Dạy chúng

 

1- Thiền Sư dạy:

– Thời bây giờ, người học Phật cần phải có chánh kiến. Có chánh kiến rồi thì sinh tử không còn động được tới mình nữa, lúc ấy ở và đi đều tự do, không cần đi tìm cái siêu việt mà cái siêu việt tự tìm tới mình. Này các bạn tu (đạo lưu), các vị cổ đức ngày xưa vị nào cũng đều có hiến tặng con đường thoát cho người, còn chỗ chỉ dạy của ông thầy tu núi này chỉ là khuyên các vị đừng có để cho người ta làm mê hoặc. Sử dụng được lời khuyên này thì hãy sử dụng liền, đừng có chần chừ nghi hoặc. Người tu học thời nay nếu không thành đạt được, đó là vì sao? Đó là vì họ không có đức tự tin. Bởi vì quý vị không đủ đức tự tin cho nên quý vị cứ bận rộn (gấp gáp) chạy theo hàng vạn thứ hoàn cảnh bên ngoài rồi bị các hoàn cảnh ấy xoay chuyển làm mất hết tự do. Nếu quý vị ngừng được những tư tưởng chạy đuổi tìm cầu ấy lại thì quý vị sẽ thấy giữa quý vị và Tổ Phật không có gì khác nhau. Quý vị có muốn biết Tổ Phật là ai không? Tổ Phật chính là quý vị đang đứng trước mặt tôi mà nghe pháp đấy. Kẻ tu hành mà không có đủ đức tự tin thì cứ hướng ra ngoài mà rong ruổi tìm cầu. Dù mà tìm được một cái gì thì cái ấy cũng chỉ là những hình thái đẹp đẽ của văn tự mà không phải là cái năng lượng tuệ giác sống động của Tổ sư. Chư vị thiền đức ơi, đừng có lầm! Trong giây phút hiện tại này mà quý vị không gặp gỡ được Tổ Bụt thì trong ngàn vạn kiếp sau quý vị sẽ phải luân hồi trong ba cõi, cứ tiếp tục chạy theo để nắm bắt những cảnh huống dễ chịu để rồi sẽ liên tiếp sinh vào trong bụng trâu lừa.

Này các bạn tu, theo cái thấy của ông thầy tu núi là tôi đây thì quý vị có khác gì đức Thích Ca đâu? Ngày hôm nay, trong mọi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, quý vị còn cảm thấy thiếu thốn điều gì? Có lúc nào mà sáu đạo thần quang của quý vị ngừng chiếu tỏa? Ai mà thấy được như thế thì sẽ suốt đời là một kẻ vô sự.

Này các vị đại đức, ba cõi không an, giống như nhà lửa, nơi đó không phải là chỗ cư trú lâu dài của quý vị. Quỷ vô thường mỗi phút giây đều ra tay sát hại, không phân biệt già trẻ, quý tiện. Nếu quý vị muốn không khác với Tổ Phật thì đừng hướng ngoại tìm cầu. Mỗi tâm niệm mà phát ra được ánh sáng thanh tịnh, đó là pháp thân Bụt đang ở ngay trong nhà của quý vị; ánh sáng vô phân biệt phát ra từ tâm niệm của quý vị chính là báo thân Bụt đang ở ngay trong nhà của quý vị; ánh sáng vô phân biệt phát ra từ mỗi tâm niệm của quý vị chính là hóa thân Bụt đang ở ngay trong nhà của quý vị. Ba Thân ấy không là gì khác ngoài quý vị đang đứng trước mặt tôi nghe pháp. Cái công dụng (mầu nhiệm) này chỉ có thể có được khi quý vị không hướng ngoại truy cầu. Nương tựa vào các nhà nghiên cứu và chú giải kinh luận người ta đi tìm Ba Thân như những tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo tôi thì không phải như thế. Ba Thân ấy chỉ là danh ngôn, và cũng chỉ là ba cái nương tựa vào nhau mà có. Các vị cổ đức đã nói: ‘Thân là dựa vào ý nghĩa mà thành lập, độ là dựa vào bản thể mà luận.’ Vậy thì thân của pháp tánh và độ của pháp tánh thật ra (rõ ràng) chỉ là quang ảnh.

Này các vị đại đức, các vị nên biết rằng cái con người đang cầm nắm và đùa giỡn được với quang ảnh đó là nguồn gốc của chư Bụt. Đối với kẻ ấy, chỗ nào cũng là nhà để trở về (nơi nào cũng là quê hương trở về của người tu tập). Sắc thân tứ đại của quý vị không biết nói pháp nghe pháp, tỳ vị gan mật không biết nói pháp nghe pháp, hư không không biết nói pháp nghe pháp… vậy thì cái gì biết nói pháp nghe pháp? Đó là cái sáng rỡ rõ ràng không chút mảy may hình tướng trước mặt quý vị đấy. Chính cái đó biết nói pháp nghe pháp. Nếu thấy được như thế thì quý vị sẽ không khác gì với Tổ với Bụt. Chỉ có một điều là giữ nó cho miên mật, đừng để cho nó bị gián đoạn, mắt chạm đến đâu là thấy được đến đấy.

Chỉ vì tình thức phát sinh nên trí tuệ ngăn cách, cũng vì tri giác biến đổi cho nên chân thể bị biến hình, vì thế mới có luân hồi trong ba cõi, chịu đựng mọi thứ khổ đau. Theo cái thấy của tôi, thì không có gì là không thâm diệu, không có gì là không giải thoát.

Này các bạn tu, tâm pháp không hình tướng, thông suốt mười phương, nơi mắt gọi là cái thấy, nơi tai gọi là cái nghe, nơi mũi gọi là cái ngửi, nơi miệng gọi là đàm luận, nơi tay gọi là cầm nắm, nơi chân gọi là cái chạy nhảy, tất cả chỉ từ một cái tinh minh (shining) chia ra thành sáu hòa hợp. Chỗ nào tâm ý không còn phát sinh thì chỗ ấy cũng là giải thoát. Tôi nói như thế nghĩa là sao? Chỉ vì mọi thứ tìm cầu của quý vị chưa chấm dứt cho nên quý vị mới bị lọt vào những cái bẫy của cổ nhân bày ra.

Này các bạn tu, hãy thử sử dụng cái thấy của tôi xem. Hãy chặt đứt hết những cái đầu của mọi báo thân và hóa thân của Bụt. Hãy thấy rằng các bậc Bồ-tát trong mười địa chỉ là những người làm công, các vị Đẳng Giác và Diệu Giác đều là những tên tù đang mang gông cùm, các vị La-hán, Bích-chi đều như những cái hố xí, Bồ Đề và Niết Bàn đều như những cái cọc buộc lừa. Tại sao? Chỉ vì các vị không thông đạt được cái Không của ba a tăng kỳ kiếp cho nên quý vị mới gặp phải những chướng ngại (mà quý vị đang có). Nếu là một người tu chân chính thì quý vị sẽ không như thế. Chỉ nên tùy duyên giúp làm tiêu nghiệp cũ, cứ thanh thản mặc áo, cần đi thì đi, cần ngồi thì ngồi, đừng có một khoảnh khắc nào mong cầu quả vị Bụt.

Tại sao? Người xưa nói: ‘Nếu muốn tìm Bụt bằng cách lao tác, thì Bụt sẽ trở thành điềm báo trước của sinh tử.’

Này các vị đại đức! Thì giờ quý báu, quý vị hãy ngừng lại cái tâm bôn ba chạy sang nhà láng giềng để học thiền học đạo, tìm câu tìm chữ, cầu Tổ cầu Bụt, cầu thiện tri thức. Đừng lầm lạc như thế. Này các bạn tu, các vị chỉ có một cha một mẹ, vậy thì còn đi tìm gì nữa? Các vị hãy tự nhìn lại đi! Cổ nhân nói: ‘Diễn Nhã Đạt Đa (Yajnadatta) tưởng đã mất đầu, nhưng khi cái tâm đi tìm cầu ngưng lại là chàng đạt tới vô sự (sans affaires) ngay.’

Các vị đại đức, các vị hãy sống cuộc đời của chính mình một cách rất bình thường, đừng làm dáng làm điệu. Có một bọn đầu hói không phân biệt được thế nào là tốt xấu, nói rằng mình thấy thần thấy quỷ, chỉ Đông vẽ Tây, cầu mưa cầu tạnh, bọn này quyết chắc sẽ phải trả nợ đã vay, và sẽ có ngày trước mặt Diêm Vương nuốt hòn sắt nóng. Con cái nhà lành có thể bị bọn dã hồ tinh mị này mê hoặc, một ngày nào đó bọn ấy cũng sẽ phải trả nợ tiền cơm tiền gạo, không tránh thoát được đâu.’

2- Thiền Sư khai thị chúng như sau:

– Này các bạn tu, các vị rất cần tìm cầu cho được chánh kiến, phải biết đi hiên ngang trong thiên hạ để khỏi bị bọn yêu tinh nói trên mê hoặc. Con người cao quý nhất là con người vô sự! Chỉ cần đừng nghĩ đến chuyện tạo tác (đến chuyện sự nghiệp). Chỉ nên làm một con người bình thường. Nếu quý vị cứ nghĩ tới chuyện hướng ngoại tìm cầu và tính toán tức là quý vị đã sai lầm rồi vậy.

Hãy đừng cầu Bụt, Bụt chỉ là danh từ suông. Các vị có biết kẻ đi tìm cầu là ai không? Các Bụt và Tổ trong ba đời từ xưa nay cũng chỉ đi tìm Pháp. Ngày hôm nay các vị tham thiền học đạo cũng chỉ là để cầu Pháp. Được Pháp thì mới giải quyết xong, còn chưa thì vẫn còn luân hồi trong năm đường. Mà Pháp là gì? Pháp là pháp của tâm. Tâm không hình, thông suốt mười phương, có diệu dụng ngay trước mắt. Vì người ta không có đủ tín tâm nên mới nhận lầm danh từ và câu nói, hướng về phía văn tự để tìm cầu pháp của Bụt; cũng vì vậy cho nên mới bị xa cách với Pháp như trời xa đất.

Này các bạn tu, nếu tôi nói Pháp thì Pháp ấy là gì? Tôi nói Pháp của tâm địa, có thể giúp ta vào phàm vào thánh, vào tịnh vào uế, vào chân vào tục. Nhưng không phải cái chân tục phàm thánh nơi quý vị có thể được diễn bày bằng các danh từ và các ý niệm về chân tục phàm thánh. Với lại cái chân tục phàm thánh ấy không bao giờ tự gọi mình bằng các danh từ chân tục phàm thánh.

Này các bạn tu, nếu nắm được cái then chốt này thì nên áp dụng ngay vào đời sống hàng ngày. Đừng nên vướng vào danh tự. Tôi gọi đó là huyền chỉ (nguyên tắc mầu nhiệm).

Pháp của ông thầy tu núi này nói ra với pháp của người trong thiên hạ nói ra rất khác. Dù cho Văn Thù, Phổ Hiền có xuất hiện ra trước mặt, mỗi vị hiện một thân khác nhau đến hỏi pháp, thì vừa mở miệng nói ra ‘Bạch Hòa Thượng’ là tôi đã có thể nhận ra được chân tướng của họ rồi. Tôi cứ ngồi yên đây, hễ có ai tới gặp tôi là tôi liền nhận ra được chân tướng và tung tích của người ấy. Tại sao thế? Tại vì cái thấy của tôi khác: ngoài thì không kẹt vào ý niệm phàm thánh, trong thì không dựa vào những cái gọi là nguyên tắc căn bản, vì vậy cái thấy ấy được thông suốt, chẳng còn chỗ nghi ngờ.’

 

3- Thiền Sư khai thị:

– Này các bạn tu, trong Phật pháp không cần có sự dụng công (mệt nhọc). Nguyên tắc là bình thường vô sự (tenir dans l’ordinaire, sans affaires), mặc áo ăn cơm, đi tiêu đi tiểu, mệt thì đi nghỉ. Kẻ ngu có thể cười ta nhưng người trí sẽ hiểu ta. Cổ nhân nói: ‘Hướng ngoại để công phu, toàn là bọn ngu xuẩn.’ Các vị nên tùy nơi làm chủ, nơi nào cũng chân, không để cảnh duyên bên ngoài lôi kéo. Như vậy thì dù có tập khí ngàn xưa, có gây năm nghiệp vô gián thì tất cả cũng thành ra biển cả giải thoát. Người học đạo ngày nay, phần lớn đều không hiểu pháp, giống như con dê gặp gì cũng ăn, không phân biệt thầy tớ chủ khách. Những kẻ ấy lấy tâm tà vào đạo, sẵn sàng đi vào những nơi huyên náo, không thể gọi họ là người xuất gia chân chính. Họ chỉ là những người thế tục. Người xuất gia chân chính thì phải có được những chánh kiến bình thường: phân biệt được Bụt với Ma, Chơn và Ngụy, Phàm và Thánh. Được như thế mới gọi là chân xuất gia. Nếu không phân biệt được Ma với Bụt, thì chỉ xuất một gia này để vào một gia khác, gọi là chúng sanh tạo nghiệp, chưa được gọi là xuất gia. Bây giờ đây lại có một loại hiện tượng nữa gọi là hiện tượng Bụt Ma, đồng thể không phân biệt, như nước với sữa hòa lại. Nghe nói Ngỗng Chúa chỉ uống sữa. Các bạn tu mắt sáng thì theo tôi nên đánh ngã cả Ma lẫn Bụt, nếu quý vị còn có khuynh hướng yêu thánh ghét phàm thì quý vị sẽ còn phải chìm đắm trong biển sinh tử dài dài.’

Hỏi: ‘Thế nào là Bụt, thế nào là Ma?’

Thiền Sư đáp:

– Trong tâm của quý vị mà có một tư tưởng nghi ngờ (vô minh) thì đó là Ma. Nếu quý vị đạt tới tính vô sinh của vạn pháp, biết rằng tâm là huyễn hóa, thật ra không có một đối tượng nào, một hiện tượng nào có thật, đâu đâu cũng là thanh tịnh, thì đó là Bụt. Tuy vậy, người ta thường nghĩ là Bụt và Ma là hai cảnh giới nhiễm tịnh khác nhau. Theo cái thấy của tôi thì không có Bụt cũng không có chúng sinh, không có xưa không có nay, đạt được thì đạt ngay, không cần phải đi qua thời gian, không cần tu không cần chứng, không được không mất, trong bất cứ thời gian nào đều cũng không hề có một pháp nào khác biệt. Nếu có một pháp nào khác hơn, thì tôi nói pháp đó cũng chỉ là mộng, là huyễn, đó là tất cả cái gì tôi muốn nói.

Này các bạn tu, mỗi vị đang ngồi trước mặt tôi nghe pháp đây, ngay trong giờ phút hiện tại, đều là bản chất sáng tỏ rõ ràng, người nào cũng không bị ủng trệ, người nào cũng thông suốt mười phương, tự tại trong ba cõi, người nào cũng có thể tự do đi vào mọi cảnh giới không bị trở ngại, mỗi người trong thời gian một nháy mắt có thể thấu nhập pháp giới, gặp Bụt thì nói chuyện Bụt, gặp Tổ nói chuyện Tổ, gặp La-hán nói chuyện La-hán, gặp ngạ quỷ nói chuyện ngạ quỷ, rong chơi khắp mọi quốc độ để giáo hóa chúng sinh mà không cảm thấy một giây phút nào xa cách, ở đâu cũng thanh tịnh, ánh sáng soi thấu mười phương, thấy được vạn pháp là nhất như.

Này các bạn tu, ngày nay muốn làm một kẻ đại trượng phu thì phải tỏ ngộ được sự thật bản lai vô sự. Chỉ vì đức tin của quý vị chưa chín cho nên quý vị còn tiếp tục tìm cầu trong mỗi giây phút, bỏ đầu tìm đầu, không tự mình dừng lại được.

Các vị cứ hình dung những vị gọi là Bồ-tát viên đốn hiện thân, đi vào pháp giới, hướng về tịnh độ, ghét phàm yêu thánh mà xem. Nếu có những vị Bồ-tát như thế thì họ vẫn còn vướng vào sự nắm bắt và buông bỏ, trong tâm họ ý niệm về nhiễm tịnh vẫn còn. Theo kiến giải của Thiền, thì không thể như vậy. Cái mà tôi chủ trương là tất cả đều phải đang xảy ra ngay trong giờ phút này, không cần đợi tương lai. Trong giây phút hiện tại, thuốc và bịnh phải chữa trị lẫn nhau cùng một lúc, bởi vì thuốc và bịnh là hai cái tương đãi; ngoài ra không có cái gì khác gọi là có thật. Nếu thấy được như thế thì đó là người xuất gia chân thật, xứng đáng có thể được tiếp nhận phẩm vật cúng dường tương đương mười ngàn lạng vàng mỗi ngày.

Này các bạn tu, đừng để cho các bậc lão sư (giả mạo) đây đó ấn chứng bừa bãi để rồi đi rêu rao: ‘Tôi đã hiểu thế nào là thiền, tôi đã hiểu thế nào là đạo’, để rồi cứ biện luận thao thao như một dòng thác chảy. Tất cả những hành động đó chỉ là để tạo thêm nghiệp địa ngục. Nếu là người học đạo chân chính, thì ta không cần đi bươi móc những lỗi lầm của thế gian mà chỉ cần lập tức tìm cầu chánh kiến. Đạt được kiến giải chân chính tròn đầy mới gọi là thành công.

Hỏi: ‘Thế nào là chánh kiến?’

Thiền Sư đáp:

– Chánh kiến là thấy được tính cách thành, trú, hoại, không của các pháp khi quý vị đi vào phàm thánh, nhiễm tịnh, đi vào các quốc độ của chư Bụt bất kỳ ở đâu, đi vào lầu các của Di Lặc, đi vào pháp giới của Tỳ Lô Giá Na. Chánh kiến là thấy được các tướng không tới không đi, không sinh không diệt của các hiện tượng xuất thế, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết Bàn của Bụt. Chánh kiến là thấy được tường tận tướng Không của các pháp, rằng không pháp nào có thật khi quý vị đi vào pháp giới vô sinh, rong chơi trong các quốc độ, và đi vào thế giới hoa tạng. Chánh kiến là thấy rằng chính cái con người không cần chỗ tựa đang nghe pháp kia chính là mẹ của chư Bụt. Tại sao? Tại vì các đức Thế Tôn đều do chỗ không nương tựa mà phát sinh. Nếu ngộ được vô y thì thấy rằng bản chất của Bụt cũng là vô đắc. Thấy được như thế là chánh kiến. Người tu không hiểu, cứ chấp vào danh và cú, bị những danh từ như thánh, phàm, v.v.. làm trở ngại khiến cho mắt tuệ của họ không mở ra được, do đó họ không thấy được thực tại một cách rõ ràng. Mười hai thể tài của giáo lý cũng chỉ là để làm rõ sự thật này. Người tu chẳng hiểu mới hướng tới văn cú để vọng tìm kiến giải. Đó là thái độ đi tìm chỗ bám víu nương tựa, làm cho mình rơi vào vòng nhân quả, chưa có thể thoát khỏi vòng sinh tử trong ba cõi.

Nếu các vị muốn được tự do đi lại trong sinh tử thì hãy nhận diện cho được con người đang nghe pháp đây, tuy là vô hình, vô tướng, vô căn, vô bản, không có trú xứ, nhưng linh động hoạt bát vô cùng, có thể thi thiết ra muôn ngàn diệu dụng, mà công dụng nào cũng đều có tính cách vô trụ.

Trái lại, nếu càng có ý niệm tìm cầu thì càng cách xa, càng sai trái. Tôi gọi điều này là bí quyết (mầu nhiệm).

Các bạn tu, đừng tự đồng nhất mình với cái anh bạn mộng huyễn này, tại vì sớm muộn gì chàng ta cũng phải được trả lại trong tay quỷ vô thường. Trong thế giới này, các vị cần những gì để tìm giải thoát? Các vị chỉ cần một bát cơm, một manh áo, ngoài ra phải để hết tâm lực và thì giờ để tìm thiện tri thức, đừng phí uổng ngày giờ, đuổi theo sự vui chơi. Thì giờ quý báu, cuộc sống vô thường, nói chung là bốn đại (địa, thủy, hỏa, phong) và nói riêng là bốn tướng (sanh, trụ, dị, diệt) đều đang bức bách ta. Các vị bây giờ đây phải nhận diện bốn cảnh vô tướng để cho đừng bị hoàn cảnh lôi kéo.

Hỏi: ‘Bốn cảnh vô tướng là bốn cảnh nào?’

Thiền Sư đáp:

– Một niệm vô minh (nghi ngờ) nổi lên là quý vị bị đất làm chướng ngại.

Một niệm tham ái nổi lên là quý vị bị nước làm chướng ngại.

Một niệm sân hận nổi lên là quý vị bị lửa làm chướng ngại.

Một niệm hí hửng nổi lên là quý vị bị gió làm chướng ngại.

Nếu thấy được như thế thì quý vị không còn bị hoàn cảnh lôi kéo, ở đâu quý vị cũng sử dụng được hoàn cảnh, nổi lên ở phương Đông thì lặn xuống ở phương Tây, nổi lên ở phương Nam thì lặn xuống ở phương Bắc, nổi lên ở phía giữa thì lặn xuống ở phía bên, nổi lên ở phía bên thì lặn xuống ở phía giữa, đi trên nước như đi trên đất, đi trên đất như đi trên nước. Tại sao làm được như thế? Đó là tại vì quý vị đã thấy được bốn đại là như mộng như huyễn.

Này các bạn tu, cái kẻ đang ngồi nghe pháp đây không phải chỉ là bốn đại của quý vị, kẻ đó đang sử dụng được bốn đại mà bốn đại không sử dụng được kẻ đó. Thấy được như thế thì đi ở tự do. Theo cái thấy của tôi, là ta không nên chán ghét cái gì hết (hoặc yêu thích cái gì hết). Quý vị yêu cái thánh, ghét cái phàm phải không? Thánh chỉ là danh từ thánh. Có những hành giả leo lên núi Ngũ Đài Sơn để tìm đức Văn Thù. Làm thế là sai rồi. Trên núi Ngũ Đài Sơn làm gì có đức Văn Thù? Quý vị có muốn biết đức Văn Thù không? Văn Thù chính là cái diệu dụng trước mặt quý vị, xưa nay vẫn thế, ở đâu cũng không hề có sự nghi ngại. Đó là đức Văn Thù sống động. Cái ánh sáng vô phân biệt của mỗi niệm trong tâm của quý vị chiếu tới đâu thì đức Phổ Hiền chân thật hiện ra tới đó. Mỗi niệm trong tâm của quý vị mà không bị trói buộc, chỗ nào cũng tự do thì đó là tam muội của Bồ-tát Quan Thế Âm.

Ba cái ấy thay phiên nhau làm chủ và làm bạn. Khi xuất hiện thì cả ba đều xuất hiện, một là ba, ba là một. Thấy được như thế mới có khả năng học kinh học giáo.

 

4- Thiền Sư dạy chúng:

– Người học đạo thời nay cần có đức tự tin, đừng hướng ra ngoài mà tìm cầu. Tìm cầu như thế rốt cuộc chỉ vướng vào trần cảnh, không phân biệt được tà chính. Nói rằng có Bụt có Tổ thì đó cũng chỉ là những dấu tích trong kinh giáo. Thói thường thì khi có ai nêu lên một câu, một lời trong kinh ra, dù nghĩa lý là ẩn hay hiển, thì mình có khuynh hướng lập tức đặt ra nghi vấn, rồi nhìn trời nhìn đất, tìm tới kẻ khác mà tham vấn và càng tham càng thấy mờ mịt. Kẻ đại trượng phu là người không cần bàn vua bàn giặc, bàn thị bàn phi, bàn sắc bàn tài, không bỏ hết thì giờ vào sự đàm luận. Tôi đây, mỗi khi có người tới, dù người ấy xuất gia hay tại gia, tôi cũng nhìn thấy được tường tận gốc gác của kẻ ấy, nhận diện được rằng tất cả những âm thanh, danh từ và văn cú mà kẻ ấy đưa ra đều là mộng huyễn, và cũng thấy được con người thật của kẻ ấy, con người thật không bị trần cảnh làm chướng ngại. Cái cách nhìn này chính là tông chỉ huyền diệu của Bụt. Cảnh giới của Bụt không bao giờ tự xưng mình là ‘cảnh giới của Bụt.’ Chính cái con người học đạo vô y (không nương tựa bám víu) ấy mới chứng nghiệm được cảnh giới kia. Nếu có ai tới hỏi tôi về Bụt, tôi sẽ ứng hiện cảnh giới thanh tịnh; muốn hỏi tôi về Bồ-tát, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới từ bi; muốn hỏi tôi về Bồ Đề, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới tịnh diệu; muốn hỏi tôi về Niết Bàn, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới tịch tĩnh. Cảnh thì muôn ngàn sai khác, nhưng người thì không. Vì vậy cho nên ta có thể ứng vật hiện hình, như mặt trăng trong nước.

Này các bạn tu, nếu quý vị muốn đạt được pháp chân như thì phải trở nên một bậc đại trượng phu (con người lớn) mới được, còn nếu cứ yếu đuối và cứ tiếp tục thỏa hợp thì không bao giờ thành. Cũng như một cái bình rạn nứt không thể chứa được đề hồ. Nếu muốn làm pháp khí lớn thì phải cương quyết không để cho kẻ khác lường gạt, tới đâu cũng tự mình làm chủ (active sovereignty, not as a victim), đứng đâu mình cũng chân thật là mình (vrai, true). Có ai đến mình cũng không bị ảnh hưởng. Có một niệm nghi ngờ là ma vương đã thâm nhập. Đối với một vị Bồ-tát, nghi hoặc tức là cơ hội của Ma sinh tử. Khi cảnh vật hiện tới, thì phải quán chiếu. Phải tin ở diệu dụng đang có của tâm, thì sẽ thấy được vô sự. Mỗi niệm của quý vị có công năng sinh ra ba cõi rồi theo cảnh giới đó mà có sáu trần. Trong cái ứng dụng hằng ngày của quý vị, quý vị đang thiếu thốn cái gì? Trong một sát na, quý vị có thể đi vào nhiễm tịnh, đi vào lầu các Di Lặc, đi vào các cõi nước ba Mắt, rong chơi mọi nơi và chỉ thấy tất cả đều là giả danh (không danh).

Hỏi: ‘Các cõi nước của ba Mắt là gì?’

Thiền Sư đáp:

– Các vị và tôi đi vào cõi nước của Tịnh Diệu, mặc áo Thanh Tịnh, nói về Bụt Pháp Thân, rồi đi vào cõi nước Vô Sai Biệt, mặc áo Vô Sai Biệt, nói về Bụt Báo Thân, rồi đi vào cõi nước Giải Thoát, mặc áo Quang Minh, nói về Bụt Hóa Thân. Tất cả các cõi nước của ba Mắt ấy đều do nương tựa (y) vào thể và vào nghĩa mà biến hiện. Theo kinh luận, thì Pháp Thân là căn bản, Báo Thân và Hóa Thân là công dụng. Theo cái thấy của tôi thì Pháp thân không biết thuyết pháp. Vì thế cho nên cổ nhân nói: thân thì nương vào nghĩa mà thành lập, độ thì căn cứ vào thể mà luận bàn (cái thân được thành lập do ý nghĩa người ta gán cho chúng. Các độ chỉ có mặt đứng về phương diện thể tánh của chúng mà thôi) (thân y nghĩa lập, độ cứ thể luận); thân của pháp tánh và độ của pháp tánh như thế rõ ràng đều là những pháp được kiến lập. Các cõi nước cũng như thế, đều nương vào nghĩa và vào thể mà thiết lập, tất cả đều chỉ là lá vàng và nắm tay không mà người ta sử dụng để gạt trẻ thơ!

Tất cả chỉ là như trái tật lê và gai ấu, toàn là chuyện đi tìm những giọt nước mát trong một mảnh xương khô. Ngoài tâm không có pháp, trong tâm cũng không có pháp, vậy quý vị đi tìm gì?

Các vị, đâu đâu người ta cũng nói tới đạo, rằng có tu thì có chứng. Đừng lầm. Dù có tu chứng đi nữa thì cái đó cũng chỉ là nghiệp sinh tử. Nói mình tu lục độ vạn hạnh, tôi thấy đó cũng là tạo nghiệp. Cầu Bụt cầu Pháp là tạo nghiệp địa ngục, cầu Bồ-tát cũng vậy, học kinh học giáo cũng là tạo nghiệp. Bụt và Tổ sư là những người vô sự. Đối với các bậc ấy, hữu lậu hay hữu vi, hoặc vô lậu hay vô vi, đều là nghiệp ‘thanh tịnh.’

Có một bọn đầu sói mắt mù, ăn no liền ngồi xuống thực tập thiền quán, nắm giữ tâm niệm không cho phát khởi, chán ồn ưa tĩnh: phép thực tập của họ chẳng qua chỉ là pháp ngoại đạo. Có vị Tổ sư đã nói: ‘Những kẻ tập trung tâm ý để quán chiếu cái tịnh rồi lấy tâm quán chiếu bên ngoài, hoặc nhiếp tâm lắng lại bên trong, ngưng tâm vào định, những kẻ ấy đều đang tạo tác. Còn quý vị, những người đang ngồi đó để nghe pháp, quý vị làm thế nào để con người của quý vị có thể tu, có thể chứng, có thể trang nghiêm tốt đẹp? Con người của quý vị không thể tu, không thể chứng, không thể trang nghiêm! Nếu dạy người ta trang nghiêm được thì cái gì mà không trang nghiêm được? Đừng lầm!

Này các bạn tu, nếu các bạn nắm bắt lấy những lời của các hạng thiền sư ấy rồi cho đó là chân đạo, cho rằng đó là những bậc thiện tri thức bất khả tư nghì, còn mình là tâm phàm phu không dám đo lường các bậc tôn túc ấy, thì quả thật các vị là những kẻ đui mù. Đó là thứ thành kiến mặc cảm mà quý vị sẽ mang theo suốt đời, và như thế là quý vị cô phụ đôi mắt của chính mình quá! Quý vị như một con lừa con đứng trên băng giá và đang run lên cầm cập: ‘Tôi không dám hủy báng các bậc thiện tri thức đâu, tôi sợ tạo thành khẩu nghiệp.’ Này các bạn tu, chỉ khi nào mình là một vị thiện tri thức lớn mình mới dám hủy Bụt báng Tổ, chỉ trích cuộc đời, mới dám bài xích giáo điển trong tam tạng, mới dám la mắng người khác như la mắng con nít, mới có thể trong các hoàn cảnh thuận nghịch tìm ra được con người. Cho nên trong mười hai năm qua, ngó lại đời mình, cố tìm cho ra một cái gì có tính chất của nghiệp báo, dù nhỏ như hạt cải mà tôi cũng không tìm ra được. Chúng ta thường chỉ gặp những vị thiền sư giống như các cô dâu mới về nhà chồng, cứ nơm nớp sợ sẽ bị người ta đuổi ra khỏi chùa, không cho ăn cơm. Cũng vì thế mà họ chẳng có an cũng chẳng có lạc. Các bậc tiền bối có tinh thần tiên phong từ xưa đến nay đi đâu cũng bị người ta không tin mà lại còn bị xua đuổi. Cái đó mới là cái quý. Chứ nếu đến đâu ai cũng tin cũng công nhận ngay thì làm được cái gì? Vì vậy cho nên một khi con sư tử rống lên là lập tức con dã can vỡ óc.

Này các bạn tu, ở đâu người ta cũng nói có đạo để tu, có pháp để chứng. Các vị nói chứng pháp gì, tu đạo gì? Trong đời sống của quý vị hiện nay, quý vị đang thiếu thốn cái gì, quý vị muốn tu bổ chỗ nào nữa? Những sư bé sanh sau đẻ muộn vì không hiểu thấu chỗ ấy cho nên cứ mãi chạy theo bọn chồn hoang tinh mỵ, cứ để cho bọn này huyên thuyên nói ra những điều có công năng ràng buộc kẻ khác, cho rằng ‘lý hành phải tương ứng, ba nghiệp phải hộ trì’ mới có thể thành Bụt. Họ cứ tiếp tục nhai đi nhai lại những điều như thế, giống hệt như mưa dầm dai dẳng mùa Đông.

Cổ đức có dạy: ‘Giữa đường gặp người đạt đạo, tốt nhất là đừng nói chuyện tu với họ.’

Cũng vì vậy cho nên lại có người nói:

‘Nếu ta có ý tu đạo, thì đạo sẽ chẳng để cho ta tu. Rồi đủ các thứ cảnh giới tà vạy sẽ dành nhau sinh khởi. Một khi lưỡi gươm trí tuệ rút ra thì sẽ không còn một vật gì nữa. Vì khi bên sáng còn chưa xuất hiện thì bên tối đã thành sáng rồi.’

Và cũng vì vậy cho nên cổ nhân nói: ‘Tâm bình thường là đạo.’

Này các vị đại đức! Các vị đang đi tìm gì? Trong giây phút hiện tại, các vị đang ngồi trước mặt tôi nghe pháp, sáng rỡ và rõ ràng, không cần nương tựa vào đâu cả, các vị không thiếu thốn gì hết mà phải đi tìm cầu.

Nếu quý vị muốn giữa quý vị và chư Bụt chư Tổ không có gì khác thì quý vị phải thấy điều này, đừng có nghi ngờ gì nữa, đừng có sai lầm gì nữa. Nếu cái thấy này cứ được tiếp tục duy trì như thế mãi (tâm tâm bất dị) thì quý vị là những vị Tổ sống. Nếu cái thấy ấy không còn được như thế (tâm nhược hữu dị) thì giữa tánh và tướng sẽ có sự phân biệt. Sở dĩ tâm không khác cho nên tánh và tướng mới không bị phân biệt ra làm hai.

Hỏi: ‘Thế nào gọi là cái thấy được tiếp tục (tâm tâm bất dị)?’

Thiền Sư đáp:

– Đặt câu hỏi là đã có sự phân biệt (sự sai khác) rồi, và làm cho tánh tách rời khỏi tướng.

Này các bạn tu, xin đừng lầm. Tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian đều không có tự tánh, đều là vô sinh, cho nên chúng chỉ là giả danh (tên gọi suông), chính cái tên cũng là trống rỗng. Tại sao quý vị lại nhận cái danh làm cái thật? Như vậy là lầm lớn.

Giả sử có gì đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là những biểu hiện nương dựa vào nhau, gọi là y (y tha). Bồ Ủề cũng thế mà Niết Bàn cũng thế, giải thoát cũng thế, mà Ba Thân cũng thế. Cảnh trí (connaissance des objects) cũng thế mà Bồ-tát hay Bụt cũng thế, đều là những cảnh do y biến. Quý vị tìm cái gì nơi những cảnh giới Bụt được biểu hiện trên sự nương tựa (vào nhau) đó? Tam thừa và mười hai thể tài giáo pháp cũng chỉ là giấy vệ sinh. Bụt là thân huyễn hóa, Tổ là những vị tỳ kheo già. Quý vị có phải do mẹ mình sinh ra hay không? Đi tìm Bụt quý vị sẽ bị ma Bụt hớp hồn, đi tìm Tổ sẽ bị ma Tổ trói buộc. Các vị càng cầu càng khổ, tốt hơn hết là chỉ nên vô sự. Có một bọn thầy tu đầu sói hay nói với người học đạo: ‘Bụt là mục tiêu tối hậu (cứu cánh). Phải tu trong ba a-tăng-kỳ-kiếp lớn (ba đại vô lượng kiếp) cho công thành quả mãn thì mới thành Bụt được.’ Này các bạn tu, nếu nói Bụt là cứu cánh, là mục tiêu tối hậu, thì tại sao chỉ mới có tám mươi năm đã phải nằm nghiêng giữa hai cây sala trong rừng Song Lâm tại thành Câu-thi-na mà chết? Bụt bây giờ ở đâu? Cho nên ta phải biết rõ ràng Bụt cũng sinh tử như ta, không khác. Nếu nói có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp là Bụt, thì hóa ra Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Bụt sao? Cho nên phải biết rằng tất cả đều là huyễn hóa. Cổ nhân bảo: ‘Như Lai hiện thân tướng, vì chiều theo thế gian, sợ người sinh đoạn kiến, tạm thiết lập giả danh. Tạm gọi băm hai tướng, tám mươi cũng hư thanh, có thân không giác thể, vô tướng mới chân hình.’

Các vị nói Bụt có sáu thần thông không thể nghĩ bàn. Vậy thì chư thiên, chư thần tiên, các loài A-tu-la và các loài quỷ có sức mạnh lớn, vì có thần thông cho nên họ là Bụt cả hay sao? Các bạn tu, các bạn chớ lầm! Khi đoàn A-tu-la giao chiến với quân trời Đế Thích bị thua, cùng với 8.400 quyến thuộc núp vào trong một lỗ củ sen, họ có thần thông như vậy, liệu họ có là Bụt là Thánh chăng? Theo chỗ tôi nói thì tất cả những cái đó chỉ là thần thông của nghiệp và thần thông của sự nương tựa (nghiệp thông, y thông).

Sáu phép thần thông của Bụt rất khác. Bụt đi vào cảnh giới của Sắc mà không bị sắc mê hoặc, đi vào cảnh giới của Thanh mà không bị thanh mê hoặc, đi vào cảnh giới của Hương mà không bị hương mê hoặc, đi vào cảnh giới của Vị mà không bị vị mê hoặc, đi vào cảnh giới của Xúc mà không bị xúc mê hoặc, đi vào cảnh giới của Pháp mà không bị pháp mê hoặc, tại vì Bụt đã đạt tới cái thấy là sáu cái (sắc, thanh, hương vị, xúc và pháp) đều biểu hiện tính Không (không tướng) và những cái ấy đều không thể ràng buộc người tu không bám víu (vô y đạo nhân). Những người tu này tuy vẫn còn mang chất liệu hữu lậu của năm uẩn mà đã có thể thực hiện được phép lạ là đi trên mặt đất (địa hành thần thông).

Này các bạn tu, Bụt chân thật thì vô hình, Pháp chân thật thì vô tướng.

Tại sao quý vị lại nương vào trên cái huyễn hóa mà tạo tác ra những mô hình để nắm bắt? Dù có nắm bắt được cái gì đi nữa, thì cái ấy cũng chỉ là chồn hoang tinh mỵ, không phải là Bụt chân thật, mà chỉ là kiến giải của ngoại đạo. Người tu chân chính thì không nắm bắt Bụt, nắm bắt Bồ-tát, A la hán, không nắm bắt những cái gì gọi là hay đẹp nhất trong ba cõi. Người ấy một mình thong dong, không bị sự vật nào câu thúc. Dù trời đất có đảo ngược tôi cũng không bị một chút nghi hoặc nào làm cho ngần ngại. Dù cho chư Bụt mười phương có xuất hiện trước mặt thì tôi cũng không khởi một tâm vui mừng. Dù cho địa ngục và ba đường dữ xuất hiện trước mặt tôi thì tôi cũng không khởi một niệm sợ hãi. Tại sao thế? Tại vì tôi đã thấy được tướng không của các pháp, khi biểu hiện gọi là có, khi không biểu hiện gọi là không, ba cõi đều do tâm, vạn pháp đều do thức. Cũng vì vậy cho nên tất cả đều là mộng huyễn, đều là hoa đốm giữa hư không, tại sao ta phải đi tìm bắt cho mệt nhọc?

Duy chỉ có con người thật của các bạn đang có mặt nghe pháp trong giờ phút này và ngay ở đây mới có thể đi vào lửa mà không bị cháy, đi vào nước mà không bị trôi, đi vào địa ngục và ba đường mà như đi du ngoạn trong công viên, đi vào giới ma đói và súc sinh mà không nhận chịu quả báo. Tại sao như thế? Tại vì các vị không kỳ thị bất cứ một cái gì. Nếu quý vị còn yêu thánh ghét phàm thì quý vị sẽ còn bị nổi chìm trong biển sinh tử. Phiền não do tâm mà có, nếu vô tâm thì phiền não làm sao trói buộc được ta? Không mất công phân biệt, không kẹt vào tướng thì tự nhiên chứng đắc được đạo quả ngay trong khoảnh khắc.

Nếu các vị cứ bôn ba chạy đi tìm người mà học đạo thì dù có học hỏi trong vô lượng kiếp cuối cùng cũng vẫn còn qua lại trong cõi sinh tử. Chẳng bằng làm một con người vô sự, đi vào chùa, xếp bằng lại mà ngồi.

Này các bạn tu, giả dụ có kẻ học nhân từ nơi khác đến tham học. Sau khi chủ khách đã trông thấy nhau, khách bèn nói ra một câu để thăm dò vị thiện tri thức đang ngồi trước mặt. Kẻ ấy ném ra một câu hiểm hóc vào khóe miệng của vị thiện tri thức, có ý muốn hỏi: ‘Thầy có hiểu cái này chăng?’ Nếu vị thiện tri thức biết đó là một cái đối tượng (cảnh) thì ông ta sẽ nắm ngay lấy cái đó và liệng nó vào trong hố. Vị học nhân sẽ tìm lại được thái độ bình thường của mình, và sẽ xin vị thiện tri thức nói lên cho một lời. Vị thiện tri thức cũng sẽ làm như đã làm, và sẽ chặt đứt được luôn cái ý muốn tìm cầu mới này. Lúc đó vị học nhân sẽ nói: ‘Thầy thật là một vị thượng căn thượng trí, là một vị đại thiện tri thức.’ Và vị thiện tri thức sẽ nói: ‘Đạo hữu hoàn toàn chẳng phân biệt được cái gì tốt cái gì xấu.’

Hoặc vị thiện tri thức có thể đưa ra một đối tượng (cảnh) và đùa bỡn với vị học nhân. Vị học nhân có khả năng nhận diện được rằng đó chỉ là một đối tượng (cảnh), không để mình rơi vào trong cái bẫy của đối tượng đó và từ tư thế khách ông chuyển ra đứng vào tư thế chủ. Vị thiện tri thức bây giờ thị hiện nửa thân, và vị học nhân hét. Vị thiện tri thức cũng có thể lại sử dụng những thứ ngữ ngôn trăm lối của mình mà dằn mặt vị học nhân. Nhưng vị học nhân có thể nói: ‘Cái ông thầy sói đầu này chẳng biết phân biệt được cái gì tốt cái gì xấu.’ Vị thiện tri thức liền ca ngợi: ‘Ngươi thật là một người tu học chân chính.’

Đó đây có những vị thầy (thiện tri thức) không có khả năng biện biệt được tà chính. Khi có học nhân tới hỏi về cảnh trí của Bồ Đề, Niết Bàn và Ba Thân, các vị lão sư mù này liền tìm mọi cách giải thích. Bị các vị học nhân kia chê trách, họ liền lấy gậy đánh, nói rằng đã đi học đạo mà còn vô lễ. Thật ra, quý vị cũng đừng giận họ, bởi vì họ tuy được gọi là thầy mà chưa có con mắt tuệ, thế thôi.

Có một bọn sói đầu không biết được tốt xấu ra sao, cứ chỉ Đông trỏ Tây, ưa mưa thích tạnh, khen chiếc đèn lồng này đẹp hay cây trụ kia xinh. Nhìn họ xem, để coi lông mày của họ còn có bao nhiêu sợi! Những cơ sự như thế xảy ra không phải là không có nguyên do. Kẻ học nhân không hiểu, cho nên tâm trí bị mê cuồng. Những kẻ đó hoàn toàn là một bọn chồn hoang tinh mị. Những bậc học nhân chân chính thấy họ thì khúc khích cười chê, nói rằng bọn sói đầu mù mắt này chỉ gây rối loạn và mê hoặc trong nhân gian.

Này các bạn tu! Những người xuất gia còn trẻ thì cần phải học đạo; tôi đây (hồi còn trẻ) ngày nào cũng lưu tâm học hỏi giới luật và uy nghi, và đã từng nghiên cứu tìm hiểu và tham vấn không biết bao nhiêu kinh luận. Sau một thời gian tôi mới biết đó chỉ là những phương dược cứu đời, được diễn bày qua hình thức lý thuyết. Vì vậy cho nên tôi đã nhất thời buông bỏ tất cả để đi tham vấn và thực tập thiền. May mắn vì gặp được các bậc thiện tri thức lớn cho nên tôi mới có được con mắt đạo để có khả năng nhìn thấy rõ ràng, nhận ra được ai thật sự là những vị cao túc đang có mặt trên đời, ai là giả dối. Cái thấy này không phải tự mình có được từ khi mẹ mình sinh ra, mà là một cái thấy do sự mài dũa, luyện tập, thể nghiệm và nghiên tầm rồi một mai tự mình chứng ngộ.

Này các bạn tu, nếu các bạn muốn có được kiến giải đúng theo sự thật thì đừng để cho người khác mê hoặc. Bất cứ nội hướng hay ngoại hướng, hễ gặp cái gì thì đừng sợ hãi mà phải tìm cách diệt ngay cái đó. Gặp Bụt thì giết Bụt, gặp Tổ thì giếp Tổ, gặp A-la-hán thì giết A-la-hán, gặp cha mẹ thì giết cha mẹ, gặp thân quyến thì giết thân quyến, như vậy mới giải thoát được. Đừng để cho sự vật trói buộc thì ta mới có thể ung dung tự tại.

Trong số các bạn tu bốn phương, chưa từng có một người nào tới đây mà không mang theo một cái gì mà họ đang vướng mắc phải. Ông thầy núi là tôi đây hễ nhận ra được cái đó thì đánh liền. Nếu họ diễn tả cái ấy bằng tay thì tôi đánh vào tay, nếu họ diễn tả cái ấy bằng miệng thì tôi đánh vào miệng, nếu họ diễn tả cái ấy bằng mắt thì tôi đánh vào mắt. Chưa có một ai tới mà chứng tỏ được rằng mình có độc lập tự do, tất cả đều vướng vào những cái bẫy sập của cổ nhân giăng ra. Tôi đây, tôi không có pháp nào để hiến tặng cho quý vị cả. Tôi chỉ giúp trị bệnh và cởi trói cho quý vị.

Các vị học giả từ các nơi tới, quý vị hãy thử đừng nương tựa vào bất cứ một vật nào xem! Tôi muốn bàn bạc với các vị. Từ mười lăm năm nay, tôi thực sự chưa gặp được một (con) người, chỉ gặp toàn những hồn ma nương tựa vào tre vào gỗ, vào cỏ vào lá, những con chồn hoang tinh mị đang gặm nhấm loạn xạ trên những đống phân. Thật là những bọn mù. Họ chỉ làm uổng phí những phẩm vật cúng dường của tín thí mười phương. Kiến giải của họ chỉ nghèo nàn như thế đó, vậy mà họ cứ tuyên bố: ‘Chúng tôi là những người xuất gia.’

Tôi muốn nói với quý vị rằng không có Bụt, không có Pháp, không có Tu cũng không có Chứng. Quý vị đi tìm cầu cái gì từ nơi người khác? Quý vị thiếu thốn cái gì? Đừng làm như những kẻ đui mù, trên cái đầu của mình lại muốn đặt thêm một cái đầu khác. Này các bạn tu, trong giờ phút này, cái diệu dụng của quý vị không có khác gì cái diệu dụng của Tổ của Bụt cả. Chỉ vì quý vị không có niềm tin cho nên quý vị mới đi tìm cầu bên ngoài. Đừng có lầm lẫn. Không có pháp nào ở ngoài để tìm, không có pháp nào ở trong để đạt. Chi bằng nên nghe lời tôi, hãy nghỉ ngơi đi và thực tập làm một người vô sự. Cái gì đã phát khởi, đừng để cho nó tiếp tục; cái gì chưa phát khởi, đừng để cho nó phát khởi. Làm được như thế còn có giá trị hơn mười năm đi hành cước.

Theo cái thấy của tôi thì quý vị có cần phải làm gì đâu, chỉ nên sống cho bình thường thôi. Hãy mặc áo, ăn cơm, ngày này qua ngày khác làm một người vô sự. Các vị từ bốn phương tới đây đều nghĩ rằng mình là những người có tâm cầu Bụt, cầu Pháp, cầu giải thoát, cầu ra khỏi ba cõi. Đồ ngu. Ra khỏi ba cõi thì quý vị đi đâu? Bụt và Tổ đều là những danh từ mà người ta ưa thích, để người ta sử dụng mà trói buộc chính mình. Quý vị có biết ba cõi là gì không? Ba cõi chính là đất tâm của chính quý vị, những người trong giây phút này đang ngồi đây nghe pháp. Một niệm tham dục của quý vị phát khởi, đó là dục giới. Một niệm sân hận của quý vị phát khởi, đó là sắc giới. Một niệm nghi ngờ của quý vị phát khởi, đó là vô sắc giới. Những cái ấy đều là bàn, ghế, chiếu, giường đang có mặt trong căn nhà của quý vị. Ba cõi không bao giờ tự nói rằng ‘chúng tôi là ba cõi.’ Chính quý vị đang có mặt tại đây với cái tinh minh sáng chói chiếu rõ muôn vật, chính quý vị là người ước lượng thế giới và cho ba cõi mỗi cõi một cái tên.

Này các vị đại đức! Sắc thân bốn đại này là vô thường, kể cả tỳ, vị, gan, mật, tóc, lông, răng, móng. Nếu nhìn vào, ta chỉ thấy tướng Không của các pháp. Khi quý vị ngưng lại được mọi ý niệm thì đó đã là cội Bồ Đề. Nếu ý niệm mà chưa ngưng được thì đó là cây vô minh. Vô minh không có chỗ ở, không có thỉ chung, nếu quý vị không ngưng được tâm ý thì quý vị sẽ leo lên cây vô minh, đi vào sáu nẻo, chui qua bốn cách thọ sinh để mang lông và đội sừng. Nhưng nếu quý vị ngưng được thì quý vị đạt ngay tới thế giới của pháp thân thanh tịnh. Đạt được trạng thái một niệm không sinh (nhất niệm bất sinh) thì quý vị leo lên được trên cây Bồ Đề, biến hóa thần thông trong ba cõi, sử dụng hóa thân sinh ra từ ý (ý sinh thân), đạt được pháp hỷ và thiền duyệt, hào quang nơi thân sẽ bắt đầu tự chiếu, nghĩ tới cái mặc thì sẽ có ngàn muôn lớp áo gấm sa, nghĩ tới cái ăn thì sẽ có đầy đủ hàng trăm hảo vị và quý vị sẽ không bao giờ lâm vào các chứng bệnh ngặt nghèo. ‘Bồ Ủề không có chỗ ở (trú xứ) vì vậy cho nên gọi nó là vô đắc.’

Này các bạn tu, là bậc đại trượng phu (con người lớn), các vị còn nghi ngờ gì nữa? Cái diệu dụng đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, đó là ai vậy? Nắm được nó để sử dụng, và đừng bị kẹt vào danh tự, cái đó gọi là huyền chỉ (tông chỉ huyền diệu). Ai thấy được như thế, kẻ ấy không còn bị một cái gì làm trở ngại. Người xưa nói: ‘Tâm tùy vạn cảnh mà đổi thay, và cái đổi thay này đâu có gì là lạ? Hãy tùy theo sự thay đổi ấy mà nhận ra tự tánh của mình, nhận ra được rồi thì vượt thoát cả mừng lẫn lo.’

 

5- Này các bạn tu, theo kiến giải của thiền tông, thì sống chết là lẽ tuần hoàn (trong vũ trụ). Ta cần phải để hết tâm ý trong khi tham vấn. Khi chủ và khách gặp nhau, thế nào cũng có lời qua tiếng lại. Hoặc ứng hiện ra những hình tướng khác nhau, hoặc sử dụng toàn thân mà đối phó với đương sự. Có khi lại sử dụng những phương tiện cơ quyền như mừng giận, hoặc hiện nửa thân, hoặc ngồi trên lưng sư tử hay trên lưng voi chúa…

Trong trường hợp một học nhân đích thực thì người này có thể hét lên hoặc đưa ra một cái bẫy (bình keo) trước mặt vị thiện tri thức. Nếu vị này không nhận ra được cái ‘cảnh’ ấy mà lại rơi vào trong cái bẫy, cứ nương vào cái ‘cảnh’ ấy đặt ra đủ thứ mô hình, thì vị học nhân lại có thể hét lên nữa. Nếu vị thiện tri thức còn chưa chịu buông bỏ, thì đó thật là trường hợp của một bệnh nan y. Trường hợp này gọi là trường hợp khách khán chủ.

Hoặc giả vị thiện tri thức chẳng đưa ra cái gì hết, mà cứ đợi kẻ học nhân đưa ra cái gì thì đoạt lấy cái đó. Kẻ học nhân có thể tuy bị tước đoạt tất cả những gì mình muốn đưa ra mà vẫn còn chống cự lại, chết vẫn không chịu buông ra. Trường hợp này là trường hợp chủ khán khách.

Hoặc giả kẻ học nhân đứng trước vị thiện tri thức đưa ra một đối tượng (cảnh) thanh tịnh. Vị thiện tri thức nhận ra được đối tượng ấy, nắm lấy và liệng xuống hầm sâu. Vị học nhân liền nói: ‘Thầy quả là một vị thầy lớn.’ Vị thiện tri thức trả lời: ‘–i chà, anh chẳng biết cái gì là tốt cái gì là xấu.’ Vị học nhân bèn lạy xuống. Trường hợp này gọi là chủ khán chủ.

Hoặc kẻ học nhân trình diện trước vị thiện tri thức như một người có mang gông cùm. Vị thiện tri thức thấy thế liền đem tới và đeo thêm cho vài cái gông và vài cái cùm khác. Vị học nhân vui mừng quá đổi đến nỗi không phân biệt được (ai là chủ ai là khách). Trường hợp này gọi là khách khán khách.

Này các vị đại đức! Những gì tôi vừa nói chỉ là để giúp quý vị nhận diện được ma quái và tà đạo, và phân biệt được tà chính.

Này các bạn tu, chân lý khó đạt tới, Phật pháp rất u huyền, tuy nhiên ta vẫn có thể đi vào các lãnh vực ấy để đạt được kiến giải. Ngày này qua ngày khác, tôi chỉ ngồi đây mà thuyết giảng và đánh phá, nhưng hầu hết bọn họ có chịu để ý đâu. Ngàn lần vạn lần họ vẫn tiếp tục dẫm chân lên những vùng đất đen tối, không nhận ra được một cái gì rõ ràng, độc lập, chiếu sáng. Chỉ vì các vị còn thiếu đức tự tin, cứ đi tìm kiến giải trên chữ nghĩa văn cú. Nửa đời người đã đi qua (nửa cõi trăm năm đã đi qua) mà cứ vẫn còn ỷ lại vào kẻ khác, tiếp tục khiêng tử thi của chính mình như một gánh nặng mà đi trong cõi nhân gian. Có ngày thế nào họ cũng sẽ phải trả tiền giày dép!

Này các vị đại đức! Khi nghe tôi nói rằng ngoài kia không có pháp gì để tìm cầu cả, thì lại có những kẻ học nhân hiểu lầm, nghĩ rằng phải đi tìm ở bên trong. Họ ngồi xuống bất động, quay mặt vào tường, lưỡi dán vào đóc họng, cho rằng đó là pháp môn của Bụt, của Tổ. Họ lầm to! Nếu quý vị cho cái tĩnh (cảnh thanh tịnh bất động) là đạo thì quý vị đã nhận cái vô minh là ông chủ. Người xưa đã nói: ‘Lẵng lặng là cái hầm sâu đen ngòm, thật là dễ sợ.’ Nếu ngược lại, quý vị nhận cái động là đạo thì hóa ra các loài cây cối đang động đậy ngoài kia đều là đạo hay sao? Động là phong đại, bất động là địa đại, động và bất động cả hai đều không có tự tính. Nếu quý vị muốn tìm nó trong cái động, nó sẽ đứng trong cái tĩnh; nếu quý vị muốn tìm nó trong cái tĩnh, nó sẽ đứng trong cái động, giống như con cá trong dòng suối đang vỗ sóng nhảy lên.

Này các vị đại đức, động và bất động chỉ là hai cảnh giới: con người tu không vướng mắc (vô y đạo nhân) có thể sử dụng cả động và bất động.

 

6- Như tôi đây, khi có học giả tới, thì tôi sử dụng ba phép quyết đoán để đối phó với ba loại căn cơ. Nếu người có căn cơ dưới trung bình tới, tôi sẽ đoạt cảnh của họ, nhưng không đoạt pháp của họ. Nếu người có căn cơ trên trung bình tới, tôi sẽ đoạt cả cảnh cả pháp của họ. Nếu là người có căn cơ bén nhạy tới, tôi sẽ không đoạt cảnh cũng không đoạt pháp cũng không đoạt người. Nếu là người có kiến giải vượt bực tới, tôi sẽ sử dụng toàn thân để đối phó, mà không liệt họ vào một loại căn cơ nào cả.

Này các vị đại đức! Trong trường hợp này, pháp lực của kẻ học nhân sẽ không để cho một ngọn gió nào đi qua và tốc độ của pháp lực ấy lửa đá và điện quang cũng không vượt qua được. Vị học nhân ấy chỉ cần chớp mắt là đã đánh mất sự tương giao, chỉ cần khởi ra một niệm là đã đi vào sự sai trái. Có hiểu được hay không là chỉ ngay trong giây phút đó mà thôi.

Này các vị đại đức, các vị mang bát, mang túi và mang một khúc ruột già đầy phân đi tới người ta để tìm cầu Phật và Pháp, quý vị có biết ai là kẻ đang đi tìm cầu ấy không? Đó là một kẻ sống động, linh hoạt, không vương vào dây mơ rễ má nào cả, lùa thì không vào, xua cũng không đi, chạy tìm thì nó càng lúc càng xa, không tìm thì nó đứng ngay trước mặt, tiếng nói của kẻ ấy đang vọng ngay vào tai quý vị. Không có đủ niềm tin nơi đây thì thật phí cả một cuộc trăm năm.

Các bạn tu, chỉ trong một khoảnh khắc là ta có thể đi vào cảnh giới của Hoa Tạng, đi vào cảnh giới của Bụt Tỳ Lô Giá Na, đi vào các quốc độ của giải thoát, của thần thông, của thanh tịnh, đi vào pháp giới, đi vào uế, đi vào tịnh, đi vào phàm, đi vào thánh, đi vào ngạ quỷ súc sinh và nơi nào ta cũng không tìm kiếm ra được cái gọi là sinh tử. Tất cả đều chỉ là danh từ suông (không danh), là hoa đốm huyễn hóa trong hư không, không đáng để ta nhọc công đi tìm bắt. Lúc đó thì ta sẽ buông bỏ được hết tất cả mọi cái đắc, thất, thị và phi.

Này các bạn tu, cái thấy về Phật pháp của tôi, tôi đã tiếp nhận từ các hòa thượng Ma Cốc, Đan Hà, Đạo Nhất, Lô Sơn và Thạch Đầu. Sự trao truyền của truyền thống này đã phổ biến trên thiên hạ, nhưng vì chưa tin nhận được nên nhiều người còn nhạo báng. Như ý chỉ của Tổ Đạo Nhất, thuần nhất và không tạp loạn như thế, mà cả ba trăm năm mươi người tới học cũng không nắm bắt được. Tổ Lô Sơn thảnh thơi và chính chân như thế, nắm vững được cả hai chiều thuận nghịch như thế, mà đệ tử cũng còn hoang mang không thăm dò được bờ mé của trí tuệ ngài. Tổ Đan Hà cũng vậy, đùa giỡn với hạt châu, khi ẩn khi hiện, kẻ học nhân tới không ai là không bị Tổ la mắng. Hành tung của Tổ Ma Cốc thì đắng như vỏ cây Hoàng bá, ai đến gần cũng không được. Tổ Thạch Củng thì bí quyết là tìm người trên đầu một mũi tên làm cho ai nấy cũng đều sợ hãi. Còn cái cách hành xử của ông thầy tu núi là tôi đây thì đó là sự thành hoại chân thực (chân chính thành hoại). Tôi đùa bỡn với sự thần biến tâm linh, tôi đi vào được trong tất cả mọi cơ cảnh, và ở đâu tôi cũng duy trì được (bản lĩnh của mình là) vô sự, cảnh không bao giờ đoạt được tôi. Nếu có ai tới tìm, tôi sẽ đi ra nhìn người ấy. Kẻ ấy không biết tôi. Tôi liền mặc áo vào. áo có nhiều thứ. Kẻ học nhân nhìn thấy áo, trong tâm liền phát sinh kiến giải, kẹt ngay vào ngôn cú của tôi. Tội nghiệp cái ông thầy đui mù không mắt này quá đi; ông ta nhận lầm cái áo là tôi, cho tôi là hoặc vàng hoặc xanh hoặc trắng hoặc đỏ. Thấy thế tôi mới cởi hết áo đi và để lộ cái ‘thanh tịnh’ ra. Vị học nhân thấy thế, liền sinh tâm vui mừng và ham muốn. Tôi liền cởi bỏ luôn cái áo ‘thanh tịnh’ ấy ra nữa. Bấy giờ kẻ học nhân thất kinh, hoang mang, cuống cuồng bỏ chạy, nói rằng tôi ‘trần truồng như nhộng.’ Tôi mới nói với kẻ ấy: ‘Chú có biết cái con người mặc áo trong tôi là ai chưa?’ Hốt nhiên kẻ kia quay đầu lại và nhận ra tôi.

Này các vị đại đức! Các vị đừng có kẹt vào cái áo. Áo là bất động, chỉ có người mới có thể mặc áo. Có cái áo thanh tịnh, có cái áo vô sinh, có cái áo Bồ Đề, có cái áo Niết Bàn, có áo Tổ, có áo Bụt.

Các vị đại đức, nếu những cái đó chỉ là âm thanh, danh từ và văn cú thì tất cả đều chỉ là những chiếc áo được biến hiện ra, vận dụng từ huyệt khí hải dưới rốn đi lên làm hàm răng lách cách phát ra thành câu, thành ý, nên biết rõ những thứ ấy chỉ là trò huyễn hóa.

Này các đại đức, bên ngoài là hành động phát ra âm thanh ngôn ngữ, bên trong là tâm tư làm phát sinh ý niệm, tất cả đều chỉ là những loại áo. Tại sao các vị lại nhận những cái áo ấy làm kiến giải chân thật? Nếu cứ tiếp tục như thế thì dù có tu trải qua muôn vạn kiếp nhiều như vi trần thì cũng chỉ là để hết mặc áo này lại mặc áo khác (chưa phải là thần thông mà chỉ là y thông), chưa thoát ra được luân hồi sinh tử. Tất cả đều không bằng thực tập vô sự. ‘Gặp nhau không biết nhau, trò chuyện tên chẳng biết.’

Đời nay, người tu không đạt được đạo cũng vì cứ nhận lầm danh tự làm kiến giải. Họ ghi chép lại những câu nói, những lời lẽ của các ông già đã chết vào trong một cuốn sách lớn, đem cất dấu trong bốn năm lớp túi vải, không cho ai nhìn thấy, cho những điều ghi chép trong đó là ‘huyền chỉ’, rồi cất dấu bảo trọng. Lầm to! Này bọn mù kia, trong những khúc xương khô ấy, các anh tìm sao cho ra một giọt nước mát? Có một bọn không biết thế nào là xấu tốt, từ trong giáo pháp rút ra những huyền đàm lý luận, chế thành văn cú lý nghĩa, giống như bỏ vào miệng những cục phân rồi nhả ra và mớm lại cho kẻ khác, chẳng khác gì người thế tục chơi trò chuyền miệng. Một đời đi qua oan uổng, vậy mà cứ nói ‘ta là người xuất gia.’ Khi có kẻ đến tham vấn về Phật pháp, chúng ngậm miệng, không nói nên lời, hai mắt mở ra, thất thần và đen ngòm như những chiếc ống khói, còn miệng thì trệ xuống như thể một chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu. Những kẻ như thế thì dù Bụt Di Lặc có ra đời bây giờ đi nữa, họ cũng bị đày đi các thế giới khác hoặc bị gửi xuống địa ngục để nhận chịu quả báo đau khổ.

Này các vị đại đức, các vị bôn ba khắp nơi để tìm kiếm cái gì cho đến nỗi hai bàn chân của quý vị bành ra như thế? Có Bụt đâu mà tìm, có Đạo đâu mà thành, có Pháp đâu mà đắc? Bụt với các tướng tốt mà bạn đang đi tìm ấy không giống bạn đâu. Muốn tự biết bản tâm bạn, thì phải thấy được Bụt với bạn không hợp cũng không ly.

Này các bạn tu, chân Phật vô hình, chân Đạo vô thể, chân Pháp vô tướng, cả ba pháp ấy dung hợp nhau làm thành một. Ai không thấy được điều này thì còn là chúng sinh với nghiệp thức mang mang.

Hỏi: ‘Xin Thiền Sư khai thị cho chúng con: chân Phật là gì, chân Pháp là gì, chân Đạo là gì?’

Thiền Sư đáp:

– Bụt thật (chân Phật) là sự thanh tịnh của tâm mình. Pháp thật (chân Pháp) là ánh sáng của thân mình. Đạo thật (chân Đạo) là ánh sáng thanh tịnh vô ngại (chiếu soi) khắp chốn. Ba cái là một; cả ba đều là giả danh mà không thật có. Người học đạo chân chính thì phải duy trì chánh niệm về ba đối tượng ấy một cách miên mật. Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn-độ sang đây, chỉ cốt đi tìm kiếm cho được một con người không bị kẻ khác làm mê hoặc. Cuối cùng ngài gặp được Huệ Khả, Tổ thứ hai. Chỉ với một câu nói thôi ngài đã giúp cho Tổ Huệ Khả giác ngộ và thấy rõ rằng tất cả công phu trước đó đều là vô dụng. Theo cái thấy của tôi, thì chúng ta không khác gì Tổ và Bụt, hiểu ngay được câu đầu thì ta trở thành bậc thầy của Tổ và Bụt, và nếu đến câu thứ hai ta mới hiểu thì ta cũng có thể trở thành bậc thầy của loài người và loài trời. Nhưng nếu đến câu thứ ba mới hiểu thì ta tự cứu ta cũng còn chưa được huống hồ là mong làm thầy thiên hạ.

Hỏi: ‘Tổ Bồ Đề Đạt Ma qua đây có ý gì?’

Thiền Sư đáp: ‘Nếu đã có ý, thì tự cứu mình cũng chưa được (huống hồ để độ người).’

Hỏi: ‘Nếu không có ý, thì làm sao Tổ thứ hai đắc pháp được?’

Thiền Sư đáp: ‘Đắc tức là vô đắc.’

Hỏi: ‘Nếu đắc quả là bất đắc, thì làm sao lại có cái ý ‘bất đắc’?’

Thiền Sư đáp:

– Cũng vì đi tìm tâm khắp nơi mà không ngưng được, cho nên Tổ mới nói: ‘Ôi hay! Kẻ trượng phu kia! Sao ngươi có đầu rồi mà còn đi tìm đầu mãi vậy?’ Nghe được câu nói ấy mà biết đem ánh sáng trở về soi chiếu tự tâm, không còn tìm cầu cái gì khác nữa, thì mình biết được thân và tâm mình không khác gì với thân và tâm của Tổ và Bụt, và ngay trong giây phút này đạt được trạng thái vô sự. Cái đó mới gọi là đắc pháp.

Này các đại đức! Trong giờ phút này đây vì vạn bất đắc dĩ cho nên tôi mới nói ra những lời nói không mấy tao nhã. Quý vị đừng có vì vậy mà hiểu lầm tôi. Theo cái thấy của tôi thì thật ra chẳng có đạo lý gì để cho ta thuyết giảng. Nếu cần làm gì thì cứ làm đi, nếu không thì cứ nghỉ ngơi đi cho khỏe.

Khắp nơi người ta nói lục độ vạn hạnh là Phật pháp, còn tôi thì tôi nói đó chỉ là những phương tiện điểm trang, những phương tiện để mình làm Phật sự chứ chưa phải là Phật pháp. Cho đến những việc như trì trai, giữ giới, bưng một bát dầu đừng để nó sóng sánh rơi ra một giọt,… tất cả những cái ấy nếu không có khả năng làm cho con mắt đạo của quý vị sáng ra thì rốt cuộc quý vị cũng phải bị người ta đòi trả tiền cơm nước như thường. Tại sao?

‘Vào đạo không thông lý

Luân hồi đền tín thí

Trưởng giả tám mươi mốt

Cây khô ra mộc nhĩ’

Dù cho quý vị có ở một mình trên đỉnh cô phong, mỗi ngày ăn một bữa, ngồi thiền suốt đêm, không đặt lưng xuống, tu tập sáu thời một ngày tinh chuyên, thì quý vị cũng chỉ là những người đang tạo nghiệp. Dù cho quý vị có bố thí cả quốc thành, thê tử, đầu, mắt, tủy não, voi ngựa, bảy báu, mọi thứ đều đem ra cho hết thì những cái ấy rốt cuộc cũng chỉ làm đau nhức thân tâm, đem về những quả báo khổ đau. Tất cả đều không bằng làm một kẻ vô sự, thuần nhất, không tạp loạn. Cho dù các vị Bồ-tát đã đi qua mười địa có muốn đem hết tâm mình mà đi tìm dấu vết của một người tu vô sự như thế cũng không tìm ra được. Sở dĩ người ấy được chư thiên ca tụng, được Địa thần nâng gót, được chư Bụt mười phương xưng tán, là tại vì sao? Tại vì những người tu ấy, ngay trong giây phút hiện tại, đang ngồi đây nghe pháp mà đang không để lại dấu vết gì.

Hỏi: ‘Bụt Đại Thông Trí Thắng ngồi trong đạo tràng trong mười kiếp liên tục mà Phật pháp không biểu hiện trước mắt, và ngài không thực hiện được Phật đạo.’ Câu ấy có nghĩa gì?

Thiền Sư đáp:

– Đại Thông có nghĩa là ở đâu cũng tự mình đạt tới được sự thật vô tánh và vô tướng của vạn pháp. Trí Thắng có nghĩa là ở đâu cũng không có một niệm nghi hoặc, không thấy mình có đắc bất cứ một pháp nào. Bụt có nghĩa là sự thanh tịnh của tâm, ánh sáng (của sự thanh tịnh) ấy thấu triệt được cùng pháp giới. Mười kiếp liên tục ngồi ở đạo tràng chính là mười ba la mật. Phật pháp không biểu hiện trước mắt có nghĩa là Phật vốn không sinh, Pháp vốn không diệt, thì làm sao biểu hiện trước mắt? Không thực hiện được Phật đạo có nghĩa là Bụt đâu có cần thành Bụt nữa. Cổ nhân nói: ‘Bụt thường ở thế gian mà không nhiễm pháp thế gian.’ Này các bạn tu, nếu quý vị muốn làm Bụt thì đừng tùy thuộc vào vạn vật. Tâm sinh thì mọi pháp sinh, tâm diệt thì mọi pháp diệt, một tâm không sinh, thì các pháp không làm gì mình được nữa.

Trong thế gian cũng như ngoài thế gian (xuất thế gian) chẳng có Bụt mà cũng chẳng có Pháp, không thật sự có trong giây phút hiện tại mà cũng chẳng sẽ là không trong tương lai. Dầu nói có cái gì đi nữa, thì đó cũng chỉ là những danh ngôn và chương cú, chỉ có tác dụng tiếp dẫn được bọn con nít. Phương tiện thiết lập ra như thuốc để trị bệnh, sự biểu hiện danh cú có ra là vì thế. Với lại danh cú không tự gọi mình là danh cú. Chính quý vị đang có mặt đây trong giờ phút này với cái linh giác thấy, nghe sáng rỡ như một ngọn đuốc chiếu sáng kia, chính quý vị mới là người đã an bày ra tất cả các danh cú.

 

7- Các vị đại đức, phải tạo ra năm nghiệp vô gián thì mới được giải thoát.

Hỏi: ‘Năm nghiệp vô gián là gì?’

Thiền Sư đáp:

– Năm nghiệp vô gián là giết cha, giết mẹ, làm Bụt chảy máu, chia rẽ tăng đoàn và thiêu đốt linh tượng. Cha ở đây có nghĩa là vô minh. Nếu quý vị ngưng được sự tìm cầu, dù cho trong một khoảnh khắc, cái sinh khởi và cái hoại diệt (của các Pháp) như tiếng vang âm hưởng với hư không, nếu quý vị trong trường hợp nào cũng vô sự được, thì đó là đã giết được cha vô minh. Mẹ đây là sự tham ái. Nếu quý vị trong khi đi vào cõi Dục để tìm cầu đối tượng của sự tham ái mà có thể, dù cho trong một khoảnh khắc, thấy được rằng các pháp đều Không và bất cứ nơi đâu cũng được vô trước, đó gọi là giết được mẹ tham dục. Bụt ở đây là sự vướng mắc vào các kiến giải phân biệt. Nếu quý vị đi vào trong pháp giới thanh tịnh mà không làm phát sinh những kiến giải phân biệt, dù chỉ trong một sát na, tới đâu cũng giữ được trí vô phân biệt của mình, đó là quý vị đã làm Bụt (của biến kế sở chấp) chảy máu. Tăng đoàn ở đây là sự vướng mắc vào các ý niệm phiền não và sở y. Nếu quý vị đạt được cái thấy là tất cả các phiền não và kết sử đều Không và chẳng có chỗ nương tựa (sở y), thì dù chỉ trong một khoảnh khắc, quý vị cũng đã phá được tăng đoàn của phiền não, kết sử và sở y. Kinh tượng ở đây là những ý niệm về nhân duyên, về tâm và về pháp. Nếu quý vị, dù chỉ trong một khoảnh khắc, thấy được tính Không của nhân duyên, của tâm và của pháp và đoạn trừ được tất cả những khái niệm mình có về nhân duyên, về tâm và về pháp, đó là quý vị đã thiêu đốt được các kinh tượng của khái niệm, của tâm và của pháp.

Này các vị đại đức! Nếu làm được như thế, các vị sẽ không còn bị kẹt vào các danh từ phàm và thánh.

Quý vị trong mỗi ý niệm đã quen nhìn vào nắm tay không và ngón tay chỉ, cho đó là sự thật, dựa trên căn cảnh mà hình dung ra các pháp hư ngụy không thật có. Các vị có mặc cảm tự ty, cho nên chỉ biết khúm núm co rút mình lại, và tiếp tục nói: ‘Ta chỉ là một kẻ phàm phu, còn vị ấy là một bậc thánh nhân.’ Bọn trọc đầu ngu ngốc kia ơi! Tại sao các ngươi lại chạy đi hối hả tìm cái chết bằng cách đội lốt sư tử lên đầu để kêu thành tiếng của những con dã can như thế? Là kẻ đại trượng phu mà tại sao các ngươi không thở ra được khí phách của kẻ đại trượng phu? Những gì đã có sẵn trong nhà mình mà mình không tin, lại cứ đi tìm kiếm ở những nhà khác? Tại sao lại cứ sa vào cái bẫy danh cú của cổ nhân, hết nương vào âm lại tựa vào dương, rốt cuộc chẳng tự mình đạt được gì cả. Gặp hoàn cảnh nào cũng bám vào, gặp đối tượng nào cũng nắm bắt, tiếp xúc tới đâu thì bị lừa gạt tới đó, quý vị không hề có tiêu chuẩn nhận thức nào cả.

Các bạn tu, các bạn đừng bị kẹt vào lời nói của ông thầy tu núi này. Tại sao? Tại vì những lời tôi nói không thực sự có nền tảng nào cả, đó chỉ là những bức vẽ nhất thời trên không gian, dù chúng là những hình tượng có màu có sắc. Này các bạn tu, đừng lấy Bụt làm tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo tôi thì cái quan niệm ta có về Bụt ấy đó cũng như một cái hố xí, và theo nghĩa đó, Bồ-tát và La-hán cũng chỉ là những kẻ đem tới gông cùm. Vì vậy cho nên mới có hiện tượng Văn Thù mang gươm tới giết Cồ Đàm và Ương Quật Ma đem đao tới chém Thích Ca.

Này các bạn tu, Bụt không phải là cái gì mà quý vị có thể nắm bắt được, cho đến giáo lý ba thừa, năm tánh, đốn giáo, viên giáo, tích môn, bản môn… Tất cả chỉ là thuốc và bệnh cùng hiện khởi đối lập nhau nhất thời, không phải là những pháp có thật. Mà dù cho có cái gì đi nữa thì đó cũng chỉ là những cái giả bày như có thật, những biểu hiện tạm thời dưới dạng văn tự để cho công chúng có tạm thời mà sử dụng. Chỉ nói thế thôi!

Này các bạn tu, có một bọn thầy tu thực tập hướng nội công phu, nghĩ rằng mình đang mong cầu pháp xuất thế. Họ lầm. Cầu Bụt thì mất Bụt. Cầu Đạo thì mất Đạo. Cầu Tổ thì mất Tổ. Các đại đức! Đừng lầm. Tôi không cần quý vị giải thích kinh luận cho hay, không cần quý vị làm quốc vương hay đại thần, tôi không cần quý vị biện giải thao thao như một dòng sông, tôi cũng không cần quý vị trở thành những bậc thông minh và trí tuệ. Tôi chỉ cần quý vị có được kiến giải chân chính. Nếu quý vị có giảng giải được một trăm bộ kinh luận đi nữa thì quý vị cũng không bằng được một ông thầy tu tầm thường mà vô sự. Giảng giải được kinh luận một cách thao thao chỉ làm cho các vị thêm tự hào tự đắc và sinh ra khinh miệt kẻ khác. Đó cũng chỉ là tâm sự của bọn A-tu-la, chỉ nghĩ đến thắng bại. Vô minh và sự tranh chấp nhân ngã chỉ làm lớn lên cái nghiệp địa ngục. Tỳ khưu Thiện Tinh (Sunaksatra) đấy, thông giải được mười hai thể tài của kinh điển vậy mà vẫn phải rơi vào địa ngục như thường, không còn được ở lại trên trái đất. Hơn hết là nên vô sự và chấm dứt mọi tìm cầu, đói thì ăn, buồn ngủ thì nhắm mắt lại, kẻ ngu có thể cười ta, nhưng người trí sẽ hiểu được ta.

Này các bạn tu, đừng đi tìm cầu gì trong văn tự để cho tâm mình thêm động, trí mình thêm mệt và phổi mình phải hớp vào những luồng khí lạnh, vô ích. Chi bằng thấy được trong một khoảnh khắc rằng các hiện tượng duyên khởi là vô sinh và siêu việt được cả các vị Bồ-tát quyền học trong ba thừa.

Các vị đại đức, đừng chần chừ cho qua ngày tháng. Ngày xưa, khi chưa thấy đạo, còn đang ở trong vùng mờ mịt đen tối, tôi đã không lúc nào dám làm biếng, bầu máu nóng trong người luôn luôn thúc đẩy tôi bôn ba đi tham cầu học đạo. Sau đó nhờ đạt được trí lực, bây giờ mới có dịp ngồi đây nói chuyện với quý vị. Tôi khuyên quý vị là đừng vì chuyện cơm áo và danh lợi mà để thì giờ đi qua. Gặp được thiện tri thức là một điều hy hữu, cũng giống như gặp hoa ưu đàm đang độ nở, lâu lắm mới có một lần. Có những vị từ khắp nơi về đây nghe nói có lão già Lâm Tế, liền tìm tới định vấn nạn thử giăng bẫy để lừa tôi nói ra những lời ngôn giáo, nhưng các vị ấy đã thất bại. Và khi lão tăng này đã đưa toàn thân ra để phơi bày công dụng, thì quý vị ấy ngồi đó hai mắt tráo trưng, miệng câm như hến, hoang mang đến nỗi không biết trả lời tôi ra sao. Tôi xin nói cho quý vị biết: với sức dẫm đạp của rồng voi thì lừa ngựa không thể nào chịu nổi.

Các vị ấy đã đi khắp nơi, đã trỏ ngực vỗ sườn, nói rằng mình hiểu thiền hiểu đạo. Nhưng các vị ấy đã không thể không tới đây, có khi đi thành hai người, có khi đi ba người một lúc, nhưng rốt cuộc tới đây họ cũng chẳng phô trương được một cái gì cả. Úi chà! Các vị cứ khiêng cái thân và cái tâm ấy của quý vị đi khắp nơi để khua tung hai mảnh da môi, lừa gạt dân trong xóm, coi chừng có ngày sẽ bị ăn thiết bổng. Bọn họ không phải là thật người xuất gia đâu, kỳ thực họ đang bị lùa về cảnh giới A-tu-la. Chỗ chí lý của đạo không phải là dùng lý luận để đề cao giáo lý của mình và để chinh phục người đạo khác. Chư Bụt và chư Tổ nối tiếp nhau cũng (đi theo tinh thần này và) không có chủ đích nào khác. Nếu các ngài có thiết lập ngôn giáo thì những ngôn giáo này cũng chỉ nằm trong những mô thức giáo hóa đưa người vào các phạm trù ba thừa, năm tánh và quả báo trời người. Giáo pháp viên đốn thì không như thế. Đồng tử Thiện Tài thật ra chưa từng đi qua một cuộc tham vấn tìm cầu nào cả.

Các vị đại đức! Đừng sử dụng tâm ý một cách lầm lạc. Biển lớn không bao giờ chấp nhận tử thi. Mang gánh nặng của tâm lý tìm cầu mà rong ruổi khắp nơi trong thiên hạ, điều này chỉ gây thêm chướng ngại cho cái thấy của chính tâm mình. Nếu mặt trời không bị mây che thì khắp nơi bầu trời được chiếu sáng. Mắt không bị dụi thì sẽ không có hoa đốm trong hư không.

Này các bạn tu! Nếu các bạn muốn sống theo tinh thần của Pháp thì chỉ cần chấm dứt nghi ngờ. Triển khai ra thì ôm lấy cả pháp giới, thu vén lại thì tơ tóc cũng không dung, một mình sáng rỡ, chưa từng thiếu thốn. Cái mà tai không nghe, mắt không thấy, ta gọi nó là cái gì? Người xưa nói: Nói nó là một vật thì cũng không đúng. Quý vị hãy tự mình quán chiếu xem có cái gì khác hơn không? Nói mãi cũng không cùng, mỗi người phải tự nỗ lực. Xin chào quý vị!