21. Chú Dũng chạy nhanh như thỏ
Sáng hôm sau, Sư Ông đưa Tý xuống chơi ở Pháp Thân Tạng. Pháp Thân Tạng là một triền đồi có cây chen lẫn với đá ở Xóm Thượng. Sư Ông và Ba, hai người đều rất ưa Pháp Thân Tạng. Những lần lên Xóm Thượng, Tý hay thấy Sư Ông và Ba đứng nói chuyện dưới Pháp Thân Tạng rất lâu. Trên Xóm Thượng có bốn ngôi nhà, vách xây bằng đá. Ngôi nhà thứ nhất có nhà bếp, nhà khách, nhà tắm và phòng ngủ. Lại cũng có tầng lầu bốn phòng. Hồi hôm Sư Ông và Tý đã ngủ ở một trong bốn phòng ấy. Ngôi nhà thứ hai có thiền đường, mới được trang bị. Ngôi nhà thứ ba và ngôi nhà thứ tư chưa được tu bổ gì cả, nhưng Ba nói là sang năm Ba sẽ tìm cách xây một cái gác trên ngôi nhà thứ ba để làm Tàng Kinh Lâu nghĩa là tầng lầu để chứa Ðại Tạng Kinh mà Sư Ông sẽ mang tới. Tý và Miêu đã được Sư Ông đưa đi khắp nơi ở Xóm Thượng. Có một con đường men theo chân đồi, vòng quanh cả xóm và dẫn đường về Pháp Thân Tạng. Sư Ông nói vào mùa hè, con đường này mát lắm, bởi vì trên đầu mình luôn luôn có cành lá bao phủ. Sư Ông ưa đi thiền hành trên con đường này. Mỗi sáng Sư Ông đều có đi thiền hành. Ba nói đi thiền hành là vừa đi vừa thở, vừa đi vừa quán niệm.
Cô Chín nói là phải dọn dẹp và chuẩn bị rất nhiều thì đến tháng bảy Làng Hồng mới mở cửa được. Ít lâu nay, có mấy người thợ hồ và thợ mộc trong làng tới giúp Sư Ông và Ba sửa chữa lại các căn phòng ở Xóm Hạ và Xóm Thượng. Họ đã làm xong hai cái thiền đường, một cái ở Xóm Hạ và một cái ở Xóm Thượng. Thiền đường ở Xóm Hạ rộng lắm, có thể có đủ chỗ cho một trăm người ngồi. Thiền đường ở Xóm Thượng thì nhỏ nhưng đẹp. Ở Xóm Hạ, bên cạnh thiền đường, Ba và chú Dũng đã trang bị được một phòng để làm thư viện. Mấy tháng trước đây, thiền đường chỉ là nơi chứa rơm; ở đấy Tý đã bắt được con mèo con.
Tý thường gặp Sư Ông và Ba đứng nói chuyện với nhau ở nhiều địa điểm trên Xóm Thượng cũng như ở Xóm Hạ. Chắc là những lúc ấy, Sư Ông và Ba đàm luận về cách thiết trí Làng Hồng. Có một độ, Ba, chú Dũng và cả Sư Ông nữa, lo đào đất và trồng cây tùng ở cả hai xóm. Trên Xóm Thượng, ba người đã trồng được sáu cây tùng lọng (ở đây người ta gọi là pin parasol). Ba nói những cây tùng này khi lớn lên sẽ xòe tàng ra như những cái lọng để che nắng cho người đứng dưới. Ngoài tùng lọng còn có tùng đại tây (ở đây người ta gọi là cèdre atlantique), tùng thiên thọ (ở đây người ta gọi là cèdre déodara) và tùng bút (ở đây người ta gọi là cyprès sempervirens). Ba còn trồng một số cây hồng trái (kaki) ở cả hai xóm nữa. Ba nói ngày xưa ở Việt Nam đã có lúc Ba sắp làm một Làng Hồng trên miền cao nguyên rồi, và ở đó Ba đã dự tính trồng toàn cây hồng trái. Sở dĩ Ba trồng cây hồng trái ở đây cũng vì Ba muốn nối lại công trình ngày xưa.
Ở Pháp Thân Tạng có rất nhiều hang thỏ. Có một lần đi ngang qua Pháp Thân Tạng, Tý và Miêu gặp một đàn thỏ rất đông. Thấy Tý và Miêu, chúng chạy trốn rất mau lẹ. Miêu nói có thể có đến mười mấy con. Tý nghĩ rằng tại Pháp Thân Tạng ít ra cũng có chừng năm mươi chú thỏ cư trú. Bọn thỏ có vẻ hiền. Tý đã từng ao ước được ôm trên tay một con thỏ và đút lá xà-lách cho nó ăn. Thỏ chạy mau lắm, Tý không tài nào rượt theo nó được. Ấy vậy mà có lần chú Dũng rượt theo và bắt được một con thỏ đem về cho Tý. Hôm ấy trời nắng và chú Dũng đang cày ở Xóm Hạ. Bỗng nhiên chú thấy một con thỏ giữa những luống cày. Chú dừng máy cày lại, leo xuống, rượt theo con thỏ. Chú bắt được con thỏ. Khi chú ẵm thỏ về, Tý và Miêu reo lên, quấn quýt bên thỏ. Nhưng con thỏ có vẻ sợ sệt. Tý cho gì nó cũng không chịu ăn. Nó vùng vẫy không ngớt trên tay Tý. Chú Dũng mới bỏ thỏ vào một cái thùng giấy và để hở một nắp thùng ở trên. Bây giờ thỏ mới nằm yên. Tý lấy các thứ lá ngon bỏ vào thùng. Thỏ vẫn nằm yên trong góc thùng. Mấy giờ đồng hồ sau trở lại thăm, Tý vẫn không thấy thỏ ăn. Thỏ có vẻ buồn rầu và lo lắng. Chiều hôm đó có cô Chín tới. Tý khoe với cô Chín con thỏ, và kể cho cô Chín nghe về chuyện con thỏ không chịu ăn lá xà-lách. Cô Chín nói với Tý là con thỏ chưa bao giờ bị bắt như vậy và do đó nó buồn bã, sợ sệt và không có lòng dạ nào để ăn. Cô đề nghị là nên đem nó về chỗ cũ và thả nó đi. Như vậy mới làm cho nó hết sợ và hết buồn. Trở về nếp sống quen thuộc của nó, nó mới thật sung sướng. Tý suy nghĩ rồi Tý đồng ý với cô. Hai cô cháu mang thỏ ra ruộng. Tý đặt thỏ xuống giữa hai luống cây và lùi ra chừng ba thước. Cô Chín cũng vậy. Nhưng thỏ không chạy. Nó ngồi yên bất động. Tý lạ quá. Tại sao thỏ không chạy đi? Tý thấy thỏ bắt đầu gặm mấy cái lá cỏ gần đấy. Ðột nhiên nó vụt chạy về phía rừng, mau như một mũi tên bắn. Cô Chín nói rằng khi mới được thả ra, con thỏ sở dĩ chưa chạy tại vì nó còn đang ngạc nhiên về sự tự do đột ngột của mình.
Tại Pháp Thân Tạng có nhiều dây leo buông thõng xuống từ những cây cao. Tý và Miêu có thể bám lấy các sợi dây này và đu qua một cái hố nhỏ rộng chừng ba bốn thước, vừa đu vừa hét giống như Tarzan vậy.
Sư Ông chỉ cho Tý thấy những khóm cây và những tảng đá đẹp ở Pháp Thân Tạng rồi nói với Tý:
– Mùa hè này mình sẽ treo thật nhiều võng ở đây để ngồi. Con biết không, buổi trưa sẽ nóng lắm và ngồi võng ở Pháp Thân Tạng thì rất mát.
Tý chưa tưởng tượng được cái nóng ở Xóm Thượng và Xóm Hạ. Từ ngày về đây, Tý chỉ thấy lạnh và lạnh.
Trưa hôm ấy Sư Ông trao cho Tý cuốn Am Mây Ngủ bởi Sư Ông biết Tý ham đọc sách. Tý mừng lắm. Tý lại ngồi gần lò sưởi và khởi sự đọc. Ðọc tới chỗ Công Chúa Huyền Trân nói chuyện với chú tiểu Pháp Ðăng thì Tý nghe tiếng Sư Ông gọi. Cơm trưa đã được Sư Ông nấu xong. Hai ông cháu đặt bàn và bày các món ăn lên. Hôm nay Sư Ông dạy Tý ăn im lặng. Hai người không nói với nhau lời nào trong suốt buổi cơm. Tuy vậy, Tý không cảm thấy không khí nặng nề. Trái lại, Tý thấy sự im lặng rất nhẹ nhàng và dễ chịu. Hai ông cháu thong thả ăn; thỉnh thoảng Sư Ông lại gắp thức ăn bỏ vào chén cơm của Tý. Tý nghe tiếng củi nổ lép bép trong lò sưởi. Tý thoáng ngửi thấy mùi củi thơm. Tý có cảm giác là mình đã hết buồn vì chuyện con dê con.
Tý ăn cơm trưa xong thì xe cô Chín từ Xóm Hạ lên. Cô Chín lên đón Tý về nhà. Tý vào chắp tay chào Sư Ông. Sư Ông nhắc Tý đem theo về cuốn Am Mây Ngủ. Rồi Sư Ông đưa Tý ra xe hơi và chắp tay chào Tý.
Về tới nhà, Tý thấy Ba và Mẹ đang làm những bưu kiện thuốc tây để gởi về cho các trẻ em đói và bệnh ở quê nhà.