26. Chó con vượt biển
Vào khoảng mười giờ sáng chủ nhật cuối tháng, Tý thấy xe hơi ở đâu về đậu trước nhà nhiều lắm. Có đến ít ra là mười cái xe hơi. Ở trong xe bước ra toàn là người Việt Nam, phần lớn là các cô các chú trẻ tuổi. Tý không quen với ai hết. Ba nói các cô chú này về để sửa soạn chiều nay trình diễn vũ và nhạc dân tộc. Họ đều về từ Bordeaux. Ba và chú Dũng đã chuẩn bị để tiếp họ ở Cư Xá Hai. Cô Chín nói họ sẽ ăn cơm trưa ở đây và bác Nga ở Bordeaux đã nấu cà-ri và xôi đem về. Lại có một ôm bánh mì lớn như một ôm củi. Từ khi tới đất Pháp, đây là lần đầu tiên Tý thấy nhiều người Việt Nam như vậy. Có nhiều cô mặc áo dài rất đẹp. Ai cũng đến hỏi thăm Tý và Miêu. Ai cũng đòi ẵm Chó Con. Chắc cô Chín đã nói với họ về gia đình Tý. Người ta gọi Ba là anh Cả. Mẹ nói hôm nay gia đình Tý cũng ăn cơm chung với mọi người tại Cư Xá Hai. Tý nhận thấy cái mặt của Miêu rất là hớn hở. Suốt cả mùa Ðông, hai đứa chẳng gặp người Việt Nam nào trừ Ba, Mẹ, chú Dũng, Chó Con, cô Chín và Sư Ông.
Ăn cơm trưa xong, mọi người đi thăm thiền đường, thư viện và Tham Vấn Ðường ở Xóm Hạ. Trước Tham Vấn Ðường, nhiều bụi tre đã được trồng lên. Ở thiền đường có bàn Bụt và có chuông. Cô Chín đưa mọi người lên dâng hương và lễ Bụt.
Chiều hôm đó, chú Dũng, Tý và Miêu ngồi trên xe của bác Mounet để đi xem trình diễn văn nghệ. Ba, Mẹ và Sư Ông ngồi xe cô Chín.
Khi Tý và Miêu đến thì trong thính đường chỉ mới có khoảng vài ba chục người ngồi. Nhưng mưoời phút sau đó, thính đường đã chật. Tý nghe giọng êm ái của những bài dân ca Việt Nam phát ra từ ống loa. Chú Dũng nói với Tý đó là tiếng hát của cô Hoàng Oanh. Bỗng tiếng hát im bặt. Ông Hội trưởng đứng lên nói lời mở đầu và giới thiệu. Tiếp đó cô Chín lên sân khấu nói chuyện. Tý vừa nghe vừa đoán thì hiểu được chừng năm mươi phần trăm những điều cô Chín nói. Cô nói về tình trạng người vượt biển. Ðèn tắt. Trên màn bạc có những hình màu chiếu lên về cảnh người vượt biển. Tý nhớ lại ngày vượt biển của mình.
Cô Chín nói xong, mọi người vỗ tay. Các vũ điệu dân tộc và các bài dân ca được bắt đầu trình diễn. Tý ưa nhất là vũ khúc dâng đèn cúng Bụt. Có nhiều vũ khúc bắt chước công việc đồng áng như gieo mạ, gặt lúa, đập lúa, dần, sàng. Nghe những lời ca, nhìn những điệu múa, Tý cảm thấy thương đất nước và dân tộc của Tý hết sức. Những lời ca và điệu múa ấy sao mà đậm đà quá. Chúng đi thẳng vào trái tim của Tý. Tý không ngờ ở xứ lạ mà Tý lại được dự một buổi chiều văn nghệ dân tộc như hôm nay. Ba từng nói là Tý và Miêu phải học hát dân ca, phải tập múa dân vũ và phải thông hiểu ca dao và chuyện cổ tích. Bây giờ Tý mới thấy ý nghĩa của lời Ba nói. Là người Việt mà không biết những tinh hoa ấy của văn hóa Việt Nam thì còn thiếu thốn lắm.
Thính chúng vỗ tay mỗi lần các điệu múa trở nên hấp dẫn. Người ta bấm máy ảnh lách tách. Ánh chớp của máy chụp hình nháng ra tới tấp. Mỗi khi một màn múa kết thúc, mọi người vỗ tay rất lớn. Tý nhìn sang Miêu; Miêu cũng vỗ tay rất hăng. Hôm ấy, có bác ca sĩ Cao Thái từ Paris về. Bác hát một bài tiếng Pháp về trạng huống người tỵ nạn khiến cho nhiều người rơm rớm nước mắt.
Buổi văn nghệ kết thúc bằng những câu hỏi của thính chúng và những câu trả lời của bác Cao Thái, của cô Chín và của Ba. Tý nhận thấy trong thính giả có nhiều bộ mặt quen thuộc. Ngoài dì Marie Paule, Tý thấy cả chú Charles, dì Anne Marie, chú Francois, chú Yves và cả hai bác Lagroye. Chú Charles lại đem theo hai bao bắp để tặng cho bầy gà của Tý. Gặp chú Charles, Sư Ông có hỏi thăm về con dê con của Tý.
Tối nay, sau bữa ăn, Tý hỏi cô Chín về chiếc tàu cứu trợ người tỵ nạn trên biển. Trong một bức hình chiếu lên màn ảnh hồi chiều, Tý đã thấy cô Chín đứng trên tàu, đưa ống dòm nhìn ra biển. Cô Chín nói sơ lược về công tác cứu trợ mà cô đã làm trên chiếc thuyền đó. Những chuyện này Ba đã được nghe nhưng Mẹ, chú Dũng, Tý và Miêu chưa được nghe. Ba nói ngoài việc giúp trẻ em đói, cô Chín còn làm việc cho người tỵ nạn trên biển và trong các trại tạm cư ở Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương và Phi Luật Tân nữa.
Trong giờ uống trà, Sư Ông đố Tý và Miêu:
– Có ai không vượt biển mà qua tới đất Pháp không?
Miêu trả lời:
– Có người đi bằng máy bay.
Tý trả lời:
– Có những người đi bộ băng qua Căm Pu Chia.
Sư Ông cười:
– Không kể những người đi máy bay và đi bộ.
Tý và Miêu ngẩn ngơ. Làm sao không vượt biển, không đi máy bay cũng không đi bộ mà qua tới được bên này?
Ba, Mẹ, cô Chín và chú Dũng cũng được Sư Ông mời trả lời câu đố. Một hồi lâu sau đó, Sư Ông chỉ vào Chó Con trong tay Mẹ và nói:
– Thằng Chó Con không vượt biển mà cũng qua tới Pháp. Nó không đi máy bay. Nó cũng không đi bộ.
Cô Chín vỗ tay:
– Ðúng rồi! Chó Con là người Việt Nam, đâu phải là người Pháp; vậy ta không thể nói là Chó Con có sẵn bên này được. Nó phải từ Việt Nam qua. Nó qua bằng cách nào?
Miêu nói:
– Chó Con có vượt biển chứ sao không. Mẹ mang Chó Con theo trong bụng.
Mẹ nói:
– Hồi vượt biển, Mẹ chưa có mang Chó Con. Vậy ta không thể nói rằng Chó Con có vượt biển.
Tý thấy câu đố của Sư Ông hay quá. Nó thoáng thấy có một cái gì đó mà nó không nói ra bằng lời được. Tý nghĩ rằng sự thực thì Chó Con vừa vượt biển mà vừa không vượt biển. Nhưng Tý nghĩ nếu nói điều ấy ra thì có thể bị cho là “mâu thuẫn” và “không dứt khoát”. Tý nhìn Sư Ông. Sư Ông mỉm cười nhìn Tý. Có lẽ Sư Ông cũng nghĩ như Tý, nhưng có thể Sư Ông sẽ nói được thành lời. Tý đợi, nhưng Sư Ông không nói gì thêm. Sư Ông chỉ nhìn Tý như có ý muốn nói với Tý rằng khi hiểu rồi thì cần gì nói nữa.
Tý nhớ là trong những tháng qua, Tý đã đố Sư Ông hàng trăm câu đố. Có câu đố Sư Ông đáp được nhưng cũng có nhiều câu Sư Ông chịu thua. Sư Ông thỉnh thoảng cũng có đố Tý một câu. Nhưng câu đố hôm nay của Sư Ông thật là khác lạ.
Bỗng Sư Ông hỏi Tý:
– Bà Nội của Tý có vượt biển không?
Tý trả lời:
– Dạ không. Nội con mất đã lâu và được an táng ở quê nhà.
Sư Ông:
– Nhưng Nội con cũng đã vượt biển với con một lần.
Lần này Tý thật sự không hiểu.
Sư Ông nói:
– Giá dụ có cây tre thật dài, gốc nằm ở Việt Nam, thân tre nằm ngang biển mà đọt tre vắt qua tận bên này thì con nói cây tre có vượt biển không?
Tý lặng thinh. Ba đỡ lời cho Tý:
– Cây tre vừa vượt biển vừa không vượt biển.
Tý giật mình. Ba nói giống hệt như Tý đã nghĩ. Chó Con vừa vượt biển vừa không vượt biển.
Ba nói tiếp:
– Bà Nội cũng như gốc tre, còn Chó Con cũng như ngọn tre. Ta phải thấy được sự liên tục của giống nòi ta và giòng họ ta, như sự liên tục của một cây tre có hàng triệu đốt. Nội và con là hai đốt của một cây tre. Con vượt biên mà gốc của con vẫn còn ở bên nhà. Nội ở lại mà ngọn của Nội lại đang ở bên này. Ở bên này hay ở bên nhà, ta đều thuộc về một thân thể, như là gốc tre và ngọn tre đều thuộc về cây tre.
Cô Chín bảo Tý và Miêu:
– Sư Ông muốn chỉ cho các con thấy được gốc rễ của các con và mong rằng các con đừng quên gốc rễ của mình. Ở bên này hay ở bên kia, ta đều có bổn phận sống cho xứng dáng với tổ tiên và nòi giống. Như vậy cây tre sẽ mãi mãi còn là cây tre.