Phẩm 19: Pháp sư công đức

Bây giờ chúng ta sang Phẩm thứ 19, trang 431, phẩm Pháp Sư Công Đức.  Pháp sư là người có nhiệm vụ đem chia sẻ cái chân lý Pháp Hoa.  Một người đã tin, đã hiểu, đã thấy, đã có năng lượng và hạnh phúc, người đó có phận sự lên đường để đem chia sẻ cái hạnh phúc đó, cái thấy đó cho mọi người.  Người ấy được gọi là Pháp sư.

Công đức ở đây còn có nghĩa là sự thành tựu, những cái mà chúng ta có thể thành tựu được.  Những công đức đầu tiên là sáu căn (ổaẮ€yatana) của mình tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý của mình biến đổi.  Khi tiếp nhận được sự thật của kinh Pháp Hoa thì có một sự chuyển hóa lớn ở trong phạm vi của sáu căn.  Mắt mình tự nhiên thấy được những cái mà trước kia mình không thấy được, mắt này không phải là thiên nhãn, vì thiên nhãn chỉ thấy xa, còn mắt này đã là Pháp nhãn, nên thấy rất sâu.  Thiên nhãn cũng giống như một viễn vọng kính, có thể nhìn thấy mặt trăng, các ngôi sao xa, nhưng không nhìn thấu được vào trong tự tánh của sự vật.  Pháp nhãn thì nhìn và thấy được bản chất, và tự tánh của vạn vật.  Khi có pháp nhãn thì nhìn vào một chiếc lá mùa Thu, còn tươi hay đã úa, mình vẫn thấy được bản chất vi diệu của chiếc lá đó.  ỘNhặt lá vàng rơi, thấy màu lá còn tươiỢ là cái tính vô sinh bất diệt trong bài Thu Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến.  Đối với người có Pháp nhãn thì lá úa hay là lá tươi, đều chứa đựng được tất cả những công đức, những hiện tượng mầu nhiệm của vũ trụ.  Con mắt của người đã thọ trì kinh Pháp Hoa nhìn vào đâu thì thấy được thọ lượng của Bụt tới đó, và thấy được tính cách bất sinh bất diệt của vạn vật tới đó.  Vì vậy cho nên công đức đầu tiên là công đức chuyển hóa con mắt.  Rồi đến công đức chuyển hóa lỗ tai, những âm thanh mình nghe, bây giờ mình nghe rất sâu sắc.  Nghe tiếng chim hót, tiếng thông reo, nghe luôn được cả tiếng hoa nở nữa!  Hoa nở thì chắc là âm thanh nhẹ lắm, nhưng mình vẫn nghe được.  Và trong khi nghe những âm thanh đó, mình thấy sự vi diệu của chúng, mình thấy rằng tiếng chim hót kia đang diễn bày chân lý vô sinh của Pháp Hoa.  Nghe tiếng thông reo thì mình cũng thấy được và hiểu được cái đạo lý vô sinh của Pháp Hoa.  Tiếp đến, mũi, lưỡi, và thân của mình cũng vậy.  Những căn này, khi tiếp xúc với những đối tượng của chúng thì cũng tiếp nhận được cái chân lý của Pháp Hoa.  Cuối cùng, ý căn, tiếng Phạn là Manuidry€, nó cũng thay đổi và cũng tiếp nhận được sự thực về vô sanh.

Trang 450, khi ý căn đã chuyển hóa rồi, đã thanh tịnh rồi thì nghe một bài kệ, hay chỉ là nghe một câu kệ hay, một câu kinh thôi, thì cũng đủ để thấy được cái nghĩa lý vô lượng vô biên của kinh rồi.  Một bài kệ chứa đựng tất cả các bài kệ khác, tất cả những nghĩa lý thâm diệu khác, cũng giống như sự thật về vô thường, chứa đựng sự thật về vô ngã.  Nếu học về vô thường cho sâu sắc thì mình hiểu được vô ngã, hiểu được Tứ diệu đế, hiểu được Bát chánh đạo, hiểu được ba Pháp ấn.  Cho nên khi ý căn của mình đã chuyển hóa rồi thì chỉ cần nghe một bài kệ hay một câu kinh thôi, ta cũng có thể hiểu được tất cả toàn bộ kinh văn, chứ không cần phải học hết tất cả Tam tạng Kinh điển mới có thể hiểu được Phật Pháp.  Khi ý căn đã chuyển hóa rồi thì bất cứ suy nghĩ gì, tính toán gì, nói năng gì cũng đều là Phật Pháp cả.  Nói chuyện kiếm hiệp cũng là nói Phật Pháp, nói chuyện đánh bài, đi chơi, cũng đều là Phật Pháp.  Nếu ý căn của quý vị đã chuyển hóa, thì khi đọc sách chưởng, quý vị cũng sẽ thấy được chân lý của Phật Pháp.  Dầu chưa đạt được trí tuệ vô lậu, dù chưa dứt hết mọi phiền não, nhưng nếu đạt được ý căn thanh tịnh, thì ta cũng có thể thấy được rằng tất cả những suy nghĩ, những tính lường, những nói năng của ta đều phù hợp với Phật Pháp, không có điều gì mình diễn tả mà không là chân thật, và cái giá trị của những điều mình nói, tương đương với giá trị của Pháp do các vị Bụt trong những kinh điển lớn nhất diễn bày.