có mặt trời, có bóng mát. Tuy nhiên, Tý biết không những trái mận chứa trong lòng nó mùa Xuân và mùa Hạ mà nó còn chứ cả mùa Thu và muà Ðông nữa. Suốt một mùa Ðông, cây mận chuẩn bị để làm ra những chiếc hoa năm cánh trắng tinh và mỏng manh khi mùa Xuân vừa tới. Tý tự nhủ mùa Xuân sang năm sẽ quán sát kỹ luỡng hơn những chiếc bông mận.