Chương 12: Thủ và thủ uẩn
Sự nắm bắt là nguồn gốc của khổ đau và luân hồi
Chữ upādi có nghĩa là nắm bắt, tiếng Hán là thủ 取 hay chấp 執 (thọ) tức nắm lấy, cầm lấy. Upādi cũng có nghĩa là vướng vào, kẹt vào. Nắm bắt ở đây là nắm bắt những đối tượng:
- Trước tiên là năm uẩn (five skandhas). Khi kẹt vào năm uẩn 五 蘊 thì ta cho năm uẩn này là ta, là một cái ngã. Ta đồng nhất ta với năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), khi đó năm uẩn mất tự do và trở thành đối tượng của sự nắm bắt gọi là năm thủ uẩn (upādānaskandhas).
- Đối tượng của sự thèm khát hay ái (tanhā-tṛṣṇā).
- Những ý niệm như có và không, sinh và diệt, một và khác, tới và đi.
Sự nắm bắt là nguồn gốc của khổ đau, của sinh tử luân hồi, của sự trôi lăn. Vì vậy upādi cũng đồng nghĩa với phiền não và sở tri.
Ý niệm về có-không là nền tảng của biết bao sợ hãi và vướng mắc. Kẹt vào ý niệm có cũng khổ mà kẹt vào ý niệm không cũng khổ. Kẹt vào ý niệm sinh cũng khổ mà kẹt vào ý niệm diệt cũng khổ. Kẹt vào ý niệm một cũng khổ mà kẹt vào ý niệm khác cũng khổ. Nếu so sánh ta bây giờ với ta lúc năm tuổi, ta có còn là em bé năm tuổi đó không? Ta với em bé đó là một hay là hai người khác nhau? Ta với nó không phải là một vì bây giờ ta rất khác với em bé năm tuổi đó. Nhưng ta với nó cũng không khác, vì nếu không có em bé năm tuổi ngày xưa thì làm gì có ta bây giờ. Hai ý niệm một (sameness) và khác (otherness) đều không thể diễn bày được sự thật. Kẹt vào ý niệm có-không, sinh-diệt, một-khác, tới-đi làm cho ta tiếp tục khổ đau, trôi lăn và luân hồi. Người tu học tới mức sâu sắc có thể chuyển hóa tất cả những chấp thủ (upādi).
Niết bàn vô dư y và Niết bàn hữu dư y
Trong Tăng Chi Bộ kinh (A.III.53) có câu: Vị tỳ khưu hay vị tỳ khưu ni nào, nếu tu tập làm cho sung mãn năm pháp thì một trong hai quả vị sau này được chờ đợi cho các vị ấy là: trong đời hiện tại được quả chánh trí hay có dư tàn thì chứng quả Bất hoàn.
Đoạn này có nghĩa: Nếu trong đời sống này ta tu tập đúng pháp thì ta có thể đạt được hai quả:
- Quả Chánh trí tức quả A la hán, đã lấy đi hết tất cả những chấp thủ (upādi) và có Niết bàn, tức là sự an ổn tuyệt đối.
- Quả Bất hoàn, còn tàn dư lại một chút upādi, không còn trở lại trạng thái luân hồi nữa.
Chữ upādi còn được dịch là y 依 tức nền tảng của sự trôi lăn và luân hồi khổ đau. Nếu tu tập giỏi thì trí tuệ giúp cho ta vượt thắng những ý niệm, những thèm khát và không còn nắm năm uẩn như một cái ngã. Ta được giải thoát hoàn toàn. Đó là Niết bàn vô dư y 無 餘 依 , nirupādi-śeṣa-nirvāna. Vô là nir, dư (còn sót lại) là śeṣa, và y là upādi. Chứng quả A la hán là có Niết bàn vô dư y hay Niết bàn tuyệt đối.
Nếu còn một chút upādi tức một ít vương vấn, nắm bắt thì ta chứng Niết bàn hữu dư y 有 餘 依 , sa- upādi śeṣa-nirvāṇa. Hữu dư y là còn sót lại, tuy vậy ta cũng đã có an ổn. Ví dụ về Niết bàn Hữu dư y được đưa ra là hình ảnh của một thành phố bị bọn cướp tới cướp bóc, tàn phá. Dân chúng trong thành phố đã có khả năng đánh đuổi được bọn cướp và trong thành phố đã tương đối có sự an ổn. Nhưng hình như có vài ba tên cướp vẫn còn trốn đâu đó. Tuy bây giờ ta có thể ngủ được nhưng người ta cũng còn phập phồng lo sợ một ngày nào bọn cướp sẽ quay trở lại. Đó là Niết bàn hữu dư y, là một sự bình an tương đối. Phần lớn chúng ta đang ở trong Niết bàn hữu dư y, vì trong ta còn tàn dư của những tham đắm, những thành kiến, những phiền não. Tuy chúng không còn lộng hành và làm cho ta đau khổ nhưng vẫn còn ngủ yên ở phía dưới. Khi nào chúng biểu hiện lên thì lúc đó sẽ làm cho ta đau khổ trở lại.
Sở dĩ chúng ta phải trích câu kinh trên là vì có một sự hiểu lầm rất lớn, sự hiểu lầm đó lại được ghi trong nhiều kinh. Vì vậy nên các kinh đó không liễu nghĩa. Năm thủ uẩn là upādānaskandhas. Skandha là uẩn, upādāna là bị nắm bắt. Năm uẩn còn bị nắm bắt thì ta chưa sạch upādi. Vấn đề là làm thế nào để không nắm bắt năm uẩn nữa. Nếu ta không nắm bắt sắc, thọ, tưởng, hành và thức thì ta có tự do. Vấn đề không phải ở nơi năm uẩn mà vấn đề là ta có nắm bắt chúng hay không. Trong kinh Bảo Tích có một ví dụ rất hay: Có ông nọ lượm một cục đá để ném vào con chó. Con chó đau quá, giận lên và chạy theo sủa cục đá. Con chó không có trí tuệ vì nó không biết nguyên nhân làm nó đau không phải là cục đá mà chính là người ném cục đá. Những người thiếu trí tuệ nghĩ rằng năm uẩn là nguồn gốc của khổ đau của mình. Nhưng thật ra năm uẩn không làm ta khổ, bởi ta vướng vào năm uẩn nên ta mới khổ. Nguyên nhân của khổ đau là sự vướng vào năm uẩn mà không phải là năm uẩn.
Nhưng trong kinh lại viết: “Khi nào chết, bỏ năm uẩn rồi thì mới có Niết bàn vô dư y”. Đây là một con sâu rọm rất lớn trong kinh, thầy trò mình phải vớt con sâu này ra vì gần cả hai ngàn năm nay nó làm rầu nồi canh của nền văn học Phật giáo.
Những câu kinh ta trích ra sau đây là những câu kinh rất xưa, chứng minh rằng Niết bàn vô dư y có thể đạt được khi ta vẫn còn năm uẩn. Đây là những bằng chứng hùng hồn chứng tỏ quan niệm cho rằng “ta chỉ chứng được Niết bàn vô dư y khi đã buông bỏ năm uẩn” là không đúng theo lời Bụt dạy.
1. Tăng Chi Bộ kinh, A.III-53:
Nếu còn dư y thì chứng được quả Bất hoàn, nếu hết dư y thì chứng quả A la hán (chánh trí).
2. Trường Bộ kinh, D.II-315 tức kinh Niệm Xứ:
Kinh Niệm Xứ là một kinh rất căn bản, kinh gối đầu giường của các thầy, các sư cô.
Này các Tỳ kheo, vị nào tu tập theo Bốn Niệm Xứ này (tức quán thân trong thân, thọ trong thọ, tâm trong tâm và pháp trong pháp) trong bảy năm thì vị ấy có thể chứng được một trong hai quả sau đây: Một là chứng quả chánh trí ngay trong hiện tại hay nếu có dư y thì chứng quả Bất hoàn.
Tu tập theo Bốn Niệm Xứ thì ta có thể đạt được Niết bàn tuyệt đối ngay trong đời sống này, trong khi ta đang còn mang thân ngũ uẩn mà không cần phải chết đi mới đạt được Niết bàn. Ý niệm “phải chết đi mới đạt được Niết bàn” là một ý niệm rất sai lầm.
3. Trung Bộ, M.10 cũng nói như vậy.
4. Trung A Hàm kinh 98 tức kinh Niệm Xứ:
Nhược hữu tỷ khưu, tỷ khưu ni thất niên lập tâm chánh trú tứ niệm xứ giả, bỉ tất đắc nhị ( 二果 ) hoặc hiện pháp đắc cứu cánh trí hoặc hữu dư đắc A na hàm.
Nếu có vị khất sĩ nam hay vị khất sĩ nữ nào, trong bảy năm đem tâm an trú trong tứ niệm xứ thì người đó sẽ chứng được hai quả: hoặc là trong đời hiện tại đạt được cứu cánh trí, hoặc nếu còn dư tàn thì đắc quả A na hàm.
Trong kinh tiếng Pāli cũng như trong kinh chữ Hán đều có những câu nói rất chắc chắn rằng ngay trong khi ta còn sống đây, khi ta vẫn còn năm uẩn, mà ta vẫn có thể chứng được Niết bàn tuyệt đối vô dư y. Nếu còn một chút dư y thì ta sẽ chứng được quả A na hàm, tức quả không luân hồi trở lại nữa. Hiện pháp 現 法 là ngay trong đời sống hiện tại, cứu cánh trí là trí tuệ lớn giải thoát cho ta.
5. Kinh Pháp Cú tạng Pāli Dhammapada 418:
Ai đã buông bỏ ưa ghét, đã lắng dịu, đã không còn dư y (upādi) nữa, đã chiến thắng được thế gian, đã có nhiệt tâm, tôi gọi người ấy là một vị phạm chí.
Sự diệt tận upādi có thể xảy ra khi ta còn năm uẩn.
6. Pháp Cú Hán tạng, Phạm Chí phẩm, kệ 35:
Đã vượt được năm nẻo đường xấu, không còn bị đọa lạc, tập khí không còn, dư y đã diệt, tôi gọi người ấy là một phạm chí.
Phạm chí là brahmana, là con người thành đạo lý tưởng. Người đó không cần phải chết, người đó vẫn sống mà vẫn đạt được sự giải thoát hoàn toàn.
7. Như thị Ngữ, Itivutthaka:
Này các tỳ kheo, thế nào là Niết bàn không còn dư y? Một vị tỳ kheo đã trở nên A la hán, mọi phiền não đã được diệt trừ, đời sống phạm hạnh đã thành công, cái gì cần làm đã làm, đã đặt được gánh nặng xuống, đã đạt tới đích, đã diệt trừ được mọi ràng buộc của sinh tử, hoàn toàn giải thoát nhờ chánh trí. Đối với vị ấy, ngay trong đời sống hiện tại tất cả các kinh nghiệm đều đã được lắng dịu, không còn tham trước. Cái ấy, này các tỳ kheo, gọi là Niết bàn không còn dư y.
Chứng được quả A la hán là đạt được Niết bàn vô dư y, nghĩa là vẫn còn giữ năm uẩn nhưng không còn vướng vào năm uẩn nữa. Như vậy Niết bàn vô dư y là cái ta có thể thực hiện được ngay trong đời sống hiện tại trong khi ta vẫn còn giữ năm uẩn này.
Đó là những câu kinh rất xưa vẫn còn giữ được nguyên ý của Bụt. Còn câu kinh nói rằng “ta phải buông bỏ năm uẩn mới đạt được Niết bàn tuyệt đối” là một sự sai lầm. Ta định nghĩa upādi là kleśa (phiền não) là đúng, ta định nghĩa upādi là upādānaskandha cũng còn đúng, nhưng nếu ta định nghĩa upādi là skandha (uẩn) thì sai. Với cái thấy này ta có thể vớt con sâu rọm to kia ra khỏi kinh điển để Bụt khỏi bị oan.
Chúng ta đã có cơ hội thẩm sát về vấn đề Niết bàn có dư y và Niết bàn không dư y. Y (upādi) có nghĩa là chấp thủ, là nắm bắt, là những phiền não cần chuyển hóa để ta có tự do và giải thoát. Sinh y (upadhi) là chất liệu sinh tử luân hồi, trong khi y (upādi) là những gì ngăn cản không cho ta có tự do. Đó là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não làm chướng ngại cho sự giải thoát như đam mê, hận thù, sợ hãi, tuyệt vọng… Sở tri là những cái thấy sai lạc, những tà kiến làm chướng ngại giải thoát, như những ý niệm về sinh diệt, có không, tác giả thọ giả, hữu vi vô vi, những phạm trù tư tưởng có công năng tạo ra sự phân biệt, kỳ thị, tranh chấp, đưa tới phiền não. Trong những kinh điển xưa nhất, Bụt dạy rằng nếu tu tập cho tinh chuyên thì hành giả có thể đạt tới hai quả vị ngay trong đời sống hiện tại: đó là quả vị thánh trí, cho ta tự do lớn, không còn dư tàn phiền não và sở tri, gọi là Niết bàn vô dư y (nirupādisesanirvāna). Còn nếu chưa chuyển hóa được hết các phiền não và sở tri ấy, thì tuy đã có được tự do và giải thoát, nhưng cái tự do và giải thoát ấy không hoàn toàn, cũng chứng đạt được một quả vị nhưng đó là quả vị thứ hai, gọi là bất hoàn (không trở lại trạng thái hệ lụy nữa). Cái tự do chưa hoàn toàn ấy được gọi là Niết bàn hữu dư y (sa-upādisesanirvāna), nghĩa là vẫn còn có một ít những hạt giống phiền não và sở tri đang còn nằm ngủ trong chiều sâu tâm thức; những hạt giống này có thể phát hiện một ngày nào đó làm cho mình không có tự do giải thoát hoàn toàn.
Trong kinh Niệm Xứ có đoạn: “Này các Tỳ khưu, vị nào tu tập bốn niệm xứ này như vậy trong bảy năm ( hoặc sáu, năm, ba năm, v.v…), vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn dư y thì chứng quả Bất hoàn.” Lời dạy này có mặt trong rất nhiều kinh, như A Hàm III, 143, Pháp Cú tạng Pāli, câu thứ 418, Pháp Cú tạng Hán, kệ thứ 37, phẩm Phạm Chí, Vô vấn tự thuyết (Ithivuttaka 44), v.v… Nhưng trong một số các kinh khác, người ta đã diễn dịch và cho vào ý niệm là chỉ khi nào buông bỏ sắc thân và bốn uẩn khác thì mới có Niết bàn vô dư y, và dư y ở đây (upādi) đồng nghĩa với uẩn (skandha). Đây cũng là một con sâu rất lớn, có thể gây ra sự hiểu lầm là Niết bàn vô dư y chỉ có thể đạt được sau khi chết. Điều này trái chống với lời Bụt dạy trong các kinh vừa mới được đề cập ở trên đây.
Chính thầy Thế Thân (Vasubandhu) vào thế kỷ thứ tư Tây lịch cũng đã nói upādi là upādāna, y là thủ, chứ không phải là uẩn. Ta có thể nói upādi là thủ uẩn (upādānaskandha), chứ nói upādi là uẩn thì chắc chắn là sai lạc. Chính những câu kinh sai lạc ấy đã đưa tới kết luận Niết bàn là cái chết vĩnh viễn ngàn đời.