Ngày xuân bói kiều

Quẻ Kiều (bản PDF cập nhật 12.2020)

Nếu ai muốn thấy và muốn hiểu
Chư Bụt có mặt trong ba đời
Người ấy cần quán chiếu pháp giới
Tất cả đều do tâm mà thôi

Kinh Hoa Nghiêm

Nghệ Thuật Đoán Quẻ Kiều (The Art of Oracle Reading)

Bói Kiều là tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Du, ni sư Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp về tình trạng hiện tại của mình và để biết tu tập tiếp xử cách nào cho có hạnh phúc và thành công trong năm tới. ‘Thác là thể phách, còn là tinh anh’, tuy hình hài cụ Tiên Điền không còn, nhưng tinh anh của thi hào vẫn còn mãi mãi trong ta, chung quanh ta và trong sức sống của dân tộc. Tại làng Mai, ai bói Kiều cũng tắm tắc khen là linh nghiệm.

Muốn tham vấn, phải tới trước bàn thờ Phật và tổ để lạy ba lạy thật cung kính, rồi ngồi xuống đặt tay vào thành chuông, thở ba lần rất chánh niệm rồi đưa tay vào chuông bốc lên một quẻ. Cụ Nguyễn Du cũng như ni sư Giác Duyên đều là tổ tiên tâm linh và nghệ thuật của tất cả chúng ta.

Quẻ ấy được trao cho vị có nhiệm vụ đoán quẻ. Vị này là một người có kiến thức về văn chương truyện Kiều, có khiếu tâm lý và nhận xét, và nhất là có kiến thức Phật pháp và kinh nghiệm tu tập. Trong lúc quẻ được một người ngâm lên, mọi người có mặt đều thực tập theo dõi hơi thở. Nên có tiếng đàn phụ họa giọng ngâm. Thời gian này là để vị đoán quẻ chiêm nghiệm.

Về cách đoán quẻ, thường thường ở làng Mai, các Thầy, các Sư Cô và các vị Cư Sĩ hay theo phương pháp sau đây:

1/ Trong hai câu lục bát, có thể một câu là nhân và một câu là quả. Quả có thể là đã phát sinh trong hiện tại hay là điều mong ước trong tương lai. Nhân là lời khuyên của cụ Nguyễn Du về cách hành xử và tu tập để chuyển hóa hay thực hiện. Ví dụ: trong như tiếng hạc bay qua là tâm an tĩnh của mình được xem là quả hiện tại. Nhân của quả ấy là dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng, nghĩa là đã biết thân cận với Tam Bảo và xa lìa những môi trường nguy hiểm. Cũng thế, như ở các quẻ 48 và 78, câu 8 là nhân, câu 6 là quả và ở các quẻ 93 và 100, câu  6 là nhân và câu 8 là quả. Có khi trong một câu 8, bốn chữ đầu là nhân, bốn chữ sau là quả, hay ngược lại.

2/ Nghĩa lý trong quẻ không cần đi theo nghĩa lý truyện Kiều. Ví dụ: Lòng còn gửi áng mây vàng không hẳn phải giải là đương sự còn tưởng nhớ quê hương mà có thể giải là lý tưởng tu học vẫn còn vững mạnh, bồ đề tâm vẫn còn nguyên vẹn, vì mây vàng ở đây có thể được xem là lý tưởng cao siêu của đạo Bụt, của ánh đạo vàng. Song thu đã khép cánh ngoài không những có nghĩa là đóng cửa sổ lại mà còn có nghĩa là đừng nên để tâm tới những chuyện thế gian, phải tập trung tâm ý vào việc tu học. Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân, theo tinh thần của Quy Sơn Cảnh Sách, là phải nương tựa vào các vị thiện tri thức lớn.

3/ Hỏi xem đương sự đã muốn tham vấn cụ Nguyễn Du về vấn đề nào, để nương vào đó mà đoán quẻ.

4/ Có thể tham khảo ý kiến của một vài vị thiện trí thức có mặt xem các vị này có tuệ giác gì khác nữa hay không về quẻ đang được đoán.

5/ Quẻ đoán phải có tác dụng an ủi, khuyến khích và soi sáng cho người xin quẻ.

6/ Trong giờ bói Kiều, nên tập họp cả đại chúng. Mỗi người bói xong phải lạy tạ trước khi trở về chỗ ngồi. Mỗi lời đoán phải là một bài thuyết pháp ngắn cho tất cả đại chúng.

Kính chúc liệt vị những ngày xuân ấm áp, hạnh phúc và đầy đạo vị.

Lời Khấn:

Cầu thi thánh Nguyễn Du
Cầu đạo cô Tam Hợp
Cầu Sư Trưởng Giác Duyên
Cầu giáng tiên Thúy Kiều

Tôi tên là………………………..
Xin tham vấn thi thánh, đạo cô, sư trưởng
và giáng tiên về vấn đề………………………

210 Quẻ Kiều

(số thứ tự câu trong truyện Kiều và chú thích từ ngữ)

1- Thông minh vốn sẵn tính trời (29)
Nhẹ nhàng nghiệp trước, đền bồi duyên sau (2690)
Nghiệp: nghiệp chướng, tức là  khó khăn, hậu quả do hành động ta gây ra.
Duyên: điều kiện
.

2- Tan sương vừa rạng ngày mai (1083)
Trụ trì nghe tiếng vội mời vào trong (2038)
Rạng: rựng sáng, đêm vừa hết và ngày mới đến.

3- Nâu sồng từ trở màu thiền (1933)
Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi (400)
Nâu sồng: quần áo người tu, nhuộm bằng củ nâu và củ sồng.

4- Bây giờ rõ mặt đôi ta (443)
Tu là cội phúc, tình là dây oan (2658)
Cội phúc: cái gốc của hạnh phúc.
Dây oan: sợi dây ràng buộc mình vào những khó khăn, oan nghiệt.

5- Song thu đã khép cánh ngoài (1073)
Hay là khổ tận đến ngày cam lai? (3210)
Song: cửa sổ.
Khổ tận cam lai: khó khăn đã qua rồi và tương lai có vẻ khả quan hơn.

6- Bấy lâu mới được một ngày (315)
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương (2078)
Ngọn đèn khêu nguyệt: thức khuya đọc sách, tim đèn cháy sáng có hình của con trăng lưỡi liềm.
Tiếng chày nện sương: thức sớm, ta thỉnh chuông đại hồng mà giống như đang nện vào đám sương mù.

7- Cho hay giọt nước cành dương (1931)
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi(2687)
Giọt nước cành dương: giọt nước cam lồ của đức Bồ Tát Lắng Nghe Quan Thế Âm, được dùng cành dương liễu mà rảy.
Túc khiên: tội lỗi gây ra trong kiếp trước.

8- Tấm thân rày đã nhẹ nhàng (2293)
Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi (2396)
Thanh thiên bạch nhật: giữa ban ngày.

9- Thương sao cho vẹn thì thương (1359)
Lòng đây lòng đấy chưa tường hay sao? (1362)
Tường: am tường, hiểu rõ ràng.

10- Thương sao cho vẹn thì thương (1359)
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên (1932)
Trần: bụi bặm, cõi đời.
Duyên: điều kiện.

11- Phật tiền ngày bạc lân la (2991)
Tương tri dường ấy mới là tương tri (3184)
Tiền: phía trước.
Ngày bạc (bạch nhật) : ban ngày.
Tương tri: hiểu bụng nhau.

12- Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân (901)
Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau (2410)
Tầm:  thước do lường.
Tùng quân: người quân tử. Tùng: cây tùng. Quân: cây tre lớn.

13- Đã nguyền hai chữ đồng tâm (555)
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời (2522)
Đồng tâm: cùng một lòng.

14- Đã nên có nghĩa có nhân (2909)
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung (1034)
Nghĩa: lối xử sự đúng đường.
Nhân: lòng thương người.

15- Đề huề lưng túi gió trăng (137)
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời (2522)
Đề huề: mang theo.
Lưng: nửa chừng, chưa đầy.

16- Gương trong chẳng chút bụi trần (3173)
Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong (332)
Thói nhà băng tuyết: nếp sống trong sạch của gia đình.
Chất hằng phỉ phong: tuy nghèo nhưng luôn giữ được tư cách của mình. Phỉ phong: rau phỉ và rau phong.

17- Nâu sồng từ trở màu thiền (1933)
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng (1686)
Nâu sồng: quần áo người tu, nhuộm bằng củ nâu và củ sồng.

18- Thương nhau xin nhớ lời nhau (1515)
Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì? (2412)
Cơ duyên: những gì sẽ xảy ra với ta do guồng máy thiên nhiên sắp đặt. Cơ: máy. Duyên: điều kiện.

19- Song hồ nửa khép cánh mây (283)
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần (2862)
Song hồ: cửa sổ được dán giấy (giấy hồ).
Cánh mây: cánh cửa dán giấy có vẽ mây.
Ngõ hạnh: đường ở trong Hạnh Viên, chỗ nhà vua tiếp các vị tiến sĩ mới.
Dặm phần: đường về quê hương. Phần: cây phần, thường dùng để chỉ quê hương.

20- Dịp đâu may mắn lạ thường (1291)
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao (2876)
Tiêu dao: thong thả, tự tại.

21- Tan sương vừa rạng ngày mai (1083)
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần (2862)
Ngõ hạnh: đường ở trong Hạnh Viên, chỗ nhà vua tiếp các vị tiến sĩ mới.
Dặm phần: đường về quê hương. Phần: cây phần, thường dùng để chỉ quê hương.

22- Bốn bề bát ngát xa trông (1035)
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường (3006)

23- Một người dễ có mấy thân (1005)
Ở đây hoặc có giai âm chăng là (2884)
Giai âm: tin tốt, tin lành.

24- Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân (901)
Trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen (2910)
Tầm:  thước do lường.
Tùng quân: người quân tử. Tùng: cây tùng. Quân: cây tre lớn.

25- Cùng nhau nương cửa Bồ Đề (2989)
Vườn xuân một thửa, để bia muôn đời (3240)
Vườn xuân một thửa: hoặc vườn xuân một cửa, một gia đình êm ấm.

26- Ngày xuân em hãy còn dài (731)
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng? (2994)

27- Trùng sinh ân nặng bể trời (3049)
Ngày phô thủ tự, đêm nhồi tâm hương (1930)
Trùng sinh: sinh ra thêm một lần nữa.
Phô: trình bày ra.
Thủ tự: nét chữ viết tay.
Nhồi: huấn luyện, thực tập.

28- Thiền trà cạn nước hồng mai (1991)
Nhờ tay tế độ, vớt người trầm luân (1080)
Hồng mai: nước trà nấu bằng thân mai già.
Tế độ: đưa người sang bờ bên kia, nơi có sự thảnh thơi, hạnh phúc.
Trầm luân: trôi lăn trong khổ đau.

29- Cùng nhau lạy trước Phật đài (3031)
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng? (2994)

30- Lời vàng vâng lĩnh ý cao (495)
Trên am cứ giữ hương dầu hôm, mai (3234)
Hương dầu: sự chăm sóc nhang đèn trên bàn thờ Bụt.
Hôm mai: ban đêm và rạng sáng, hai buổi công phu.

31- Trong như tiếng hạc bay qua (481)
Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng (1926)
Rừng tía: chỗ ở của đức Bồ Tát Lắng Nghe Quan Thế Âm.
Bụi hồng: cõi đời.

32- Vầng trăng vằng vặc giữa trời (449)
Nhẹ nhàng nghiệp trước đền bồi duyên sau (2690)
Nghiệp: nghiệp chướng, tức là  khó khăn, hậu quả do hành động ta gây ra.
Duyên: điều kiện.

33- Trông người lại ngẫm đến ta (417)
Tu là cội phúc, tình là dây oan (2658)
Cội phúc: cái gốc của hạnh phúc.
Dây oan: sợi dây ràng buộc mình vào những khó khăn, oan nghiệt.

34- Kiếp tu xưa ví chưa dày (407)
Lòng nào còn tưởng có rày nữa không? (3038)
Rày: bây giờ, như vầy.

35- Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi (2137)
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng (2686)
Khinh trọng: nhẹ hay nặng, đáng hay không.

36- Một tường tuyết chở sương che (367)
Lời Sư đã dạy ắt thì chẳng sai (2414)
Tuyết chở sương che: che chở cho khỏi bị lạnh vì sương, tuyết.

37- Chung quanh vẫn đất nước nhà (153)
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên (3224)

38- Một lời nói chửa kịp thưa (119)
Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm (2852)

39- Thông minh vốn sẵn tính trời (29)
Mà trong lẽ phải, có người có ta (3114)

40- Hoa cười ngọc thốt đoan trang (21)
Lòng kia giữ được thường thường mãi không? (1338)
Hoa cười ngọc thốt: nụ cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc.
Đoan trang: đứng đắn, đàng hoàng.

41- Vầng trăng vằng vặc giữa trời (449)
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra (2656)

42- Còn non còn nước còn dài (557)
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương (2346)
Non vàng: một núi chất đầy vàng.
Tấm thương: tấm lòng thương yêu.

43- Gương trong chẳng chút bụi trần (3173)
Sen vàng lãng đãng như gần như xa (190)

44- Khi hương sớm khi trà trưa (1297)
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng (2734)

45- Gửi thân được chốn am mây (2053)
Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là (316)
Gạn: gặng, hỏi kỹ.
Niềm tây: nỗi niềm riêng ở trong lòng mình.

46- Trong cơ thanh khí tương tầm (2883)
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân (174)
Thanh khí tương tầm: người có ưa thích giống nhau thì thường tìm đến nhau mà thân cận.
Vàng gieo ngấn nước: bóng trăng vàng lung linh trên mặt nước.
Cây lồng bóng sân: bóng cây đổ dài ở ngoài sân.

47- Gìn vàng giữ ngọc cho hay (545)
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương (2058)
Gìn vàng giữ ngọc: giữ gìn thân thể quí như vàng, như ngọc.
Ngọn đèn khêu nguyệt: thức khuya đọc sách, tim đèn cháy sáng có hình của con trăng lưỡi liềm.
Tiếng chày nện sương: thức sớm, ta thỉnh chuông đại hồng mà giống như đang nện vào đám sương mù.

48- Gửi thân được chốn am mây (2053)
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi (2424)
Am mây: chỗ người tu ở.
Tấc riêng: tâm sự ở trong lòng mình.
Cất gánh: để gánh lên vai.

49- So dần giây vũ giây văn (471)
Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay (2056)
Dây vũ dây văn: dây đàn to và dây đàn nhỏ.
Trai phòng: nhà trai, phòng ăn ở trong chùa.

50- Tiếng sen sẽ động giấc hòe (437)
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần (134)
Tiếng sen: tiếng bước chân của người đẹp.
Giấc hòe: giấc ngủ. Hòe: cây hòe, Thuần Vu Phần ngủ dưới cây hòe, nằm mộng.

51- Phong sương được vẻ thiên nhiên (399)
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa (3198)
Phong sương: gió và sương, hình ảnh tượng trưng để miêu tả cảnh thiên nhiên.
Tiếng huyền: tiếng đàn.

52- Nạn xưa trút sạch làu làu (2737)
Mười phần ta đã tin nhau cả mười (1584)

53- Được lời như cởi tấm lòng (353)
Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau (2410)

54- Long lanh đáy nước in trời (1603)
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (2748)
Gió đông: gió từ phương đông thổi lại, gió mùa xuân.

55- Tạ lòng lạy trước sân mây (2379)
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong (2054)
Sân mây: sân ở cung điện nhà vua, có vẽ mây.

56- Nghe tường ngành ngọn tiêu hao (2927)
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào tới nơi (2974)
Tường: hiểu rõ ràng.
Tiêu hao: tin tức.

57- Nẻo xa mới tỏ mặt người (141)
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không (2694)
Chi không: có chút gì chớ chẳng phải là hoàn toàn không có.

58- Giật mình thoắt tỉnh giấc mai (2727)
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ (464)
Giấc mai: giấc ngủ nhẹ nhàng. Mai: cây mai do tích Triệu Sư Hùng ngủ dưới gốc mai.
Chung Kỳ: Chung Tử Kỳ, bạn tri âm của Bá Nha, nghe tiếng đàn mà hiểu tâm sự của bạn.

59- Dẫu rằng vật đổi sao dời (3087)
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa (3074)
Vật đổi sao dời: mọi vật đều thay đổi.

60- Những là rày ước mai ao (3069)
Dưới dày có đất trên cao có trời (3086)

61- Lấy tình thâm trả nghĩa thâm (2683)
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm (3174)

62- Nghe tin nở mặt nở mày (2993)
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần (2862)
Ngõ hạnh: đường ở trong Hạnh Viên, chỗ nhà vua tiếp các vị tiến sĩ mới.
Dặm phần: đường về quê hương. Phần: cây phần, thường dùng để chỉ quê hương.

63- Trùng sinh ân nặng biển trời (3049)
Tái sinh trần tạ ơn người từ bi (3032)
Trùng sinh: sinh ra thêm một lần nữa.
Trần tạ: bày tỏ lòng cảm ơn.

64- Áo xanh đổi lấy cà sa (1921)
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (3252)

65- Khen cho con mắt tinh đời (2201)
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương (2346)
Non vàng: một núi chất đầy vàng.
Tấm thương: tấm lòng thương yêu.

66- Cửa sài vừa ngỏ then hoa (529)
Nhớ lời nói những bao giờ hay không? (2276)
Cửa sài: cửa bằng gỗ. Sài: gỗ, ván.
Ngỏ: mở ra.   Then: then cửa.

67- Sớm khuya lá bối phướn mây (2057)
Đi về này những lối này năm xưa (2751)
Lá bối: một loại lá ngày xưa dùng để chép kinh.
Phướn: lá phướn, cờ to treo trước chùa.

68- Gửi thân được chốn am mây (2053)
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ (464)
Chung Kỳ: Chung Tử Kỳ, bạn tri âm của Bá Nha, nghe tiếng đàn mà hiểu tâm sự của bạn.

69- Sẵn Quan Âm Các vườn ta (1913)
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao (3014)

70- Thân ta, ta phải lo âu (2015)
Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì? (2412)
Cơ duyên: những gì sẽ xảy ra với ta do guồng máy thiên nhiên sắp đặt.
Cơ: máy. Duyên: điều kiện.

71- Sư rằng: song chẳng hề chi (2679)
Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa (2990)
Thảo am: am tranh, chùa tranh.

72- Cho hay giọt nước cành dương (1931)
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu (1316)
Giọt nước cành dương: giọt nước cam lồ của đức Bồ Tát Lắng Nghe Quan Thế Âm, được dùng cành dương liễu mà rảy.

73- Mấy lời tâm phúc ruột rà (3183)
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa (1472)
Lời tâm phúc: lời nói từ lòng tin cậy. Tâm: tim. Phúc: bụng.

74- Đã gần chi có điều xa (1365)
Tu là cội phúc tình là dây oan (2658)
Cội phúc: cái gốc của hạnh phúc.
Dây oan: sợi dây ràng buộc mình vào những khó khăn, oan nghiệt.

75- Lòng còn gửi áng mây vàng (1319)
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì! (2478)
Mây vàng: đám mây sắc vàng, chỉ quê nhà.
Thanh vân: mây xanh, tỷ dụ người thi đậu làm quan, có công danh.

76- Lạ gì thanh khí lẽ hằng (1287)
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi (2688)
Thanh khí lẽ hằng: thường thường những người có ưa thích giống nhau thường làm bạn với nhau.
Túc khiên: tội lỗi gây ra trong kiếp trước.

77- Nghe tường ngành ngọn tiêu hao (2687)
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành (674)
Tường: hiểu rõ ràng.
Ngành ngọn: có đầu có đuôi.
Tiêu hao: tin tức.

78- Trước sau cho vẹn một lời (2693)
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (2748)
Gió đông: gió từ phương đông thổi đến, gió mùa xuân.

79- Thửa công đức ấy ai bằng (2687)
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? (3046)
Thửa: là trợ từ, nhưng ta cũng có thể hiểu là mảnh đất, ruộng.
Công đức: việc tốt mình làm ra, để lại đức cho người sau hưởng.

80- Năm mây bỗng thấy chiếu trời (2947)
Nào lời non nước, nào lời sắt son (1632)
Năm mây:  chiếu vua, có vẽ mây năm sắc.
Chiếu trời: chiếu của nhà vua.
Sắt son: tấm lòng thành. Sắt cứng và son đỏ.

81- Sao cho muôn dặm một nhà (2435)
Mười lăm năm mới bây giờ là đây! (3138)

82- Gió quang mây tạnh thảnh thơi (2063)
Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng (2420)
Quang: trời sáng sủa, không có mây.
Tạnh: hết mưa gió.

83- Một lòng chẳng quản mấy công (2701)
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau (2736)
Triều dâng hôm sớm: mỗi ngày thường có hai lần thủy triều, buổi mai và buổi hôm.

84- Giật mình thoắt tỉnh giấc mai (2727)
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa (3074)
Giấc mai: giấc ngủ nhẹ nhàng. Mai: cây mai do tích Triệu Sư Hùng ngủ dưới gốc mai.

85- Kệ kinh câu cũ thuộc lòng (2055)
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen (2196)
Tấn Dương: nơi Đường Cao Tổ khởi nghiệp.

86- Thấy màu ăn mặc nâu sồng (2039)
Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường (208)
Nâu sồng: quần áo người tu, nhuộm bằng củ nâu và củ sồng.
Tú khẩu cẩm tâm: miệng thêu lòng gấm, tức là lời hay ý đẹp.

87- Trời đông vừa rạng ngàn dâu (2033)
Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này (2738)
Ngàn dâu: rừng dâu.

88- Thiền trà cạn nước hồng mai (1991)
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra (2656)
Hồng mai: nước trà nấu bằng gỗ mai già.
Cỗi nguồn: cội nguồn, gốc rễ.

89- Gác kinh viện sách đôi nơi (1937)
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng (2686)
Khinh trọng: nhẹ hay nặng, đáng hay không.

90- Được lời như mở tấc son (1601)
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông (1332)
Tấc son: tấm lòng chân thành. Son được làm bằng một thứ đá đỏ.
Lạch: rạch, dòng nước nhỏ chảy thông.

91- Thương nhau xin nhớ lời nhau (1515)
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi? (2468)
Công hầu: tước công và tước hầu.

92- Huệ lan sực nức một nhà (1471)
Có cây trăm thước có hoa bốn mùa (1914)

93- Chở che đùm bọc thiếu chi (3185)
Vườn xuân một thửa để bia muôn đời (3240)
Vườn xuân một thửa: hoặc vườn xuân một cửa, một gia đình êm ấm.

94- Khi gió gác khi trăng sân (1295)
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì? (2478)
Thanh vân: mây xanh, tỷ dụ người thi đậu làm quan, có công danh.

95- Tình sâu mong trả nghĩa dày (1263)
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong (2054)

96- Lấy trong ý tứ mà suy (1089)
Sao cho thoát khỏi nữ nhi thường tình (2220)
Nữ nhi thường tình: tánh đàn bà.

97- Rằng trong ngọc đá vàng thau (1583)
Dạy đem pháp bảo sang hầu sư huynh (2046)
Ngọc đá vàng thau: phân biệt được người tốt với người xấu. Ngọc với đá, vàng với thau.

98- Khúc đâu đầm ấm dương hòa (3199)
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời (204)
Dương hòa: khí trời ấm áp vào mùa xuân.

99- Công tư vẹn cả hai bề (2479)
Chuyện muôn năm cũ kể chi bây giờ? (3078)
Công tư: việc chung và việc riêng.

100- Gương trong chẳng chút bụi trần (3173)
Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao (3218)
Khen lao: khen ngợi.

101- Trời còn để có hôm nay (3121)
Của tin gọi một chút này làm ghi (356)
Của tin: vật để làm tin.
Làm ghi: làm vật ghi nhớ, kỷ niệm.

102- Trùng sinh ân nặng bể trời (3049)
Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao! (310)
Trùng sinh: sinh ra thêm một lần nữa.
Trọng nghĩa khinh tài: coi lẽ phải và ân tình nặng hơn là tiền bạc.

103- Sự đời đã tắt lửa lòng (3045)
Sen vàng lãng đãng như gần như xa (190)
Sen vàng: gót chân của người con gái đẹp.

104- Những là sen ngó đào tơ (3137)
Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng (3044)
Sen ngó đào tơ: người con gái trẻ tuổi, như ngó sen, như cây đào còn non.
Nâu sồng: quần áo người tu, nhuộm bằng củ nâu và củ sồng.

105- Mùi thiền đã bén muối dưa (3043)
Gà vừa gáy sáng, trời vừa rạng đông (3216)

106- Nhớ lời lập một am mây (3227)
Ở trong dường có hương bay ít nhiều (122)
Am mây: chỗ người tu ở.

107- Gửi thân được chốn am mây (2053)
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời (3122)
Am mây: chỗ người tu ở.

108- Bây giờ tình mới tỏ tình (1809)
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong! (1464)

109- Chở che đùm bọc thiếu chi  (3185)
Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai (2414)

110- Tình xưa ơn trả nghĩa đền (2865)
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông (3204)
Lam Điền: nơi có tiếng là sản xuất ngọc quí.
Mới đông: vừa mới tượng hình.

111- Bởi lòng tạc đá ghi vàng (2855)
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao (2876)
Tạc đá ghi vàng: tạc vào đá, ghi vào vàng.
Tiêu dao: thong dong, tự tại.

112- Cửa trời rộng mở đường mây (2861)
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm (1506)
Cửa trời: triều đình.
Đường mây: đường làm quan. Chữ Hán là ‘vân lộ’.

113- Vội về sửa chốn vườn hoa (2821)
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (3252)

114- Nạn xưa trút sạch làu làu (2737)
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy? (3208)

115- Bốn bề bát ngát mênh mông (2735)
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng (3180)
Khấu đầu: cúi rạp đầu xuống đất để lạy.

116- Thấy nhau mừng rỡ trăm bề (2731)
Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa (2990)
Thảo am: am tranh, chùa tranh.

117- Đã nguyền hai chữ đồng tâm (555)
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen (2910)
Đồng tâm: cùng một lòng.

118- Độ sinh nhờ đức cao dày (3055)
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời (3122)
Độ sinh: đưa chúng sinh vượt qua bể khổ, sang bên bờ thong dong.

119- Rằng trong tác hợp cơ trời (3063)
Mà trong lẽ phải có người có ta! (3114)
Tác hợp cơ trời: ông trời khiến cho hai người cảm thấy hợp với nhau, lấy nhau.
Cơ trời là bộ máy mầu nhiệm của thiên nhiên.

120- Còn non còn nước còn dài (557)
Dẫu mòn bia đá dám sai tấc lòng (772)

121- Trong như tiếng hạc bay qua (481)
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa (1472)

122- Một lòng chẳng quản mấy công (2701)
Ở đây cửa Phật là không hẹp gì (2076)

123- Song thu đã khép cánh ngoài (1073)
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân (1080)
Song: cửa sổ.
Tế độ: đưa người sang bờ bên kia, nơi có sự thảnh thơi, hạnh phúc.
Trầm luân: trôi lăn trong khổ đau.

124- Vầng trăng vằng vặc giữa trời (449)
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già! (2202)
Già: già giặn, giàu kinh nghiệm.

125- Thương sao cho vẹn thì thương (1359)
Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh (1750)
Lời phương tiện: lời nói khéo léo có thể giúp được người khác.
Hiếu sinh: lòng trân quí sự sống.

126- Mấy lời tâm phúc ruột rà (3183)
Tương tri dường ấy mới là tương tri! (3184)
Lời tâm phúc: lời nói từ lòng tin cậy. Tâm: tim. Phúc: bụng.
Tương tri: biết nhau, hiểu nhau.

127- Đến bây giờ mới thấy đây (2281)
Mà lòng đã chắc những ngày một hai (2282)
Một hai: thuở ban đầu.

128- Nỗi mừng biết lấy chi cân (3027)
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng (902)
Cát đằng: người vợ lẽ. Cát, đằng là những loại dây leo, nhờ vào những cây to mà mọc.

129- Có người khách ở viễn phương (67)
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên (1932)
Khách viễn phương: khách đến từ một nơi rất xa.
Trần: bụi bặm, cõi đời.   –   Duyên: điều kiện.

130- Cỏ non xanh tận chân trời (41)
Nhẹ nhàng nghiệp trước đền bồi duyên sau (2690)
Nghiệp: nghiệp chướng, tức là  khó khăn, hậu quả do hành động ta gây ra.
Duyên: điều kiện.

131- Những là nấn ná đợi tin (2945)
Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao (214)

132- Gác kinh viện sách đôi nơi (1937)
Nào lời non nước, nào lời sắt son (1632)
Sắt son: tấm lòng thành. Sắt cứng và son đỏ.

133- Chút riêng chọn đá thử vàng (2187)
Thân này đã dễ mấy lần gặp tiên? (1704)
Chọn đá thử vàng: kén chọn người, xem họ có phải là người tốt không.

134- Giọt rồng canh đã điểm ba (1865)
Có dung kẻ dưới mới là lượng trên (1540)
Giọt rồng: giọt nước rỉ ra từ hồ nước bằng đồng có chạm hình rồng để đo thời gian.
Lượng trên: tấm lòng độ lượng của người lớn.

135- Thương nhau xin nhớ lời nhau (1515)
Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi (1630)
Ấm lạnh, ngọt bùi: chăm sóc từng miếng ăn, tấm áo cho cha mẹ.

136- Rằng trong ngọc đá vàng thau (1583)
Cười rằng: tri kỷ trước sau mấy người! (2200)
Ngọc đá vàng thau: phân biệt được người tốt với người xấu. Ngọc với đá, vàng với thau.
Tri kỷ: người hiểu mình.

137- Chút riêng chọn đá thử vàng (2187)
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu? (2188)
Chọn đá thử vàng: kén chọn người, xem họ có phải là người tốt không.
Can tràng: gan ruột, tấm lòng của mình.

138- Tấm thân rày đã nhẹ nhàng (2293)
Lòng đây lòng đấy chưa tường hay sao? (1362)
Tường: hiểu rõ ràng.

139- Cùng trong một tiếng tơ đồng (1855)
Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau (2410)
Tiếng tơ đồng: tiếng đàn.

140- Long lanh đáy nước in trời (1603)
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông (916)

141- Hoàng lương chợt tỉnh giấc mai (1715)
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi (1030)
Hoàng lương: giấc kê vàng, giấc mộng.
Giấc mai: giấc ngủ nhẹ nhàng. Mai: cây mai do tích Triệu Sư Hùng ngủ dưới gốc mai.

142- Lấy tình thâm trả nghĩa thâm (2683)
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau (1786)
Tương phùng: gặp lại nhau.

143- Chắc rằng mai trúc lại vầy (1679)
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi (2424)
Mai trúc: tình nghĩa thân thiết. Mai và trúc thường được trồng gần nhau.
Tấc riêng: tâm sự ở trong lòng mình.
Cất gánh: để gánh lên vai.

144- Dưới đèn sẵn bức tiên hoa (2625)
Một mầu quan tái bốn mùa gió trăng (1596)
Tiên hoa: giấy viết thư, chép thơ.
Quan tái: cửa ải nơi biên thùy, chỉ đường xa.

145- Nghĩ đi nghĩ lại quanh co (2023)
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai (1042)
Tấm son: tấm lòng thành.

146- Tình sâu mong trả nghĩa dầy (1263)
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng? (2428)
Tri kỷ: người hiểu mình.

147- Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi (2313)
Tấm riêng riêng những nặng vì nước non (1330)
Tề chỉnh uy nghi: có trật tự, oai nghiêm.

148- Bấy lâu khăng khít giải đồng (1341)
Biển trầm luân lấp cho bằng mới thôi (1104)
Giải đồng: sợi dây buộc hai tấm lòng lại với nhau.

149- Khi gió gác khi trăng sân (1295)
Hoa xuân đương nhị ngày xuân còn dài (1006)
Hoa xuân đương nhị: hoa xuân đang nở, phô bày cánh và nhị hoa thật đẹp.

150- Đêm xuân một giấc mơ màng (849)
Làm chi lỡ nhịp cho đàn ngang cung (1460)
Đàn ngang cung: những tiếng đàn không ăn nhịp với nhau.

151- Thương vì hạnh trọng vì tài (1469)
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm (1506)
Hạnh: tánh nết của một người, biểu lộ qua những cử chỉ trong đời sống người đó.

152- Công tư hai lẽ đều xong (1379)
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia (1036)
Công tư: việc chung và việc riêng.

153- Được lời như thế là may (1023)
Cành kia chẳng phải cội này mà ra? (1322)

154- Thân ta ta phải lo âu (2015)
Bỗng đâu mua não chuốc sầu nghĩ nao? (236)
Chuốc sầu: tự làm khổ mình. Chuốc: rót.

155- Chở che đùm bọc thiếu chi (3185)
Năm nay là một, nữa thì năm năm (2408)

156- Phím đàn dìu dặt tay tiên (3197)
Hoa nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi (2344)
Hoa Nô, Trạc Tuyền: Hoa Nô là tên của Kiều khi làm người hầu cho Hoạn Thư.
Trạc Tuyền là tên của Kiều khi được ở Quan Âm Các trong vườn của nhà Hoạn Thư.

157- Thiện căn ở tại lòng ta (3251)
Tương tri dường ấy mới là tương tri (3184)
Thiện căn: những hạt giống tốt có mặt trong ta.
Tương tri: hiểu bụng nhau.

158- Gương trong chẳng chút bụi trần (3173)
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng (3180)
Khấu đầu: lạy với đầu chấm sát mặt đất.

159- Kệ kinh câu cũ thuộc lòng (2054)
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau (2736)
Triều dâng hôm sớm: mỗi ngày có hai lần thủy triều, buổi mai và buổi hôm.

160- Một nhà sum hợp sớm trưa (2733)
Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm (2852)

161- Bốn bề bát ngát mênh mông (2735)
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? (3046)

162- Đội trời đạp đất ở đời (2171)
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng (2686)

163- Độ sinh nhờ đức cao dày (3055)
Cành kia chẳng phải cội này mà ra? (1322)
Độ sinh: đưa cho chúng sinh vượt qua bể khổ mà sang bến bờ thong dong.

164- Chở che đùm bọc thiếu chi (3185)
Tấm riêng riêng những nặng vì nước non (1330)
Tấm riêng: tấm lòng riêng.

165- Giật mình thoắt tỉnh giấc mai (2727)
Rằng không thì cũng vâng lời rằng không (1176)
Giấc mai: giấc ngủ nhẹ nhàng. Mai: cây mai do tích Triệu Sư Hùng ngủ dưới gốc mai.

166- Lòng riêng riêng những kính yêu (2369)
Những điều vàng đá phải điều nói không (2814)
Điều vàng đá: những điều sâu kín trong lòng mà đem nói cho người mình thương nghe.

167- Cửa thiền then nhặt lưới mau (1935)
Dạy đem pháp bảo sang hầu sư huynh (2046)
Then nhặt lưới mau: then cửa cài kín, lưới mau là lưới canh gác khít, người ngoài không lọt vào được.

168- Cho hay giọt nước cành dương (1931)
Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư (2506)
Giọt nước cành dương: giọt nước cam lồ của đức Bồ Tát Lắng Nghe Quan Thế Âm, được dùng cành dương liễu mà rảy.
Vương sư: quân đội của triều đình.

169- Gác kinh viện sách đôi nơi (1937)
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương (2346)

170- Nâu sồng từ trở màu thiền (1933)
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân (2518)
Nâu sồng: quần áo người tu, nhuộm bằng củ nâu và củ sồng.
Gan liền tướng quân: lòng dũng cảm của một vị tướng quân.

171- Tình xưa ân trả nghĩa đền (2865)
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu (1934)

172- Thương sao cho vẹn thì thương (1359)
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên (1932)

173- Thấy màu ăn mặc nâu sồng (2039)
Ở đây cửa Phật là không hẹp gì (2076)
Nâu sồng: quần áo người tu, nhuộm bằng củ nâu và củ sồng.

174- Tàng tàng trời mới bình minh (1917)
Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra (2048)
Tàng tàng: trời vừa sáng.

175- Gửi thân được chốn am mây (2053)
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương (2058)
Ngọn đèn khêu nguyệt: thức khuya đọc sách, tim đèn cháy sáng có hình của con trăng lưỡi liềm.
Tiếng chày nện sương: thức sớm, ta thỉnh chuông đại hồng mà giống như đang nện vào đám sương mù.

176- Mai cốt cách tuyết tinh thần (17)
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng (3180)
Mai cốt cách: hình dáng thanh tao như cành mai.
Tuyết tinh thần: tấm lòng trong sáng như tuyết trắng.
Khấu đầu: lạy xuống với đầu mình  chấm sát mặt đất.  –  Cao thâm: ơn nghĩa cao sâu.

177- Sư đà hái thuốc phương xa (3231)
Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang (531)
Gia đồng: người giúp việc ở trong nhà.

178- Bẻ lau vạch cỏ tìm đi (3003)
Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ (3078)
Sự muôn năm cũ: chuyện ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi.

179- Sự đời đã tắt lửa lòng (3045)
Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần  (2702)
Chuyển vần: sự xoay vần, thay đổi ở trong thiên nhiên.

180- Người sao hiếu nghĩa đủ đường (2653)
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây (2622)
Hiếu nghĩa: có lòng kính cẩn với cha mẹ, thương yêu với anh em, bạn bè.
Kiếp đoạn trường: giai đoạn của đời sống mà con người phải chịu nhiều khổ đau.

181- Ấy mới gan ấy mới tài (2006)
Thong dong nối gót thư trai cùng về (1992)
Thư trai: phòng đọc sách.

182- Dịp đâu may mắn lạ dường (1291)
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành (1092)
Lạ dường: rất lạ kỳ.
Ngậm gương nửa vành: mặt trăng chỉ ló lên phân nửa.

183- Dưới trăng quyên đã gọi hè (1307)
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương (2480)
Quyên: chim tu hú.

184- Dẫu rằng sông cạn đá mòn (1975)
Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang (2816)
Cho đang: mà lại cam chịu cho được

185- Gọi là trả chút nghĩa người (2785)
Dẫu trong nguy hiểm dám dời ước xưa (2256)

186- Khi nên trời cũng chiều người (2689)
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (2748)
Khi nên: gặp lúc thuận lợi.
Gió đông: gió từ phương đông thổi lại, gió mùa xuân.

187- Còn nhiều hưởng thụ về lâu (2723)
Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi (1630)
Ấm lạnh, ngọt bùi: chăm sóc từng miếng ăn tấm áo cho cha mẹ.

188- Non quê thuần vược bén mùi (1593)
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông (2634)
Thuần: rau rút. Vược: cá lư.

189- Vậy nên những chốn thong dong (2663)
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa (2850)
Phím đồng: phím đàn làm bằng gỗ ngô đồng, ngụ ý chỉ cây đàn.

190- Khi ăn ở lúc ra vào (2845)
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình (3016)
Xiết bao: nhiều không thể kể được.

191- Bây giờ mới rõ tăm hơi (1873)
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm (2248)
Tăm hơi: tin tức về một người nào đó.

192- Lầu mai vừa rúc còi sương (867)
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài (425)
Lầu mai: chòi canh vào lúc buổi sáng.  –  Còi sương: tiếng còi báo hiệu lúc buổi sáng.
Ác: mặt trời.   –   Ngậm gương: đã lặn xuống phân nửa.

193- Xem qua sư mới dạy qua (2049)
Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu (1966)

194- Lại đây xem lại cho gần (2193)
Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời (2062)
Vẻ ngân: ánh sáng của dãi ngân hà.

195- Chùa đâu trông thấy nẻo xa (2035)
Có dung kẻ dưới mới là lượng trên (1540)
Lượng trên: tấm lòng rộng rãi, dễ chịu của người có vai vế lớn.

196- Ở ăn thì nết cũng hay (1533)
Hẳn rằng mai có như vầy cho chăng (1024)
Nết: tánh tình, thói quen.

197- Khi ăn ở lúc ra vào (906)
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy? (3208)

198- Một phen tri kỷ cùng nhau (3213)
Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì (2412)
Tri kỷ: người hiểu rõ tâm sự của mình.
Cơ duyên: những gì sẽ xảy ra với ta do guồng máy thiên nhiên sắp đặt. Cơ là máy. Duyên là điều kiện.

199- Một tay gây dựng cơ đồ (2462)
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên (3224)
Cơ đồ: sự nghiệp.

200- Ai ngờ lại họp một nhà (3177)
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau (2626)
Thiên tuyệt bút: bài thơ rất xuất sắc, có khi là bài thơ cuối cùng của một danh nhân.

201- Đường đường một đấng anh hào (2169)
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành! (674)
Anh hào: bậc tài trí hơn người.

202- Thấy nhau mừng rỡ trăm bề (2731)
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân (1294)

203- Trong tay mười vạn tinh binh (2905)
Qui sư, qui Phật tu hành bấy lâu (2044)
Tinh binh: lính tuyển chọn thật giỏi.

204- Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra (1725)
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu? (3232)

205- Cửa chiền vừa cữ cuối xuân (2061)
Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài (2418)
Cửa chiền: cửa chùa, chùa chiền.

206- Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi (2137)
Tìm hoa quá bước xem người viết kinh (1986)

207- Nghĩ cho khi gác viết kinh (2367)
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong (1464)
Bất bình: phật ý, không bằng lòng.

208- Nghe lời khuyên nhủ thong dong (1495)
Thế nào cũng chẳng giấu xong được nào (1488)

209- Thấy lời thủng thỉnh như chơi (1589)
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân (1080)
Tế độ: đưa người sang bờ bên kia, nơi có sự thảnh thơi, hạnh phúc.
Trầm luân: trôi lăn trong khổ đau
.

210- Gió quang mây tạnh thảnh thơi (2063)
Có người đàn việt lên chơi cửa già (2064)
Quang: trời sáng sủa, không có mây.  –  Tạnh: hết mưa gió.
Đàn việt: người tới cúng vái, thực tập ở chùa.  –  Già: già lam, nhà chùa.