Nhận thức của Tông Thiên Thai về kinh Pháp Hoa

 

Tên đầy đủ của kinh là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tiếng Phạn là Saddharmapuṇḍarīka-sūtra. Puṇḍarīka chúng ta thường phiên âm là Tôn-Đà-Lợi, tức là một loại hoa sen màu trắng. Diệu Pháp nghĩa là giáo Pháp mầu nhiệm.

Trước chúng ta đã có nhiều nhà chú giải và nghiên cứu về kinh Pháp Hoa. Trung Hoa có một tông phái chuyên môn nghiên cứu kinh Pháp Hoa, diễn dịch rất nhiều về tư tưởng Pháp Hoa và đặt cơ sở lý thuyết và thực hành của mình trên Pháp Hoa. Đó là Tông Thiên Thai mà người đại diện xứng đáng là thầy Trí Giả ở núi Thiên Thai. Trước đó đã có thầy Huệ Tư và kế đến là thầy Huệ Viễn. Sau này thì có thầy Trí Giả, người thiết lập ra những cơ sở vững chãi cho Tông Thiên Thai. Trong những tác phẩm của thầy Trí Giả, có tác phẩm Đồng Mông Chỉ Quán mà tất cả các chú, các cô đi tu ở Việt-nam đều phải học. Đồng mông nghĩa là những chú bé và cô bé. Đây là một tác phẩm dạy phép tu thiền cho những người còn trẻ, mới bắt đầu tu. Sau khi đã tu lâu hơn, họ học những tác phẩm khác như Đại Thừa Chỉ Quán.

Đứng về phương diện tư tưởng, thầy Trí Giả có tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa, trình bày về những ý nghĩa thâm huyền của kinh Pháp Hoa. Trong đó thầy cắt nghĩa rất dài dòng về khái niệm của thầy, và nhận thức của thầy về Phật Pháp. Chữ Pháp ở trong chữ Diệu Pháp đã được thầy đem ra mổ xẻ, phân tích và trình bày rất cặn kẽ.

Các nhà nghiên cứu hiện đại thấy rằng con đường phân tích này không được thích hợp lắm, tại vì kinh Pháp Hoa không có mục đích diễn bày chân lý của thực tại như là một nền triết học. Chữ Pháp trong kinh Pháp Hoa không có nghĩa là những cố gắng để trình bày cái chân lý của thực tại. — đây, Diệu Pháp mầu nhiệm không phải là ở chỗ nó có thể trình bày được sự thực về vũ trụ, vạn hữu, và chân lý hiện tại như trong kinh Duy Ma hay kinh Bát Nhã. Chúng ta không thấy những khuynh hướng đó ở trong những phẩm của kinh Pháp Hoa. Cái Pháp ở đây sở dĩ được gọi là Diệu Pháp là nhờ vào tính cách đại chúng, phổ thông và thực tế của nó, cũng như nhờ ở công năng có thể thực hiện được những điều mà những kinh khác chưa thực hiện được. Pháp này đã mở ra một con đường dung hợp được truyền thống với những tư tưởng mới của Đại Thừa, và tạo nên một không khí hài hòa, ấm áp, vui vẻ, thống nhất giữa Giáo hội Truyền thống và Giáo hội Tân lập. Nhận thức này của chúng ta không giống nhận thức của Tông Thiên Thai, tại vì thầy Trí Giả đã hiểu chữ Pháp như là một sự diễn bày có hệ thống, bằng hình thức triết học của sự thực về pháp giới, về vũ trụ, về vạn hữu. Ta có thể chứng minh điều này khi ta đi sâu vào kinh Pháp Hoa. Bây giờ ta chỉ đưa ra vài ý niệm tổng quát như vậy để khi đi sâu vào kinh thì sẽ không thấy bị lạc lõng.