Chương 19: Tâm Linh và Tín Mộ
Bụt giáo hóa người cư sĩ bằng tuệ giác mà không phải bằng sự tín mộ.
Có người cho rằng đạo Bụt là dành cho người tu, còn cư sĩ thì chỉ yểm trợ, cúng dường để làm phước và thực tập tín mộ mà thôi, điều này không đúng. Ngay từ thời Bụt còn tại thế, Ngài đã quan tâm và đã cung cấp cho giới cư sĩ những sự thực tập rất căn bản. Tín mộ là bhakti (devotion). Đọc kinh Bụt dạy cho ông Cấp Cô Độc, ta thấy rất rõ là Bụt đã giáo hóa cho người cư sĩ bằng tuệ giác, còn sự tín mộ thì chỉ phát sinh thêm sau này. Trong khóa tu này chúng ta sẽ học hai kinh dành cho người cư sĩ, là kinh Bụt giảng cho ông Cấp Cô Độc:
Kinh Người Áo Trắng
Hôm đó doanh thương Cấp Cô Độc tới thăm Bụt và dẫn theo năm trăm nhà doanh thương. Ông tới thăm thầy Xá Lợi Phất trước. Giữa ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất có một mối giao tình rất thân mật. Ngày ông từ trần chính thầy Xá Lợi Phất đã ngồi bên giường bệnh để giúp cho ông qua đời một cách thoải mái và an lạc. Ông Cấp Cô Độc lần đầu tiên gặp Bụt trong một chuyến đi giao dịch từ Śrāvasti tới Rajagaha. Ông Cấp Cô Độc tới ở trọ nhà của người em dâu, mỗi khi ông tới thì người ta tiếp đón niềm nở, nhưng hôm đó thì chủ nhà có vẻ lơ là với ông. Ông hỏi:
– Nhà có đám cưới hay sao mà sửa soạn đẹp vậy? Sao tôi lại bị bỏ lơ vậy?
Người em nói:
– Tụi em đang chuẩn bị để cúng dường đức Thế Tôn, cúng dường Bụt.
Nghe chữ Bụt tự nhiên ông Cấp Cô Độc rúng động:
– Bụt ở đâu, cho tôi đi thăm với!
Ông Cấp Cô Độc cũng có mối quan tâm tối hậu. Ông đã giàu, đời sống ông đã được thỏa mãn nhưng ông muốn tìm một cái gì đẹp hơn.
Người em nói:
– Ngày mai đức Thế Tôn và giáo đoàn của Ngài sẽ tới đây và anh sẽ được gặp.
Nhưng tối đó ông Cấp Cô Độc không ngủ được, ông thức dậy rất sớm và tìm đường tới chỗ Bụt ở, tức vườn Trúc Lâm. Buổi sáng, khi trời còn mờ sương ông đã gặp được đức Thế Tôn đang đi thiền hành. Hai người đã nói chuyện và ông đã trở thành một đệ tử rất thân thiết của Bụt. Chính ông đã mời đức Thế Tôn về thành phố Sravasti và cúng dường đất mua được của thái tử Kỳ Đà để đức Thế Tôn làm tu viện.
Ông xin phép Bụt cho một người đi về xứ với ông để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm và giáo hóa của Bụt trên quê hương của ông. Và Bụt đã cho thầy Xá Lợi Phất đi tiền trạm để chuẩn bị cho chuyến du hành giáo hóa đầu tiên của Bụt tại thành phố Sravasti. Ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất đã đi với nhau mấy tuần lễ từ thủ đô Rajagaha về thủ đô Sravasti nên họ đã nói chuyện nhiều với nhau và trở nên thân thiết.
Khi ông Cấp Cô Độc đem năm trăm doanh thương tới thì vào thăm thầy Xá Lợi Phất trước, rồi thầy mới dẫn mọi người vào gặp Bụt. Vì vậy trong kinh Người Áo Trắng thay vì nói “này ông Cấp Cô Độc” thì Bụt nói “này thầy Xá Lợi Phất”. Ý của Bụt là thầy Xá Lợi Phất phải giáo hóa người cư sĩ theo chiều hướng này. Hồi đó thầy Xá Lợi Phất được coi như cánh tay phải của đức Thế Tôn. Thầy tổ chức sự tu học cho người cư sĩ và cho các thầy, các sư cô trong giáo đoàn xuất sĩ. Trong kinh thay vì gọi thẳng tên của nhà doanh thương thì Bụt gọi tên của thầy Xá Lợi Phất. Bụt nói:
Những người áo trắng không cần phải đi tìm cầu hạnh phúc trong tương lai. Họ có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại nếu họ thực tập theo những điều tôi chỉ dẫn.
Bụt dạy nhà doanh thương phải làm việc như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Bụt muốn gửi gắm cho thầy Xá Lợi Phất phương pháp giáo hóa người cư sĩ, phải nói với họ là họ không cần phải tìm hạnh phúc trong tương lai. Điều này rất quan trọng. Vì trong một kinh ngắn như kinh Người Áo Trắng mà cụm từ “hiện pháp lạc trú” (dṛṣṭadharmasukhavihāra), nghĩa là sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại được lặp lại sáu lần trong kinh. Ở thế kỷ của chúng ta, nhà doanh thương đi tìm hạnh phúc trong sự thành công của mình. Trong nhiều chùa, người xuất sĩ cũng như người cư sĩ đều không được học giáo lý quan trọng đó mà cứ đi tìm Niết bàn và giải thoát trong tương lai. Người ta nghĩ rằng hạnh phúc và con đường đưa tới hạnh phúc là hai cái khác nhau.
Bụt đưa ra hai phương pháp thực tập:
- Thực tập Năm giới
- Thực tập Bốn phép tùy niệm
Nếu một người áo trắng thực tập Năm giới và Bốn phép tùy niệm thì người đó sẽ có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong kinh đức Thế Tôn đã dùng danh từ thánh đệ tử 聖 弟 子 , tức vị đệ tử có chất thánh (the aryan disciple). Không phải chỉ có người xuất gia mà người cư sĩ cũng có chất liệu tâm linh và thánh thiện. Nếu ta thực tập theo Năm giới và Bốn phép tùy niệm thì ta sẽ có chất liệu thánh trong con người của mình, ngay trong thời Bụt còn tại thế Ngài đã dạy như vậy rồi. Không phải chỉ có đức Giáo hoàng, đức Dalai Lama hay các thầy các sư cô mới có chất thánh mà người cư sĩ cũng có chất thánh nếu người cư sĩ biết thực tập Năm giới và Bốn phép tùy niệm, vì Năm giới bảo đảm cho sự tự do và an ninh của con người. Nếu đã từng thọ Năm giới và sống theo Năm giới, thì chúng ta biết rằng Năm giới bảo hộ ta, đem lại cho ta rất nhiều tự do và hạnh phúc. Hạnh phúc và tự do đó ta không cần phải đi tìm trong tương lai mà có thể có ngay trong giây phút hiện tại.
Hơn nữa, nếu người thánh đệ tử áo trắng thực tập Bốn phép tùy niệm, tức niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới, thì sẽ làm tăng thêm chất thánh trong mình và người đó có hạnh phúc ngay lập tức. Cách giải thích của Bụt không có chút mê tín nào. Khi tâm ta chuyên chú vào những đối tượng cao đẹp như Bụt, Pháp và Tăng thì tâm của ta sẽ nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc. Ta không suy nghĩ tới những chuyện tiêu cực, khổ đau, đam mê và giận hờn. Bốn phép tùy niệm tịnh hóa thân và tâm của mình.
Xin các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ đọc kinh Người Áo Trắng để biết phương pháp Bụt dùng để giáo hóa người cư sĩ. Bụt giáo hóa người cư sĩ bằng tuệ giác mà không phải bằng sự tín mộ. Một tôn giáo làm sao lớn mạnh và sống còn nếu chỉ có người xuất gia mà không có người cư sĩ? Người cư sĩ cũng có khả năng thực tập một cách sâu sắc.
Kinh Người Áo Trắng, nguyên bản là Ưu Bà Tắc kinh, upāsaka sutra, là kinh 128 Trung A Hàm, hay kinh A. III. 211 Tăng Chi Bộ của tạng Pāli. Ưu Bà Tắc là cư sĩ nam, là người thân cận với người xuất gia. Người tại gia là người thân cận với người xuất gia, thân cận để học hỏi và thực tập nên gọi là cận sự: cận sự nam (upāsaka) và cận sự nữ (upāsikā). Người xuất gia cần người tại gia và người tại gia cần người xuất gia.
Đi xuất gia thì không được mặc áo trắng mà phải mặc áo màu gọi là hoại sắc.
Hai pháp môn chính trong kinh Người Áo Trắng
Bụt dạy người cư sĩ chỉ cần thực tập hai pháp môn sau đây là có đủ hạnh phúc trong giây phút hiện tại:
- Năm giới
- Bốn phép tùy niệm, tức bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm)
Bụt nói rất rõ: Nếu người tại gia thực tập theo hai pháp môn trên thì có thể dễ dàng có được hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại mà không có khó khăn gì. Không có khó khăn có nghĩa là sự thực tập rất đơn giản, dễ chịu mà ta không cần phải lao tác cực nhọc. Thực tập theo hai pháp môn trên thì:
- Ta có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại gọi là hiện pháp lạc trú.
- Ta chắc chắn không rơi trở lại vào những con đường khổ đau, tức con đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và atula.
- Ta có thể đạt được quả vị Nhập lưu (quả vào dòng), tức là gia nhập vào một dòng để đi về hướng có hạnh phúc và giải thoát, cũng như ta muốn đi Paris và ta đã ngồi trên tàu TGV hướng về Paris thì chắc chắn ta sẽ tới Paris. Bụt nói, vào dòng thì thế nào ta cũng được giải thoát hoàn toàn, ta chỉ sinh ra lại trong cõi hệ lụy bảy lần là tối đa. Nếu làm ăn khá thì ta sinh trở lại một hay hai lần hoặc ngay trong kiếp này ta cũng có thể được giải thoát hoàn toàn.
Cụm từ “an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng và không có khó khăn gì” được lặp lại nhiều lần trong kinh.
Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng, nếu thực tập được như thế là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác; đã chứng được quả Tu đà hoàn (vào dòng), không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt được biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.
Kinh chỉ cho chúng ta rất nhiều điều:
- Đức Thế Tôn dạy rằng chúng ta thực tập không phải để có hạnh phúc trong tương lai hay để có sự giải thoát và giác ngộ sau này mà thôi. Trước hết ta phải có hạnh phúc, giải thoát và giác ngộ ngay bây giờ. Trong đó có hàm ý: Không có con đường đưa tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Nếu ta thấy đau khổ trong khi tu thì không đúng, trong khi tu ta phải có hạnh phúc thì mới đúng. Nếu nghĩ rằng phải cực khổ bây giờ để trong tương lai có được hạnh phúc thì ta không đi đúng con đường. Giáo lý “hiện pháp lạc trú” (dṛṣṭadharmasukhavihāra) rất quan trọng trong đạo Bụt. Dṛṣṭa là hiện pháp, sukhavihāra là lạc trú hay lạc cư. Nhưng nhiều tông phái, nhiều chùa đã đánh mất giáo lý này. Ta tu như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại dù ta là cư sĩ. Ta không cần phải lao nhọc mà vẫn có hạnh phúc trong giây phút hiện tại (không có khó khăn gì), ta phải tu cho khéo (khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm). Cũng với pháp môn đó, nếu khéo tu thì ta có hạnh phúc ngay lập tức, còn không khéo tu thì ta cứ chật vật hoài mà vẫn không đưa tới kết quả.
Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, những gì chúng ta thấy trong hiện tại là hiện pháp. Hạnh phúc phải có trong hiện pháp. Ta phải có hạnh phúc trong khi tu và tu như thế nào để đừng mệt nhọc, mất sức và chịu đựng. Ta ngồi thiền như thế nào để có hạnh phúc, đi thiền như thế nào để có hạnh phúc, tụng kinh như thế nào để có hạnh phúc. Nếu ta cố gắng mệt nhọc, thân tâm rã rời là không đúng. Ta phải khéo tu.
- Hiện tại bảo đảm cho tương lai. Ta không rơi trở lại con đường của hệ lụy, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
- Ta được vào dòng giải thoát và thế nào ta cũng được giải thoát hoàn toàn.
Kinh này không chỉ trả lời cho những mối quan tâm thường nhật của con người mà còn trả lời cho mối quan tâm tối hậu của con người. Mối quan tâm thường nhật của con người là làm sao để có sức khỏe, để được che chở, để được an cư lạc nghiệp, v.v… Nhưng người cư sĩ cũng có những mối quan tâm tối hậu. Họ cũng muốn biết: Sau này mình sẽ đi về đâu? Họ rất bận, họ không có thì giờ nhưng lâu lâu họ cũng hỏi: “Không biết mình từ đâu tới và mình sẽ đi về đâu? Sau khi chết mình sẽ như thế nào?” Đó là những mối quan tâm tối hậu.
Giữa ba chất liệu tín mộ, chất liệu tâm linh và chất liệu chú thuật không có ranh giới rõ ràng
Tuy dạy cho cư sĩ nhưng Bụt cũng làm thỏa mãn hai loại quan tâm của họ như: “Làm sao để có hạnh phúc trong đời này và làm sao để thấy được tương lai, thấy được mình đang đi về đâu”. Trong kinh có rất nhiều chất liệu tâm linh. Chúng ta phải để ý một chi tiết là trong kinh Bụt đã gọi các cư sĩ là thánh đệ tử. Thánh đệ tử là đệ tử, tuy là cư sĩ nhưng trong họ có chất thánh (holy element). Khi có năng lượng của niệm, định và tuệ thì trong ta có chất thánh. Chất thánh đó bảo hộ ta, làm cho ta hạnh phúc và đưa ta đi tới. Chất thánh không từ ngoài đi vào mà do tự ta chế tác ra bằng sự tu tập Năm giới và Bốn phép tùy niệm.
Đạo Bụt cung cấp cho người cư sĩ chất liệu tâm linh (the spiritual element) chứ không phải chỉ cung cấp sự tín mộ như nhiều người đã hiểu lầm. Tín mộ là chỉ tin tưởng vào những thế lực bên ngoài. Giữa chất liệu tâm linh và chất liệu tín mộ (the devotional element) không có một ranh giới rõ ràng, vì vậy có những phép thực tập mà nhìn bề ngoài ta thấy giống như là tín mộ nhưng nội dung bên trong rất tâm linh vì trong đó có niệm, định và tuệ. Ví dụ như chúng ta lạy trước tượng Bụt, bề ngoài trông giống như một sự tín mộ. Bụt là người, ta cũng là người, người này lạy người kia vì trong người kia có chất liệu thánh. Ta là người hoàn toàn không có khả năng và ta lạy xuống cầu xin một vị Bụt, một vị Bồ tát, một vị thánh nhân cứu giúp mình. Lạy như vậy rất giống như một sự tín mộ.
Tùy theo cách lạy, trước khi lạy ta quán chiếu: Người lạy và người được lạy đều không có tự tính riêng biệt.
Lạy đức Thế Tôn, Ngài là Bụt, con là chúng sanh, nhưng con thấy Bụt được làm bằng những chất liệu không phải Bụt, trong đó có chúng sanh. Con tuy là chúng sanh nhưng trong con cũng có chất Bụt. Nhận thức được như vậy con thấy trong con có Bụt và trong Bụt có con.
Quán chiếu được như vậy rồi lạy xuống thì sự lễ lạy không còn là sự tín mộ, sự cầu xin mà đó là sự thực tập. Lạy xuống trước tượng Bụt, bề ngoài giống như một sự tín mộ nhưng bên trong là một hành động quán chiếu. Người ta thường hay lẫn lộn tín mộ và tâm linh.
Ngoài chất liệu tín mộ và chất liệu tâm linh còn có chất liệu chú thuật (the magical element). Người theo đạo Thiên chúa cũng tin tưởng vào những thế lực ma quái. Khi cảm thấy có thế lực ma quái thì người ta đưa cây thánh giá ra trước mặt và nghĩ rằng ma quái phải rút lui. Cây thánh giá tuy được làm bằng gỗ hay bằng sắt nhưng nó có thần lực. Đó là chất liệu chú thuật. Chúng ta cũng có câu thần chú để mỗi khi gặp ma ta đọc lên thì ma chạy, đó cũng là chất liệu chú thuật.
Không có ranh giới rõ ràng giữa ba chất liệu tín mộ, tâm linh và chú thuật. Ví dụ như Tâm Kinh Bát Nhã, Tâm Kinh là một kinh nói về tuệ giác cao nhất (the perfect understanding). Tâm Kinh Bát Nhã giúp ta quán chiếu để thấy được tất cả các pháp đều không có tự tánh, để ta vượt thoát những khổ đau, sợ hãi (độ nhất thiết khổ ách). Tâm Kinh Bát Nhã là một hình thái sinh hoạt tâm linh cao nhất (prajñāpāramitā). Nhưng có người tụng Tâm Kinh là để có công đức, sáng trưa chiều đều tụng, tụng ba bốn chục năm mà vẫn không hiểu nghĩa của Tâm Kinh. Cũng như chú Chuẩn Đề và chú Đại Bi, người ta tụng năm này sang năm khác mà không hiểu gì cả. Người ta tin tưởng rằng tụng chú để đuổi tà ma. Cũng như có những thầy tụng chú Lăng Nghiêm là để nữ sắc đừng tới lôi kéo mình, nhưng cũng có thầy mặc dù tụng năm này sang năm khác mà nữ sắc vẫn kéo đi như thường. Ta có câu thần chú, khi nằm mơ thấy ma ta đọc lên câu thần chú đó nhưng con ma còn nhe răng cười chẳng sợ gì cả. Tâm linh có thể trở thành tín mộ và tín mộ có thể trở thành chú thuật.
Có những thuyền nhân vượt biển chỉ đem theo một bản Tâm Kinh. Họ tin rằng bản Tâm Kinh có thể cứu họ khỏi những cơn sóng gió ngoài biển, tránh thoát loài thủy quái và những tên hải tặc. Tôi có những đệ tử đem theo cuốn “Nẻo về của ý” khi vượt biển. Họ nghĩ cuốn sách đó rất linh thiêng, trong đó có nói về Tâm Kinh. Khi sử dụng văn bản Tâm Kinh để bảo hộ cho mình thì có thể ta có sử dụng một ít chất liệu tâm linh nhưng ta sử dụng chất liệu tín mộ nhiều hơn. Có thể ta tin rằng có Tâm Kinh trên thuyền thì hải tặc không dám tới. Đó là chất liệu chú thuật. Khi người Anh tới xâm chiếm nước Miến Điện bằng máy bay, xe tăng và súng đạn, thì có những Phật tử mang bùa chú đi tới trước súng đạn vì họ nghĩ rằng có bùa chú trong người thì súng bắn không lủng. Họ đưa tay lên trời bắt ấn vì họ tin rằng làm như vậy thì máy bay sẽ rớt xuống.
Thọ trì Năm giới để bảo đảm tự do và hạnh phúc
Khi đọc kinh Người Áo Trắng, chúng ta thấy chủ ý của Bụt là hiến tặng cho người cư sĩ chất liệu tâm linh. Năm giới là sự thực tập giúp cho ta đừng sa đọa vào cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Mỗi giới bảo đảm cho ta một tự do. Ví dụ như giới thứ năm là “không vướng vào vòng ma túy”. Nếu ta giữ được giới này thì ta không bị vướng vào ma túy rất rõ ràng. Năm giới bảo đảm cho ta năm không gian tự do. “Không rơi trở lại vào tình trạng hệ lụy” không phải là chuyện siêu hình mà là chuyện rất thực tế và rất khoa học. Giữ Năm giới thì ta có năm khoảng trời tự do thật lớn, thân tâm ta được thanh tịnh, mạnh khỏe và ta có nhiều niềm vui. Đây không phải là một sự hứa hẹn hảo huyền về một hạnh phúc tương lai. Giữ được Năm giới thì ta có hạnh phúc ngay lập tức. Ai đã thọ Năm giới thì biết thời điểm mà ta quỳ xuống tiếp nhận Năm giới là giây phút cho ta nhiều hạnh phúc. Ta thấy mình có một con đường và Năm giới sẽ bảo hộ cho ta, ta sẽ có rất nhiều tự do khi thọ trì Năm giới. Bụt dạy người cư sĩ phải thọ trì Năm giới thì mới bảo đảm được hạnh phúc của mình. Hạnh phúc đó ta không phải chờ lâu, ta có thể có ngay trong giây phút hiện tại.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là người xuất gia không cần giữ Năm giới. Người xuất gia thọ 250 giới, nhưng trong 250 giới đó cái chính yếu vẫn nằm trong Năm giới. Tuy 250 giới có nhiều chi tiết hơn nhưng chúng vẫn phát xuất từ Năm giới. Theo truyền thống thì Năm giới rất đơn sơ: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Nhưng Năm giới trong kinh Người Áo Trắng có giới tướng rất rõ ràng. Nương trên tinh thần của kinh Người Áo Trắng, ở Làng Mai chúng ta có Năm giới tân tu với đầy đủ giới tướng, phản chiếu được tinh thần Tứ đế và Bát chánh đạo, trong đó có chánh kiến. Khi quyết tâm thực tập theo Năm giới thì chắn chắc ta có tự do, có hạnh phúc và niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Điều này rất khoa học, không có gì là mê tín dị đoan. Đó là chất liệu tâm linh trong đó có niệm, định và tuệ.
Bốn tâm cao đẹp
Bốn tâm cao đẹp là niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới.
Niệm Bụt
Niệm Bụt không phải là cầu xin ân huệ từ một thế lực bên ngoài. Niệm Bụt làm cho tâm ta được tịnh hóa. Bụt là một con người như tất cả chúng ta, nhưng nhờ sự thực tập mà Ngài đã giác ngộ, chuyển hóa được những phiền não và khổ đau. Khi niệm Bụt ta có thêm niềm tin là ta cũng có thể làm được như Bụt, vì nếu Bụt là con người mà Ngài làm được thì ta là con người, ta cũng có thể làm được. Vì vậy diễn tả Bụt như một vị thần linh là một điều tai hại, làm cho người ta có cảm tưởng là không thể với tới được. Bụt đích thực là một con người. “Đường Xưa Mây Trắng” là bộ sách mà trong đó tác giả đã tìm đủ mọi cách để phục hồi tính người của Bụt. Thấy Bụt như một con người ta sẽ dễ dàng tiếp cận, còn nếu thấy Ngài là một thần linh thì rất khó để tiếp cận được. Bộ sách “Đường Xưa Mây Trắng” có công đức giúp cho ta thấy được Bụt là một con người để ta tiếp cận được dễ dàng và ta có niềm tin là ta cũng sẽ làm được như Bụt. Những đức tính của như Như Lai như: Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn là những đức tính mà chúng ta cũng có thể có được. Đó là mười danh hiệu của Bụt.
Mỗi khi cư sĩ Cấp Cô Độc nghĩ tới Bụt là ông có hạnh phúc ngay. Trong cuộc đời, nếu ta có được một người quen để mỗi khi nghĩ tới người đó là ta có hạnh phúc tràn trề như vậy thì rất quý. Thầy Xá Lợi Phất đến thăm bệnh ông Cấp Cô Độc, thầy biết rất rõ là ông đang rất đau nhức, nhưng nếu thầy nhắc tới Bụt thì chắc chắn là ông sẽ bớt đau ngay nên thầy Sariputra đã rất khôn ngoan nhắc đến Bụt khi làm thiền hướng dẫn cho người bệnh.
Niệm Pháp
Pháp là một đối tượng của tùy niệm, anusmṛti. Niệm Pháp cũng cho ta hạnh phúc rất nhiều. Pháp đại diện cho Bụt, Pháp là chất liệu của một vị Bụt. Bụt có Pháp thân. Pháp thân là sự thực tập, là tuệ giác, là cái mang đến cho ta tự do và hạnh phúc.
Pháp không phải là một cái gì mơ hồ xa xôi, ta có thể trực tiếp tiếp cận Pháp mà không cần phải qua trung gian một người nào khác.
Pháp có tính cách thiết thực có thể chứng nghiệm ngay trong hiện tại mà không phải đợi đến tương lai. Đặc tính của Pháp là sandiṭṭhika, nghĩa là có tính cách thiết thực có thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại như hơi thở vào, hơi thở ra của ta. Thở vào, thở ra là chuyện chúng ta có thể thấy trong giây phút hiện tại. Nếu để tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra ta sẽ thấy trong khi thở, ta đem tâm về với thân. Hơi thở làm cho thân của ta hay cảm thọ của ta lắng dịu xuống. Đó là chuyện thiết thực ta có thể làm được trong hiện tại.. Pháp vượt thoát thời gian (akālika), nghĩa là nó có hiệu nghiệm ngay trong giây phút hiện tại. Sự thực tập và hạnh phúc xảy ra ngay trong giây phút hiện tại. Giáo pháp mầu nhiệm này ta có thể tự mình thực chứng (ehipassika) mà không cần phải qua một trung gian. Ehipassika là tự mình tiếp cận và chứng nghiệm. Đây không phải là sự tín mộ hay sự cầu xin.
Diệu pháp của đức Thế Tôn, con đường mà chúng con đang nguyện đi theo, là giáo pháp đã được nhiệm mầu tuyên thuyết. Giáo pháp đó là thiện thuyết (well proclamed), là giáo pháp có thể chứng nghiệm ngay trong giây phút hiện tại (sandiṭṭhika), là giáo pháp có giá trị vượt thoát thời gian (akālika), là giáo pháp mọi người có thể đến mà tự thấy (ehipassika), là giáo pháp có công năng dẫn đạo đi lên, là giáo pháp có công năng dập tắt phiền não, là giáo pháp mà người trí nào cũng có thể tự mình thông đạt.
Đây không phải là sự lạy lục cầu xin, không phải là sự tín mộ mà trước hết là tâm linh, là tuệ giác. Vì vậy giáo pháp của đức Thế Tôn hiến tặng cho người tại gia là một loại giáo pháp thâm sâu, thuần túy, không dựa vào một niềm tin mù quáng. Khi tâm ta tiếp cận được với ba viên ngọc quý, tức Bụt, Pháp Và Tăng thì ta có được hạnh phúc ngay, ta cảm thấy có sự che chở bởi năng lượng của niệm-định-tuệ được chế tác ra trong khi ta thực tập.
Hạnh phúc ngay trong hiện tại
Ta niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới mà không cần phải niệm Thiên để được sinh lên cõi trời. Người ta muốn được sinh Thiên hay sinh cõi Tịnh độ, nhưng nếu ta đang có hạnh phúc ở đây, ngay trong giây phút hiện tại thì cõi này đã là cõi trời rồi, ta không cần Thiên giới hay cõi Tịnh độ nữa. Cụm từ “hiện pháp lạc trú” đã được lặp lại sáu lần trong kinh Người Áo Trắng. Là người xuất gia, nếu ta muốn đem Phật pháp chia sẻ với người cư sĩ thì ta phải chia sẻ thế nào để họ biết cách sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, đừng hứa hẹn với họ Niết bàn, Tịnh độ hay Thiên đường. Đó là ý của Bụt. Ta phải sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Chuyện này không khó làm và phương pháp thực tập lại rất dễ chịu. Ta cũng có thể làm hay hơn nữa, khi có được hạnh phúc thì ta chứng được quả vào dòng, cùng đi với tứ chúng như một dòng chảy. Nếu đi một mình như một giọt nước thì ta sẽ bốc hơi, đi như một dòng sông với đại chúng thì chắc chắn ta sẽ đi ra biển. Vào dòng là không đi lui nữa. Đã vào dòng rồi, dù có được giải thoát hoàn toàn trong năm kiếp hay trong hai kiếp nữa thì ta cũng đã yên, ta không còn lo sợ. Hơn nữa ta đang có hạnh phúc nên ta không cần phải giải thoát mau một cách hấp tấp.
Chuyển tải được chất liệu tâm linh hay chỉ là tín mộ?
Chúng ta có những phép thực tập dành cho người cư sĩ mà người xuất gia cũng có thể tham dự được. Nếu khéo léo thực tập thì những pháp môn đó có chất liệu tâm linh nhiều hơn chất liệu tín mộ. Có tất cả mười hạnh nguyện của đức Bồ tát Phổ Hiền mà chúng ta cần nên biết:
Nhất giả, lễ kính chư Phật.
Nhị giả, xưng tán Như Lai.
Tam giả, quảng tu cúng dường.
Tứ giả, sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả, tùy hỉ công đức.
Lục giả, thỉnh chuyển pháp luân.
Thất giả, thỉnh Phật trụ thế.
Bát giả, thường tùy Phật học.
Cửu giả, hằng thuận chúng sanh.
Thập giả, phổ giai hồi hướng.
Lễ kính: “Nhất giả, lễ kính chư Phật”
Sự thực tập đầu tiên là bày tỏ sự kính ngưỡng của mình đối với Bụt. Nhìn bên ngoài sự thực tập này giống như một hành động tín mộ, nhưng nếu ta biết cách thì sự thực tập đó có chất liệu tâm linh rất cao. Muốn lễ Bụt ta phải quán chiếu Bụt là ai, ta là ai, giữa ta và Bụt có sự liên hệ nào. Biết được giữa ta và Bụt không có sự ngăn cách thì tuệ giác của ta sẽ phát sinh trong khi ta lạy xuống. Sáng nay, khi đọc Sám Pháp Địa Xúc tôi cũng lạy xuống như các thầy, các sư chú và các đạo hữu. Nhưng trong khi lạy, tôi quán chiếu là mình đang lạy với tất cả dòng họ tổ tiên huyết thống và tâm linh mà không phải là một cá nhân riêng lẻ. Lạy như vậy là có chất liệu tâm linh. Ta cũng thấy được là giữa người đang lạy và người được lạy không tách rời nhau, vì trong tổ tiên tâm linh cũng có Bụt. Trong khi lạy ta tiếp xúc được tính vô ngã, tiếp xúc được tính bất nhị giữa Bụt và chúng sanh. Cái lạy đó không phải là tín mộ. Tuy bên ngoài có vẻ giống như ta đang cầu xin sự che chở, cầu xin một chút hạnh phúc, một chút tâm linh nhưng thật ra trong khi lạy, ta đang chế tác ra hạnh phúc, chế tác tự do và chế tác tâm linh.
Xưng tán: “Nhị giả, xưng tán Như Lai”
Xưng tán là ca ngợi, ta ca ngợi Bụt là bậc thầy của loài trời, loài người. Bụt đã qua tới một cách nhiệm mầu, đã diệt trừ được những phiền não, đã điều phục được con người dù là những người ngang ngược nhất. Nếu biết quán chiếu, ta thấy mình đang đi trên con đường của Bụt và mình cũng đang thực hiện những điều Bụt đã làm. Xưng tán Bụt đem lại cho ta tuệ giác, tự do và làm cho phiền não, tham vọng, hận thù trong ta tan biến, vì chúng ta đang hướng về một cái gì rất đẹp. Phương hướng rất quan trọng, khi biết được phương hướng để quay về thì ta buông bỏ được rất nhiều hệ lụy. Vì vậy con người phải có một hướng đi. Kinh có nói: “Làm thân con lạc đà chở nặng cũng chưa thật sự là khổ, vô minh không biết được hướng đi mới thật là khổ”. Khi lễ kính và xưng tán Bụt là ta biết đi về hướng của Bụt, của Bồ tát, là ta quay lưng lại với những cái bất thiện. Xưng tán Như Lai đem lại hạnh phúc cho ta ngay trong khi xưng tán.
Cúng dường: “Tam giả, quảng tu cúng dường”
Chúng ta thường nghĩ cúng dường là cung cấp cho người xuất gia bốn thứ cần thiết như: thức ăn, áo quần, thuốc men và chỗ ở gọi là tứ sự cúng dường. Cúng dường thì có công đức, công đức này giống như ta bỏ vào một trương mục tiết kiệm để ta xài dài dài sau này. Sự thật, nếu cúng dường bằng tâm thành kính thì ngay trong lúc cúng dường ta thực tập được sự buông bỏ, ta có niềm vui, có hạnh phúc, có tự do liền. Khi ta giúp cho người bớt khổ và cho họ có thêm niềm vui thì hạnh phúc sẽ có ngay lúc đó chứ không phải chỉ có trong tương lai.
Có rất nhiều cách cúng dường: tài thí, ta cúng dường thực phẩm, áo quần, thuốc men; pháp thí, ta cũng có thể cúng dường Phật pháp. Ta đem pháp Bụt để giúp cho người khác bớt khổ. Ta cho họ một giờ tham vấn và với kinh nghiệm, với tuệ giác của ta thì trong một giờ đó ta có thể kéo họ ra khỏi địa ngục. Cúng dường cách đó thật ra còn quan trọng hơn là cúng dường cơm áo. Ta ngồi lắng nghe một người đang bị trầm luân, khổ não, không có lối ra và ta quán chiếu, nhìn rõ, hiểu thấu nỗi khổ niềm đau của người đó rồi tìm cách giúp họ thoát ra khỏi thế giới của địa ngục, thế giới của khổ đau hệ lụy. Đó cũng là một hình thức cúng dường. Không cần phải có tiền mới cúng dường, chỉ cần có tình thương và tuệ giác là ta có thể cúng dường rất nhiều; vô úy thí, ta hiến tặng cho người khác sự bình an và giúp họ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. Cúng dường Pháp là như vậy.
Cúng dường hương không phải là cúng dường mùi thơm. Thay vì đốt một cây nhang, ta đốt cả nắm, tưởng rằng làm như vậy là có nhiều công đức. Chư tổ đã dạy ta phải biết cách cúng dường hương. Chúng ta có những bài kệ dâng hương rất hay:
Giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. (Con có giới, có định, có tuệ, có giải thoát và con đem cúng dường lên Bụt).
Cúng dường như vậy thì công đức vô lượng, cúng dường không cần nhiều tiền mà chỉ cần tâm của mình.
Sám hối: “Tứ giả, sám hối nghiệp chướng”
Sám hối không phải là xưng tội. Với sự chứng minh của tăng thân, của sư anh, sư chị, của chư Bụt và chư Bồ tát, ta nhìn lại con người của mình để thấy ta đã đi tới đâu, ta đã thành công chỗ nào và chưa thành công chỗ nào để ta có thể đi tới.
Sám pháp địa xúc là một pháp môn rất hay, là một quá trình quán chiếu để chuyển hóa mà không phải là một hành động thú tội và cầu xin. Ở xóm Thượng sáng nào quý thầy cũng thực tập Sám pháp địa xúc. Ví dụ ta nói: Bạch đức Thế Tôn, lâu nay con đi như bị ma đuổi, con không có an lạc trong từng bước chân. Con sinh ra đời để đi như vậy thì rất uổng. Trong khi đức Thế Tôn đi từng bước thảnh thơi, an lạc, hạnh phúc, nuôi dưỡng trị liệu mà con lại đi như vậy thì con không xứng đáng làm học trò của Ngài. Con lạy xuống ba lạy và hứa với đức Thế Tôn là từ nay trở đi, mỗi bước chân của con sẽ có vững chãi, an lạc, thảnh thơi, nuôi dưỡng và trị liệu. Đó là một pháp sám đưa tới tuệ giác và lành mạnh hóa đời sống của ta.
Tùy hỉ: “Ngũ giả, tùy hỉ công đức”
Chúng ta phải có tâm niệm vui khi thấy người khác thành công. Người kia có hạnh phúc thì ta mừng cho người đó. Ta không ganh tị, tranh đua với người đó. Thấy bất cứ điều gì có tác dụng đưa nhân loại đi tới, giúp cho con người bớt khổ thì ta đều yểm trợ. Đó gọi là tùy hỉ công đức. Ta thấy những thực hiện của người đó cũng là những thực hiện của mình và những gì ta thực hiện cũng là để cho người đó có hạnh phúc.
Phóng sinh
Chúng ta có sự thực tập như phóng sinh, tức thả chim, thả cá. Sự thực tập này không hẳn chỉ là sự tín mộ mà có thể là tâm linh. Hành động này có thể đem lại hạnh phúc và niềm vui vì ta bảo hộ được cho các loài chúng sinh. Ăn chay là một trong những hành động phóng sinh đẹp nhất. Trong khi ăn chay, ta có hạnh phúc, có niềm vui, vì ta không cần ăn thịt của chúng sinh, ta góp phần bảo hộ môi sinh để cho trái đất này có một tương lai.
Ngoài ra, còn có rất nhiều những phương tiện khác như tu tạo công đức bằng cách giúp người nghèo, người cô đơn, xây tháp, đúc chuông, in kinh, cúng thí thực. Ta cũng cần nói thêm về việc đeo tượng Bụt.
Đeo tượng Bụt hay thờ Bụt là để nhắc nhở ta nhớ về hình ảnh của Bụt, để nhắc rằng ta đã có con đường. Đeo tượng Bụt như vậy thì có tính cách tâm linh. Nếu nghĩ tượng Bụt này rất linh thiêng, đem theo trong xe ta sẽ không bao giờ gặp tai nạn thì đó là sự tín mộ.
Trong kinh, Bụt dạy về tâm linh nhiều hơn sự tín mộ. Ngài rất coi trọng người cư sĩ, Ngài biết người cư sĩ có khả năng thực tập thành công rất lớn. Chúng ta có thể nghĩ rằng sự thực tập trước tiên là để có chất liệu tâm linh, có khả năng chế tác giới, định và tuệ. Nhưng nếu không khéo thì tất cả sự thực tập tâm linh trở thành sự tín mộ, trong đó có thể có cả sự ma thuật. Muốn đem Phật pháp truyền bá rộng rãi trong nhân gian, ta phải nắm được vấn đề để đừng làm thoái hóa đạo Bụt, để đừng làm mất đi bản chất của đạo Bụt. Ví dụ trong kinh Bụt dạy người cư sĩ phải thực tập như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại và hạnh phúc trong hiện tại sẽ bảo đảm cho tương lai. Nếu khuyên người ta nên phát tâm nhàm chán cõi đời này để cầu sang một cõi khác là không đúng theo nguyên ý của Bụt. Bỏ hiện tại để tìm cầu tương lai là không đúng với hoài bảo của Bụt. Trong kinh Bụt có nói tới cõi trời như một nơi ta có thể sinh ra trở lại để tu học mà không phải là đích đến cuối cùng. Mục đích cuối cùng của chúng ta là giải thoát hoàn toàn.
Người ta nói cúng dường cho các thầy thì sau này được sinh lên cõi trời là không đúng. Ta có thể được sinh lên cõi trời nhưng đó không phải là mục đích chính. Mục đích đầu tiên là phải có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại và được sinh lên cõi trời hay lên cõi Tịnh độ chỉ là những sản phẩm phụ mà thôi. Lấy sản phẩm phụ làm mục tiêu là không đúng. Mục tiêu là sống hạnh phúc ngay lập tức. Ta phải giúp Bụt, ta phải phục hồi lại giáo lý Nguyên thỉ của Ngài. Ta phải cống hiến phương pháp tu như thế nào để người ta có hạnh phúc, có giải thoát, có tự do ngay trong giây phút hiện tại và hạnh phúc đó bảo đảm cho tương lai. Không phải là Bụt không nghĩ tới tương lai, nhưng Ngài nói tương lai tùy thuộc hiện tại, nếu hiện tại ta có hạnh phúc thì chắc chắn là ta sẽ có hạnh phúc trong tương lai.
Kinh Giáo Hóa Người Bệnh
Kinh Giáo Hóa Người Bệnh hay kinh Độ Người Hấp Hối là kinh 26 Trung A Hàm hay kinh M. 143 Trung Bộ của tạng Pāli.
Kinh kể lại giờ phút sắp qua đời của ông Cấp Cô Độc. Trong kinh chúng ta thấy một điều rất hay: Khi ông Cấp Cô Độc sắp từ trần thì thầy Xá Lợi Phất và thầy A Nan ngồi bên cạnh. Thầy Xá Lợi Phất đã dạy cho ông Cấp Cô Độc một sự thật không nằm trên bình diện của sự thật tương đối mà thuộc về bình diện của thắng nghĩa đế. Đó là sự thật không sinh không diệt, không tới không đi, không có không không, không còn không mất. Chỉ với tuệ giác đó thì người chết mới có thể ra đi nhẹ nhàng, thoải mái. Thầy Xá Lợi Phất đã khôn khéo cung cấp cho ông Cấp Cô Độc một bài thiền tập hướng dẫn. Trong vòng 30 phút ông Cấp Cô Độc đã tiếp thu được và thực tập thành công. Thầy Xá Lợi Phất đã hướng dẫn rất thành công và ông Cấp Cô Độc mở được lòng ra, thấy được tự tánh không sinh không diệt, không có không không và ông được giải thoát ngay trong giây phút đó. Nước mắt của ông chảy ròng ròng. Thấy ông khóc thầy A Nan tưởng rằng ông còn tiếc nuối điều gì nên hỏi:
– Cư sĩ, tại sao ông khóc, ông còn tiếc nuối gì không?
– Tôi không tiếc nuối gì cả.
– Ông thực tập không thành công sao?
– Thưa thầy, tôi thực tập rất thành công?
– Vậy tại sao ông khóc?
– Thưa thầy, tôi khóc tại vì tôi cảm động quá. Tôi phụng sự đức Như Lai và tăng đoàn trên ba mươi năm nay mà chưa bao giờ tôi được nghe giáo lý nào thâm diệu, mầu nhiệm như vậy. Giáo lý không sinh không diệt, không có không không, không còn không mất làm cho tôi hoàn toàn không còn sợ hãi nữa.
Thầy A Nan ngây thơ nói:
– Cư sĩ, ông không biết chứ giáo lý này chúng tôi nghe hầu như mỗi ngày.
Trong ba tháng của mùa An Cư, buổi giảng nào tôi cũng luôn bắt đầu bằng những pháp môn thực tập trên bình diện của thế tục đế, rồi còn thì giờ tôi mới từ từ đi xuống bình diện của thắng nghĩa đế. Ngày xưa các thầy cũng dạy cho cư sĩ những phép thực tập để đáp lại mối quan tâm thường nhật của họ. Nhưng đến khi họ chết thì những phép thực tập đó không đủ để giúp cho họ.
Sau khi nghe thầy A Nan nói như vậy, ông Cấp Cô Độc nói:
– Bạch thầy A Nan, xin thầy về thưa lại với đức Thế Tôn rằng những cư sĩ áo trắng như chúng con phần lớn đều rất bận rộn, họ có những mối quan tâm rất thường nhật. Nhưng cũng có một số chúng con có thể có khả năng tiếp nhận và thực tập được giáo lý vi diệu này. Sau khi thành công trong sự nghiệp, chúng con cũng muốn được học giáo lý mà các thầy đã học. Người cư sĩ chúng con cũng có mối quan tâm tối hậu, tại vì chúng con rất cần nó trong lúc đi vào tình trạng sắp lìa đời. Chúng con cũng muốn biết mình sẽ đi về đâu?
Sau khi đã thực tập dưới sự hướng dẫn của thầy Xá Lợi Phất thì ông Cấp Cô Độc thoát ra khỏi sự sợ hãi. Người sắp chết thường rất sợ hãi, họ không biết mình sẽ đi về đâu. Một khi đã biết rõ được tính chất của vạn pháp là không tới, không đi, không có, không không, không sinh, không diệt, cư sĩ Cấp Cô Độc đã qua đời một cách rất nhẹ nhàng. Cư sĩ đã nhắn lại một lời thỉnh cầu: Phần lớn người cư sĩ chỉ lo chuyện làm ăn buôn bán, chuyện gia đình, sự nghiệp mà không có thì giờ để học hỏi giáo pháp nhiều. Tuy vậy trong số những người cư sĩ cũng có những người có khả năng và có thì giờ để học hỏi, để tiếp thu và hành trì giáo pháp mầu nhiệm mà thầy Xá Lợi Phất đã trao truyền như hôm nay. Xin thầy A Nan về bạch với đức Thế Tôn cũng nên ban phát giáo lý bất sinh bất diệt, vô khứ vô lai cho giới cư sĩ.
Vì vậy trong những khóa tu Làng Mai tổ chức tại Âu châu hay Mỹ châu đều có một bài giảng cuối cùng về không sinh không diệt. Đó là thể theo lời thỉnh cầu của cư sĩ Cấp Cô Độc, một khóa tu bảy ngày mà không có giáo lý về sinh tử để đáp ứng lại mối quan tâm tối hậu của người cư sĩ thì vẫn còn chưa đầy đủ.
Ngay từ hồi Bụt còn tại thế, giáo lý và sự thực tập đã cung cấp cho giới tại gia có đủ chất liệu tâm linh (spirituality) và tín mộ (devotion), nhưng chủ yếu là chất liệu tâm linh. Bởi vì dù sao đạo Bụt cũng là một đạo chủ trương cứu hộ bằng tuệ giác hơn là bằng ân huệ, chú trọng về tự lực hơn là tha lực. Các kinh dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc chẳng hạn, biểu trưng cho tinh thần và phương pháp này. Người đệ tử áo trắng (nghĩa là cư sĩ) nếu thực tập theo Năm giới và Bốn phép tùy niệm (bốn tâm cao đẹp – tứ tăng thượng tâm) là có thể có hạnh phúc ngay trong đời hiện tại, trong giây phút hiện tại, chứ không cần đợi đến kiếp sau hoặc sinh lên các cõi trời mới có hạnh phúc. Theo Kinh Người Áo Trắng (Ưu Bà Tắc Kinh, Trung A hàm 128) thì thực tập theo Năm giới và Bốn phép tùy niệm (niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới) thì thân tâm được tịnh hóa, được bảo hộ bởi những năng lượng lành do sự thực tập chế tác từ bi mà không còn sợ bị sa đọa vào những nẻo khổ đau như địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Người hành giả có chất thánh nhờ có sự thực tập ấy nên được gọi là thánh đệ tử. Người ấy có thể chứng được quả Vào dòng (Nhập lưu) chỉ cần bảy lần sinh ra trong cõi trời hay cõi người là có thể đạt tới giải thoát hoàn toàn như một vị xuất gia đạt tới quả A la hán và sống trong Niết bàn hiện tại.
Trì giới là để tự bảo hộ mình. Niệm Bụt, Niệm Pháp, Niệm Tăng không phải là để cầu xin sự che chở của những thế lực bên ngoài mà là để cho tâm được thanh tịnh, đạt tới niềm vui, diệt trừ được các tâm niệm tham đắm, nhiễm ô, sầu khổ, nghi ngờ và lo lắng (nhược hữu ác dục tức hữu đắc diệt, tâm trung hữu bất thiện, uế ô, sầu khổ, ưu hoặc phục đắc diệt). Hành trì như thế có nghĩa là nương vào tự lực hơn là tha lực, có chất liệu tâm linh hơn là chất liệu tín mộ, khoa học hơn là tôn giáo. Nhưng giữa tâm linh và tín mộ không có một ranh giới rạch ròi. Tâm linh có thể làm sinh khởi thêm tín mộ, và tín mộ có thể giúp cho tâm linh lớn mạnh hơn. Điều quan trọng là đừng để cho tín mộ chiếm hết chỗ của tâm linh, nghĩa là làm mất đi sự thực tập tự lực. Nhưng bản chất của con người là có nhu yếu tín mộ, cho nên nếu không khéo léo dạy dỗ và duy trì thì một ngày nào đó sự tín mộ sẽ lấn hết chỗ của tâm linh, và người hành giả chỉ còn tin vào Bụt Pháp Tăng như những lực lượng che chở, bảo hộ, đến từ bên ngoài.
Niệm Bụt trước tiên là tin tưởng ở khả năng giác ngộ và tự độ trong chính bản thân mình. Bụt trước hết là một con người, nhưng nhờ có hành trì cho nên thành Bụt. Vì vậy, là con người mình cũng có thể làm như Bụt. Nhưng nếu thực tập không khéo, mình sẽ rơi vào tình trạng tin rằng mình hoàn toàn bất lực, mình chỉ có thể nương vào sức mạnh cứu hộ đến từ bên ngoài. Chủ ý của Kinh không phải như thế. Nhưng nếu ta thực tập thông minh thì những phép hành trì bên ngoài có tính cách tín mộ cũng có thể đem tới chất liệu tâm linh và tuệ giác, có khả năng tịnh hóa, làm lắng dịu và đem lại nguồn vui sống ngay trong lúc thực tập. Đó là những pháp lễ lạy, xưng tán, cúng dường, sám hối, phóng sinh, tu tạo công đức (bố thí, in kinh), ăn chay, tụng kinh, niệm Bụt, v.v…
Kinh Độ Người Hấp Hối chứng tỏ rằng người cư sĩ cũng có thể có những quan tâm tối hậu (ultimate concern) liên quan tới vấn đề sống chết, và cung cấp những giáo lý đáp ứng được với những quan tâm tối hậu ấy. Trong kinh ta thấy thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn cho cư sĩ Cấp Cô Độc thực tập quán chiếu về thực tại không sinh, không diệt, không tới, không đi để giúp ông qua đời một cách thanh thản. Vì vậy cho nên nói rằng đối với người cư sĩ tại gia, sự thực tập của họ chỉ là tín mộ và cúng dường để có công đức là không đúng. Đạo Bụt đi từ cạn tới sâu, từ thấp lên cao, và sử dụng cả hai loại sự thực thế tục đế và thắng nghĩa đế, không thấy gì quan ngại. Tinh thần không cố chấp không giáo điều được trông thấy rất rõ. Muốn đem Phật pháp truyền bá rộng rãi trong nhân gian, ta phải nắm được vấn đề để đừng làm thoái hóa đạo Bụt, để đừng làm mất đi bản chất của đạo Bụt.