Du hành

Trong thời gian còn tu học với tổ Hoàng Bích, sự tu tập của thiền sư rất thuần nhất. Vị thủ tọa có ý khen rằng tuy thầy thuộc về lớp sau nhưng thầy có những điểm đặc biệt. Thủ tọa hỏi:
– Thầy ở đây lâu chưa?
Thiền sư đáp:
– Được ba năm.
Thầy thủ tọa:
– Đã từng được tham vấn sư tổ chưa?
Thiền sư đáp:
– Con chưa từng tham vấn và cũng chẳng biết tham vấn về đề tài gì.
Thủ tọa bảo:
– Tại sao thầy không tới hỏi hòa thượng đường đầu ‘đại ý của Phật pháp là gì?’
Thiền sư liền tới hỏi tổ Hoàng Bích câu ấy. Hỏi chưa hết câu đã bị tổ đánh. Thiền sư trở về. Vị thủ tọa hỏi: ‘Sao?’
– Con chưa hỏi xong câu hỏi thì bị đánh. Con không hiểu tại sao.
– Vậy cứ tới hỏi lại lần thứ hai xem sao!
Thiền sư tới hỏi lần thứ hai. Và cũng bị tổ Hoàng Bích đánh. Như thế cho đến ba lần.
Thiền sư trở về hỏi vị thủ tọa:
– Cảm ơn Thủ tọa đã từ bi chỉ bảo cho con tới tham vấn hòa thượng, nhưng ba lần con hỏi là ba lần con bị hòa thượng đánh. Con tự hận là vì có nhiều chướng duyên nên không lãnh hội được ý chỉ sâu sắc của hòa thượng. Nay con xin giã từ đi nơi khác.
Thủ tọa nói:
– Nếu thầy đi thì nên tới từ giã hòa thượng trước khi đi.
Thiền sư lạy rồi rút lui. Vị thủ tọa tới hòa thượng thưa:
– Cái thầy còn trẻ tới tham vấn ấy có thể là một pháp khí tương lai đấy, vậy khi thầy ta tới từ giã xin hòa thượng dùng phương tiện để tiếp độ thầy ấy một chút. Trong tương lai thầy ấy có thể trở nên một cây đại thụ làm bóng mát cho rất nhiều người trong thiên hạ.
Khi thiền sư tới từ biệt tổ, tổ nói:
– Con không nên đi đâu cả, chỉ nên đi tới thầy Đại Ngu ở đầu sông Cao An mà thôi. Thầy Đại Ngu sẽ giúp con.
Thiền sư liền đi tới Đại Ngu. Đại Ngu nói: ‘Thầy từ đâu tới?’
Thiền sư nói: ‘Từ tu viện Hoàng Bích tới.’
Đại Ngu: ‘Hoàng Bích có nói gì không?’
Thiền sư:
– Ba lần tôi tới hỏi về đại ý Phật pháp, ba lần tôi bị đánh. Tôi không biết là tôi có lỗi hay không có lỗi.
Đại Ngu nói:
– Hoàng Bích như một bà ngoại từ mẫn đã hết lòng hết sức giúp thầy vượt qua những khó khăn, vậy mà thầy lại còn nói có lỗi hay không có lỗi!
Nghe thế, thiền sư đại ngộ. Thiền sư nói:
– Thì ra Phật pháp của hòa thượng Hoàng Bích đâu có gì ghê gớm lắm đâu!
Đại Ngu nói:
– Cái con quỷ đái dầm này, vừa than có lỗi không lỗi đó thì nay lại dám nói Phật pháp của Hoàng Bích không có gì là ghê gớm! Thầy thấy được cái gì, nói nghe xem, nói nghe xem!
Thiền sư mới thụi vào hông Đại Ngu ba cái. Đại Ngu đẩy thiền sư ra, nói:
– Thầy của ông là Hoàng Bích, chuyện này chẳng có dính líu gì đến tôi.
Thiền sư liền từ giã Đại Ngu trở về với tổ Hoàng Bích. Thấy thiền sư trở về, Hoàng Bích nói:
– Cái anh chàng này cứ đi đi về về như thế bao giờ mới chấm dứt?
Thiền sư nói:
– Chỉ vì hòa thượng từ bi quá nên con phải trở về.
Làm lễ xong, thiền sư đứng hầu một bên. Hoàng Bích hỏi:
– Đi đâu về thế?
– Mới đây theo lời dạy đầy tình thương của hòa thượng, con đã đến tham vấn Đại Ngu. Nay con mới về.
Hoàng Bích: ‘Đại Ngu có nói gì không?’
Thiền sư liền kể lại đầu đuôi câu chuyện. Hoàng Bích nói:
– Cái lão Đại Ngu kia, đợi khi có dịp nắm được lão, ta sẽ đánh cho lão một trận.
Thiền sư liền nói:
– Đâu có cần đợi làm gì, hòa thượng? Hãy tiếp nhận ngay bây giờ đi.
Nói xong thiền sư liền thụi vào Hoàng Bích. Hoàng Bích la:
– Cái thằng điên này, dám tới hang cọp vuốt râu hùm hả?
Thiền sư bèn hét.
Hoàng Bích nói:
– Thị giả đâu, dẫn thằng khùng này vào trong tăng đường đi.
Sau này Quy Sơn có dịp kể lại chuyện này cho Ngưỡng Sơn và hỏi Ngưỡng Sơn:
– Hồi ấy Lâm Tế tiếp nhận năng lượng từ Đại Ngu hay từ Hoàng Bích?
Ngưỡng Sơn nói:
– Nếu không cỡi đầu cọp, thì làm sao vuốt được đuôi cọp?
Thiền sư đang trồng tùng. Tổ Hoàng Bích hỏi:
– Trong núi sâu trồng tùng làm gì nhiều thế?
Thiền sư đáp:
– Trước là để làm cảnh cho sơn môn, sau là để làm tiêu chuẩn cho các thế hệ tương lai.
Nói xong, thiền sư lấy cuốc dộng xuống đất ba lần.
Hoàng Bích nói:
– Tuy là vậy nhưng thầy cũng đã bị tôi cho ăn ba chục gậy rồi (là ít) đấy.
Thiền sư lại dộng cuốc xuống đất ba lần nữa, rồi rên lên ư ử. Hoàng Bích nói:
– Tông phong của ta đến thế hệ của ngươi sẽ được hưng thịnh lớn trên đời.
Sau này Quy Sơn lặp lại lời này hỏi Ngưỡng Sơn:
– Lúc ấy Hoàng Bích chỉ phó chúc cho một mình Lâm Tế hay còn phó chúc cho ai khác?
Ngưỡng Sơn:
– Còn chứ, nhưng tại vì hòa thượng quá lớn tuổi rồi nên tôi không nói làm chi đó thôi.
Quy Sơn nói:
– Tuy vậy tôi cũng muốn biết, thầy cứ nói xem.
Ngưỡng Sơn:
– Một người chỉ ngón tay về phương Nam, cả nước Ngô lẫn nước Việt đều tuân hành theo lệnh. Gặp gió lớn thì ngừng. (tiên đoán về hòa thượng Phong Huyệt)
Thiền sư một hôm đứng hầu thiền sư Đức Sơn. Đức Sơn nói:
– Hôm nay tôi mệt.
Thiền sư nói:
– Ông già này đang nói mơ gì đó?
Đức Sơn liền đánh.
Thiền sư lật đổ thiền sàng. Đức Sơn mới ngưng.
Thiền sư đang xới đất trong một buổi chấp tác toàn chúng, thì thấy Tổ Hoàng Bích tới, liền chống cuốc đứng yên. Hoàng Bích hỏi:
– Anh chàng này mệt rồi hả?
Thiền sư nói:
– Cuốc chưa nhấc lên mà mệt gì.
Hoàng Bích liền đánh thiền sư một cái. Sư giật lấy gậy của Hoàng Bích xô một cái, Hoàng Bích ngả xuống. Tổ Hoàng Bích gọi:
– Thầy Duy Na, thầy Duy Na, tới đỡ tôi dậy đi.
Thầy Duy Na tới gần nói:
– Tại sao hòa thượng lại để cho anh chàng điên này làm một điều vô lễ như thế?
Hoàng Bích đứng lên được rồi liền đánh thầy Duy Na. Thiền sư thấy thế dộng cuốc xuống đất và nói:
– Ở các nơi khác thì người ta hỏa táng. Còn ở đây thì chỉ chôn sống.
Sau này Quy Sơn có dịp hỏi Ngưỡng Sơn:
– Tại sao Hoàng Bích lại đánh vị Duy Na?
Ngưỡng Sơn:
– Tên giặc thiệt thì đã chạy mất, còn người đuổi giặc lại bị ăn đòn.
Có một hôm ngồi ở tăng đường, thiền sư thấy Tổ Hoàng Bích đến, liền nhắm mắt lại. Hoàng Bích giả làm bộ sợ, đi về phương trượng. Thiền sư đi theo về phương trượng lễ tạ. Lúc ấy có thầy thủ tọa đang đứng hầu bên tả Hoàng Bích. Hoàng Bích nói:
– Thầy này còn trẻ, nhưng là kẻ biết được vấn đề.
Thủ tọa nói:
– Chân hòa thượng không chấm đất, mà hòa thượng lại ấn chứng cho cái anh chàng trẻ này.
Tổ Hoàng Bích lấy tay tự vả vào miệng Tổ một cái. Thầy thủ tọa nói:
– Nếu hòa thượng biết thì không sao.
Thiền sư đang ngủ trong tăng đường. Hoàng Bích thấy thế, lấy gậy gõ vào thiền sàng một cái. Thiền sư ngửng đầu lên thấy Hoàng Bích, liền nhắm mắt ngủ lại. Hoàng Bích lại gõ thêm một tiếng, rồi đi lên lầu trên. Thấy vị thủ tọa đang ngồi thiền, Hoàng Bích nói:
– Lầu dưới, người trẻ đang ngồi thiền, tại sao trên này thầy còn ngồi với vọng tưởng?
Thủ tọa nói:
– Cái ông già này làm gì thế?
Hoàng Bích gõ thêm một cái trên thiền sáng rồi đi ra.
Sau này Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn câu chuyện Hoàng Bích vào tăng đường ấy có nghĩa gì. Ngưỡng Sơn nói:
– Một lá bài hai mặt.
Một hôm có buổi chấp tác của cả đại chúng, thiền sư đi sau. Tổ Hoàng Bích quay lại, thấy thiền sư tay không, hỏi:
– Cuốc để đâu?
Thiền sư nói:
– Có một người lấy đi mất rồi.
Hoàng Bích nói:
– Tới gần đây để cùng đàm luận.
Thiền sư đến gần. Đưa cuốc lên trời, Tổ nói:
– Cái này đây trong thiên hạ không ai giật khỏi tay ta.
Thiền sư liền giật lấy cuốc của Hoàng Bích, đưa lên và nói:
– Vậy tại sao bây giờ nó nằm trong tay con đây?
Hoàng Bích nói: ‘Hôm nay đã có rất nhiều người chấp tác rồi.’ Nói xong liền trở về tăng viện.
Sau này Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
– Cây cuốc đang nằm trong tay Hoàng Bích tại sao lại vào tay Lâm Tế?
Ngưỡng Sơn:
– Giặc là tiểu nhân, nhưng nếu có trí, thì tiểu nhân có thể hơn người quân tử.
Thiền sư đem thư của Tổ Hoàng Bích cho Quy Sơn. Lúc ấy Ngưỡng Sơn làm tri khách. Tiếp thư, Ngưỡng Sơn hỏi:
– Cái này là thư của Hoàng Bích, còn thư của người đưa thư đâu?
Thiền sư liền thụi Ngưỡng Sơn một cái. Ngưỡng Sơn ôm lấy Thiền sư, nói:
– Sư anh biết được như thế là hay rồi, chúng ta hãy thôi đừng đối đáp nữa.
Và cả hai cùng đi tới Quy Sơn. Quy Sơn hỏi:
– Học chúng của sư anh Hoàng Bích có được bao nhiêu vị?
Thiền sư đáp: ‘Có bảy trăm vị.’
Quy Sơn: ‘Trong số ấy ai là người dẫn dắt?’
Thiền sư: ‘Người ấy vừa mới trao thư cho thầy đấy.’
Rồi thiền sư hỏi: ‘Ở đây hòa thượng có bao nhiêu vị trong học chúng?’
Quy Sơn nói: ‘Một ngàn năm trăm vị.’
Thiền sư nói: ‘Nhiều quá nhỉ!’
Quy Sơn nói: ‘Học chúng của sư anh Hoàng Bích ta cũng rất đông.’
Thiền sư chào từ giã Quy Sơn. Ngưỡng Sơn đưa Thiền sư ra, nói:
– Nếu mai này sư anh đi lên miền Bắc, sư anh sẽ có một chỗ cư trú.
Thiền sư nói: ‘Sao có thể như thế được?’
Ngưỡng Sơn nói:
– Cứ đi đi thì biết. Sau này sẽ có một người phụ tá cho sư anh, người này sẽ là có đầu mà không có đuôi, có thỉ mà không có chung.
Sau này thiền sư lên Trấn Châu quả gặp Phổ Hóa ở đấy. Khi thiền sư xuất hiện làm việc hóa độ, thì có Phổ Hóa phụ tá. Chưa ở với Phổ Hóa bao lâu thì Phổ Hóa đã đi, toàn thân không còn lưu dấu vết.
Giữa mùa an cư kết hạ, thiền sư đến thăm Tổ Hoàng Bích, thấy Tổ đang xem kinh. Thiền sư nói:
– Lâu nay con cứ tưởng thầy là một con người, ngờ đâu thầy chỉ là một vị hòa thượng già, đậu đen ngậm đầy miệng.
Thiền sư ở lại vài hôm rồi tới từ giã Tổ Hoàng Bích mà đi. Tổ nói:
– Nhà ngươi bỏ an cư tới đây là đã phá hạ, mà tới đây rồi lại không ở cho hết hạ lại còn bỏ đi.
Thiền sư nói:
– Con chỉ tạm đến đây vài ngày để thăm thầy thôi.
Hoàng Bích liền đánh và đuổi đi. Đi được vài dặm đường, thiền sư bỗng có nghi vấn về việc này, cho nên trở lại để ở cho hết hạ.
Hết hạ rồi, một hôm thiền sư đến từ giã Tổ Hoàng Bích. Tổ hỏi:
– Thầy đi đâu?
Thiền sư nói:
– Nếu không phải đi Hà Nam thì đi Hà Bắc.
Tổ liền đánh. Thiền sư nắm Tổ lại không cho Tổ đánh tiếp, rồi thụi Tổ một cái. Tổ cười lớn và gọi:
– Thị giả, đem thiền trượng và kỷ án của sư ông Bách Trượng đến đây cho ta.
Thiền sư nói:
– Thị giả, đem lửa tới đây cho ta.
Tổ Hoàng Bích nói:
– Nói gì thì cứ nói, nhưng con hãy mang những thứ này theo với con. Sau này con sẽ có thể ngồi trên lưỡi của thiên hạ cho xem.
Sau này, Quy Sơn có dịp hỏi Ngưỡng Sơn:
– Lâm Tế có hơi bất nghĩa với Hoàng Bích không?
Ngưỡng Sơn nói: ‘Không.’
Quy Sơn nói: ‘Nghĩa là thế nào?’
Ngưỡng Sơn nói: ‘Biết ơn mới có thể đền ơn.’
Quy Sơn nói:
– Từ xưa tới nay đã có trường hợp nào như thế chưa?’
Ngưỡng Sơn:
– Có chứ, nhưng chuyện đã xảy ra quá xưa rồi, mình không muốn nhắc đến.
Quy Sơn:
– Tuy nhiên tôi vẫn muốn nghe. Nói đi.
Ngưỡng Sơn:
– Trong hội Lăng Nghiêm, thầy Anan tán thán Bụt: ‘Đem hết thân tâm này ra để cứu độ chúng sinh trong các cõi nhiều như vi trần thì mới gọi là báo đáp được ân đức của Bụt.’ Đó chẳng phải là báo ân sao?
Quy Sơn nói:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Cái thấy của mình ngang bằng cái thấy của thầy làm cho mình chỉ có được một nửa uy đức tâm linh của thầy. Cái thấy của mình nếu hơn cái thấy của thầy thì mình mới xứng đáng là sự tiếp nối của thầy.
Thiền sư đến thăm tháp của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Vị tháp chủ hỏi:
– Hòa thượng lễ Bụt trước hay lễ Tổ trước?
Thiền sư đáp:
– Tôi không lễ Bụt mà cũng không lễ Tổ.
Tháp chủ:
– Bụt và Tổ có oán cừu gì với hòa thượng mà hòa thượng không lễ?
Thiền sư liền phất tay áo ra đi.
Trong một chuyến hành cước, thiền sư ghé đạo tràng của thiền sư Long Quang. Khi Long Quang lên pháp đường, thiền sư ra hỏi:
– Không đưa mũi giáo ra, làm sao để chiến thắng?
Long Quang cứ ngồi yên. Thiền sư nói:
– Làm kẻ thiện tri thức lớn mà không thi triển phương tiện quyền xảo gì hết sao?
Long Quang trừng mắt nhìn thiền sư, nói: ‘Hừ!’
Thiền sư lấy tay chỉ Long Quang và nói:
– Ông già này hôm nay thua cuộc rồi!
Thiền sư đến Tam Phong. Hòa thượng Bình hỏi:
– Từ đâu tới?
– Từ đạo tràng Hoàng Bích.
Bình nói:
– Hoàng Bích có nói gì không?
Thiền sư nói:
Hôm qua trâu vàng lâm khốn đốn
Đến nay chửa thấy vết chân nào.
Bình nói:
Gió thu lồng sáo ngọc
Ai chính kẻ tri âm?
Thiền sư:
Vạn trùng quan san đà vượt thấu
Mà không ở lại chốn trời xanh.
Bình: ‘Câu hỏi của thầy hơi cao đấy.’
Thiền sư:
Rồng sinh ra Kim phụng
Phá vỡ trời lưu ly.
Bình: ‘Thôi ngồi xuống uống trà đi.’ Rồi hỏi:
– Mấy hôm trước đây, thầy ở đâu?
Thiền sư:
– Tôi ở đạo tràng Long Quang.
Bình: ‘Long Quang gần đây ra sao?’
Thiền sư liền bỏ đi ra.
Thiền sư đến viếng đạo tràng của thiền sư Đạo Từ. Đạo Từ đang ngồi trong phương trượng. Thiền sư hỏi:
– Ngồi yên trong thất thì thế nào?
Từ đáp:
Xanh xanh tùng đứng ngàn đông lạnh
Tay già hoa nở vạn miền xuân
Thiền sư:
Viên trí xưa nay từng siêu việt
Ba non mở được vạn trùng quan.
Từ bèn hét. Thiền sư cũng hét.
Từ hỏi: ‘Thế nào?’ Thiền sư phất tay áo bỏ ra.
Thiền sư đến Nhượng Châu, gặp thiền sư Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm giả bộ dựa trên chiếc gậy để ngủ. Thiền sư nói:
– Hòa thượng, ngủ làm gì?
Nghiêm nói:
– Vị thiền khách này không giống những vị thiền khách khác.
Thiền sư nói:
– Thị giả! Đem trà lại mời hòa thượng.
Thiền sư Hoa Nghiêm mới gọi thầy Duy Na tới, dặn:
– Sắp cho vị thượng tọa này ngồi ở ghế thứ ba.
Thiền sư đến thăm thiền sư Túy Phong. Túy Phong hỏi:
– Thầy từ đâu tới?
– Từ đạo tràng Hoàng Bích tới.
– Hoàng Bích có nói câu gì để khai thị cho người ta không?
– Hoàng Bích không nói câu gì cả.
– Tại sao lại không được?
– Dù có nói thì cũng không lặp lại được.
Túy Phong nói: ‘Cứ thử lặp lại xem.’
Thiền sư nói: ‘Một mũi tên bay vào trời Tây.’
Thiền sư đến thăm thiền sư Tượng Điền, hỏi:
– Không phải phàm mà cũng không phải thánh, thầy thấy sao nói liền đi.
Tượng Điền nói:
– Ông thầy già này chỉ như thế này thôi.
Thiền sư liền hét và nói:
– Một bọn trọc đầu đông đảo tới đây để mong tìm được cái chén bát nào?
Thiền sư đến thăm thiền sư Minh Hóa. Minh Hóa hỏi:
– Đi đi tới tới hoài như thế để làm cái gì?
Thiền sư nói:
– Chỉ để cho mòn đôi giép cỏ.
Minh Hóa hỏi:
– Cuối cùng để làm gì?
Thiền sư nói:
– Ông già này chẳng biết thế nào là trò chuyện cả sao?
Thiền sư đi thăm thiền sư Phụng Lâm, nửa đường gặp một bà già. Bà hỏi:
– Thầy đi đâu?
Thiền sư: ‘Tôi đi thăm Phụng Lâm.’
Bà nói: ‘Lúc này Phụng Lâm không có nhà.’
Thiền sư: ‘Thế Phụng Lâm đi đâu?’
Bà già bước đi. Thiền sư gọi: ‘Này bà!’ Bà quay đầu lại, thì bị thiền sư đánh.
Thiền sư tới Phụng Lâm. Phụng Lâm hỏi:
– Tôi có chuyện muốn hỏi. Được không?
Thiền sư nói:
– Làm sao xẻ thịt gây vết thương?
Lâm:
Biển lặng trăng không bóng
Cá đớp vì tự mê
Thiền sư:
Trăng biển đã không bóng
Cá lội làm sao mê?
Lâm:
Thấy gió biết sóng dậy
Nhìn nước biết buồm xuôi
Thiền sư:
Một vầng chiếu rọi non sông lĩnh
Cười lên một tiếng đất trời kinh
Lâm:
Muốn đem ba tấc soi trời đất
Đối cơ một cú nói lên xem
Thiền sư:
Gặp người kiếm khách nên trình kiếm
Chẳng phải người thơ chẳng tặng thơ
Nghe như thế, Phụng Lâm mới thôi. Thiền sư lúc ấy lại nói một bài kệ tụng:
Đạo lớn đại đồng
Đừng ngó tây đông
Lửa đá không kịp
Chớp lòe chẳng thông.
(Sau này) Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
– ‘Lửa đá không kịp, chớp lòe chẳng thông’, xưa nay các bậc thánh tăng lấy gì để giúp người?
Ngưỡng Sơn: ‘Thầy nghĩ sao?’
Quy Sơn: ‘Chỉ có ngôn thuyết, không có ý nghĩa gì thật.’
Ngưỡng Sơn nói: ‘Không phải thế đâu!’
Quy Sơn: ‘Vậy thì thầy hiểu thế nào?’
Ngưỡng Sơn nói:
– Chính thức, thì một cây kim không lọt vào được. Tư riêng thì xe ngựa đều có thể chạy qua.
Thiền sư đến thăm thiền sư Kim Ngưu. Trông thấy thiền sư, Kim Ngưu đưa ngang cây gậy ngồi xổm chận đường vào cửa. Thiền sư lấy gậy đập xuống ba cái và đi vào trong pháp đường, ngồi vào ghế thứ nhất. Kim Ngưu vào thấy thế hỏi:
– Thói thường thì khi chủ khách gặp nhau, mỗi người đều thực tập uy nghi. Thượng tọa từ đâu tới mà hành xử vô lễ như thế?
Thiền sư nói:
– Hòa thượng đang nói cái gì thế?
Kim Ngưu sắp mở miệng thì bị thiền sư đánh một cái. Kim Ngưu giả bộ ngả xuống. Thiền sư lại đánh thêm một cái nữa. Ngưu nói:
– Hôm nay tôi không gặp may.
Sau này Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
– Trong hai vị tôn túc ấy có ai thắng ai bại không?
Ngưỡng Sơn nói:
– Thắng thì thắng hết, bại thì bại hết.
Lúc sắp thoát hóa, thiền sư ngồi trên đơn và nói:
– Sau khi tôi chết, đừng để cho chánh pháp nhãn tạng của tôi bị tiêu diệt, nghe không.
Thầy Tam Thánh bước ra thưa:
– Chúng con sẽ không dám làm cho chánh pháp nhãn tạng của thầy tiêu diệt đâu.
Thiền sư hỏi:
– Thế thì sau này có người đến hỏi thầy, thầy sẽ trả lời người ấy làm sao?
Tam Thánh liền hét.
Thiền sư nói:
– Có ai ngờ rằng chính con lừa mù này sẽ làm cho chánh pháp nhãn tạng của tôi bị tiêu diệt hay không?
Nói xong, ngồi đoan nghiêm mà thị tịch.
Thiền sư tên húy là Nghĩa Huyền, họ Hình, người Nam Hoa thuộc quận Tào Châu. Hồi còn nhỏ đã thông minh khác thường. Lớn lên nổi tiếng là có hiếu. Sau khi xuất gia rồi thọ Giới Lớn, được cư trú tại học viện, có dịp học hỏi và nghiên cứu giới luật, và bác lãm về Kinh Luận. Nhưng một hôm sư than thở: ‘Tất cả những thứ này đều là phương thuốc độ đời, không phải là tinh hoa được truyền lại từ ngoài kinh và giáo (giáo ngoại biệt truyền). Liền khoác áo du phương, ban đầu tới học với thiền sư Hoàng Bích. Sau đó lại đi yết kiến thiền sư Đại Ngu. Những cơ duyên và ngữ cú này đều có ghi chép ở phần hành lục. Sau khi được thiền sư Hoàng Bích ấn chứng, thiền sư liền tìm lên Hà Bắc, cư ngụ tại vùng Đông Nam thành Trấn Châu, tiếp cận bờ sông Hô Đà, trụ trì tại một thiền viện nhỏ. Tên Lâm Tế là do cuộc đất mà được đặt ra. Lúc bấy giờ thiền sư Phổ Hóa đã có mặt ở đấy rồi, khùng khùng điên điên trong nhân gian, là thánh hay phàm chẳng ai biết được. Thiền sư tới đó thì trước hết phụ tá cho Phổ Hóa. Khi sự nghiệp hóa độ của thiền sư bắt đầu hưng thịnh thì Phổ Hóa thoát hóa toàn thân, rất phù hợp với lời tiên đoán của thiền sư Ngưỡng Sơn về sự xuất hiện của một ‘Tiểu Thích Ca.’ Gặp thời chiến tranh, thiền sư liền bỏ nơi ấy ra đi. Quan Thái Úy Mạc Quân Hòa biến ngôi nhà trong thành của mình thành ra một ngôi chùa cũng lấy tên là chùa Lâm Tế và mời thiền sư đến cư trú ở đấy.
Sau đó thiền sư phất áo đi về phương Nam tới phủ Hà Bắc. Quan Thường Thị họ Vương là phủ chủ đã tôn kính tiếp mời thiền sư như một vị đạo sư của mình.
Ở đấy không lâu, thiền sư về chùa Hưng Hóa ở phủ Đại Danh và ở tại tăng đường phía Đông. Một hôm, không bệnh tật gì, thiền sư vén áo ngồi yên, nói chuyện với đệ tử là Tam Thánh vài câu, rồi im lặng qua đời. Đó là ngày mồng mười tháng giêng năm Đinh Hợi, niên hiệu Hàm Thông thứ tám đời Đường. Môn đồ đem toàn thân thiền sư nhập tháp ở phía Tây Bắc phủ Đại Danh. Vua sắc ban cho thiền sư tên thụy là Tuệ Chiếu Thiền Sư, tháp hiệu là Trừng Linh.
Nay chắp tay cúi đầu ghi lại đại lược.
Tiểu sư nối dòng pháp là Bảo Thọ ở Trấn Châu hiệu là Diên Chiểu kính ghi chép.