Đạo Bụt Đại Thừa chống báng việc thần thánh hóa Bụt Thích Ca

Ta nên biết rằng khi Bụt nhập diệt rồi thì có một niềm thương tiếc rất lớn lao phát sinh trong giáo đoàn.  Ai cũng thấy có một khoảng trống rất lớn.  Điều này cũng đã xảy ra trong lịch sử của Ki-tô Giáo.  Khi Chúa mất đi, sự thương tiếc và quí trọng Chúa cũng đã trở nên rất lớn lao.

Đối với đạo Bụt, chính nhờ sự nhập diệt mà nhiều vị đệ tử của Ngài mới thấy được giá trị của Bụt Thích Ca.  Sự thương tiếc, quí trọng đó đã được biểu hiện trên mọi hình thức.  Hình thức đầu tiên là phải lập Tháp để thờ.  Hình thức thứ hai là thần thánh hóa Bụt, trang sức cho Bụt bằng những phép thần thông, những khả năng mà người thường không thể đạt được.  Như vậy, do sự thương tiếc, quí trọng, yêu mến mà người ta đã đem những phép tắc thần thông phủ trùm lên con người của Bụt, và từ một con người, Bụt biến thành một Siêu nhân, một Superman.  Khi vòng hào quang phủ nhiều quá lên người, thì Bụt mất đi cái tính cách người của Bụt, cho nên giữa Bụt và chúng ta có một sự xa cách.  Đó là một điểm tuy tích cực nhưng cũng là tiêu cực, vì từ đó mà có một số đông người đã cho rằng những điều Bụt làm, chỉ có Bụt mới làm được, còn chúng ta thì đành bó tay!  Trong khi đó thì tinh thần giáo lý Nguyên Thủy của Bụt không phải như vậy.  Khi cái quan niệm về Bụt đã đạt tới độ cho Bụt là một siêu nhân, thì tự nhiên trong giáo hội phát sinh ra niềm tin rằng Bụt là một người rất đặc biệt, không phải là người thường, chúng ta là học trò của Ngài thì không thể nào thực hiện được những gì Bụt đã thực hiện.  Khi mình nói tôi không thể nào thành Bụt được hay tôi không cần phải thành Bụt vì tôi hiện cũng đang có nhiều hạnh phúc, thì khi đó mình là những người có mặc cảm tự ty, và chống đối lại tinh thần Nguyên Thủy của Bụt.  Đây là thái độ mà Phật giáo Đại Thừa công phá kịch liệt, vì người ta đưa Bụt lên cao quá, vẽ ra nhiều hào quang chói sáng quá quanh Bụt, làm cho Bụt mất hết bản chất con người của Ngài.  Khi viết cuốn Đường Xưa Mây Trắng, tôi đã cố gắng tháo gỡ những hào quang đó để đưa Bụt về như một con người gần gũi chúng ta, để chúng ta có thể thấy được Bụt là một người anh, một người thầy, một người bạn, một người cha.

Trong Ki-tô giáo ta cũng thấy những hiện tượng tương tự.  Khi đức Ki-tô còn sống, có lẽ người ta đã không quí trọng Ngài bằng lúc Ngài đã qua đời.  Lúc đó mười mấy đệ tử của Ngài và những người đã được gần gũi Chúa mới giật mình.  Bấy giờ họ mới nhận thức được rằng những giây phút mình được gần Chúa, được ngồi ăn cơm với Chúa là những giây phút rất quí báu.  Những tiếc thương đó làm cho niềm tin, làm cho năng lượng ở trong những đệ tử của Chúa trở nên rất lớn lao.  Hồi đó Ki-tô giáo chưa có giáo hội, chỉ mới có những người mang tư tưởng mình là người theo Chúa Ki-tô thôi.  Nhưng vì những tiếc thương đó mà người ta muốn thành lập một truyền thống.  Hồi đó Ki-tô giáo bị cấm đoán vì chính quyền không nhìn nhận Chúa, và cũng không cho phép nhóm người có cảm tình với Chúa hoạt động.  Họ bị xem là nhóm gây xáo trộn trong xã hội.

Chúng ta biết rằng Bụt cũng là một nhà cách mạng, Bụt đã công kích chế độ giai cấp và sự kỳ thị phụ nữ, chống đối tới cùng những tư tưởng của Bà La Môn Giáo.  Nhưng Bụt đã may mắn hơn Chúa Ki-tô, Ngài không bị đóng đinh.  Các đệ tử của Chúa và những vị đã được gặp Chúa, đã được nghe Chúa nói chuyện, cùng nhau thành lập một Giáo hội tư, nghĩa là không chính thức.  Họ tổ chức hội họp với nhau, ôn lại những lời Chúa Ki-tô đã nói và thực tập theo lời Chúa Ki-tô dạy.  Họ dùng hình tượng của con cá như một dấu hiệu bí mật để tụ họp.  Trong Thánh Kinh có đoạn nói rằng: Này các vị, đừng đánh cá nữa, hãy đi theo tôi để Ộđánh cá ngườiỢ nghĩa là để giúp người trở về với chân lý, tung ra một màng lưới cứu người. Vì vậy mà hình tượng của con cá rất quan trọng ở trong đạo Ki-tô.  Khi đi dọc bờ biển trong vùng, thỉnh thoảng người ta thấy được hình dáng một con cá vẽ rất đơn sơ.  Nếu đi theo những hình vẽ trên bãi cát hay trên mỏm đá, chúng ta có thể tới nơi hội họp bí mật của những đệ tử đầu tiên của Chúa.  Cũng trong cái tâm trạng thương tiếc và kính phục đó, những đệ tử đầu tiên của Chúa đã khoác lên người của Chúa những vòng hào quang rất lớn.  Họ cũng làm giống hệt như bên đạo Bụt, cho rằng tuy Bụt đã mất rồi, nhưng Ngài vẫn còn sống hoài với chúng ta.  Chúa Ki-tô cũng vậy, Chúa tuy đã bị giết rồi, nhưng Chúa đã sống lại và Chúa bất tử.

Tuy nhiên hai tôn giáo rất khác nhau.  Bên đạo Bụt có quan niệm Pháp thân thường tại, còn bên đạo Chúa có quan niệm Chúa vĩnh cửu, Chúa thường hằng ở trên đời, The Living Christ. Ai cũng muốn Bụt của mình, Chúa của mình vừa vĩnh viễn, vừa có hào quang.  Vì vậy cho nên tôn giáo thường được thiết lập trên sự thương tiếc, mến chuộng, và sự thần thánh hóa vị Giáo chủ của mình.  Bên đạo Bụt, có khuyết điểm là cái mặc cảm rằng mình không bao giờ có thể làm được như Bụt, và mình không cần làm như Bụt mà cũng được sung sướng chán.  Bên Ki-tô giáo cũng có một khuyết điểm, đó là họ đã coi cái chết của Chúa quan trọng hơn cái sống của Chúa.  Trong sự thực tập của những người Ki-tô, họ không quí trọng và đem áp dụng lời dạy của Chúa nhiều bằng việc nghĩ đến chuyện sau khi chết mình sẽ đi về đâu, nghĩa là họ lo chuyện tương lai nhiều hơn chuyện hiện tại.  Và đa số giáo điều của giáo hội được thiết lập quanh cái chết của Chúa.  Khi sinh tiền, Chúa đã dạy rất nhiều điều, từ bài giảng trên núi, cho đến những bài giảng ở đồng bằng, giảng bằng lời nói, bằng hành động của chính Chúa.  Đó là tinh hoa của đạo Ki-tô, cũng như những điều Bụt đã dạy trong kinh, và đời sống của Bụt là tinh hoa của đạo Bụt.  Phật tử cũng có nhiều người đi tìm cái tinh hoa của đạo Bụt ở chỗ khác, ví dụ như họ đi tìm hạnh phúc tương lai ở một cõi như cõi cực lạc.  Thay vì học lời dạy của Bụt, học cách hành xử, cách sống của Bụt để mình có thể sống cuộc sống hiện tại, thì họ tin ở một cõi và một vị Bụt siêu xuất thế gian nhiều hơn.  Họ ưa đi theo một vị Bụt có hào quang, một vị Bụt vĩnh viễn.  Bên đạo Ki-tô cũng có hiện tượng tương tự.  Hiện nay trong giới Thần học có một khuynh hướng gọi là Secular Christianity, chủ trương trở về học giáo lý của đức Ki-tô dạy trong kinh điển và sống như đức Ki-tô đã sống, hơn là đi tìm một sự giải thoát ở mai hậu, ở trong một nước thiên đường.  Các hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra trong lĩnh vực đạo Bụt.  Trong giáo hội Phật giáo cũng như trong Ki-tô giáo có những giáo điều mới, không phải là căn bản, nhưng người ta cho là căn bản.  Ví dụ như tin rằng Chúa đã sống dậy, tin rằng đức Mẹ Maria là một trinh nữ v.v…  Nếu không tin vào những điều đó thì không được chính thức làm học trò của Chúa.

Tôi không nghĩ những điều đó là căn bản của đạo Ki-tô.  Điều căn bản là phương thức sống mà Chúa đã dạy ở trong kinh điển, không chỉ dạy bằng lời nói mà còn bằng cách sống của Chúa.  Nghiên cứu truyền thống của hai tôn giáo, ta thấy có hai khuynh hướng tương tự như nhau, có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm.  Vì vậy khi học Cơ Đốc giáo, người Phật tử mới thấy được sự hình thành của Cơ Đốc giáo cũng tương tự như tiến trình của Phật giáo.  Ngược lại, khi người con Chúa nghiên cứu về Phật giáo, thì họ cũng thấy được những khuynh hướng tương đồng giữa hai tôn giáo lớn này.