Sơn Cốc mùa trăng
Thầy Minh Hy
(Thưởng thức một tuần làm biếng ở Sơn Cốc)
Chân Minh Hy
Chỗ tôi đang ngồi viết đây là trước cái lò củi ở Sơn Cốc, đêm nay là đêm cuối tôi ở Sơn Cốc, sáng mai tôi về lại Xóm Thượng rồi. Một tuần ở đây thật thú vị. Tôi chẳng làm gì hết. Chỉ có mặt và để cho năng lượng bình an ở đây thấm vào lòng.
Có bốn huynh đệ cùng đi chung. Thầy Pháp Đường đã về chiều hôm qua, thầy Pháp Siêu, thầy Pháp Linh đã về hai hôm trước, chỉ còn tôi ở lại. Chỉ có tôi là ăn cơm mỗi ngày ba bữa, còn ba Thầy kia thì nhịn đói theo phương pháp thanh lọc cơ thể. Ban đầu tôi không biết, cho nên đem đồ ăn trong một tuần cho cả tôi và thầy Pháp Đường, ai dè thầy cũng nhịn đói luôn, làm tôi tự nấu tự ăn một mình. Cũng vui. Nhưng sau đó thì lại vui hơn, vì ngày nào cũng được qua ăn cơm với Sư Ông. Thế là đồ ăn dư lại càng dư nữa. Tôi thì có tính hay mắc cỡ, ngại đi ăn cơm nhà người khác lắm! Sư Ông là Thầy mà, tại sao mình mắc cỡ nhỉ? Biết vậy mà vẫn mắc cỡ như thường, hồi nhỏ đã vậy rồi mà, tôi chưa đi ăn cơm của một nhà hàng xóm nào.
Tôi nhớ có một bữa đó, đang đi thiền hành thì bụng đói, lại nhớ các anh em ở Sơn Hạ nữa. Nghĩ rằng, lâu quá chưa được ngồi ăn cơm với các anh em ở Sơn Hạ, hôm nay mình xuống ăn cơm một bữa đi! Vậy là tôi rẽ lối đi xuống Sơn Hạ. Đến nơi rồi thì mới biết là mắc cỡ quá, biết là huynh đệ của mình đó mà không dám vào. Nghĩ bụng, chắc là chuông chưa thỉnh… nhưng chuông đã thỉnh rồi kìa, sao không có ai gọi mình một tiếng nhỉ! Thế là tôi đi một vòng quanh Sơn Hạ, rồi vác cái bụng đói đi về. Biết rứa đừng xuống cho rồi. Mắc cỡ đúng là khổ thiệt!
Tôi nghe sư em Chiêu Nghiêm kể, lúc đầu sư em làm thị giả cho Sư Ông thì căng thẳng lắm, thấy mệt quá chừng, sau một ngày làm thị giả thì về nằm thừ người ra (bây giờ sư em Chiêu Nghiêm làm thị giả quen rồi). May mà tôi chưa làm thị giả, chỉ nội một việc ngồi ăn cơm với Thầy thôi mà chẳng tự nhiên chút nào. Cơm cũng để Thầy xới cho, đồ ăn cũng để Thầy gắp cho. Nghĩ bụng, chắc bữa sau phải trốn thôi. Ngại quá đi. Nhưng ngày nào Thầy cũng cho thị giả qua gọi, trân quý cái tình của Thầy cho nên tôi lại đi. Có một bữa chiều, Thầy qua phòng và gọi: “Minh Hy qua đây chơi con!” Nghe Thầy gọi mà nhẹ cả người, qua chơi thôi chứ không phải qua ăn cơm. Ai ngờ, Thầy nói qua chơi, tức là qua ăn cơm đó. Thầy dễ thương thiệt!
Bây giờ thì tôi tự nhiên hơn chút xíu rồi. Có thể tự xới cơm cho mình và cho Thầy được rồi. Biết gắp đồ ăn cho các sư em nữa. Thầy thật là khéo, ở với Thầy một tuần thì thấy mình tự nhiên hẳn ra, thấy gần gũi nữa là khác. Chỉ có điều lúc đầu hơi bị ngố chút xíu. Thầy xới cơm thì ăn cơm, Thầy gắp thức ăn cho thì cũng cứ rứa mà ăn thôi. Cho đến một bữa, đang lúc ăn cơm Thầy nói: “Con gắp thức ăn cho sư em con”. Đó là cái tình anh em đó, là không khí của một gia đình đó mà. Trong câu nói đó tôi chợt hiểu ý của Thầy, “cái tình Thầy đã trao cho con rồi đó, con nhớ trao lại cho các sư em con”. Thưa Thầy, con đã hiểu, con sẽ trao lại cho các sư em của con.
Tôi chưa bao giờ thấy ở đâu mà có cái tình Thầy – trò đẹp như ở đây. Nó mộc mạc, nó chân tình nhưng sao mà sâu lắng khó quên. Trong một tuần này tôi cũng được đọc hồi ký của Thầy, đó là một niềm hạnh phúc nữa. Người học trò nào cũng muốn biết thêm về Thầy mình, nhưng hiếm khi có những người học trò có được may mắn đó. Ngoài việc đọc hồi ký, tôi dành thời gian đi dạo quanh vườn, đi để nghe suối chảy, nghe chim hót và nghe tiếng gió reo qua rừng tre. Bước chân tôi nhờ vậy mà thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Tôi cũng có thời gian ngồi nhìn lại mình hàng giờ bên bếp lửa. Ở đây, lò sưởi điện bị hỏng cho nên anh em tôi đốt củi cả ban ngày lẫn đêm về, để chơi với ánh lửa và để sưởi ấm. Ngồi yên như vậy, tôi nhìn lại mình, nhìn lại sự tu học của mình ở Làng trong ba năm qua, nhìn lại con đường mà mình đang đi, nhìn lại tâm tư tình cảm của mình, cách mình xây dựng tình huynh đệ… Như người học trò kia, sau một năm học tập thì ôn lại bài để chuẩn bị cho một kỳ thi; còn tôi thì ngồi ôn lại những cái ấy, điều chỉnh một chút xíu trước lúc đi xa.
Vậy, đây cũng là quê hương của mình nữa rồi. Đáng lẽ ra phải nói là về quê hương chứ, mà về quê hương thì đâu có nói “đi xa” được. Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi thuộc về nó và nó ở trong tôi lúc nào chẳng hay.
Tôi chép lại bài thơ này như là một kỷ niệm của tôi với Sơn Cốc.
Ta về Sơn Cốc
Mùa trăng dạo ấy
Tình đẹp như mây
Nhẹ tợ khói lam chiều
Mái tranh quê
Gọi về bao con trẻ
Bữa cơm chiều
Nhẹ gửi mối tình riêng
Tình thật đẹp
Như trăng kia ngời sáng
Dạ một lòng
Xin giữ mãi về sau.
Sơn Cốc ơi! Ta sắp đi. Đi là để trở về, nhớ là để thương nhau nhiều hơn.
Sơn Cốc 11.03.2012