Chia sẻ về cái “tưởng”, chuẩn bị cho anh thấy một cách từ từ em Thơ của anh là… một giọt nước cách mạng đi trong dòng sông cách mạng cùng với nhiều người
Trong lá thư dài viết ngày 21.9.1989 viết cho Hoàng Cầm, tôi có nói là nếu một ngày mai thi sĩ Hoàng Cầm gặp tôi anh có thể vỡ mộng, tại vì anh đã xây dựng trong đầu anh một hình ảnh Cần Thơ quá đẹp, và nếu tôi viết lá thư này thật dài là cũng để chuẩn bị cho anh không bị hụt hẫng khi gặp tôi và biết rõ thực tại về tôi. Tôi không phải chỉ là một cô gái biết mê thơ, mà là một cô gái có tinh thần cách mạng, từ năm 16 tuổi đã không chấp nhận được tình trạng bất công và áp bức của xã hội. Có một lần tại Paris, trong một buổi họp với người Việt, tôi mặc áo dài trắng, tóc dài thả phía sau lưng, nhiều người tưởng tôi là một cô gái rất hiền dịu, rất thuỳ mị, nhưng khi nghe tôi phát biểu họ khá… giật mình, thấy vừa kính nể nhưng cũng vừa… ngán và choáng ngợp!
Trong khi đó thi sĩ cũng có một nỗi e ngại tương tự như tôi. Anh cứ nghĩ là nếu một mai tôi về quê hương gặp anh thấy anh vừa già vừa ốm thì tôi sẽ thất vọng. Một mặt thì anh rất muốn tôi về để anh được gặp tận mặt, mặt khác anh lại sợ nếu tôi về thì tôi sẽ không tìm thấy được cái người thơ mà tôi chiêm ngưỡng lâu nay. Anh viết:
“Nghe Hùng nói, em cũng muốn xin phép về thăm quê hương phải không? Điều đó anh rất mong… mà cũng rất không mong? Em nhớ câu nào trong “Hương xa” đã nói khá minh bạch về điều đó không?… Nhưng xa là đẹp, anh có tâm trạng giống như một vương phi thuở xưa trong những ngày bệnh, bắt đóng cửa lại không muốn cho quân vương vào thăm, sợ nhan sắc tiều tuỵ của mình sẽ để lại một ấn tượng không đẹp trong óc người say mê mình.”
Ngày 21.9.1989, ngồi tại cư xá Tùng Bút, nơi phòng Chuối Ba Hương tại Làng Mai (hồi đó còn gọi là Làng Hồng), tôi đã viết cho anh thật dài. Tôi viết rất nhiều chi tiết và viết rất thật về nếp sống của chúng tôi và những gì chúng tôi đang làm ở Làng Mai trong thời gian ấy. Tôi nghĩ phải cho anh ấy biết sự thật càng nhiều càng tốt về tôi và công việc của tôi. Tôi nói rằng tôi cũng đã có người yêu, cứ giục cưới mãi, và một vài người khác nữa yêu tôi, tôi cũng không đáp ứng lại được, bởi vì tôi đã có lý tưởng mà các anh ấy thì không hiểu và không theo được cái lý tưởng của tôi. Tuy nhiên, sau khi các anh ấy cưới vợ, tôi cũng cảm thấy buồn buồn. Buồn thì buồn nhưng mình đã có con đường thì mình cứ đi. Và con đường này đem cho tôi thật nhiều hạnh phúc. Trong lá thư này tôi kể nhiều về những chuyện mà chúng tôi ưa làm ở Làng Hồng.
Đây là nội dung lá thư do tôi hoàn toàn tự viết vì lúc này Thầy quá bận với những quyển sách của Thầy.
“Bùi Thị Cần Thơ gửi từ Làng Hồng, phòng Chuối Ba Hương ngày 21.9.1989
Cư xá Tùng Bút – Meyrac – Loubes Bernac 47120 France
Thưa anh Hoàng Cầm,
Trên đầu thư là địa chỉ đúng nhất của em hiện nay. Hôm đầu tháng này có người nhà bà Hồng Phúc về Hà Nội, em gửi thêm ít quà cho anh nữa. Vừa gửi xong thì được thư anh, em lại sợ anh giận không nhận thì nguy lắm và tủi thân cho em lắm.
Đáng lý anh phải hiểu là lâu nay em không viết thư vì sợ thư không tới được tận tay anh. Địa chỉ Bờ Hồ có còn hữu hiệu không, thưa anh? Em viết về đó, không thấy anh hồi âm cho nên em nản không muốn viết.
Đáng lý ra, anh phải thấy em đã tìm mọi cách để viết cho anh. Em viết ngay trên hộp quà, cứ một dòng giải thích sử dụng thuốc thì bốn dòng thư trò chuyện với anh. Hãng VINA Paris bảo đảm quà tới tay người nhận nên em mới hy vọng những dòng chữ của em tới tay anh. Năm trước, em cũng gửi qua họ 500 Franc mà đâu có tới. Em biết mình là con kiến đi kiện củ khoai không ích lợi gì, nên em bỏ luôn.
Thưa anh, em không viết thư bằng giấy mực nhưng ngày nào em cũng gửi cho thế gian hàng ngàn thông điệp. Thư của em mang nhiều hình thức lắm: Chọn một chai thuốc phù hợp cho anh là một bức thư, tìm người chắc chắn đem quà về tận tay anh cũng là một bức thư… Ngay cả khi em nắm bàn tay một bà mẹ Việt Nam đau khổ xa quê, sống buồn bã giữa những người ngoại quốc, bà cụ bị trúng gió, em có thể chỉ cần cho toa hoặc mang thuốc trụ sinh đến là đủ, nhưng em ngồi xoa dầu và cạo gió thì bà sung sướng đến chảy nước mắt, đó cũng là thư viết cho anh.
Bây giờ và ở đây, em thực hiện mộng ước của mình trong từng khoảnh khắc. Và ở một góc nhỏ địa cầu kia, tên là Việt Nam thương yêu, nơi em được nuôi dưỡng, lớn lên bằng những bài ca, những hình ảnh, những luỹ tre làng, những rừng dừa, rừng chuối ngọt ngào, góc nhỏ địa cầu ấy còn có 64 triệu người em thương. Trong đó, vài gương mặt hiện lên làm đại diện, có anh Hoàng Cầm quý mến của em. Dù em chưa biết được đường nét nào trên khuôn mặt anh nhưng em trân quý từng giọt mực, từng giọt máu chảy từ trái tim anh hiện lên thành dòng thơ. Anh như một con chim qua cơn ốm nặng, đã đứng dậy và hót. Tiếng hót đã làm ấm lòng những người mến mộ anh. Điều đó làm em mãn nguyện nhất.
Bây giờ em xin thuật cho anh nghe chuyện này: Thưa anh, buổi hoàng hôn trên mặt hồ khi mặt trời đỏ ối đang từ từ lặn xuống, diễm lệ, đẹp biết mấy. Ta đứng ngây ngất ngắm nhìn mặt trời đẹp đẽ kia ở trước mắt và đang lặn. Vậy mà, khoa học cho biết là mặt trời đó lặn rồi, lặn 8 phút trước khi hình ảnh đi theo ánh sáng chạy tới và chạm vào võng mô của ta. Mặt trời thực ra không được diễm lệ như ta thấy. Nó chỉ là khối lửa nóng hừng hực. Và phải chăng phần nhiều trên cuộc sống, cái thấy của ta cũng không sát với thực tại và khi chạm vào thực tại thì ta hụt hẫng.
Thưa anh, vì vậy mà rất nhiều lần Thơ tìm mọi cách cố gắng để anh thấy rõ Thơ chứ đừng có nhiều ảo tưởng quá. Nhiều lá thư của anh đoán về Thơ hơi khác thực tế, nên Thơ càng ngại. Thơ không phải là cô gái nhỏ chỉ biết vô tư hay cười như anh tưởng. Thơ có cái máu cách mạng ngay từ năm 16 tuổi nên đã không chấp nhận sự an bày của xã hội. Cũng vì có máu cách mạng mà Thơ yêu thơ Hoàng Cầm. Tuy sống xa Việt Nam, Thơ may mắn có bạn, có Thầy, yêu nước và biết khóc, biết cười với cái vui, cái khổ của 64 triệu dân mình.
Anh là biểu tượng người dân Việt thiết tha yêu quê hương, yêu từng câu hát quan họ, từng viên gạch Bát Tràng, từng vườn ổi, từng ổ rơm, từng lá bài Tam cúc, từng con cá đòng đong… Anh đã thật sự tiếp xúc với những gì sâu thẳm nhất của dân tộc, với những gì đậm đà nhất của phần địa cầu mà em yêu.
Thơ yêu thơ của anh là yêu cả đất nước, cây cỏ, sinh động vật và con người. Thơ có cái nhìn thật đẹp về anh dù Thơ biết rõ có thể thực tại của anh cũng hơi khác như chiếc mặt trời diễm lệ mà Thơ nói ban nãy. Nói như vậy để Thơ chuẩn bị cho anh không bị hụt hẫng khi biết rõ thực tại của Thơ.
Thưa anh, đây là vài dòng tạm về cái thực tại đó: Thơ chưa có gia đình, chưa có một người yêu vì Thơ yêu nhiều thứ và nhiều người quá nên Thơ sợ mất tự do. Năm 16 tuổi, Thơ có yêu một anh chàng và anh chàng cũng yêu lại nhưng ba năm sau Thơ gặp được lời dạy của Bụt, đẹp quá, sâu sắc, lạ lùng quá. Thơ nổi máu cách mạng muốn làm cách mạng xã hội bất bạo động theo những phương cách Bụt dạy cùng với anh chàng, nhưng chàng giận nói hồi xưa Thơ không như thế. Thơ cứ đi xóm nghèo, lập nhà giữ trẻ, dạy trẻ con nhà nghèo học, hát và chơi với chúng… và… quên hẹn với chàng. Thế là chàng lẳng lặng xa em, em âm thầm khổ vài tháng rồi cũng hết.
Đời con gái thì cũng có nhiều người ưa mái tóc dài và đẹp của em nên cũng có năm, bảy anh chàng thương yêu. Nhưng em tránh hết nên không có chuyện nào “lâm ly” cả. Chỉ còn một anh thứ hai là bác sĩ, học trên em một năm, anh cũng đi xóm nghèo và làm tất cả những gì em làm. Em có… hơi cảm động nhưng chàng ham lấy vợ quá, cứ thúc bách em nói “chịu”, nói “ưng” chàng hoài, em đánh lảng câu chuyện. Đôi khi em ỡm ờ nói em đã có người yêu (ý em thầm nói yêu lý tưởng) nhưng chàng không hiểu và vì vậy sau hai năm chàng đi lấy vợ. Ngày cưới của chàng em có buồn vài tuần nhưng rồi cũng thôi.
Em nhớ tới Bụt, vì muốn thực hiện cái lý tưởng cứu khổ của muôn loài mà thái tử Siddhartha rời bỏ gia đình, vợ của ngài là công nương Yasodhara sau đó cũng thành nữ tu sĩ và tu rất giỏi. Em mong chàng cũng vậy nhưng chàng không như vậy. Em buồn vài tuần. Đó là hơi lâu. Bây giờ em hứa với anh, nếu có anh chàng thứ 3 không chịu đi tu như em thì em chỉ buồn 5 phút thôi.
Hồi xưa khi thầy Xá Lợi Phất là đại đệ tử trân quý nhất của Bụt chết, Ngài cũng buồn 5 phút. Bởi vì có cái gì trên cõi đời này mà không biến chuyển không ngừng đâu? Một hạt bắp biến thành cây bắp, cho trái và trở về với đất và lại có những cây bắp mới… Thầy Xá Lợi Phất trở về với đất nhưng lại biểu hiện lại thành nhiều thầy Xá Lợi Phất khác cũng thông tuệ, cũng thuyết giảng sâu sắc những lời Bụt dạy sâu sắc như thầy.
Nếu mai này em chết anh cũng không được buồn quá vài ngày nhé, vì sẽ có vô số cô gái Việt Nam khác hiểu và thương thơ anh như em thương.
Hiện tại em sống chung với một số bạn ở làng Hồng. Phần đông tụi em đều tốt nghiệp đại học nhưng đều có “máu cách mạng” không thích chui vào guồng máy xã hội, làm ra nhiều tiền nhưng phải đóng thuế, đóng bảo hiểm, tiền nhà, tiền này tiền nọ… Thành ra ở xã hội này, bề ngoài có vẻ giàu sang nhưng lãnh số tiền kếch xù ra rồi trả thứ này thứ nọ thì chẳng còn gì hết.
Em đã nghỉ làm việc tại các công sở và chỉ chữa bệnh không lương nhưng bù lại thiên hạ trả em bằng nhiều cách và em vẫn đủ tiền gửi quà cho anh và bạn bè. Tất cả chúng em đều xài tiền cơm, điện nước khoảng 250F mỗi tháng. Trong khi công nhân hạng bét bên này lĩnh 5000F mỗi tháng. Chúng em xài thêm 150F tiền điện nước, xăng xe… vị chi 400F một tháng, ít hơn 1/10 lương công nhân hạng bét nhưng thảnh thơi.
Em đi chơi hoài, đi tới đâu em cũng thực hiện được mộng ước của em, từng ngày. Em giúp đồng bào sống rải rác bên này bớt khổ, vợ sắp ly dị chồng, con sắp bỏ nhà ra đi vì giận cha, người yêu bỏ người yêu, bà lão sắp tự tử vì con cái thành Mỹ, Pháp và hắt hủi, con trai con gái 15, 16 tuổi bỏ nhà đi vì giận bố mẹ… Em trị thân bệnh và tâm bệnh cho họ.
Trong nhóm những đứa bạn cùng tu cũng có một anh là bác sĩ như em, anh khác thì là nhạc sĩ, một chuyên viên châm cứu và vài sinh viên. Có một người Hà Lan, một người Đức, một người Anh, một người Gia Nã Đại gốc Ukraine, một người Hoa Kỳ và hai người Pháp.
Tụi em đứa nào cũng nói được Pháp và Anh ngữ, nhưng đứa nào cũng thèm nói tiếng mẹ đẻ với Thầy. Chỉ ưng nghe Thầy thuyết pháp bằng tiếng Việt mà thôi. Vì vậy Thầy dạy một tuần hai lần, một lần bằng Anh ngữ, một lần bằng Việt ngữ. Thầy có một cái cốc trên núi, cách làng nửa giờ xe.
Mỗi đứa tụi em đều có phòng riêng, ưng làm chi thì làm, chỉ học và ăn cơm chung, làm vài giờ cho làng tuỳ khả năng. Em có chiếc xe hơi nhỏ, bốn ngựa, loại xe hạng bét của thợ thuyền ở Pháp. Em đi thăm bệnh cho đồng bào và giúp họ không công, có bạn thì trồng rau giỏi lắm (em cũng trồng giỏi lắm), có bạn sáng tác nhạc, có bạn dịch kinh sách, có bạn vẽ, làm thơ, và mỗi ngày ăn cơm chung, mỗi tuần gặp nhau trong thiền trà. Chúng em hát cho nhau nghe, em không sáng tác được nhạc nhưng em hát được.
Em sẽ gửi tặng anh một băng nhạc do em hát. Em không dám hát mấy bản nhạc của Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm vì ca sĩ Thái Hiền, con gái Phạm Duy hát hay quá. Trong các bài hát của Hoàng Cầm mà Phạm Duy phổ nhạc, em rất ưa bài “Con cá Đòng đong” và nhất là bài “Lá Diêu Bông”.
Nhưng em không thích cách diễn tả của Phạm Duy chú giải chưa hay về thơ Hoàng Cầm, vì vậy mà em thu lại một băng nhạc và cắt bỏ hết những lời chú giải của Phạm Duy (hình như anh có được nghe một lần băng này rồi).
Thưa anh, quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, chỉ có phút giây hiện tại mình mới làm chủ được thân và tâm mình, mình mới tiếp xúc được với thực tại, mới nhìn rõ được sâu sắc bản lai diện mục của cây bưởi, cây chanh, tiếp xúc với con trai, con gái mình, với vợ mình, với người thân. Em đã tập nếp sống này từ 20 năm nay nên những buồn đau lớn xảy ra cho em trong cuộc đời (những biến cố lớn của đất nước, sự kiện anh ngã bệnh vô lý…), em nhờ nó mà cứu em ra khỏi cơn buồn chán (quay về sống trong hiện tại) để có thể bình tĩnh nhìn sâu sắc vấn đề mà lo cho đúng cách để giúp anh vượt khỏi cơn bệnh. Chỉ có chị Chín của em, Thầy, và em biết anh bị bệnh, không làm ồn, nhưng ba thầy trò đã làm hết sức và nhờ vậy kết quả mới tới kịp. Khi Phạm Duy biết thì anh đã hết bệnh rồi. Hiện tại chị Chín, vẫn còn làm việc đó cho các bạn bè khác của các bạn khác cầu cứu chị.
Em viết những dòng này mong ước là anh cũng có thể sống những ngày còn lại quý báu của anh trong tinh thần ấy, sống thật sâu sắc với đất, với gạch, với cây cỏ, với cầm thú, với con người của đất nước bằng tấm chân tình của anh trong phút giây hiện tại này.
Chị Yến của em không chết đâu, chị còn đó với tất cả những thông điệp của chị quanh anh. Vì anh không nhìn kỹ và nhìn sâu nên không tiếp nhận được những nhắn nhủ thầm thì của chị đó thôi. Nếu anh sống sâu sắc thì anh thấy ngay nụ cười của chị trên mọi nơi và chắc chắn chị không muốn anh buồn phiền. Nếu anh bớt uống rượu thì chắc lá gan anh sẽ vui hơn, và anh sẽ sống lâu hơn để chúng em và đồng bào nhờ.
Em rất vui khi nghe tin quyển “Về Kinh Bắc” sẽ được in. Em sẽ rất sung sướng nếu anh gửi cho em một bản về Meyrac – Loubes Bernac 47120 France, có bút ký của anh thì em vui lắm, em hạnh phúc lắm.
Thơ anh rất đẹp và đậm đà như mắm cà, đọc mà thấm và ngọt lịm, nhưng em chịu thua không dịch ra ngoại ngữ cho các bạn nghe. Nếu có những bài sau này mà anh dùng những hình ảnh phổ biến hơn (universelles) để thơ anh vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc thì chúng em có thể dịch ra được ngoại ngữ. “Con cá Đòng đong” và “Vườn ổi Tuổi thơ” làm em cảm động lắm nhưng không có cách nào dịch ra được những hình ảnh ấy để cũng làm cho mọi người không phải là Việt Nam cũng cảm động được như em.
Người ta hay nói, Đức Phật dạy vô thường là buồn, là yếm thế. Thật ra không có vô thường thì làm sao mà cơn bệnh ngặt nghèo như anh được tạm tan biến? Không có vô thường thì làm sao có ngày em cầm được tập thơ “Về Kinh Bắc” trong tay với thủ bút của anh? Xác thân cũng chịu luật vô thường nên khi bệnh khi khoẻ, biết thế nên khi dù lá gan mình còn mạnh, mình cũng nên trân quý không để cho những yếu tố làm hại gan tàn phá. Biết vô thường nên em trân quý từng dòng chữ của anh, em sợ không biết ngày nào thì vô thường sẽ biến anh thành hoa, thành đất, thành gạch Bát Tràng cho nên em nói chuyện với anh hoài, anh có nghe thấy không?
Nếp sống mà em tả cho anh nghe giữa em và những người bạn là nếp sống của Làng Hồng trong mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Nói đúng hơn, chỗ này trong ba mùa trên gọi là chùa Mai Thôn vì tụi em đều trường trai, ngồi thiền ngày hai lần lúc 6 giờ sáng và 8 giờ tối và làm việc trong chánh niệm. Nhưng danh từ Làng Hồng chỉ được gọi trong mùa hè từ 15.7 đến 15.8 dương lịch mỗi năm, khi hàng trăm người Việt Nam từ các nơi tề tựu về tu học quanh chùa Mai Thôn và biến chỗ chúng em ở thành hai thôn làng xinh xinh như ở Việt Nam. Hai thôn cách nhau 5 cây số. Thôn nào cũng có rất nhiều tre xanh, hoa vạn thọ, mồng gà, hoa cánh bướm, hoa bìm bìm, hoa hồng và rất nhiều bầu bí, mồng tơi, mướp đắng, rau muống, rau húng, rau mùi, thì là, húng quế… (những thứ này người Việt không tìm ra ở hải ngoại đâu anh, họ chỉ ăn rau cải nhập cảng thôi). Các cô các cậu mặc áo dài, áo bà ba như một thôn làng miền Nam. Họ đội nón lá bài thơ nữa. Con trai cũng mặc áo bà ba và áo dài màu xanh rất đẹp. Họ về để tìm lại gốc rễ của mình.
Mỗi đứa bé sanh đẻ tại Âu châu hay Mỹ châu nói tiếng Âu – Mỹ như người bản xứ nhưng vì da vàng tóc đen như người Việt nên bị người bản xứ hỏi han, thắc mắc, có khi kỳ thị, tụi nó rất khổ. Về đây, các cháu được dạy văn hoá Việt Nam, ca dao, dân ca, lịch sử, địa dư, phong tục tập quán (15 môn tất cả). Các cháu thấy mình có hai nền văn hoá và thấy mình đẹp ra, thấy tự tin nơi cái đẹp của màu da hay mái tóc mình. Em cảm thấy khi em xây dựng được một cháu từ một “ông Tây con” hay “một cô Mỹ con” biến thành một đứa con yêu của nước Việt là em đang làm một cuộc cách mạng nhỏ, trân quý giữ gìn từng viên ngọc của dân tộc đang bị rải rác thất thoát. Qua cơn bĩ cực của đất nước, em sẽ đưa các cháu về để làm nở hoa cho quê hương. Đó, tất cả ruột gan của em đã phơi bày cho anh. Anh đã bằng lòng chưa? Nếu hài lòng thì anh phải có quà cho em. Em đáng làm em gái út của anh chưa?
Cần Thơ”
Lá thư khá dài. Ấy vậy mà nhận được thư, anh vẫn còn trách. Trả lời lá thư, anh viết là lá thư của tôi đã giải đáp rất nhiều thắc mắc cho anh, anh đã hiểu tôi thật nhiều, nhưng anh vẫn còn chưa vừa lòng. Anh nói anh là người thơ, anh biết nghe và biết nhìn qua cái khoảng trống bao la và sâu thẳm ngăn cách của âm dương, của thời gian và không gian, thì làm sao anh chẳng nhận ra được thông điệp của tôi qua những cánh bưu thiếp, qua những vỉ thuốc và những lời dặn dò trên nắp hộp các gói quà. Anh nói:
“Kể ra nếu hàng chục năm nữa, cho đến lúc anh từ biệt thế giới thực tại mà chẳng nhận được tin gì của em nữa, chẳng được đọc một dòng, một chữ gì của em nữa, thì anh vẫn cứ nhìn thấy em rất sáng rõ, vẫn cứ nghe thấy tiếng em cười nói ngân nga vang vọng như tiếng chuông chùa lúc rạng đông và anh sẽ vẫn ngửi thấy mùi hương ngọc lan, hương thiên lý bay đến nơi anh từ nơi em ở – nào biết em ở đâu! – “vâng em đây, em ở ngay trong lòng anh từ lâu lắm rồi kia mà anh ơi!”
Tuy nhiên anh vẫn viết trong lá thư đề ngày 10.1989:
“Em mắc bận nhiều việc đạo, việc đời, việc người, anh biết, nhưng không lẽ em không để dành ra một giờ viết thư cho anh sao? Em chỉ gửi quà phải chăng chỉ là do lòng em thương anh nghèo khổ, còn thì tâm tư suy nghĩ gì về anh, em cất đi đâu? Anh trách nhẹ vậy thôi, chứ có ngày nào anh không nghĩ đến em. Và luôn luôn ở trong trạng huống đợi chờ… Đợi một hình, đợi một trang thư, .. chí ít cũng là một mảnh bưu thiếp.”